Hằng ngày, chúng ta lần bóc những trang lịch treo tường ghi những chi tiết thời gian cần thiết cho đời sống của chúng ta và trước thềm mỗi năm mới chúng ta lại có dịp chọn trong muôn ngàn kiểu lịch để lấy một kiểu hợp với sự cần dùng của chúng ta. Cử chỉ đó được lập đi lập lại nhiều lần như một thói quen nhưng chắc chắn là không mấy ai đã nghĩ rằng những tấm lịch quá quen thuộc với chúng ta này đã có một lịch sử lâu đời, là một công trình của nhiều nhà thông thái, đã và đang gây ra nhiều cuộc bàn cãi thú vị trên khắp năm châu.
Nhân dịp đang đón xuân năm mới, chúng tôi sưu tầm chút ít tài liệu về lịch để cống hiến bạn đọc thưởng xuân.
Căn cứ vào sự tuần hoàn của những hiện tượng thiên nhiên, người ta định ra năm, tháng, ngày để ghi nhớ những khoảng thời gian ấy, người ta dùng một phương pháp gọi là lịch.
Trên thế giới, có nhiều thứ lịch. Thứ nầy thứ kia, tùy theo cách tính năm, có khác nhau. Nhưng hiện nay, thứ lịch được thông dụng nhất là dương lịch. Ở nước ta cũng như ở vài nước Á châu, người ta thường dùng thêm một thứ lịch nữa gọi là âm lịch.
Dưới đây chúng tôi chỉ nói về dương lịch và âm lịch, thiết tưởng hai thứ đó cũng đủ để bạn đọc có một ý niệm tổng quát về lịch nói chung.
DƯƠNG LỊCH
Dương lịch dựa vào sự chuyển động của trái đất chung quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình bầu dục và mặt phẳng xích đạo của trái đất cũng không trùng với mặt phẳng của quỹ đạo nên trái đất hấp thụ bức xạ nhiệt của mặt trời mỗi lúc trong một năm khác nhau. Vì thế sinh ra thời tiết khác nhau. Căn cứ vào sự tuần hoàn của những thời tiết nầy, người ta phân biệt bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu và Đông mà chúng tôi sẽ nói tới sau.
Theo sự tính toán của các nhà thiên văn học thì cứ sau 365 ngày và non 1/4 ngày (tức 24,22 của một ngày hoặc 5 giờ 45 phút 46 giây) thì trái đất quay quanh mặt trời được một vòng. Dương lịch lấy thời gian đó làm một năm.
Nhưng nếu mỗi năm người ta cứ lấy thời gian kể trên mà tính thì người ta sẽ gặp nhiều sự phức tạp nên chỉ lấy con số 365 ngày để định một năm mà thôi. Song người ta vẫn nhớ rằng từ lúc giao thừa (dương lịch) năm nầy đến phút giao thừa (dương lịch) năm sau, quả đất chưa quay đủ một vòng quanh mặt trời mà còn phải chạy hơn 5 tiếng đồng hồ nữa thì mới hết và đến phút giao thừa năm sau nữa thì nó phải chạy thêm ngót 12 tiếng đồng hồ nữa mới hết được vòng thứ hai và cứ thế sau bốn năm, trái đất chậm đi gần 24 tiếng đồng hồ nghĩa là non một ngày. Bởi thế cứ bốn năm, người ta đặt ra một năm nhuận, để cho ngày tháng phù hợp với sự di chuyển của trái đất. Năm nhuận sẽ có 366 ngày và ngày thêm đó sẽ được đặt vào tháng hai tức là tháng hai có 29 ngày. Để cho dễ nhớ, người ta lấy con số danh hiệu của năm chia cho bốn, nếu số chẵn thì năm ấy là năm nhuận. Thí dụ: năm 1960 chia cho bốn được 490 không còn số lẻ, vậy năm 1960 là năm nhuận.
