Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Cơn Sóng Định Mệnh (IV)


- Con đừng ích kỷ thế, Kiều Uy. Chúng ta phải muốn điều tốt cho Vi Da.

Nói rồi cha Kiều Uy xoay qua ông lão quí tộc:

- Thưa ngài, chúng tôi thành thật cám ơn ngài đã đối xử tốt với Vi Da và không biết làm sao đền đáp. Trước kia chúng tôi cũng có ý định nhận cậu ấy làm con nhưng thật tình chúng tôi quá nghèo nên khó có thể nuôi nấng và cho Vi Da học đàng hoàng như Ngài được. Vì vậy, ngày mai khi Vi Da thức giấc, chúng tôi sẽ nói rõ lòng ưu ái của Ngài đã dành riêng cho cậu, và để cho cậu tự do quyết định.

- Tốt lắm. Ngày mai cứ bảo cậu ấy đến gặp lão và trả lời cho lão hay. Đích thân cậu ấy nói, lão sẽ biết được ý định của cậu ấy.

- Vâng. Ngày mai Vi Da sẽ đến hầu chuyện với Ngài.

Kiều Uy buồn thiu khi nghĩ đến ngày mai Vi Da sẽ bỏ cậu vào sống trong lâu đài. Cậu trách móc cha:

- Vi Da đi thì con hết có anh rồi!

- Kiều Uy, con không được ích kỷ thế. Con phải để cho Vi Da tự do quyết định. Cố gắng thuyết phục cậu ấy là sai lầm. Ngày mai, ba cấm con không được bàn với Vi Da về vấn đề này. Khi Vi Da tỉnh dậy, chính ba sẽ đích thân nói chuyện với cậu ấy.

Kiều Uy nín thinh. Cậu không dám hó hé mỗi khi thấy cha tỏ ra nghiêm nghị như thế. Cậu bỏ đi ngủ mà lòng buồn rười rượi. Cậu tự nghĩ đêm nay chắc sẽ thức trắng quá, nhưng rồi giấc ngủ đến với tuổi trẻ của cậu lúc nào không hay.

Buổi sáng, vừa thức dậy, cậu đã nhớ đến giây phút Vi Da sắp phải chọn lựa. Cậu bước xuống giường, rửa mặt, thay quần áo rồi xếp chăn vào tủ. Cậu ra đồng làm việc ngay, đến nơi đã thấy cha cậu đứng đó tự bao giờ. Buổi sáng hôm nay đẹp trời, gió nhẹ thoảng qua mát rượi, không khí trong vắt tựa như không có một hạt bụi. Xa xa, mặt biển lờ mờ dưới làn sương mỏng.

Sau khi trao đổi những lời chúc ban sáng, cậu bé hỏi thăm cha:

- Vi Da dậy chưa ba?

- Chưa, có lẽ cậu ấy cũng sắp dậy rồi.

Kiều Uy giúp cha dẫy cỏ ở những luống cải.

- Ba sẽ nói chuyện ngay với Vi Da khi cậu ấy thức dậy. Chúng ta không nên để cậu ấy quen dần rồi xem nhà mình như nhà cậu ấy. Điều đó không tốt chút nào. Cậu ấy phải quyết định ngay hôm nay trước khi có những ràng buộc mới.

- Thế con có được phép có mặt ở đó khi ba nói chuyện với Vi Da không?

- Không, con không được phép. Ba sẽ nói riêng với cậu ấy. Ba sẽ trình bày rõ ràng những điều thuận lợi mà ông lão quí tộc sẽ dành riêng cho cậu ấy và tất cả những thiếu thốn nếu cậu ấy chấp nhận ở đây.

Kiều Uy cảm thấy tức bực, cổ cậu nghẹn lại, cậu cho rằng cha cậu quá ngay thẳng, nhiều khi không đúng cách. Cơn tức bực dày vò khiến cậu bật khóc:

- Vậy là Vi Da sẽ rời khỏi nhà mình hả ba?

