Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

CHƯƠNG I, II_GIẤC ĐIỆP TRIỀN MIÊN


CHƯƠNG I


- Lan à, từ nãy giờ chỉ thấy em miệt mài bên đám dụng cụ đó thôi. Bao giờ em mới làm bài ? Mai đã phải góp rồi, không sợ cô la hay sao ?

Hai chị em Huệ và Lan là nội trú trong một trường nữ trung học tại Đàlạt. Hôm nay trong phòng chỉ có hai chị em cô ngồi học. Đã một lúc lâu, Lan chỉ quanh quẩn bên một chiếc máy kỳ lạ, lúc thì vặn lại một con ốc, lúc thì lấy búa gõ chỗ này chỗ kia.

Nghe chị hỏi, Lan bật cười :

- Bài của em còn đợi được chứ không như sáng kiến của em đâu vì nó rất quan hệ, em không thể bỏ rơi nó lúc này được. Em mới có một sáng kiến hay ho tuyệt vời cơ.

- Sáng kiến của cô ! Huệ vừa nói vừa đưa mắt nghi ngờ nhìn chiếc máy gồm toàn lò xo, đòn bẩy, dây điện và phím đàn dương cầm Thì ra thế ! Chị lại cứ tưởng em đang chế một cây đàn harmonium chứ !

- Chị nói đúng, đây cũng là một thứ đàn harmonium, nhưng lại đặc sắc hơn nhiều cơ.

- Như chị thấy thì các vấn đề điên đầu ấy không làm cho em nản chí thì phải !

- Chị biết không, tự nhiên em nẩy ra sáng kiến đó : nếu mình có được một cái máy viết ra nốt nhạc thì tuyệt lắm, phải không ?

- Đã đành, và một cái máy có thể làm bài cho mình, rồi một cái nữa để học các động từ Anh Ngữ cho mình… hay lắm…

- Chị cứ việc cười cho khỏe đi tùy ý ! Nhưng đến khi điều phát minh của em đã thành sự thật thì có lẽ em sẽ dành cho chị một sự ngạc nhiên vô cùng thích thú đấy.

Huệ ranh mãnh đáp :

- Có thể lắm, nếu em hoàn thành được phát minh đó. Nhưng mà cái máy của em sẽ chạy như thế nào ?

- Ồ rất là giản dị ! Chị chỉ việc đặt một tờ giấy chép nhạc lên cái trục quay như một chiếc máy đánh chữ thường. Rồi chị dạo một đoạn nhạc lên các phím đàn, các nốt nhạc sẽ tự động in lên giấy. Chị xem có phải là một sáng kiến đáng giá không ?

Bỗng một tiếng nói vọng lên từ cầu thang :

- Một sáng kiến rất xứng đáng với chị em HUỆ LAN. Này cô bé Lan ơi, sự suy luận của cô chẳng đứng vững chút nào cả !

Huệ là Lan giựt mình quay lại và chạm trán với Ly, một cô bạn cùng ở nội trú, trên môi cô ta đang nở một nụ cười chế nhạo. Trong trường, không một ai mến Ly cả, vì cô luôn luôn tỏ ra là một con người khó chịu.

- Cho tôi xem được chứ Lan ? Ly vừa nói vừa bước vào căn phòng và làm như không thấy Lan đang cố tình che giấu chiếc máy.

- Ồ, chả có gì đáng xem cả Ly ạ…

- Tôi nghĩ đúng mà ! Đời thuở nhà ai mà lại có người muốn viết nhạc bằng máy !

Huệ can thiệp :

- Tại sao không ? Lần đầu tiên con người sáng chế ra chiếc đàn dương cầm, chắc hẳn thiên hạ cũng cho là khó có thể hoàn thành được đấy.

Ly vênh mặt lên thách thức :

- Thì Lan hãy cứ cho tôi xem chiếc máy cưng của cô có chạy được hay không đã nào !