Chúng ta nên nhớ rằng sau bốn năm như vậy, quả đất mới chỉ chậm có non một ngày (24,22x4=96,88% của một ngày). Nếu ta đợi đúng một ngày để đón giao thừa như sự tính toán ở trên thì quả đất đã quay hết vòng thứ tư trước một khoảng thời gian: 100 - 96,88 : 3,22 của một vòng tức là 46 phút 22 giây. Và cứ bốn năm nào cũng có một năm nhuận thì sau 400 năm lúc ta đón giao thừa thì không những quả đất đã quay hết vòng thứ 400 mà còn chạy thêm hơn 3 ngày nữa (3 ngày và 22%). Để điều chỉnh tình trạng của dương lịch cho đúng với sự chuyển động của trái đất thì sau 400 năm số năm nhuận phải bớt đi 3 để còn 97 năm nhuận. Những năm được bớt đi nầy là những năm mà tận cùng phải là hai số không nhưng số hàng trăm (năm trăm) trở lên không chia được với 4. Ví dụ những năm 1700, 1800, 1900... không nhuận khi có sự điều chỉnh vì những số 17, 18, 19 không thể chia hết cho 4 được. Còn các năm 1600, 2000, 2400 thì vẫn nhuận.
Dương lịch được điều chỉnh như thế gọi là tân lịch (lịch mới).
Dương lịch không điều chỉnh gọi là cựu lịch (lịch cũ).
Sau hết, người ta chia một năm dương lịch ra làm 12 tháng. Nếu mỗi tháng có 30 ngày thì 12 tháng mới chỉ có 360 ngày vậy phải có một số tháng 31 ngày. Riêng tháng hai có 28 ngày (năm nhuận tháng hai có 29 ngày). Theo vài tài liệu thì con số 28 này được đặt ra cho tháng hai không phải vì một lý do khoa học nào mà vì lý do tôn giáo và tín ngưỡng cho rằng tháng hai là tháng ma quỷ và con số 8 là con số xấu.
Để dễ nhớ những số ngày của những tháng trong một năm, người ta dùng nắm tay theo hình vẽ dưới đây: tháng nào được vào chỗ lồi thì có 31 ngày và tháng nào ở chỗ lõm thì có 30 ngày. Dĩ nhiên tháng hai vẫn chỉ có 28 hoặc 29 ngày.
ÂM LỊCH
Đúng ra, người ta phải gọi là âm dương lịch vì một mặt lịch nầy dựa vào mặt trăng để tính tháng nhưng mặt khác lại dựa vào mặt trời để định năm.
Âm lịch lấy tuần trăng để định tháng. Tuần trăng là khoảng thời gian từ lúc trăng tròn nầy đến lúc trăng tròn sau. Tuần trăng không phải là một chu kỳ cố định: khi dài có thể quá 29 ngày 19 giờ ; khi ngắn có thể kém 29 ngày 8 giờ nhưng thường thường lại không hơn kém số trung bình 29 ngày 12 giờ 34 phút là mấy.
Nếu chỉ lấy số 29 ngày làm một tháng thì so với tuần trăng còn thiếu hơn nửa ngày nên thỉnh thoảng người ta phải đặt ra những tháng 30 ngày (tháng đủ) để xen vào những tháng 29 ngày (tháng thiếu) cho phù hợp với tuần trăng. Qua số trung bình vừa kể trên, người ta nhận thấy số tháng đủ phải nhiều hơn số tháng thiếu trong một năm nhưng phải theo một thứ tự nhất định như trong dương lịch và có khi ba tháng đủ đi liền nhau lại có khi có luôn hai tháng thiếu.
Âm lịch lấy ngày không trăng (tức là ngày chúng ta không thấy được mặt trăng, vì trái đất, mặt trăng và mặt trời đứng cùng một hàng cho nên trăng không phản chiếu được ánh sáng mặt trời) làm ngày mồng một của mỗi tháng rồi căn cứ vào đó mà định tháng thiếu, tháng đủ. Thí dụ: hôm nay là 29-2. Nếu ngày mai là ngày "không trăng" thì ngày mai là mồng một tháng ba và như vậy tháng hai chỉ có 29 ngày và là tháng thiếu. Nhưng nếu ngày hôm nay là 29 tháng hai mà ngày mốt mới là ngày "không trăng" thì ngày mai sẽ là ngày 30 và như vậy tháng hai có 30 ngày và là tháng đủ. Hiện nay, chúng tôi chưa được biết một quy luật nào ấn định một cách dễ dàng tháng nào thiếu tháng nào đủ cho mỗi năm âm lịch. Những nhà làm loại lịch nầy phải dựa vào nhiều tài liệu để tính toán tháng đủ hay thiếu cho một năm.
