Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

CHƯƠNG V_BỨC MẬT THƯ


CHƯƠNG V

CÔNG TÁC HIỂM NGHÈO


Thú thật với các anh chị em Tuổi Hoa, từ thuở bé cho đến bây giờ, chưa bao giờ tôi bị làm một công tác, tuy bề ngoài coi bộ rất thường, nhưng thực ra bên trong lại muôn phần hiểm nghèo đến như thế. Các bạn thử tưởng tượng xem, na cái thùng các-tông, gói giấy dầu, buộc dây gai kỹ càng, không nặng nhọc gì cho lắm, nhưng… lỡ một cái là… nguy hiểm hơn cả một thùng thuốc nổ đấy. Đây nhé : ví dụ, đặt bước chân đúng một chỗ đất bùn trơn trượt chẳng hạn, loạng choạng, thùng các-tông chao mạnh một cái. Đúng lúc đó, gặp người quen biết, đồng thời "ông Nghị" ở trong hộp tối bị lắc mạnh, đột ngột thét lên : "Hãy cắt cổ nó, hãy cắt cổ nó !…" Úi chao ! Lúc đó chắc tôi chỉ còn một nước là độn thổ.

Cũng may là từ nhà Mai-Điên băng qua bãi cỏ, tôi nhẹ nhàng cất bước, hai tay thận trọng bưng cái thùng đựng ông Nghị, chẳng hề chạm trán với một ai. Nhưng khi đi tới quãng đường tráng nhựa dài khoảng bốn trăm thước, sắp sửa rẽ vào đường tắt qua bãi tha ma để về khu Trí và tôi ở thì phải cẩn thận lắm mới được. Trong lòng chỉ nóng muốn về tới nhà Trí sớm phút nào hay phút ấy để xem anh và Khiết đi đường có gặp rắc rối gì không và đã về tới Phòng Thí Nghiệm chưa. Thực tình, chạm trán ai ở giữa đường tôi cũng không ngại, chỉ ngán nhất là gặp… má tôi.

Đi được một quãng kha khá, chợt ngẩng đầu lên, tôi hơi choáng người khi nhận ra là đã tới trước cửa nhà thầy Linh, Hiệu Trưởng trường tôi và Trí. Thầy Linh đứng ngay trên bậc hè dưới mái hiên cùng với một ông khách và một bà khách nữa. Nhác trông thấy tôi, thầy vui vẻ lên tiếng gọi :

- A ! Chiêm ! Đi đâu về thế, con ?

Hai chân tôi tự động bước nhanh trong khi thân mình hơi ngả, đầu cúi xuống thật thấp để chào thầy Hiệu Trưởng. Hai cánh tay tôi run lên như cặp lò-xo bị bật chốt. "Ông Nghị" đã cựa quậy lạch xạch trong thùng. Chưa hết run, tôi đã nghe thầy Linh gọi to :

- Này, Chiêm ! Đứng lại một chút coi ! Để thầy giới thiệu với ông bà đây đã nào !

Chết rồi ! Dù muốn dù không, tôi cũng phải dừng bước, đợi lệnh thầy. Ngay đến thầy giáo hướng dẫn, gần gũi với tụi tôi hàng ngày thân mật như thế, Trí và tôi còn chưa dám trái lệnh, huống hồ là thầy Hiệu trưởng.

Thầy Linh nhanh nhẹn bước tới, ông bà khách kèm sát hai bên :

- Trò Chiêm ! Thầy giới thiệu với con : đây là thầy Cần. Thầy Cần sẽ thay thế thầy Võ, giáo sư hướng dẫn của con, sau vụ nghỉ hè này đấy. Thầy Cần thích gặp mặt một vài trò thuộc lớp thầy sẽ phụ trách lắm đó.

Trong lòng tôi âm thầm kêu khổ. Trong trường hợp công tác hiểm nghèo thế này, gặp ai chẳng gặp lại chạm trán ngay với… giáo sư hướng dẫn, nhất là giáo sư mới đổi về, chưa biết hiền dữ ra sao thì thật đúng là… chết một cửa tử rồi còn gì.

Thầy Cần reo lên vui vẻ :

- Thế nào trò Chiêm ? Nghỉ hè vui chớ ! Sang năm cố học nghe !

Rồi thầy quay lại giới thiệu tên học trò mới với bà vợ. Bà Cần tươi cười, cất tiếng nói trong vắt :

- Trò Chiêm ôm cái thùng gì mà to thế ? Có nặng lắm không, hả ?

