Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Cơn Sóng Định Mệnh (V)


Kiều Uy mở rộng miệng cười:

- Vậy là từ nay con có anh rồi nhé!

Vi Da chớp chớp mắt. Cậu cảm thấy bầu không khí thật đầm ấm và cuộc sống rất đáng sống. Từ nay, cậu có thể hạnh phúc trong vòng tay đùm bọc của gia đình này. Trưa ấy cậu bé thấy ngon miệng và ăn được nhiều cơm.

Thấm thoát đã bao năm qua. Đại dương vẫn hiền hòa, phẳng lặng. Hiểm họa sóng thần tựa hồ đã nhạt nhòa dấu tích trong trí óc con người. Giờ đây, Vi Da là một thanh niên lực lưỡng, Kiều Uy cũng vạm vỡ, cao lớn không kém bạn. Cô bé Sen Ái đã trổ mã, trút nhanh lớp vỏ ngây thơ, nhí nhảnh, dáng đi cô bé trở nên tha thướt, yểu điệu, giọng nói và khuôn mặt dịu hiền quyến rũ. Nhưng hình như trong khoảng thời gian dài đã qua ấy vẫn có một vết hằn sâu nào đó lắm lúc khiến mọi người bâng khuâng. Con người như vẫn chưa quên hình ảnh bi thương tựa như vết khắc tàn bạo phân đôi dòng trôi chảy bình lặng của thời gian - trước và sau sóng thần - Những xao động mãnh liệt trong dĩ vãng vẫn chưa lắng đọng hẳn xuống.

Đã nhiều năm qua, vẫn chưa thấy một ngư dân nào trở về lập nghiệp trên bãi biển hoang vắng. Cát như trắng hơn, mịn hơn và những gợn sóng nhỏ như hiền hòa hơn, nô đùa sủi bọt. Lòng người bắt đầu nhen nhúm hy vọng. Các ngư phủ sống sót nhờ kịp thời nghe theo tiếng chuông lánh nạn lên lâu đài đã di cư cùng vợ con đến bờ biển khác. Họ đã sắm sửa được những chiếc thuyền mới.

Nhưng dù ở đâu họ vẫn nhận rằng không có bờ biền nào tốt hơn bờ biển ngày xưa. Nước ở đó trong và rất sâu, từng đàn cá rủ nhau lội sát vào bờ. Ngư dân không cần phải ra xa. Họ chỉ cần buông lưới, nhất là ở eo biển giữa hai hải đảo, và kéo lên đầy ắp cá.

Từ dạo đó, Kiều Uy và Vi Da ít khi lai vãng đến bãi biển. Họa hoằn lắm chúng mới đi men theo chỗ hồi xưa có con đường trải sỏi trắng tinh, và Vi Da lục lọi xem còn dấu tích nào của nhà chàng may ra trôi giạt vào bờ không. Không còn gì cả. Sóng biển quá khủng khiếp đến nỗi xác người cũng không thấy nổi lên. Lâu dần, hai chàng trai như xa lạ với bãi biển quạnh hiu. Mỗi khi đi tắm biển, họ thường đi lối tắt qua một ngọn đồi khác.

Nhưng Kiều Uy vẫn thấy Vi Da mỗi sáng đứng ngẩn người nhìn ra biển. Hình như chàng muốn tìm kiếm một điều gì đó đã linh cảm sẽ gặp lại. Đến một hôm, chàng tìm thấy. Lúc đó Kiều Uy đang bận xỏ giày, Chàng nghe Vi Da gọi to:

- Kiều Uy ơi, đến xem này!

Kiều Uy vội chạy đến. Vi Da chỉ tay xuống đồi nói:

- Nhìn kìa, có người đang dựng nhà ở bãi biển phải không?

Kiều Uy trố mắt nhìn. Chàng thấy hai người đàn ông đang trồng cột, bên cạnh có một người đàn bà và một đứa bé. Chàng ngạc nhiên hỏi:

- Không lẽ người ta lại dựng nhà ở đó sao?

Cả hai đều nóng ruột, không thể đứng yên nhìn. Họ chạy phăng xuống đồi đến bãi biển. Vi Da hỏi người đàn ông:

- Hai bác dựng nhà phải không?

