Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Các Tiếp Dẫn Viên Khả Ái




Nếu được giáo dục, không trong người nào mà không
cái gì tốt, cái gì trở thành tuyệt hảo. Saint Evremond


Các tiếp dẫn viên hàng không chỉ giúp đỡ các bạn trong một phạm vi giới hạn, như ly nước, viên thuốc nhức đầu cho người khó chịu, khuấy sữa, phụ người mẹ dỗ em bé nín, gọi điện thoại hỏi dùm chỗ trọ cho du khách… Tóm lại, phạm vi của họ không vượt ra khỏi khung sắt phi cơ hoặc xa hơn, hàng rào phi trường. Vả lại, họ làm vì bổn phận họ bắt thế.

Riêng các tiếp dẫn viên được nói đến nơi đây lại làm hầu hết mọi công việc trong phạm vi có thể của mình, lại không phải một vài người phục vụ cho một số đông hành khách mà đôi khi là cả một số đông phục vụ cho chỉ một hành khách! Tôi muốn nói đến những em nhỏ bán quà rong tại các nhà ga, các bến xe đò, trên toa xe lửa.

Bạn đi xe lửa? – Em ơi, phòng bán vé chỗ nào?” “Bên trong đó chị, bên phải kìa, thôi, để em dẫn chị đi”. – Nhỏ, ga này là ga gì mậy? Tới Gò Vấp chưa? “Ga Bình Triệu bà ơi, chừng nào tới Gò Vấp, tui nhắc cho”. – Tới nơi rồi, xuống mau các con. “Tránh qua bên đi bà con, cho người ta đi xuống rồi hãy lên xe” (Với xâu đậu phọng rang nơi một tay, em nhỏ sẵn sàng chuyển phụ đồ đạc hay đỡ hộ cô cậu bé cho một bà nào đó với tay còn lại).

Bạn đến một nơi lạ, muốn hỏi thăm đường mà không gặp Cảnh Sát? Cũng ngần ngại không muốn làm phiền những người lớn qua lại? – Em ơi, bến xe đò ở đây còn bến xe lô nơi đâu? “Tuốt dưới kia lận dì, để em dẫn dì đi”. – Ê nhỏ! Lại nói nghe. Ra Sàigòn đón xe buýt ở đâu mậy? “Qua khỏi ngã tư này, bên trái, nơi cái bảng xanh đó chú”.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình mà tôi được chứng kiến qua những chuyến đi. Bạn đi đây đi đó nhiều, tất bạn gặp được nhiều chuyện lạ và vui hơn. Và chắc bạn thừa biết rằng các em nhỏ mà tôi gọi là các tiếp dẫn viên khả ái ở trên, hành động với mục đích gì rồi. Sau khi tận tình giúp bạn, thế nào các em đó cũng mời bạn mua một món gì. Bạn có thể từ chối, dĩ nhiên. Các em đó có thể năn nỉ, kể lể. Cũng có thể các em bỏ đi mà không hề trách cứ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, tôi thấy các em thường bán được vì hầu như ai cũng muốn đền ơn cho đỡ thắc mắc.

Bạn đặt câu hỏi tại sao tôi chỉ gọi các em nhỏ là các tiếp dẫn viên khả ái – trên một khía cạnh nào đó – trong khi cùng sinh hoạt như các em là những người lớn, đa số gồm các bà trung niên? Xin đáp : vì ít có người lớn nào níu kéo khách hàng, năn nỉ để bán cho được như các em nhỏ. Vả, cũng hiếm người chịu bỏ công dẫn đạo để rồi sau đó chỉ nhận được đôi tiếng cám ơn suông.

Trở lại các em nhỏ của chúng ta, nếu các bạn cảm động vì thấy các em đáng lẽ được ăn học đầy đủ, được người thân nuông chìu thì lại phải cơ cực buổi đi học, buổi đi bán hàng, hoặc có khi, phải nghỉ học luôn ; xin bạn hãy cho các em cái nhìn cảm thông hoặc mua giúp các em chút ít hàng mà đừng tìm hiểu thêm gì nữa. Bởi chắc chắn nếu đi sâu vào sinh hoạt của các em, bạn sẽ gặp nhiều điều xấu xa tệ hại không ngờ! Tôi không dám vơ đũa cả nắm rằng tất cả các em đều xấu, nhưng phần đông như thế. Hãy coi chừng bóp tay, túi xách, nữ trang… kẻo có ngày phải ngồi khóc và rủa lây người viết bài này khi nhớ đến những gì tôi vừa viết, rồi sẵn sàng đổi tựa bài này thành “các tiếp dẫn viên quỉ quái”.

Tôi tự hỏi : “Các em nhỏ bán hàng rong tại những nơi công cộng đông đúc, có phải là một hình ảnh, một hoạt cảnh riêng chỉ có tại Việt Nam thân yêu của chúng ta không?”.


(Trích từ chuyên mục "Hãy yêu Việt Nam" kỳ 1, tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>