Tháng Bảy, mưa rả rích.
Tóc đã pha sương
sao vẫn còn nhớ hoài Má, nhớ mãi Ba.
sao vẫn còn nhớ hoài Má, nhớ mãi Ba.
Có những hình ảnh chẳng thể nào quên...
Tặng má tôi, tặng Ngoại
của các con.
Với hai bầu thúng cao gần cả thước, cùng cái đòn gánh có mũi cong
vác ngược, những người bán cốm miệt mài suốt ngày. Họ len lỏi khắp các
xóm. Từ những con hẻm nhỏ lầy lội đến phố chợ đông đúc, giọng rao của họ
vẫn gọn gàng một tiếng “ Cốm”, chẳng ngọt ngào, dịu nhiễu như các gánh
hàng khác mà trái lại còn có vẻ cộc cằn. Ấy vậy mà những ngày còn nhỏ,
gánh cốm là món quà vặt yêu thích của tôi. Tiếng rao đó giật tôi dậy vào
giấc ngủ trưa, kêu mời khi tôi đang mải mê với đống đồ chơi. Tất nhiên
người bán cốm không rao quá hai lần ở cùng một con đường ngắn. Vì vậy,
dù đang làm gì tôi cũng vứt bỏ mọi thứ, chạy ào vào kêu Ngoại:
- Ngoại ơi, cốm.
Ba mẹ đi làm suốt ngày. Sau giờ học, tôi được Ngoại chăm sóc từ miếng
ăn cho đến cái mặc. Ngoại chiều chuộng tôi cũng vừa phải, nhưng có mục
“cốm” là Ngoại chưa bao giờ từ chối. Bận việc, Ngoại cũng bỏ qua một
bên, rửa tay, và kêu với ra, cũng bằng một tiếng chắc nịch:
-Cốm.
Người bán Cốm nhanh nhẹn quay trở đòn gánh. Hai cái bầu thúng bí mật mở
ra trước tôi cơ man cốm, mùi ngọt ngào thơm ngát. Hai miếng cốm nhẹ
tênh trên tay tôi. Trong lúc tôi đang bóc ăn ngon lành thì Ngoại ngồi
xổm bên cái bầu thúng trò chuyện với người bán hàng.
-Sao dạo ni không làm cốm bắp cho chút gừng?
-Năm ni bắp thua. Mắc hơn. Với lại trong ni chẳng biết ăn cốm bắp trộn gừng như ngoài mình mô.
-Rứa bán đủ sống không?
-Thì đắp đổi qua ngày. Ráng dành dụm chút để Tết về quê.
Ngoại thở dài:
- Ừ, lang thang kiếm ăn xứ người thì buồn lắm, cực lắm.
Có những hôm bà hàng Cốm hỏi trước:
- Mệ ni nói tiếng Quảng chắc vô ở với con?
Ngoại gật đầu:
-Ừ, già rồi thì tựa con cái mà.
- Bà có phước, tui cũng hai thứ tóc mà còn bôn ba thế ni, có cực lòng chưa?
-Rứa mụ vô đây làm ăn, ở nhờ nhà bà con?
Người bán cốm nhìn ra xa, mặt dàu dàu:
- Bà con chi nờ. Dân bán cốm nghe đồn trong Sài Gòn có người cùng quê
giàu có lắm làm nghề bánh cốm. Cốm bỏ mối không lấy tiền thế chưn còn
thuê nhà cho ở chung. Sáu giờ sáng, xe cốm chạy tới, phân hàng cho mình
bán, chiều tối họ tới lấy tiền. Bán không hết trả lại, chờ mai lấy cốm
mới. Nhờ vậy tụi tui mới sống được. Gia tài chỉ có đôi bầu gánh nầy.
Hoặc giả đó là câu chuyện về làng xóm, ruộng vườn.
Riết rồi tôi quen ăn cốm, còn Ngoại nghiện chuyện trò với người cùng
quê bán cốm. Một già, một trẻ, mỗi trưa lại ngóng gánh hàng cốm.
Rồi
năm tháng qua.Tôi lớn lên, được Mẹ cho tiền ăn quà. Tôi có thể tự mua
những món quà vặt mình thích ở nhan nhản các hàng quán ven đường từ nhà
đến trường. Món cốm nếp, cốm gạo trở nên khô khan khó nuốt so với cà
rem, cốc, ổi tươi mát. Tôi không còn thích cốm, và tôi cũng quên mất
những gánh cốm có tiếng rao cụt ngủn ban trưa.
