Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

CHƯƠNG IV_BỨC MẬT THƯ


CHƯƠNG IV

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG


Trí và tôi giật nẩy mình chút xíu nữa là co cẳng chạy một mạch. Vậy mà chúng tôi không chạy, tuy trong lòng rất run sợ, có lẽ vì ngại xấu hổ. Sợ chú nhỏ Khiết sẽ cười : "Thám tử gì mà nhát như thỏ đế". Nhưng lý do chính khiến chúng tôi không quay mình đào tẩu là cái thái độ thản nhiên của ông Bình-Be. Chắc ông cũng nghe tiếng nhưng cứ lờ đi, hoặc giả ông chẳng nghe tiếng gì hết và sẽ cười thầm là chúng tôi chỉ thần hồn nát thần tính ? Tôi vừa sợ vừa bực mình lắp bắp lên tiếng hỏi :

- Ai… la cái gì... mà ghê thế ?

Ông Bình Be quay nhìn tôi :

- Hả ? Cái gì ? Chú em hỏi cái gì ?… À, cái tiếng la đó hả ? Hì, hì… ông "Nghị" đấy ! Ờ, ờ, tôi cũng quên bẵng mất không nói trước cho hai chú em biết nên các chú ngạc nhiên là phải ! Hì, hì ! Vào, vào đi ! Vào chơi rồi hai chú em sẽ biết ông Nghị là ai và đồng thời tôi sẽ giới thiệu hai chú với "bà Chúa" nữa !

Cái gì ? Bà Chúa ?… Sao nhiều cái kỳ quái vậy ? Trí và tôi chưa hết ngạc nhiên vì "ông Nghị" bây giờ lại "bà Chúa" ! Bà Chúa, ông Nghị ! Ông Nghị, bà Chúa !

Hai anh em còn đang phân vân, ông Bình-Be đã giơ tay đẩy cánh cửa, né người đứng trong khoảng tối mò mò nhường lối cho tụi tôi bước vào. Bụng run quá, tôi cũng né người đứng cạnh ông Bình Be nhường lối cho "Sếp" vào trước. Trí trợn đôi mắt bực dọc ngó nhanh tôi rồi mạnh dạn bước vào… mở đường. Tôi theo anh bén gót. Chưa đầy phút sau, hai anh em đã đứng giữa một gian nhà bếp rộng xây theo lối cổ. Trên bệ, dưới một cái kiềng 3 chân rất to, mớ củi khô đang cháy, chiếu tỏa ánh sáng ấm, chốc chốc lại lách tách nổ, bắn ra những chấm than hồng đỏ lấp lánh như pháo bông. Trong một góc, gần bếp than lửa, bên cái bàn gỗ mun đen bóng, một bà đang ngồi chơi bói bài.

Có tiếng ông Bình-Be :

- Có khách đây, Huyền Trân !

Người đàn bà ngẩng lên nhìn chúng tôi và mỉm cười. Thiếu phụ rất đẹp, da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt đen to, lông mi cong vút, khiến tôi liên tưởng ngay đến những cô Thái trắng miền Sơn La, Lai Châu ngoài Bắc Việt. Nhất là bộ quần áo bà mặc trên người trông lại càng hệt lắm : chiếc xiêm dài bằng lãnh đen thêu xanh đỏ vàng rực rỡ, áo cánh lụa trắng điểm những cành hồng và trên đầu quấn một chiếc khăn cũng màu trắng tinh giắt đầy đá quý sáng óng ánh. Giọng nói của bà ta thánh thót, trong vắt như nước suối nguồn :

- Biết rồi ! Em biết rồi ! Cây bài tây này báo đúng thật !

Ông Bình-Be nhìn chúng tôi cười vui vẻ :

- Giới thiệu với các chú em ! Đây là bà Chúa Huyền Trân, vợ tôi !… gọi tắt là bà Chúa ! Huyền Trân rất giỏi nghề bói toán, và trước đây là diễn viên đắt giá nhất của gánh xiếc Tâm Lan đấy !

