Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

CHƯƠNG IX_VƯỜN CAU NƯỚC DÂNG


CHƯƠNG IX


Thời gian lặng lẽ trôi... đã sáu lần hoa mai nở và không biết bao lần Bảo Khuyên âm thầm khóc nhớ thương ai.

Vườn cau ruộng bắp nhà Khuyên vẫn suốt mùa xanh tốt và hoa lợi thu vào vẫn đủ nuôi sống mệ cháu Khuyên.

Số người trong gia đình Khuyên vẫn là ba : mệ ngoại, Bảo Khuyên và o Cam. Dì Châu đã trở lại Sàigòn làm việc sau một thời gian tịnh dưỡng, dì là công chức, không thể đương nhiên đào nhiệm được. Mệ ngoại già thêm một chút, O Cam già thêm một chút và Bảo Khuyên cũng thế, năm nay nàng đã hai mươi tuổi rồi.

Sau ngày xa vắng Hải, Bảo Khuyên chán nản sầu buồn, học hành ngày càng sút. Tuy vậy, cô Tịnh Hương thông cảm và an ủi Khuyên những lúc nàng tỏ ra tuyệt vọng, Bảo Khuyên cứ nhớ hoài bàn tay cô vuốt nhè nhẹ trên lưng, giọng nơi cô dịu dàng thỏ thẻ: "Cố quên Hải đi Bảo Khuyên, nhìn thẳng đến tương lai trước mặt, mình mới có can đảm để sống".

Bảo Khuyên bơ vơ, Bảo Khuyên lạc lõng, Bảo Khuyên chỉ còn biết tìm nguồn an ủi nơi cô Tịnh Hương. Nhưng rồi cô cũng bỏ nàng mà đi, cô theo chồng đổi vào Đà Nẵng, Như Mai thì lấy chồng lính rày đây mai đó chẳng viết về cho Khuyên một lá thư.

Sau biến cố Mậu Thân, gia đình bác Thuần dọn vào Sàigòn, ngôi vườn bán lại, Bảo Khuyên không còn cơ hội nào để hy vọng biết tin tức của Hải nữa dù ngày ra đi bác có hứa sẽ viết thư về thăm mệ ngoại và nàng.

Chật vật lắm, Bảo Khuyên mới đậu được Tú Tài 2. Song nàng cảm thấy mình như kiệt sức trên con đường học vấn, không thể tiếp tục lên đại học được. Nàng nhờ người bà con xin cho nàng vào dạy tại một trường tư thục, ngày qua ngày lên trường gõ đầu trẻ và buồn bã đếm thời gian trôi đều trên mái tóc chờ mong.

Tuy vậy, Bảo Khuyên vẫn còn đẹp, cái đẹp của một trái cây vừa chín mọng và nét sầu thương vương vấn trên đôi mắt buồn bã kia đã làm cho gương mặt Bảo Khuyên càng đẹp não nùng thêm.

Chiều nay, Bảo Khuyên đang ngồi thêu khăn tay bên cửa sổ, O Cam xách giỏ chợ từ ngoài sân xồng xộc đi vào:

- Bà ơi, cô ơi, nguy quá rồi, đánh nhau ở Đông Hà, dân chúng di cư vô đây nhiều lắm.

Mệ đang têm trầu, ngẩng lên:

- Có chi mô mà mi hoảng rứa nờ.

O Cam cụt hứng, nhưng O vẫn cố xum xoe:

- Con thấy rõ ràng, con có thấy người ta ngồi lết ở bến Thương Bạc a. Trời ơi, con sợ giống như cái dạo Tết nớ quá.

Bảo Khuyên biết O Cam muốn nhắc đến vụ Tết Mậu Thân cách đây bốn năm, nhưng O quên mất ngày tháng, nàng ngừng kim:

- Có mô mà dữ rứa, O hay lo chi a.

Thấy chẳng ai hưởng ứng, O Cam tiu nghỉu xách giỏ xuống nhà bếp. Mệ ngoại hỏi theo:

- Đi chợ Đông Ba có mua được chi không đó?

O Cam quay lại:

- Dạ có, có cá tôm tươi lắm, cả mực nữa, mực tươi, to mà rẻ nên con mua về quết chả.

