Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

CHƯƠNG III_BỨC MẬT THƯ


CHƯƠNG III

BỨC MẬT THƯ THẤT LẠC


Bất giác, tôi nhắm mắt lại. Nỗi kinh sợ khiến toàn thân lạnh giá. Đến khi mở mắt ra, con voi đồ sộ, lù lù như một cái gò đất vẫn lù lù tiến đến. Ông bụng bự ngồi vắt vẻo trên lưng.

A! Nhìn kỹ lại thì con bồ tượng cũng không to lớn quá sức như tôi tưởng. Trông nó lại có vẻ nho nhỏ xinh xinh là đằng khác. Nhưng đôi tai to lắm cứ quạt phành phạch. Nó lừng lững tiến lại phía chúng tôi. Bốn chân nặng nề cử động thoăn thoắt, khối thân mình trùng trục lắc qua lắc lại rất nhịp nhàng.

Trí mải lúi húi gỡ cho chú nhỏ ra khỏi chiếc túi vải nên chưa biết gì. Chú nhỏ kia cũng vậy. Cái túi đen sì còn chụp kín đầu, làm sao chú biết được là cả một núi thịt ghê gớm kia đang sầm sầm lao tới.

Ngay lúc đó, con voi uốn cong chiếc vòi như một con trăn gió uốn khúc, và ré lên. Lần đầu tiên tôi được nghe voi ré. Đúng thế! Không thể gọi là voi gầm được! Vì tiếng kêu của nó có một âm thanh kỳ lạ lắm. Không phải là tiếng gầm như của hổ hay sư tử mà là một tràng “két, két, két…” như bánh xe cam-nhông hạng nặng siết trên mặt xa lộ khi bị thắng gấp. Tiếng voi ré đinh tai nhức óc. Trí giật thót mình nhẩy nhổm lên như người vô ý ngồi phải một cụm xương rồng. Anh xoay người lại, đưa mắt nhìn. Đứng chết trân như trời trồng, miệng Trí há hốc, tròn như chữ O, không nói lên được một tiếng nào ngay cả một tiếng kêu thảng thốt.

Tưởng chú bé chắc cũng phải sợ hãi lắm. Trái hẳn thế. Không những thản nhiên chẳng tỏ vẻ gì kinh khiếp, nó lại còn tung chân chạy bay về phía con voi và người quản tượng. Vừa chạy vừa gọi ầm lên. Âm thanh chú bé tỏ lộ sự vui mừng vô tả:

- Chum Bô! Chum Bô! Chum Bô!

Con voi… không trả lời (vì nó không biết nói, dĩ nhiên) nhưng người cưỡi voi reo lên mừng rỡ:

- Khiết! Khiết! Yên trí! Yên trí! Tôi đến đây rồi! Tôi đến đây! Tôi đây, Khiết! Tôi đã thấy rõ rồi! Thấy rõ rồi! Trèo lên! Trèo lên!Anh em mình phải đuổi gấp, bắt thằng gian phi nầy lại mới được. Lên đây! Khiết!

Trong khi người quản tượng nói liên thanh như vậy con voi xinh xinh vẫn phóng nước đại. Khi người và vật sáp tới chỗ chú bé tên Khiết tay quản tượng nhẹ nghiêng người với tay bắt lấy cổ tay chú nhỏ. Rồi một đằng kéo tay, một đằng co chân nhẩy bay lên lưng voi, gọn ghẽ nhẹ nhàng như một mục trình diễn ngoạn mục trong đám hát xiệc vậy. Tiếng chú nhỏ run lên vì cơn hãi sợ bị bắt cóc hụt hồi nãy.

- Có phải thằng Đồ-Tể mới chụp bắt hụt tôi vừa rồi đó phải không? Hả? Hả Bình-Be?

- Không biết nữa! Không biết có phải thằng Đồ-Tể không đấy! Có lẽ không phải… Thằng này trông nhỏ con hơn nhiều. Thôi được, chạy đuổi nó cái đã! Tóm cổ được là biết ngay đó mà! Chum-Bô, Chum-Bô! Lẹ lên, lẹ lên. Chum-Bô!

Con bồ tượng tăng tốc lực chạy như gió cuốn. Mặt đất rung lên như trong một cơn địa chấn dưới 4 chân cột đình của nó. Trong khi tôi vẫn ngớ người đứng sững, Trí đã tỉnh táo nói ngay:

- Chạy theo ngay, Chiêm! Thế nào họ cũng cần đến sự giúp sức của chúng mình đấy! Mau lên! Chạy theo!

Quái thật! Sao nhiều người cứ bảo giống voi nặng nề chậm chạp lắm. Thì ra điều nhận xét ấy trật lất. Tôi thầm mong người nào đã nói “giống voi nặng nề chậm chạp” có mặt tại đây, cùng với anh em tôi lao người đuổi con bồ tượng có cái tên là Chum-Bô kia thử coi.

Nó băng qua cánh đồng cỏ trong chớp mắt, tới bìa rừng um tùm lau sậy, vẫn lao vun vút, rẽ cỏ, vạch cây phăng phăng như một chiếc chiến xa hạng nặng của quân đội vậy. A, vậy mà không hiểu làm cách nào Bình-Be và chú nhỏ tên Khiết lại cứ ngồi vững được trên lưng nó chứ, tài thật.

