Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Giàn Mồng Tơi Tím

Tôi bị bỏ đói dưới đất ẩm này ba hôm rồi đấy. Cái cậu bé thật nghịch. Cậu hái anh em chúng tôi từ một mé đường khô cằn hôm nào. Chúng tôi sống hoang sơ đầy tự nhiên tính với cha mẹ chúng tôi, những dây leo bò lây lất trên đất. Nhưng ở đó chúng tôi có tự do, tha hồ đùa với gió, làm bạn với mắc cỡ gai, cỏ ống, cỏ tranh, rau càng cua, rau dền, rau lang, rau sam dại… Cha mẹ chúng tôi hãnh diện sinh được những đứa con tròn trịa. Cha mẹ chúng tôi nưng niu từng bông hoa khi còn nhỏ, khẽ né những chiếc lá me yếu tay rơi từ trên cành cao xuống sợ trúng các con. Những bác côn trùng, sâu, bọ, ruồi, dế v.v… thì bận tiêu diệt lẫn nhau, không chút ngó ngàng đến tụi yếu ớt như chúng tôi. Một vài ông bò đi lạc cũng rứt vội mấy cọng cỏ úa rồi chê ngay. Chỉ có các gã dê là không tha một nhẻ mắc cỡ gai nào, chúng nhai ngon lành và thích thú. Mùa mưa đến, đất ẩm ướt, các loại thảo mộc chúng tôi tươi tốt hơn. Nhưng trong cái may có sự vô phúc. Vì họ hàng dế cũng rủ nhau đến đào hang lập nghiệp. Chúng uống sương và nhấm nháp cả rau sam, rau càng cua. Cỏ còn non yếu đuối chúng cũng không tha. Điệu đàn của chúng khẩy từ chập tối đến bình minh càng ngày nghe càng bực mình. Rõ là lũ giang hồ, ăn không ngồi rồi. Người ta chẳng thường quan niệm “xướng ca vô loại” là gì. Chúng lại có máu du côn, động một tí là nhe càng, búng chân, quần thảo đôi lúc làm rách cả các lá to bản của cha mẹ chúng tôi. Một ngày kia lại có vài chú nhái (mới đứt đuôi nòng nọc) từ cái chuôm đọng nước ngày mưa gần đấy ngang qua. Các chú hỏi tất cả chúng tôi nơi nào có ruộng đồng ẩm thấp để đi “về quê cha đất tổ”. Ai cũng ngơ ngác không biết nơi nào vì chúng tôi chưa hề phiêu lưu xa thế. Nhưng có hai chú dế nhũi đã nghĩ ra cách. Hai chú bảo mấy chú nhái ráng chờ trong tuần thôi, các chú sẽ lột xác thành ve, khi ấy sẽ làm người dẫn đường, nhờ cặp cánh mới sẽ bay xa và nhìn rộng. Các chú nhái vui vẻ ở tạm với chúng tôi.

Chuyện đời hay xảy ra bất ngờ. Một khi cây lá xinh tươi, xanh màu rực rỡ thì các cậu bé loài người chú ý đến chúng tôi. Các cậu dùng dao nhỏ cắt gọn mớ rau lang về cho thỏ, cho bọ ăn. Ngày nào lại thiếu được tiếng khóc than của chúng tôi hòa với tiếng gió vô tư, tiếng mưa vô tình…

