Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Chuyện Mùa Hè


Năm nào cũng vậy, cứ sắp vào hè là bầu không khí trong gia đình tôi sôi động, hào hứng. Ba tôi vẫn hứa : “gắng học giỏi đi rồi hè ba cho đi nghỉ với mẹ bay!”. Câu đó đã là nguồn hứng khởi, là niềm tin tưởng trong suốt một năm dài đèn sách của chúng tôi, y như bó cỏ non dứ dứ trước đầu con ngựa đang kéo cỗ xe nặng nhọc suốt đoạn đường dài ; cỏ ngon ngọt, thơm tho, tươi mát nhưng nó cứ ẩn hiện tà tà trước mắt ngựa cũng như cái câu bất hủ của ba tôi. Mặc dù vậy, ngày tháng cứ tuần tự trôi qua và hè đến. Mẹ con tôi sắp đặt chương trình cẩn thận, tỉ mỉ ghê đi : trong va ly mẹ có áo tắm, áo khoác, mà cũng có cả áo mưa, áo len.

Năm nay, vì lý do đặc biệt : Chị Hà phải học thêm ngoại ngữ, không đi với mẹ và chúng tôi. Hai người lớn thì lo thi cử nên chuyện nghỉ hè sẽ thực hiện sau khi thi… đậu (hay gì đó còn tùy quyết định của ba tôi). Đầu óc tôi rối beng, còn nghĩ đến chuyện ai, ngoài chuyện mình cho nổi?

Bạn thân mến, bạn biết tại sao không? Nguyên do thế này : Tụi tôi vừa nghỉ là ba tôi nói : “Mẹ con bay đi, đi!”. Nhưng mẹ tôi không chịu đi ngay. Bà bảo là ở nhà cần sự có mặt của bà trong lúc hai vị lớn đi thi. Thi xong bà sẽ đi ngay (bà sợ không đi ngay sau khi họ thi, rủi mà hỏng thì hết mong được đi. Bà không nói ra nhưng tôi đoán biết). Vì vậy, mãi đến cuối tháng 6 dương lịch, tụi tôi vẫn còn ở tại Sàigòn.

Những tưởng mọi việc êm xuôi, nào ngờ thời gian đó, cứ phải phập phồng vì vài ngày đọc báo thấy tin quốc lộ một bị gián đoạn, khi thì ngang Long Khánh, khi thì ngang Rừng Lá. Xe đò ra Nha Trang phải đi đường Đà Lạt. Đến ngày 30 tháng 6 là mẹ tôi sắp đặt xong xuôi mọi thứ, nhưng ba cứ lửng lơ tuyên bố : “đi đứng làm chi? Đường sá… lôi thôi, lỡ kẹt thì sao?”

Không đi học, bài vở xếp lại hết, tôi thấy ngày dài ngoẵng ra, tôi nằm lên, nằm xuống ở divan, ở xa lông, không muốn làm gì hết. Mấy chị la rầy cũng mặc. Phải cho đi chơi, đổi gió cho lên tinh thần, cho lại sức khỏe chớ! Cả một năm ròng, tụi tôi đâu có đi chơi, đâu có đi phố, đâu có đi ciné như con nhà người ta? Tôi lên trường là nghe bạn học khoe : tao mới đi coi phim này, tao mới đi coi phim kia v.v… Cả năm nay, tụi tôi chỉ được coi có cái phim “Cậu Bé Tí Hon” là một.

Mẹ tôi cũng giống tôi : cả ngày coi lử đử, lừ đừ đến ngộ : bữa ăn không nhai nổi một chén cơm nhỏ – ngày thường mẹ tôi ăn nhiều, cho nên bà dặn dọn cho cái chén nhỏ nhất (nhỏ hơn cả chén tụi tôi) đặng thấy ăn mau hết, xới cơm hoài. Mẹ đề cao cảnh giác, không dám ăn nhiều, kẻo mập, béo, xấu đi! Vậy mà mấy ngày này mẹ không ăn nổi một chén!

Mẹ tôi thường nói là vì trót ở Sàigòn, chứ mẹ không thích, ồn ào, chật chội, nóng nảy, không khí không trong sạch, và… và đầy gương xấu xung quanh (tôi không thấy gương xấu ở đâu cả, cái mới kỳ!)

