Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

CHƯƠNG VI_XÓM NHỎ


CHƯƠNG VI


Chúng tôi tiếp tục sống những ngày chờ đợi, hy vọng trong cái xóm nhỏ nghèo nàn, thiếu thốn mọi tiện nghi này. Buổi gặp gỡ giữa anh Phúc và bố tôi quả là một tốt đẹp, một an bài của trời đất. Hai bên giá cả xem như tạm xong, chỉ chờ anh ấy tìm mua được nhà mới nữa là chúng tôi chồng tiền nhận nhà. Để lo lắng cho vụ này, bố tôi đã phải bỏ mất một buổi đi hỏi vay tiền nơi mấy người bạn quen ở Sài Gòn. Mẹ tôi vui hẳn ra, anh em tôi cũng thế, tươi tỉnh hơn bao giờ hết. Bố tôi cười bảo mẹ con tôi:

- Bây giờ hết oán tôi rồi nhé! Lên trên ấy có điện, có nước, lại gần chợ, gần trường, gần nhà cũ nữa. Thằng Tấn, cái Trâm, cái Loan có muốn gặp bạn bè cũng dễ. Mẹ nó muốn đóng hụi, đóng hè cũng tiện...

Mẹ tôi hỏi:

- Thế còn ông, ông nhất định mở tiệm sinh tố đấy à? Biết có bán được không?

- Tiệm sinh tố chỉ là phụ thôi, tôi phải tìm việc khác chứ. Nhưng lo gì chuyện ấy, cứ lên trên ấy được là đủ mừng rồi...

Vâng, cứ lên trên tỉnh được là đủ mừng rồi. Tôi khỏi phải thèn thẹn mỗi khi nghe người ngoài gọi mình là con ông bán phở, con bà bán báo – Lên tỉnh, nhất định bố tôi chả sao đi bán phở được rồi, trên ấy thiếu gì tiệm to. Mẹ tôi nữa, mấy nhà sách đầy báo, mở sạp báo thì bán cho ai? – Ôi! Cứ nghĩ đến ngày dọn nhà, tôi lại nao nao trong dạ.

Sáng nay, ông Phát vừa sai con sang mời bố tôi trưa sang nhà ông ấy dùng bữa, ông ấy đãi mấy người láng giềng đã giúp đỡ trong cơn hoạn nạn. Dĩ nhiên, anh em tôi cũng được "mời".

Và bây giờ, chúng tôi đã chễm chệ quanh bàn ăn với lũ con ông Phát, cái bàn tròn chẳng rộng là bao, bảy đứa chúng tôi ngồi chen nhau. Đấy là chưa kể hai đứa bé nhất, ông Phát cho ngồi cạnh ở bàn người lớn. thức ăn ê hề, gà, vịt, canh miến, mướp xào, nộm, nem, bún, ... Chúng tôi tha hồ gắp. Tôi, thằng Tài, cái Trâm, cái Hồng, thấy người lớn vừa ăn vừa trò chuyện, cũng bắt chước họ chuyện trò với nhau. Cái Trâm kể chuyện nhà tôi sắp dọn lên tỉnh. Cái Hồng:

- Nhà mầy dọn đi thật hở? Mới đến đây có mấy tháng mà...

Tôi :

- Ở đây khổ quá, chả bằng một góc trên tỉnh...

- Chúng mầy đi, chúng tao ở lại buồn lắm...

- Thế lúc nhà tao chưa dọn đến, chúng mầy chơi với ai?

- Thì với bọn quanh đây này...

- Nhà tao đi, chúng mầy cũng có bạn rồi, còn kêu buồn gì nữa...

- Không phải! Chúng tao buồn là tại chúng tao phải xa chúng mày... Nhà mầy sao kỳ, mới dọn đến ở được mấy tháng lại dọn đi... Chắc tại trời mưa ngập lụt nên nhà mày sợ chớ gì?

Bên bàn người lớn, mấy người lớn cũng đang bàn chuyện trời mưa ngập lụt. Ông Hiền công chức nói:

- Theo tôi nghĩ, mình phải họp nhau lại mà bàn cách tránh lụt mới được, cứ để thế này thì thật khổ...

Ông giáo sư Phủ:

- Tôi cũng nghĩ thế, nhưng biết các bác khác có cho là phải không đã !

Bố tôi:

- Phải hẳn đi rồi! Tôi thì tôi còn cho rằng đáng lẽ chuyện này, các bác phải bàn với nhau từ lâu rồi kìa... Bây giờ mới bàn thì có hơi muộn một tí...

