Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Cơn Sóng Định Mệnh (I)

 

 
 LÁ THƯ CỦA PEARL BUCK

Tôi ngồi bên cửa sổ của quán trọ, buông tầm mắt thoải mái nhìn ra bãi biển của hải đảo Kiều Sử xứ Nhật Bổn. Quán trọ nằm trong thành phố Ấu Bang, thành phố nổi tiếng với những suối nước nóng tuyệt đẹp. Ngồi đây tôi có thể nhìn thấy những hình nước xoắn ốc tỏa lên từ lòng đất. Nước nóng đến độ có thể luộc chín trứng và thịt. Phía bên ngoài cửa sổ có hồ tắm rộng rãi đầy ắp nước nóng. Mặt biển xanh rì như Địa Trung Hải. Phía sau tôi, ở xa xa trùng trùng điệp điệp những dãy núi hỏa diệm sơn. Mang tên Ấu Văn. Tôi biết rõ chúng tựa như trong lòng bàn tay tôi. Tôi đã sống nhiều năm ở đó, cạnh những rặng thông xanh vút cao nơi triền núi. Thời ấy nội chiến bùng nổ ở Trung Hoa và lan tràn khắp nơi khiến tôi không thể sống yên ổn. Bây giờ cư ngụ cạnh những miệng núi lửa này, tôi lại cảm thấy bình yên hơn.

Ngay tại hải đảo nhỏ bé này, vào một ngày cuối hạ tôi đã tận mắt chứng kiến những cơn sóng thần khủng khiếp tàn phá. Cả một ngôi làng cổ bị cuốn phăng đi và bãi biền trở nên hoang vu như chưa từng có dấu chân người đặt đến. Khởi đầu, những cuộn sóng nhấp nhô bốc cao lên, tuyệt không một tiếng gió hú hay gầm thét của sóng biển. Cả dải cát trắng tràn ngập một niềm im lặng hãi hùng. Rồi mặt đại dương tựa như được nâng cao đến mây xanh, thình lình gãy gục xuống, vỡ bọt trắng xóa cả bãi biển. Tôi vẫn nghĩ người ta không bao giờ nên dựng một ngôi làng tại một chỗ địa đầu như thế này. Theo bút tích còn ghi chép lại thì trong khoảng 200 năm nay sóng thần đã nổi lên nhiều lần, và cứ sau mỗi lần như thế những người sống sót, ngư dân và gia đình, lại trở về cần cù dựng lại ngôi làng. Làng nằm sâu giữa hai triền núi, xung quanh bao bọc bởi biển cả. Mỗi lần sóng thần xuất hiện thường có những dấu hiệu báo trước. Thoạt tiên có tiếng gầm gừ nho nhỏ, tựa như tiếng rền rĩ hay tiếng đại bác ầm ầm vọng lại từ rất xa và liên tục. Tiếng động đặc biệt ấy xuất hiện vài giờ trước khi cơn sóng tràn đến. Buổi tối, mặt đất lay động và rung chuyển ngay dưới giường ngủ, và buổi sáng thức dậy, giếng nước của làng xây trên bãi biển trở nên đục ngầu những bùn đất. Nếu dân cư ở đó tạm lánh đi nơi khác thì đã chẳng có nguy hiểm nào xảy ra, nhưng họ đã ở lại, luôn luôn kiên trì và trung thành với mặt đất. Ngày nay, người đầu mục trong làng, cũng là người cao niên nhất vẫn tưởng rằng tôi viết về chuyện của ông ta. Cả gia đình ông bị cuốn trôi ra biển khi ông còn bé, và chỉ có một mình ông sống sót. Thật ra tôi đang viết về Vi Da, câu chuyện cũng tương tự như câu chuyện của ông ta. Vi Da chơi rất thân với Kiều Uy, con trai một bác nông phu. Nông trại của Kiều Uy nằm êm đềm trên một ngọn đồi thoai thoải, từ phía trên có thể nhìn thấy ngôi làng chài lưới. Khi cơn sóng thần tràn đến... tôi đã bắt đầu kể vào chuyện rồi đấy nhé!