Chị Hà, người cảnh sát viên tình nguyện của mẹ tôi, người duy trì an ninh trật tự giữa chúng tôi, bắt chúng tôi ngủ trưa, cấm chúng tôi ra nắng, coi chừng kẻo chúng tôi bơi ra chỗ sâu v.v… trong thời gian đi nghỉ hè như mọi năm tuy nay không đi, song là người sốt sắng nhất trong vụ ra đi của mẹ con tôi. Chiều ngày 1-7, chị nói với mẹ bằng cái giọng của cảnh sát viên tình nguyện:

- Mẹ sợ gì? Ba nhớ tụi nhỏ (xin cho tôi mở cái ngoặc ở đây : chưa đi mà ba tôi đã nhớ rồi!) nên viện cớ xe hay bị kẹt, chớ con thấy người ta đi ùn ùn.

- Ờ, tao cũng không sợ… tại ba…

- Bạn con vừa đi Nha Trang về, có gì đâu?

Chị Thu chen vô. Mẹ hỏi dồn:

- Thật không? Bạn con mới về? Đi đường nào? Đà Lạt hay Phan Thiết?

- Dạ, đường Phan Thiết chớ, con nói dối mẹ làm chi?

- Cách tốt nhất là con ra ngoài bến xe coi thì biết rõ…

- Ờ, phải đó… mà mẹ ưng con chở mẹ đi, mẹ thấy tận mắt…

- Mẹ không tin con sao? Mà thôi, mẹ muốn con chở cũng được, hại gì, mẹ thay áo quần liền đi!

Trong một nháy, mẹ tôi đã lên yên, tài xế cho nổ máy, rồ ga, lao vút ra ngõ. Lần thứ nhất, lên xe mà mẹ tôi không la mắng tài xế sao chạy ẩu, chạy mau, này kia (dù là xe hai bánh vẫn có tài xế đàng hoàng!)

Gần nửa giờ sau, mẹ tôi và chị Hà mới về. Tôi sốt ruột quá, hỏi thì biết là xe đò chạy song suốt, mẹ về chậm là vì còn chờ mua vé luôn. Giọng trang nghiêm, cương quyết như giọng vị tướng lãnh sắp ra quân và cầm chắc phần thắng trong tay, mẹ tôi tuyên bố:

- Ngày mai đi liền! Chần chờ vô ích, rủi đường lại bị kẹt thì phiền lắm. Tao không ham ăn ngon, mặc sang, không ham đi chơi trong thành phố Sàigòn này. Mỗi năm chỉ mong được đi nghỉ trong dịp hè thôi. Đâu phải là xa xỉ gì? Nghỉ hè là chuyện cần, cũng như là một bổn phận, bổn phận đối với sức khỏe vậy mà! Tao ghét tánh ba tụi bay : ông ấy cứ cản cản. Lần sau mà còn cản cản, tao sẽ đi một mình cho coi…

Mẹ tôi tái bản những lời lẽ cũ : nào dọa đi một mình, nào thuyết rằng rời Sàigòn trong dịp hè là sự cần thiết chứ không phải xa xỉ v.v… mẹ tôi sắp sửa kể đến vụ cái năm không rời Sàigòn được, mẹ đau, tốn tiền thuốc thì chị cả tôi chặn lại:

- Thôi, mẹ! Tụi con đồng ý với mẹ một ngàn lần. Mẹ cần nói với ba kìa!

- Thì nói chớ tao sợ gì? Để tối nay, tao nói cho coi!

Chị Thu tỏ ý lo ngại:

- Chà, mẹ mua giấy trước, lỡ ba không bằng lòng cho đi thì… mệt à.

- Sao không bằng lòng? Đã định từ lâu rồi. Hứa phải giữ lời chớ!

Viên cảnh sát tình nguyện, và cũng là phát ngôn viên trung thành nhất của mẹ tôi nói cứng để duy trì sự cương quyết cho mẹ. Mẹ tôi nhìn chị Hà bắng đôi mắt chan chứa yêu thương:

- Chớ sao! Đã định từ lâu rồi, còn ngăn cản nỗi gì. Nhưng mẹ cho tụi bay hay trước : chuyến này đi về, mẹ con tụi mình phải phê bình xây dựng ba bay : phải nói cho ông ấy bỏ cái tính dùng dằng, do dự, ngăn qua, cản lại khi tao sắp dắt tụi bay đi nghỉ đi, kẻo tao đau… tim quá!