Cả hai dừng tay và người cao niên nhất gật đầu đáp:

- Vâng. Trước kia cha ông chúng tôi đã sống ở đây; bây giờ đến lượt chúng tôi. Cực chẳng đã, những năm qua chúng tôi phải tá túc trong lâu đài và đánh cá ở những nơi khác. Bây giờ chúng tôi đã chán lắm rồi, chúng tôi muốn có nhà riêng. Với lại, bãi biển ở đây nhiều cá nhất.

- Nhưng lỡ sóng thần trở lại thì sao?

Hai người đàn ông nhún vai:

- Thời ông tổ chúng tôi, sóng thần đã đến tàn phá tất cả, nhưng ông bà chúng tôi vẫn trở về đây sinh sống. Đến thời cha mẹ chúng tôi, sóng thần lại đến, và bây giờ đến thời chúng tôi, chúng tôi vẫn muốn trở về sinh sống trên quê cha đất tổ.

Kiều Uy lo ngại hỏi:

- Thế con cái bác thì sao?

- Biết đâu sóng thần sẽ không bao giờ đến nữa.

Nói rồi, họ lại tiếp tục làm việc. Vi Da đứng chăm chú nhìn họ, khuôn mặt lộ vẻ suy tư. Từ nãy đến giờ chàng không hề hé miệng. Tai ương sóng thần đã biến đổi chàng sâu xa. Chàng không còn cười nói dễ dàng hay bất cẩn như trước nữa, chàng đã học được cách sống hòa đồng với những người thân quá cố như có lần cha Kiều Uy nói. Chàng không còn khóc nữa, trí óc chàng tưởng nhớ họ từng giây từng phút và như thể họ đã đồng hóa làm một với chàng. Khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười của cha, của mẹ, của anh như hòa tan trong máu huyết chàng. Kể từ khi có sóng thần, Vi Da hết còn bé bỏng, chàng thoát xác nhanh chóng. Ở trường chàng chăm chỉ học hành và về nhà chàng tận tâm giúp đỡ công việc đồng áng. Chàng quí trọng mọi điều tốt lành và vì đã chứng kiến sự tàn bạo của sóng thần, nên chàng không thể chấp nhận những điều độc ác. Càng ngày chàng càng trở nên lịch duyệt, từng trải. Chàng không hề cho ai biết nỗi cô đơn của mình vì ngại làm phiền đến người khác. Chỉ có mỗi khi Sen Ái cười nói hay chọc phá chàng, nụ cười của chàng mới tươi sáng, thoải mái.

Bây giờ đứng nhìn hai người đàn ông xây nhà trên bãi biển, Vi Da chợt cảm thấy lòng mình vui rộn rã. Trong đầu chàng xoay chuyển nhiều câu hỏi. Có thật người ta bắt đầu dựng lại nhà trên bãi biển không? Chàng có nên bắt chước họ không?

Từ trên đồi bỗng vọng lại tiếng chân người. Họ ngẩng đầu lên và thấy ông lão quí tộc đang chậm rãi đi xuống. Ông lão đã quá già yếu, bước đi nặng nhọc phải nhờ hai người đầy tớ nâng đỡ.

Người đàn ông cao niên nhất vất cái búa xuống đất nói:

- Ông lão đến rồi đó. Chắc ông lão giận lắm, bằng không đời nào lại chịu rời khỏi lâu đài.

Thân hình ông lão run lên, tay nắm chặt cái gậy. Khi đến gần họ, ông khẽ vuốt râu, dụi mắt. Dạo này trông ông mảnh khảnh như một cành trúc, râu tóc bạc phơ lất phất bay trong gió, giống hệt như một tiên ông ẩn cư trong một cổ tự trên đỉnh núi. Ông hắng giọng nói:

- Sao các người dại thế! Không chịu ở yên nơi nhà lão lại dẫn xác về đây sống với hiểm nguy. Các người bắt chước cha ông các người làm chi, rồi đây sóng thần sẽ tàn phá hết.

Người cao niên nhất ôn tồn đáp:

- Thưa Ngài, biết đâu sóng thần sẽ không đến nữa.