Ông Tâm:

- Nào ai có thời giờ rỗi mà bàn với tán... Với lại, trước kia thấy chả có gì, mưa ngập thì tát nước ra, thì lau chùi, rửa ráy... Ai ngờ đâu mùa mưa năm nay lại có lắm chuyện, hết chuyện cái Loan ngã suýt nguy đến chuyện bác Phát gái qua đời... Tôi ấy hở? Có họp bàn gì cứ gọi tôi...

Ông Phát:

- Nhưng các bác, có bác nào đã nghĩ đến cách gì để tránh lụt chưa chứ?

Ông Phủ :

- Tôi cho rằng tại khu đất của xóm mình thấp quá, vậy chỉ có cách đổ nền cao lên là tránh được...

- Nào phải ai cũng như nhà bác mà đổ đất được...

- Tôi không nghĩ thế... Nếu tất cả xóm cùng bằng lòng, việc đổ đất chẳng có gì là khó đâu... Này nhé, mình góp tiền lại, chung mua đất mà lại mua nhiều, chắc chắn phải được rẻ rồi. Về công thì cứ bỏ một ngày, nhà này giúp nhà kia một tay, thế nào lại chẳng xong...

- Vâng, thì cứ cho là đổ đất không có gì khó đi... Nhưng đổ đất rồi lại phải nâng nhà lên nữa... Bác tính sao?

- Ờ... ờ nhỉ! vụ này mới khó tính đây chứ... Chả lẽ cả xóm cùng rủ nhau nghỉ việc cả tuần lễ mà nâng nhà...

- Nâng nhà xong lại phải sửa sang cửa giả, nhà nghèo thì tiền đâu mà sửa sang... Thôi bác ơi, đề nghị của bác xem không ổn rồi...

- Thế các bác nghĩ sao?

Ông Tâm :

- Không biết mình đề nghị ấp bên kia họ đặt ống dẫn nước ven đường ấp họ có được không? Tôi thấy phần lớn nước lụt trong xóm mình là nước ở phía bên kia đường tràn sang...

Ông Hiền lắc đầu:

- Đặt ống cống thì có thể được, nhưng tôi nghĩ rằng dù có ống cống, nước chảy cũng không xuể đâu. Phí của mà chẳng ích gì...

Ông Long :

- Thế thì còn biết làm sao nữa?

Bố tôi pha trò :

- Tôi thấy rằng mình nên ... gắp món ăn thì hơn... các bác à...

Mọi người cùng cười, đưa đũa gắp món. Ông Hiền vừa nhai, vừa hỏi bố tôi:

- À, tôi nghe nói bác Khang sắp dọn nhà đi, tin ấy có đúng không bác?

- Đúng đấy bác ạ. Chúng tôi sắp lên tỉnh...

- Chắc là bác chê cái xóm này rồi phải không?

- Tôi đâu dám chê, chẳng qua mẹ con nhà nó đòi quá, tôi phải chiều...

Ông Phủ :

- Bác đi thì xóm mất .. ăn phở!

Mọi người cười ồ. Ông Phủ tiếp:

- Nhưng chắc cũng ít lâu nữa mới dọn nhà phải không bác?

- Vâng, chúng tôi còn đợi chủ nhà trên ấy mua được nhà khác...

Ông Tâm:

- Tôi nói điều này bác Khang đừng giận nhé...

- Bác cứ nói...

- Tôi đang cầu nguyện đấy bác à...

- Bác cầu nguyện gì?

- Tôi cầu cho người chủ căn nhà trên tỉnh của bác ấy, họ không sao mua được căn nhà nào cả...

Bố tôi cười. Ông Tâm tiếp:

- Nghiện phở của bác rồi đấy!

Ông Phát:

- Thôi , bây giờ mình trở lại chuyện lụt lội đi chứ...

Ông Hiền:

- Tôi vẫn giữ ý định tổ chức một buổi họp mặt đông đủ dân xóm để bàn về vụ này... Định nhờ nhà bác Phủ đấy, bác đồng ý chứ?

Ông Phủ :

- Được, tôi rất sẵn lòng... Bác Khang, bác tham dự chứ?

Bố tôi :

- Có chứ bác! Còn ở đây ngày nào, tôi còn là dân xóm này ngày ấy, các bác họp thì phải cho tôi tham dự chứ... Thế nào tôi chả giúp các bác được vài ý kiến...

- Thế thì hoan nghinh bác Khang quá. Vậy là đây mình có sơ sơ đã mấy bác rồi nhỉ? Bác Phát, bác Long, bác Tâm, bác Hiền, bác Khang và tôi, sáu người rồi... Mình mời chừng hai chục người nữa, nhà tôi có thể ngồi được đến ba chục người mà... Các bác nghĩ sao?