Trí và tôi chạy hết tốc lực đuổi theo. Phía trước con voi, văng vẳng vẫn có tiếng chó sủa. Hai anh em cứ hướng theo phía đó mà chạy như tên bắn.

Khi băng qua cánh rừng lau sậy, tên gian phi đã mất hút. Chú voi Chum-Bô đứng lại lù lù như cái đồi nhỏ. Ông bụng bự tên Bình-Be và chú nhỏ Khiết đã nhảy xuống đứng trên mặt đất. Con chó nhỏ của Khiết vẫn tiếp tục sủa inh ỏi. bốn cẳng chân nhỏ xíu vẫn chạy thoăn thoắt đuổi theo... một đám bụi mù. Đám bụi do một chiếc xe mở máy vội vã, lao nhanh để rồi biến mất hút phía xa xa.

Thở chẳng ra hơi, tôi buông người ngồi phịch xuống bãi cỏ. Rồi đến lượt Trí. Thái dương giựt liên hồi, ý nghĩ trong đầu tôi quay cuồng như chong chóng… Tôi thường nghe người lớn hay kể chuyện về những cơn ác mộng. Và tôi cho rằng có lẽ hai anh em, giây phút vừa qua, đã sống trong một giấc mộng “ác” nhất.

Giờ đây thì hai anh em được biết rõ chú nhỏ Khiết không phải bị bắt cóc, và ông Bình-Be kia không phải là trộm cướp mà cũng chẳng khùng điên gì hết. Quả có thế! Nét mặt ông ta trông hiền lành hết sức. Nhưng... sao còn nhiều vấn đề khó hiểu quá? Thử xem lại coi nào! Này nhé:

- Bình-Be là người như thế nào? Chính thật ông ta là ai? Chú nhỏ tên Khiết là con ông ta hay là gì chứ? Và… và, tại sao hai người, một già một trẻ, ở đâu khi không lại nhè cái nhà ông Mai-Điên này mà đến ở? Kỳ quái hơn… là sao lại ở chung với một con voi xinh xinh thế chứ? Chưa hết! Còn hai cái ông gì... à Sáu Bang và Tư Dậu cũng ở chung luôn nữa! Vậy là sao nhỉ? Rồi... rồi lại còn cái tên gian phi mặc quần áo đen kia. Hắn là ai? Và hắn muốn bắt chú nhỏ Khiết để làm gì chứ? Ừ mà không hiểu tại sao Khiết lại kinh sợ gã áo đen có cái tên kỳ quái Đồ Tể kia chứ? Thật là quái lạ vô cùng! Chưa, chưa hết! Còn cái này mới đáng rợn người hơn nữa đây: Cái tiếng la thất thanh của một “người” nào đó : “Cắt cổ nó! Hãy cắt cổ nó!” Trời ơi! Cắt cổ ai? Mà tại sao lại cắt cổ người ta chứ?

Ấy đó, đầu óc tôi, mà chắc cả Trí cũng thế, cứ loạn lên vì những cái “tại sao, tại sao” và “ai, ai” như thế. Thật chẳng biết đằng trời nào mà mò.

Tôi buột miệng:

- Kỳ ghê! Chúng mình biết làm sao bây giờ đây, anh Trí?

Sếp tôi nói khẽ và nhanh:

- Đừng nóng, Chiêm! Chờ đấy! Để xem họ làm ăn ra sao. Để ý nhận xét kỹ nghe!

Theo lời Trí, tôi đưa mắt nhìn Khiết. Chú nhỏ gọi là nhỏ nhưng thực ra thì cũng không nhỏ lắm. Ít tuổi hơn tôi, nhưng không nhiều lắm. Có một điểm đặc biệt khiến chú khác hẳn các bạn đồng trang lứa là mái tóc nâu. Một màu nâu rất đẹp, mịn óng như tơ. Nét mặt Khiết dễ thương cũng như ông Bình-Be. Ông mập thật là mập, tròn như hòn bi. Chắc ông ta phải là một người thích bông đùa và pha trò cho thiên hạ cười vui lắm. Nhưng lúc này coi bộ ông không có vẻ gì là thích cười đùa vui vẻ cả. Ông ta nói cái gì đó với chú nhỏ Khiết. Có lẽ là một điều gì quan trọng lắm nên sắc diện ông lộ rõ vẻ ưu tư. Mấy phút sau, cả hai người, một già một trẻ, quay lại ngó Trí và tôi. Ông Bình-Be cất tiếng, đồng thời bước lại gần:

- Cám ơn các cháu quá. Không có các cháu, chắc chắn tên gian phi kia đã bắt được Khiết đem đi rồi. Rất tiếc là bác lại không hiện diện tại chỗ lúc đó. May quá là may. Nhờ các cháu đấy. Cám ơn hai anh em nhiều lắm nghe!

Nhỏ Khiết cũng tiến đến, rụt rè:

- Cám ơn… nhé!