Thôi chết tôi rồi ! Chưa kịp sợ hãi đã thấy bà vợ giáo sư Cần nhẹ đưa bàn tay thon nhỏ trắng muốt lên xoa xoa trên mặt thùng giấy. Tim tôi đập như muốn vỡ lồng ngực luôn. Đôi mắt tôi trợn trừng, nếu lúc đó soi gương chắc phải là ngộ lắm. Thấy vậy, người thiếu phụ trẻ đẹp lại bật cười như nắc nẻ :

- Coi ! Coi ! Thùng đựng gì thế trò Chiêm ?… Chắc có cái gì bí mật lắm nên trò mới nhẹ nâng như nâng trứng ấy hả … ? Hí, hí !

Giật nẩy người, tôi thối lui một bước cho chiếc thùng đựng "ông Nghị" khỏi đụng tay bà. Nếu không nó "nổ" một cái thì nguy. Miệng tôi lắp bắp :

- Dạ, thưa… thưa… đây là một cái máy bay đó thôi ạ !

Trong lúc cuống quýt, tôi trả lời đại như thế mà chẳng kịp suy nghĩ. Giờ đây xét lại thì câu trả lời đó kể cũng không sai mấy. Và tôi tìm cách tháo lui thật nhanh :

- Thưa hai thầy và bà cho con xin phép về kẻo ở nhà chờ cơm.

Thầy Cần lại cười vui :

- Ừ, ừ ! Thôi trò về đi ! Trò Chiêm ngoan lắm ! Được biết học trò tương lai của lớp thầy, thầy vui lắm. Thôi về ăn cơm đi. Tốt lắm. Hà ! hà !

- Kính hai thầy ! Kính bà !

Và tôi quay ngoắt đi, bước thật nhanh. Vẳng theo gió, tiếng bà Cần léo nhéo :

- Học trò của các anh coi dễ thương quá !

Rồi tiếng thầy hiệu trưởng :

- Anh chị sẽ thấy học trò tôi tại khu Ba Chuông này, hầu hết đều ngoan ngoãn, học giỏi và làm việc chăm chỉ lắm…

Ngay lúc đó, tôi vấp mũi giầy trúng một cục đá trên vỉa hè. Lập tức ông Nghị hét toáng lên :

- Thằng cha đó có thuốc lá không đấy hả ?

Chẳng hiểu thầy Linh, thầy Cần và bà vợ có nghe tiếng câu nói quái ác đó không? Và nếu nghe được, các thầy, cô sẽ nghĩ sao ? Tôi hoảng hồn chẳng dám nghĩ ngợi lôi thôi gì nữa, cứ thế co cẳng cắm đầu chạy một mạch không dám quay cổ lại.

Rõ khổ ! Vừa tránh khỏi vỏ dưa lại gặp ngay vỏ dừa. Đúng lúc sắp bước vào lối cửa sau nhà Trí, tôi bỗng đụng đầu ngay với Tâm Sứt. Chợt thấy bóng tôi, thằng nỡm này đã gọi ầm lên :

- Ê hê ! Chiêm ! Chiêm !

Không muốn để Tâm Sứt nghi ngờ rắc rối gì, tôi bắt buộc phải dừng chân. Tâm Sứt nhìn tôi trừng trừng, giọng nói của nó ngạc nhiên :

- Ơ, lạ quá ! Sao mày đã lại ở đây rồi ? Rõ ràng tao vừa thấy mày đi với thằng Trí phía cửa trước nhà nó mà !

Thôi nguy quá ! Thằng Tâm Sứt chắc hẳn đã trông thấy Khiết đi với Trí, và nó đã lầm Khiết là tôi rồi. Tôi phải giả bộ thản nhiên :

- Ờ đúng rồi ! Tao vừa đi với Trí, xong đi vòng lại phía cổng sau này đây ! Tao chạy nhanh ghê lắm ! Bộ mày không biết sao ?

Tâm Sứt gật gù nhưng có vẻ nghi ngờ :

- À thế đấy ! Ghê nhỉ ! Mày chạy nhanh hơn cả xe đạp của tao kia à ? Tao đạp xe đâu có dở, hả Chiêm ? Mà mày lại còn có cả thì giờ thay quần áo khác nữa chứ !

Kể Tâm sứt cũng có óc nhận xét khá tinh vi. Bí quá hóa liều, tôi liền "hù" nó một chầu để đánh trống lấp phứa đi :

- Thế đã ăn thua gì ! Tao còn làm được nhiều cái "ác" hơn nhiều. Không "bết" như mày đâu !