Lại loi choi kéo đến thêm một tốp “du thủ, du thực” là tụi cào cào, châu chấu, bọ ngựa. Chúng tự nhiên coi khu vực chúng tôi như sân thể thao để thi chạy, thi nhảy cao. Hăng máu, chúng chơi xấu choảng cả nhau. Đói khát chúng cứ việc giải lao, gậm nhấm bất cứ chúng tôi, loại nào mà chúng thích. Quần áo, thân thể chúng tôi vì thế rách tả tơi, họ hàng héo chết dần dần. Ngày qua, tụi dế báo động và la làng, không rõ cớ gì tụi bé con mất tích. Chúng nghi lũ cào cào, châu chấu, bọ ngựa… hay là dế nhũi, hay mấy thằng nhái mồ côi? Các chú nhái thật là “oan ôi ông địa”. Các chú chỉ xơi được ruồi, muỗi vì các chú còn bé quá cơ mà. Còn hai chàng dế nhũi cứ lủi xuống đất hút nhựa của rễ cây me không thể là thủ phạm được. Lũ “du thủ, du thực” bấm nhau cười khúc khích. Chúng chứng kiến các nhãi dế ốc tiêu bị các chú bé con chộp vào hộp cả rồi. Còn tụi chúng thân mình tiệp màu cỏ lá nên thoát nạn. Chúng bảo nhau không thèm làm chứng mặc cho mọi loài nghi ngờ hiểu lầm nhau. Các mụ dế hằm hè đòi đi kiện cho ra lẽ. Các cô kiến mới can, thôi đừng kiện cáo mất công tốn tiền bạc, mất ngày giờ và chả ích lợi gì. Các cậu ấy còn trẻ dại, chắc hẳn nghe lời ai đi giang hồ… mai mốt về lại chứ gì. Mọi người lại được rũ ra cười vì cái ngu của kiến và dế, trong khi các mụ dế quay vào hang réo tên lũ con mà chửi với nỗi bực tức. Tai họa chưa hết xảy ra, các chú nhái còn khờ dại lại bị tóm cổ, các cậu bé loài người đem về móc mồi câu cá chắc? Thôi rồi, còn đâu những người bạn tốt vẫn thường ao ước có được đôi mắt màu tím tròn vo như anh em mồng tơi chúng tôi. Lũ dế hí hửng ra mặt. Chúng kháo nhau : “Trời có mắt”. Và những ngày kế tiếp đến phiên chúng phải khóc, vừa lệ rơi vừa bồng bế dắt dìu nhau di cư. Những nhà cửa, hang hốc của chúng dù khéo đào theo nguyên tắc bình thông nhau vẫn bị ngập lụt, nhiều ngách cách mấy vẫn bị thọc cầy, móc phá của các cậu bé săn dế. Không khí lo sợ cái chết bao trùm lấy các loài thảo mộc chúng tôi. Hai anh dế nhũi trốn sâu kẹt rễ me thì thoát được, ban đêm mới dám chui lên. Hai anh dùng đôi càng trước quắp chặt thân gốc me sù sì, run rẩy thoát xác cho lẹ. Mệt và khổ nhưng mai ngày hai anh sẽ thực sự tự do. Hai chú ve non buồn bã nhìn quang cảnh tiêu điều hơn cả những ngày chưa mưa. Các chú nhái đâu còn để hai chú ve làm tròn lời hứa. Tuy trời chưa sáng rõ, cánh hãy còn ẩm, vỗ được chập chững, các chú vội từ giã chúng tôi bay vút lên ngọn me già. Những lời từ giã đó chính thật là lần cuối, làm sao đến trưa chúng tôi có thể nghe được cung buồn của các chú ve khi đôi cánh các chú khô cứng lại. Vì lúc nắng lên anh em chúng tôi bị các cậu bé hái đi rồi. Cha mẹ chúng tôi chịu đựng hết nổi cũng lịm chết dần theo sự đau đớn của ngày qua từ giây phút đó. Tôi và ba đứa em được chừa lại. Còn tất cả mấy chục đứa khác bị bóp nát, máu của chúng hòa với nước loang ra, loang đậm một màu tím u buồn, để làm mực viết lên những giòng tâm tư bất hạnh…