- Thôi, chẳng qua là do lòng thương yêu của ba đối với mẹ con mình. Con thấy có nhiều ông họ ưng cho vợ con đi vắng lắm, mẹ ơi! Ba con là người cha tốt, rất tốt!

- Đồng ý là ông ấy tốt, nhưng ông ấy cũng hơi bậy…

- Hay là dẫn đi một đứa nhỏ thôi?

- Sao được? Tao phải dắt cả hai đứa nhỏ. Còn ba đứa ở nhà đó chi? Ba đứa ở nhà với ba, mà lại là ba đứa lớn, tha hồ cho ba sai…

- Ba đâu cần sai? Ba cần đứa nho nhỏ để ba vui…

- Đừng thêm chuyện ra, tụi bay ở nhà thay phiên nhau mà nhổ tóc ngứa cho ba cũng đủ làm ông vui chán…

Cuộc phê bình vị gia trưởng chấm dứt bất ngờ khi chị Hà quay sang tụi tôi, dặn dò với cái giọng rất là kẻ lớn:

- Năm nay tao không đi, tụi bay coi chừng đừng làm phiền mẹ, đừng bắt mẹ hầu hạ nghe chưa?

- Dạ! Nghe! – Hai đứa nhỏ đồng thanh.

- Phải lo giặt áo quần, nghe chưa? Buổi trưa phải ngủ nghe chưa? Hễ đang tắm vui mà mẹ kêu lên là lên liền nghe chưa? Liệu hồn tụi bay : đi về mà mẹ kêu là tụi bay làm mẹ mệt thì có chuyện đó, nghe chưa?

Tụi tôi dạ ran, đều tắp.

Tối lại, ba tôi về sau buổi họp, ông trông thấy mấy cái va ly để án ngữ giữa phòng khách có vẻ như thách thức ông, ông hỏi:

- Cái gì vậy? Mẹ con tính gì đây?

Mẹ cố ôn tồn giải thích sự việc. Ba không ngăn cản nhưng bắt bẻ chuyện khác:

- Làm gì mà đem theo nhiều vậy? Coi chừng kẹt đường mang xách lôi thôi lắm!

Mẹ cười:

- Đâu có gì nhiều? Nội ba cái áo quần của hai đứa con út ông cũng chật cả va ly, còn đồ tắm này kia. Tôi có đem gì theo đâu. Ông cứ yên tâm, đừng lo!

Tụi này xáng lại hôn ba tới tấp làm ông không còn thở kịp, làm sao có hơi mà phản đối, phê bình?

Sáng hôm sau, trước khi lên xe, tụi tôi liền chứng tỏ rằng mình tháo vát, không làm phiền mẹ ngay trước mắt vị cảnh sát nghiêm nhặt : chúng tôi tranh nhau xách va ly, xách cặp, xách xách tay, loạn xà ngầu làm tối mặt vị bạn dân và vị này lại la lên:

- Thôi, tụi bay lộn xộn quá! Minh xách va li, Bé xách cái cặp vở, cái xách tay nhỏ để mẹ, ý, quên, còn cái xách đựng guốc dép nữa kìa…

Đến giờ phút đó mà ba tôi còn chen vô:

- Xách cặp gì nặng dữ vậy? Hở?

Mẹ được dịp khoe:

- Thì nặng chớ sao, anh biết gì trong đó không : toàn là sách học của tụi nó, con Hà dặn ra đó, mỗi ngày phải học thêm đó, anh tưởng đi chơi thôi sao?

Lên xe! 7 giờ 30 chúng tôi ngồi ung dung trên xe – đồ đạc đủ cả và có ba khúc bánh mì phết bơ phòng xa – đi ngang đường Phan Thanh Giản. Tôi mong gặp một đứa bạn đi láng cháng để khoe “Tao đi nghỉ hè đây!” đặng nó lác mắt chơi, mà tiếc thay : không có đứa nào hết!

