Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Cơn Sóng Định Mệnh (II)


Dùng cơm xong, cha Kiều Uy ung dung nhấm nháp một ly rượu vang nhỏ, mẹ cậu thu dọn bát đĩa xuống bếp, lúc đó Kiều Uy quay về phía cha và hỏi:

- Ba à, tại sao Vi Da lại sợ biển?

- Bởi vì biển cả mênh mông, không ai biết nó bắt đầu ở đâu và chấm dứt ở đâu.

- Nhưng tại sao ba của Vi Da cũng sợ biển nữa?

- Chúng ta làm sao hiểu nổi biển, hở con?

- Con sung sướng vì gia đình mình sống trên đất liền, chứ không gần biển. Nghề nông không có gì đáng sợ cả ba nhỉ?

- Người ta sợ cả đất nữa, con à. Con còn nhớ cái núi lửa cha con mình đến thăm hồi mùa thu năm ngoái không?

Kiều Uy nhắm mắt lại. Cứ mỗi độ thu về, khi mùa màng đã gặt hái xong xuôi, gia đình Kiều Uy lại đi nghỉ mát. Họ thường cuốc bộ, ngay cả cô bé Sen Ái cũng thế, lưng mang thức ăn, tay chống gậy leo núi, họ quên tất cả mọi công việc thường nhật để dạo chơi một danh lam thắng cảnh nào đó. Nông trại đã có một ông láng giếng tốt bụng trông nom hộ. Vào mùa thu năm ngoái, gia đình Kiều Uy đến thăm một hỏa diệm sơn vĩ đại cách xa 20 dặm. Kiều Uy chưa bao giờ nhìn tận mắt một núi lửa cả, cậu bé chỉ nghe người ta bàn tán về chúng mà thôi. Đôi khi vào những ngày đẹp trời, nếu cậu bé chịu khó leo lên ngọn đồi đằng sau nhà, cậu có thể nhìn thấy ở cuối chân trời một đám mây xám tỏa ra như hình nan quạt. Cha cậu bảo đó là khói bốc lên từ miệng núi lửa. Một đôi khi mặt đất chuyển động ngay cả phía dưới nông trại. Đó cũng tại vì núi lửa.

Kiều Uy bắt đầu nhớ lại những gì đã nhìn thấy trong buổi dạo chơi hồi cuối thu năm ngoái. Chiếc miệng núi lửa há hốc, loang lở, những cuộn khói có sắc vàng và đen nồng nặc mùi diêm sinh xông lên. Cậu tò mò nhìn xuống lòng núi lửa nhưng rồi vội quay đi. Chẳng có gì đẹp đẽ, thích thú cả. Dưới sâu có một dòng nước đục và đặc quánh thoát ra từ một khe nhỏ. Cậu bé đã muốn quay về nhà ngay lập tức. Bây giờ nghĩ lại, nhất là ban đêm những lúc cuộn mình trong chăn ấm cậu bé cảm thấy sung sướng vì sống xa khỏi núi lửa, và ít ra là có đến ba ngọn núi ngăn cách nhà cậu với chiếc miệng há hốc ghê tởm ấy.

Cậu bé mở mắt ra và nhìn cha:

- Không lẽ khi nào chúng ta cũng phải sợ hãi một điều gì sao?

Cha cậu nhìn lại cậu. Ông có thân hình dẻo dai và những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn vì làm việc nhiều. Bàn tay ông chai sạn, đầy những cục u nhưng luôn luôn sạch sẽ. Ông luôn luôn đi chân không trừ khi có việc phải mang giày rơm. Nhưng hễ vào nhà là ông cởi ra ngay. Trong gia đình không ai đi giày trong nhà cả.

Vì thế nền nhà luôn sạch sẽ và bóng như gương.

- Chúng ta phải học cách sống chung với hiểm nguy - ông nói.