Mệ ngoại gật đầu:

- Ừ, làm cho con Bảo Khuyên ăn, chớ còn tao, răng long hết, cắn chi ra.

Đêm ngủ nghe tiếng súng từ xa vọng về làm bóng tối càng giăng mắc tịch liêu. Bảo Khuyên nằm gác tay lên trán suy nghĩ mông lung. Cuộc chiến càng ngày càng trở nên khốc liệt, nàng thầm lo ngại cho số phận các chiến sĩ ngày đêm miệt mài chiến đấu bảo vệ hậu phương và thâm thương những người dân hiền hòa chất phác phải từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa từ Đông Hà dắt díu nhau ra Huế tị nạn. Bảo Khuyên nghe nói hiện đang đánh lớn ở Đông Hà và một số dân Quảng Trị cũng đang rục rịch tản cư. Những nhà buôn bán lớn ở Quảng Trị bắt đầu dùng xe chở hàng hóa vô Huế, những người giầu hơn thì họ có ý định vô Huế mua máy bay vào Sàigòn lánh nạn luôn, qua khứ Tết Mậu Thân như một ám ảnh nặng nề đang trở lại đe dọa tâm hồn họ. Mệ ngoại cũng đã bắt đầu âu lo, Bảo Khuyên đọc được trong đôi mắt già nua ấy nỗi băn khoăn sợ hãi, nhưng niềm yêu quê hương, lòng quyến luyến mảnh vườn quê cha đất tổ đã khiến mệ nói cứng:

- Có chết tao cũng ở lại Huế. Đi mô chừ, tao già rồi, tao làm ăn lương thiện, ai mà nỡ hại tao.

Dân Quảng Trị vô Huế rồi lại dọn về theo những lời lạc quan của tư lệnh vùng một, mệ tươi hẳn ra:

- Đó, có chi mô, có chi mô mà phải lo nờ.

Nhưng Bảo Khuyên biết lo xa hơn, linh tính đã cho nàng biết tình hình không quá khả quan như mệ ngoại đã tưởng đâu, bầu không khí ngột ngạt bao trùm thành phố Huế. Bảo Khuyên đã sắp sẵn ít quần áo và vật dụng cần thiết vào chiếc vali nhỏ, nếu có biến cố gì xảy ra, chắc phải bỏ lại ngôi nhà cùng vườn cau sai trái, ruộng bắp phì nhiêu chứ biết làm sao hơn.

Mệ ngoại thấy, mệ la:

- Bộ mi tính bỏ Huế, bỏ tao mà đi hả Khuyên?

- Mô có mệ, cháu phải chuẩn bị trước, lỡ có chi mà chạy chớ.

Mệ cương quyết:

- Mi chạy thì chạy một mình, tao ở lại.

- Mệ chướng ghê.

Đã bao năm qua rồi, Bảo Khuyên vẫn nói hoài câu "mệ chướng ghê".

Nhưng mệ đã bỏ hết tính chướng khi hay tin đồng bào Quảng Trị lại một lần nữa ùn ùn đổ xô vào Huế, đường bay Huế-Sàigòn phải mua vé chợ đen, xe hàng vào Đà Nẵng cũng vùn vụt tăng giá một cách tàn nhẫn. Bảo Khuyên hỏi ý kiến mệ:

- Mình có nên dọn đi không mệ? Răng cháu lo quá.

Ý mệ muốn đi nhưng trong lòng còn ngần ngại, mệ nhìn khắp gian nhà thân yêu. Những cây cột gỗ lim bóng loáng treo các câu đối sắc sảo mạ đồng, ba tấm ngựa (1) quí đen mun dày có đến gang tay, chiếc rương xe cẩn xà cừ đựng chén bát quí... bao nhiêu là quen thuộc, bao nhiêu là gần gũi nhắc nhở mệ một thời oanh liệt đã qua... mệ chép miệng:

- Đi rồi để ba cái đồ quí ni lại cho ai?

Bảo Khuyên bàn:

- Mình khóa cửa lại mà, lo chi mệ. Mình vô Sàigòn với dì Châu đi mệ, trong nớ đã sẵn nhà sẵn cửa.