Tôi bị chôn cẩn thận, thật khó chịu, từ bé đến giờ tôi có khi nào sống trong tù túng thế này đâu. Tôi khóc hết nước mắt, bực bội tung cái vỏ áo tím, tôi biến thể và nhú mầm non xanh lên. Tôi khoan khoái khi tự giải thoát khỏi nhà tù đất ẩm. Tôi cố vươn nhanh kiếp sống mới như kiếp sống của cha mẹ tôi xưa. Ngày hôm sau tôi bắt gặp ba đứa em tôi từ ba góc của giàn tre ngượng nghịu ló đầu lên. Bỡ ngỡ đã qua, chúng tôi mừng rỡ nhận nhau vì hình thức sợi dây lá mới mẻ này. Nhưng chúng tôi chỉ đành đứng bốn góc giàn tre nhìn nhau, uốn éo hai mầm lá non chào nhau thôi, làm sao “tay bắt mặt mừng” cho được một khi cái đuôi bị giữ chặt với phần vỏ ngày trước. Muốn thoát đi cũng không được vì làm sao mọc rễ để tự sinh sống lấy đây. Chúng tôi bất lực nhìn nhau. Tuy mỗi đứa cách nhau chừng một thước hai mà sao xa tầm với của nhau quá vậy nhỉ. Nhưng chúng tôi cũng tự an ủi là đã thoát được cái chết u buồn, lại còn hân hạnh tiếp sống cho nòi giống mồng tơi. Chúng tôi hẹn nhau, thi nhau ăn nhiều, lớn nhanh, bò giỏi… để lên giàn cao sẽ dễ dàng họp mặt. Ngày lại ngày chúng tôi kiên nhẫn đợi chờ giây phút thật sự “Đoàn tụ một nhà”. Cậu bé vẫn chăm sóc giàn mồng tơi của cậu. Cậu chịu khó xới đất cho xốp quanh rễ chúng tôi. Cậu xới thật khéo sợ động đậy làm đứt rễ chúng tôi chăng. Giúp việc đắc lực nhất cho chúng tôi phải kể bao nhiêu là bác trùn đất hùng hục, âm thầm cày bừa dưới mặt đất. Chúng tôi rất thuận tiện trong việc rút chất bổ dưỡng, nên vươn dài, mới có một tuần mà đã được nửa thước bề cao, còn một thước nữa mới đến nóc giàn. Lá mọc ngang hông của chúng tôi vẫn còn xanh, chưa có lá nào màu tím. Tụi lá cứ thích nhún nhẩy thì thôi. Chúng đòi tôi phải chiều ý chúng bò ngoằn ngoèo theo kiểu xoáy trôn ốc quanh nửa vạt tre khẳng khiu này, để chúng tôi có thể xoay mình tứ phía nhìn ngắm xung quanh vạn vật. Tôi cũng được dịp quan sát khu vườn trú ngụ bấy lâu bởi bầy con hiếu kỳ này. Phải gọi đây là một mảnh đất vá nho nhỏ đủ trồng rau trái vặt vãnh. Cậu bé phải kỳ kèo lắm mới được mẹ cho một khoảng thước vuông làm giàn để chúng tôi leo. Trong vườn có vài bụi hành, vài bụi sả, đủ các loại rau ăn sống trừ rau muống. Vài cây hoa mười giờ, móng tay, một khóm dạ lan hương ban đêm tỏa mùi ngào ngạt. Hàng xóm của chúng tôi đấy. Họ im lặng và thản nhiên chấp nhận sự có mặt của dân mới như bốn anh em chúng tôi, như đã từng chấp nhận phải sống và sinh sôi nuôi dưỡng loài người. À quên, còn một cụ xoài nghe nói đã ba tuổi trời rồi đấy nhưng vẫn không hoa trái gì, có lẽ đất ở đây thiếu phân bón thích hợp. Thêm hai chàng đu đủ nữa cao gần bằng cụ xoài dù mới hơn một tuổi thôi, sinh trái một lần rồi thì phải. Nhướng mắt nhìn lên chúng tôi lại thoáng thấy có hoa đu đủ trăng trắng ở gần đọt.

Một hôm, có vài bé gà đi lạc. Chúng còn bé mà bươi móc cứ nhặng xị cả lên, mổ rau càng cua này, mổ vài quả ớt rồi rùng mình chạy đến ria ria các bé lá con tôi. Các bé lá khóc thét lên vì sợ hãi.