- Có phải ba muốn nói biển và núi lửa sẽ không làm hại chúng ta nếu chúng ta không sợ hãi chúng?

- Không phải thế. Biển và núi lửa luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Một ngày nào đó, biển sẽ nổi phong ba và núi lửa sẽ chảy tràn phún thạch, chúng ta phải chấp nhận điều đó không chút sợ hãi. Chúng ta phải luôn tự nhủ: một ngày kia ba hay con sẽ chết, chết vì biển hay vì núi lửa, chết sớm hay chậm hơn một chút, điều đó chẳng có gì quan hệ cả.

Kiều Uy lắc đầu:

- Con không thích nghĩ những chuyện như thế.

- Đúng vậy, con không nên nghĩ những chuyện như thế làm gì để khỏi sợ hãi. Lúc con sợ hãi là lúc con nghĩ đến điều đó. Con hãy thụ hưởng cuộc sống và đừng sợ hãi sự chết. Đó là lối sống của một người Nhật chân chính.

Cuộc sống có rất nhiều điều đáng thụ hưởng. Ngày nào Kiều Uy cũng có những giây phút vui thú. Mùa Đông, cậu bé đi học ở một ngôi trường trong làng đánh cá. Cậu và Vi Da ngồi chung một ghế. Chúng học đọc, học viết, học làm toán và học những kiến thức mà tất cả những đứa trẻ cùng lứa tuổi được học ở trường. Nhưng vào mùa hè cậu phải làm lụng vất vả để giúp cha mẹ. Ngay cả Sen Ái và mẹ cậu cũng giúp cha cấy mạ trong thửa ruộng ngập nước. Và khi lúa chín đầy đồng, cả gia đình cũng phụ một tay giúp cha cậu gặt và đập lúa. Vào những hôm ngày mùa như thế, Kiều Uy không được rảnh rỗi để xuống đồi chơi đùa với Vi Da. Và suốt ngày, cậu bé mệt đừ, có khi ngủ thiếp đi cả trong những bữa ăn.

Nhưng cũng có những ngày cậu bé được tha hồ chơi giỡn. Mỗi khi được tin có đàn cá di chuyển qua eo biển, các ngư phủ tức tốc chèo thuyền ra khơi theo những con nước chính. Ngay từ sáng sớm khi ánh trăng còn le lói trên bầu trời, cha con Vi Da đã vội trương buồm ra khơi cho kịp bủa lưới lúc bình minh. Nếu gặp được vận may thì mẻ lưới trĩu nặng những cá đến nỗi họ phải cố gắng hết sức mới kéo được lưới lên thuyền. Và chẳng mấy chốc mà khoang thuyền đầy ắp cá. Những con cá có vẩy trắng bạc óng ánh dãy dụa lách tách nghe rất vui tai.

Đôi khi vào những lúc không phải mùa gieo mạ hay mùa gặt. Kiều Uy đi biển với cha con Vi Da. Cậu bé cảm thấy thích thú được thức dậy vào giữa khuya và mặc áo bông có nịt thắt ngang lưng. Vào mùa hè gió biển trở nên mát dịu vào lúc rạng đông. Nhưng dù cậu có dậy sớm mấy đi nữa, bao giờ mẹ cậu cũng thức giấc trước, nấu cho cậu một tô cháo nóng, một ly sữa đậu nành và một ly trà nóng trước khi cậu lên đường. Và hành trang mang theo gồm có cơm nắm, cá kho khô và dưa cải muối đựng trong chiếc hộp gỗ để ăn trưa.

