Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

CHƯƠNG I_XÓM NHỎ



Thân tặng các bạn : Bình, Phước, Đông, Nhuận

Mến tặng các em: Phượng, Bích, Cúc, Hoàng, Oanh, Thành, Thu, Tuyết, Mạnh, Quang.

Riêng cho khu xóm Phúc Hải ngập lụt của tôi.


NTH                              


CHƯƠNG I


Ngày gia đình tôi phải rời bỏ căn nhà cũ là một ngày thật buồn. Không buồn sao được khi nơi đó còn biết bao kỷ niệm buồn vui, nơi đó anh em tôi đã sinh ra đời, đã lớn khôn, đã đùa nghịch, đã phá phách, bố mẹ tôi đã sửa sang, đã bồi đắp. Cho đến bây giờ, tôi không còn nhớ rõ được rằng đầu tiên, căn nhà của gia đình tôi ra sao? Nhưng tôi biết chắc là nó được sửa sang rất nhiều, nghĩa là bố mẹ tôi đã phải tốn vào đấy bao mồ hôi, công khó.

Thế mà bố mẹ tôi phải treo bảng bán. Buổi tối hôm ấy, bố tôi lấy đâu ra một miếng các-tông khá vuông vức đặt lên bàn học của anh em tôi rồi sai cái Trâm đi mua đồng bạc phấn. Tôi đang ngồi tập viết cho cái Loan, thấy thế mới hỏi:

- Mua phấn làm gì vậy bố?

Bố tôi nhếch mép cười nụ cười thật lạ lùng, trông như mếu Bố không trả lời câu hỏi của tôi mà hỏi ngược lại:

- Mầy có viết hộ bố mấy chữ lên đây (Bố vừa chỉ lên tấm các-tông) có được không?

- Có cần viết đẹp không hở Bố?

- Đẹp hở... ờ ... đẹp càng hay...

- Nhưng viết gì cơ?

Lại một lần nữa bố tôi nhếch mép cười như mếu. Sau đó, bố thở dài và nói:

- Bố nhờ mày viết hộ bố mấy chữ như thế này... Hai chữ thôi... Mà không ... Năm chữ tất cả... Hàng trên mày viết : Nhà bán, hàng dưới viết : Hỏi tại đây...

Tôi mở tròn đôi mắt, cái miệng hơi chu ra. Bán nhà? Bố tôi bán nhà? Gia đình tôi sa sút đến độ phải bán nhà sao? Sao bấy lâu nay, tôi chả nghe bố mẹ tôi đá động gì đến chuyện làm ăn thua lỗ? Căn nhà này rồi sẽ về tay người khác? Thật thế sao?

Như đọc được ý nghĩ của tôi, bố tôi trầm giọng kể:

- Mấy tháng nay bố mẹ làm ăn thua lỗ quá, thầu chuyến nào là y như rằng lỗ vốn chuyến ấy. Bố mẹ không dám cho các con biết vì bố mẹ không muốn các con bận tâm về việc tiền bạc trong gia đình, bố mẹ định thầu thêm vài chuyến nữa may ra có vớt vát được gì không? Chả ngờ... Đến nay thì tình thế bắt buộc, không cho các con biết không được. Bố định bán nhà rồi xoay sang nghề khác...

Tôi hỏi chận:

- Bố đổi nghề thì cứ đổi, sao lại phải bán nhà?

- Cái nghề mới của bố, bố thấy không cần đến căn nhà này. Vả lại, bố cần một số tiền để trang trải nợ nần...

Cái Trâm mua phấn về. Bố tôi trao cho tôi một viên, khẽ nói:

- Viết cho Bố đi, hàng trên hai chữ “Nhà bán”, hàng dưới chữ “hỏi tại đây”, nhớ viết cho đèm đẹp...

Tôi ngước nhìn Bố. Tôi thấy bố tôi cười mà đôi mắt long lanh ngấn lệ. Bố tôi vẫn hay bảo: đàn ông con trai mà khóc thì yếu lắm. Thế mà...