Thời may cậu bé đi tìm gà con rượt các bé gà đem về trả cho mẹ chúng. Hú vía! Không khéo thì đã mang vạ bởi cái lũ dại dột này rồi. Hai tuần hơn thì phải, tôi sắp với tay đến mắt tra cuối cùng. Nhìn qua các em tôi, chúng cũng toát mồ hôi vì gian lao nhưng trong lòng ai cũng vui vì mục đích sắp đạt được. Cậu bé hằng ngày vẫn siêng năng tưới nước đều đặn cho vườn rau xinh xắn của  mình. Cậu nưng niu các bé lá mồng tơi hỏi đùa xem chừng nào có hoa có hột đây. Các bé lá vừa sợ vừa run rẩy không biết trốn đâu. Xem chừng cậu thiên vị bốn anh em chúng tôi  và cụ xoài già. Nhưng đã bảo “cụ xoài” chứ có phải “bà xoài” đâu mà sinh con đẻ cái được, cụ xoài vẫn thường rầu rĩ than van phận mình. Còn chúng tôi thì trái lại, “dễ ăn, dễ nuôi” nên lớn nhanh theo giàn tre không thể tưởng được. Các hàng xóm rau càng cua, rau húng, lá quế, ngò gai, dấp cá, rau dền, rau lang, cần tàu, cần ta, hành, sả… rất ganh ngầm với bốn anh em chúng tôi vì không có tài leo trèo, quấn quít… mà vươn cao với đời.

Các bé lá đã bắt đầu sinh sự với nhau, chúng ngạc nhiên với các nụ hoa mới, mấy đứa con cưng của chúng tôi đấy.

Vì chúng mải hí hửng mời gọi các thợ ong xuống chơi, các thợ ong vẫn thản nhiên bay trên cao. Nay có các bé nụ, rồi hoa, các thợ ong lại xuống làm quen, chúng không ghen tị sao được. Xấu xí như chúng chỉ có lũ bướm ngày ghé tạm, nhưng chỉ để dùng chân nghỉ đôi cánh mỏi bởi đường xa. Tôi phải dùng bao lời khuyên ngọt ngào mãi chúng mới tạm vừa lòng. Lại thêm một sự rắc rối khi các bé lá với cái áo tím xinh đẹp lộ diện. Các lá lớn càu nhàu, vô duyên càng vô duyên hơn. Chứ ngày xưa ai đã nuông chìu chúng? Cái tụi này sống ở đây xem chừng không xong, chưa gì đã tiêm nhiễm tính tình ích kỷ sống cho riêng mình. Đâu có được như hoàn cảnh sống của chúng tôi ngoài thiên nhiên thuở ấy, vì nơi đây “nhà ai nấy ở” không ai giao thiệp với ai. Tất cả mọi người đều âu lo kiếm sống, hăng hái sinh sôi nảy nở, càng tăng trưởng tốt tươi càng sớm vào nhà bếp của chủ nhà. Nhưng đã vương mang kiếp đời như vậy, biết sao hơn, cứ cặm cụi hút chất đạm, hút thán khí rồi cứ thầm cầu nguyện còn sống sót. Nếu bị cắt một phần thân thể vẫn phải chấp nhận, không biết thâm tâm buồn hay vui để rồi lại sống đó chờ ngày bị cắt bớt… dùng bữa dần cho các món rau đầy sinh tố.

