Mười sáu tuổi lớn, tôi vẫn như chú chim non chưa đủ lông cánh, nằm hoài trong tổ ấm đan kết bằng những sợi cỏ thương yêu của Mẹ Cha. Chú chim thật bé bỏng trong sự săn sóc, chìu chuộng vô bờ dưới bàn tay ấm êm của mẹ, với sự nâng niu, thương yêu ngút ngàn trong ánh mắt của ba. Anh tôi đã lập gia đình, em tôi hãy còn quá nhỏ ; thế nên tôi ở vào vị thế được cưng chìu và thương yêu nhất. Tôi chưa biết thế nào là mùi vị của con roi mây tả tơi đầu ngọn quất vào đít, vào lưng như những đứa trẻ hàng xóm vẫn thường đón nhận. Đôi má của tôi cũng chưa hề một lần in hằn vết hồng năm ngón bàn tay... Như bao đứa trẻ mới lớn, tôi cũng đánh lộn với bạn bè, tụ năm tụ bảy phá rào trộm ổi, trộm xoài, hơn thua, giành giựt từng tí với em, nhác lười với sách vở... ôi sao kể cho hết. Nhưng chẳng bao giờ tôi phải nói là cả ba anh em tôi bị đánh. Hình phạt duy nhất của ba, mẹ dành cho mỗi lần lầm lỗi là ánh mắt Người chùng xuống, man mác nét buồn xa vời vợi. Ôi! Ánh mắt. Tôi sợ ánh mắt Người khi đó hơn là sợ bị đánh bằng roi, bị tát vào mặt, bị nạt nộ mắng la. Quát to, mắng nặng, âm thanh rồi cũng tan loãng trong hư không. Ngọn roi có cứa thịt, cái tát có mạnh tay ; vết tích cũng nhạt nhòa. Nhưng ánh mắt của Người còn hoài, đó là nỗi ám ảnh không rời.
Hãy còn bé dại! Với sự giận hờn túc trực ngày đêm. Mười sáu tuổi lớn nhưng vẫn thòm thèm, la cà trước quầy bánh kẹo, vòi tiền mỗi lần ôm cặp vở đến trường. "Vợ đứng chờ ngoài ngõ mà còn đòi tiền ăn hàng. Không biết dị". Thế là tôi ôm cặp đi một hơi, không thèm ngó lại mặc tiếng mẹ gọi với đằng sau. Cơn tức ngập ứ cổ họng. Trưa về, hay chiều về, tôi vào nhà với bộ mặt lạnh như đồng. Vứt càn cặp vở lên bàn, và vào phòng đóng cửa lại, leo lên giường kéo mền phủ đầu. Mẹ gọi hoài cũng không thèm lên tiếng. Quyết bỏ luôn bữa cơm ; tuyệt thực. Mẹ gọi một hồi, mẹ bỏ đi. Nghe tiếng chân xa dần mà nước mắt ứa ra. Nhưng mẹ tôi! Mẹ ơi, viết đến đây con nhớ mẹ ghê. Mẹ bao giờ cũng chịu "thua" tôi. "Huy ơi, ra ăn cơm đi con. Rồi mẹ cho tiền. Mau đi con. Mau ra ăn cho mẹ ăn với. Đói bụng quá rồi nè..." Tôi cũng còn cố làm bộ trì tay vài lần, không cho mẹ kéo đi rồi mới chịu xuống bàn cơm. Bụng cồn cào cả buổi rồi.