Còn về việc ấn định Năm thì âm lịch cũng phải dựa vào khoảng thời gian mà quả đất quay hết một vòng chung quanh mặt trời. Song le, 12 tháng của một năm âm lịch chỉ được có 354 hoặc 355 ngày. Nếu đem số nầy so sánh với con số 365 ngày thì hụt mất 10 hoặc 11 ngày trong một năm và cứ 3 năm hụt đi hơn một tháng, 19 năm hụt đi đúng bảy tháng. Bởi vậy cứ ba năm hoặc hai năm lại có một năm nhuận, và 19 năm có 235 tháng trong đó có 111 tháng thiếu và 124 tháng đủ.
Để định năm nào nhuận, tháng nào nhuận, chúng tôi thấy có nhà làm lịch tính như sau:
Thí dụ năm nay nhuận tháng 8. Người ta biết rằng tháng 8 âm lịch này trùng với tháng 9 dương lịch. Người ta bắt đầu tính bằng cách so sánh từ đầu hai tháng đó trở đi: mỗi tháng âm lịch kém mỗi tháng dương lịch một hai ngày ; đến một khoảng thời gian nào đó, số tháng dương lịch sẽ nhiều hơn số tháng âm lịch vừa đúng một tháng, chẳng hạn 27 tháng âm lịch có một số ngày vừa bằng 26 tháng dương lịch thế thì tháng thứ 27 đó của âm lịch sẽ là nhuận tức là 2 năm nữa sẽ lại có một năm nhuận trong âm lịch và tháng đó là tháng mười.
Vài cải chánh về dương lịch và âm lịch
Âm lịch được người Trung Hoa sử dụng từ lâu. Bởi thế ở nước ta nó mang một cái tên rất nôm na là lịch Tàu. Thứ lịch nầy rất phức tạp vì cùng với thời gian nó dựa vào những tài liệu thiên văn và toán số để làm mỗi ngày một nhiều thêm. Người Tàu với nền học thuật riêng của họ, không tìm ra được hết những tài liệu ấy một cách chính xác nên đến cuối đời nhà Minh thì công lịch sai với thời tiết nhiều quá và phải nhờ đến những người ngoại quốc đính chánh.
Năm 1629, vua Trang Liệt nhà Minh nhận thấy các nhà truyền giáo Tây phương tính nhật thực và nguyệt thực rất giỏi bèn nhờ hai linh mục Terrene và Rho sửa lại lịch. Khi linh mục Terrene mất, linh Shall tiếp tục công việc và có đưa vào âm lịch nhiều tài liệu khoa học. Nhân đó, người Tàu mới có bộ Khâm Định vạn niên thư, một bộ sách tính sẵn ngày tháng từ năm 1629 đến năm 2020 mà ngày nay người ta phần nhiều chỉ chép lại để làm niên lịch. Đến đời vua Khang Hy, phép làm lịch thu thập vào bộ Lịch Tượng Khảo Thành ra đời năm 1713 và đến năm 1738 thì được hai linh mục I. Coegler và A. Pereyrn hiệu đính để áp dụng một ít phương pháp thiên văn mới hơn. Trong đời vua Càn Long lại có một bộ Khâm Định Hiệp Lý Biện Phương Thư nhưng phần thiên văn thì ít mà phần thuật số quá nhiều.
Đó là ba bộ nguyên thư của các nhà làm lịch, nhất là bộ vạn niên thư đến nay vẫn còn nguồn gốc của các lịch ra hàng năm ở Trung Quốc.
Âm lịch có một đặc điểm là đếm ngày, tháng, năm và cả giờ nữa theo vòng giáp Tý (lấy 10 can và 12 chi ghép thành). Do đó nhiều người tưởng rằng khoảng thời gian 60 năm là một chu kỳ nhật nguyệt nhưng thật ra theo thiên văn nó không biểu diễn một hiện tượng nào cả. Với lối tính nầy, người ta chỉ cần làm lịch cho đủ 60 năm rồi lại bắt đầu tính theo thứ tự cũ.
