Sen Ái phụng phịu trở ra, vừa đi vừa mút tay, hai mắt láo liên nhìn Kiều Uy và Vi Da. Lát sau bà mẹ bưng lên cho Kiều Uy một tô cháo nóng. Cậu bé húp sùm sụp và cảm thấy lòng ấm lại. Bây giờ cậu bé đã ngưng khóc, nhưng còn run và tâm hồn buồn tê tái. Cậu bé băn khoăn hỏi cha:
- Lát nữa Vi Da tỉnh dậy, con phải nói sao với Vi Da đây ba?
- Con đừng nói gì cả. Cứ để yên cho Vi Da dùng thức ăn nóng và nằm nghỉ. Chúng ta phải cố gắng làm cho Vi Da cảm thấy có một gia đình, có những người thân như xưa và được đùm bọc.
- Vi Da sẽ ở luôn tại nhà mình hở ba?
- Ừ, ba vẫn ao ước có thêm một đứa con trai như Vi Da. Bao giờ cậu ấy trở lại bình thường chúng ta sẽ giúp cho cậu ấy bằng lòng chấp nhận những gì đã xảy ra.
Và rồi họ nhẫn nại ngồi chờ Vi Da hồi tỉnh. Kiều Uy bỗng thốt lên:
- Con nghĩ rằng Vi Da sẽ không bao giờ tìm lại được hạnh phúc.
- Không đâu. Rồi con xem, một ngày kia Vi Da sẽ tìm được hạnh phúc. Bởi vì, sự sống vẫn luôn luôn mạnh hơn cái chết. Lát nữa đây Vi Da sẽ hồi tỉnh, cậu ấy sẽ cảm thấy bất hạnh ghê gớm tưởng chừng như tuyệt vọng. Cậu ấy sẽ khóc lóc và chúng ta cứ để cho cậu khóc. Nhưng rồi cậu ấy sẽ không thể khóc mãi được, cậu chỉ còn khóc từng lúc. Chúng ta nên tôn trọng nỗi buồn của cậu và đừng nhắc nhở lại những gì đã xảy ra. Công việc hàng ngày chúng ta vẫn tiếp tục. Đến một lúc nào đó cậu ấy sẽ cảm thấy đói và dùng những thức ăn mẹ con nấu riêng cho cậu, sức khỏe sẽ dần dà bình phục. Ban ngày cậu ấy sẽ không khóc nữa, chỉ khóc ban đêm thôi. Dần dà với thời gian, cậu ấy sẽ hồi sinh, máu huyết luân lưu mạnh mẽ, xương cốt cứng cáp hơn và tâm trí bắt đầu làm việc lại.
- Nhưng mà làm sao Vi Da có thể quên được cha mẹ và anh cậu?
- Cậu ấy sẽ không quên đâu, mà cũng không nên quên như thế. Cậu ấy đã sống với họ như thế nào thì khi họ chết đi cậu ấy sẽ sống với họ như vậy. Một ngày kia cậu ấy sẽ chấp nhận cái chết của họ như một phần sự sống của chính cậu. Cậu ấy sẽ không khóc lóc nữa nhưng sẽ ghi khắc hình bóng họ trong tâm tưởng. Thịt xương cậu là một phần thịt xương họ. Bao lâu cậu còn sống, bấy lâu họ còn sống trong cậu. Sóng thần đến rồi đi, và trời lại sáng, chim lại ca hát và đất sẽ nở hoa. Bây giờ con hãy nhìn ra biển kìa.
Qua cửa sổ, Kiều Uy thấy mặt biển phẳng lặng, êm đềm, nhấp nhô vài làn sóng bạc dưới ánh nắng. Trời cao và xanh. Một vài ráng mây ở chân trời lẩn quẩn hình bóng của tai ương vừa qua. Bãi biển vẫn hoang vắng.
Kiều Uy nói với cha:
- Sao ông trời ác nghiệt vậy ba? Bây giờ thì làm bộ quang đãng, hiền lành, chả bù...
Nhưng cha cậu lắc đầu bảo:
- Không phải vậy đâu con, may mắn cho chúng ta là sau cơn bão trời lại sáng và biển lại lặng sóng. Không phải biển hay trời gây ra tai ương đâu.