- Đành vậy con ạ.

Cả hai cha con  nín lặng trở về nhà ăn sáng. Kiều Uy không muốn ăn uống gì cả. Sau bữa cơm, cậu bé trở ra đồng ngay, hôm nay cậu không thích đùa giỡn chút nào. Cha cậu ngồi trầm ngâm nơi bực cửa. Trong phòng có tiếng Vi Da thức giấc.

Một mình Kiều Uy cắm cúi làm việc ngoài đồng. Những giọt lệ nóng hổi lăn tròn trên hai má, rơi xuống đất. Cậu vẫn để mặc, cố gắng hết sức làm việc và nhất quyết chỉ trở về nhà khi nào có tiếng cha gọi. Mãi đến gần trưa tiếng cha cậu mới vang lên. Lúc ấy ánh sáng đã chói chang và mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Cậu chạy vội trên đường để trở về nhà. Đến cổng đã thấy cha cậu và Vi Da đứng đợi. Khuôn mặt Vi Da vẫn còn xanh xao, đôi mắt hoe đỏ. Đã khá lâu rồi Vi da mới khóc lại.

Nhìn thấy Kiều Uy, Vi Da lại khóc, thấp thoáng sau làn nước mắt, Kiều Uy thấy đôi mắt Vi Da mở lớn nhìn cậu. Cha Kiều Uy ôn tồn  bảo:

- Vi Da, cháu cứ khóc đi. Khóc được là vơi đi nỗi khổ. Gặp chuyện buồn mà không khóc được là chưa trở lại bình thường đâu. Cháu cứ thoải mái khóc.

Rồi ông quay sang bảo Kiều Uy:

- Ba đã nói hết với Vi Da rồi và muốn cậu ấy quyết định sau khi nhìn thấy bên trong lâu đài. Ba muốn cậu ấy nhìn thấy tận mắt tất cả những tiện nghi mà ông lão quí tộc sẽ dành cho cậu - ông quay sang Vi Da - Còn như ở đây, chỉ có bốn phòng nhỏ, một cái bếp con con và cả gia đình chú phải làm lụng vất vả mới có cái ăn cái mặc. Cháu thấy đó, gia đình chú không có dư dả.

Ông chìa hai tay ra cho chú xem, lòng bàn tay thô kệch và chai đá vì làm việc nặng nhọc nhiều. Rồi ông nói tiếp:

- Kiều Uy, con hãy đi theo Vi Da đến lâu đài và nhớ khuyên Vi Da ở lại đó, điều ấy có ích cho Vi Da.

Nghe thế Kiều Uy Cảm thấy đau lòng, công việc ấy đối với cậu nặng nhọc quá. Cậu tìm cách nói lảng đi:

- Ba để con vào tắm rửa và thay quần áo mới nhé.

- Không, con cứ mặc nguyên như thế mà đi. Ba muốn thấy con là con một bác nông phu.

Hai đứa bé dắt tay nhau đi xuống đồi. Chúng cố tình lẩn tránh bãi biển hoang vu, tìm đường tắt đi lên lâu đài. Cánh cửa mở rộng để lộ một ngôi vườn đẹp và sang trọng. Gã làm vườn đang chăm chú quét sạch lớp rêu, chợt thấy hai đứa bé vội chận lại:

- Hai ranh con đi đâu vậy?

Kiều Uy ấp úng trả lời:

- Ba tôi sai tôi đến gặp ông lão quí tộc.

- Thế mày có phải là con Uyên Sĩ Đại Gia không?

- Vâng, còn đây là Vi Da muốn đến gặp ông lão quí tộc.

Gã làm vườn khom người chòa Vi Da và sửa giọng nói cho lịch sự:

- Xin mời hai cậu theo tôi.