Dứt lời, tôi quay đi thật nhanh để kệ Tâm Sứt chưng hửng đứng ngây người, mồm há hốc, đôi mắt trợn tròn bên cạnh chiếc xe đạp của nó. Dọa cho nó bị một phen điếng người, tôi khoái lắm. Cái thằng Sứt này là rắc rối ghê hồn.

Mấy phút sau, tôi đã về tới nhà kho để dụng cụ làm vườn nhà Trí. Anh và Khiết đã về tới nơi trước tôi có tới 10 phút. Khiết đưa mắt quan sát gian Phòng Thí Nghiệm. Vẻ khâm phục hiện rõ trên nét mặt. "Sếp" tôi đang hân hoan chỉ dẫn cho Khiết các dụng cụ khoa học thiết trí trong đó thì chuông điện thoại reo vang. Trí nhấc ống nghe trong khi tôi quay ra giúp Khiết tháo dây mở thùng đem ông Nghị két Phi Châu ra.

Tiếng người nói trong ống nghe của Trí vang lên lồng lộng :

- Chính (1) đấy hả ? Đi đâu mà mất tăm mất hút mãi bây giờ mới mò về thế ?

Nguy quá ! Đúng bà Năm Rằng, vị nữ quản gia rất khó tính của nhà Trí. "Sếp" CT1 láy mắt nhìn tôi:

- Dạ, dạ, cháu đi chơi với Chiêm chút xíu đó mà, dì Năm !

Giọng nói của vị nữ tướng này luôn luôn khiến tôi nổi da gà :

- Á, à ! Đi chơi với Chiêm hả ? Thế Chiêm cũng ở đó hả ? Bảo nó về ngay ! Đằng nhà đang đợi về ăn cơm đó ! Liệu mà về mau lên ! Còn Chính cũng xuống ăn cơm đi chứ! Đợi cái gì nữa ? Cơm dọn có tới hơn nửa giờ rồi đó !… Hừ ! Không hiểu cháu làm cái gì mà suốt ngày cứ chúi đầu ở trên đó chứ ? Thế nào cũng có ngày…

- Câm mồm !

Chết rồi ! Đúng lúc đó, ông Nghị được tôi và Khiết đem từ trong thùng ra, ngoác mỏ thét lên chát chúa hai tiếng : "Câm mồm". Trí và tôi tái mặt, miệng há hốc, hai mắt trợn tròn vo đứng ngây như tượng gỗ. Không khí trong phòng Thí Nghiệm của hãng Thám Tử tư CT2 im lặng nặng nề. Khiết thấy hai đứa tôi trong tình trạng như vậy cũng ngơ ngẩn ngạc nhiên không dám cả thở mạnh. Nhưng chỉ mấy giây sau, "sếp" tôi đã chống chế được ngay. Anh giả bộ :

- Dạ, dạ ! Thưa dì Năm bảo gì cháu ạ ! Cháu có dám nói gì đâu mà dì Năm la "câm mồm" ? Dạ, thưa dì Năm cháu… cháu… vâng ! Cháu xuống ăn cơm liền đây ạ !

Tiếng bà nữ quản gia :

- Ủa ! Dì có nói "câm mồm" hồi nào đâu ?… Sao kỳ vậy ?

"Sếp" tôi miệng lanh lắm :

- Dạ, thưa dì Năm ! Cháu nghe rõ ràng dì Năm quát bảo cháu "câm mồm" mà dì Năm !

Qua ống nghe của Trí, không nghe tiếng bà Năm Rằng nói gì nữa, nhưng tiếng thở hổn hển của bà nghe rõ rệt như ống bễ lò rèn. Gần phút sau mới nghe bà… rít lên giận dữ :

- Chính dì cũng nghe tiếng ai quát : "câm mồm" và dì tưởng là cháu nói đó chớ !

"Sếp" tôi kêu toáng lên :

- Dạ đâu có, đâu có ! Dì Năm ! Có bao giờ cháu lại dám nói hỗn với dì Năm như vậy đâu. Ngay cả khi ngủ mê, cháu còn không dám nói vậy huống hồ… là lúc thức, phải không dì Năm ?

Tiếng bà Năm lẩm bẩm :

- À, nếu vậy thì lạ quá nhỉ ? Thật tình dì cũng không còn hiểu vì sao nữa chứ !

