Nắng đã nhạt trên đầu hàng cây kiểng trước nhà. Nhưng cơn nực mùa hạ
vẫn còn âm ỉ trên mái tôn, trong những căn nhà của xóm Bàn Cờ đông đúc.
Mai đi học về đã lâu. Má đã dọn cơm sẵn sàng trên bàn. Thế mà ba vẫn
chưa về. Mọi bữa cứ đúng 6 giờ chiều là tiếng cười của ba đã vang đầu
ngõ. Trong xóm ai cũng quí mến ba hết. Họ chào ba từ đầu ngõ đến tận
cổng vào nhà. Bà Tư bán quán đã có lần khen ba là đáng quý. Mai cũng
thương và kính ba lắm. Chiều khi ba đi làm về, Mai ra đón tận cổng để
được ba nhấc bổng lên trên hai cánh tay khỏe mạnh. Những lúc ấy, Mai
thường nắn nhẹ tay ba và hỏi tại sao tay ba lại đen và cứng thế, cứng
như cây sắt cửa sổ nhà ông Tám ấy. Ba chỉ cười và lần nào cũng trả lời
rằng có cứng mới có thể bế Mai mỗi chiều chứ. Tuy
không bằng lòng nhưng Mai lại thấy sung sướng trước tình yêu thương
trong tay bố. Ba Mai đi làm ở bến tàu. Ba bảo xa lắm, tận xa lộ, nên
nhiều lần Mai đòi đi ba hứa có dịp sẽ mang Mai đi cùng. Đối với Mai, thế
giới của ba làm việc là thế giới thật khó hiểu, mới lạ. Nhưng Mai không
dám tò mò nhiều, bởi má vẫn bảo con gái tò mò lắm không nên. Đôi khi
Mai gặng hỏi, ba chỉ nói là công việc ấy không dành cho con gái và cũng
chẳng có gì mới lạ hết. Công việc của một người thợ sửa và chăm sóc
những con tàu hư. Những con tàu khi ra khơi thì hùng dũng và oai nghiêm
bao nhiêu, lúc về bến chậm chạp, im lìm bấy nhiêu. Theo ba, chỉ những
con tàu hư mới thật tệ hại mà thôi. Đôi lúc vui miệng, Mai hỏi ba về
những chuyến tàu, về công việc làm có mang lại cho ba thích thú không
thì ba lại mỉm cười không đáp. Mai hỏi má, má cũng chỉ nhìn ba và rồi
lại mỉm cười. Mai không hiểu gì cả.
Công việc bận rộn khiến ba vắng mặt cả buổi trưa. Ngày hai buổi ba ở mãi trên sở, đến buổi chiều ba mới lại về nhà. Bến tàu xa quá, việc đi lại của ba thật khó khăn. Có người nhờ ba giúp việc cho một hãng buôn của họ ở gần nhà. Công việc nhẹ nhàng mà lại nhiều lương. Má đã năn nỉ ba cả tối, song ba không chịu. Và lần đó ba đã giận má. Mai chưa bao giờ trông thấy ba giận như vậy. Ly nước trong tay ba run run, ba nói với má, giọng không phải là giọng nói hằng ngày:
- Tôi đã bảo không là không… Bà có để cho tôi yên không?
Má im lặng cúi mặt buồn rầu. Ba cũng im lặng. Một lúc sau ba bảo má, giọng dịu hơn:
- Bà không hiểu tôi sao?
Má nói nhỏ:
- Ông không thích thì thôi, tôi xin lỗi ông. Tôi đã hiểu. Nhưng…
Ba ngắt lời:
- Tôi không muốn nhắc lại chuyện ấy, bà cũng không nên nhắc lại, bà phải hiểu giúp tôi chứ.
Má gật đầu.
Từ đó, ba vẫn đi làm thợ sửa tàu ở phía xa lộ. Má có lẽ hiểu ba lắm nên Mai không thấy má phàn nàn gì cả. Nhưng riêng Mai, Mai không hiểu chút nào. Tại sao ba đi làm mãi ở một nơi xa và ít lương đó? Tại sao ba thích những con tàu hư hơn là những giờ rỗi rảnh nghỉ ngơi? Tại sao ba không làm ở một nơi lương nhiều lại gần nhà như má nói? Ngần ấy câu thắc mắc cứ xoay quanh đầu Mai, nhất là những khi phải chờ ba lâu như hôm nay. Mỗi lần ba về trễ là mỗi lần Mai sợ hãi không đâu. Đôi lúc đâm giận ba nữa.
Mai biết mình có lỗi, nhưng Mai vẫn không hiểu tại sao lòng cứ thắc mắc về những nghi vấn không lời giải đáp ấy.