Dương lịch được hoàng đế La mã Jules César khởi dụng năm 45 trước Kỷ nguyên Thiên Chúa. Thoạt đầu, lịch có 10 tháng mỗi tháng 30 ngày. Sau đó, với sự khám phá trái đất quay chung quanh mặt trời hết 365 ngày và 1/4 ngày, người ta chấp nhận kịch có 12 tháng và cứ ba năm liên tiếp có 365 ngày lại có một năm nhuận thêm một ngày vào tháng giêng. Nhưng với thời gian, sự cách biệt giữa lúc giao thừa và lúc trái đất quay đủ vòng càng ngày càng xa thêm mãi và tới năm 1582 thì đúng 10 ngày. Để xóa bỏ chỗ cách biệt đó, đức Giáo Hoàng Grégoire 13 lấy ngày 5-10-1582 là ngày 15-10-1582 và đề nghị sau này nên sửa đổi theo cách thức đó nhưng sự sửa đổi nầy cũng không giải quyết những sự phức tạp của việc xóa bỏ sai số kể trên.
Năm 1793, đệ nhất Cộng Hòa Pháp chấp nhận một thứ lịch Cộng Hòa 12 tháng 30 ngày chia ra làm 3 tuần mỗi tuần 10 ngày. Còn thừa 5 ngày dành riêng cho những ngày lễ Cộng Hòa.
Năm 1849, Auguste Comte đưa ra đề nghị một năm có 13 tháng mỗi tháng có 28 ngày với tổng số ngày là 364 còn ngày chót được coi là ngày nghỉ cuối năm.
Để tiến tới một thứ lịch duy nhất cho toàn cầu
Chúng ta đã biết dương lịch hiện nay là thứ lịch được thông dụng nhất trên thế giới và càng ngày càng được nhiều người thích dùng hơn. Mặc dầu có những cải cách kể trên, dương lịch ta thường vẫn có 365 ngày và hai phần nửa năm không cân nhau, lục cá nguyệt đầu có 181 ngày và lục cá nguyệt sau lại có 184 ngày.
Tam cá nguyệt dài từ 90 đến 92 ngày và mỗi tháng gồm có từ 28 đến 31 ngày. Số ngày làm việc trong mỗi tháng cũng thay đổi từ 24 đến 27 ngày (nếu kể là 6 ngày làm việc trong mỗi tuần lễ).
Những điểm bất thường nầy gây ra những khó khăn khôn cùng trong thống kê kinh tế.
Cho nên vấn để sửa đổi lịch lại được đặt ra hồi cuối thế kỷ thứ 19 khi một vị linh mục người Ý tên là Marco Mostrofini nhận thấy con số 365 chỉ có thể chia được với con số 5 và chia mỗi năm ra tuần lễ, tháng, tam cá nguyệt, lục cá nguyệt thường vấp phải nhiều điều bất tiện vì tánh cách không đồng đều của những khoảng thời gian cùng mang một danh hiệu. Linh mục Mostrofini nghĩ mãi, bỏ cả học hành và sau cùng tìm ra một giải pháp là không giữ con số 365 ngày thì được đúng 52 tuần. Ngày thừa sẽ dùng làm ngày Tết.
Ý kiến của linh mục Mostrofini được sự ủng hộ quan trọng đầu tiên 1910 tại Phòng Thương Mại Quốc Tế. Cơ quan này thuyết phục chánh phủ Thụy Sĩ để chánh phủ này nghiên cứu một thứ lịch dùng cho các hội nghị quốc tế. Nhưng đại chiến thứ nhứt bùng nổ năm 1914 làm cho người ta phải hoãn việc đó lại.
Năm 1923, Hội Quốc Liên đứng ra nghiên cứu chừng 185 đề nghị sửa đổi lịch. Có người đề nghị mỗi năm có 73 tuần lễ, mỗi tuần 5 ngày gọi theo thứ tự: Ano, Beno, Ceno, Deno và Eno. Người khác để nghị 20 tháng với tuần lễ có 6 và 7 ngày. Rốt cuộc, Hội Quốc Liên giữ lại 2 đề nghị: đề nghị thứ nhất định mỗi năm có 12 tháng và bốn tam cá nguyệt đều nhau, đề nghị thứ hai gồm 13 tháng, tháng phụ đó gọi là tháng "sol" đặt vào giữa tháng 6 và tháng 7.
Năm 1937, 14 nước trong Hội Quốc Liên mở cuộc đầu phiếu để chọn lịch Quốc tế nhưng không nước nào bỏ cho loại lịch 13 tháng và cũng không có kết quả dứt khoát cho loại lịch kia.
