Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Dấu Tử Thần (III)


Trong những lúc như thế, tôi thấy mặt bác ướt đẫm mồ hôi : Như vừa nhúng vào một chậu nước vậy.

Đến đây tôi xin vắn tắt để khỏi làm ông sốt ruột, thưa ông Sĩ Lâm. Một đêm kia, bác tôi cũng lại say sưa như vậy nữa, nhưng ông chết ngay trong đêm đó. Khi chúng tôi đi tìm, thì thấy ông nằm cắm đầu vào một cái ao nhỏ nước xanh lè ở cuối vườn. Trên mình ông không có một vết tích, và nước ao chỉ sâu có sáu mươi phân. Vì thế mà quan tòa, biết rõ tính tình kỳ dị của ông, đã nói rằng ông tự sát chết. Nhưng tôi, tôi biết rằng ông rất thù ghét ý nghĩ rằng một ngày kia sẽ phải chết, và tôi không tin nổi là ông đã cố tâm đi tìm cái chết trong vụ này. Tuy vậy câu chuyện cũng qua đi và sau đó cha tôi lãnh căn trại và lối mười bốn nghìn bảng mà bác tôi để lại trong ngân hàng.

Sĩ Lâm can thiệp:

- Xin lỗi ông một chút. Câu chuyện ông đang thuật thật hết sức đặc biệt trong số những câu chuyện mà tôi đã được nghe. Bác ông nhận được bức thư vào ngày nào và ông… tự tử vào ngày nào?

- Bức thư tới ngày 10 tháng ba năm 1883. Ông mất bảy tuần sau đó, trong đêm 2 tháng năm.

- Cám ơn. Xin ông thuật tiếp đi.

- Khi cha tôi đã tới nhận căn nhà ở Hồ Sam, thì tôi có yêu cầu ông xem xét kỹ căn phòng kho dưới mái nhà, cửa vẫn khóa chặt. Chúng tôi thấy có một cái rương đồng, dầu giấy tờ chứa bên trong đã bị đốt hết. Phía trong nắp rương có mang một tờ nhãn hiệu, với ba chữ K. K. K. và những chữ : “Thư từ, sổ sách, biên lai, hồ sơ” viết bên dưới, chắc là để chỉ dẫn về loại của những thứ giấy tờ đã bị bác tôi đốt. Phần còn lại trong phòng thì không có gì đặc sắc hết, trừ những tuần báo và nhật báo, có nói về bác tôi hồi bác sống bên Mỹ. Vài tờ có từ hồi chiến tranh và chứng tỏ rằng bác đã làm hết bổn phận, và được ngợi khen là một người can đảm. Tờ khác, ra hồi thiết lập lại chế độ ở miền Nam Hoa Kỳ, và toàn nói về chính trị, vì bác tôi hồi ấy đã kịch liệt chống lại những ứng cử dân biểu nguồn gốc miền Bắc.

Hồi đầu năm 1884, cha tôi tới ở Hồ Sam, và mọi việc rất tốt đẹp cho đến tháng giêng năm 1885. Ngày mồng bốn đầu năm, khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn, tôi bỗng nghe cha tôi kêu lên một tiếng ngạc nhiên. Đến giờ đây tôi còn như thấy trước mắt hình ảnh của cha tôi, một tay cầm một bao thư, tay kia cầm năm hột cam khô. Lúc trước, khi nghe tôi kể lại chuyện này, cha tôi vẫn thường cười chế nhạo, cho là tôi bịa đặt, nhưng lần này khi nó xảy đến cho chính ông làm ông trở nên nghiêm trọng và bối rối.

- Thế này có nghĩa là gì vậy, Giang Âu?

Tim tôi như ngừng đập trong vài giây. Tôi nói:

- Đó là bọn K. K. K.

Ông nhìn vào phía trong bao thư rồi la lên:

- Đúng rồi, cũng những chữ đó… Nhưng phía trên có viết gì?

Tôi nhìn qua vai ông, đọc:

- Đặt những giấy tờ trên cái đồng hồ mặt trời.

Ba tôi nói:

- Nhưng tờ nào? Đồng hồ mặt trời nào?

Tôi trả lời:

- Cái đồng hồ mặt trời trong vườn, chẳng có cái nào khác! Còn về giấy tờ, chắc đó là những giấy má đã bị đốt.

Ba tôi gắng gượng giữ can đảm. Ông nói:

- Kệ. Mình đang ở đây trong một xứ văn minh chả nên để ý đến thứ chuyện bịp bợm như vậy. Thư gửi tới từ nơi nào?

- Ở Đăng Đế.

Ông nói:

- Trò chơi vớ vẩn. Ta thì ăn nhập gì đến cái đồng hồ mặt trời và những giấy tờ đó? Ba không thèm để ý đến chuyện ngu ngốc đó!

Tôi e ngại:

- Ba phải đi báo cảnh sát mới được.

- Để cả xứ họ cười cho ấy à? Không khi nào!

- Thế để con đi báo.

- Không, ba cấm con. Ba không muốn gây rắc rối vì một chuyện ngốc nghếch như vậy.

Vì ba tôi rất cứng đầu, tôi hiểu rằng không nên nói thêm nữa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy tâm hồn nặng trĩu.

Ba ngày sau khi nhận được lá thư đó, ba tôi đi thăm một người bạn cũ, ở một ngọn đồi gần đấy. Tôi rất lấy làm mừng về chuyến thăm viếng này của ba tôi, vì tôi nghĩ là nếu ông đi xa nhà thì sẽ bớt nguy hiểm cho ông hơn. Ngày hôm sau khi ba tôi đi, thì tôi nhận được một bức điện tín của ông bạn ba tôi, bảo tôi phải tới ngay. Ba tôi đã bị ngã xuống một cái vực đá vôi và ở quanh vùng có rất nhiều vực như vậy. Lúc người ta mang lên thì ông đã bất động, sọ bị vỡ! Tôi tới ngay, nhưng ông mất luôn sau đó, không tỉnh lại nữa. Trông bề ngoài thì ông đang trên đường về nhà, vào buổi chiều, và ông không quen đường xá, cái vực lại không có hàng rào chắc chắn ; vì thế không ngần ngại, quan tòa nói ông bị tai nạn chết. Tôi cố gắng gán ghép lại tất cả những chuyện liên quan đến cái chết của ông, mà cũng không tìm ra dấu hiệu nào chứng tỏ rằng ông đã bị giết.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN IV


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 96, ra ngày 1-7-1973)

Bìa của Vi Vi : Hương đồng nội
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>