Lan phản đối :

- Chưa xem được, Lan chưa làm xong. À mà Ly này, đừng nói lại chuyện này cho tụi nó nghe nhé ! Tụi nó sẽ cười Lan chết !

- Ủa, đã phát minh ra thì sao lại có thể mắc cỡ với cái sáng kiến của mình ? Nhưng các bồ này, bà Đốc bảo tôi lên kêu các bồ xuống có người gọi điện thoại đến.

- Vậy mà từ nãy không nói ngay, để tụi này mất bao nhiêu thì giờ ! Huệ thốt lên, giọng tức tối.

Sau khi đẩy Ly ra khỏi phòng, hai chị em chạy xuống nhà, chỗ có gắn máy điện thoại. Sau một lúc điện đàm với cô Hạnh, người đã nuôi hai chị em từ nhỏ với sự giúp đỡ của chú Định, em cô, Huệ và Lan rất vui mừng khi hay tin cô Hạnh và ông Định muốn thăm hai cháu nhân dịp cho đi ăn tiệm.

- Vâng thưa cô, tụi cháu sẽ đến nhà hàng vào khoảng 12 giờ trưa ạ. Tụi cháu đi xin phép bà Đốc ngay bây giờ ạ.

Huệ và Lan cảm thấy rất sung sướng vì hai cô rất ít có cơ hội gặp chú Định, chú hiện là thuyền trưởng chiếc Hải Âu và luôn luôn phải lênh đênh trên mặt biển. Lan vội dặn dò chị :

- Chị nhớ đừng đả động gì đến vụ “phát minh” của em cho chú Định và cô Hạnh nghe nhé. Từ sáng đến giờ em đã bị thiên hạ ngạo khá nhiều rồi đó !

Hai chị em cô Hạnh đến sớm hơn vài phút nên họ đã chọn một chiếc bàn gần cửa sổ.

Vừa gặp mặt chú, Huệ đã vội thốt lên :

- Thưa chú, chúng cháu thấy kỳ này hình như chú không được khỏe như kỳ trước. Có lẽ chú làm việc quá sức phải không ạ ?

Cô Hạnh dịu dàng đỡ lời :

- Chú Định đã trải qua một cuộc hành trình khá vất vả. Vì vậy cô nghĩ rằng chú sẽ cảm thấy thoải mái khi gặp lại hai cháu.

Lan vội hỏi :

- Thưa chú, có chuyện gì xảy ra đó ạ ?

- Các cháu không đọc báo sao ? Ông Định đáp.

Huệ và Lan cho biết hai cô chưa được đọc báo mới. Nhưng qua thái độ của chú, hai cô cũng đoán được rằng chú Định đang lo nghĩ về một chuyện hệ trọng.

Cô Hạnh bèn giải thích :

- Khi chiếc tàu Hải Âu từ Tân Gia Ba về, vừa cập bến Sàigòn thì người ta nhận thấy một nữ hành khách đã bị mất tích.

- Thưa cô, người đó đã bị rơi xuống biển ạ ? Huệ ngạc nhiên hỏi.

- Đó là điều mà nhiều ký giả muốn xác nhận, chú Định trả lời Nhưng chú tin rằng chuyện đó không thể nào xảy ra được. Suốt cuộc hành trình, chiếc tàu không hề gặp một cơn bão tố nào cả, hơn nữa trên boong tàu luôn luôn có người gác sáng đêm.

- Vậy theo ý chú thì chuyện gì đã xảy ra ạ ? Huệ hỏi thêm.

- Điều đó rất khó trả lời. Cô Yến Nhi là một người hơi kỳ dị. Thật ra thì từ trước chú đã nghĩ sẽ có nhiều chuyện rắc rối xảy ra với sự hiện diện của cô ta trên tàu.

- Thưa, cô ta tên là Yến Nhi ạ ? Huệ lặp lại, nét mặt đăm chiêu.

- Đúng. Cô ta họ tên là Khứu Đắc Yến Nhi. Không ai là không chú ý đến cô ta được. Cô có một suối tóc dài đen mượt và một làn da trắng như tuyết. Cô ta ăn mặc rất sang trọng và theo đúng mốt thời trang.

