Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Mai Ra Biển Rộng

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Về đây mây núi mong chờ
Sông hồ có nắng vàng mơ ấm lòng

Mùa thu trong mắt em mong
Thơ tôi một khoảng trời hồng ban mai

Lung linh nắng nở chân người
Mây thu xuống thấp rừng phai lá vàng

Ta ươm hạt mới thiên đàng
Chiều sương khói đã về dâng nụ đầu

Phải em người của mai sau
Trong đôi biển ấy âu sầu tát vơi

Hãy cho hoa gấm thêu đời
Và cho dịu mát những lời ru ngoan

Lòng tôi những hạt mưa nguồn
Về đi dòng suối tình thương đời đời

Mai ra biển rộng ai ơi
Cho lòng tươi sáng muôn đời mai sau

                                       UYÊN THỤY HỒN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 55, ra ngày 11-9-1972)

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Bến Chiều

 


 

 

 

 

Em có buồn chăng những buổi chiều
Khi mưa về buốt nỗi đìu hiu
Xanh hương trên lối vàng cỏ mục
Chút khói thu vừa giăng cô liêu

Thoáng bước em về trên bến mơ
Tìm xưa con nước đọng mơ hồ
Cho nhớ môi cười thơm hương vỡ
Một giấc xưa buồn trăm ước mơ

Anh vẫn đi ngang mỗi lúc chiều
Trong hồn bừng vỡ mộng thương yêu
Để thấy đôi lần xanh tóc cỏ
Khi bóng em gầy nghiêng nắng thêu

Thoáng chút tình vui ngang mắt sao
Lòng bỗng tơ vương sợi khói nào
Em thấy chăng thời gian vời vợi
Khi bước chân buồn mưa xôn xao

Anh sẽ xin cho nắng rất hồng
Rót vào mắt biếc chút long lanh
Và xin yêu dấu bay vừa đến
Thổi mất buồn xưa cho lá xanh

Em có buồn chăng mùa thu về
Làm rớt hương chiều trên bến mê

                               ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN
                                    (nhóm giao hữu)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 11, ra ngày 3-10-1971)

 

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Nhìn Xuống


Bỗng dưng Bé tự nhủ phải rướn người lên, chạy thật mau... thật mau để trốn tránh tiếng còi xe inh ỏi phía sau. Tiếng còi của một chiếc xe Huê kỳ lộng lẫy trong những chiếc xe khác tấp nập trên đường phố, rước học sinh về chiều thứ bảy, chiếc xe có phủ rèm kín mít mà ban nãy đi ngang qua và bất chợt nhìn vào... không hiểu có một động lực nào thúc đẩy mà nước mắt Bé trào lên... bước đi vội vã như chạy trốn... Mà thật... Bé đang chạy trốn hình ảnh ấm cúng của một con chim sẻ nhỏ bé nép trong vòng tay âu yếm của Ba Me... con bé nhỏ bạn học cùng lớp Bé đó - ngồi lọt thỏm trong chiếc nệm dầy, đầu gối lên cánh tay Ba tựa trên thành ghế, nói chuyện huyên thuyên, tay bóc giấy cây kẹo Me ngồi bên trái đưa cho, trong lúc chú tài xế phía trước thò đầu ra ngoài quay xe lại, nhận kèn buốt óc, rồi thì chiếc xe to kềnh càng ấy vun vút lượt qua mặt Bé, bánh xe nghiến lên mặt đường qua những vũng sình làm nước bắn tung tóe lên... ơ hay! Sao Bé khóc được nhỉ?... Bé đang khổ sở đó, khổ sở vì hình ảnh ấy đã như một đống tro vừa dậy lửa lên trong lòng, và Bé đang chạy trốn kỷ niệm xưa gấm lụa của những buổi sáng Ba bế trèo qua cửa sổ, và chiếc vườn nhỏ đầy cỏ dại để hái nhưng hoa tím xinh xinh cho vào giỏ và những buổi chiều đi học Ba rước về muộn, đứng cạnh giáo đường, ngơ ngẩn lắng tai nghe một loài chim có tiếng hát véo von, đậu trên thành gỗ ngời bóng của chiếc ghế dài trong hàng hàng lớp lớp dãy ghế khác, nuối tiếc một ngày đẹp trời trôi qua...

Me ơi! Bé có sợ kỷ niệm đâu, vì kỷ niệm làm cho tình cảm tâm hồn thêm phong phú, nhưng mỗi lần nhớ tới nó, qua môi trường của một hình ảnh khác, Bé xót xa ghê lắm, nên muốn quên đi mãi mãi như đã quên rằng Ba nằm sâu trong lòng đất, để có những đêm Me lay dậy hỏi:

- Sao đêm nay Bé gọi Ba nhiều thế, làm Me sợ...

Bé cố nhoẻn nụ cười:

- Bé mơ thấy Ba... Ba dắt Bé đi chơi, Ba chở Bé trên xe êm thật êm... Me ạ!

Me ơi! Bé không dám nhìn Me lúc đó vì qua những tia sáng hắt vào từ khe cửa sổ, mắt Me loang loáng sầu...

Bé đứng trước sự lặng lẽ của căn nhà mái lá ọp ẹp giây lâu rồi bước thẳng vào trong, Bé định sẽ ngả vào lòng Me khóc và than thở với Me thật nhiều cho vơi bớt nỗi buồn đang ngun ngút dậy trong lòng Bé, cho Me biết Bé đang khổ sở trong vòng gươm giáo sáng ngời của những tên phiến loạn kỷ niệm hờm sẵn vây Bé vào giữa. Nhưng Bé dừng ngay ngạch cửa ra sau vì... Me Bé kia... Me đang đùa những ngón tay lên nền gạch Tầu ẩm mốc chắt chiu mớ củi dăm bỏ vào thùng, những ngón tay gầy guộc nứt nẻ làm Bé chợt liên tưởng đến những nhánh cây khẳng khiu vươn vươn chìa ra trong bầu trời xám ngắt lúc nãy Bé đi học về... Ý định tan tành trong hồn, Bé quay thật nhanh lên, mở toang tủ quần áo, vùi đầu khóc trong sự mát dịu lẫn nhung êm để mặc niệm chuỗi ngày nước mắt chưa hoen mi...