Cũng như con người, sách vở có lối diễn đạt và khai mở của nó. Trong những năm chiến tranh, tôi đã có dịp nhìn thấy những trẻ em run sợ trước cái chết, ngay cả trẻ em Hoa Kỳ cũng thế. Chúng chưa có ý nghĩ về cái chết, chúng vẫn nghĩ rằng chỉ có những người già cả mới chết. Thế nhưng, chiến tranh đã dạy cho chúng biết rằng trẻ con vẫn có thể chết như thường, dĩ nhiên là phải có cơ hội, như chiến tranh chẳng hạn. Khi tôi trông thấy chúng sợ hãi, tôi liên tưởng ngay tới Vi Da, con trai bác ngư phủ và Kiều Uy, con trai bác nông dân. Một đứa sống kề cận thường xuyên với đại dương và một đứa bầu bạn hàng ngày với triền núi loang lở những miệng hỏa sơn. Và tôi vẫn còn nhớ rõ cách thế chúng đã tự học để trường thành ngay bên cạnh cái chết như thế nào, hệt như chúng ta giờ đây đang vất vả tranh đấu với cái chết, già cũng như trẻ. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp cho những trẻ em khác sẽ khỏi sợ hãi cái chết, vì rằng dầu thế nào đi nữa, sự sống luôn luôn mạnh hơn sự chết, sự sống sẽ luôn luôn trôi chảy, luân lưu, không bao giờ ngừng... Tôi đặt tên cho cuốn sách này là "Cơn sóng định mệnh."

Câu chuyện không chỉ viết thành sách mà thôi đâu, tôi có ý định quay nó thành phim, và vì thế hôm nay tôi phải cư ngụ tại quán trọ cạnh bờ biển này. Những nhân vật của tôi không phải là những nhân vật tưởng tượng suông đâu, đó là những nhân vật rất thực và sống động. Những đứa bé tên Vi Da, Kiều Uy hay Sen Ái chính là những trẻ em Nhật Bổn luôn hồn nhiên mà hôm nay tôi đang thấy chúng nô đùa trên những ghe đánh cá thả neo trong bến. Kìa các em có thấy không, từ tòa nhà tráng lệ trên đồi cao, ông lão quí tộc đang từ từ đi xuống, ông muốn cảnh cáo bọn trẻ về hiểm họa sóng thần. Tất cả hoạt cảnh này sẽ được thâu hình thành phim cũng như đã được ghi chép thành chuyện.

Bọn trẻ có tin lời lão không? Làm sao chúng có thể tin nổi? Trời xanh thế kia, biển lặng thế kia, nước ấm thế kia. Chúng còn trẻ và dồi dào sinh lực, chúng không thể nào tin nổi điều gì khác với giây phút hiện tại. Còn sau đó, là chuyện khác...

Tôi ngừng ở đây nhé, tôi không muốn kể tiếp nữa, tôi muốn để các em tự đọc lấy, để các em thấy rằng sự sống luôn mạnh hơn sự chết và chúng ta không còn gì phải hãi sợ cái chết cả.

PEARL BUCK      .


Kiều Uy sinh ra và lớn lên trong một trang trại nằm trên một ngọn đồi thấp có những thửa ruộng lớn và bằng phẳng đào sâu vào hai bên sườn đồi. Từ dưới nhìn lên giống như những thang cấp đều đặn dẫn lên đến đỉnh cao. Trải qua bao thế kỷ, các tổ tiên của Kiều Uy đã kế tiếp nhau kiến trúc những bức tường đá để gìn giữ các thửa ruộng của họ.