Này các con ơi! (Lá tử diệp xanh, tử diệp tím, nụ xanh, hoa trắng, hạt xanh, hạt tím…) Các con đừng gây gổ với nhau nữa, các con cùng bố mẹ sinh ra cả mà, sao lại không ý thức như vậy hỡi các bé thơ dại? Anh em một nhà mà ghét bỏ nhau như bầu với bí sao đành? Làm cách nào các dây mồng tơi chúng tôi trở về nguyên quán vui đời mộc mạc không nhiễm “xa hoa phù phiếm” của chốn “tù túng cám dỗ” làm hư tính thiện muôn loài. Chẳng thà làm “hoa hèn cỏ dại” bò vơ vẩn dưới đất, chứ vui chi cái đời “lầu cao, cửa rộng” mà chỉ có thể quanh quẩn trong một phạm vi giới hạn bắt buộc này. Rồi thấm thía nỗi lòng đấng sinh thành, các  bé con đã hết xa lạ với nhau. Chúng đã biết tuần tự  giúp đỡ lẫn nhau. Các lá lớn nhường chất bổ cho các lá vừa vừa, các lá vừa vừa nhường cho các lá bé, các lá bé nhường cho các lá non mới ở tận đầu dây cứ mãi phiêu lưu. Tôi sung sướng cảm thấy chúng ríu rít chuyền lưu nhựa sống trên ống dây thân mình căng tràn và dài gần hai thước rồi. Các lá lớn gần gốc rễ vui lòng ăn uống sau cùng, nhường cái ngon cho các em còn yếu đuối và ở tận ngọn xa xôi. Nếu không vì quấn xoắn thân tre chìu ý các con, một phần để tơ các rễ phụ ra bám cho chặt, bốn anh em chúng tôi đã gặp gỡ nhau lâu rồi. Hơn hai tháng dài trôi mau như các đám mây chuyên chở nước mưa trên trời chớ ít ỏi gì. Bốn anh em chúng tôi lại như trò chơi “năm mười” ló mặt tận ngọn nhìn nhau khuyến khích. Bấy lâu nay chúng tôi chỉ thấy phần thân, phần bụng dẫy đầy con cái đang cõng trên lưng mà thôi. Chúng tôi quên bao nhọc mệt cố rút chất đạm đêm ngày, giá mà còn các bác trùn đất nhỉ. Tiếc thay, cậu bé chủ nhà lại không hiểu công dụng của các bác trùn đất, cậu đào xới lên bắt gặp là cho vào lon thiếc ngay. Trong đầu cậu nghĩ rằng, một công mà hai việc : Một là trùn không thể “ăn phá rễ rau”, hai là móc trùn vào lưỡi câu… thật tiện. Còn thán khí, các chàng đu đủ, cụ xoài với các tàn lá mạnh mẽ che trên đầu chúng tôi đã hút chận mất nhiều rồi. Cuộc sống bây giờ lại đèo bòng con cái nên khó khăn chật vật lắm thay. Bởi vậy ngày gặp mặt của anh em chúng tôi còn phải chờ gần tháng nữa mới chạm tay nhau. Ôi! Nói sao cho hết nỗi vui mừng. Anh em chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi kể lể hàn huyên, có lúc lại khóc vì sung sướng làm lũ con đông đúc ngơ ngác không rõ chuyện gì xảy ra cho các đấng sinh thành. Có lẽ các em tôi cũng đã giải quyết các vấn đề xích mích giữa các bé bên ấy. Bây giờ nom bọn trẻ vui vẻ và hòa thuận nhau lắm. Chúng đã hiểu biết mối liên hệ bà con với nhau rồi và thân ái chơi cùng nhau, giỡn cùng nhau. Mối liên quan mật thiết của bà con nơi xứ lạ quê người bây giờ càng trở nên chặt chẽ và bền vững hơn theo mạch sống của bốn dây mồng tơi chính yếu càng ngày càng quấn quít vươn xa, vươn dài ra… Mà không chặt chẽ sao được, rối nùi nữa là khác, bởi các bé con rượt bắt nhau qua các ô, luồn lỏi thật hóc hiểm khiến chúng tôi càng gần gũi và dễ an ủi nhau hơn. Kệ, vậy càng vui chứ sao! Chúng tôi thảnh thơi và an lòng với cuộc sắp đặt của tạo hóa. Đại gia đình chúng tôi bây giờ rậm rạp và đầy dẫy cả hai mươi bốn ô giàn tre mỏng bắc ngang giàn chính. Hằng ngày chúng tôi đón nhận bao buồn vui, bao chuyện lạ xảy ra mãi. Chúng tôi rất hoan nghênh các cánh bướm, cánh ong vừa ghé trò chuyện vừa đem phấn nụ này bôi vào núm nhị cái của hoa khác làm cho các con chúng tôi mau lớn. Và trái lại rất ghét bọn cào cào, châu chấu, bọ ngựa… May thay mấy tên vô trật tự này chỉ thỉnh thoảng đi lạc vài tên, chúng thích võ trường gập ghềnh dưới đất hơn trên sàn tre. Cái bọn bất tài làm gì dám choảng nhau trên võ đài cao này, có mà sơ ý rơi gãy cẳng, lọi cổ ra. Lâu lâu lại có mấy trự bọ hung, bọ rầy hôi hám đến thăm dò, đôi mắt lộ ra ngầu vẻ bất lương. Đại gia đình chúng tôi chịu lép xuống nước “mời các bạn làm ơn đi chỗ khác, các bé nó sợ…” Mấy trự ậm ừ rồi vù ngay xuống các đống phân (khủng khiếp). À, lại còn mấy ranh vịt con nữa chứ, các ranh vịt này háu ăn và rỉa rói thật hỗn tạp, thứ gì cũng đưa mỏ táp sòng sọc. Cậu bé chủ nhà lại bị mẹ cậu mắng cho một trận, bạ thứ gì cũng trồng, bạ thứ gì cũng nuôi, trồng và nuôi đều không coi chừng, gà vịt thì đi bậy, phá hết rau cải… Cậu bé tức mình vác chổi rượt mấy con ranh vịt ngu si, bắt nhốt kỹ vào chuồng. Nếu cậu không chăm vạch lá bắt sâu cho thì thiệt hại cho gia đình chúng tôi không nhỏ. Số là các chị bướm quá nặng bụng đã để lại vô số trứng sâu với chất nhựa thật dính trên thân hình các bé lá. Các bé lá thật vô tư không một cảm giác nặng nề mà còn thích thú với các đốm trăng trắng. Cho đến khi cậu bé phát giác thì chúng đã phát triển thành sâu con. Vì môi trường của chúng là ở các lá cải, nên ở đây chúng miễn cưỡng gậm lưng uể oải, sức tàn phá không nhanh tí nào. Cậu bé hốt hoảng tận diệt các sâu phá hoại này, bóp chết và cho vịt ăn ngay. Nhưng xui xẻo cho chú nhện vườn đang giăng lưới rộng bên dưới giàn, cậu bực tức quét sạch luôn. Cậu dọn sạch chỗ chơi nhà chòi, dạy các em học i… tờ. Cũng nhờ ý định đó mà cậu đã ngăn mẹ cậu không để bà cắt các lá mồng tơi ngon đem nấu canh. Bà chiều con luộc tạm rau lang, rau dền vậy.