*

Khi lớp Bé được Soeur Angelique hướng dẫn đến trại tạm cư L.S. thì trời cũng bắt đầu mưa. Cả bọn nhốn nháo hẳn lên và cố gắng lách vào các mái tôn chìa ra ngoài để núp mưa, tuy nhiên Bé vẫn không quên giỏ quần áo lẫn thực phẩm mà Soeur Angelique phân phát cho từng đoàn 2 đứa trước khi đi. Cá toán khác chia nhau đi tiếp tế cho trại tạm cư mà Bé vẫn còn đứng một chỗ vì Hảo. cô bạn cùng toán với Bé đâu mất tiêu hà... Kìa! Loáng thoáng sau màn mưa trắng đục rơi đều, nhẹ như những sợi tơ căng thẳng và chạy đều trên khung cửa bóng con bé ngơ ngác, hết xoay qua rồi xoay lại... chắc tìm Bé chứ gì? Mừng quá, Bé quên cả mưa, chạy ào qua bên kia, xoay lấy vai cô bạn mắng mỏ:

- Con khỉ nè! Người ta tìm muốn chết đây!

Con bé giật mình quay lại rồi cười khúc khích:

- Chứ bộ mình không kiếm Hà sao?...

Cả hai dứa cùng cười, chia nhau xách hai bên giỏ, bọn Bé tiến sâu vào các nhà cuối dãy, những nhà luôn luôn nhận sự tiếp tế muộn màng nhất. Con bé Hảo lách vào trong một căn nhà nhỏ, Bé theo sau. Thoạt đầu hai đứa định tìm chủ nhà để trình bày lý do cuộc thăm viếng, nhưng Bé lẫn Hảo đều ngơ ngác vì người lớn nhất trong nhà là cô bé trạc bằng tuổi Bé với 4, 5 đứa em lăn lóc dưới đất. Hảo hỏi nhỏ, giọng ngắt quãng:

- Tụi nầy là đoàn viên tiếp tế của trường... Không biết chủ nhà ở đây là ai ạ, chị có thể cho biết?

Cô bé có cặp mắt soi mói, nghi ngờ hết nhìn Bé, nhìn Hảo rồi mới trả lời:

- Má tui đi vắng rồi, Ba tui chết trong biến cố... chỉ còn tui với mấy đứa em lăn lóc dưới đất - tui là chị Hai...

Thì ra thế. Hảo nhìn Bé rồi bằng giọng hoạt bát con bé cho cô bé đối diện biết nguyên nhân sự có mặt của hai đứa rồi ngỏ ý để cô nhận sự giúp đỡ trong lúc Bé im lặng chờ đến mình... Đây gọi là một căn nhà cũng không đúng vì nếu mới nhìn và nếu không có người ở, người ta sẽ ngỡ đó là một chỗ để xe với chiều ngang khoảng bốn thước chiều dài được ngăn ra bằng những miếng vải bố vá chằng chịt, dành chỗ cho mỗi gia đình tạm trú, có những gia đình không có mảnh vải nào để ngăn thì đành vậy, từ trước ra sau nhìn trót lọt. Rồi trời mưa, những giọt nước cứ theo những lỗ trống bất đắc dĩ rào rào chảy xuống, cả gia đình chìm vào cảnh ngập lụt. Trời ơi! Sao họ khổ thế nhỉ? Còn cái rãnh cống đen xì nước băng trôi qua trước "nhà" nữa, làm mùi gì hăng hắc xông lên đến ngộp thở vậy chỉ đứng chút xíu mà Bé nghe choáng váng cả người. Nhà Bé đâu mà đến nỗi thế, sáng sủa chứ đâu ánh nến chập chờn thế kia, mà trời mưa chả phải lo lắng như vậy nữa, cứ thu mình trong chăn ngủ tót tới sáng... Nếu trời bắt Bé chỉ ở một ngày - một ngày thôi - trong căn nhà lụp xụp nầy, Bé sẽ ra sao nhỉ?... Chao ơi! Bé chả dám nghĩ tới nữa... Hảo nói xong rồi kia, giờ đến phiên Bé... Ơ kìa! Ánh mắt mặc cảm của cô bé và đôi đôi mắt to tròn thao láo pha lẫn vẻ vồ vập của mấy đứa trẻ sao làm tay Bé bối rối thế này nhỉ? Hơn cả lúc ánh mắt của dì giám thị chiếu tọa độ vào Bé nữa cơ! Bé chả cần phải loay hoay lâu để sắp đặt cách biếu vì khi miệng giỏ mở tung ra, là lũ trẻ ùa tới, xòe bàn tay chen nhau trước mặt Bé van xin. Tự dưng Bé muốn rơi nước mắt ghê đi ấy, xã hội Việt Nam nầy còn có những bàn tay - xòe ra với người đồng chủng hay sao?!? Nhưng Bé cố gượng (Hảo thấy về trêu Bé chết!) tay trao số thực phẩm lẫn quần áo định sẵn. Nét mặt cô bé "chủ nhà" rạng rỡ hơn bao giờ hết khi nhìn mấy đứa em đưa tay lật đật rồi ướm thử vào người từng chiếc áo cũ kỹ, chiếc váy đầm phai mầu. Một cậu bé, chắc hẳn đang tắm ngoài mưa mình mẩy ướt đẫm, chạy ùa vào, xục xạo bao đồ hồi lâu rồi lôi ra chiếc áo sơ mi ngắn tay mặc vào người còn loang loáng nước, chiếc áo thật vừa vặn, cậu nhỏ vừa cài cúc, vừa nhìn áo rồi nhìn Bé cười ngây ngô, thân mật như đã quen nhau tự bao giờ:

- Vừa ghê hén chị?

Bé nhè nhẹ gật đầu, lòng mềm hẳn lại, quên cả chiếc áo ướt nước mưa vì che cho giỏ đồ ban nãy, quên cả cơn rét xoáy vào thịt qua từng cơn gió, tất cả chỉ còn lại trong mắt Bé ánh nến vàng lung linh soi rõ những khuôn mặt ngây thơ, chất phác trong gian nhà tối tăm chỉ muốn bay lên mỗi lúc gió to, một điển hình làm cho Bé băn khoăn cảm xúc khi so sánh hình ảnh nầy với hình ảnh cô bạn nhà giàu chiều thứ bảy nào.

Ba ơi! Bé nhìn xuống đây, và càng nhìn xuống, Bé càng biết mình chưa làm được gì hết, cả với công việc cỏn con nầy... Mùi cống vẫn tiếp tục hắt vào mũi làm Bé lợm giọng trở lại, đầu Bé nhức như búa bổ, trời đất xoay vòng trước mặt rồi tất cả rơi vào khoảng đen ngòm, tiếng Hảo cuống quýt:

- Kìa Hà! Làm sao thế?