- Thưa, cô ta mất tích vào lúc nào ạ ?

- Vào ngày thuyền cập bến Sàigòn.

- Thưa, còn hành lý của cô ta thì sao ? Lan hỏi tiếp.

- Người ta đã tìm thấy hành lý của cô ta trong phòng. Cô ta có ba chiếc vali và một chiếc rương lớn, nhưng bên trong gần như trống rỗng. Ngoài điều đó ra, hầu như tất cả đều chứng tỏ rằng cô ta đã bị chết đuối. Riêng chú thì chắc chắn là sự đó không thể nào xảy ra được. Tuy nhiên, nếu chú không tìm ra được những bằng cớ xác định cô Yến Nhi chưa chết thì chú có thể gặp rắc rối to đấy.

Huệ kêu lên bất mãn :

- Thưa, cháu không hiểu tại sao người ta có thể bắt chú chịu trách nhiệm về vụ mất tích này ! Có phải do lỗi tại chú đâu ạ.

- Đành thế. Nhưng một vụ chết đuối hay mất tích cũng đủ gây nhiều rắc rối cho công ty hàng hải. Riêng chú thì không chắc rằng cô Yến Nhi còn sống.

- Thưa, cháu nghĩ có lẽ cô ta đã có một lý do riêng để biến mất như thế. Lan thong thả nói.

Vị thuyền trưởng gật gù :

- Cháu Lan nói đúng. Cô ta tỏ ra rất bí mật về hành tung của mình. Nhưng theo chú thoáng nghe được thì hình như cô ta có gia đình ở khu Lam Sơn gần đây thì phải. Nếu không biết rõ hơn thì cũng khó mà dò theo được dấu vết của cô ta.

- Lan này ! Huệ bỗng kêu lên Em còn nhớ một ngôi biệt thự lạ kỳ, mái nhà có đến bốn cái tháp nhọn trổ lên mà trước đây chị em mình đã để ý trên con đường Hoàng Diệu ở khu Lam Sơn đó chứ ? Nếu chị không lầm thì trước nhà có gắn tấm bảng nhỏ đề tên Khứu Đắc Dzu thì phải.

- A ! Phải rồi. Chị nhớ rất đúng đấy, chị Huệ.

- Khứu Đắc Dzu à ? Đúng là cái tên mà cô gái đã đề cập đến một hôm. Ông Định kêu lên, mắt sáng long lanh Nếu các cháu có thể vẽ đường đi cho chú thì cơm xong chú sẽ tới đó ngay.

- Thưa chú, để tụi cháu đưa chú đi ạ. Lan đề nghị.

Cô Hạnh cười hài lòng. Cô nhận thấy rằng khía cạnh bí mật của vấn đề đã bắt đầu làm cho chị em Huệ Lan chú ý.

Mặc dầu đã bị xúc động mạnh vì câu chuyện không may xảy ra, suốt bữa ăn thuyền trưởng Định vẫn vui vẻ kể những mẩu chuyện vui vui trong cuộc hành trình vừa qua cho các cháu nghe.

Cuối cùng, bốn người rời khỏi nhà hàng và kéo nhau đi tìm ngôi biệt thự của ông Dzu ngay. Huệ Lan không nhớ rõ số nhà nhưng họ còn nhớ vị trí nên chẳng mấy lúc tìm thấy căn nhà có kiến trúc kỳ lạ mà họ đã để ý khi đi ngang.

- Ủa, sao không còn tấm bảng treo trên cửa nữa kìa ? Huệ vừa nói vừa bước xuống xe Hay là chú để cháu và Lan tới hỏi xem có phải đúng nhà này không đã.

Để ông Định và cô Hạnh ngồi trên xe, hai chị em tiến vào con đường trải đá cuội trắng và đến gõ cửa. Một lúc sau, họ thấy xuất hiện một người hầu Trung Hoa, đầu chải bóng.