Trí lên mặt quan trọng khiến tôi suýt phì cười nếu không cố ghìm lại kịp:

- Có gì, có gì đâu! Bổn phận của chúng tôi mà!

Tôi nhanh miệng phụ họa theo:

- Bổn… à … bổn phận của chúng tôi mà!

Chợt ông Bình-Be giương mắt nhìn hai đứa tôi chăm chú, mặt hơi lộ nét ngạc nhiên:

- À… mà… không hiểu hai cháu tình cờ sao lại có mặt đúng lúc thế chứ?

Ông Bình-Be chỉ hỏi tại sao Trí và tôi lại có mặt tại đó mà không hề đá động đến lý do cách trang phục kỳ quái của hai đứa, nhưng ánh mắt của ông nhìn nhanh hai bộ quần áo “tây di” chúng tôi đang mặc trên người cũng đã là một câu hỏi rõ rệt lắm rồi.

“Sếp” tôi không nói năng gì. Anh chỉ trịnh trọng thò tay vào túi, lôi ra một tấm danh thiếp mà chúng tôi đã thuê in và tô sửa lại rất đẹp sau vụ đánh bại tụi điệp viên quốc tế trong chuyện “Ngọc Báu Ngai Vàng” (I). Tôi kiêu hãnh nhìn ông Bình-Be đang cầm tấm giấy trắng cứng, chăm chú đọc, vẻ mặt càng lúc càng ngạc nhiên sửng sốt:

CT2
Hãng Thám Tử Tư
Saigon – Quốc Tế

Ông Bình-Be trợn tròn đôi mắt, lắp bắp:

- Thì ra… Thì ra hai chú em là thám tử?

Trí thẳng người, nét mặt rất nghiêm:

- Dạ! Thám tử kiêm điều tra viên!

Đột nhiên, người đàn ông xoay cái thân hình tròn như hột mít, ngó tôi:

- Ô… ô…! Mà hình như tôi đã gặp chú em này ở đâu rồi thì phải?

Đến lượt tôi ngẩn người:

- Ủa ! Thế ạ?

Miệng nói mà trong lòng tôi phân vân hết sức vì tôi đã gặp ông Bình-Be này lần nào đâu. Thêm nữa, mặt tôi còn bôi bụi than đen thùi kia mà, không hiểu sao ông ta lại nói xưng xưng như vậy chứ!

- … À , vâng, vâng! Cháu có đến nhà ông Mai-Điên một lần rồi và có gặp ông Sáu Bang và Tư Dậu ở đó!

Tôi thoáng thấy ông “hột mít” liếc nhanh mắt cho chú nhỏ Khiết ý chừng muốn nói ngầm một câu gì đó. Không hiểu Trí có để ý thấy cái liếc mắt của ông ta không mà chỉ nghe anh thao thao kể lại chuyện vì sao hai anh em nghi ngờ có sự gì bí mật trong ngôi nhà hoang phế mà chủ cũ là ông Mai-Điên đó. Mối nghi ngờ khởi thủy từ bữa tôi đến mời người trong nhà mua báo Chuông Vàng.

Ông Bình-Be lặng lẽ đứng nghe. Khi “sếp” tôi nói hết, ông mới từ tốn cất tiếng:

- À ra thế! À…à, phải, phải! Nói để hai chú em biết: tụi tui không muốn người lạ lảng vảng đến gần nơi chúng tôi cư ngụ vì một lý do đặc biệt, quan trọng lắm…

Bất giác, tôi vểnh tai nghe ngóng, lòng thầm hy vọng thế nào cũng dò ra được một vài manh mối gì của mấy người hiện có mặt trong ngôi nhà Mai-Điên. Nhưng ác quá! Ông Bình-Be đã lái câu chuyện ra hướng khác bằng cách hỏi nhanh tôi:

- Thế chú em có trông rõ tên gian phi lúc nó chụp túi bắt nhỏ Khiết không? Chú em làm ơn tả lại hình dáng nó thật kỹ chút coi! Vấn đề này quan trọng vô cùng đấy!

Tôi lắc đầu, thú thật:

- Quá tình cháu cũng không nhìn rõ được mặt tên đó. Cháu chỉ có thể nói được rằng nó đội một chiếc mũ đen, áo vét-tông đen và cả cái quần cũng đen luôn.

Ông Bình-Be quay sang Trí:

- Còn chú em thì sao?

“Sếp” tôi cất tiếng nói lửng lơ, làm bộ như không biết gì mấy:

- À… dạ, cháu cũng thế đấy, ông Bình-Be! Cháu cũng như anh bạn đây, chẳng kịp ngắm nhìn tên gian coi mặt ngang mũi dọc nó ra sao nữa!

Ông “hột mít” nhìn nhỏ Khiết, chép miệng và khẽ lắc đầu. Cả hai người đều lộ vẻ thất vọng buồn rầu.

Đột nhiên, Trí lại nói:

- Nhưng, nếu cần, cháu có thể cho ông biết một vài dấu tích đặc biệt.

Ông Bình-Be sáng rỡ đôi mắt, nói như reo:

- Vậy hả? Thiệt không?