Tiếng còi xe của nhà ông ký đã kêu vang trước ngõ. Thế mà ba vẫn chưa về. Má đi ra ngõ đứng với Mai. Má nói:
- Gớm ông ấy sao hôm nay về trễ thế.
Mai cũng đồng ý với má, giọng nũng nịu:
- Ba đi làm gì lâu quá, má nói ba đừng làm chỗ này nữa.
Má cúi xuống nhìn Mai rồi lắc đầu:
- Đâu được, ba không đi làm lấy gì cho con ăn học.
Mai đành im vì nghĩ cũng đúng.
Nhưng vẫn thấy tưng tức là.
- Chào bác, sao bác đi làm về trễ vậy?
Bà Tư chào ba ngoài ngõ. Mai mừng quá, nắm tay má giật mạnh:
- Ba về má ơi.
Má cũng cười:
- Con ra đón ba đi.
Mai định chạy ra, song nghĩ lại, giận ba quá, Mai đứng yên, phải để cho ba biết là Mai giận ba lắm. Nhất định không để cho ba bế mình như mọi ngày. Mai cương quyết quay mặt nhìn một bên. Có tiếng dựng xe trước hàng giậu. Mai vẫn không quay lại. Ba cười nhỏ:
- Mai lại đây với ba nào.
Bỗng Mai nghe má kêu lên:
- Ồ tay ông sao thế này?
Nỗi giận hờn ba bỗng tiêu tan hết. Mai lo sợ quay lại. Cẳng tay ba quấn bông đến tận cùi tay. Tiếng ba vẫn thản nhiên như không có việc gì cả:
- Ờ không hề gì, trầy trụa sơ thôi mà.
Má kêu lên:
- Không có gì mà tay băng kín thế kia. Ông phải cho tôi biết chuyện gì xảy ra chứ?
Mai cũng thất thần ôm cánh tay ba hỏi:
- Ba, tại sao thế này?
Ba cười, nhấc bổng Mai lên đong đưa rồi đặt xuống:
- Nào, chúng ta vào trong ăn cơm, ba đói bụng rồi, trong bữa ăn ba sẽ kể cho cả nhà nghe. Bố con mình vào nhà đi. Đi mình.
Mặc ba cười, Mai vẫn không thấy bớt lo. Má cũng vậy. Má không ăn được bát cơm nào. Chỉ có ba và Mai là ăn uống ngon lành thôi. Nhưng khi ăn đã no, Mai lại thắc mắc về cánh tay của ba. Ba biết cả nhà đang lo lắm nên khi và nhanh miếng cơm cuối cùng, ba vội nói với má:
- Bà ăn uống lẹ lên, tôi sẽ kể cho nghe. Không có gì cả. Hồi trưa này, lúc cả sở nghỉ trưa, tôi ra ngoài bến nhìn tàu. Hôm nay, có một chiếc tàu hư, song tôi thích nó quá, bởi chiếc tàu này trông thật hùng vĩ. Tàu chưa được phép làm vì giấy tờ chưa xong, có lẽ đến ngày mai chúng tôi mới sửa nó. Trong khi nhàn rỗi, tôi đến gần thang tàu, lội cả xuống nước để nhìn tận mắt những chỗ bị rêu bám đầy và san hô dính thành đám. Có lẽ chiếc tàu đã đi ngoài biển lâu lắm. Từng mảnh san hô thật đẹp hình thù phức tạp. Tôi định gỡ một mảng về nhà cho Mai nó học. Nhưng lỡ trợt chân ngã vào thân tàu. Mảnh san hô vỡ cứa vào tay. Nên phải băng như thế này đây.
Nghe đến đây, má kêu lên:
- Trời ơi, tự nhiên ham gì mấy cái san hô mà ham không biết.
Mai cũng kêu lên:
- Ba đừng thèm nữa ba. Một chút đó mà cũng đã bị thương, huống chi khi ba sửa tàu thì… thì…
Ba không đáp. Mai không thấy ba có vẻ gì đau đớn hoặc trách móc số xui. Mà trái lại, Mai thấy hình như ba có vẻ mãn nguyện và vui lắm thì phải. Ba không nghe ai nói cả. Má hình như cũng nhận thấy điều đó nên má im lặng lắc đầu, dọn dẹp bát đĩa.
Trong cái im lặng của ba, Mai bỗng thấy tưng tức. Mai nhất định phải hỏi ba là tại sao ba lại có vẻ thích thú. Mai muốn ba phải nói rõ cho Mai nghe. Mai không tức ba, song Mai ghen với các con tàu trên bến, nơi ba sửa nó hằng ngày.
Mai đứng gần ba, ôm lấy gối ba và hỏi nhỏ:
- Ba ơi, tại sao ba thương những con tàu hơn con?
Ba cúi xuống cốc nhẹ vào đầu Mai cười nhẹ bảo:
- Ai nói với con là ba không thương con? Nào, nói cho ba nghe đi.