- Chúng tôi muốn hỏi ông Khứu Đắc Dzu có nhà không ạ ? Huệ lễ phép hỏi.

- Ông Dzu “li” khỏi “lồi”. Ngày mai mấy cô trở lại.

Huệ bèn nói :

- Chúng tôi muốn gặp ông Dzu có chuyện cần. Tôi sợ đến mai thì chú tôi không còn ở đây nữa.

Rồi Huệ năn nỉ :

- Đây là một chuyện rất quan trọng. Thuyền trưởng Định muốn gặp ông Khứu Đắc Dzu để hỏi về một thiếu phụ có mặt trong chuyến du hành vừa qua trên thuyền của ông : cô Khứu Đắc Yến Nhi.

Gương mặt thản nhiên của tên hầu bỗng sáng lên. Hắn vui vẻ đáp :

- Hà, cô Yến Nhi thì có nhà. Hai cô vào “lói chiện” với cô Yến Nhi ?

Huệ và Lan nhìn nhau với đầy ý nghĩa. Nếu hai cô tìm ra được cô Yến Nhi bây giờ thì thật may mắn cho chú Định, vì nếu chứng minh được là người thiếu phụ đó còn sống thì thuyền trưởng Định và công ty của ông sẽ không còn phải lo ngại điều gì nữa.

- Vâng, chúng tôi rất muốn gặp cô Yến Nhi. Huệ vội vã trả lời.

Tên hầu đưa hai cô qua một dãy hành lang rồi vào một căn phòng khách được bày biện rất sang trọng. Trong khi hắn vào thưa với nữ chủ nhân thì Lan đảo mắt xem xét căn phòng, ngắm nghía bàn ghế và các món đồ chơi thật hấp dẫn trong tủ kính. Một lát sau, tên hầu trở ra nói :

- Cô Yến Nhi không chịu tiếp ai bữa nay hết.

Huệ khẩn khoản :

- Chuyện này rất quan trọng. Nhờ chú vào nói với cô Yến Nhi rằng thuyền trưởng Định đến đây chỉ cốt để gặp cô trong vài phút thôi.

- Ờ, ờ, để Phoóng này vô nói lại, nhưng chắc cũng hổng “lược lâu”.

Khi tên hầu đi khuất, Huệ quay qua nói với Lan, lúc đó đang ngắm một bức hình bày trên chiếc dương cầm.

- Chị lo cô Yến Nhi này không phải là người thiếu phụ trên thuyền chú Định em ạ. Nếu cô ta không muốn tiếp chuyện mình thì làm thế nào để biết rõ hư thực đây ?

Lan chỉ tấm hình một thiếu phụ trẻ tuổi rất đẹp :

- Chị này ! Không hiểu có phải đây là hình cô Khứu Đắc Yến Nhi không ? Chắc chú Định sẽ nhận ra cô ấy.

Huệ vội kêu lên :

- Phải đó ! Mình đem ra cho chú xem đi. Nhưng mà lẹ lên, tên Phoóng có thể trở ra trong chốc lát đó.

Hai cô lắng tai nghe ngóng để biết chắc rằng tên hầu còn đang ở trên lầu.

- Tụi mình chạy ra thật lẹ đi ! Lan đề nghị.

- Không nên chạy, họ sẽ nghi. Huệ trả lời.

Hai chị em bèn lẳng lặng đi ra, nhưng trống ngực hai người đập mạnh như muốn bể lồng ngực. Ông Định chỉ cần liếc qua cũng nhận thấy rằng đây chính thực là thiếu phụ mất tích trên thuyền Hải Âu.



CHƯƠNG II


- Đúng là cô Yến Nhi đây rồi ! Chú Định hân hoan nói.

- Vậy bây giờ chú hết phải lo nghĩ rồi phải không ạ ? Tên Phoóng đã nói là cô Yến Nhi có nhà.

- Dù sao đi nữa thì chúng ta cũng nên vui mừng vì cô ta hãy còn sống ! Nhưng không biết cô ta làm cách nào để rời khỏi tàu mà không phải xuất trình giấy thông hành ? Chú có vài điều muốn hỏi cô ta.