Thế rồi cậu bé ba chân bốn cẳng chạy thẳng đến chỗ ghe đậu. Những chiếc ghe đang nhấp nhô theo nhịp sóng tựa như nhún nhảy một điệu slow chờ đón. Cha con Vi Da đã có mặt ở đó tự bao giờ. Vài phút sau con thuyền quay đầu hướng ra phía biển khơi mênh mông. Cánh buồm no gió lướt như bay trên sóng. Kiều Uy nằm dài trên khoang thuyền, hai tay gối đầu, mắt nhìn vơ vẩn trời cao mà nghe lòng rộn rã niềm vui. Bờ biển khuất dần sau làn sương mờ đục và đại dương bỗng trở nên lồng lộng. Con thuyền vẫn tiếp tục lênh đênh trên nước triều dâng. Chẳng bao lâu họ bắt gặp đoàn thuyền và cùng nhau đuổi theo đàn cá đang di chuyển dưới biển sâu. Cá cũng như chim vậy, bơi lội từng đàn có khi giăng kín cả một góc trời.

Thích thú nhất là những lúc kéo lưới lên, lưới đầy cá nặng trĩu, và những lúc ấy Kiều Uy cảm thấy đời sống của Vi Da dễ chịu hơn nó nhiều. Xem ra mùa cá ưu đãi con người nhiều hơn mùa gặt. Kiều Uy tâm sự với Vi Da:

- Tớ ước gì ba tớ cũng làm nghề đánh cá. Gặt hái nhọc nhằn quá, trong khi cậu thấy tớ có thể đánh cá được huống hồ gì ba tớ.

Vi Da lắc đầu:

- Cậu cứ nói thế chứ gặp lúc bão táp, cậu lại mong ước được làm nghề nông cho xem.

Vi Da mỉm cười nói tiếp:

- Hỏi thật cậu nhé, cậu nghĩ sao nếu có cá mà không có cơm? Cậu có thể sống chỉ toàn ăn cá không?

Cha Vi Da góp ý:

- Chúng ta cần cả nông gia lẫn ngư phủ, các con ạ.

Vào những ngày đẹp trời, gió dịu và sóng im, người ta khó có thể tin được biển phẳng lặng và xanh ngắt thế kia lại tiềm ẩn một hiểm họa giết người tàn khốc. Tuy thế, Kiều Uy vẫn không thể nào quên được dòng nước lạnh lẽo kinh hồn đang im lìm trôi chảy dưới khối nước ấm áp bên trên. Và vào những lúc sóng gió, cậu bé lại cảm thấy mừng rỡ vì cha cậu là nông dân sống trên mặt đất. Dù sao đất vẫn là nơi nương tựa vững chắc hơn biển cả.

Thật vậy, một hôm trận động đất xảy ra và gây nên sóng thần. Ở đáy biển, trong lòng đất tựa hồ như có một biển lửa sôi sùng sục. Biển cả mênh mông và xanh ngắt bất lực không thể nào đàn áp nổi sức nóng ghê gớm ấy. Cả một khối nước vĩ đại chỉ có thể xoa dịu ngọn lửa trong một khoảng thời gian nào đó thôi, nhưng đến một lúc hơi nóng tích tụ từ bấy lâu nay trở nên mạnh đủ, nổ tung lên cao và phun thành núi lửa. Ngày ấy, Kiều Uy đang giúp cha trồng dưa leo ở sườn núi, đột nhiên cậu thấy bầu trời u ám lạ thường:

- Coi kìa, ba ơi. Núi lửa!

Cha cậu ngừng tay và ngẩng lên nhìn trời, sắc mặt đầy vẻ lo âu:

- Trời trông ghê quá, chắc đêm nay ba không ngủ được.

Những chữ cuối ông lẩm bẩm tựa như chỉ nói cho mình ông nghe. Suốt đêm đó, cha Kiều Uy thức canh chừng giấc ngủ cho cả gia đình. Buổi chiều, lúc chạng vạng tối, bầu trời đỏ rực lên như máu và mặt đất rung chuyển ầm ầm dưới nền nhà. Phía dưới chân đồi, trong làng đánh cá thấp thoáng vài ngọn đèn dầu hiu hắt, chắc cũng có những người thức trắng như bác. Thế hệ nào cũng có những người cha ngồi thâu đêm để canh chừng biển, canh chừng đất.