Ngôi nhà của Kiều Uy nằm chót vót trên đỉnh cao. Đôi khi Kiều Uy cảm thấy mệt mỏi vì phải leo lên cả một sườn núi để về nhà, nhất là sau khi làm việc nặng ở thửa ruộng dưới chân đồi và bụng đói cồn cào. Nhưng khi đã dùng cơm xong, cậu bé lại cảm thấy thích thú sống trên đỉnh đồi này vì có thể đứng ở một góc kín nào đó nhìn xuống đại dương mênh mông phẳng lì một màu xanh huyền ảo.

Núi ở đây rất dốc. Biển ở đây rất sâu. Dưới chân núi chạy dài một dải cát trắng hình bán nguyệt. Ở đó có một làng chài lưới sinh sống và cũng là nơi cha của Kiều Uy thường xuống bán rau trái, lúa gạo và mua cá về. Từ cửa sổ, Kiều Uy có thể ngắm nhìn những túp lều tranh của xóm chài chia thành hai dãy đối diện không đều nhau dọc theo con đường nhỏ trải sỏi trắng. Dãy nhà kế cận với biển không có cửa sổ hướng về phía đó. Kiều Uy vốn thích nhìn sóng nô đùa trên cát nên cậu bé vẫn thắc mắc tại sao dân làng lại không trổ cửa sổ ra phía bãi biển. Cho đến một hôm cậu bé làm quen với Vi Da, con trai một bác ngư phủ.

Căn nhà của Vi Da ở cuối dãy nhà kế cận biển nên cũng không có cửa sổ trông ra đại dương.

Kiều Uy hỏi:

- Này Vi Da, biển đẹp thế kia, tại sao nhà cậu lại không có cửa sổ trông ra biển?

Vi Da ngắt lời bạn:

- Biển là kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi. Chuyện đó dễ hiểu quá mà.

Kiều Uy vẫn không hài lòng với lối trả lời đó. Những ngày trời nắng chang chang, xong công việc là lập tức Kiều Uy phóng đến nhà Vi Da. Hai đứa vất hết áo quần ở nhà, chạy một mạch ra biển và nhảy ùm xuống nước trong vắt. Chúng bơi tít ra xa đến một cù lao, Kiều Uy vẫn gọi đùa cù lao ấy là của riêng chúng. Thật ra chúng thuộc về ông lão quí tộc mà chúng thường nghe nói đến chứ chưa bao giờ gặp mặt, ngoại trừ vài lần thấy thấp thoáng ở xa. Năm thì mười họa, vào những chiều có gió mát, ông lão đứng tựa cổng nhìn ra biển. Lúc đó chúng thấy ông lão chống gậy trúc, chòm râu bạc bay phất phơ trong gió. Ông lão sống cô tịch trong tòa lâu đài có hàng rào tre cao vút xung quanh. Tòa lâu đài tọa lạc trên một đỉnh đồi nhỏ phía ngoài làng. Chưa bao giờ Kiều Uy và Vi Da được hân hạnh đặt chân vào bên trong cánh cổng ấy. Nhưng đôi khi cổng mở, chúng cũng nhìn trộm được ngôi vườn tuyệt đẹp có lớp rêu xanh mượt như nhung, có những cây thông lớn rợp bóng với những tàn lọng vô cùng vững chắc. Mỗi ngày gã làm vườn đều dùng chổi tre quét sạch lớp rêu cho đến khi chúng xanh mướt và êm như một tấm thảm. Ông lão quí tộc thường hay bách bộ dưới những hàng thông, mình mặc một chiếc áo lam mỏng, hai tay để sau lưng và chiếc đầu bạc phơ hơi cúi xuống. Khuôn mặt ông lão nhăn nheo và đầy vẻ nhân từ. Nhưng chưa bao giờ ông lão nhìn thấy chúng cả.

Khi chúng bơi đến cù lao và bước lên bãi cát mịn, Kiều Uy cảm thấy hơi lo lo:

- Này Vi Da, chúng mình chưa xin phép ông lão mà ra đây chơi. Không biết ông lão có phiền trách gì không?