"Sếp" tôi liến láu giải thích :

- Vâng ! Nếu thế thì chắc ở đâu họ cắm dây lộn rồi đó dì Năm. Để cháu sẽ đi coi lại coi. Thôi để cháu báo cho Chiêm biết nhà đang chờ cơm nghe dì Năm. Và cháu xuống liền đây dì Năm à !

Dứt lời, Trí gác ống nghe. Anh đưa mắt nháy chúng tôi, mỉm cười tinh quái :

- Thoát hiểm rồi, may quá ! Cứ biết là thoát hiểm được bữa nay cái đã. Rồi ra hậu xét ! Bà dì tôi chưa chịu để yên chuyện này đâu. Thế nào bà cũng điều tra tìm hiểu cho coi. Thôi được, cứ biết thế đã. Có gì sẽ tính sau. Thôi, Chiêm ! Bây giờ thay quần áo lẹ đi rồi về kẻo nhà đợi cơm. Mình cũng phải xuống ăn cơm đây. Khiết chịu khó ở trong này chờ tụi tôi. Đừng buồn nghe. Tình thế bắt buộc chúng ta phải như vậy, nghe Khiết ! Tụi này ăn lẹ lắm. Ăn xong, sẽ đem đồ ăn tới cho Khiết ! Trong khi chờ đợi, Khiết thay quần áo rồi nằm nghỉ đi. Nhớ cho ông Nghị mấy hạt gạo trộn trứng nghe !

Trí và tôi trèo xuống. Hai đứa dừng lại trước cửa nhà kho. Trí bảo tôi :

- Tôi muốn lục tìm trong cái rương và cái ba-lô của Khiết. Bức mật thư chắc chỉ cất giấu trong mớ đồ vặt vãnh của ba má Khiết mà thôi chứ chẳng ở đâu xa, Chiêm phải giúp mình một tay mới được. Ăn cơm xong, đến liền nghe !

Khi về đến nhà, một sự việc xẩy ra khiến tôi khẽ giật mình lo ngại cho chương trình hành động của tôi và Trí. Nguyên do là ba má tôi sửa soạn đi Vũng Tàu thăm chị An hiện đang nghỉ mát tại trại Hè ngoài đó. Nếu là ngày thường, được đi Cấp với ba má, tôi đã sướng phát điên lên. Nhưng trong trường hợp này, tôi chẳng muốn đi chút nào. Việc điều tra của hãng còn bừa ra đó. Tôi liền viện cớ phải đi đưa báo và kiếm thêm khách hàng mua báo tháng để dự cuộc thi ăn giải thưởng của Tòa Soạn. Rốt cuộc, ba má tôi đã thông cảm, cho phép tôi được ở lại khỏi phải đi, nhưng với điều kiện là tôi phải qua ở bên nhà bà Bích Tâm trong hai ngày ba má tôi đi vắng.

Má tôi quay số điện thoại nói với má Trí về chuyện xin gởi tôi hai ngày, thời gian các cụ đi vắng. Bà Bích Tâm vui vẻ nhận lời ngay.

Ăn cơm xong, tôi sốt sắng liệng bộ Pi-da-ma vào cái sắc vải dầy, bàn chải, thuốc đánh răng. Quay ra chào ba má xong, tôi lướt nhanh xuống bếp, quơ lẹ mấy hộp cá, thịt, một miếng "bơ" lớn và 5 quả trứng gà.

Khi đến nơi, đã thấy Trí trong Phòng Thí Nghiệm. Anh chỉ ngẩng lên chút xíu gật đầu chào tôi rồi lại cúi ngay xuống : anh đang lúi húi đóng một cái chuồng "hãm thanh" cho ông Nghị. Tôi im lặng, tôn trọng sự làm việc của anh. Chuồng đóng xong, tôi giúp Khiết "bưng" ông Nghị vào nhà mới.

Trí quay nhìn Khiết :

- Nào, bây giờ Khiết cho tôi và vị phụ tá đây lục soát cái rương quý của Khiết, cái rương của ba má để lại cho Khiết đó !

Chú bé mồ côi sốt sắng gật đầu :

- Ừ, lục soát đi ! Phải đấy !… À, nhưng mà Bình-Be và tôi cũng đã lục tìm kỹ lắm, thọc cả que sắt vào từng khe rương, móc máy từng lỗ khóa, nẹp đồng, mà cũng không thấy gì hết mà.

- Tụi này muốn lục soát một lần nữa, may ra… Vậy Khiết bằng lòng không ?