Ngày vui ngắn chẳng tày gang ; thấm thoắt mà đúng ba tuần lễ. Mẹ tôi luôn miệng kêu nóng, kêu mệt nhưng ngày nào cũng dắt tụi tôi đi tắm biển Nha Trang. Bữa thì đi với chị Thủy, con bác H. Bữa thì đi với mấy cô sinh viên, em cậu Tấn. Bữa thì đi với con bác tôi, bữa thì con mấy dì, bạn mẹ tôi. Xuống đến bãi, việc đầu tiên là mẹ tôi phóng xuống, lội đua một vòng, đầu và mặt úp xuống mặt nước (khác hẳn thói quen trước nay mẹ thường cố gắng giữ sao cho tóc càng ít ướt càng tốt) và mẹ giải thích là quan sát, dọn đường trước cho tụi tôi, sợ rủi có rắn rết chi chăng? Khi người mẹ anh hùng và đầy phong độ quan sát rồi, thấy không có gì đáng lo ngại, người liền cho phép tụi tôi hạ thủy theo.

Mẹ tôi nhất định bắt chúng tôi ngủ trưa, việc giặt gịa tuy đã hứa với chị Hà, song không khi nào tụi tôi làm trọn vẹn : mẹ phải phụ vô, khi thì mẹ đóng vai chính, vừa la lối vài câu.

Tụi tôi được ăn uống thả cửa, và mẹ chọn một ngày lành tháng tốt cho tụi tôi uống thuốc lãi nữa. Tối tối, bà sờ trán, sờ lưng tụi tôi, sáng sáng lại sờ lưng, sờ trán tụi tôi : bà sợ phơi nắng nhiều, tắm nhiều cảm sốt.

Vui nhất là những ngày có mấy cậu ở Phan Rang, Tuy Hòa đến Nha Trang : có mấy cậu chở mẹ con tôi đi chơi vui hơn ngày thường. Có cậu như cậu Linh còn đem cả các con theo. Mẹ tôi luôn miệng la hét còn cậu Linh thì chìu chúng tôi hết sức. Cậu chụp hình cho tụi tôi nữa chớ. Qua hòn Chồng, tụi tôi và các con cậu nài nỉ xin đi thuyền dạo quanh các đảo. Mẹ sợ, không cho, tụi tôi bèn xúi cậu năn nỉ với mẹ, sau cùng mẹ bằng lòng với câu giao hẹn : “không được đi xa và lâu, đi mươi phút thôi.”

Cậu tôi tuyên bố một câu rất là khờ khạo:

- Thưa chị, nếu chị sợ thì đừng đi, để em đi với các cháu, chị cứ ngồi đây chờ!

Mẹ tôi tức thì trừng mắt lên, uy hiếp cậu liền:

- Cậu nói gì vậy? Cậu coi chị cậu là con bò chắc? Hừ, chị sợ thì cứ ngồi chờ để cậu lên thuyền với tụi nó, rồi nếu có lật thuyền thì chị cậu sẽ giương mắt nhìn hả? Đừng có nói điên!...

Tôi đứng lặng, hồi hộp trong lòng, sợ mẹ bãi bỏ lời hứa trước đây năm phút thì uổng quá, nhưng không, mẹ tôi hùng hổ tiếp:

- Thà tao đi với tụi bay! Tao không thể ngồi nhìn đâu!

Ông lái thuyền đon đả:

- Xin bà yên bụng đi! Đâu có gì? Bà thấy không, mặt nước như mặt kiếng mà làm gì đến nỗi… Cho mấy cháu đi chơi, ra ngoài kia thấy cá lội bầy bầy đẹp lắm, cá màu…

- Thì tôi yên bụng lắm chớ, có điều chỉ yên bụng khi có tôi trên thuyền, bởi lẽ – tôi cho ông biết : cậu em tôi đây là người rất thù ghét nước, tuy đã đi lính đàng hoàng mấy năm, nhưng có thèm biết bơi lội chi đâu! Nếu mà rớt xuống biển, tôi cam đoan cậu ấy chìm như viên đá vậy đó, ông ơi!

Chưa hết, mẹ tôi còn chì chiết, mỉa mai cậu Linh nhiều lần về tội không biết bơi, nhưng cậu tỉnh bơ, nhe răng cười trừ, không chút giận hờn. Rồi mẹ bạn làm gì nữa? Chắc quí bạn tò mò hỏi? Thưa, la lối chì chiết xong, khi thấy nước trong, cá đẹp lội bầy bầy đúng như lời ông lái thuyền, người mẹ hào hùng của chúng tôi đổi buồn làm vui tức thì lột phăng áo khoác ném cho tụi tôi giữ, đứng lên đầu mũi thuyền, nhảy phóc xuống nước bơi lội tung tăng, cười vang cả mặt nước. Minh thò tay xuống khoắng khoắng, vòi:

- Mẹ cho con nhảy xuống với, mẹ ơi!