Mệ lại lắc đầu nguầy nguậy:


- Thôi thôi, đi vắng trộm vô cạy cửa bưng hết đồ quý của tao, lại còn cau, còn bắp nữa, bỏ bạc triệu ra đi ai mà điên cái đầu rứa.

Trời đã tối và không khí càng ngột ngạt, nhưng hình như gió cũng e dè, nên những hàng cau yên lặng ngẩn ngơ. Không gian tĩnh mịch nặng nề, không một tiếng chó sủa đêm, tiếng ve kêu gọi hè bước đến. O Cam bưng rổ chén mới rửa từ ngoài bến bước vào:

- Chắc chuyến ni con phải về quê bà ơi, con sợ quá.

Mệ nạt trấn an:

- Về chi mà về, mi khéo bày đặt, không can chi mô mà sợ.

Mệ giục Bảo Khuyên:

- Ngủ sớm cho khỏe đi cháu, mai còn đi dạy.

Bảo Khuyên cười:

- Dạy chi bữa ni nữa mà dạy mệ. Trường mô cũng đầy đặc đồng bào tị nạn, cháu tới trường chừ chỉ để săn sóc an ủi họ mà thôi.

Mệ ngoại gật gù:

- Ừ, tội nghiệp, cháu làm rứa là phải lắm.

O Cam chạy lên:

- Bà ơi, đóng cửa nghe bà.

Mệ ngoại đứng lên:

- Ừ, đóng cửa nẻo cho cẩn thận, tao đi ngủ đây.

Bảo Khuyên thức giấc vào nửa khuya, khi nghe tiếng la hét kinh hoàng, tiếng chiêng trống khua vang trời vẳng sang tư bên kia sông. O Cam đập cửa phòng nàng rầm rầm:

- Cô Khuyên ơi cô Khuyên, nguy quá, dễ sợ quá, lửa cháy đỏ cả bên sông cô ơi.

Bảo Khuyên vùng ngồi dậy, nàng mở then cửa, thò đầu ra hỏi:

- Lửa cháy, mà lửa cháy ở mô?

O Cam, mặt tái xanh, tay chân run lẩy bẩy, chỉ ra phía sông:

- Bên... nớ, bên kia sông đó cô... trời ơi, chắc chợ cháy quá.

- Mệ tui dậy chưa?

- Dạ rồi, bà ở ngoài bến a.

Bảo Khuyên bước ra sân sau, tiếng la hét vọng về nghe rõ mồn một, nàng đi qua ruộng bắp loang loáng ánh sáng từ đám lửa khổng lồ cuồn cuộn từ bên kia sông rọi sang, nàng bắt gặp mệ ngoại trở vào với đôi mắt thất thần:

- Thôi, bỏ hết bỏ hết, loạn rồi cháu ơi. Chuyến mô chớ chuyến ni tao đành vô với con Châu.

Bảo Khuyên đỡ lưng mệ:

- Mệ nghĩ rứa là phải lắm, mất của còn người chớ không lẽ mình ôm của mà chịu chết răng. Mai cháu lên Air V.N mua vé nghe mệ.

- Ừ, nhưng tao sợ hết quá.

- Không lo mệ ơi, cháu có con bạn bán vé ở đó, nếu mua không được thì nhờ nó, tốn thêm chút đỉnh tiền mà được đi sớm.

Mệ nói nhanh:

- Tốn mấy cũng được, cả gia tài tao cũng được, ngó chợ Đông Ba cháy mà tay chân tao rụng rời.

- Thôi mệ vô nghỉ đi.

- Nghỉ chi nữa mà nghỉ, ngủ chi nữa mà ngủ, tao thức đến sáng sửa soạn vali áo quần. Mi vô ngủ đi, nhớ sáng mai nói tao đưa tiền đi mua vé nghe.

- Rứa mệ định để nhà cho ai coi?

- Cho con Cam về làng, còn nhà thì khóa cửa để đó phó mặc cho trời. Tao tu hành, chắc Phật thương Phật cũng độ, chắc không can chi mô. Mi không nhớ à, hồi Mậu Thân đó, mình tản cư xuống Tòa Khâm mà khi trở về có mất chi mô.

------------------
(1) Phản.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG X
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>