Trời sáng dần, buổi bình minh hôm đó nóng lạ lùng, nóng như thiêu như đốt. Bầu trời rực lửa và âm u. Trang trại mịt mù những bụi tro bay đến từ miệng núi lửa. Ngay khi vừa thức dậy, Kiều Uy đã có một cảm giác khác lạ. Cậu bước chân xuống nền nhà và cảm thấy mặt đất nóng hực như than hồng. Trong nhà mẹ cậu đã lo hạ tất cả mọi đồ vật treo mắc trên tường xuống, để phòng chúng khỏi rơi bể. Có một ít chén đĩa loại tốt bà cũng đem gói riêng lại rồi cất vào chiếc giỏ có lót rơm cẩn thận.

Khi cả nhà đang dùng cơm sáng, Kiều Uy hỏi cha:

- Có phải động đất không hở ba?

Ba cậu chép miệng:

- Ba không biết rõ, con ạ. Đất và Biển đang hợp lực chống lại lửa trong lòng đất.

Buổi sáng mùa hè ấy, không có con thuyền nào ra khơi cả. Trời không một ngọn gió, biển lặng yên như một tấm gương lớn và mặt nước loang vết dầu. Biển trở nên tím ngắt, đẹp rùng rợn. Kiều Uy vừa nhìn ra biển đã sợ run bắn người lên:

- Tại sao biển lại tím ngắt thế hở ba?

- Vì biển phản chiếu bầu trời con ạ. Biển, đất, trời, nếu cả ba cùng hợp lực chống lại con người thì nguy hiểm không sao kể xiết.

- Lúc đó thần thánh đi đâu hết hở ba? Bộ thần thánh không phù hộ chúng ta sao?

Cha Kiều Uy hơi hạ giọng xuống:

- Có những lúc mà thần thánh như thể bỏ rơi con người một mình để thử thách xem con người có tự cứu nổi mình không.

- Nhưng nếu chúng ta không đủ sức tự cứu mình thì sao?

- Bắt buộc phải nổi chứ. Sợ hãi chỉ làm cho chúng ta nhụt chí đi mà thôi, tay run rẩy, chân khuỵu xuống và trí óc bị tê liệt.

Giọng ông có phần nào miễn cưỡng. Ngày đó không ai dám ra khỏi nhà. Cha Kiều Uy ngồi tựa cửa, mắt đăm chiêu nhìn trời và biển, ánh mắt ngập tràn vẻ xa vắng và lo âu. Kiều Uy ngồi sát vào mình cha, không biết giờ này Vi Da đang làm gì. Có lẽ Vi Da cũng đang ngồi cạnh cha như cậu. Thời gian lặng lẽ trôi.

Đến trưa, cha cậu chỉ tay xuống đồi bảo:

- Con xem lâu đài của ông quí tộc kìa!

Ở lưng chừng đồi. nơi tọa lạc lâu đài, Kiều Uy thấy một cây sào dài buộc một lá cờ đỏ nổi bật trên nền trời xám xịt.

- Ông lão kêu gọi mọi người nên sẵn sàng chuẩn bị. Ba đã thấy hai lần ngọn cờ đỏ được kéo lên và cả hai lần đều xảy ra trước khi con sinh ra.

- Sẵn sàng để làm gì hở ba?

- Để kịp thời đối phó với mọi bất trắc.

Vào khoảng hai giờ chiều, bầu trời tối sầm lại, không khí trở nên oi bức như thể có cháy rừng, nhưng không có cháy rừng nào hết. Miệng núi lửa đỏ rực lên như ngậm đầy máu. Từ dưới đồi vọng lên từng hồi chuông âm trầm.

- Chuông gì vậy ba, từ trước đến giờ có khi nào con nghe đâu?

- Ba đã nghe tiếng chuông này hai lần trước khi con sinh ra. Đó là tiếng chuông trong lâu đài. Ông lão kêu gọi mọi người lánh nạn tại nhà ông.