Tôi cúi xuống và bắt đầu viết lên tấm các-tông hàng chữ như bố tôi vừa dặn. Cái Trâm đứng tựa bàn chăm chú theo dõi. Cái Loan cười toe toét khen:

- Anh Tấn viết đẹp ghê!

Tôi viết xong, ngước nhìn bố tôi lần nữa. Lần này, tôi không còn thấy ông cười nữa.

Tấm bảng rao bán nhà được treo trước cửa nhà tôi độ bốn năm hôm thì có người đến hỏi. Lúc khách đến, bố tôi không có nhà, mẹ tôi thay mặt dẫn họ đi xem xét khắp nơi trong nhà. Khách có vẻ bằng lòng lắm, ông ta hẹn gặp bố tôi vào sáng hôm sau. Và rồi giá cả xong xuôi, dễ dàng một cách không ngờ.

Bố tôi bảo cái Trâm ra hạ tấm bảng bán nhà xuống. Nhà tôi đã bán mất rồi.


Phải mất ba chuyến xe lam đầy, đồ đạc của gia đình tôi mới di chuyển hết. Tôi chưa từng sống những phút giây biệt ly giữa người và người. Nhưng tôi chắc rằng buổi chiều hôm ấy, buổi chiều ly biệt giữa tôi và căn nhà cũ, dù là giữa người và một vật vô tri, cũng chẳng kém thâm tình thắm thiết.

Từng món đồ được khiêng ra xe, từng phút giây căn nhà trở nên trống trải hơn. Bao kỷ niệm buồn vui trong căn nhà này từ nay sẽ rời xa tôi mãi mãi rồi. Hết còn ngày một buổi, tôi, cái Trâm, cái Loan, đứa nọ đùn cho đứa kia múc nước lau nhà, rồi cãi nhau chí chóe, rồi chê nhau lau nhà không sạch, chê nhau lau nhà lâu, chê nhau làm không kỹ... Hết rồi những buổi tối bố con tôi nằm lăn trên nền gạch vừa chuyện trò, vừa đùa nghịch. Hết rồi...

Lúc món đồ cuối cùng được đem ra xe, người chủ mới cũng vừa đến. Mẹ tôi, cái Trâm, cái Loan đã về nhà mới trong hai chuyến xe trước. Chuyến thứ ba này chỉ còn bố con tôi. Bố tôi bắt tay người chủ mới từ giã. Tôi lí nhí chào ông ta. Ông ta cười thật tươi, lấy tay xoa đầu tôi và nói:

- Cháu đi mạnh giỏi nhé. Hôm nào rảnh về đây chơi.

Bố tôi ngồi ghé trên hộp đồ nghề của chiếc xe lam gắn cạnh tài xế. Tôi ngồi đằng sau xe xem chừng đồ. Chiếc xe lam như sắp hỏng máy, tiếng máy nổ bùng bục không đều, thỉnh thoảng bị tắc nghẹn như ông cụ khục khặc ho. Tôi ước chi nó hỏng máy để tôi được thêm ít phút nữa mà nhìn ngắm căn nhà lần cuối cho thỏa. Thế nhưng cái xe kỳ khôi vừa ho lục bục, lại vừa lăn bánh đều đều!

Người chủ mới của căn nhà chúng tôi đứng trước cửa, đưa tay vẫy. Bố tôi ngoái lại vẫy trả. Tôi cũng bắt chước bố tôi. Nhưng không phải vẫy chào người đã tước đoạt của tôi bao kỷ niệm nơi căn nhà cũ, mà vẫy chào căn nhà thân yêu, vẫy chào bốn bức tường gạch quét vôi vàng, cánh cửa ra vào màu xanh lá cây, mái ngói chỗ mới thay đỏ au, chỗ cũ xì mốc thếch.

Vĩnh biệt nhau rồi, căn nhà cũ thân yêu của tôi ơi!