“Sếp” tôi hắng giọng:

- Đây này! Tên gian đó cao lắm, có tới một mét bảy chứ không ít đâu. Chân trái hơi thọt. Trước kia y có đi lính thủy rồi làm nghề võ sĩ đánh quyền anh. Y không phải là người Việt và chuyên môn hút xì-gà.

Ông Bình-Be chưa kịp nghe hết, mặt mũi đã đỏ gay như người bị say nắng. Còn chú bé tên Khiết thì đôi mắt trợn lên như sắp sửa lọt ra khỏi tròng. Ông Bình-Be:

- Ủa! Rõ ràng chú em vừa mới nói với tôi là chú không biết tên đó là ai kia mà. Tại sao lại…?

“Sếp” tôi thản nhiên gật đầu:

- Vâng! Đúng như thế đấy, ông Bình-Be. Hôm nay là lần đầu tiên cháu thấy mặt tên gian đó.

- Lần đầu tiên? Nhưng tại sao chú em lại có thể tả người một cách chính xác quá như vậy chứ, hả? Thật lạ vô cùng. Chú em thử giải thích giùm chút coi nào!

Sếp tôi khẽ nhún vai, giương giương tự đắc:

- Thưa ông Bình-Be! Dễ lắm, có gì là khó đâu. Chỉ là một phương pháp nhận xét, phân tích thường đó thôi ạ. Này nhé! Về chiều cao của tên gian, chỉ nhận xét sơ qua cũng đủ biết. Rồi đến cái chân thọt của hắn, cũng lại nhờ nhận xét dấu chân in trên nền đất ẩm trong rừng đó kìa, ông Bình-Be. Dấu chân phải rõ và sâu hơn dấu chân trái.

Ông “hột mít” gật đầu:

- À, à, tôi hiểu rồi! Thế còn chuyện nó đi lính thủy rồi lại làm võ sĩ quyền Anh, làm sao chú em biết được?

Giọng Trí tự đắc:

- Cái đó lại còn dễ hơn nữa. Khi cháu nhảy chồm vào đánh lộn với tên gian để cứu nhỏ Khiết, cháu chợt thấy trên mu bàn tay của y có xâm hình một chiếc mỏ neo. Do đó, cháu cho y là một tay cựu lính thủy. Còn tại sao biết được y là võ sĩ quyền Anh thì cháu đã nhờ nhìn vào đôi vành tai rách mướp của hắn, đôi tai đã từng nếm nhiều cú đánh bằng găng da của địch thủ trên võ đài.

Nhỏ Khiết sán đến gần:

- Thế còn làm sao mà anh biết hắn là người ngoại quốc và chuyên môn hút xì-gà?

- Khi tôi và tên gian ôm nhau lăn chiêng trên mặt đất, hắn vừa quẫy đạp vừa tru hộc lên những tiếng nói rất lạ, có lẽ là những tiếng nguyền rủa gì đó mà tôi nghe chẳng hiểu gì. Và cũng trong lúc vật lộn, giằng giật, húc mạnh đầu vào ngực áo hắn, tôi ngửi thấy sặc sụa mùi xì-gà không hà!

Nhỏ Khiết tái mặt ngó ông Bình-Be:

- Bình-Be! Thằng Dậu ghẻ! Đúng thằng Dậu ghẻ rồi! Chết, vậy thì nguy quá!

Ông “hột mít” im lặng không nói một tiếng. Chỉ thấy ông thè lưỡi ra liếm thật nhanh lên đôi môi nẻ. Bộ mặt no tròn, hai má phính của ông nhợt ra như tờ giấy trắng. Mấy phút sau ông mới gật gù lẩm bẩm:

- Chú em đây tả người khá quá! Đúng… đúng Dậu ghẻ rồi! Hừ!

Nhỏ Khiết nói như người sắp khóc:

- Ừ, đúng Dậu ghẻ, ừ, ừ… đúng thằng đó rồi! Đỗ-văn-Tể đã sai y tới đây. Như vậy, chắc tụi nó tìm thấy tung tích chúng mình rồi đó! Và Dậu ghẻ sẽ về báo cho Đỗ-văn-Tể biết hiện thời tôi ở đây! Trời ơi! Làm sao bây giờ hả Bình-Be?

Nhỏ Khiết run lên như con chuột nhắt đánh hơi thấy mùi mèo dữ. Ông Bình-Be cũng băn khoăn ra mặt. Hai bàn tay ông không ngớt xoắn vào nhau, ngón nọ bẻ ngón kia kêu rắc rắc. Mãi sau, ông mới cất tiếng:

- Thôi tốt hơn hết là về nhà cái đã. Hiện thời mình chưa biết đích xác lão Đỗ-văn-Tể ở chỗ nào. Nhưng chắc chắn là lão… chỉ ở quanh quẩn gần đâu đây thôi hà!

Dứt lời, chúm môi huýt gió, ông Bình-Be gọi con chó, phất tay ra hiệu cho con voi, rồi quay nhìn chúng tôi:

- Hai anh em! Bây giờ thì hai chú em đã biết rõ nhiều điều về chúng tôi lắm rồi đó. Thôi được, để tôi nói rõ sự thật cho các chú em nghe. Nhưng, với một điều kiện… tối quan trọng. Tôi nhấn mạnh là rất quan trọng, các chú em có nghe rõ không?... Nghĩa là hai chú em phải tuyệt đối giữ bí mật mọi điều tôi sắp kể cho các chú nghe đây! Nào, các chú có chịu hứa với tôi ưng thuận điều kiện đó không nào?