Vấn đề nghiên cứu cải tổ lịch cũng không tiến hành được bao nhiêu. Cho mãi đến năm 1949, chính phủ cộng hòa Panama yêu cầu Liên Hiệp Quốc ghi vào trình đại hội đồng vấn đề cải tổ lịch nhưng đề nghị của Panama cũng không mang lại tiếng vang nào vì lúc đó không có một cường quốc nào ủng hộ cả.
Năm 1953, Ấn Độ với sự đồng tình của một số nước trong đó có Pháp, Ai Cập và Uruguay, đề nghị Liên Hiệp Quốc nên chấp thuận một thứ lịch Quốc tế. Trong cuộc đầu phiếu ghi vấn đề này vào nghị trình, Anh và Mỹ bị thiểu số: 2 phiếu chống với 12 và sau đó Nga cũng đứng về phía những nước chấp thuận việc sửa đổi lịch.
Năm 1955, 18 nước trong Ủy hội kinh tế và xã hội Liên Hiệp Quốc đã đồng thanh chấp thuận một quyết định yêu cầu các nước trong tổ chức nghiên cứu và cho biết ý kiến về việc này để Ủy hội sửa soạn một quy ước quốc tế đưa ra Đại hội đồng và sau đó đệ trình quốc hội các nước chuẩn y.
Dự án được người ta nói đến nhiều hiện nay của hội niên lịch thế giới (World Calendar Association). Đó là một thứ lịch chung cho hoàn cầu gồm có những điều sau đây:
1 - Bốn tam cá nguyệt trong năm đồng đều nhau.
2 - Mỗi tam cá nguyệt gồm có 91 ngày tức là đúng 13 tuần lễ.
3 - Ngày đầu tiên của mỗi tam cá nguyệt đều nhằm ngày chúa nhựt.
4 - Tháng đầu tiên trong mỗi tam cá nguyệt (tức tháng giêng, tháng tư, tháng bảy và tháng mười) gồm 31 ngày, còn tất cả các tháng khác có đúng 30 ngày, như vậy mỗi năm có 365 ngày mà thôi.
5 - Ngày thứ 365 trong năm sẽ là một "ngày không số" (Jour sans Date hay Day) nằm giữa ngày 30 tháng Chạp năm trước và mồng một tháng Giêng năm sau. Ngày nầy được gọi là Ngày Quốc tế (World Day) của niên lịch và là một ngày lễ nghỉ việc.
6 - Ngoài ra, cũng như trong lịch Grégoire, cứ 4 năm lại có thêm một ngày nhuần (gọi là Leap year Day) không có số giống như Ngày Quốc tế và sẽ là một ngày nghỉ việc giữa ngày 30 tháng 6 và mồng một tháng 7.
Điều đáng chú ý là trong niên lịch Quốc tế ngày đầu năm bao giờ cũng đúng vào ngày chủ nhật, như vậy năm nào cũng chấm dứt vào cuối ngày thứ bảy, tiếp theo là ngày Quốc tế, Lễ Giáng Sinh sẽ luôn luôn nhằm ngày thứ hai và Phục Sinh luôn luôn đúng vào ngày 8 tháng 4 (một ngày chủ nhật). Và nếu lịch nầy được áp dụng, tất cả ngày sinh nhật và kỷ niệm chu niên của các bạn luôn luôn đúng vào những ngày nhất định trong tuần không bao giờ thay đổi từ năm này sang năm khác.
Tuy nhiên đề nghị cải tổ lịch nầy cũng vẫn còn có những điều kiện và bất tiện, ít nhất cũng cho một số người của thế hệ chúng ta. Với lịch mới nầy chúng ta thấy rằng trên phương diện chánh phủ loại lịch nầy sẽ làm cho việc hoạch định chương trình và thiết lập dự án, những ban thống kê chính thức được dễ dàng, làm cho các trường học, những tòa án có thể trù tính những khóa học, những phiên xử một cách đều đặn, giản dị hóa việc lập ngân sách gia đình vì mỗi tháng sẽ có một số ngày làm việc nhất định.
Trên đây là những nhận xét chính mà nhiều người trên thế giới đã thấy. Và bây giờ xin mời các bạn suy nghĩ và cho biết những nhận xét của các bạn.
THÁI BẰNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.