Trí và tôi nghiêng mình lễ phép. À, thì ra đây là bà Chúa ! Bà Chúa Huyền Trân đấy ! Cái mỹ danh quả chẳng ngoa. Thế còn ông Nghị ? Ông Nghị là ai đâu ? Còn đang ngơ ngác, hai anh em chúng tôi đã lại giật thót mình : một giọng nói ồm ồm vang lên giận dữ :

- Thằng cha đó có thuốc lá không đấy hả ?

Tiếng nói từ trong một góc tối gian bếp vang lên lồng lộng. Nhanh như cắt, tôi quay người lại và chút xíu nữa là xỉu đi khi bắt gặp "người" đã phát thanh câu nói chỏng lỏn vừa rồi… Vì "người" đó, "nhân vật" quái quỷ đó chỉ là một con két đang đứng ngay mình trên khúc cây ngắn, đưa một con mắt tròn vo ngó tôi lom lom. Lại có tiếng ông Bình Be :

- Và đây là "ông Nghị", ông Nghị Sĩ ! Đặt cho nó cái tên như vậy vì nó lười lắm, chẳng làm gì cả. Suốt ngày chỉ được cái lẻo mép, nói dóc không hà !

Con "Nghị Sĩ" háy mắt. Tia nhìn của nó quắc lên như dọa nạt. Tôi lại nổi gai ốc cùng mình khi thấy con quái cứ ngó tôi mà tru tréo :

- Cắt cổ nó ! Cắt cổ nó !

Trí từ từ tiến đến bên chiếc que con két đậu :

- Con này nói sõi quá xá !

"Ông Nghị" lại hét lên :

- Câm mồm ! Câm mồm !

"Sếp" tôi có vẻ khoái lắm :

- Tuyệt thật ! Tuyệt thật ! Con két quý quá !

Con két quý vỗ cánh phành phạch. Nó lại ngoác mỏ gào lên :

- Bảo nó chiên cho cái trứng ! Bảo nó chiên cho cái trứng !

Trí quay nhìn ông Bình-Be :

- Két Phi Châu đây ! Quý lắm ! Ông lùng ở đâu được đó ?

Ông Bình Be hình như không nghe tiếng. Hoặc là có nghe mà ông không buồn trả lời. Mọi nét vui tươi trên bộ mặt hiền lành phúc hậu của ông biến đâu mất sạch và ông đang thì thầm nói vào tai bà vợ chuyện gì đó. Trí và tôi giữ ý lảng ra xa. Nhưng bên tai vẫn văng vẳng tiếng oanh vàng của bà Chúa. Tiếng oanh nghe nặng trĩu ưu tư :

- Anh có chắc đúng là thằng Dậu ghẻ không ?

Ông Bình-Be chưa kịp trả lời đã thấy nhỏ Khiết ở ngoài bước vào. Nó tiến đến bên vợ chồng bà Chúa, đầu cúi gầm, cất giọng thiểu não, ướt sũng nước mắt :

- Tôi phải bỏ đi đây, chú Bình-Be nghe !

Ông Bình-Be kêu lên thảng thốt :

- Ừ, đi thì đi ! Cả ba người chúng mình cùng đi cả !

Nhỏ Khiết lắc đầu buồn bã :

- Không ! Không được đâu ! Chú thím không thể khổ sở dọn nhà vì tôi mãi. Cực nhọc cho vợ chồng chú lắm rồi. Cứ để mặc tôi tự liệu tìm cách chạy trốn một mình được rồi, nghe !