Tôi muốn được sống hoài trong sự giận hờn như thế với mẹ. Còn giận hờn, còn nũng nịu là biết mình còn đang ngụp lặn trong bầu trời thương yêu không tưởng. Mẹ ơi! Con của mẹ vẫn hoài nhỏ bé. Tôi là con trai, nhưng bên mẹ, tôi nhõng nhẽo hơn cả con gái. Tôi đòi cho được chính bàn tay mẹ, bàn tay năm ngón đen đủi, gầy khô, gãi lưng hay gãi đầu cho tôi. Mỗi lần "bắt" mẹ gãi đầu, gãi lưng, tôi hay ngủ vùi trong lòng mẹ. Mái tóc mẹ thơm nồng hương nhớ. Mùi da mẹ đậm đà, ngọt lịm. Mái tóc mẹ thật dài, đen mượt. Tôi hay bới tìm cho mẹ những sợi tóc trắng, bạc ; để kiếm tiền mua kẹo. Một sợi tóc bạc là một viên kẹo. Ngày đó, tôi cứ mong mẹ có thật nhiều tóc bạc. Để tôi có nhiều kẹo. Bây giờ, tôi mới thấy ước mơ đó thật dại dột. Bởi thêm một sợi tóc bạc trên mái tóc mẹ là một ngày tôi có mẹ bị rút ngắn... Với tôi, từ ăn, uống, tới áo, quần, cái chi cũng phải có mẹ. Hở một tí là gọi mẹ. Cái này cũng mẹ! Cái kia cũng mẹ! Mẹ! Mẹ! Mẹ! Cho có lần, mẹ cốc yêu trên đầu tôi, mắng nhỏ: "Cái chi cũng kêu mẹ hết, rồi tới khi mẹ chết thì kêu ai, thằng chó?". Đến khi mẹ chết, tôi biết kêu ai? Nước mắt chảy dài trên má "Nín đi chó con, nói rứa chớ mẹ không chết đâu. Chết rồi bỏ con cho ai đây. Nín đi, con trai chi hở một tí là nhè..."
Một lần, ba giận mẹ, bỏ cơm tối. Chỉ tại tôi. Chẳng biết tại sao nữa, cái độc bình rơi xuống đất vỡ tan trong lúc tôi với tay kéo đĩa bánh. Mẹ tôi dưới bếp đi lên, bắt ngay quả tang. Tôi bị phạt quỳ suốt buổi chiều và nhịn cơm tối. Có thế mà ba giận mẹ. Ba tôi ít nói vô cùng. Nhưng trong ánh mắt của ba, ánh mắt mệt mỏi lờ đờ vì lao động quá sức nhưng lại rạng rỡ niềm vui lúc nhìn con cái ; tôi như ngụp lặn trong biển sóng thương yêu, với lời thầm thì của sóng "ba thương con hơn cả thương chính ba, ba hy sinh cả cuộc đời còn lại của ba chỉ vì chúng con". Ba nhắc nhở để mẹ lo cho tôi từng miếng ăn, miếng mặc. Đôi khi tự tay ba pha và chia sớt những tách trà nóng hổi, đăng đắng mà ngọt ngào hương vị thương yêu, để tôi tỉnh táo bên bàn học. Những đêm dài bên bàn học, ba thức với tôi. Ba ngồi như rứa đó. Làm sao phai nhòa được trong tim hình ảnh ba ngồi phẩy quạt đuổi muỗi bu dưới chân tôi, ba với tách trà bốc khói và giọng ba ấm êm, khuyến khích tôi mỗi lần nản chí. Mấy tháng trời học thi là mấy tháng ba thức trắng với tôi. "Con đừng lo cho ba. Chỉ cần nhìn con cặm cụi viết lách, học bài dưới ánh đèn đêm là bao nhiêu mệt nhọc ban ngày của ba tan biến..."
Tôi vất càn chiếc xe đạp rồi chạy vù ra vườn tìm ba. Ba đang cuốc đất. Tôi nhảy tới, ôm chặt lấy ba "Ba ơi! Ba ơi! Con đậu rồi". Tôi nhớ rõ cảm giác đau đau của thân mình bị bóp chặt ; hình như bao nhiêu sức lực trong người ba dồn cả vào đôi tay ôm lấy tôi. Ánh mắt ba, miệng môi ba, bấy giờ là những nụ cười rạng rỡ nhất trong đời. "Má thằng Huy ơi! Má nó ơi! Con nó đậu rồi nè. Làm tôi con gà thiệt mập nghe..." Giọt rượu đầu tiên trong đời ba chảy vào cuống họng. Nồng đắng nhưng ba nghe sao ngọt lịm. Ba tôi đã nói thế.