- Thế ba bảo ai?
Nói thế rồi cậu bé òa lên khóc rưng rức. Có quá nhiều chuyện cậu không thể hiểu nổi, chỉ có một mình cha cậu thấy và hiểu thôi.
- Không ai biết được vì sao có tai ương. Chúng ta chỉ biết mỗi khi tai ương xảy ra, chúng ta phải tỏ ra can đảm để đối phó, và khi tai ương đã đi qua, chúng ta sẽ thấy cuộc sống đẹp đẽ hơn, nhiều ý nghĩa hơn khi chưa có tai ương.
- Nhưng cả nhà Vi Da, cha mẹ, anh và cả những ngư phủ hiền lành kia, họ có làm gì đâu mà phải chết tức tưởi.
Cậu bé vẫn không quên được cái chết ám ảnh.
- Con ạ, đừng thắc mắc nữa. Bây giờ chúng ta cần phải săn sóc cho Vi Da trước. Khi nào cậu ấy tỉnh dậy, chúng ta nên có mặt chung quanh cậu ấy đầy đủ. Con sẽ là em của cậu ấy và ba sẽ là cha của cậu ấy. Con đi gọi mẹ và Sen Ái lên đây cho ba.
Vi Da vẫn nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền, khuôn mặt nhợt nhạt. Hình như cậu đang khóc trong giấc ngủ. Kiều Uy chạy vội đi tìm mẹ và Sen Ái. Cả nhà vây quanh Vi Da chờ đợi, Ít phút sau, mi mắt Vi Da khẽ rung động rồi mở lớn nhìn ngơ ngác. Cậu bé không biết hiện giờ đang ở đâu. Qua làn nước mắt đẫm ướt hai gò má xanh xao, cậu nhìn mọi người như kẻ xa lạ. Cậu nhìn quanh quất trần nhà, tường vôi trắng, rồi lại nhìn chiếc chăn bông dang đắp trên người.
Tất cả đều giữ im lặng và chờ đợi. Nhưng Sen Ái không thể kiên nhẫn lâu hơn, cô bé vỗ tay reo:
- A, anh Vi Da đã tỉnh lại rồi. Anh Vi Da ơi, vừa rồi anh có mơ thấy gì không?
Tiếng reo cười của cô bé làm Vi Da sực tỉnh. Cậu bé bật khóc và rên rỉ:
- Ba mẹ ơi, ba mẹ ơi!
Mẹ Kiều Uy vội cầm lấy tay cậu vỗ về:
- Nín đi con, từ nay thím sẽ là mẹ con.
Cha Kiều Uy tiếp lời:
- Chú sẽ là ba của con.
Kiều Uy cũng ấp úng nói:
- Còn chúng ta sẽ là anh em với nhau.
Sen Ái cũng reo lên vui mừng:
- Ồ vui quá, Vi Da sẽ ở lại nhà mình.
Bấy giờ Vi Da chợt hiểu. Cậu bé tuột xuống giường, đi đến cửa sổ nhìn ra biển. Bãi biển xưa kia có ngôi làng nhỏ bé, bây giờ hoang liêu với ít cột trụ và gạch đá ngổn ngang. Sóng biển hiền hòa đùa giỡn trên cát trắng đẩy đưa vài mảnh ván vụn.
Cả gia đình đến đứng cạnh Vi Da. Kiều Uy bối rối không biết nói gì với Vi Da, lòng bồi hồi xúc động. Mẹ Kiều Uy chớp chớp mắt, hai hạt lệ đọng khẽ trên rèm mi cong vút. Cô bé Sen Ái cũng cảm thấy buồn tê tái. Cô bé cầm lấy tay Vi Da và ve vuốt trìu mến:
- Anh Vi Da này, em sẽ cho anh con vịt cưng của em.
Cô bé cố gắng an ủi Vi Da, nhưng cậu bé vẫn nín thinh, ánh mắt cậu ngập tràn vẻ tư lự nhìn ra biển khơi chập chùng. Cha Kiều Uy vỗ về cậu:
- Vi Da này, con chịu khó ăn miếng cháo cho chóng khỏe nhé.
Mẹ Kiều Uy cũng nói:
- Cả chúng ta cũng phải ăn cái gì cho khỏi đói chứ. Tối nay có thịt gà ngon lắm.