- Thế là tốt lắm rồi. Giờ đến ngày giờ... mình chọn một buổi sáng chủ nhật nào đi...


Buổi sáng chủ nhật được chọn, nhà ông Phủ tấp nập người ra kẻ vào. Ông Hiền lãnh nhiệm vụ đi mời khách, và ông đã mời được hơn hai mươi người, mỗi người đại diện cho mấy người lân cận, tất cả cùng đến họp mặt trong nhà ông Phủ.

Người lớn chỉ có từng ấy, nhưng trẻ con chúng tôi thì đông vô kể. Cái tin dân xóm họp ở nhà ông Phủ được loan truyền khắp mọi xó xỉnh, chả đứa nào lại không biết. Chủ nhật, không có việc gì làm, đùa nghịch thì cũng chán, cả bọn kéo nhau đến trước nhà ông Phủ xem. Lúc đầu chỉ chừng mươi đứa, sau kéo thêm dần, tôi ước chừng đên mấy chục. Xôn xao, ồn ào cả một khu chỉ do những cái miệng láu táu của lũ chúng tôi. Người đi đường ai cũng ngoái nhìn, tưởng đâu nhà ông Phủ có đám xá gì đó.

Cuộc họp khai diễn sau vài lời trình bày lý do của ông Phủ. Ông Hiền lên đưa ý kiến trước hết. Sau đó, ông kêu gọi mọi người có mặt góp thêm những ý kiến mới lạ hầu có thể đúc kết được một quyết định. Hai mươi mấy, gần ba mươi người lớn, đàn ông, đàn bà ngồi bên dưới bàn tán xôn xao. Rồi ông Lãng bước lên hỏi:

- Trước khi góp ý kiến, tôi có một thắc mắc muốn hỏi các bác đã chủ trương cuộc họp mặt này. Thắc mắc của tôi như sau : giả dụ như hôm nay, ở đây, mình đi đến quyết định chung của toàn xóm, thì rồi sau đó, mình sẽ thực hiện ra sao?

Ông Hiền như chỉ chờ câu này, bèn đáp:

- Xin cám ơn bác Lãng đã hỏi một câu rất thực tế. Về việc này, chúng tôi vẫn chưa có ý định rõ rệt, cách giải quyết sẽ tùy thuộc vào buổi họp hôm nay. Nếu toàn xóm quyết định một công việc cần đến sự góp công, góp của của mọi người, chúng tôi sẽ xin đi hô hào, còn như quyết định vượt khỏi khả năng của dân xóm, ta sẽ làm một lá đơn, cùng nhau ký tên và chuyển lên chính quyền xin giải quyết...

Mọi người xầm xì:

- Làm đơn thì cũng như không, chính phủ có bao giờ thèm đoái hoài tới đâu, họ còn phải lo bao nhiêu chuyện khác...

- Ý hẳn ông Hiền muốn phát động một cuộc tranh đấu như cuộc tranh đấu của dân xóm lúc mới chiếm đất?

Sau khi ông Hiền nói xong, ông Lãng lên góp ý. Rồi thêm nhiều người nữa. Ai nói cũng đúng, ai góp ý cũng phải, mà ai cũng còn thiếu sót để bị chỉ trích. Cuộc họp chưa đi đến đâu cả...

.... thì bọn trẻ chúng tôi nhốn nháo lên. Từ cuối đường cái, về phía tỉnh, một chiếc xe díp xanh trắng của cảnh sát chạy đến. Người cảnh sát tài xế đậu xe sát lề đường, một người cảnh sát dáng bệ vệ, ôm một cuốn sổ to bước xuống trước, theo sau là hai người khác, có lẽ là nhân viên dưới quyền ông ta. Cả ba người tiến lại phía nhà ông Phủ.

Bọn trẻ chúng tôi đứng dạt hẳn sang một bên, chừa lối đi cho ba người cảnh sát. Chúng tôi bảo nhau:

- Ông nào cũng đeo súng lục hết, khiếp quá...

- Không biết mấy ông ấy đến làm gì?

- Không khéo họ đến bắt bố mẹ chúng mình thì khổ...

Cảnh sát không bắt những người hội họp, họ chỉ đến lập biên bản buổi họp gần ba mươi người không có giấy phép. Ông Phủ, ông Hiền và bố tôi đứng ra điều đình, xin thông cảm. Viên cảnh sát chỉ huy lắc đầu nói :

- Thông cảm thế nào được. Các ông các bà hội họp không phép tắc gì cả, làm náo động cả một khu phố, các ông các bà tưởng ở đây không có luật pháp sao?