Tai họa chưa chịu buông tha đại gia đình chúng tôi. Ngày hôm sau chưa có trận mưa nào vừa có gió to vừa có hạt lớn đến như vậy. Từ bốn tháng nay chúng tôi mong những giọt mưa rơi nhẹ mát và ướt rượt bao nhiêu, thì nay chúng tôi kinh hoàng bấy nhiêu. Nếu để chúng tôi “kém văn minh” như xưa, nghĩa là bò ngông nghênh dưới đất không giàn chống thì đỡ cho chúng tôi biết mấy. Chúng tôi sẽ xuôi theo gió cho dù gió có thổi mọi chiều vẫn sẽ không làm gì được cái “nhu” mềm, mà oặt oại của chúng tôi. Cả đến các hàng xóm của tôi dù um tùm và cứng cáp cách mấy cũng phải rên la trước nguy cơ bất ngờ. Họ không sao tránh khỏi những lằn nước phũ phàng như những ngọn roi quật xuống lá cành đau điếng. Cụ xoài ốm nhách gân guốc lắm mà còn run cầm cập. Mấy hoa đu đủ, hoa dạ lý, hoa móng tay, hoa mồng tơi… ngơ ngẩn rụng lả tả. cành lá nào bám thiếu sức đều rơi tàn nhẫn. Số phận của đại gia đình chúng tôi là bi đát hơn hết. Giàn tre xinh xắn nhưng mỏng manh của cậu bé thực hiện cũng yếu ớt nốt, chống không nổi gió bão. Cậu bé thì không ra khỏi nhà được lúc ấy, chúng tôi phải đoàn kết lại để tự cứu chúng tôi. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, can đảm quyết không sờn với gió thét trời gầm, dẻo dai và đan chặt như một màng lưới, đại gia đình chúng tôi nguyện bền vững, “sống chết có nhau”. Nhưng sức trời đã thắng, một luồng gió xoáy thổi thốc nhanh giựt phăng bốn cái chân giàn tre. Chỉ có làm hại được chừng ấy, chúng tôi đau đớn ngã rạp xuống bãi rau lang, rau dền với nụ cười khô héo, bốn anh em chúng tôi đã sắp lìa khỏi cuộc đời, với mớ rễ còn chằng chịt ăn sâu vào lòng đất lạ. Lũ con cháu lặng người trước tóc tang, hàng xóm rau cải ngậm ngùi sụt sùi, không rõ họ khóc than vờ hay đau đớn trước sự đè bẹp bất đắc dĩ của đại gia đình chúng tôi làm họ gãy rạp cả đi…

