Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Dấu Tử Thần (VI)



- Ta có thể giả thuyết rằng chiếc tàu chở tên sát nhân (hay những tên sát nhân) là một chiếc thuyền buồm. Tất cả có vẻ như là họ gửi những lời báo hiệu tới trước, khi họ vừa khởi hành đi thực hiện công tác. Anh có thấy hành động sát nhân đã theo sau bức thư gửi tới từ Đăng Đế không? Nếu bọn họ đến Bông Ri bằng tàu chạy hơi nước, thì họ phải đến cùng một lúc với bức thư chứ ; đằng này khoảng thời gian ngăn cách giữa lúc bức thư tới nơi và lúc ông bác bị sát hại dài tới bảy tuần. Tôi nghĩ rằng bảy tuần đó là do sự sai biệt giữa vận tốc chiếc tàu chạy hơi nước của nhà bưu điện mang bức thư và của chiếc thuyền buồm chở bọn chúng gây nên.

- Có thể lắm!

- Chắc chắn ấy chứ lỵ. Bây giờ anh đã hiểu tại sao ta cần phải thanh toán thật gấp vụ này chưa? Và tại sao tôi đã thúc dục anh chàng Giang Âu phải cẩn thận. Mỗi lần đều xảy ra ngay khi bọn họ tới nơi, sau khi đã rút ngắn khoảng cách giữa họ và lá thư báo hiệu. Nhưng lần này, lá thư được gửi ngay từ Luân Đôn, vậy là sẽ không có khoảng cách thời gian nào nữa.

Tôi kêu lên:

- Trời ơi! Nhưng tại sao họ lại làm vậy?

- Những giấy tờ mà ông già họ Giang nắm giữ, ắt hẳn là phải cần thiết cho người, hay những người ngồi trên chiếc thuyền buồm đó. Tôi tin rằng đó là một nhóm. Một người thì khó có thể giết người xong lại hóa trang cho thành vụ tự sát hoặc tai nạn khéo đến như thế, để đánh lừa các vị thẩm phán. Chắc phải đông đảo, và bọn người đó vừa dạn dĩ lại vừa có nhiều sáng kiến. Bọn chúng muốn lấy lại các tờ giấy, dầu người giữ là ai đi nữa. Do đấy, anh hiểu rằng K. K. K. không còn là những chữ bắt đầu tên của một người nữa, mà là của một tổ chức.

- Nhưng tổ chức nào, Sĩ Lâm?

- Anh chưa bao giờ nghe nói tới (đến đây Sĩ Lâm hạ giọng và nghiêng người về phía tôi) bọn Ku-Klux-Klan hay sao?

- Chưa bao giờ!

Sĩ Lâm giở trang sách đang đặt trên đầu gối, nói:

- Đây : Ku-Klux-Klan : Tên bắt chước giống như tiếng động của một khẩu súng đang được lên cò. Đảng bí mật khủng khiếp này được tạo thành bởi vài tên lính miền Nam Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến. Sau đó ít lâu đảng đó lan tràn ra trong nhiều vùng khác nhau, như là ở Te-ne-si, Lu-di-a-na, Ca-rô-lin, Giọoc-gi, và Flo-rít. Mục đích của họ là nhằm gây áp lực chính trị, nhất là để làm cho những ứng cử viên da đen phải sợ hãi và để ám sát hay xua đuổi những địch thủ chính trị của họ ra khỏi xứ. Hành động của họ thường tiếp theo những cảnh báo trước, hơi kỳ quặc nhưng rất dễ nhận ra : Khi thì một dúm lá sồi, khi là những hạt dưa hay hột cam khô. Khi người nhận được báo hiệu đó mà cứ giữ vững lập trường, thay vì chạy trốn thì chắc chắn họ rước lấy cái chết, thường thường trong những trường hợp bất ngờ và bí ẩn. Tổ chức của đảng này hoàn hảo, và phương pháp của họ chính xác đến nỗi người ta chưa thấy trường hợp nào có người dám chống cự lại họ mà không bị trừng phạt, và cũng chưa bao giờ thủ phạm bị khám phá. Trong nhiều năm trường, hội đó đã bành trướng, dầu chính phủ Hoa Kỳ và những thành phần tốt ở miền Nam cố gắng hết sức ngăn chặn. Sau cùng, hoạt động đó bỗng nhiên tan rã năm 1869, tuy nhiên từ năm đó thỉnh thoảng vẫn còn vài vụ trỗi dậy đại loại như thế.

Sĩ Lâm đặt cuốn sách xuống.

- Anh có thấy không, ngày hội kín đó bị tan rã, cũng trùng hợp với lúc mà ông già họ Giang biến mất, rời bỏ Châu Mỹ, mang theo những thứ giấy tờ. Có lẽ ta đã tìm ra nguyên nhân của mọi chuyện bắt nguồn từ đấy. Ta không nên ngạc nhiên nếu ông ta và vài người trong gia đình ông bị vài tên dai dẳng nhất trong đám Ku-Klux-Klan đuổi theo. Những cuốn sổ sách giấy má đó có lẽ chứa đựng tên tuổi, hay hành động của những đảng viên đầu tiên, và hẳn là có vài tên không được yên tâm chăng?

- Trang giấy mà chúng ta đã được đọc…

- Đúng như là điều mà ta phải đoán ra. Trên tờ giấy đó, tôi nhớ lại, nó có biên : “gửi hột cam đến cho A, B và C”, cũng như là : gửi lời báo trước đến cho người này hay người kia. Sau đó có ghi : “A và B đã hiểu”. Có lẽ họ đã rời bỏ xứ. Còn về phần C, hắn ta đã bị “đến viếng”, tôi sợ cái vụ thăm viếng này mang đến một hậu quả đen tối cho C đấy… Vậy, thưa ông bác sĩ, tôi nghĩ là chúng ta đã mang lại một chút ánh sáng vào màn đêm bí hiểm này rồi đấy nhé! Nhưng tôi cũng tin là Giang Âu chỉ có điều hy vọng duy nhất nếu anh ta chịu khó hành động như tôi đã chỉ dẫn. Đối với chúng ta, tối nay thì như thế là đủ : Ta không còn gì để nói hoặc làm nữa. Anh vui lòng đưa cho tôi cây vĩ cầm kia đi. Và chúng ta hãy cố quên đi trong giây lát, cái thời tiết khốn khổ, cũng như cái cách cư xử còn tệ hơn của vài người trong số những đồng loại của chúng ta đó.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VII

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 100, ra ngày 29-7-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>