- Bằng lòng chứ ! Và mình chỉ cầu mong Trí và Chiêm tìm ra được cái giấy quý hóa ấy của ba mình. Có cái đó mới mong chống lại tên Đỗ-văn-Tể được.

Từ lúc về tới Phòng Thí Nghiệm cho đến bây giờ thấy Khiết vui mừng đã tưởng nó quên đi niềm sợ hãi âu lo. Giờ phút này, nhắc đến tên Đồ-Tể sắc mặt Khiết lại lộ vẻ kinh hoàng y như lúc bị tên Dậu ghẻ bắt cóc hụt vậy.

Trí nhẹ tay kéo cái rương ra giữa nhà. Cái rương không lớn lắm, nhỏ xinh là đằng khác, nhưng chỗ bụng phình ra, nẹp và 8 đầu góc bịt đồng dầy sáng loáng coi bộ rất chắc chắn. Hai quai, chỗ tay xách cũng làm bằng đồng nhẵn nhụi. Ngay chính giữa quai xách là một cục tròn bằng đồng. Tôi cúi xuống nhìn kỹ : cục đồng đó chạm trổ thành hình một cái mặt, một cái mặt chú hề trong gánh xiếc, miệng rộng cười toe toét.

Tiếng nhỏ Khiết :

- Phù hiệu gánh xiếc của ba tôi đấy ! Ba tôi thuê thợ bạc làm một lô mặt hề đó lắp vào mọi thứ đồ dùng của ông : khuy áo, đầu "ba toong", ổ khóa dây lưng, ổ khóa va li, đủ thứ…, cái gì cũng lắp cái đầu chú hề riễu vào. Mặt chú Bình-Be đấy !

Đúng như lời Khiết nói. Các đồ lặt vặt trong rương, cái nào cái nấy đều có mặt hề riễu Bình Be cả. Sau khi lục soát hơn một tiếng đồng hồ, tôi và Trí đã mệt nhoài. Kết quả: không thấy bức mật thư đâu cả.

Khiết, nét mặt buồn rầu, đặt bước đi đi lại lại trong gian phòng thí nghiệm. Thấy Trí phủi tay đứng lên, nó sán lại gần :

- Sao, Trí ? Không thấy gì sao ?

"Sếp" tôi lắc đầu. Nhỏ Khiết quay nhanh mặt ngó ra chỗ khác. Một lúc sau, nó mới trầm trầm cất tiếng :

- Giá tôi đừng bỏ chú Bình Be và thím bà Chúa thì phải. Tội ghê ! Tên Đỗ-văn-Tể mò đến mà không thấy tôi ở đó, chắc thế nào nó cũng tra khảo chú thím ấy thì tội nghiệp quá đi. Thằng đó ác lắm. Nó dám đánh đập hành hạ vợ chồng chú cho tới khi khai ra chỗ trốn ẩn của tôi mới nghe đó.

Trí :

- Đừng lo chuyện đó nghe Khiết. Tôi dám chắc là Bình-Be và Bà Chúa đủ sức chống lại tụi Đồ Tể mà.

- … Ồ, kìa ! Hơn 4 giờ chiều rồi kìa, CT3 !

Tôi vội vàng :

- À, vâng, "sếp" !

Trí tiếp :

- Đến giờ đi đưa báo rồi đó, CT3 ! Và chớ quên vị thân chủ mới nhất của CT3 đó nghe !

- Yên chí ! Quên sao được, sếp !

- Tôi đã viết xong bản tin tức để CT3 thông báo cho ông Bình-Be rồi đây : "Tàu thủy đã tới bờ, không bị sóng gió gì cả". Đó, như vậy lỡ ra tờ báo có sa vào tay địch, tụi chúng cũng không thể khám phá ra chỗ trốn của Khiết đâu, nghe !

Sa vào tay địch ! "Sếp" tôi sao cứ hay có cái lối nói nghe mà phát ớn.

Trí lại nói tiếp :

- CT3 ! Viết ngay bản tin tức đó vào trang 2 của tờ báo. Khi đến nơi, đặt ngay nơi khe cửa nhà Bình-Be ấy, nghe ! Và nhớ lật tấm xơ dừa chùi chân xem có gì ở dưới không? Thôi lên đường đi ! Tụi này nóng ruột chờ tin lắm rồi đây ! Đi, đi… và chúc may mắn nhé !