Và tiếng kinh ngạc náo loạn xung quanh:

- Chị ấy xỉu rồi kìa chị Hai...

Bé tỉnh dậy trong cảm giác nóng ấm trên lưng và sự uể oải gợn lên trong từng mạch máu mỗi khi Bé cử động, toàn thân Bé hâm hấp sốt. Vừa nhận ra khung cảnh quen thuộc của căn nhà thì gương mặt Me cũng cúi sát Bé:

- Bé nầy, có nghe Me nói gì không?

Bé nuốt nước miếng đáp một cách khó khăn:

- Bé thức rồi đây Me! Phải Hảo đưa Bé về không hở Me?

Giọng Me se sẽ:

- Đúng đấy! Bé làm Me lo quá!... Bé uống thuốc nhé ; Bé bị cảm rồi đó! 

Bé nhẹ gật đầu, hình ảnh cuộc cứu trợ ban chiều ùa đến trong hồn Bé với tất cả góc cạnh đen tối và chua xót của nó nhất. Bất giác Bé nắm lấy bàn tay mát lạnh của Me, nói như trong cơn mê:

- Gia đình mình có phúc quá Me ơi!...


LINH HƯƠNG        

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 116, ra ngày 15-10-1969)


Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

Tuổi Hoa : Tuổi Thơ Bao Người

 

Lần đầu biết đến Tuổi Hoa, lúc đó có lẽ tôi chỉ lên 8 hay 9 tuổi. Khi còn ở với bác ở Châu Đốc, tôi chỉ biết đến tạp chí Thế Giới Tự Do được phát không cho dân chúng. Khi trở lại Sài Gòn sống với gia đình, tôi đã thấy cả một chồng báo Tuổi Hoa có sẵn trong nhà, có cuốn còn long cả bìa, chắc là vì đã được đọc nhiều. 

Bán nguyệt san Tuổi Hoa lúc bấy giờ đáp ứng đúng sở thích và lứa tuổi của tôi. Tôi nhớ mình đã say mê đọc những cuốn bán nguyệt san này nửa tháng ra một lần, và cả những cuốn truyện Tuổi Hoa loại hoa xanh và hoa đỏ nữa. Vì nhà tôi bán sách, nên những cuốn truyện này được bày bán đầy trên giá sách, kệ sách... nhưng tôi chẳng bao giờ đụng tới loại hoa tím! Thứ nhất, vì tôi chưa đủ tuổi, và thứ nhì, tôi cũng vốn ghét cái tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, Tuổi Ô Mai, hoặc Tuổi ươm mơ hay gì gì đó của mình, nên Tuổi Hoa loại hoa tím không bao giờ là sở thích của tôi cả! Hình như tôi có đọc vài cuốn loại hoa tím, nhưng chỉ vì tên truyện nghe có vẻ hoa đỏ, hoa xanh gì đó, nên đã vô tình khơi dậy trí tò mò của tôi mà thôi.

Mỗi nửa tháng một lần tôi cứ chờ được coi Tuổi Hoa thân yêu của tôi. Truyện nào, bài thơ nào tôi cũng say mê đọc như nuốt từng lời từng chữ, và chăm chú thưởng thức những bức hình do chú ViVi vẽ nữa. Tôi biết trong hội họa có nhiều trường phái như Lập thể, Trừu tượng, Thủy mặc, Siêu thực hay tả chân vân vân. Nhưng tôi thích trường phái mà chú ViVi theo đuổi nhất bởi vì nó giống thật quá. Tôi cứ nhìn hình rồi tưởng tượng mình là nhân vật chính trong bức hình đó! Hình nào chú ViVi vẽ cũng dễ thương ngộ nghĩnh khiến tôi nhớ đến tận bây giờ, nghĩa là tới tận cả nửa thế kỷ sau. Tôi còn thương cả những cuốn truyện hoa đỏ hoa xanh mà vì thời gian đã trôi qua lâu quá rồi, nên tôi không còn nhớ nổi cốt truyện nữa, nhưng vẫn nhớ mãi mãi những chuyện như có vài đứa bé bán vé số ở Khánh Hội. Lúc đó tôi không biết rằng Khánh Hội chỉ ở ngay trong thành phố Sài Gòn, cũng gần đây thôi, nhưng nghe sao xa lạ và kỳ bí lắm, và rồi tôi bị cuốn theo cuộc phiêu lưu của những đứa bé đó thật là hồi hộp.

Tới khi dám viết bài, gửi đăng bài, và bài được đăng vào Đồng Cỏ Non,  thì tôi mới dám mon men đến tòa soạn báo Tuổi Hoa chơi vào những chiều thứ bảy. Không khí tòa soạn Tuổi Hoa và tất cả những nhân vật hiền hậu trong đó nữa,  đều có vẻ thánh thiện, lắng đọng và nhẹ nhàng, chẳng giống gì so với cuộc sống xô bồ ngoài kia. Sao quên được câu mào đầu dễ thương đầu trang dành riêng cho các bé..."Vào Đồng Cỏ Non hôm nay, các bé sẽ gặp..." Nhớ cả trái tim nhỏ bé đập rộn ràng và sung sướng khi thấy tên mình in trên đó.

Giờ đây mỗi khi nhìn thấy vạt nắng vàng ngang qua khung cửa sổ, tôi lại nhớ đến những chiều ấy, khi tôi ghé lại Tòa soạn Tuổi Hoa để gặp tất cả những chú trong ban biên tập như chú Trinh Chí, chú Hoàng Đăng Cấp vân vân. Họ đã đi xa lắm rồi, nhưng bán nguyệt san Tuổi Hoa vẫn còn mãi trong tôi: Tuổi thơ của bao người.
 

Trần Thị Phương Lan      
(Bút nhóm Hoa Nắng)      

Ghi chú: Truyện Tuổi Hoa chia làm ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Hoa Đỏ là loại sách trinh thám, phiêu lưu, mạo hiểm. Hoa Xanh thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng. Hoa Tím đề cập đến tình cảm giữa nam nữ một cách trong sáng dành cho tuổi từ 16 đến 18.
 

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Biển Cả : Kho Tàng Vô Giá

 

 
 Nước là mạch sống.

Nước cũng tàn phá, hủy diệt sự sống của mọi loài trên địa cầu.

Nhưng thiếu nước chắc chắn con người không thể sinh tồn được. Năm 1930 tại miền Trung Hoa Kỳ, hàng vạn dân đã phải bỏ nhà cửa, đất đai ra đi vì trời làm hạn hán. Trong khi nhiều nơi khác tại Á Châu bão lụt và sóng thần tàn phá hàng triệu tấn mùa màng, giết hại cả vạn sinh mạng, đồng thời gây cho hàng vạn người bơ vơ không nơi trú ngụ...