- Dạ, nhưng cô ta không muốn tiếp ai hết. Hơn nữa, ông Dzu lại không có nhà. Huệ nói.

- Cô Yến Nhi có biết đâu rằng cô ta đã tự đưa mình vào một thế kẹt.Cô ta nên giải thích cho chú nghe hơn là cho Ty Cảnh Sát Thương Cảng.

- Thưa, có lẽ chú có thể thuyết phục được cô ta, chớ tụi cháu xin chịu thôi Huệ đề nghị.

- Vậy để chú vô với các cháu.

Ba người bèn tiến vào biệt thự. Lan vừa kịp để lại bức hình trên chiếc dương cầm thì chú Phoóng trở ra :

- Cô chủ hổng muốn tiếp ai hôm nay hết ! Cô biểu ngộ ra nói với mấy cô là cổ “lau” cái “lầu” lắm, hổng nói “chiện lược”.

- Thế chú có nói với cô Yến Nhi là có thuyền trưởng Định tới đây không ? Huệ hỏi lại.

- Có chứ ! Cô chủ còn “lau cái lầu” hơn khi ngộ nói cho cổ nghe như vậy.

Vị thuyền trưởng thốt lên :

- Tôi hiểu rồi. Tôi có thể ngồi đây đợi cô ta thay đổi ý kiến, nhưng nghĩ cho cùng thì tôi muốn gặp ông Dzu trước. Bao giờ thì ông ta về ?

Tên hầu quay vào nhìn đồng hồ rồi đếm mấy đầu ngón tay :

- Ông chủ “li lược” một giờ, hai giờ… “pa” giờ “lồi”. Ngộ chắc một giờ “lữa” ông chủ sẽ “dề”.

- Muốn chắc hơn thì ta để cho ông ấy một tiếng rưỡi nữa ông Định nói Chú về nói với ông Dzu là tôi sẽ trở lại vào lúc bốn giờ.

- Để ngộ nói lại cho. Tên hầu đáp và tiễn khách ra cửa.

- Thưa, chú có định trình cảnh sát vụ này không ạ ? Huệ tò mò hỏi khi ra tới xe.

- Việc đó còn tùy thái độ và lời giải thích của cô ta. Dầu sao công ty cũng sẽ tránh được nhiều phức tạp.

Huệ và Lan không trả lời, nhưng hai chị em đều nghĩ rằng chú Định có lẽ quá lạc quan. Theo những chi tiết chú đã kể lại cho hai cô thì chắc chắn cô Yến Nhi là người hay gây rắc rối trên bước đường của cô ta. Sự từ chối không tiếp ba chú cháu chứng tỏ rằng cô ta không hề có ý giúp cho nhiệm vụ của chú Định được dễ dàng hơn.

Hai chị em Huệ và Lan rất thích những vụ bí mật, nhưng hai cô không muốn có gì khó khăn liên quan đến chú Định. Mồ côi từ tấm bé, hai cô sống một cuộc đời rất sung túc bên cô Hạnh và chú Định. Vì vậy, họ luôn luôn cầu mong không có sự gì phiền toái xảy đến cho người chú đáng quí ấy.

- Thế là đã mất toi gần một tiếng đồng hồ chú Định vừa nói vừa nhìn đồng hồ Bây giờ chúng ta đi xem xi nê nhé. Các cháu nghĩ sao ?

- Thưa, hình như ở rạp Nam Việt có chiếu một phim hay lắm ạ Lan vội nói.

Khi xe gần tới rạp hát bóng, vị thuyền trưởng chỉ hai đám mây đen đang kéo lại phủ kín bầu trời.

- May thật ! Rạp xi nê này đúng là một nơi trú mưa lý tưởng. Chắc cơn giông sắp kéo đến bây giờ.