“Sau cơn mưa trời lại sáng”. Câu đó không đúng với chuyện buồn của chúng tôi chút nào. Tưởng mong chết về “nơi chôn nhau cắt rún” dè đâu sắp gửi thân “nơi đất khách quê người” mà chưa giúp ích gì cho ai cả, thật tủi hổ lắm thay! Sáng qua chính cậu bé là người khổ tâm hơn tất cả, thêm phiền não khi mẹ trách : “Phải hôm qua để mẹ hái nấu canh cho xong, bây giờ dập nát hết có nước cho vịt ăn”. Thôi rồi số phận chúng tôi đành kết thúc vô lý vậy sao? Lũ ranh vịt ngày xưa chắc đã lớn và ăn khỏe, chúng không tha đại gia đình chúng tôi một cái rễ con, một cái hạt bé nào… Than ôi! Cậu bé vừa dọn dẹp vừa khóc tỉ tê nghe buồn thêm. Mẹ cậu phải an ủi : “Có nín không? Để ba mày về tao nói ổng đóng giùm cái giàn khác thiệt chắc chắn, bày chuyện quá xá…” Cậu bé đã ngưng sầu, nhặt thật kỹ những hạt tím, hạt xanh. Cậu tiêng tiếc khi phải vất chúng tôi vào chuồng vịt, bao công lao gây dựng chăm sóc gần nửa năm trời lo âu theo từng thời tiết, biết lúc nào mới có được tình trạng như xưa : xanh tươi, đẹp đẽ, mát mắt, ưa nhìn… (?)

Chúng tôi lịm dần dần trong bao nỗi niềm phức tạp. Dây và lá như chúng tôi vào miệng người hay vật cũng vậy mà thôi. Đó là luật trường tồn, hòa hợp, thích nghi cho mọi loài trên quả đất này mà. Chỉ xót thương lũ con cháu từ đây sẽ ra đời một mình, chịu bao gian lao khó nhọc, nối tiếp hoài cái chu trình luẩn quẩn của loại mồng tơi. Trước phút lâm chung, chúng tôi mong sao con cháu sẽ thích ứng với đời mới (chúng quen sống tù túng rồi). Chúng tôi làm tròn phận sự, bò nhanh, giỡn vui quanh giàn chống bằng cây tràm cứng chắc, và chiều cao cái giàn sẽ thấp hơn cho chúng bớt phí sức. Chúng sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng hơn chúng tôi để mau làm vòm chòi mát rượi bóng râm cho các em bé nhỏ loài người chơi trò dạy học, lấy mực làm bằng chính máu tím các hạt mồng tơi chúng tôi… Đó là một phần nào ý niệm nhỏ nhoi và nên thơ mà chúng tôi đã tìm tòi mãi mới nghĩ ra chúng tôi có phần nào ích lợi, ngoài việc bị dùng để nấu nồi canh ngọt lịm… Vĩnh biệt tất cả…

Đó là chấm dứt một quãng đời ngắn ngủi, tuy giới hạn nhưng vẫn âm thầm hoạt động của một giàn mồng tơi. Đó là khi qua cơn bão cậu bé vâng lời mẹ, do dự ném giàn mồng tơi đã rút hết các sườn tre gãy vào chuồng vịt. Đó là khi một giàn mồng tơi khác sắp sửa đi vào chu kỳ tuần hoàn của cha mẹ chúng… Và còn khi nào chúng ta sẽ nhìn các cậu bé viết trên tập những hàng chữ vụng về bằng mực tím mồng tơi, trong khung cảnh mộc mạc quê nghèo ấy??? Thời gian sẽ trả lời câu hỏi đó…


PHAN KHƯƠNG THÁI    
(Thương về xứ Mỹ)     


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 60, ra ngày 15-10-1972)

Bìa của Vi Vi : Dưới  bóng mát
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>