Nước quý giá, và nước tai hại là thế.

Đến bao giờ nhân loại mới chế ngự và sử dụng được khối nước khổng lồ bao phủ ba phần tư địa cầu vào những công cuộc phụng sự cho hạnh phúc chung của mình?

Các nhà khoa học khắp thế giới đang tìm cách trả lời câu hỏi đó.

KHO TÀNG NÀO được xem quý giá hơn cả trong kho tàng biển cả vĩ đại? Dầu hỏa? Cá và rong? Hay lưu huỳnh?

Nếu bạn đem câu hỏi trên đặt với ông Athelstan Spilhaus một trong các nhà hải dương học nổi tiếng, chắc chắn ông sẽ trả lời bạn như sau: "Nguồn tài nguyên quan trọng và chính yếu nhất xuất phát từ biển cả, không phải là cá, chẳng phải muối, magnesium hay hàng bao nhiêu khoáng chất khác cũng không phải nốt. Nguồn tài nguyên bất tận ấy chính là nước.

Ơ... Các bạn có ngạc nhiên lắm không? Lạ nhỉ, tại sao lại là nước?

Bạn hãy xem. Trước tiên, chính nước tích chứa trong các đại dương, bốc hơi dưới sức nóng mặt trời, tạo nên mây và gió, tổng quát hơn là thời tiết. Gió và mưa ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta sẽ bàn đến trong dịp khác. Spilhaus tiên đoán rằng ngày mà chúng ta chế ngự được thời tiết phải là ngày chúng ta đã hiểu tường tận về đại dương.

Trong quá khứ, con người cũng đã thực hiện được những trận mưa nhân tạo, mưa ở bất cứ nơi nào họ muốn (nhưng cũng phải có mây mới tạo mưa nổi!). Đó là tiến bộ của kỹ nghệ khoa học.

Còn một lý do khác khiến chúng ta dám mạnh miệng bảo nước quan trọng hơn cả: nước trong ao, hồ, sông ngòi không đủ cung cấp cho nhu cầu nước quá lớn lao của chúng ta. Xưởng máy, kỹ nghệ, canh nông, hết thảy đều đòi hỏi một lượng nước khổng lồ. Mỗi ngày, dân Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 1 tỉ mét khối nước. Những kênh đào, những hệ thống dẫn nước được thiết lập hầu cung ứng nước cho các thành phố.

Sài gòn và vùng phụ cận, với dân số khoảng 3 triệu người bạn có thể tính được lượng nước đòi hỏi không? Nước uống, nước giặt, tắm táp, mỗi người trong chúng ta cần khoảng bao nhiêu nước mỗi tháng? Đấy là nhờ hệ thống bơm nước sông Đồng Nai.

Đại dương! Nước, nước nhiều quá, mênh mông bất tận. Hàng bao năm trước, vấn đề nước uống cho những thủy thủ trên các tàu vượt đại dương thật nan giải. Nước ngọt mang theo cạn sạch không còn lấy một giọt. Nhìn nước xanh ngắt bao quanh tứ phía, hẳn người thủy thủ phải ứa lệ xót xa vì đấy là nước mặn, không cách nào uống được.

Ngày nay, phần lớn các tàu xuyên đại dương đều được trang bi hệ thống chế biến nước biển mặn thành nước ngọt hầu thỏa mãn nhu cầu cần thiết. Nước trở nên dư dả, chỉ lo các du khách và thủy thủ đoàn không có sức mà nốc.

Có nhiều cách khác nhau để lấy nước ngọt từ nước mặn.

Đun sôi một ít nước muối. Hơi nước sôi bốc lên, ngưng đọng ở mặt dĩa, đặt xiên trên miệng ấm thành những giọt nước. Bạn nếm thử xem: nước không còn mặn nữa. Nước tinh chất bốc hơi, các hạt muối đọng lại ở đáy ấm. Với chiếc thùng hôm trước, đặt thêm một miếng gương chênh chếch trên miệng thùng. Phơi ra nắng, bạn sẽ hứng được nước ngọt. Chính vì thế, nước mưa là nước ngọt.

Một phương pháp khác là làm đông đặc nước muối. Nước tinh chất đông đặc thành nước đá, muối tách rời dưới dạng tinh thể. Vậy ta đi đến kết luận, các tảng băng ở địa cực là những tảng nước đá ngọt.

Một phương pháp khác nữa để tinh chế nước mặn thành nước ngọt uống được là điện giải. Nhưng đây là phương pháp không dễ gì thực hiện trong nhà bếp chúng ta.

Nhìn qua, ta thấy có nhiều phương pháp thật nhưng giá một lít nước ngọt kiểu này còn khi đắt.

Ngày nay, bên bờ Địa Trung Hải, giữa những vùng đất khô cằn xứ Libye, cũng như ven vịnh Mễ Tây Cơ giữa những cánh đồng thuộc tiểu bang Tezas, Hoa Kỳ, nạn hạn hán luôn luôn đe dọa nông dân. Ruộng đồng bỏ hoang, không thể canh tác vì thiếu nước. Như người thủy thủ năm xưa lênh đênh giữa biển khơi, các nông dân nhìn biển cả xanh bao la trước mặt một cách thèm thuồng. Hỡi ôi nước đại dương, tại sao mi mang vị mặn?

Nhiều quốc gia đang trong vòng nghiên cứu để hạ thấp giá nước ngọt tinh chế từ nước mặn.

Một ngày nào, trong tương lai, một người nào đó - có thể là bạn, độc giả Tuổi Hoa đấy, - sẽ giải quyết vấn đề nước ngọt một cách hiệu quả và hợp với túi tiền nông dân. Khắp nơi, ở cả những sa mạc nổi tiếng khô khan, hai tiếng "nạn khát" sẽ không còn được nghe thấy.

Đấy mới là lúc con người khai thác đến tận cùng xương tủy gốc rễ của kho tàng biển cả vô giá.


PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ        
(Theo Ocean Harvest : The Future of Oceannography 
của H.W. Vogel và M.L. Caruso 
và tài liệu của Ban Địa Chất, ĐHKH Sài gòn).