Sen Ái nũng nịu nói:
- Mẹ ơi con đói rồi.
Cha Kiều Uy bảo Vi Da:
- Nào Vi da, con vào đây với ba.
Cả gia đình ân cần mời mọc Vi Da. Cuối cùng cậu bé vào phòng ăn với mọi người.
Vi Da ngồi yên, cậu đã tỉnh táo hẳn. Cậu nghe thấy cả nhà trò chuyện, cậu biết Kiều Uy đang ngồi cạnh cậu nhưng hồn cậu bay bổng tận đâu đâu. Cậu cảm thấy uể oải lạ lùng, không muốn nói năng gì cả. Cậu biết rằng từ đây cậu sẽ không bao giờ gặp lại những người thân yêu, cha mẹ và anh, những người hàng xóm, những bạn bè vẫn thường rong chơi với cậu. Cậu cố gắng đừng nghĩ đến họ, đến thân xác họ giờ đây không biết trôi giạt phương nào.
Kiều Uy thì thầm vào tai cậu:
- Ăn đi Vi Da, thịt gà ngon lắm.
Chén của Vi Da còn nguyên. Cậu không cảm thấy đói, nhưng nghe Kiều Uy ân cần mời mọc, cậu cũng cầm lấy thìa, ăn một chút cháo. Mùi cháo nóng tỏa lên ngào ngạt, mùi gừng thơm nhẹ khiến cậu dễ chịu. Cậu ăn thêm một chút nữa rồi cầm đũa gắp thịt. Tuy nỗi buồn còn làm tê liệt trí óc nhưng nhờ còn trẻ và khỏe mạnh nên Vi Da ăn được khá nhiều.
Ăn xong, Kiều Uy rủ bạn:
- Ra đồi chơi nha Vi Da.
Nhưng Vi Da lắc đầu:
- Vi Da chỉ muốn ngủ thôi.
Cha Kiều Uy thông cảm nói:
- Đúng đấy, con nên đi ngủ đi Vi Da. Giấc ngủ sẽ giúp con chóng bình phục.
Rồi ông dìu Vi Da đến giường ngủ, kéo chăn đắp lên cho cậu, rồi khép lá chắn lại. Buồng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh, tiếng động bên ngoài không lọt vào được. Ông ra ngoài và bảo Kiều Uy:
- Vi Da chưa sẵn sàng làm lại cuộc đời đâu. Chúng ta cần phải nhẫn nại.
Sức khỏe của Vi Da bình phục trước tiên, cha Kiều Uy nhìn cậu bé, ông biết rằng chẳng bao lâu nữa trí óc và tâm hồn cậu sẽ bình phục theo. "Sự sống mạnh hơn sự chết", ông vẫn thường bảo với Kiều Uy như thế.
Nhưng Vi Da vẫn còn mệt mỏi chán chường, cậu bé biếng nhác suy nghĩ về bất cứ chuyện gì, cậu chỉ muốn đắm chìm trong giấc ngủ triền miên quên lãng. Trừ khi đói lắm cậu mới thức dậy ăn qua loa, rồi lại ngủ. Mỗi lần thấy vậy, mẹ Kiều Uy dìu cậu vào phòng, và lần nào cũng như lần nào, cứ ngả người xuống giường là cậu bé thiếp đi. Mẹ Kiều Uy đắp chăn bông cho cậu rồi rón rén đi ra.
Suốt những ngày ấy, Kiều Uy không hề ham thích đùa giỡn. Cậu bé chăm chỉ giúp cha làm việc ngoài đồng. Hai cha con cũng biếng nói và không hề nhìn ra biển. Họ chỉ chăm chú nhìn đất đen màu mỡ ở dưới chân, dường như mặt đất đã khiến họ vui thích đủ rồi.
Vào một buổi chiều rực nắng quái, Kiều Uy leo lên ngọn đồi phía sau trại để nhìn những miệng núi lửa chơ vơ. Những áng mây đen và thấp đã đi xa tự bao giờ, bầu trời trong suốt một màu xanh. Kiều Uy cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui vì biết rằng núi lửa không còn giận dữ nữa và cậu bé xuống đồi về nhà. Cha cậu đang ngồi ở bực cửa hút thuốc. Cậu nghe tiếng nước chảy róc rách sau nhà, có lẽ mẹ đang tắm cho Sen Ái. Cậu lên tiếng hỏi cha:
- Vi Da đã ngủ rồi hả ba?