Ông lão run giọng quả quyết:

- Sóng thần sẽ đến lại. Suốt đời lão đã nhiều phen cứu vớt những người ngu dại thoát khỏi sóng thần. Nhưng đến lượt các người, đừng đến nhờ cậy lão nữa nhé!

Đột nhiên Vi Da xen lời vào:

- Thưa Ngài, đây là quê hương của chúng tôi, nơi chúng tôi chôn nhau cắt rún. Dù có hiểm nguy vì núi lửa hay biển cả, chúng tôi vẫn muốn trở về sinh sống ở đây.

Ông lão chăm chăm nhìn chàng hồi lâu rồi hỏi, giọng nhuốm vẻ ngạc nhiên:

- Hình như lão có gặp cậu ở đâu rồi.

Vi Da thẳng thắn đáp:

- Thưa Ngài, cháu đã hân hạnh đến lâu đài cùa Ngài một lần rồi.

Ông lão gật gù nói:

- À, lão nhớ ra rồi, lão muốn nuôi cậu làm con lão. Hà, những người trẻ tuổi mới ngờ nghệch làm sao. Đáng lẽ cậu đã được sống an nhàn nơi nhà lão, cả con cái của cậu nữa. Sóng thần không bao giờ làm hại được lão.

Vi Da lắc đầu đáp:

- Lâu đài của Ngài cũng không có gì bảo đảm. Chỉ cần động đất khá mạnh là sụp đổ như những căn nhà khác. Chúng ta không thể nào tìm được một nơi nào hoàn toàn yên ổn trên hải đảo cả. Chúng ta phải can đảm sống vì không thể làm khác được.

Mấy người thợ đều nói:

- Vâng, cậu nói có lý lắm.

Rồi họ lại tiếp tục làm việc. Ông lão giận dữ nhìn họ một lúc rồi nói:

- Các người nhớ nhé, đừng cầu cứu với lão khi gặp sóng thần.

Vi Da lễ phép thưa lại:

- Ngài giận mà nói thế, chứ cháu biết Ngài bao giờ cũng rộng lượng giúp kẻ hoạn nạn.

Ông lão lắc đầu rồi mỉm cười nói:

- Tiếc rằng cậu không chịu làm con lão.

Rồi ông quay vội về lâu đài và khép kín cổng lại.

Kiều Uy và Vi Da cũng trở về nông trại. Từ ngày ấy cả nhà nhận thấy Vi Da như luôn luôn bồn chồn, lo nghĩ về một điều gì. Họ vẫn nghĩ Vi Da sẽ trở thành một nông phu thành thạo vì chàng đã thấu suốt mọi việc đồng áng và được cha Kiều Uy tín cẩn quí mến. Nhưng Vi Da không thể quên được điều tâm niệm. Một hôm đang làm việc ngoài đồng, cha Kiều Uy bảo chàng:

- Chú biết cháu là một người con  hiếu thảo nên không thể từ bỏ truyền thống của gia đình cháu. Cháu cứ tự nhiên cho chú biết ý định của cháu.

Vi Da thành thật trả lời:

- Dạ cháu muốn sắm một chiếc thuyền để trở lại nghề đánh cá như cha cháu.

Cha Kiều Uy vừa đắp lại những luống cải vừa lẩm bẩm:

- Quả thực sự sống mạnh hơn sự chết.

Từ hôm đó, cả nhà biết là một ngày kia Vi Da sẽ trở lại với biển cả và sẽ dựng nhà trên bãi biển. Ở đấy bắt đầu đã có nhiều ngôi nhà dựng lên, thô sơ và rất mỏng manh như những hộp đồ chơi trẻ con, chỉ cần một đợt sóng thần cũng đủ kéo sập và cuốn trôi đi tất cả. Tuy vậy cũng tạm che được mưa nắng làm nơi trú ngụ cho gia đình ngư dân. Và cũng như ngày xưa, không có căn nhà nào có cửa sổ trông ra biển. Mỗi gia đình lại dựng nhà trên mảnh đất của tổ tiên họ. Phía cuối dãy còn chừa một khoảng đất thuộc quyền sở hữu của Vi Da, trước kia thuộc về cha chàng.