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 212, ra ngày 1-11-1973)

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Động Giấc Chiều

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mưa đốt lá chiều thu
Vẩn vơ ven dòng suối
Dáng gầy mai khép nép
Vai rùn dưới mưa mù
 
Khói chiều mây về núi
Đồi núi buồn quanh co
Em gối tay nằm ngủ
Suối tóc ngợ tiên nga
 
Ta trộm nhìn rất nhẹ
Sợ động giấc liêu trai
Chim bay về ru khẽ
Đồi núi tựa thiên thai
 
Hồn ngẩn ngơ nhìn mây
Thấy hồn mình mây trắng
Vây quanh mấy ngọn cây
Nhìn em nằm bẽn lẽn.
 
                     TRIỀU TỐ LÊ
 
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 24, ra ngày  20-4-1972) 


 

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Viết Về Nó

 

Có ai biết rõ tâm trạng của thằng Vũ hiện giờ? Không, không một ai được biết cả. Với lại không ai tò mò để ý đến công việc, hành động của nó thì làm sao biết được. Vả lại nó cũng chẳng nói với ai bao giờ về ý muốn của mình. Thật ra, lòng nó rối như tơ vò, đôi khi hồi hộp, vui mừng, lo âu hoặc thất vọng. Đôi mắt nó luôn nhìn vơ vẩn, một đám mây trôi, một chiếc lá rụng, một buổi chiều buồn, một cánh đồng ruộng, tất cả đều được nó để ý nhìn bằng đôi mắt chứa đầy sự suy nghĩ mông lung. Nó luôn trầm lặng, buồn viển vông hoặc vui bất ngờ. Nó có vẻ bơ phờ như lãng trí, nó có vẻ yêu đời như thỏa mãn với lòng. Nó thật là phức tạp, nhiều khi quên cả ăn, bỏ cả ngủ để ngồi vào bàn học mà trầm tư mặc tưởng hay vơ vẩn nhìn tận đâu đâu. Nếu có ai biết được lòng nó, mới thấy thương hại cho nó, mới xem hành động của nó là phải thế. Nhưng, khổ một nỗi, nào có ai hiểu được nó đâu! Còn nếu để cho nó thố lộ thì nó không có can đảm và bản tính bỡ ngỡ thẹn thùa không cho phép. Nó mang trong lòng một hoài vọng, nuôi một giấc mộng vĩ đại, to tát (nó nghĩ thế). Ấy là giấc mộng "viết văn". Phải, từ khi bước vào ngưỡng cửa Trung Học, nó đã nghĩ ngay đến điều ấy. Nó không mong mình trở thành văn sĩ, thi sĩ nhưng nó lại khoái làm thơ, viết văn. Tội nghiệp cho nó, muốn vậy nhưng tạo hóa có chìu lòng nó đâu.

Từ lúc nó vừa ghé mắt vào tập "Tuổi Hoa" của bạn nó, nó như vừa bắt gặp một cái gì quý báu, có thể làm thỏa mãn được phần nào nguyện vọng chính. Nó say sưa đọc, hình như nó không muốn bỏ sót một chữ gì trong tập báo ấy. Ở tại một làng xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn nầy, được một tập báo của người ta mua về đã là quý lắm rồi. Huống hồ, lại là tập "Tuổi Hoa". Bao nhiêu mầm non văn sĩ trong ấy, cùng lứa tuổi với nó, cùng một tâm hồn như nó. Thì bảo sao nó lại không thích, không yêu. Nhưng, gia đình không được dư dả, nghèo như bao người nghèo trên mảnh đất này, nó không được hân hạnh mua báo, dù nó rất muốn mình trở thành độc giả của báo "Tuổi Hoa". Tuy nhiên, vẫn may mắn cho nó, là bên nhà có một thằng bạn cùng lớp, được hãnh diện mua báo đều đều. Vì thế, nó cũng được đọc truyện, xem tranh. Được hòa mình trong nhiều mẩu chuyện hay hay.

Nó tự nghĩ không hiểu sao các bạn trong gia đình "Tuổi Hoa" lại giỏi đến thế? Viết văn sao hấp dẫn thế? Làm thơ lại còn cừ hơn nữa. Chẳng lẽ Thượng đế lại thương mấy "người ấy" nhiều hơn, rồi ban cho cái trí phong phú, tế nhị để viết nhiều câu văn nhẹ nhàng, linh động. Còn nó, nó mong muốn, hy vọng chừng nào thì lại thấy khó khăn chừng ấy. Chao ôi! Viết sao cho hay đây? Cho người đọc vừa lòng, chứ nếu như xem đến rồi lắc đầu, le lưỡi buông một câu mà nó không bao giờ muốn: "văn như đất cục". Nếu thế thì giấu cái mặt nơi đâu cho khỏi mắc cỡ. Hẳn là lúc ấy cái mặt đỏ rực như ông say rượu thì chết. Thật khó thi hành ý định.

Nhưng không phải vì thế mà nó đầu hàng đâu, nó cố gắng lắm cơ mà. Nó kiên nhẫn đọc sách để mở mang trí tuệ và thâu nhập kiến thức. Thầy hắn bảo thế! Đôi lúc nó thầm nhủ: "Ừ, biết đâu mình lại không bằng ba nhà thơ con cóc". Không, nó không chịu thế! Nó phải tập viết văn, phải tập làm thơ như mấy "người ấy". Có lẽ trí óc nó chưa đến lúc phát khởi những ý tưởng cao siêu, những câu văn bóng bẩy, những mẩu đối thoại hữu duyên. Phải - phải như thế đấy. Nếu nó nuôi ảo vọng thì tại sao nó làm luận lại cừ, lần làm bài nào, nó vẫn đứng trên đầu học sinh lớp nó. Mỗi lần phát luận, tiếng thầy giáo vang lên sao êm ấm lạ, dịu hiền nghe khoái muốn chết: "Bài nhất là của trò Vũ". Sao lúc ấy nó oai dữ. Bao cặp mắt đổ dồn về nó. Mấy người con gái chép lưỡi thì thào: "Lại của thằng Vũ". Đáng lý nó phải nhìn tụi gái, hãnh diện bảo rằng: "Ai thắng nổi mà bảo lại với không lại". Nhưng không, nó không làm thế mà lại còn giả vờ khiên tốn nhìn xuống bàn hay ngóng mắt ra xa như thể là thứ ấy không có gì đáng nói. Thằng láo thật, mừng bắt run người mà còn làm ta đây.