Bà Chúa xen vào :

- Nghe thím đây này, Khiết ! Ba má cháu, khi còn sống đã cứu giúp thương yêu chú thím nhiều lắm. Người thân thích ruột thịt có khi chưa chắc đã được như vậy đâu. Chú thím chưa có dịp nào trả ơn thì ba má cháu đã vội vã chết đi. Tội nghiệp và buồn thảm quá chừng. Nay có cháu bên cạnh, chú thím lại thấy trong lòng đỡ thương xót người xưa. Ở đây, không đi đâu hết nghe, Khiết!

Trước quang cảnh đó, tôi cảm thấy trong dạ bùi ngùi, chỉ muốn bỏ ra về. Ghé vào tai Trí, tôi khẽ nói cho anh biết ý nghĩ thầm kín đó. Trí trừng mắt ngó tôi, vẻ bực tức :

- Suỵt ! Im đi Chiêm ! Để coi ra sao đã nào ! Đi đâu mà vội vàng dữ vậy ? Tôi có ý kiến này hay lắm !

Ý kiến ! Trí mà có ý kiến thì tôi lại lo ghê lắm chứ không giỡn đâu.

Tiếng ông Bình-Be hỏi vợ :

- Hiện thời đoàn xiếc hạ trại tại đâu ?

- Thủ Đức !

- À ! Nếu vậy thì ta có dư thời giờ thu xếp lên đường đào tẩu. Mình và nhỏ Khiết góp nhặt quần áo lẹ đi. Tôi ra sửa soạn xe, xếp chỗ cho con Chum-Bô, nghe !

Dứt lời ông vua hề quày quả bước ra chẳng để ý gì đến chúng tôi đang đứng ngây người, đưa mắt nhìn ngơ ngác. Đột nhiên Trí bước ra, giang tay chận ông Bình Be lại :

- Khoan chút đã, thưa ông Bình-Be ! Cháu có ý kiến như thế này ! Ông nghe thử coi có được không, nhé !

Ông "hề" nhăn mặt, giọng nói hơi sẵng :

- Ý kiến ! À, có ý kiến gì chú em nói lẹ tôi nghe thử coi ! Mau lên ! Thì giờ cấp bách quá rồi đó !

- Hai anh em cháu hiện biết một chỗ tốt lắm, rất kín đáo, có thể để Khiết ẩn trốn được. Như vậy ông bà khỏi phải dọn nhà di chuyển cực nhọc lắm. Ông bà cứ yên trí ở lại đây. Hai tên ác đức Đồ-Tể (Trí vốn ghét tụi gian phi, hễ có dịp dùng danh từ châm biếm để đặt tên cho chúng là anh dùng ngay. Ví dụ : Đỗ-văn-Tể, anh gọi tắt là Đồ-Tể chẳng hạn) và Dậu ghẻ có lần mò đến, ông cứ cho tụi họ vào mà xét nhà. Không tìm thấy Khiết thì cũng đến thôi chứ gì.

Ông Bình-Be thở ra một hơi dài khoan khoái. Đôi mắt ông sáng lên, miệng cười vui :

- Quả thật chú em biết một chỗ tốt cho Khiết trốn được ? Và chắc chắn không một ai phát giác ra chứ ?

- Cam đoan với ông đúng như thế ! Chỉ có vị phụ tá của cháu và cháu đây biết mà thôi !

Khiết reo lên mừng rỡ :

- Vậy hả ? Ở đâu ? Ở đâu chứ ?

Trí giơ tay ra hiệu cho Khiết lại gần. Tôi thản nhiên đứng nguyên tại chỗ. Không cần nghe Trí nói thầm với Khiết, tôi cũng đã dư biết chỗ trốn tốt đó là chỗ nào rồi. Tôi lại rùng mình hãi sợ cho quyết định táo bạo của anh. Thật đúng là mất tiền mua dây buộc vào mình mà chơi đó.