Bố tôi :

- Nhưng đây là một cuộc họp mặt thân mật của dân xóm để bàn về một ích lợi chung cho xóm chúng tôi...

- Tình là tình ... lý là lý... Chúng tôi chỉ biết làm phận sự...

Nói rồi, viên cảnh sát bảo bố tôi :

- Xin phiền ông cho chúng tôi lấy căn cước để làm biên bản trình cấp trên...

Bố tôi năn nỉ, nhưng viên cảnh sát một mực không chịu. Bố tôi đành móc ví lấy căn cước ra cho ông ta ghi tên tuổi. Kế đến là ông Phủ, ông Hiền, ông Phát... và tất cả những người có mặt trong nhà ông Phủ.

Lấy lý lịch xong xuôi, ba người cảnh sát bảo đám đông giải tán rồi lên xe ra về. Mọi người tản mác khỏi nhà ông Phủ nhưng ngay sau khi chiếc xe cảnh sát mất hút nơi cuối đường, tất cả lại tụ tập đầy đủ.

Mẹ tôi chứng kiến đầy đủ từ đầu tới cuối, chừng như lo lắng lắm, gọi cái Trâm, cái Loan ra xem sạp báo, rồi chạy ù lại bên bố tôi hỏi thăm :

- Giời ơi! Khổ chưa! Họ lấy tên ông đầu tiên hở?

Bố tôi bình tĩnh :

- Không sao đâu, đầu tiên hay cuối cùng gì cũng thế thôi...

- Nhỡ họ cho là ông cầm đầu...

- Cầm đầu với cầm đuôi gì ! Mẹ nó về coi sạp báo đi, để mặc tôi...

Mẹ tôi đành trở lại sạp báo.

Ông giáo sư Phủ ra vẻ hiểu biết, cho mọi người rõ :

- Xin các bác giữ bình tĩnh cho. Theo tôi biết, chuyện này chẳng có gì đâu. Bất quá họ gọi mình ra tòa, phạt mỗi người mấy trăm bạc là cùng. Các bác tưởng bỏ tù người khác dễ lắm sao?

Bà Hiển lo lắng :

- Ra tòa mà bác bảo là chẳng có gì à...

Ông Phùng :

- Biết thế chả đến họp với hành gì mà yên...

Kháo nhau một lúc, mọi người chia tay, ai về nhà nấy. Trong nhà ông Phủ còn lại bốn người: ông Phủ, ông Hiền, ông Phát và bố tôi. Bố tôi lắc đầu nói:

- Thế là thất bại hoàn toàn rồi!

Ông Phủ :

- Mình cũng sơ ý thật, giá mình báo cho Trưởng ấp biết một tiếng thì đỡ biết bao lôi thôi...

Ông Phát :

- Xem chừng nhiều người sợ lắm đấy.

Ông Hiền :

- Chắc rồi tôi lại phải một phen đi từng nhà các bác ấy giải thích cho họ hiểu, chứ không để họ sợ, còn làm ăn gì được... Thôi, mình chia tay chứ các bác...

Bố tôi bắt tay từ giã ông Phủ, ông Hiền, ông Phát. Thấy tôi đứng trước cửa, bố tôi vẫy:

- Về với bố!

Tôi nắm tay bố, bố tôi hỏi :

- Lúc nãy mày có thấy không?

- Con trông thấy hết...

- Mày có sợ không?

- Con chỉ sợ mấy ông cảnh sát bắt bố đi ...

Bố tôi cười. Tôi nói :

- Bố à...

- Gì?

- Nhà mình sắp dọn lên tỉnh rồi...

- Ừ, thì sắp dọn lên trên ấy rồi... Sao?

- Bố à...

- Mày định nói gì với bố thế?

- ... hay là ... hay là bố đừng thèm họp với họ nữa, nhỡ... thì sao?

Bố tôi chép miệng:

- Mày lo cũng phải... nhưng khốn nỗi, hàng xóm láng giềng với nhau... chẳng lẽ họ họp mình không tham dự... Với lại, mày quên rồi sao, bố vẫn còn là dân trong xóm này mà...

Tôi ngước nhìn bố tôi. Đôi mắt bố tôi chợt ngời lên, miệng bố lẩm bẩm:

- Ừ... mình còn ở đây ngày nào là còn phải góp sức với dân xóm ngày ấy mới phải chứ... ai lại điềm nhiên tọa thị cho được...

Cái xóm nhỏ! Tao ghét mày lắm rồi đấy! Và nhất định tao sẽ thù mày đến tận xương tận tủy nếu chẳng may, bố tao vì mày mà phải khổ. Mày có biết không? Xóm nhỏ ơi!

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>