Ngoại thì già thêm,
da nhăn, răng rụng dần, móm mém. Chỉ mình Ngoại không quên được gánh cốm
quen thuộc. Ngoại vẫn xem tôi như đứa trẻ ngày nào. Những trưa Chủ
Nhật, thứ Năm, Ngoại lại dắt tay tôi xuống đường đón gánh cốm. Nhưng tôi
đâu màng đến. Khi Ngoại bận đếm tiền trả thì tôi đã chạy đến chỗ tụi
bạn đang đánh bi đánh đáo mặc cho Ngoại kêu khan cả cổ. Ngoại đành chịu
thua, bỏ bà hàng cốm , đến chỗ tôi, nhét vào tay tôi mấy cái bánh cốm
nhẹ tênh. Ban đầu, tôi còn cầm lấy để Ngoại khỏi đứng cạnh nằn nì tôi
mãi. Nhưng món cốm sao hết cả vị ngon, tôi chỉ cắn vài miếng rồi bỏ quên
trong túi áo. Dần dà, tôi không muốn lấy cốm và cằn nhằn Ngoại:
-Con chưa muốn ăn đâu. Ngoại ăn đi.
Ngoại dỗ dành:
-Ăn đi cháu, ngon, lành bụng... Thôi, để Ngoại đem lên cất, chút nữa chơi xong cháu ăn nghe.
Thoát nạn, tôi gật đầu lia lịa:
-Được được, Ngoại đem lên nhà đi.
Những ngày phải đi học, Ngoại cũng không quên. Hôm nào về đến nhà, vừa
cất cặp sách, Ngoại lại chìa cho tôi miếng cốm trắng tươi:
- Cốm đây, con ăn đi. Đi học về chắc đói lắm.
Tôi hờ hững nhìn tấm cốm lắc đầu:
- Khô lắm, con không ăn đâu.
Ngoại ngần ngừ rồi cố nói thêm lần nữa:
-Ăn rồi uống nước cho lành bụng con.
Tôi vẫn bướng bỉnh:
-Không. Ngoại đừng mua nữa, con không ăn đâu!
Ngoại móc gói cốm lên cái đinh ở cánh cửa bếp. Cái cốm vẫn nằm nguyên
đó. Và một chiều đi học về, tôi thấy Ngoại đang móm mém nhai từng miếng
cốm khô. Thấy tôi, Ngoại chìa miếng còn lại:
-Ăn không cháu? Cái nầy mới nè.
Tôi định cầm cho Ngoại vui, nhưng vì không thích và vì sợ thấy tôi ăn Ngoại lại tiếp tục mua nửa nên tôi lẩn đi.
Nhưng gánh hàng cốm với Ngoại như có sợi giây thân tình nào đó ràng
buộc. Ngoại vẫn tiếp tục mua cốm, vì trên chiếc đinh ở cửa lúc nào cũng
lủng lẳng một hai cái cốm mới. Và thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp Ngoại móm
mém gặm những mẫu cốm cũ.
Dạo sau nầy mẹ tôi thường cằn nhằn với ba tôi:
- Má lẩm cẩm thiệt, cứ mua cốm miết cho thằng Dương. Khô quá, nó đâu có
ăn, má tiếc của cứ gặm, đau cả lợi. Nói má hoài, thằng Dương không ăn
thì vứt đi hoặc cho mấy đứa nhỏ hàng xóm. Nhưng má chẳng chịu ghe.
Tuổi nhỏ vô tình, tôi vẫn tiếp tục từ chối những cái cốm từ tay Ngoại, mặc cho Ngoại móm mém nhai từng chút cốm khô.
Đến một ngày. Ngoại nằm xuống vĩnh viễn.
Lúc đưa Ngoại lên xe tang, tôi thoáng thấy một gánh cốm tần ngần đầu xa.
Ngoại không còn nữa. Gánh cốm quen cũng không ngang qua ngõ nhà. Tôi
mỗi lần đi học về không còn thấy bóng Ngoại đón ở đầu ngõ với cái cốm
nhẹ tênh trên tay.
Qua những giờ vui chơi thỏa thích, khi các món
quà vặt đã tiêu hóa mạnh mẽ vì phí sức chạy nhảy, tôi chợt thấy thèm
miếng bánh cốm gạo khô, thèm bàn tay thương yêu của Ngoại che đầu tôi đỡ
nắng. Tôi đã đến quán quà vặt mua một cái cốm. Cốm vẫn nhẹ tênh, nhưng
sao không có cái cốm nào giống như cốm Ngoại đã cho tôi. Cái cốm mà mùi
thơm dịu nhẹ và vị ngọt của nó bao trùm lên cả người tôi để càng ngày
tôi càng có cảm giác khao khát mãi không thôi.
Giá như Ngoại vẫn còn
đây, hẳn tôi chẳng còn từ chối những cái cốm yêu thương. Tôi sẽ ăn cốm
để Ngoại vui trong những ngày cuối đời. Tôi sẽ không để Ngoại phải móm
mém gặm dần từng chút một. Tôi cứ tự nhủ lòng như vậy mỗi khi nhớ về
Ngoại. Nhưng chẳng bao giờ Ngoại còn trở lại dù nắng trưa vẫn rải đều
ngõ nhỏ, và thỉnh thoảng đâu đó ở một con đường lạ, tôi vẫn còn thấy
bóng dáng những gánh cốm với hai bầu thúng mầu nâu đen và tiếng rao lạ
lùng gợi trong tôi bóng mát tấm lòng Ngoại của suốt một thời thơ ấu.
KIM HÀI.
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.