Hai đứa bé theo gã đi trên con đường nhỏ trải sỏi trắng tinh, hai bên có hàng thông cao rợp bóng. Vườn bông trong lâu đài rung rinh trong ánh nắng, tỏa hương dịu dàng quyến rũ. Hồ nước trong veo đang yên lặng để những cánh hoa soi bóng.

Kiều Uy thì thầm vào tai bạn:

- Đẹp quá nhỉ?

Vi Da không trả lời, cậu bé bước đi nặng nhọc, đầu cúi gằm xuống. Đến đại sảnh, cả hai cởi hết giày dép ra và theo gã làm vướn bước vào cổng lớn. Vào tới trong, gã làm vườn dừng lại, một tên đầy tớ khác tiến ra. Gã làm vườn bước lại thì thầm vào tai y. Lập tức y cúi đầu niềm nở:

- Xin mời hai cậu theo tôi.

Cả ba đi dọc theo một hành lang dài, hai bên tường bằng gỗ quí chùi bóng như gương. Trên nền nhà trải một tấm thảm mượt nhiều màu sắc bước đi êm ái hơn cả lớp rêu ngoài vườn. Dọc hai bên hành lang có gắn những tấm cửa kính lớn, bên trong là những căn phòng lộng lẫy chưng bày những bình bông tươi, những bức tranh quí giá và những bộ bàn ghế cở bằng mun đen bóng. Cả hai cậu bé chưa hề thấy một căn nhà nào đẹp và sang trọng đến thế. Kiều Uy nuốt nước miếng, làm sao Vi Da có thể rời bỏ nơi này để về nhà cậu đây.

Từ xa, chúng thấy ông lão quí tộc đang ngồi trên một chiếc bàn nhỏ hí hoáy viết. Cửa sổ phía sau ông mở rộng và căn phòng ông như sáng rực lên với vườn hoa muôn sắc trông như cảnh thần tiên. Ông lão đang cẩn thận dùng bút lông vẽ những đường nét thanh tú trên bức lụa trắng ngần. Sống mũi ông trễ nải gọng kính vàng óng ánh.

Nghe tiếng chân, ông lão ngước lên, tháo kính ra và đặt bút xuống.

- Các cháu có biết lão đang viết gì đây không?

Cả Kiều Uy và Vi Da đều im lặng. Chúng không biết trả lời sao. Trong căn phòng mênh mông này, sự yên lặng và sự sang trọng làm ông lão nổi bật lên. Người ông cao và mảnh khảnh. Đầu tóc ông bạc phơ, khuôn mặt và hai tay gầy, thanh thoát với làn da mỏng manh và những chiếc xương nhỏ. Toàn thân ông toát ra sự oai nghiêm của bậc vương giả nhưng đôi mắt lại là đôi mắt của một nhà thông thái, sáng ngời vẻ thông minh.

Ông lão khoan thai giải thích:

- Đó không phải là một bài thơ của lão làm ra, mà là một danh ngôn xứ Ấn Độ. Lão rất thích câu này nên phải viết vào đây và treo trên đầu giường để nhìn thấy mỗi ngày.

Ông lão đưa cao bức hoành phi cho chúng xem rồi ngâm nga đọc:

- Con cái của Thượng Đế rất quí hóa nhưng cũng rất lạ kỳ, rất xinh đẹp nhưng cũng rất hẹp hòi.

Ông chăm chăm nhìn hai đứa bé rồi nói:

- Các cháu nghĩ thế nào?

Chúng nhìn nhau dò hỏi. Cuối cùng Vi Da cảm thấy lớn hơn Kiều Uy nên trả lời:

- Thưa Ngài, chúng cháu không hiểu gì cả.

Ông lão gật gù ra vẻ thích thú rồi bảo:

- Tất cả chúng ta đều là con cái của Thượng Đế cả ấy mà.

Nói rồi, ông lão mang kính vào để nhìn rõ Vi da hơn rồi hỏi:

- Tốt lắm, cháu có muốn làm con lão không?

Mặt Vi Da vụt đỏ như gấc. Cậu bé không ngờ ông lão lại hỏi cậu đột ngột và thẳng thắn như vậy.