“Sếp” tôi tằng hắng, giọng nói nghiêm nghị:

- Hãng CT2 của anh em tôi bao giờ cũng được các thân chủ hoàn toàn tín nhiệm nhờ sự giữ bí mật tuyệt đối đó, thưa ông Bình-Be! Xin ông cứ tự do cho biết sự thật. Đừng ngại gì cả!

Thế là ông Bình-Be kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất ly kỳ, xem chừng còn ly kỳ hơn cả hai vụ “Đồng tiền giả” và “Ngọc Báu Ngai Vàng” nữa.

Vừa kể chuyện, ông “hột mít” vừa đặt bước tiến về khu nhà ở. Và dĩ nhiên, là chúng tôi đeo dính lấy ông không rời một bước. Chú nhỏ Khiết đi len vào giữa, ý chừng vẫn chưa hết sợ vì vụ bị bắt cóc hụt hồi nãy, tuy bên chú, con voi ngoan ngoãn đi kèm sát để bảo vệ vững chắc như vách sắt tường… bồ. Con chó tên Lát-Si tung tăng chạy đây đó, đuôi ve vẩy, quay đầu nhìn các đầu cây ngọn cỏ, đôi mắt dõi theo đàn bướm trắng bay lượn khắp nơi.

Tiếng ông Bình-Be kể chuyện đều đều:

- Đầu mối vụ nầy cũng là nhỏ Khiết mà ra cả đó, hai chú em. Tên thằng nhỏ chính thật là Phạm-Trọng-Khiết. Cha mẹ em nhỏ đáng thương này vốn là hai nhà nhào lộn đu bay nổi tiếng nhất Việt-Nam. Ông tên là Phạm-Trọng-Tâm và bà là Hoàng-ngọc-Lan. Mới đầu, hai ông bà đi làm công cho người ta. Lâu dần, tài nghệ tiến triển, hai người cưới nhau rồi ra lập gánh xiếc riêng. Bảng hiệu kẻ sáu chữ lớn:

ĐOÀN XIẾC VĨ ĐẠI TÂM-LAN


Và từ đó , đoàn xiếc Tâm-Lan nổi tiếng như sóng cồn, không những khắp toàn cõi Việt-Nam, mà lại còn nổi tiếng cả ở ngoại quốc như Tân-Gia-Ba, Phi-Luật-Tân, Mã-Lai và Thái Lan nữa. Bé Khiết, đúng là cha nào con nấy, cũng giỏi như cha vậy, em mở mắt chào đời trong một chiếc xe do ngựa kéo của đoàn xiếc lúc đang di chuyển từ Tây-Ninh về Saigon. Từ tấm bé cho tới ngày nay, em được ông bà Tâm-Lan nuôi dưỡng và giáo dục ngay trong đoàn xiếc, hết sức chu đáo. Đến khi em biết đi vững rồi, ông bà bắt đầu dạy cho một vài môn nhào lộn dễ làm… Cuộc đời trên bốn bánh xe cứ lăn đều như thế, nay đây mai đó, theo thời gian dần trôi, bình yên như ước chảy qua cầu… cho đến một ngày kia, hồi đó bé Khiết đã được 6 tuổi, bỗng nhiên một người em họ của ông Trọng-Tâm từ đâu tới thăm ông bà. Ông em họ này là Đỗ-văn-Tể, lúc đó đang thất nghiệp và sống trong cảnh nghèo nàn túng quẫn hết sức. Ba nhỏ Khiết vốn là người rất từ tâm, đã cho người em họ cơm ăn việc làm trong đoàn xiếc. Cũng tưởng đó là sự thường, cái việc anh em trong họ, người nọ cứu giúp người kia trong cơn quẫn bách đó. Ông chủ gánh xiếc vĩ đại Tâm-Lan không ngờ rằng vì thương người mà rồi ông bị hại đến thân.

Tên Đỗ-văn-Tể, nhờ ông Tâm, qua khỏi được cơn túng quẫn rồi, không bao giờ y nghĩ đến việc trả ơn ông. Trái hẳn thế, tên gian manh này lại phản ân nhân của mình bằng cách nhúng tay vào mọi hoạt động của đoàn xiếc. Lão Tể tinh ranh vô cùng. Làm ra bộ như người mẫn cán, cái gì dù nhỏ nhặt đến đâu lão cũng để mắt tới. Ông Tâm bản tính rất tốt, lòng dạ quảng đại, thẳng ngay, lại thêm tâm hồn nghệ sĩ, thì giờ đâu mà để ý tới những cái nhỏ nhặt. Nay có người lo cho mọi tiểu tiết như thế, ông yên trí đem hết tâm lực ra phụng sự nghệ thuật và giao cho tên em họ cả quyền thu quyền phát tiền nong trong đoàn.