Làm luận thì thế, mà mỗi lần định viết một câu truyện ngắn thì lại cắn bút, đến nỗi cây viết "bic" muốn móp. Ngồi trước mảnh giấy thì thấy và biết đó là giấy chứ ngoài ra đầu óc trống rỗng như bánh xe no tròn chứa không khí. Buồn cười thật, lúc ngủ trưa, hay nằm yên suy nghĩ, trí óc chứa chấp không biết bao nhiêu ý tưởng, cốt truyện. Đến khi cầm cây viết thì chúng biến đâu mất cả. Không một đề tài nào loáng hiện qua màng óc. Không lẽ tả cảnh, mà cảnh có gì đẹp đâu. Thuật lại chuyện đập nhau với lũ trẻ, thì lại quên hết chi tiết. Có lúc, nhất định phải viết về đứa em gái ngoan nghịch trong nhà, kể hết những cái nết không tốt cho cô ta giận chơi. Thế rồi, cúi xuống tập giấy hí hoáy vài hàng, lại bắt gặp cái mặt tròn tròn, hàm răng sún nhăn ra cười khì. Nhất là cặp mắt, mỗi khi cô ta háy một cái, ước chừng tầm thấy của nhãn quan dài độ vài chục cây số ngàn. Mỗi lần như thế, trông cô ta nó chẳng ưa chút nào, tìm một câu tống khứ thì lại quên cả vấn đề đặt trước. Số phận hẩm hiu, chẳng có được bà chị, hay ông anh hầu mong quan sát hành động của mấy người ấy thì hay biết mấy.

Có hôm, nó tìm ra đâu được một mẩu chuyện mà nó cho là hay nhất. Nắn nót, sửa đổi, gạt bỏ, mất đến ba tiếng đồng hồ. Xong rồi đọc lại. Trời ơi, nó nhạt nhẽo làm sao, vô duyên hơn bà Tám trong làng. Nhưng rồi cũng tự bào chữa theo ý nghĩ riêng: "Mình viết mình đọc đâu có hay". Thế rồi, mang qua nhà thằng bạn, bảo nó xem rồi phê bình dùm. Cái thằng bắt ghét tệ chưa đọc đã hỉnh mũi bảo: "văn mầy dám thua mắm lắm đấy". Lật qua vài trang, hắn lắc đầu, than thở: "xem không vô chút nào cả". Chết được, thất vọng tràn trề, nghe lòng nó đau như ai cắt. Thật khổ cho nó. Thế nầy bao giờ mới viết nổi được một bài truyện ngắn hầu được đăng trên báo.

Tuy thế, nó vẫn không nản lòng, quyết phải làm cho kỳ được. Mỗi lần thất vọng hay gặp trở lực nó lại nhắc đến câu thần chú để an ủi lòng: "Biết đâu rồi sẽ có ngày viết hay" và nó vẫn tiếp tục viết, viết mãi. Nó không cần đầu, chẳng cần đuôi. Viết để mà viết. Viết không cần đọc lại. Có hôm nó tả một đêm trăng, rồi vất bừa vào ngăn kéo. Đến khi má nó tìm chiếc chìa khóa và bắt gặp. Má nó đọc và cười bắt đau bụng. Đoạn văn như sau:

"Hôm nay, một đêm trăng huyền dịu. Chị Hằng lơ lửng vẫy tay chào những đám mây trắng bạc bay qua. Giải Ngân Hà lan rộng và một triệu lẻ một ngôi sao nhấp nháy"...

- Chết thật, thằng nhỏ dám cả gan bảo trên trời có một triệu lẻ một ngôi sao. Gớm thật. Tài đến thế là cùng.

Đôi khi nó ngớ ngẩn đến bắt tợn. Tả một cơn mưa giông như thế nầy:

"Hôm nay trời bỗng dưng đổ mưa. Màu trắng xóa bao phủ cả một vòm trời. Những hạt mưa phải tội bị đày xuống địa ngục trần gian. Chúng sợ hãi nên bám vào tôi đến ba ngàn rưỡi hạt"...

Nhiều lúc, nó viết đến cả trang nầy qua trang nọ với những ý tưởng rất kỳ quặc, có thể tin rằng chưa một nhà văn nào trên thế giới dùng tới. Nếu là người đọc, sẽ ngơ mặt chửi thề bảo nó là một đứa ngốc nhất vũ trụ.

Nhưng, hôm nay nó bỗng nảy ra một ý tưởng mới lạ. Ý tưởng ấy đã từ lâu nó không bao giờ để ý tới. Và nó cũng không ngờ, đấy là một đề tài, để nó xổ cái bầu văn chương hiếm có nầy ra khỏi tâm phổi mà bấy lâu nó uất ức chịu đựng. Thật là một dịp ngàn năm một thuở, độc nhất vô nhị. Ấy là viết về nó. Ừ, sao từ lâu chẳng làm thế! Viết về nó hẳn là hay đấy. Hay với nó hoặc hay với những người từ xưa đến nay chưa bao giờ cầm viết. Nó tự tin: "Hay nhé - Hẳn là hay đấy nhé". Nó tự đắc, mỉm cười, nụ cười nầy chưa lần nào nở trên môi và nó không biết nụ cười ấy quen hay lạ. Nó lục vở tìm giấy, rút ngăn kéo tìm viết. Nó ngồi ngay ngắn trước cuốn vở, tiếc thay, không có một ly cà phê, một cái kính trắng và một điếu thuốc phì phà. Nếu có, thế nào chúng cũng hay gấp bội. Hay lũy thừa. Nó cúi xuống. Đấy, nó viết về nó đấy.


Hoài Dương Vũ       

(Tr1ch từ tạp chí Tuổi Hoa số 95, ra ngày 15-9-1968)

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Dòng Suối Xưa

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thăm quê nội một chiều
Thương mến biết bao nhiêu
Cánh rừng, con suối nhỏ
Nay xơ xác tiêu điều.

Trong màu nắng bâng khuâng
Nước chảy trong vô ngần
Lá vàng bay theo gió
Em thấy lòng lâng lâng.

Thương chiếc cầu, bóng cây
Thương khóm lá màu mây
Bên bờ dòng suối trắng
Thương mấy cụm mai gầy.

Thương dòng suối trong veo
Thương cánh hoa trôi theo
Bập bềnh trên sóng nước
Thương cả những cánh bèo.

Đẹp thay! Nơi quê nội
Em chỉ yêu nó thôi
Vì biết bao kỷ niệm
Nơi đó đã chôn vùi.