- Ừ, ngủ được là tốt. Giấc ngủ sẽ bồi bổ cậu ấy nhanh chóng, nhờ đó khi thức dậy có lẽ cậu ấy sẽ suy nghĩ được.
- Nhưng anh ấy có nên nhớ lại những kỷ niệm buồn không hả ba?
- Nên lắm chứ con. Chỉ khi nào cậu ấy nhớ lại cha mẹ, cậu ấy mới cảm thấy hạnh phúc trở lại.
Hai cha con ngồi cạnh nhau, đăm chiêu. Kiều Uy vẫn chưa thỏa mãn, cậu bé hỏi thêm:
- Ba à, có phải chúng ta là những người bất hạnh nên mới sống ở Nhật Bổn, hả ba?
- Sao con lại hỏi thế?
- Bởi vì ở Nhật Bổn hiểm nguy luôn luôn rình rập chúng ta, hết núi lửa sau lưng lại đến đại dương trước mặt. Khi cả hai hợp lại để làm hại con người thì chúng ta vô phương chống đỡ. Bao giờ chúng ta cũng có nhiều người thiệt mạng oan uổng.
- Phải sống giữa lòng hiểm nguy chúng ta mới biết sự sống đáng quý là chừng nào, con ạ.
- Nhưng chẳng may chúng ta bị thiệt mạng thì sao?
- Sống kề cận với cái chết làm chúng ta thêm can trường. Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ sợ chết. Chúng ta quá quen với cái chết nên không còn sợ nó nữa. Chết chậm hay sớm hơn một chút, điều ấy không có gì đáng quan trọng, vấn đề là làm sao sống cho can trường, yêu mến cuộc sống để thấy rằng cỏ cây hoa lá thật đẹp, công việc rất vui thú và cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho chúng ta. Trong nhân giới đó, phải nói chúng ta là một dân tộc được chúc phúc mới đúng. Chúng ta yêu mến sự sống vì chúng ta sống kề cận cái chết. Chúng ta không sợ chết vì chúng ta hiểu rằng sống và chết đều cần lẫn nhau.
- Thế ba nói chết là gì?
Cha Kiều Uy bình thản trả lời, gương mặt không lộ một chút ưu phiền:
- Chết chẳng qua là một cánh cổng lớn con ạ.
- Nhưng cánh cổng lớn ấy ở đâu?
Cha cậu bé mỉm cười:
- Con còn nhớ lúc con sinh ra không?
Cậu bé lắc đầu:
- Con không biết, lúc ấy con còn nhỏ quá.
Cha Kiều Uy cười:
- Nhưng ba lại nhớ rõ lắm, lúc ấy sinh con ra thật vất vả. Con la hét đủ thứ.
- Thế con không thích sinh ra đời hả ba?
Cậu bé lấy làm thích thú vì có bao giờ cậu nghe nói về chuyện sinh đẻ đâu.
- Ừ, con đâu muốn sinh ra. Con chỉ muốn ở mãi trong lòng mẹ. Nhưng khi giờ đã điểm, cánh cổng cuộc đời mở rộng chào đón con dù con chấp nhận hay từ chối.
- Con có biết cánh cổng cuộc đời là gì đâu?
- Vì con không biết nên con mới sợ hãi. Con cứ nghĩ lại xem có ngớ ngẩn không, ba mẹ đang nôn nao chờ đón con chào đời từng phút và luôn luôn cưng chiều con hết sức. Con có thấy hạnh phúc không nào?
- Có chứ, con cảm thấy hạnh phúc lắm cho tới khi sóng thần tới. Nhưng bây giờ thì con lại sợ chết bất tử vì sóng thần lắm.
- Con sợ hãi là vì không không biết chết là gì? Nhưng rồi một ngày kia con sẽ tự hỏi tại sao con sợ chết cũng như hôm nay con thắc mắc tại sao con lại sinh ra đời.