Đỗ-văn-Tể lợi dụng sự tín nhiệm của ân nhân, đã khéo léo gian lận trong vấn đề kế toán sổ sách. Hắn ghi nhiều món chi tiêu “ma”, mỗi ngày một vài mục, tích tiểu thành đại , lâu dần,… tình hình tài chánh của đoàn đi đến chỗ nguy ngập , có thể rã đám đến nơi. Mọi người không ai hiểu tại sao lại có thể như thế được vì số thu hàng ngày vẫn rất cao. Khán giả nhiều khi đến trễ, hết giấy phải về không kia mà.

Sự thực, tên Đỗ-văn-Tể đã rút rỉa một cách rất tinh vi tiền nong thu hoạch của đoàn. Để rồi, giờ phút này, đoàn xiếc Tâm-Lan sắp vỡ nợ đến nơi, y mới lên mặt giả nhân giả nghĩa đề nghị với ông chủ là y sẽ đi vay giúp ông (vay những món tiền khổng lồ của chính y đã ăn cắp khéo của đoàn mà không ai phát giác ra được) … nhưng với một điều kiện là ông Tâm phải nhượng lại cho y một nữa quyền sở hữu gánh xiếc. Đứng trước hoàn cánh khó xử, ông Tâm, con người nghệ sĩ chân thật không biết tính sao: không chấp thuận điều kiện Đỗ-văn-Tể đưa ra, gánh xiếc mà ông yêu mến hết lòng sẽ xẩy đàn tan nghé, mà gật đầu ưng chịu để cho y làm Phó Giám Đốc, quyền lợi chia hai, có nghĩa là ông đưa cổ cho tên gian hùng cột dây thòng lọng; tên Tể, được đằng chân sẽ lân đằng đầu…

Rốt cuộc, vì thương anh em trong đoàn, ông Tâm đành chấp nhận điều kiện. Ít ngày sau, ông đã rõ dã tâm của Đỗ-văn-Tể. Tên này, danh chính ngôn thuận, lên làm Phó Giám Đốc rồi, quyền hành đầy đủ trong tay, lợi dụng những sơ hở của ông Chánh Giám Đốc, tìm cách lấn áp rất ghê gớm, đến nỗi chính ông Tâm cũng đâm ra lo lắng, sợ hãi cho sự an ninh của ngay cả hai vợ chồng mình.

Và cũng đúng thời gian đó, không hiểu bằng cách nào, ông Trọng Tâm thu thập được nhiều tin tức cụ thể chứng tỏ dã tâm phản bội của Đỗ-văn-Tể. Làm việc, sinh sống với ông đã lâu, tôi được ông yêu mến và tin cậy lắm. Một buổi chiều kia, ông Tâm sai người gọi tôi vào buồng riêng, nói cho tôi biết tất cả âm mưu hèn hạ của tên Tể. Qua giọng nói và ánh mắt buồn rầu, tôi nhận thấy rõ rệt là ông Tâm đang băn khoăn lo ngại về một điều gì ghê gớm lắm. Kể xong chuyện, ông bắt tôi hứa rằng, nếu một mai ông có gặp điều gì rủi ro, không còn trên cõi đời bạc ác, bất nhân nầy nữa, tôi sẽ phải đích thân đem những bằng chứng làm bậy của tên Tể ra trình cho cảnh sát để họ thụ lý, truy tố gã vong ân bội nghĩa đó. Ông đã ghi chép mọi tội ác của tên gian hùng kèm theo những bằng chứng rõ rệt không thể chối cãi được trong một bức mật thư. Và bức mật thư ấy, ông cất giấu tại một nơi kín đáo chỉ riêng mình ông biết. Ông sẽ chỉ bảo cho tôi cái chỗ bí mật ấy. Nhưng chưa kịp… thì rủi thay, ngày hôm sau, cả hai ông bà đã bị tử thương trong một tai nạn xe hơi.

Trí cất tiếng hỏi:

- Tai nạn xe hơi?

- Phải…, tai nạn xe hơi! Tai nạn vô tình hay hữu ý tôi cũng không hiểu nữa. Có cái là, cuộc điều tra của Cảnh sát mãi rồi cũng chỉ đi đến kết quả là: tai nạn xe hơi. Riêng tôi, thì tôi cho rằng cái chết đột ngột của ông bà Tâm Lan không chỉ giản dị có thế. Cái ngày ghê gớm ấy, tôi không hề nói ra cho Khiết biết ý nghĩ riêng của mình về cái chết rùng rợn của cha mẹ em, đồng thời cũng ỉm luôn vụ bức mật thư kia đi. Tôi chỉ để hết thời giờ ra công tìm kiếm nhưng không thấy. Mãi rồi, thành ra thất vọng, chán nản. Chưa hết! Mọi hy vọng mong manh lại bay mất tiêu như làn khói mỏng vì một hôm Đỗ-văn-Tể cho gọi tôi vào kiếm cớ rầy la dữ dội rồi đuổi tôi ra khỏi đoàn xiếc, không cho làm nữa. Y đuổi cả vợ tôi luôn, mặc dầu nàng đang là một diễn viên ăn khách nhất gánh. Dần dần, Đỗ-văn-Tể sa thải hết những người mà hắn nghi là phe cánh của ông chủ cũ để thay thế bằng tụi lâu la bộ hạ của nó. Trong số những đứa đầu trâu mặt ngựa này có tên Dậu ghẻ, tức là tên gian phi hồi nẫy đó.