                            MẶC THU

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 74, ra ngày 1-8-1967)



Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Con Cò Trắng

 
Bây giờ là tháng sáu, vào một buổi chiều khoảng bẩy giờ, mặt trời vừa mới lặn và bóng tối đã bao phủ cánh rừng. Một cô bé đang dẫn bò về nhà. Con vật đi một cách chậm chạp và mệt mỏi, tuy thế nó vẫn là người bạn đường của cô bé. Cả hai bắt đầu trở về khi trời còn sáng nhưng lúc này thì trời đã tối hẳn, những bước chân đã quá quen thuộc với con đường mòn này nên dù mắt có trông thấy hay không cũng không thành vấn đề đối với cô bé và con bò.

Cứ mỗi buổi chiều trong suốt mùa hè, Bích Chi vào rừng và phải kiếm một lúc lâu mới tìm gặp con bò, vì đó là một trong những sự thích thú của con vật, nó trốn ở trong bụi rậm làm cho Bích Chi phải nhọc công tìm kiếm cho đến khi nó khẽ lắc đầu nhè nhẹ, cái chuông nhỏ nơi cổ rung lên và chỗ trốn của nó đã bị khám phá. Con vật biết rằng nếu nó đứng yên, cái chuông sẽ không kêu và Bích Chi sẽ không thể tìm ra nó. Vì thế Bích Chi đã mất nhiều thì giờ mới tìm ra con bò. Từ khi con bò cung cấp được nhiều sữa tốt, Bích Chi nghĩ rằng con vật đáng được săn sóc chu đáo. Nông trại của bà ngoại Bích Chi ở bên cạnh rừng nên mỗi sáng cô bé thường dẫn bò ra đó, vì hơn nữa Bích Chi có nhiều thì giờ mà chẳng có gì vui để tiêu khiển, khi dẫn bò vào rừng, cô bé để cho nó ăn trên một khoảng cỏ xanh non và cô bé thơ thẩn đi trong rừng, đến bên suối ngắm đôi bàn chân dưới giòng nước mát lạnh hay tìm hái những đóa hoa dại mọc đây đó, những tiếng chim hót như những tiếng nhạc hòa theo bước nhảy của Bích Chi. Buổi chiều khi đi tìm con bò đó là trò chơi thích thú của Bích Chi.

Chiều nay Bích Chi đã lang thang quanh cánh rừng để tìm con bò cho đến lúc cô bé nghe tiếng chuông rung nhẹ gần bên con suối. Cô bé cười và cầm cái que nhỏ đánh nhẹ lên lưng con bò nói:

- Về kẻo tối rồi bi bi ạ.

Lìa cánh rừng đầy cỏ, con vật đi chậm chạp dọc một bên đường dẫn về nông trại. Trên đường về Bích Chi ngại ngùng tự hỏi không biết bà ngoại sẽ nói gì vì về hơi muộn. Cô bé rời nhà lúc năm giờ nhưng ai cũng hiểu rằng khó mà tìm cho ra con bò trong một khoảng thời gian ngắn vì sự nghịch ngợm của nó. Bà Thi, bà ngoại của Bích Chi, trong những mùa hè trước đó, có những buổi chiều bà đã vào cánh rừng để tìm kiếm con bò với một thời gian khá lâu nên bà không muốn la rầy Bích Chi về nhà muộn, thật ra bà rất sung sướng vì có Bích Chi bên cạnh, Bích Chi đã giúp bà được nhiều công việc ở trang trại, tuy thế bà cũng nghi ngờ là không phải Bích Chi về muộn vì đi tìm con bò mà bà biết Bích Chi rất thích lang thang trong rừng. Người ta bảo rằng sự đổi thay đời sống xô bồ ở thành thị rất tốt đối với cô bé, riêng đối với Bích Chi thì cô bé nghĩ rằng từ trước đến giờ cô bé chưa bao giờ "sống thật" trước khi cô bé đến trang trại này.

Bà Thi cũng rất thích đời sống tĩnh mịch ở đây và bà đã chọn Bích Chi trong số những đứa cháu của bà. Bà nói:

- Nếu nó không thích cái đời sống xô bồ ở thành thị nên cho nó về sống ở trang trại, ở đó không ồn ào náo nhiệt.

Bỏ lại thành thị sau một cuộc hành trình dài, khi vừa trông thấy trang trại, Bích Chi đã thốt lên thích thú:

- Ở đây đời sống đẹp quá, tôi sẽ không ở lại thành phố nữa.

Lúc nầy Bích Chi và con bò đang trên đường về nhà, trời đã tối hẳn, con vật vẫn đi chậm chạp nhưng cô bé thì đi nhanh. Khi đến bên một con suối rẽ khác, con bò dừng lại uống nước còn Bích Chi nhúng chân xuống nước chờ con vật. Cô bé nghe ngóng những tiếng động chung quanh. Chim trên cành vẫn còn thức chim chíp như muốn chúc nhau ngủ ngon trước khi rút vào đêm tối. Cô bé cầm cái que nhỏ đánh khẽ lên lưng con bò và thúc dục:

- Về mau, muộn quá rồi.

Cô bé đã bắt đầu buồn ngủ mà đường về nhà còn khá xa. Trời đầy sao và không khí rất mát mẻ với ánh trăng trên cao. Cô bé ít khi còn trong rừng muộn như lần nầy, và Bích Chi nghĩ rằng mình là một cái bóng mờ như một hồn ma di động dưới cánh rừng đổ lá, cô bé nhớ rằng mình đã ở trong trại được một năm và cái đời sống ồn ào ở thành phố đã xa quá rồi. Thốt nhiên cô bé nghe có tiếng huýt gió gần đâu đây, đó không phải là tiếng chim, vì tiếng chim cô bé nghe rất quen thuộc và rất gần gũi ; đây là tiếng huýt gió mà cô thường nghe lúc còn ở thành thị. Bích Chi sợ chạy nhanh núp vào bụi nhưng quá trễ. Một giọng nói vang lên:

- A! Chào cô bé, từ đây ra đến đường cái có xa không?

Với giọng run run Bích Chi trả lời:

- Cũng khá xa.

Cô bé không dám nhìn thẳng vào người đàn ông lạ mặt nhưng cô ta chun ra khỏi bụi và tiếp tục đi theo con bò, người đàn ông đi theo Bích Chi. Cô bé nhận thấy người đàn ông có mang một khẩu súng trên vai, ông ta nói:

- Tôi đi bắn một vài thứ chim và đã bị lạc đường. Cô đừng sợ, tôi muốn có một người bạn lúc nầy, cô có thể là bạn tôi không?

Bích Chi không trả lời, người đàn ông nói tiếp:

- Tôi có thể nghỉ qua đêm tại nhà cô được không?