Vi Da vội trấn an bạn:

- Cậu đừng sợ. Ông lão có dùng cù lao này làm gì đâu. Với lại ở đây chỉ có mấy con nai vàng ngơ ngác mà thôi.

Quả thật, cù lao có rất nhiều nai. Chúng không tỏ vẻ hãi sợ gì cả vì chẳng có ai làm hại chúng. Khi bầy nai trông thấy hai cậu bé, chúng chạy đến rúc mũi vào lòng bàn tay hai cậu để kiếm ăn. Đôi khi, Kiều Uy mang ở lưng quần áo một chiếc hộp đựng bánh ngọt để cho mấy chú nai. Nhưng ít khi cậu bé có tiền để mua bánh lắm. Cho nên cậu thường bẻ những đọt sậy non đem đến cho nai. Bầy nai khoái thứ này vô cùng, mỗi khi ăn xong chúng thường cọ đầu vào tay cậu bé như để cám ơn.

Kiều Uy ao ước một đêm nào đó được ngủ lại ở cù lao, nhưng không bao giờ Vi da đồng ý. Nhiều khi ở nán lại buổi chiều, cậu bé cũng cứ thấp thỏm nhìn ra biển.

Kiều Uy lấy làm lạ hỏi:

- Cậu kiếm gì vậy?

- Tớ xem thử biển có nổi giận hay không.

Kiều Uy phì cười:

- Đùa vừa thôi chứ. Biển mà nổi giận cái gì?

Mặt Vi Da trầm lại, giọng nói của cậu có vẻ nghiêm chỉnh:

- Thật mà. Ba tớ nói vị thần biển thường ngủ trong một chiếc giường sắt. Thỉnh thoảng ông ta lại trở mình, nhỏm đầu lên và vươn vai làm cho sóng biển nổi lên ầm ầm. Nhiều khi ông ta lại đứng bật dậy rồi gầm lên làm mặt đất ở dưới biển chuyển động từng cơn dữ dội. Lúc đó thì thật sự tớ chẳng ham ở lại cù lao này chút nào.

Kiều Uy ngạc nhiên hỏi:

- Nhưng mà chúng mình có làm gì để cho ông ta giận đâu?

Giọng Vi Da vẫn đầy vẻ nghiêm nghị:

- Ai mà biết được tại sao ông ấy lại giận.

Nhưng may mắn hôm đó mặt biển đã không nổi giận. Ánh mặt trời lấp lánh trong dòng nước trong veo và hai đứa bé tha hồ tung tăng bơi giỡn. Ở phía dưới chúng, biển sâu thăm thẳm tưởng như vô tận. Không ai biết nước sâu đến bao nhiêu cả. Có hôm các ngư phủ dùng dây thừng buộc tảng đá nặng rồi thả xuống biển, họ thả mãi mà hòn đá vẫn không chạm đến đáy. Nước sâu thật sâu, hơn nữa mặt đất tiếp giáp với biển lại dựng đứng khiến cho đáy biển càng sâu hơn. Khi Kiều Uy lặn một hơi xuống thật sâu, chân cậu bỗng chạm một dòng nước lạnh lẽo ghê hồn, cậu bé vội vã trồi lên mặt nước có nắng ấm. Nghĩ lại Kiều Uy vẫn còn thấy rùng mình và chợt hiểu vì sao Vi Da lại sợ biển cả đến thế.

Cậu bé lội lên bờ rồi lại nhảy ùm xuống. Khoái thật. Cậu bé lại rủ Vi Da đi tìm thứ sỏi màu xanh màu lục, thứ màu đỏ màu vàng. Mỗi đứa kè kè bên lưng một cái oi đựng sỏi. Mẹ của Vi Da muốn làm một lối đi trải sỏi trong vườn và không đâu có những hòn sỏi sáng như ở cù lao "Nai vàng ngơ ngác" này cả.