Ông bà Bình-Be và Khiết chăm chú nghe Trí nói chuyện về cái Phòng Thí Nghiệm sưu tầm dấu vết kẻ gian phi của chúng tôi, hệ thống an ninh, các phương tiện báo động bố trí tại đấy và ba má anh đã cho phép anh toàn quyền sử dụng gian phòng đó ra làm sao. Càng nghe, Khiết càng để lộ vẻ mừng vui ra mặt. Bà "Chúa" thì chỉ thắc mắc về chuyện giường nằm ngủ, cách thức kiếm đồ ăn hàng ngày cho Khiết ra làm sao thôi.

"Sếp" tôi lại giải thích :

- Cháu và anh phụ tá tên Chiêm đây hiện vẫn được ba má nuôi ăn đi học. Nhà chúng cháu lại không đến nỗi nghèo lắm. Tìm kiếm, xoay sở đồ ăn hàng ngày cho Khiết không phải là chuyện khó khăn gì đâu, ông bà cứ yên trí.

Mọi việc, theo lời Trí trình bày có vẻ êm xuôi dễ dàng lắm. Nhưng ông Bình-Be vẫn lộ vẻ băn khoăn. Giọng ông nghe xúc động thực sự :

- Nhưng tôi cứ chẳng yên tâm vì khi không lại lôi cuốn hai cháu vào cái vụ rắc rối này. Đỗ-văn-Tể là một tên nguy hiểm rồi lỡ ra nó và đồng bọn phát giác được hai anh em đã tiếp tay với vợ chồng tôi để bảo vệ nhỏ Khiết, thì, thì… nó sẽ không để các em yên đâu. Tôi lo lắm ! Hai cháu cứ nghĩ lại cho kỹ đi đã ! Hy sinh cứu người là bao giờ cũng thiệt hại đến thân đó ! Suy nghĩ cho chín đi đã, nhé !…

Sau một phút im lặng, không thấy tôi và Trí nói gì, ông lại nói tiếp, tia nhìn rọi thẳng vào mắt tôi tựa hồ như đọc được những ý nghĩ thầm kín đang sôi sục trong đầu óc tôi vậy :

- Thế nào ? Thật tình hai anh em không hối tiếc gì về việc nhúng tay vào vụ cứu nhỏ Khiết này chứ?

Trí nói ngay :

- Vâng ! Hai anh em chúng cháu không hối tiếc gì hết. Phải vậy không, Chiêm ?

Tôi cũng nói xuôi theo anh :

- Đúng thế đó !

Chúng tôi quyết định nhanh chóng và bắt đầu mó tay vào việc cũng thật nhanh chóng. Trí cắt đặt công việc đâu ra đấy : tôi và Khiết đổi quần áo cho nhau. Khiết sẽ cùng đi với Trí. Có ai bắt gặp hai người đi với nhau cũng sẽ tưởng là tôi đi với Trí, nhất là Khiết lại được ông vua hóa trang là Bình-Be thay hình đổi dạng cho để biến thành vị phụ tá hãng CT2 tên Chiêm nữa. Trí ra lệnh cho Khiết gom góp hết đồ dùng riêng tư của mình, cả đồ chơi nữa, không để sót một tí gì khiến tên Đồ Tể nghi ngờ được.

Bà "Chúa" vui mừng chạy lăng xăng :

- Để tôi ! Để tôi lo thu dọn đồ của Khiết cho. Em nó cũng không có gì nhiều lắm đâu. Chỉ có cái rương con của ba má và cái "ba-lô" da nhỏ thôi mà.

Khiết chợt khẽ la, giọng vui vẻ :

- Ấy ! Tí nữa thì quên… ! Tôi đem theo cả ông Nghị nữa đấy nhé !

Trí nhướng cao cặp chân mày nhìn Khiết :

- Thật hả ? Mà tại sao lại cứ phải đem theo cho nó thêm cồng kềnh ra chứ ?

- Ông Nghị do tôi nuôi từ lúc còn bé và chỉ mình tôi là cho nó ăn được mà thôi !