Mai nói, giọng quả quyết (Mai không ngờ mình hăng hái đến thế):
- Chính con nghĩ như vậy ba à. Ba không muốn xa cái bến tàu nơi ba làm việc. Ba kể chuyện những con tàu uy nghi của ba hơn là kể chuyện cổ tích cho con nghe. Ba không thích cho con nói xấu các con tàu đó. Dù ba đã khổ sở vì nó.
Ba vỗ nhẹ vào vai Mai, khẽ nói:
- Ba không đi làm ở bến tàu thì có tiền đâu chi phí cho cả nhà. Con phải biết, ở trên đời này có ai không làm việc mà sung sướng, đủ ăn đủ mặc đâu? Làm người phải làm việc.
Mai cướp lời ba:
- Như vậy, ba làm đâu lại chẳng được. Tại sao ba cứ làm mãi ở bến tàu đó? Bác quen với ba giới thiệu ba làm chỗ khác mà ba có chịu đâu.
Ba nhìn Mai, ánh mắt vương chút buồn rầu. Ba nói nhỏ như nói thầm:
- Con gái ba thông minh quá.
Mai vẫn nũng nịu:
- Lần nầy nhất định ba phải cho con biết tại sao ba thích sửa tàu, một công việc cực nhọc lại không có gì thích thú. Ba nói đi ba, nói đi ba.
Ánh mắt ba đăm chiêu. Mai nhìn ba, vừa kính vừa sợ. Mai biết mình nói hỗn, toàn những câu không làm vừa lòng ba. Mai rón rén đứng dậy, định lủi xuống bếp với má. Nhưng ba cúi xuống thì thào vào tai Mai, kéo Mai lại gần:
- Con gái ba đã nói được những câu như vậy, thì ba lo gì mà không nói lý do tại sao ba thích những con tàu, Mai nhỉ. Bố con mình ra ngoài hiên đi con.
*
Ngoài hiên, ánh trăng sáng vằng vặc. Từng cơn gió thổi lồng vào mái hiên đuổi xô đi cơn nóng bức ban chiều. Mai dựa đầu vào lòng ba chờ đợi. Ba im lặng nhìn trăng chưa nói gì. Nhưng Mai không còn giục giã ba như lúc nãy nữa. Mai biết ba sẽ nói với Mai. Ba nói để làm tan thắc mắc trong lòng Mai. Ba sẽ nói một câu chuyện không giống bất cứ một câu chuyện gì mà ba đã kể với Mai. Câu chuyện sẽ quan trọng vì ba đã bắt đầu với giọng nói trầm và cảm động:
- Cách đây 20 năm, nghĩa là lúc ấy ba vừa được 20 tuổi. Ba hơn con bây giờ 10 tuổi, và lẽ dĩ nhiên ba lớn hơn con nhiều lắm. Ba lại to và mạnh nữa. Nhờ vậy, ba được tuyển chọn vào ngành thủy quân. Mặc cho ông nội, bà nội con phản đối, ba vẫn theo tàu lênh đênh, tháng này sang tháng khác. Con khó mà có thể tưởng tượng được những thú vị và sung sướng của người thích biển, mà được đi biển. Ba có cảm tưởng có thể ở mãi trên tàu, ngoài khơi xa tít. Biển xanh, trời xanh. Bạn của ba, ngoài những anh thủy thủ, là vài con chim biển nhỏ bé, cánh màu xám nhạt, đậu lặng lẽ trên thân tàu, trên cột buồm. Chúng thỉnh thoảng cất vài tiếng hót nhẹ, tiếng hót cô đơn nhưng thật đẹp, chỉ có ba mới nghe được giữa cơn gầm thét của sóng biển. Từng đám rong xanh trải bồng bềnh trên mặt nước, xen lẫn những đám phù du màu đỏ đậm cũng là cảnh vật làm ba không thể nào quên được. Ba còn không quên được màu trời, mây trắng của mùa hạ. Trời rất xanh, và mây rất trắng. Mây bay bay chở đầy ý nghĩ của ba về đất liền, đến người thân thiết. Tất cả là bạn thân, là nỗi mơ ước bao la chen lấn trong cái thú vị được một mình giữa trời mây nước, giữa tạo vật kỳ diệu, vĩ đại. Những khi đó, ba mới cảm thấy thật sự ba là con người, ba cảm được cái ân huệ sinh làm người mà Thượng Đế đã ban phát cho ba.
- Ba ơi, con hiểu lắm, có phải ba muốn nói đến cái thú vị mà ba được hưởng, được thấy đã làm ba không bỏ được những con tàu?