Nhưng có một phút giây nào đó của niềm vui vừa đến với gia đình, tôi chợt gặp ánh mắt của mẹ chùng xuống. Xa vời, buồn chi lạ. Bây giờ tôi mới hiểu được. Ngồi vui đây mà nghĩ đến ngày con xa mẹ, đến ngày con phải tiếp tục việc học ở một phương trời xa lạ. Ai, ai sẽ thay thế mẹ để lo cho con? Ai lo cơm nước đầy đủ cho con? Ai biết rõ từng ý thích một để chìu chuộng con bằng mẹ? Ai thang thuốc, chăm sóc cho con lúc ốm đau..." Phải mẹ đã nghĩ đến như thế không mẹ của con. Nên những ngày còn bên mẹ, mẹ chăm sóc tôi thật kỹ. Mỗi khi đi chợ, mẹ thường hỏi tôi, hôm ni thích ăn chi, món gì, nói mẹ mua cho... Ăn đi con! Ráng ăn cho nhiều đi con. Chừ có không ăn rồi hồi muốn ăn, thèm ăn cũng không có mà ăn. Những ngày đó mẹ khóc hoài. Khóc âm thầm trong giấc ngủ. Nước mắt thấm ướt gò má đen sạm, nhăn nheo trong những lúc ngồi nhìn tôi và cơm. Có những miếng cơm nuốt không trôi. Có những lần tôi gục mặt vào chén cơm cố ngăn tiếng khóc. Có phút giây nào đó, tôi tưởng như đã buông rơi chén cơm và đôi đũa trong tay để ôm chầm lấy mẹ. "Con sẽ không đi, con sẽ không xa mẹ đâu". Một ước mơ dại dột đến trong những phút giây rạt rào thương yêu đó. Ừ nhỉ! Sao tôi chẳng như "con cò đi ăn đêm đậu cành mềm" đi, để tôi còn được ở bên mẹ một năm nữa. Để nước mắt và sự buồn thương khoan đến với mẹ... Tôi vẫn là chú chim non nhỏ dại trong tổ ấm của mẹ.
Nhớ ngày ra đi, chỉ có ba, anh chị và em tôi đưa tiễn. Mẹ không đi. Mẹ nằm khóc vùi trong phòng. Vai rung lên từng hồi, mặt úp vào gối, mái tóc sổ bung rối loạn... Mẹ tôi đó! Hình ảnh rõ nhất mà ký ức đã mang theo trong ngày đi...
Đưa tôi tới tận cửa phi cơ, ba cúi xuống hôn trán tôi. Có miền nào trên khuôn mặt mang cảm giác âm ấm, ướt ướt. Hình như vừa có những giọt nước mắt lung linh, "ba tin tưởng nơi con". Bàn tay ba xiết chặt tay tôi. Cái bắt tay đầu tiên cho ngày chập chững vào đời. Con lớn rồi, bao nhiêu nghị lực ba dồn hết cho con đó, hãy cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh, nghe con... Có phải ý ba muốn nói với con như vậy không ba?
Một ngày nào đó tôi sẽ trở về. Con có lớn không thưa ba? Con có mập không, mẹ yêu? Chắc chắn, tôi đã rõ câu trả lời của từng người rồi. Ba sẽ chỉ nhìn tôi, trả lời bằng ánh mắt mà không nói một lời. Còn mẹ tôi, trái lại, mẹ nhìn tôi ái ngại: "Mập chi mà mập, ốm như cây tăm tre mà đen như cột nhà cháy nữa..." Phải rồi, tôi sẽ ốm, phải ốm trong tầm mắt mẹ. Tôi làm sao khá nổi khi sống ngoài sự săn sóc của mẹ.
Người ta chẳng sao níu kéo được thời gian nhưng vẫn có thể khắc ghi được kỷ niệm... trong trí nhớ, trong tâm khảm mình. Nhất là với những kỷ niệm đã trở thành vốn liếng riêng tư cho đời một người. Cho đến bây giờ, khi đã giáp mặt với cuộc đời, chạm trán với những hoàn cảnh trớ trêu làm cho tôi khôn lớn lên, dày dạn ra ; tôi vẫn tưởng mình còn hoài là con chim nhỏ bé để nằm mãi trong tổ ấm của của mẹ cha sau mỗi lần tìm về ngày tháng vừa vuột xa. Tôi vẫn còn được mơ ước có một ngày trở về và sống lại bên mẹ hình ảnh thơ dại của tôi ngày trước.
HOÀI MÂY
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 189, ra ngày 15-11-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.