Tôi buồn rầu ngẫm nghĩ : Tội nghiệp nhỏ Khiết quá! Cha mẹ chết tức tưởi như thế chưa đủ khổ hay sao mà còn thêm cái cảnh bị sống xa cách mọi người bạn cũ thân yêu của em nữa.

Tiếng ông Bình-Be kể chuyện vẫn đều đều:

- Theo luật, hiện thời nhỏ Khiết, thừa kế chính thức của ông bà Tâm-Lan vẫn có quyền là chủ nhân, sở hữu một nữa gánh xiếc vĩ đại Tâm-Lan. Nhưng vì lý do em hãy còn vị thành niên, nên mọi món thu chi đều bị tên Đỗ-văn-Tể, ỷ vào danh nghĩa là người giám hộ, nắm giữ trong tay hết…

Sau khi ông bà chủ nhân đức chết đi rồi, đoàn xiếc lại phiêu du trên đường lưu diễn. Mới đầu tên gian hiểm Đỗ-văn-Tể vờ vịt tỏ ra âu yếm xót thương em Khiết lắm. Y chuyện trò dò hỏi em đủ điều về thói quen hàng ngày của ông Phạm-Trọng-Tâm trong gia đình. Nhỏ Khiết vốn từ lâu vẫn không ưa thích gì tên chú họ gian hùng, nay thấy y vồn vã săn đón, em lại tin ngay. Tính khí trẻ thơ hồn nhiên bao giờ chẳng thế. Khiết vô tình mà tên Tể kia lại hữu ý. Y hỏi dò về thói quen của ba em không phải là không có mục đích. Nhỏ Khiết ngây thơ chẳng giấu giếm điều gì. Em lại còn tỏ vẻ tin tưởng lão gian ác đó lắm. Cứ một điều “chú Tể” hai điều “chú Tể”…

Cho đến một ngày kia, vào phòng riêng, em bắt gặp “chú Tể” đang lục lọi đồ đạc vật dụng của em. Y cười xòa nói trớ đi rằng muốn tìm một bộ quần áo diễn trò để lạc đâu mất, đồng thời vội vã bước ra. Hôm sau, nhỏ Khiết nhận thấy có sự lục lọi bới tung cái rương con của ba má em để lại cho em, trong đó có nhiều vật dụng thân yêu kỷ niệm của ông Tâm và nhiều món nữ trang đắt giá của má em. Cái rương con đó, nhỏ Khiết yêu quý vô cùng. Chắc là mỗi khi nhìn món đồ kỷ niệm thiêng liêng ấy, em lại thấy ấm áp trong lòng như khi được cha mẹ, lúc còn sống, ôm ấp trong tay vậy. Thấy cái rương con bị lục lọi bới tung, nhỏ Khiết nổi giận như muốn hóa điên, chạy đi tìm hỏi lão Tể. Ông chú hờ gian xảo chối bay chối biến. Đồng thời, kể từ ngày đó, Đỗ-văn-Tể thay đổi hẳn thái độ. Y đối với em tàn nhẫn thẳng tay không chút nương nhẹ, bắt em làm những việc nặng nhọc của người lớn và cho tay sai buộc em tập dượt các môn nhào lộn thật nguy hiểm đối với số tuổi măng sữa của em. Nhỏ Khiết nhiều lần bị té, nếu không có lưới căng ở dưới, chắc chắn em đã bỏ mạng từ lâu rồi… Có lần tên tàn độc Đỗ-văn-Tể bắt em nhào lộn không lưới. Kết quả: em đã bị té từ trên 7 thước cao xuống đất, nhưng, nhờ một phép mầu nhiệm nào đó của trời phật, em không hề hấn gì cả. Quả là một điều rất lạ ! Có thể… là hồn thiêng của ba má em…

Tên sát nhân Đỗ-văn-Tể đã tức giận lôi đình trước sự thoát hiểm lạ kỳ của em Khiết. Thì ra lão ta chỉ muốn giết em một cách gián tiếp mà thôi. Hiểu ra thâm ý của tên chú họ bất lương, nhỏ Khiết sợ quá nên tìm cách trốn khỏi đoàn xiếc.

Nhưng tội nghiệp cho em, còn có ai là người thân thiết trên đời nữa. Trong lúc cùng quẫn, may sao Khiết lại nhớ tới vợ chồng tôi. Em biết rằng vợ chồng tôi vẫn thương yêu em như con ruột vậy, nhất là chúng tôi lại hiếm muộn chưa có đứa con nào. Nhỏ Khiết cất lẻn cuốn gói trốn về với vợ chồng tôi. Gặp em, tôi mừng rỡ hết sức và không ngạc nhiên chút nào . Từ lâu, tôi vẫn nghĩ rằng em khó lòng sống chung với tên bất lương đó được. Tôi rùng mình ghê sợ khi nghe Khiết thuật lại dã tâm của tên Tể định giết chết em bằng cách bắt em tập nhào lộn đu bay không căng lưới. Và tôi biết chắc rằng đời sống của nhỏ Khiết đã bắt đầu bị đe dọa trầm trọng lắm rồi.