Một buổi tối nọ, Vi Da thố lộ cho cả gia đình Kiều Uy biết:

- Khi nào sắm được thuyền, cháu sẽ cất một ngôi nhà ở đó.

Cha Kiều Uy tiếp lời:

- Từ hôm nay, chú sẽ trả lương cho cháu vì cháu đã trưởng thành rồi.

Từ đó Vi Da dành dụm tiền để mua thuyền. Không bao lâu mộng ước của chàng thành sự thật. Chiếc thuyền rất tốt, dáng thon thon, gỗ chắc chắn và cột buồm mới tinh. Hôm mới mua thuyền, chàng rủ Kiều Uy chèo thuyền ra eo biển. Giữa biển cả mênh mông, chưa bao giờ Vi Da cảm thấy hạnh phúc đến thế. Riêng Kiều Uy không quên được giòng nước giá lạnh ở dưới sâu. Nhưng chàng không nói điều đó với bạn, ngại làm bạn mất vui.

Vi Da tâm sự với Kiều Uy:

- Tớ vẫn luôn tự nhủ một ngày kia sẽ trở về với biển cả, hôm nay tớ đã hoàn thành được mộng ước. Này Kiều Uy...

Vi Da bỏ lửng câu nói, mặt chàng bỗng đỏ gay lên. Kiều Uy ngạc nhiên nhìn bạn. Mãi một lát sau Vi Da mới ấp úng nói:

- Sen Ái có sợ sống gần biển không Kiều Uy nhỉ?

Kiều Uy ngac nhiên hỏi lại cho rõ:

- Tại sao Sen Ái phải sống gần biển?

Mặt Vi Da càng đỏ gay lên, nhưng chàng nghiêm trang nói:

- Tại vì tớ sẽ dựng nhà trên bãi biển và muốn xin phép cưới Sen Ái làm vợ.

Kiều Uy sửng sốt đến há hốc miệng ra. Chàng trố mắt nhìn bạn, Sen Ái là em gái chàng và chàng không thể nào tin nổi Sen Ái lại có thể làm vợ bất cứ ai. Chàng lại không thể tin nổi có người muốn cưới Sen Ái làm vợ. Con bé tính tình vô ý vô tứ, lại hay chọc phá trêu ghẹo, nhiều khi còn giấu đồ đạc của chàng khiến chàng phải tìm kiếm đến bở hơi tai.

Chàng thành thực ngăn bạn:

- Cậu có điên mới cưới Sen Ái.

Vi Da cười:

- Cậu khác, tớ khác.

Kiều Uy thắc mắc:

- Nhưng tại sao cậu lại muốn cưới Sen Ái?

- Bởi vì Sen Ái làm cho tớ vui vẻ và yêu đời. Chính Sen Ái đã giúp tớ quên được sóng thần. Sen Ái lả lẽ sống của tớ.

Kiều Uy chép miệng:

- Nhưng Sen Ái nấu ăn dở lắm, lại hay để cơm cháy vì ham nói chuyện không đâu.

- Tớ không quan tâm đến chuyện cơm cháy lắm. Tớ yêu Sen Ái.

Kiều Uy nhìn bạn lắc đầu. Chàng thấy thương hại cho Vi Da quá. Vi Da làm nhà, chuyện có thể tin được. Vi Da muốn cưới Sen Ái,,, thật hết nước nói.

Vừa về đến nhà, chàng đến gặp cha báo tin ngay:

- Này ba, Vi Da muốn cưới Sen Ái làm vợ đấy, con bé Sen Ái...

Cha chàng đang chọn lựa hạt giống vì đã đến tiết Xuân. Ông cười dí dỏm ngắt lời ngang:

- Ba biết hai đứa có tình ý với nhau từ lâu rồi!
 
- Sao Vi Da lại đối xử tốt với Sen Ái vậy ba?

- Thì Sen Ái xinh quá mà!
 
- Xinh gì? Con chả thấy xinh gì cả. Ba cứ trông cái mũi ngớ ngẩn của Sen Ái thì biết.

- Ấy, Vi Da yêu cái mũi ấy đấy!
 