Đứng dậy, sửa soạn bước ra mà lòng tôi se lại. Trước hết, tôi rẽ qua về nhà lấy xe đạp rồi đạp lên tòa soạn Chuông Vàng lãnh phần báo vẫn dành riêng cho tôi. Ông quản lý nhận tờ cam kết mua báo tháng do ông Bình-Be ghi hồi sớm mai, điền vào sổ lớn và khen tôi hết lời.

Tôi lại đạp xe đi đưa báo một vòng, phóng lên cả Thủ Đức rồi trước khi đạp về, tôi vòng lên nhà Mai-Điên. Xe bon bon trên con đường vắng dẫn tới chỗ của ông Bình-Be thì đồng hồ tay của tôi đã chỉ gần 6 giờ chiều. Con đường này, đối với tôi đã có vẻ quen thuộc lắm. Trước mặt và đằng sau cũng như hai bên vắng hoe, không một bóng người. Tôi đàng hoàng giở rộng tờ báo, lấy bút chì ghi lẹ vào trang 2 bản thông tin bí mật của xếp CT1. Bốn bên vẫn im lặng… im lặng… một cách khác thường khiến trong lòng tôi cảm thấy hơi lo. Đột nhiên, có tiếng chó sủa inh ỏi. Đúng tiếng sủa của con Lát-Si, tiếng sủa càng dữ bao nhiêu tôi lại càng thấy yên tâm bấy nhiêu. Xuống xe, tôi tiến đến, lẹ làng đặt tờ báo, luồn một nửa vào khe cửa, kế bên tấm xơ dừa. Quái ! Sao chẳng thấy bóng dáng ông Bình-Be và bà Chúa đâu cả ? Đặt tờ báo xong, tiện tay tôi nhấc ngay tấm xơ dừa: một tấm giấy trắng nhỏ gấp tư nằm ngoan ngoãn trên mặt đất.

Chợt cảm thấy toàn thân nổi da gà, tôi quơ tấm giấy thật lẹ. Một tiếng động từ phía trong nhà khẽ vang lên khiến tôi giật nẩy người. Ngẩng phắt đầu lên : khuôn mặt hề riễu của ông Bình-Be xuất hiện nơi một ô cửa sổ tầng nhà dưới. Ông Bình-Be tươi cười, giơ một tay ra hiệu cho tôi biết là mọi sự bình yên cả. Trong lòng nhẹ nhõm, tôi nháy mắt cho ông hề tỏ ý đã hiểu rồi dắt xe đạp lui ra. Thận trọng đề phòng vốn là đức tính chung của nhân viên hãng CT2. Dắt xe đạp đi bộ một quãng xa, tôi mới mở bản tin moi từ dưới tấm xơ dừa ra, liếc mắt lẩm nhẩm đọc : "Không một khách lạ viếng thăm. Tình hình yên tĩnh".

Vững bụng, tôi nhẩy phóc lên yên xe, cắm đầu đạp. Đột nhiên, quang cảnh trước mắt khiến trống ngực tôi đập thình thịch. Một chiếc xe hơi từ phía Ba Chuông lao tới. Chiếc xe hơi màu xanh, mui trần, chạy thật nhanh, hốt lên một đám bụi mù. Cẩn thận, tôi cho xe đạp ôm sát lề bên phải. Nhưng khi đến gần chiếc xe bốn bánh chạy chậm hẳn lại. Nhờ xe không mui, tôi trông rõ người ngồi bên trong. Ồ lạ! Hai người ngồi xe cũng nhìn tôi đăm đăm. Người lái xe mập ù, mặt tròn vành vạnh, mặc một cái áo sơ mi màu vàng cam, đầu đội mũ phớt trắng. A! cái ông này, lần đầu tiên tôi mới thấy, chẳng biết ông ta là ai.

Người ngồi bên cạnh ông ta vóc dáng gầy ốm tong teo, mặt mỏng dài và cong như cái lưỡi cầy. Không nhìn rõ mặt nên chẳng rõ là người nào, nhưng bộ áo quần gã mặc trên người có vẻ quen lắm: sơ mi đen, mũ đen... Thôi đúng rồi! Tên Dậu ghẻ!...

Sau khi lướt qua trước mặt tôi, chiếc xe hơi lại gia tăng tốc lực phóng vút đi. Tôi quay mặt lại ngó theo. Quả nhiên tôi đoán đúng: chiếc xe tới gần chỗ rẽ liền thắng gấp, bánh rít lên ken két và mũi xe từ từ... hướng vào phía nhà Mai-Điên.

---------------------- 
(1) Người nhà Trí vẫn gọi anh bằng tên thật : Chính (coi Đồng Tiền Giả).

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>