Lại giở giọng đầy uy quyền, mẹ nói:

- Đừng nói bậy! Cậu mày kia mà còn không được mẹ cho nhảy nữa là thứ mày!

- Cậu đâu dám nhảy? Tại cậu không biết bơi mà! Mẹ, cho con…

- Chị giao cậu coi chừng tụi nhỏ đó, nghe!

Nói xong, mẹ bơi ra xa, tới chỗ có mấy anh hướng đạo đứng trên đá phóng xuống như chim bói cá, mẹ tôi hỏi thăm dò:

- Nhảy vui không, các em? Tôi có thể… Có đá ngầm chỗ đó không?

- Thưa bác, vui lắm! Không có đá ngầm đâu! Bác lại đây nhảy chơi!

Mẹ tôi bơi tới, trèo lên mấy bậc đá đầy hàu, toan biểu diễn màn chim bói cá, song không hiểu sao, cuối cùng mẹ chỉ dám mon men lại gần mặt nước rồi nhảy kiểu đóng đinh thôi (nghĩa là không chúc đầu xuống nước mà nhảy hai chân thẳng đứng). Kiểu này, quả tình không đẹp mắt chút nào, nhưng khi nhìn ra, thấy cậu cháu tôi cười, mẹ bơi lại, mắng liền:

- Ngon lành há? Cười tao, vậy chớ tụi bay có đứa nào dám nhảy như vậy thử coi? Kể cả cậu bay!

Mặt nước phẳng lặng và trong vắt như mặt gương soi, từng cọng hải thảo cũng thấy rõ. Mẹ cứ tà tà, nắm be thuyền, bơi sơ sơ theo thuyền qua bãi dương. Đến đó, ông lái thuyền cho thuyền neo lại. Tụi nhóc là tôi, Minh và các con cậu Linh tha hồ vùng vẫy, cậu cũng thuê một cái phao và chịu xuống nước chơi với tụi tôi! Cậu bắt còng, bắt cua y như tụi tôi. Chao! Ông cậu này mới dễ thương làm sao! Vậy mà mẹ rầy la suốt cả ngày, những là con trai mà dở tệ : không biết bơi, những là chụp hình xấu, những là… đủ thứ! Nhưng la lối vậy thôi, hễ tụi tôi muốn ăn uống gì, muốn đòi gì thì đều nhờ một tay cậu làm trung gian. Đi xe lam hả, cậu Linh xin mẹ. Đi uống nước dừa? Lại cậu Linh xin. Tắm thêm chút nữa : phi cậu thì chắc là phải lên bờ liền sau tiếng quát thứ ba của mẹ! Muốn đi ciné? Nhờ cậu xin giùm!

Được mấy ngày thì cậu và ba con cậu về Tuy Hòa. Mẹ dặn cậu nhớ kêu tụi kia vô. Mẹ tôi cho tụi tôi biết trước là sẽ có ông cậu khác cùng vô, có cả mợ và lũ cháu, rất dễ thương chớ không như tụi bay đâu. Nào ngờ khi cậu Ân thò mặt vô thì có một mình. Ôi thôi! Mẹ tôi nổi giận lên liền! Mẹ tôi cũng chì chiết đủ thứ nhưng cậu Ân kiên nhẫn cười xòa, giải thích lý do gì đó. Mẹ gắt:

- Đứa thì dắt tới ba đứa con, đứa thì không dắt đứa nào, cả vợ cũng không!

Tôi xin tiết lộ cho bạn hay : tôi không thể biết ông cậu này tài nghệ ra sao : vì dù mẹ tôi hỏi kháy mấy lần, cậu vẫn cười cười : “Em tắm ở Tuy Hòa hoài”. Mà khi mẹ dắt tụi tôi xuống biển, rủ cậu đi thì cậu ậm ừ rồi… thôi. Ngày hôm sau, mẹ tôi, dì Nga, tụi tôi và cậu Ân đi nhà quê. Hôm sau nữa, cậu trở về Tuy Hòa. Mẹ không mắng mỏ cậu Ân nặng nề như cậu Linh, song hễ cậu vừa vắng mẹ lại bảo tụi tôi : “Tụi bây mà thấy con cậu Ân, dễ thương lắm. Thằng quỉ, không dắt lấy một đứa, làm biếng!”. Trước khi ra về, cậu Ân còn cố gắng thuyết phục mẹ tôi : “Mấy anh chị ngoài Tuy Hòa cử em vô đón chị ra đây! Đi một chuyến đi chị.”