Chắc "sếp" tôi không nghĩ đến điểm con két "ông Nghị" lại là của Khiết. Và Khiết đi đâu, tất nhiên phải na nó đi theo để sớm hôm bầu bạn cho đỡ buồn chứ. A, cái này mới rắc rối đây. "Ông Nghị" cứ nói soen soét cái miệng suốt ngày. Rồi lỡ ra… ba má Trí, và… eo ơi ! Nhất là bà Năm Rằng, vị hung thần, nữ quản gia nhà Trí, bất thình lình nghe ông Nghị, trong đêm thanh vắng, tự nhiên nổi hứng, tru thét lên : "Cắt cổ nó đi ! Cắt cổ nó đi !" thì… chết, chết… nguy quá !

Nhưng chỉ cau mày một thoáng, anh đã có quyết định ngay :

- Thôi được ! Nếu "ông Nghị" là bồ tèo của Khiết, không đem theo không xong, vậy cứ đem theo. Để về đến nơi, tôi sẽ đóng cho "ông ấy" một cái chuồng "hãm thanh" thì có thể yên trí được.

Đột nhiên ông Nghị hét lớn :

- Câm mồm ! Câm mồm !

Khiết vội vàng nói khỏa lấp :

- Rồi, rồi ! Yên trí ! Yên trí !… Để tôi phải cho nó mấy hạt gạo trộn trứng mới được ! Ngài thích sơi cái món đó ghê lắm ! À, anh Trí ! Nhưng làm sao mà na nó đi được đây ? Tôi với anh nhiều đồ lắm rồi !

"Sếp" tôi thản nhiên :

- Yên trí mà ! Vị phụ tá của tôi sẽ lo vụ đó !

Tôi giật nẩy mình :

- Ơ… ơ !

Trí nhìn tôi gật gật cái đầu khiến mái tóc bồng bềnh rung lên nhè nhẹ :

- Đúng thế chứ còn ơ, ơ cái gì nữa. CT3 ? Tụi này có một lô đồ phải đem trong khi đó CT3 chỉ có hai bàn tay không lại còn "ơ" nữa. Để tôi cho ông Nghị lẫn que đậu, cóng sứ đựng gạo, nước, vào trong một cái thùng "các-tông", ngoài bọc giấy dầu, cột kín mít, là CT3 có thể ôm đi gọn ghẽ. Khiết và tôi đi trước Chiêm độ năm phút. Tụi này vào bằng cửa trước và Chiêm đi lối sau nhà để xe của ba tôi nghe ! Chịu không ?

"Sếp" đã ra lệnh, không chịu cũng không được. Tôi thần mặt khẽ gật đầu lẩm bẩm "được, được", nhưng kỳ thực, trong lòng lại nghĩ đến một chuyện khác. Và cái chuyện khác ấy, ông Nghị vô tình phát ngôn trúng ngay boong :

- Bảo nó chiên cho cái trứng ! Bảo nó chiên cho cái trứng !

Nhìn ra ngoài, trời lúc đó cũng đã gần trưa, tôi cảm thấy kiến bò bụng thực tình và nghĩ đến má tôi lúc này chắc đang đợi tôi về ăn cơm.

Thế là ba anh em nhanh tay lẹ chân một hồi thì đâu đã vào đấy. Khi tôi mặc quần áo của Khiết, chật và hơi ngắn, dĩ nhiên, và Khiết đã thắng bộ áo quần của tôi vào rồi thì ông Bình Be bảo hai đứa ngồi xuống ghế. Ông bắt đầu nhìn vào mặt tôi để hóa trang cho Khiết. Ông rắc một thứ bột gì vào bộ tóc nâu mịn như tơ, vò vò mấy cái. Bộ tóc Khiết đã biến ngay thành màu đen nhánh như mái tóc của tôi vậy. Cái cọ nơi bàn tay khéo léo của ông hề chỉ quơ quơ mấy cái, vết nám màu hồng trên má tôi đã hiện rõ trên má Khiết. Mấy phút sau, trước mặt tôi, Khiết đã biến đâu mất. Thay vào chỗ nó ngồi, đúng là tôi, đúng là chú Trần Đình Chiêm, vị phụ tá hãng thám tử tư CT2. Giả thử Khiết và tôi có sánh vai nhau cùng đi dạo mát phố phường, các người quen biết chắc chắn không thể nào phân biệt đứa nào là Chiêm thật, đứa nào là Chiêm giả… trừ má tôi. Ông hề riễu gánh xiếc vĩ đại Tâm Lan quả là một nghệ sĩ trứ danh.