Khi chúng chơi chán chê ở bãi biển, chúng lặn lội vào rừng thông phía sau thám hiểm những hang động. Có một cái hang chúng thích nhất, lần nào đến đây chúng cũng đến thăm cả. Chúng không dám vào sâu, vì đáy hang chìm ngập dưới biển. Chúng biết rõ vậy vì ở phía cuối hang bên kia chúng thấy nước biển tràn vào như một hồ tắm vĩ đại và có thủy triều lên xuống. Nước trong hang lấp lánh lân quang như thể có muôn ngàn ngọn đèn thắp sáng phía dưới. Một lần chúng bắt được một con cá nắm chết nơi hốc đá. Trong hang tối thân con cá sáng rực trong tay chúng, nhưng khi đem ra ánh sáng, những chất lân tinh biến mất và thân con cá trở nên xam xám. Thế mà khi đem trở vào trong hang, con cá lại lấp lánh sáng rực.

Nhưng dù cho thời tiết có tốt mấy đi chăng nữa, Vi Da vẫn cứ thấp thỏm trông chừng mặt trời. Khi cậu bé chạy ra bãi biển và thấy nước rút dần về hướng Tây, cậu bắt tay lên miệng gọi Kiều Uy liên hồi:

- Kiều Uy ơi, chúng ta phải về gấp mới được.

Cả hai vội nhảy ùm xuống mặt nước đỏ rực ánh hoàng hôn. Buổi chiều biển trở nên ấm áp và dịu dàng. Chẳng mấy chốc chúng bơi qua eo biển và trông thấy cha của Vi Da đang đứng đợi chúng. Hình như ông đứng đấy đã khá lâu rồi. Ông lấy tay che mắt cho khỏi chói và nhìn ra phía biển. Khi ông thấy hai chấm đen bồng bềnh trên sóng, ông gọi lớn và lội ra đón chúng. Ông đưa tay cho chúng bám vào và kéo chúng ra khỏi những ngọn sóng cao đã vỡ tung thành bọt.

Ông nghiêm mặt với Vi Da, ánh mắt vẫn còn phảng phất vẻ lo âu:

- Này Vi Da, từ trước đến giờ có khi nào con về trễ thế này đâu?

Vi Da cúi mặt đáp nhỏ:

- Tại con mải chơi trong hang.

Cha Vi Da nhấc bổng cậu bé lên và căn dặn:

- Lần sau con không được về trễ như thế nữa nhé. Ba không bằng lòng đâu.

Kiều Uy ngạc nhiên nhìn ông và nhận thấy ngay cả bác ngư phủ vạm vỡ này cũng tỏ ra hãi sợ thần biển nổi cơn thịnh nộ.

Cậu bé cúi đầu chúc cha con Vi Da một đêm ngủ ngon rồi vội vã trở về nhà. Về đến cổng, cậu bé đã thấy mẹ cậu dọn sẵn thức ăn trên bàn, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt: cơm gạo lứt nóng suýt soa, canh miến gà, cá nục kho mặn.

Cả nhà không ai lo lắng về Kiều Uy cả. Cha cậu đang tắm ở nhà sau. Tiếng gáo dừa va chạm vào chum và tiếng nước chảy xối xả nghe mát rượi. Cô em gái Sen Ái đang lúi húi tìm đũa ăn cơm.

Vài phút sau, cả nhà quây quần xung quanh mâm cơm tỏa khói nghi ngút được đặt trên một chiếc chiếu lớn sạch sẽ. Mẹ Kiều Uy đơm cơm cho cả nhà. Không ai trao đổi với nhau một chuyện gì, đó là phép lịch sự, mọi người chỉ nên nói chuyện khi đã no đủ.

______________________________________________
Xem tiếp PHẦN II  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 188, ra ngày 1-11-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>