Khi đã ngồi yên vị trí trong rạp hát, mọi người đều quên biến thời tiết bên ngoài, nhưng một sự ngạc nhiên đang chờ đợi họ. Trước khi vào phim chính, người ta chiếu một phim thời sự, và Huệ Lan đã phải đứng bật dậy khi thấy trên màn ảnh hiện ra một chiếc thuyền lớn đang tiến vào bờ.

- Thưa chú, hình như chiếc thuyền Hải Âu của chú ! Huệ thầm thì.

- Đúng nó ! Vị thuyền trưởng từ tốn trả lời Khi thuyền vừa cập bến, các nhiếp ảnh gia và phóng viên đứng đợi đông như kiến. Nhưng chú không dè họ đã đưa lên màn ảnh sớm thế.

Một lúc sau, mọi người thấy thuyền trưởng Định xuất hiện trên màn ảnh. Ông đang nói chuyện với các phóng viên và những người đại diện cho công ty, và giải thích cho họ các chi tiết về vụ cô Yến Nhi mất tích.

Huệ và Lan muốn ở lại xem quãng phim thời sự một lần nữa, nhưng vì phim đã quá dài nên họ đành phải ra về. Họ bước ra khỏi rạp đúng một tiếng rưỡi sau khi vào.

Trong khi chiếc xe thẳng tiến đến ngôi biệt thự của ông Dzu, Lan nhìn đồng hồ và cho chú Định biết là đã quá bốn giờ.

- Chúng ta trễ hẹn rồi ông Định chau mày nói Phiền thật.

- Đừng ngại em ạ, trời mưa nên có lẽ ông Dzu cũng về trễ cô Hạnh dịu dàng nói Dù sao thì cũng không nên chạy nhanh quá, em Định ạ. Đường rất trơn đấy.

Lúc đó trời tối đến nỗi ông Định phải bật đèn pha lên. Tuy vậy xe chạy một cách rất khó khăn, vì mưa vẫn đổ như trút nước, lại thêm sấm chớp rung chuyển cả trời đất. Vì vậy, ông Định phải cho xe dừng lại bên đường để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. Đến nửa giờ sau, mưa mới tạnh hẳn. Khi tới nhà ông Dzu thì trời đã nhá nhem tối.

Huệ và Lan bước theo ông Định đến cửa. Hai cô cứ đinh ninh rằng chú Phoóng sẽ ra mở cửa. Nhưng không, họ thấy xuất hiện một người đàn ông trẻ tuổi, cao lớn, đôi mắt sắc có vẻ ác. Hắn tỏ vẻ khinh bỉ khi thấy quần áo nhầu nát của ông Định.

- Xin lỗi, có phải ông là ông Dzu không ạ ? Vị thuyền trưởng hỏi.

- Vâng, chính tôi. Nếu tôi không lầm thì ông là thuyền trưởng Định ? Ông hẹn tôi sớm hơn kia mà?

- Xin lỗi ông, vì mưa quá lớn nên tôi rất tiếc không thể đúng hẹn được. Chúng tôi có thể vào được chứ ?

- Vâng mời ông và mấy cô vào.

Ông Dzu nhường lối cho khách vào hành lang rồi hỏi :

- Ông cần gặp tôi có chuyện gì vậy ?

- Về chuyện người thân của ông, đó là cô Yến Nhi. Cô ta là một trong những hành khách của chiếc tàu Hải Âu do tôi làm thuyền trưởng và cô ta đã bị mất tích trong một trường hợp rất là đặc biệt. Tôi rất tiếc đã phải nói thẳng với ông điều này, và như chú Phoóng cho biết thì cô Yến Nhi ngụ tại đây.

- Tôi chưa bao giờ nghe nói đến ông và chiếc tàu của ông cảông Dzu lạ lùng đápYến Nhi, con gái tôi, hiện có ở tại đây.

- Tôi có thể nói chuyện với cô ta được không ạ ?

- Nó đang ăn với vú nó và tôi không muốn ai làm rộn nó cả.