Cha con mải hàn huyên, quên bẵng đi hoàng hôn đang xuống nhanh. Mặt trời đã lăn xuống sau dãy núi phía xa và bóng tối lan tràn khắp nơi. Họ chợt thấy một ánh đèn mập mờ, cháy lung linh trong gió biểm, đang tiến dần về phía trại. Ánh đèn thoáng trông như đôm đốm, nhưng không phải.
- Ai thế ba nhỉ?
- Có lẽ người nào đến thăm đây, nhưng ba không biết là ai.
Vài phút sau họ nhận ra người khách đang tiến lên là ông lão quí tộc. Ông lão chống gậy, bước đi còn chững chạc lắm, phía trước có người đầy tớ cầm đèn soi lối. Họ nghe giọng ông lão vọng lên trong buổi chiều đã tắt nắng.
- Đây có phải là nhà của bác nông phu Uyên Sĩ Đại Gia không?
- Thưa vâng. Cha con bác ấy đang ngồi chơi trước nhà ạ.
Nghe nói vậy, cha con Kiều Uy vội đứng bật dậy. Cha cậu niềm nở mời:
- Kính chào ngài. Thưa ngài có sai bảo điều chi để chúng tôi được hầu ngài.
Ông lão nhập đề ngay:
- Có đứa bé trai tên Vi Da ở đây không?
- Thưa ngài có. Cậu ấy đang ngủ trong nhà ạ.
- Lão muốn gặp cậu một lát.
Ông lão nói giọng nghiêm nghị. Giọng của ông có mãnh lực khiến mọi người phải tuân theo. Nhưng cha Kiều Uy mỉm cười đáp:
- Thưa ngài, cậu ấy đang ngủ, tôi không dám làm phiền cậu ấy. Hiện giờ cậu ấy đang đau khổ vì mất cả gia đình. Cậu ấy cần nghỉ để lấy lại sức.
Ông lão dịu giọng:
- Lão không thức cậu ấy dậy đâu, lão chỉ muốn nhìn mặt cậu ấy một lát thôi.
Cha Kiều Uy hướng dẫn ông lão vào phòng Vi Da ngủ. Tất cả mọi người đều rón rén bước vào. người đầy tớ hạ thấp ngọn đèn xuống, cẩn thận lấy tay che lại để khỏi chói mắt cậu bé. Ông lão ngắm nghía cậu bé đang say sưa trong giấc điệp từ đầu đến chân. Phải nhận rằng Vi Da rất đẹp trai tuy gương mặt còn đầy vẻ xanh xao và mệt mỏi. Thân hình cậu bé khá to lớn so với những trẻ em cùng tuổi, mạnh khỏe và khuôn mặt đẹp như thiên thần, chói ngời nét thông minh.
Ông lão mở mắt lớn nhìn cậu bé như muốn ghi nhận cho rõ một lần cuối rồi ra hiệu cho người đầy tớ cầm đèn quay trở ra. Đến sân ngoài, ông nói với cha Kiều Uy:
- Lão vẫn thường giúp đỡ những cô nhi quả phụ mỗi khi trong làng gặp sóng thần. Đã ba lần sóng thần xảy đến lão đều ra sức giúp đỡ cho họ. Lão có nghe nói nhiều về Vi Da và lão muốn giúp cậu ấy đặc biệt hơn. Nếu cậu ấy bằng lòng, lão nhận cậu ấy làm nghĩa tử.
Kiều Uy dẫy nẩy kêu lên:
- Nhưng Vi Da đã ở lại gia đình cháu rồi.
Cha cậu mắng át đi:
- Kiều Uy, con không được nói thế. Chúng ta chỉ là những người nghèo hèn. Nếu ngài muốn, chúng ta phải để cho ngài săn sóc Vi Da.
- Đúng vậy. Lão sẽ nuôi dưỡng và giáo dục Vi Da đàng hoàng. lão sẽ may sắm cho Vi Da và cho Vi Da đi học ở một trường lớn. Biết đâu nhờ đó sau này cậu ấy sẽ trở nên một vĩ nhân làm rạng danh cho tỉnh nhà và cả xứ sở chúng ta nữa.
- Nhưng nếu Vi Da vào sống trong lâu đài, làm sao chúng cháu có thể chơi chung với nhau nữa.
______________________________________
Xem tiếp PHẦN IV
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 190, ra ngày 1-12-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.