Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Dấu Tử Thần (II)


Vào khoảng năm 1869 hay 1870, bác tôi trở về Âu Châu và mua một miếng đất ở gần Hồ Sam. Hồi ở Hoa Kỳ, bác tôi đã kiếm được một gia tài khá đồ sộ ; bác từ giã Châu Mỹ vì lẽ ghét những người da đen giải phóng, và ghét chính phủ Mỹ đã cho họ quyền bầu phiếu. Bác tôi là một người bất thường : Sôi nổi, dữ tợn khi nổi giận, nhưng lại rất kín đáo. Trong những năm sống ở Hồ Sam, tôi chắc bác không bao giờ đặt chân lên thành phố. Quanh nhà ông có một khu vườn, với hai ba cánh đồng. Khi muốn tập thể dục, thì bác tôi rảo bước đi bộ ở đó, nhưng thường thì có khi đến hàng mấy tuần lễ, ông ở lỳ không ra khỏi phòng. Bác uống rượu cô-nhắc bằng ly lớn, hút thuốc liên miên, nhưng không tiếp ai cả : Bác tôi không cần bạn bè và cũng không cảm thấy nhớ người em trai.

Bác tôi không bao giờ lo cho tôi, nhưng bỗng một hôm bác lại đổi ý : Lúc tôi gặp bác lần đầu, tôi được mười hai tuổi, và bác tôi đã sống ở Anh từ tám chín năm rồi. Bác xin cha tôi cho tôi về sống với ông, và đối xử với tôi rất tử tế theo cách riêng của ông. Khi nào không uống rượu, ông thích chúng tôi chơi cờ hay bài tây với nhau, và ông để tôi thay mặt ông tiếp xúc với những người bán hàng và gia nhân. Khi được mười sáu tuổi, tôi đã thành chủ gia đình. Tôi là người giữ tất cả tay hòm chìa khóa, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, chỉ có một điều kiện duy nhất : Tôi không được phép quấy rầy ông những lúc ông muốn ở yên một mình. Thế nhưng cũng có một ngoại lệ : Có một căn buồng, một loại buồng kho làm dưới mái nhà, lúc nào cũng được khóa kỹ, và tôi cũng bị cấm vào đó như mọi người khác. Hồi còn nhỏ, tò mò, tôi có ghé mắt nhìn vào lỗ khóa xem ở trong có gì, nhưng tôi chỉ thấy đầy những thùng và rương cũ : Quang cảnh hoàn toàn thích hợp với một căn phòng như vậy.

Một hôm, vào tháng ba năm 1883, bác tôi nhận được một bức thư có dán tem ở ngoại quốc. Ông rất ít khi nhận được thư, vì không mua chịu ai bao giờ, và ông cũng chẳng có bạn bè gì cả. Ông kêu lên khi cầm lấy bức thư đó:

- Thư gửi từ Ấn Độ tới! Lạ nhỉ! Họ muốn gì tôi ở đó?

Bác tôi vội vàng mở ra, và từ bao thư, năm hột cam rơi ra vung vãi trên cái đĩa của bác. Tôi bắt đầu cười rộ, nhưng vội ngưng bặt khi trông thấy nét mặt bác tôi biến đổi : miệng bác há hốc ra, hai mắt thất thần và da mặt thì trắng bệch như vôi, bác tôi vẫn còn nhìn cái bao thư cầm trong lòng bàn tay run rẩy. Bác kêu lên:

- K. K. K. Trời, trời ơi, tội lỗi của ta đã đuổi theo đến tận đây!

Tôi hỏi:

- Chuyện gì đó, bác?

Bác trả lời:

- Tử thần!

Bác rời bàn ngay và vào phòng nghỉ. Tôi kinh sợ, tuy vậy tôi cũng cầm lấy bao thư, và tôi đọc thấy ở mé trong bao thư ngay phía trên chỗ dán keo, có ba chữ K viết bằng mực đỏ. Ngoài ra chẳng có gì cả, trừ năm hột cam đã khô queo. Tại sao bác tôi lại sợ chết khiếp đi như thế? Tôi rời bàn và lên gác, nhưng tôi gặp bác đang đi xuống, một tay bác cầm một cái chìa khóa cũ đã rỉ sét, chắc phải là chìa khóa của căn buồng kho đóng kín, và tay kia cầm một cái hộp nhỏ bằng đồng như một hộp đựng tiền.

Bác vừa chửi thề, vừa nói:

- Bọn chúng muốn làm gì thì làm nhưng ta vẫn quyết làm cho bọn chúng phải thất bại! Nói với chị Sen là bác muốn đốt lò sưởi trong phòng hôm nay và cho người đi mời Phú hãn, chưởng khế ở Hồ Sam đến đây.

Tôi tuân lệnh ông. Khi viên chưởng khế đến nơi, bác tôi kêu tôi lên phòng. Bác tôi nói:

- Giang Âu, bác kêu cháu lên đây là để làm chứng nhân cho tờ chúc thư của bác. Bác để lại tất cả gia tài, cả những cái hay và dở, cho em bác, tức là cha cháu, và lẽ tất nhiên là sau này cháu sẽ được thừa hưởng. Nếu cháu muốn hưởng thì tốt lắm! Bằng nếu cháu nhận thấy là không thể thụ hưởng yên lành được, thì cháu nên nghe lời bác : nhường nó lại cho kẻ thù của cháu. Bác lấy làm tiếc mà cho cháu một món quà có cả điều lợi lẫn điều hại như vậy, nhưng bác cũng không biết trước được việc gì sẽ xảy ra. Cháu có chịu ký tên chỗ dưới này theo lời chỉ dẫn của ông Phú Hãn không?

Tôi ký tên lên tấm giấy, và sau đó viên chưởng khế mang hồ sơ đi. Chắc ông cũng đoán biết là câu chuyện này đã gây ấn tượng cho tôi đến bực nào : Tôi nghĩ đi nghĩ lại về những câu nói của bác tôi, mà vẫn không hiểu được gì cả! Tôi không thể cởi bỏ được một cảm giác sợ hãi mơ hồ nhưng cảm giác đó cũng nhạt dần, sau nhiều tuần lễ trôi qua và không có gì xảy tới thay đổi đời sống hàng ngày của tôi. Tuy nhiên tôi cũng nhận ra ở bác tôi có sự thay đổi : bác tôi uống rượu nhiều hơn bao giờ hết, càng ngày bác càng ít tiếp xúc với người khác. Cả ngày ông ở trong phòng, khóa cửa thật chặt. Nhưng đôi khi, uống rượu say quá, bác tôi như điên lên : Bác chạy ra vườn, tay cầm súng lục, vừa chạy vừa hét lên rằng bác không hề sợ ai và bác không chịu để cho ai nhốt mình lại như nhốt con gà, dẫu người ấy có là ma quỉ đi nữa. Khi bác hết cơn sôi máu, bác chạy vội về phòng, và cài then cửa kỹ lại như một người không thể tỏ vẻ cứng dắn được nữa trước sự sợ hãi xâm chiếm đến tận gốc rễ của tâm hồn.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN III


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 95, ra ngày 24-6-1973)

Bìa của Vi Vi : Biển vắng
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>