- Ông có thể cho tôi biết cô ta năm nay bao nhiêu tuổi không ạ ? Vị thuyền trưởng ngạc nhiên hỏi.

- Nó sẽ được bảy tuổi vào tháng sáu tới.

- Bẩy tuổi ? Nhưng cô Yến Nhi mà tôi đang tìm kiếm là một thiếu phụ cơ mà !

- Nếu vậy thì tôi rất tiếc không được biết cô ta, ông lầm rồi, ông Định à. Xin lỗi ông nhé, bây giờ tôi phải đi công việc.

Nói xong hắn ta đẩy nhẹ thuyền trưởng ra cửa.

- Khoan đã… ông Định vừa mở miệng nói thì Dzu đã mỉm cười gật đầu chào và đóng sập cửa lại.

- Thật là bất lịch sự ! Thuyền trưởng Định bực tức nói Hắn tiếp đãi bọn ta như vậy ! Rồi hắn sẽ biết tay ta.

Lan cười khôi hài :

- Thưa chú, chúng ta không phải ở trên chiếc Hải Âu của chú ! Vậy nếu ta không đi, tên Dzu dám kêu lính bắt ta vì hắn là chủ nhà ạ.

- Cháu nói có lý. Chú sẽ giao vụ này cho viên thám tử của công ty vậy.

- Vậy chú không tin rằng con hắn là Yến Nhi mới được bẩy tuổi ạ ? Huệ hỏi.

- Không đời nào ! Chú có cảm tưởng hắn là một tên bất lương.

- Thưa, trong khi chú nói chuyện với hắn, cháu liếc nhìn vào phòng khách thì thấy bức hình đã biến mất Lan chậm rãi nói.

- Vậy thì rõ ràng là hắn sợ chúng ta để ý đến bức hình đó. Tối nay chú sẽ gọi điện thoại cho viên thám tử của công ty mới được.

Ông Định toan bước ra xe thì bỗng Lan giựt cánh tay ông :

- Thưa chú, họ đang đấu khẩu trong nhà.

Có tiếng Dzu gắt gỏng :

- Được rồi, tôi sẽ trả lương cho chú ngay ! Tôi đã hứa với chú rồi mà ?

Có tiếng chú Phoóng đáp lại :

- Ngộ thấy ông chủ nói nhiều quá. Ông chủ thiếu ngộ ba tháng lương rồi. Nếu ông chủ hổng có tiền, ngộ sẽ đi làm chỗ khác.

Lúc đó chắc hai người đã đi vào phòng trong nên ông Định và Huệ Lan không nghe được câu trả lời của Dzu. Một lát sau ba người ra tới xe. Cô Hạnh nói :

- Trời tối rồi, bây giờ phải đưa hai cháu về trường và chúng ta cũng phải về nhà nữa.

- Vâng được chú Định đáp.

- Cuộc gặp gỡ có giúp ích được gì cho em không ? Cô Hạnh vội hỏi khi thấy gương mặt cau có của em.

- Vụ bí mật chưa khám phá được ra, nhưng em chắc nó sẽ được giải đáp trong một ngày rất gần.

Về tới trường, Huệ và Lan vội lên phòng.

- Chị Huệ, có người vào phòng chúng ta trong lúc vắng mặt ! Lan kêu lên.

- Sao em biết ?

- Chắc có kẻ lạ mặt đã đụng vào cái máy của em ! Em nhớ trước khi đi, em đã đậy nó cẩn thận bằng một cái khăn mà bây giờ cái khăn đã bị gạt ra một bên đây nè.

- Ờ, chị có nhớ em đã đậy mà.

- Trời ơi ! Người ta đã làm hỏng hết rồi !

- Nhưng vì nó chưa chạy nên chắc em không được bồi thường đâu.

- Em cam đoan với chị là nó sẽ chạy ! Người ta đã chẳng chế nhạo nhà bác học Edison khi ông ta sáng chế ra cái máy quay dĩa hay sao ?

- Chị rất bất mãn khi thấy người ta đã tự do vào phòng mình như một nơi công cộng. Không biết kẻ đó là ai ?