- Thế họ có lên không?

- Có, nhưng không phải tất cả. Cha mẹ thúc giục con cái đi lánh nạn nhưng chúng vẫn đòi ở lại. Vợ không muốn xa chồng nửa bước, ngư dân không muốn bỏ ghe thuyền mà đi. Tuy nhiên vẫn có nhiều người quý mạng sống mình hơn.

Rồi chuông lại vọng lên lanh lảnh, cấp bách, như réo gọi dân làng nhanh bước. Một lát sau, một đám người ùn ùn leo lên đồi, phần lớn là trẻ con.

- Con muốn Vi Da lên đây với con. Không biết con vẩy vẩy thắt lưng trắng, Vi Da có thấy không ba?

- Con vẩy vẩy thử xem.

- Ba lại đây với con nghe.

Kiều Uy kéo cha cậu đi lại mé đồi, cởi thắt lưng ra rồi ra sức vẩy.

Đàng xa, Vi Da thấy hai bóng người đang vẩy một mảnh vải trắng nổi bật trên nền trời u ám. Cậu không muốn rời xa cha, nhưng vì nhỏ nhất nhà nên cha mẹ và anh cậu buộc cậu phải tránh lên núi. Cha cậu phân trần:

- Chúng ta nên phân chia ra. Nếu gia đình có mệnh hệ gì còn có con để nối dõi.

Vi Da mếu máo khóc:

- Con không muốn sống một mình.

Ba cậu nghiêm mặt:

- Là người Nhật, bổn phận của con là nghe lời ba. Nào ngoan cho ba vui.

Vi Da ôm mặt khóc nức nở và chạy vụt ra khỏi nhà. Cậu thoáng thấy cha con Kiều Uy đang đứng vẫy trên đỉnh đồi và cậu chợt nảy ý định chạy lên với bạn thay vì vào lâu đài. Thế rồi cậu cắm đầu chạy một mạch lên nông trại. Đối với cha mẹ Kiều Uy, Vi Da thương như là cha mẹ cậu. Cậu không có chị hay em gái nên rất quí mến Sen Ái, trong đầu cậu Sen Ái là cô bé xinh nhất đời.

Cha Kiều Uy chìa tay ra giúp cậu bé leo lên bực đá. Vừa lúc Kiều Uy định lên tiếng chào bạn thì một luồng gió dữ dội từ đại dương ào ào thổi đến. Kiều Uy và Vi Da ôm chặt lấy nhau và nép sát vào cha Kiều Uy.

Kiều Uy la lên:

- Xem kìa, gì vậy ba?

Biển lồng lộn và dâng cao đến chín từng mây.

- Lạy Trời, lạy Phật xin độ trì chúng con.

Kiều Uy nghe cha lâm râm khấn vái. Tiếng chuông lại trỗi lên liên hồi. Nhưng gió thế kia, không biết có ai nghe được tiếng chuông không? Nhà họ lại không có cửa sổ nhìn ra biển, họ có biết chuyện gì sẽ xảy ra không nhỉ?

Dưới lòng biển sâu thăm thẳm, mặt đất cuối cùng đành khuất phục dưới ngọn lửa khủng khiếp. Đất nẻ ra, nước ào ào đổ xuống những khoảng đất đang sôi lên hừng hực. Nước nóng phun vọt lên cao và biến thành sóng thần. Cơn sóng vĩ đại chạy xô vào bờ, phía trên sủi bọt trắng xóa. Càng lúc cơn sóng càng dâng cao, như con thú hung dữ chồm lên, bao nhiêu nanh vuốt chĩa ra tua tủa.

Vi Da gào lên:

- Cháu phải báo cho ba cháu hay.

Nhưng hai tay của cha Kiều Uy như hai gọng kềm nắm chặt lấy người cậu bé.

- Trễ rồi cháu ạ.