Vào lúc chúng tôi dọn nhà thì lũ bạn cùng xóm của tôi, của cái Trâm bận đi học, không có đứa nào đến tiễn anh em tôi cả. Nhưng nơi căn nhà mới, tôi thấy thật nhiều trẻ đứng sẵn như đón chào. Đâu mười mấy đứa. Tôi nghĩ, trước sau gì thì tôi với chúng cũng quen nhau, thành bạn bè nhau, nên vừa nhảy ra khỏi xe, tôi đã quay về phía chúng, cười duyên một nụ. Thế mà có hiệu quả ngay. Một đứa cười đáp lại, nó hỏi tôi:

- Hết chưa mày?

Tôi đáp :

- Hết rồi.

Nó:

- Nhà mày nhiều đồ ghê!

Nhà tôi quả nhiều đồ đạc thật. Và đó chính là đầu mối gây ra sự rắc rối tối hôm ấy. Ba chuyến xe lam đồ đạc thu gọn vào một căn nhà ba thước rưỡi bề ngang, sáu thước hơn bề dài hỏi làm sao không chật chội. Bố tôi kê đi, mẹ tôi sửa lại, tôi bàn vào, cái Trâm tán ra... Đống đồ đạc suốt tối hôm ấy được dịp chạy lăng quăng khắp nơi trong nhà. Cuối cùng, chỉ có vài món được yên thân yên chỗ. Đó là cái giường lớn của mẹ tôi, cái Trâm, cái Loan; cái giường con của bố con tôi; cái tủ đứng và bộ bàn ghế! Kỳ dư, bao nhiêu đồ đạc khác, nằm la liệt chỗ này một món, chỗ kia một món, hôm sau tính.

Thời gian đi thật nhanh khi người ta làm việc. Thu dọn đồ đạc chỉ mới được chừng đó mà đồng hồ đã chỉ tám giờ hơn. Bấy giờ mẹ tôi và cái Trâm mới đi sửa soạn thổi cơm. Cái Trâm, em gái tôi thật ngoan và đảm đang. Mới mười tuổi đầu mà nó đã biết thổi nồi cơm, làm vài món ăn thông thường. Khi còn ở nhà cũ trên tỉnh, gia đình bề thế, mẹ tôi dạy nó làm bếp chỉ để có dịp khoe con gái mình với khách khứa; giờ đây, buổi tối đầu tiên nơi căn nhà mới chật hẹp, và rồi còn nhiều ngày nối tiếp nữa, em gái tôi có phải làm bếp thì thực sự là làm bữa cho gia đình no lòng, chứ không còn tính cách làm để làm dáng như trước nữa. Với cái Trâm, tôi chỉ thương nó nhất ở điểm này: nó rất chăm chỉ nhưng lại kém thông minh, kém vô cùng. Tôi nhớ có một lần tôi cho nó làm toán. Bài toán chẳng có gì là khó hiểu, tôi chỉ giảng sơ qua và tưởng thế là đủ. Ngờ đâu em gái tôi lắc đầu mà rằng:

- Em chả hiểu gì cả!

Tôi giận quá , suýt chút nữa buột miệng mắng em nếu không kịp nghĩ rằng có lẽ tại tôi giảng chưa kỹ nên nó chưa hiểu. Tôi giảng lại từ đầu và giảng thật chậm. Để chắc ý, sau mỗi câu, tôi đều hỏi nó:

- Có hiểu không?

Em gái tôi gật đầu nói “Hiểu”. Để rồi sau đó, khi giảng hết bài toán, nó lại lắc đầu:

- Em chả nhớ gì hết!

Tôi hết dằn được, giơ tay cốc vào đầu nó một cái, miệng mắng:

- Sao mày ngu thế?