- Em đoán là con Ly, chị ạ.

- Ừ, chị cũng nghĩ vậy.

Đến tối, khi gặp Ly trong hành lang, Lan hỏi thẳng nhưng Ly nhất quyết chối cãi là cô không hề bước chân vào phòng hai chị em.

Có lẽ Lan đã tin nếu không có một sự việc xảy ra sau đó. Thư viện của trường thường đóng cửa vào lúc 9 giờ 30 tối. Lan muốn ghé qua đó lấy cuốn sách trước giờ đóng cửa, nhưng vừa đến nơi thì cô thấy Ly đang cắm cúi viết một bức thư. Thấy động, Ly vội đậy bức thư nhưng Lan cũng kịp đọc thấy lá thư gửi cho cơ quan cấp “bằng sáng chế” ở Sàigòn.

Lan căm tức trở về phòng và nói với chị :

- Đến bây giờ thì em chắc chắn là con Ly đã vào phòng tụi mình. Nó đã xem xét chiếc máy của em và muốn xin bằng sáng chế cho nó.

- Đó là một hành động bất lương ! Huệ bất mãn kêu lên.

Mỹ, một cô bạn vẫn học cùng nhóm với Huệ và Lan, lúc ấy cũng có mặt, vội thêm :

- Nếu vậy tụi mình phải phá tan âm mưu của nó mới được.

- Sao em không xin một bằng sáng chế cho em ?

Huệ nói sau một lát suy nghĩ.

- Ừ phải, tại sao Lan không xin ? Mỹ lập lại.

- Nhưng chiếc máy của mỗ chưa hoàn thành. Nhỡ nó sẽ không bao giờ chạy được thì sao ?

- Dầu sao, tụi mình cũng phải ngăn cản không cho con Ly gởi lá đơn ấy đi mới được Mỹ quả quyết nói Được rồi, mình đã có cách.

- Cách gì thế ? Lan hỏi.

- Lan cứ để mình lo liệu vụ này cho.

Kế hoạch của Mỹ rất giản dị. Sau khi từ giã hai chị em, cô đến trình bày tự sự với bà Đốc. Bà bèn cho gọi Ly lên văn phòng và bắt cô đưa lá đơn vừa viết. Đọc xong bà nói :

- Tôi không hiểu gì hết. Trong đơn này, em nói đã chế ra một cái máy viết nốt nhạc mà không trưng ra một tài liệu nào cả, đến một hình vẽ cũng không có thì làm sao ổn được. Tốt hơn là nên vứt lá đơn này vào sọt rác.

- Nhưng thưa bà đốc…

- Không nhưng gì nữa. Theo ý tôi em nên dành thì giờ mà lo việc học thì hơn, vì các giáo sư cho tôi biết rằng em rất ít hy vọng đậu kỳ thi sắp tới đó.

- Thưa bà, vâng… Ly miễn cưỡng trả lời.

Ly tỏ vẻ giận dỗi suốt buổi sáng hôm sau. Cô không nói một tiếng nào với Lan vì cô cho rằng vì Lan mà bà Đốc đã can thiệp.

Chiều hôm ấy, Huệ và Lan xin phép bà Đốc ra phố mua mấy món cần dùng. Lúc về, khi taxi ngừng lại ở một ngã tư, Huệ thấy một người đàn ông đang vội vã băng qua đường, tay xách va li. Nàng vội nhổm dậy gọi Lan :

- Trông kìa, Lan !

- Chú Phoóng ! Chú ta đi đâu mà xách va li như vậy ?

- Ừ, chị đoán là chú ấy có thể giúp tụi mình làm sáng tỏ vụ bí mật về cô Yến Nhi không biết chừng!

- Chị nói đúng, chú Phoóng là người độc nhất có thể cho chúng ta biết cô Yến Nhi là một thiếu nữ hay một con nhỏ bảy tuổi.

- Chúng mình xuống xe đuổi theo chú ấy đi, chị Huệ !

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>