Ông lão nhận thấy vẻ khó khăn của Vi Da nên bảo:

- Cháu chỉ việc trả lời có hay không. Cháu đừng ngại.

- Thưa ngài, cháu xin trả lời không.

Nói rồi Vi Da mới cảm thấy câu trả lời hơi tàn bạo, nên vội nói thêm:

- Cháu hết lòng cám ơn Ngài, nhưng thưa Ngài cháu đã có một mái nhà êm ấm ở nông trại rồi.

Nghe câu trả lời của bạn, Kiều Uy muốn hét to lên vì vui. Cậu quên bẵng đi sóng thần, tất cả mọi hiểm nguy và trong giây phút ấy, cậu muốn nhảy cỡn cho thỏa chí. Nhưng rồi cậu sực nghĩ đến gia đình, đến bốn căn buồng nhỏ và cái bếp con, cậu trịnh trọng nói với Vi Da:

- Này Vi Da, cậu đừng quên nhà tớ nghèo lắm đó.

Ông lão mỉm cười, thoảng có chút buồn bã phảng phất trên đôi môi già nua:

- Quả thật họ nghèo lắm đó Vi Da. Còn nếu cháu ở lại đây, cháu sẽ có đủ mọi thứ và cháu có thể mời bạn cháu thỉnh thoảng lại chơi. Riêng lão, lão sẵn lòng để cháu giúp đỡ gia đình họ ít tiền bạc. Với tư cách là con lão, việc cháu giúp người nghèo là rất hợp lý.

- Thưa Ngài, những kẻ đã may mắn thoát khỏi sóng thần hiện giờ ở đâu?

- Một số đã ra đi, một số vẫn còn tạm trú trong dãy nhà dành riêng của lão.

- Tại sao Ngài không mời họ vào đây và nhận họ làm con cái của Ngài?

- Bởi vì lão không muốn. Cháu tưởng ai muốn làm con của lão cũng được ư? Chỉ vì cháu thông minh tuấn tú nhất làng nên mới được chọn.

Vi Da nhìn ông lão rồi lắc đầu nói:

- Cháu cũng đâu có hơn gì kẻ khác. Cháu chỉ là con của một ngư phủ thôi.

Ông lão chậm chạp đeo kính vào và cầm bút lông lên, nói bâng quơ:

- Thế cũng được, lão đành không có con vậy.

Người đầy tớ ra dấu cho hai đứa bé theo gã ra ngoài. Gã xỉa xói:

- Tao chưa thấy ai ngốc hơn mày, ranh con ạ. Ông cụ là người rất tốt, ở đây mày sẽ có đủ mọi sự.

- Điều đó thì chưa chắc đâu.

Hai đứa bé ra khỏi cổng rồi băng đồi về trại. Sen Ái đang đứng đợi chúng trước nhà. Thấy hai cậu, cô bé hấp tấp chạy ra, hai tay áo Kimono rộng thùng thình phất phơ trong gió, tiếng guốc gỗ reo vui trên mặt đất. Cô bé reo to:

- A, anh Vi Da trở về, anh Vi Da trở về.

Vi Da đón cô bé trong vòng tay và hôn một cái thật kêu lên khuôn mặt rạng rỡ. Lần đầu tiên trong đời, cậu bé thấy xúc động và an ủi vô cùng. Từ đây Sen Ái sẽ là nguồn vui trong đời cậu.

Trong phòng, bữa cơm trưa đã dọn sẵn. Cha Kiều Uy từ đồng ruộng trở về, lau sơ mình rồi cùng gia đình dùng cơm. Ông âu yếm nói với Vi Da:

- Cháu làm cho gia đình sung sướng lắm.

Mẹ Kiều Uy cũng nói:

- Thím thấy sung sướng hơn bắt được vàng.

__________________________________
Xem tiếp PHẦN V  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, ra ngày 15-12-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>