Ông buông tiếng thở dài. Lúc này ông không thể để Vi Da chạy đi được. Trong vài giây nữa thôi, cơn sóng sẽ càng phồng lên gấp bội, và tấp nhanh vào bờ. Trong thinh không tiếng gầm thét của sóng xen lẫn tiếng kêu la hãi hùng. Và trước khi Vi Da kịp thét lên lần nữa, cơn cuồng lưu đã đổ ụp xuống nuốt gọn lấy ngôi làng, bọt trắng sủi lên tung tóe. Sóng chạy dạt lên triền núi, đập mạnh vào ghềnh đá, biến ngọn đồi có lâu đài nguy nga thành một cù lao cô quạnh. Những người đang leo nửa chừng đều bị cuốn trôi đi. Bậc đá chỗ ba người đứng cũng bị nước xoáy mạnh tàn bạo. Rồi trong thoáng chốc, con sóng rút lui ra biển, thật nhanh, mang theo nhà cửa, cây cối và đất đá. Hai đứa bé sững sờ nhìn con sóng hoành hành, ùa ra tạt vào nhiều lần cho đến khi lịm yên.

Bãi biển trở nên quạnh hiu. Không một mái nhà, không một mảnh gỗ vụn, không một viên gạch. Hình như đã từ lâu lắm rồi không có dấu chân người đặt lên bãi biển này. Xa xa đại dương vẫn rì rào tiếng sóng.Vi Da khóc thảm thiết rồi ngất lịm đi. Những điều cậu bé vừa chứng kiến tận mắt, như xảy ra trong ác mộng. Cơn ác mộng quá hãi hùng vượt sức chịu đựng của cậu. Còn đâu nữa mái nhà xưa với muôn vàn kỷ niệm yêu dấu, còn đâu nữa gia đình với cha mẹ, anh, những người thân...

Kiều Uy cũng òa lên khóc. Cha cậu lặng yên mặc tình cho cậu khóc. Ông cúi xuống ẵm Vi Da vào nhà. Mẹ Kiều Uy vội chạy từ bếp ra, trải một tấm thảm xuống đất làm chỗ nằm. Cha cậu nhẹ nhàng đặt Vi Da xuống và nói, giọng thì thầm:

- Mình cứ để Vi Da nằm yên như thế. Ngất được, cậu ấy đỡ khổ hơn. Anh sẽ ngồi đây canh chừng.

Mẹ Kiều Uy bùi ngùi nói:

- Để em lấy dầu nóng xoa bóp cho Vi Da.

Kiều Uy vẫn không nói được lời nào. Mắt cậu đẫm lệ, chiếc miệng mếu máo và tiếng khóc như nấc lên từ cuống họng. Cha cậu để yên cho cậu khóc một lúc rồi xoay qua bảo mẹ cậu:

- Em đi nấu cho con một ít cháo gừng, con nó bị cảm lạnh.

Kiều Uy vẫn không hay biết gì, mãi đến khi nghe cha nói, cậu mới cảm thấy người cậu run lên cầm cập và không thể ngưng khóc được.

Lúc ấy Sen Ái vừa bước vào. Cô bé không hay biết gì về sóng thần vì bị mẹ nhốt trong bếp và kéo màn lại. Thoạt trông thấy Vi Da nằm bất động, mặt tái nhợt, cô bé ngây thơ hỏi cha:

- Vi Da chết rồi hả ba?

- Không phải vậy đâu con. Vi Da còn sống mà.

- Thế sao anh ấy không mở mắt ra?

- Lát nữa anh ấy mới mở mắt ra.

- Nhưng nếu anh ấy không chết thì sao anh Kiều Uy lại khóc?

- Sao con lắm mồm thế. - Cha Kiều Uy gắt - Con xuống bếp giúp mẹ đi.

___________________________________
Xem tiếp PHẦN III

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 189, ra ngày 15-11-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>