Em gái tôi không khóc ngay khi ấy. Nó lấy tay che mặt sợ tôi đánh nữa, mắt lấm la lấm lét. Tôi thấy hối hận, định mở lời xin lỗi. Đúng lúc ấy, bố tôi đi làm về. Cái Trâm không mách bố tôi, và lúc này nó vẫn chưa khóc. Nhưng rồi sau đó, tôi bắt gặp nó ôm mặt nức nở trước cuốn tập toán trong một góc nhà. Tôi biết rõ lắm, em gái tôi tủi thân.

Chín giờ tối hôm dọn nhà, mẹ tôi và cái Trâm dọn cơm ra. Bữa cơm thật đạm bạc nhưng vì suốt buổi chiều quần quật với công việc, bụng ai nấy đã đói meo, cả nhà cùng ăn thật ngon lành. Nồi cơm hôm ấy hết sạch. Cái nồi sạch nhẵn, một hình ảnh kỷ niệm mà không bao giờ tôi quên được trong bữa cơm đầu tiên của những ngày cơ cực.


Ngày hôm sau, rồi nhiều ngày sau nữa, gia đình tôi mới thu xếp chỗ để các vật dụng trong nhà được gọn gàng. Hẳn là chật như nêm. Và có nhiều thay đổi nữa. Ở nhà cũ, chúng tôi có một bộ sa-lông, một cái bàn học cho anh em tôi, một cái bàn ăn dưới bếp. Lên đây, bộ sa-lông về tay người khác, đổi cho bố mẹ tôi một món tiền. Chiếc bàn học của anh em tôi bây giờ kiêm luôn ba việc: để tiếp khách, để ngồi học, và... để ăn cơm. Còn chiếc bàn ăn cũ? Nó phải nằm sát góc nhà giơ mặt ra chịu đựng nào hai cái bếp dầu hôi, nào chai, lọ, đèn, đóm cùng những vật dụng linh tinh khác của một cái bếp.

Đấy! cứ nhìn đấy thì đủ thấy cảnh sa sút của gia đình tôi. Sa sút một cách thình lình không ngờ. Mười mấy năm trời nay, tuy không khá giả lắm, nhưng chúng tôi sống sung túc nơi tỉnh thành, tiện nghi đầy đủ. Nơi căn nhà mới, một xa cách rõ rệt với căn nhà cũ, bố mẹ tôi hẳn buồn lắm. Cứ nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của mẹ tôi thì rõ. Đôi khi tôi đã thấy mẹ tôi khóc. Tôi hiểu sự xót thương của những giọt nước mắt đó. Không phải để tiếc nuối những ngày sung sướng đã qua, mà vì lo cho anh em tôi, ba đứa con đã quen sống trong nếp sống đầy đủ, nay phải chịu đựng cảnh bần hàn. Nỗi lo lắng của mẹ tôi không phải là không có lý đâu, mà thật có lý. Vì cho đến tôi, tuy đã hiểu được phần nào hoàn cảnh gia đình, đã tự nhủ là sẽ cố chịu đựng những ngày thiếu thốn, mà còn thấy bực bội nữa là hai em tôi, chúng đã biết suy nghĩ gì?

Bố tôi thật đúng là một người bình tĩnh rất mực. Và còn khéo thích nghi với hoàn cảnh mới nữa. Nét mặt của ông bình lặng vô cùng. Một đêm, vừa thiu thiu ngủ, tôi giật mình vì tiếng trò chuyện của bố mẹ. Mẹ tôi than van và tỏ ý lo ngại cho anh em tôi. Bố tôi để mẹ tôi nói hết rồi mới ôn tồn rằng:

- Mẹ nó cứ để mặc tôi. Rồi tôi sẽ tìm cách nói cho các con nó hiểu mà vui vẻ chấp nhận cuộc sống này. Tôi vẫn hy vọng trời thương, giúp mình đủ tiền lên tỉnh, tìm được căn nhà kha khá và làm cái nghề gì có danh giá một tí... Hy vọng rằng mình sẽ ở đây không lâu...

Vâng, con cũng hy vọng như thế đó bố. Hy vọng rằng gia đình mình sẽ trở lên tỉnh một ngày gần đây...

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>