Kiều Uy thở dài:

- Con không thể hiểu nổi. Con bé Sen Ái lại hay giấu đồ và chọc phá Vi Da. Nhiều khi con thấy tội nghiệp cho Vi Da quá.

- Ấy, Vi Da lại khoái được Sen Ái giấu đồ và chọc phá đấy!

Kiều Uy đưa hai tay lên trời lắc đầu:

- Con thật không hiểu ba muốn nói gì.

Cha Kiều Uy mỉm cười thích thú. Ông giải thích:

- Một ngày kia rồi con sẽ hiểu. Con còn nhớ lời ba nói không? Sự sống mạnh hơn sự chết, bây giờ là lúc Vi Da sẵn sàng làm lại cuộc đời đó.

Và rồi, vào một ngày mùa hạ, lễ cưới của Vi Da và Sen Ái được cử hành. Kiều Uy vẫn không hiểu gì cả. Ngay trong những ngày cuối trước hôn lễ, Sen Ái vẫn chứng nào tật ấy, nghịch ngợm, chọc phá. Và cả hôm lễ cưới, Sen Ái còn giấu mất lược của chàng. Kiều Uy bực mình nói:

- Anh không thể hiểu sao Vi Da lại có thể yêu em được, Nghịch ngợm, chọc phá, hay giấu đồ, nấu ăn dở... Rước em về đúng là rước của nợ.

Sen Ái nghiêng nghiêng đầu nhìn chàng, lưỡi lo le như lêu lêu chế nhạo. Đôi mắt bồ câu mở lớn rạng rỡ:

- Anh lầm to rồi. Em đối xử rất tử tế với anh Vi Da mà!

Rồi việc đâu cũng vào đó, lễ cưới hoàn tất và cả gia đình đưa tiễn đôi tân hôn về ngôi nhà mới cất trên bãi biển, Kiều Uy bỗng thấy buồn buồn. Vắng Sen Ái chắc nông trại trống trải lắm và chắc chàng sẽ nhớ em gái nhiều. Có lẽ mỗi ngày chàng sẽ phải xuống đây thăm em gái và Vi Da. Từ đây sẽ không còn bóng dáng reo vui của Sen Ái ở nhà bếp, buồng ngủ, vườn cây. Chắc chàng sẽ nhớ đến cả những lần bị em gái trêu chọc. Tự nhiên chàng thấy lo cho em gái. Nhỡ ra sóng thần lại đến thì sao?

Khi mọi người đến căn nhà mới cất, Kiều Uy hỏi Vi Da:

- Này Vi Da, nhỡ ra sóng thần lại đến thì sao?

- Anh đừng lo, em đã tiên liệu hết rồi.

Vi Da chỉ cho cả nhà xem căn phòng đối diện với biển cả. Căn phòng lớn nhất nhà, vừa là phòng ngủ ban đêm vừa là phòng ăn, và cũng là nơi làm việc ban ngày. Vi Da đẩy tấm chăn qua một bên. Trước mặt họ biển xanh đang dâng sóng mênh mông, nhấp nhô trắng xóa theo gió chiều. Mặt trời đỏ ối chìm dần xuống biển sâu. Ở chân trời những áng mây vàng lơ lửng thênh thang. Mọi người đăm đăm nhìn ra biển. Vi Da lên tiếng:

- Con đã cất nhà nhìn ra biển. Nếu sóng thần đến con sẽ kịp thời chuẩn bị. Con sẽ mạnh bạo đương đầu với sóng thần. Con không sợ.

Cha Kiều Uy vỗ vai Vi Da khen:

- Cha biết con là người tháo vát và rất can trường.

Cha con Kiều Uy ra vè. Gió buổi chiều mát rượi, những hạt cát nhỏ chạy lăn tăn trên bãi biển tạt vào chân hai người. Kiểu Uy vừa đi vừa lẩm bẩm: quả thật sự sống mạnh hơn sự chết.

Phía sau xa, Vi Da đang nắm tay Sen Ái nhìn theo. Căn nhà của họ lung linh trong nắng chiều...


TRƯỜNG ĐỨC MINH VĂN    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 192, ra ngày 1-1-1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>