- Gần như vậy con ạ, nhưng bên trong lòng ba, còn một yếu tố khác nữa. Ba không giải thích thành lời được. Con thử tưởng tượng, cạnh cái đẹp, vẻ tuyệt mỹ của trời đất, ba còn phải cùng các bạn chiến đấu với bao nhiêu hiểm nguy, những giờ phút cuồng nộ của biển. Từng đợt sóng khi vun to như dải núi cao vút, khi hạ thấp như một thung lũng sâu hút. Thân tàu run rẩy, nghiêng ngả. Tất cả thủy thủ, mình trần, thi gan ngoài mưa gió, sửa một nơi thủng ở góc đằng này, buộc lại dây neo ở góc đằng kia, giúp người bạn đang nôn mửa dưới gầm tàu. Những lúc tuyệt vọng, người thủy thủ dựa vào nhau, cầu nguyện. Khi ấy, kẻ vô đạo nhất cũng thấy mình mềm lòng đi. Nhưng con ạ, điều ba muốn nói là không phải họ cầu nguyện bằng lối thông thường, quỳ gối, chịu đựng, an phận. Không, họ cầu nguyện trong khi tay vẫn làm việc và chiến đấu hết sức mình để chống với thiên nhiên. Ba hãnh diện là một tên thủy thủ.
Ba im lặng một lát. Mai nhìn ba chiêm ngưỡng. Trên nét mặt ba, vẻ hào hùng từ một thời nào lênh đênh với con tàu trên biển cả, đượm chút mơ màng, hình như ba đang nhớ lại một, hai, ba, nhiều đêm trăng nào đó, dưới bầu ánh sáng êm dịu xanh lơ như đêm nay, ba ngồi trên boong tàu, thân thể được mơn man bằng chính hơi nước biển, nhìn mây bay, nhìn sao sáng, ba hát nhỏ những câu hát quen thuộc, hoặc nghĩ về một người thân nào đó, một ánh đèn mờ phía xa tít trên bờ. Mai bỗng nghe như ba thở dài thật nhẹ, rồi ba nói tiếp, giọng tiếc nuối:
- Thế rồi, một ngày kia, ba đành bỏ con tàu mà đi. Má con bị bệnh liên miên, con bấy giờ hãy còn nhỏ lắm. Nhà ta lại nghèo quá. Như con thấy đó, họ hàng thân thích không ai cả. Ba rời bỏ nơi mà ba tưởng chừng sẽ sống đến hết cuộc đời ở đó.
Mai bíu lấy tay ba:
- Sao ba lại bỏ đi như vậy, ba có thể vừa làm thủy thủ vừa săn sóc con và má được mà?
Ba cười buồn:
- Không được con ạ, ai cũng phải lựa chọn cho mình một con đường trong hai cái thích. Ba cũng vậy, nếu muốn làm thủy thủ, ba phải có những chuyến đi kéo dài hằng tháng, đôi khi cả nửa năm mới trở về nơi bến cũ. Ba không thể để con và má ở lại một mình như vậy được. Nên ba chọn lựa. Và ba nghĩ rằng, đi biển tuy là niềm vui độc nhất của ba, nhưng chắc chắn biển không dùng ba suốt cả cuộc đời. Gia đình mới là nơi ba có thể sống mãi mãi êm ấm, an ủi ba mỗi khi ba buồn bã. Và tại gia đình, ba có cả một tương lai tiếp nối: đó là các con của ba. Ba rời biển từ dạo ấy mặc dù với biết bao là luyến tiếc.
Mai chợt hiểu vì sao ba thích những con tàu trên bến. Những con tàu dù hư, dù xấu, im lìm bất động, vẫn còn chút linh hồn đối với những thủy thủ đã bỏ nghề như ba. Từng mảng rêu bám quanh thân tàu, những tràng san hô mọc bám đầy dưới đáy, tượng trưng cho cuộc hành trình dài dằng dặc ngoài biển cả, sẽ giúp ba nhớ lại dĩ vãng, hầu nuôi nấng lại phần nào mộng ước ra khơi của ba. Nghề sửa tàu dù cho nhọc mệt, đường đến sở làm dù quá xa, ba vẫn thấy thích thú khi được làm lại cái công việc mà cách đây nhiều năm, ba đã từng làm trên những con tàu biển.
Ba đã im lặng từ lâu. Chắc ba đang gợi lại quá khứ. Mai suy nghĩ miên man. Trong đầu óc nhỏ bé của Mai, một niềm yêu thích những con tàu bỗng dưng thành hình, len lén đi vào ý tưởng.
Trăng đã sáng hơn lên, trời mát dịu, gió mơn man thổi qua những mái lá, thốc vào kẽ ván nghe rì rào. Mai mơ màng nghe như tiếng sóng biển vỗ vào thành tàu, dập dồn một khúc nhạc tuyệt diệu dưới ánh trăng. Mai thì thầm với bố:
- Ba đi biển lại đi ba.
Kim Hài
(Sóng vàng)