Ông Bình Be đột ngột cất giọng lo lắng :

- À, này hai chú em ! Còn vấn đề này coi bộ hơi gay đây này ! Làm sao chúng ta thông tin cho nhau được chứ ? Nhà Mai-Điên này không có điện thoại.

Trí đã nghĩ tới đủ mọi điều. Anh bình tĩnh ngó ông vua hề :

- Đây, bác cháu mình sẽ liên lạc với nhau bằng cách này này bác ! Từ ngày mai trở đi, chiều nào, vị phụ tá của cháu cũng tới đây đưa báo cho bác. Tụi cháu chỉ có việc viết mấy chữ trong tờ nhật báo Chuông Vàng để báo tin cho bác về tình hình Khiết. Như vậy, tuy ở xa nhau, hai bác vẫn biết được tin của Khiết hằng ngày. Trường hợp tụi Đồ Tể, Dậu ghẻ có rình rập quanh đây thì cũng chỉ thấy một chú bé đạp xe đạp đến đưa báo hằng ngày mà thôi, chẳng có gì đáng ngại hết. Bác thấy không, bác ? Rồi muốn thông tin cho chúng cháu, bác chỉ việc viết mấy chữ đặt dưới cái tấm xơ dừa chùi chân kia kìa. Vị phụ tá của cháu sẽ có nhiệm vụ thu lượm cánh thư đó đem về trụ sở của hãng CT2.

Khiết khoái quá reo lên :

- Tuyệt quá ! Vậy thì tuyệt quá xá rồi !

Tuyệt ? Gớm thật ! Một người đặt kế hoạch thông tin, một người khen hay, hay tuyệt. Chỉ có tôi là chẳng còn hơi sức đâu mà khen cái diệu kế của Trí. Lý do : chính tôi có nhiệm vụ phải thi hành cái diệu kế, làm cái công tác nguy hiểm đó. Giả thiết tụi Đồ Tể bắt được quả tang điệp viên CT3 lật tấm xơ dừa, lượm bản tin tức… Eo ơi !

Ông Bình-Be khoái quá, cười rung cả hai má phính, tay không ngớt vỗ vào cái bụng bự bồm bộp, đưa mắt nháy tôi ranh mãnh :

- Khá lắm ! Khá lắm ! Chú em đây muốn tôi mua báo tháng ? Vậy thì nhất cử lưỡng tiện ! Chú đưa giấy tờ đây, để tôi ghi tên mua báo tháng cho chú. Thích nhé !

Trong người tôi, lúc nào cũng đem sẵn một xấp giấy in sẵn để các thân chủ mua báo tháng điền tên ký thuận mua và trả tiền hàng tháng. Rút một tờ đưa cho ông Bình Be, miệng mỉm nụ cười, không nói năng gì, nhưng trong lòng tôi vui thú như đứng trước một luống hoa thược dược muôn màu ngàn sắc thắm tươi với ý nghĩ rộn ràng : "Dù sao thì mình cũng đã có thêm được một thân chủ mua báo tháng nữa rồi. Thú quá !"… Trong cái rủi phải lãnh công tác hiểm nghèo cũng lại có cái may : hy vọng về mức ngang tay với thằng Tâm Sứt trong việc thi đua bán báo tháng chớ bộ chịu thua nó sao.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>