Ông Bình Be vừa kể xong câu chuyện, Trí đã nói ngay:

- Khi lục lọi cái rương con của nhỏ Khiết, chắc lão Đỗ-Tể chỉ có ý tìm bức mật thư của ông Tâm để lại thôi đó!

Ông Binh-Be phụ họa:

- Đúng như thế! Và lục tìm không thấy, gã bất lương đó mới tìm cách bố trí một tai nạn gì đó để giết chết em Khiết một cách ném đá giấu tay.

Trí gật đầu:

- Giết được nhỏ Khiết rồi, tên Đỗ-Tể sẽ được độc quyền giám dốc đoàn xiếc!

Ông Bình Be khẽ la:

- Phải rồi! Đúng rồi! Bé Khiết không còn ai là họ hàng thân thích để thừa kế nửa quyền giám đốc, trong khi đó lão Tể vừa là quyền giám đốc vừa là người giám hộ của em. Theo luật, tất cả sản nghiệp gánh xiếc sẽ về tay lão hết… Dù có đi trình cảnh sát thì cũng vô ích mà thôi. Bức mật thư không có trong tay, chúng ta chẳng có chút gì làm bằng cớ hết.

Trong khi hai người nói chuyện, tôi liếc mắt nhìn Khiết, nó vẫn đều đều đặt bước, đầu cúi gầm, im lặng. Khiết không nói một tiếng nào để góp chuyện. Có lẽ chú cảm thấy hết sức lo lắng cho số phận mình trong tình hình hiện tại.

Ông Bình-Be lại cho chúng tôi biết thêm là vợ chồng ông, khi Khiết tìm đến để nương nhờ tấm thân côi cút, đã sửa soạn hành trang để cùng đưa em đi lánh nạn. Vợ chồng người nghĩa bộc tin chắc rằng tên Đỗ-Tể thế nào cũng tìm cách lùng bắt bằng được đứa nhỏ. Và hai người đã tìm đến thuê lại khu nhà hẻo lánh của ông Mai-Điên, những tưởng một nơi chốn vắng vẻ thế này, lại bị đồn là nhà có ma nữa sẽ có thể sống lẩn lút dung thân được. Ai ngờ…

Người đày tớ trung thành trầm giọng nói:

- Vì chúng tôi không muốn bị ai dòm ngó, nên tuyệt đối không đi lại làm quen với ai hết. Chúng tôi muốn giấu kín, không để lộ tung tích em Khiết nên… ông Bình nhìn tôi khẽ mỉm cười hôm nọ đã “hù” chú em một chầu sợ tái người để chú em khỏi còn dám léo hánh tới nữa đó.

Tôi ngây người, ngạc nhiên vô cùng:

- Ơ… ơ… cháu đã gặp ông hồi nào đâu? Hôm đó chỉ thấy hai ông gì kỳ quái lắm, tên là Sáu Bang và một ông nữa tên là Tư Dậu thôi mà!

Ông Bình Be chợt cười phá lên:

- Ấy, ấy! Ông gì… ông gì thì cũng là chính tôi đấy!

Trí trợn mắt, nhíu mày tỏ vẻ không hiểu. Nhưng chỉ mấy giây sau, anh đã cười rộ lên:

- À, à, vậy thì cháu hiểu rồi!

Tôi vẫn ngơ ngác:

- Sao? Ông nói sao kia? Ông gì cũng là ông cả? Thế nghĩa là Tư Dậu và Sáu Bang chỉ là một người mà thôi? Và người đó là ông?

- Đúng như thế! Tôi là hề riễu của gánh xiếc vĩ đại Tâm-Lan mà! Chú em chắc chưa quên điều đó. Và tôi có biệt tài hóa trang, thay hình đổi dạng nhanh như chớp vậy đó.

Trời đất! Cái ông Bình-Be nầy thật là quá xá. Tôi há hốc miệng ngó ông, trong lòng thán phục vô cùng. Thật không ngờ! Con người trông hiền lành phúc hậu thế kia ai dè lại có tài khéo đến mức đó chứ!

Cả bọn về đến gần nhà. Khiết nhanh nhẹn băng qua sân cỏ, bàn tay bé nhỏ khẽ níu da cổ con voi, dắt nó vào vựa lúa. Ông Bình-Be vui vẻ săn đón, có ý bảo hai đứa tôi vào chơi trong nhà. Tôi lại cảm thấy hơi run. Dưới ánh mặt trời sáng sủa, mọi vật có vẻ vui tươi thật đấy, nhưng thú thật, ngôi nhà Mai Điên vẫn có một cái gì khiến tôi cứ muốn nổi da gà. Ông Bình-Be đã giải thích dài dài được gần hết mọi điều bí ẩn rồi. tuy nhiên, tôi vẫn còn ngại một cái. Và cái đó tôi định lên tiếng nhờ ông cho biết nốt. chưa kịp mở miệng, bên tai đã vang lên lanh lảnh:

- Hãy cắt cổ nó! Hãy cắt cổ nó!

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>