Mẹ gắt : “Thôi, tôi đi hai chuyến rồi chớ một gì? Giờ không đi nữa đâu! Dắt lũ này đi, nhọc lắm.”

Không mời được mẹ tôi, cậu đành ra về. Thật ra, mẹ cũng muốn đi mà vì ba lo ra lỡ kẹt đường, ba cản trước, nên mẹ không dám cãi. Điều này khiến tôi đâm nghĩ ngợi : tôi kết luận rằng là người lớn đôi khi cũng không được tự do bao nhiêu, cứ coi như mẹ tôi thì rõ.

Chuyến nghỉ hè năm nay tôi đạt được thành tích đáng kể : từ ngày đi cho đến ngày về, tụi tôi không đứa nào sốt cảm gì ráo. Chúng tôi mạnh như voi! Tôi cao rõ ràng, mập rõ ràng. Tôi muốn lớn hơn Minh nữa mới là kỳ, và tôi không cảm thấy mình là em. Tôi gây gổ với Minh, kêu Minh bằng tên chớ không kêu anh. Suốt ba tuần lễ, kể cả những ngày có các cậu lũ bạn nhỏ, mẹ tôi không ngừng dọa : “Về Sàigòn mẹ sẽ kể tội tụi bay với con Hà. Tụi bay sẽ biết thân!”

Sáng hôm lên xe, không hẹn trước mà hai đứa tôi cùng xáng lại hôn mẹ túi bụi. Minh nói trước:

- Về Sàigòn mẹ hứa với tụi con một chuyện đi mẹ!

Tôi tiếp theo những lời lẽ như Minh. Mẹ gật đầu. Tôi tiếp liền:

- Mẹ đừng kể tội tụi con với chị Hà, nghe!

- Á! – Mẹ tôi kêu lên như vừa giẫm nhằm cục than hồng – tụi bay quá rồi, mẹ không hứa đâu…

Nhưng sau, mẹ cũng xuôi theo. Chớ bạn nghĩ coi : cả năm ròng tụi tôi học hành, kỷ luật cực khổ, đi chơi thì cho tụi tôi được tự do chút chút chớ, phải không? Mà tụi tôi lớn lao gì cho cam? 10 năm trước đây chúng tôi đứa thì còn khóc nhè, đứa thì chưa nói sõi… Phải, chúng tôi nào đã lớn lao gì cho cam? Ngay cả viên cảnh sát của gia đình tôi, tôi thấy đôi khi cũng chả thi hành đúng kỷ luật gì hết. Chỉ được cái bắt nạt bọn dân đen là tụi tôi. Lạ hết sức : vậy mà cả ba tôi, mẹ tôi, kể cả chị Thu, anh Vũ mà cũng cần dùng đến viên cảnh sát này mỗi khi muốn rầy tụi tôi.

Điều chót, tôi muốn cho quí bạn biết là về đến Sàigòn khi xuống xe, viên cảnh sát ra đón tụi tôi, mặt mày tươi tỉnh và còn hôn tụi tôi nữa chứ. Viên này nói là nhớ tụi tôi. Hừ, thế mới biết : không có dân đen lấy ai cho mà cai trị? Đâm buồn ra! Câu thứ hai là hỏi mẹ tôi : “Tụi nó có làm phiền mẹ không? Không có con… canh giữ tụi nó…”

Mẹ hình như muốn tố cáo, song nhớ lại lời hứa và mấy cái hôn hối lộ trên xe, bèn khựng lại vài giây:

- À, thôi, thôi… cũng có sơ sơ, nhưng mà… à, thằng Minh siêng năng lắm. Con Bé thì hơi nhác việc nhưng mà cũng được hết. Tụi nó đều ngủ trưa mỗi ngày. Cả nhà ra sao?


MINH QUÂN    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 128, ra ngày 1-9-1974)

Bìa của Vi Vi : Tuổi hồn nhiên

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>