Cô bé vẫn không trả lời, ông ta vẫn kiên nhẫn:

- Cô có thể cho tôi biết tên được không?

Bích Chi càng sợ hãi hơn nhưng cuối cùng cô bé mở miệng thốt nhỏ:

- Bích Chi, Bích Chi!

Bà Thi đang đứng ở cổng trông ngóng, khi cả ba: Bích Chi, con bò và người khách lạ về đến. Vào đến cổng con bò kêu rống lên. Bà Thi rờ đầu con vật và nói:

- Tao tưởng mầy đi mất rồi chứ, sao về muộn quá vậy Bích Chi?

Bích Chi giữ yên lặng, nghĩ rằng bà ngoại không hiểu cái "tình thế" "nghiêm trọng", có lẽ bà nghĩ rằng người khách lạ chỉ là một trong những người đàn ông ở trang trại láng giềng. Người đàn ông để cây súng và cái bao gần bên cửa và chào bà Thi, nói rằng ông ta đi săn bị lạc trong rừng và ngỏ ý muốn nghỉ qua đêm ở đây. Ông ta tiếp:

- Cho tôi chỗ nào cũng được, tôi phải rời đây trước khi trời sáng... Bây giờ thì tôi đói lắm, bà có thể để cho tôi một ít sữa không?

- Ô! Cố nhiên - bà Thi nói - cách đây một dặm có một khách sạn khá tốt, nhưng nếu ông muốn ở đây, tôi sẽ dọn bàn ngay bây giờ.

Và bà bảo Bích Chi:

- Dọn bàn cho khách, Bích Chi!

Bích Chi vâng lời ngay, cô bé cảm thấy vui thích có cái gì để làm đồng thời cô ta cũng cảm thấy đói lắm rồi, sự sợ hãi của cô bé đối với người khách lạ đã giảm bớt vì cô thấy bà ngoại chẳng sợ sệt gì hết.

Trong lúc chờ đợi bữa ăn, người khách quan sát trong trại và rất ngạc nhiên nhận thấy một ngôi nhà sạch sẽ, tiện nghi ở một nơi hoang dã như thế nầy.

Vừa ăn ông ta chăm chú nghe bà Thi tả cái đời sống "về vườn" ở đây và đồng thời nhìn Bích Chi. Ông nói:

- Từ một tháng nay tôi mới được ăn một bữa ngon như thế này.

Sau bữa ăn người lạ tiếp tục nói chuyện với bà Thi, lúc này thì trăng đã sáng lắm rồi. Bà Thi kể rằng 4 trong số những người con của bà đã chết, một người con gái, mẹ của Bích Chi, và một người con trai (có lẽ đã chết) cũng không ở gần bà.

- Đàn, thằng con trai thường đi săn trong rừng nầy - bà buồn rầu nói - Chúng tôi có nhiều chim, thỏ rừng để ăn sau mỗi lần Đàn đi săn về, trong gia đình chỉ có Đàn là hay lang thang, nó không bao giờ chịu viết thư. Tôi không phản đối khi nó bỏ ra đi một thời gian dài không về. Thật ra tôi cũng muốn đi đây đi đó một mình cho khuây khỏa, con Bích Chi giống Đàn, cậu nó.

Bà Thi nói tiếp:

- Con Bích Chi thích lang thang trong rừng và biết rất nhiều chỗ, nhiều dấu vết: như chỗ ở của những thú rừng, những con sóc không sợ sệt leo lên tay nó ăn trái cây. Mùa xuân vừa qua nó nuôi rất nhiều thứ chim. Nếu tôi không để ý nó có thể ham cho chim ăn hơn là cho nó ăn! Trước kia thằng Đàn nuôi một con chim sáo, suốt ngày con chim cứ quanh quẩn theo nó. Thằng Đàn và cha nó không hợp nhau nên nó đã bỏ đi và không trở về!

Tuy vẫn theo dõi những lời nói của bà Thi, nhưng người khách không nhận thấy cái âm thanh âu sầu trong giọng nói của bà ta. Ông ta đang nghĩ đến một điều khác "Bích Chi biết nhiều chỗ, nhiều dấu vết trong rừng?"

Ông ta yên lặng nhìn về phía cô bé đang mơ mộng dưới ánh trăng. Ông khách nói:

- Tôi sưu tầm các loại chim và tôi bắt đầu công việc đó khi còn là một thằng bé. Còn vài ba thứ chim rất hiếm mà tôi rất thích, tôi tìm kiếm từ năm năm nay.

- Ông nuôi chim trong lồng chứ?

Bà Thi hỏi vậy.

- Ô, không! Tôi tiêm thuốc formol độn bông trong bụng. Nhiều thứ chim lắm, tôi trưng bày trong tủ kính.

Ông ta tiếp:

- Tôi đi săn hay tự bắt lấy, tôi có thấy một con cò trắng cách đây ba dặm, thứ bảy vừa rồi tôi vẫn theo suốt cả buổi chiều nhưng cuối cùng đành mất. Hình như loại chim này không ở trong vùng này.

Người khách vừa nói vừa nhìn Bích Chi với hy vọng khám phá ra con cò trắng có thể là một trong những "người bạn rừng" của cô bé. Nhưng Bích Chi hình như tỏ ra không nghe những gì người khách đang kể.

- Chắc bà chưa thấy con cò trắng?

Người khách nói tiếp một cách say sưa:

- Một con chim trắng lạ rất lớn, lông mịn và hai cái chân rất dài. Nó thường làm tổ bằng cỏ khô trên những ngọn cây cao.

Bích Chi giựt mình, tim cô bé đập nhanh hơn, cô bé biết loài chim trắng đó. Đã một lần cô bé nhìn thấy rất gần loại chim đó bên kia cánh rừng, khi con chim đang đứng trong đám cỏ xanh bên bờ suối. Chung quanh con suối cây lưa thưa và mặt trời chiếu những ánh sáng màu vàng rất đẹp. Hai bên bờ suối một loại cỏ xanh biếc quanh năm như loại dã thảo. Về phía đó xa hơn là biển, biển mà Bích Chi rất mơ được nhìn thấy tận mắt và ngâm mình trong nước, mà chưa bao giờ cô bé được cái sung sướng nhỏ bé đó. Nhưng trong những đêm tối giông bão, Bích Chi đã nghe những tiếng sóng ì ầm và cô bé nghĩ rằng biển chắc không xa lắm.

- Tôi rất thích đi tìm cái tổ của con cò - Người khách nói - Tôi sẽ biếu hai ngàn cho ai chỉ cho tôi tổ con cò và nếu cần tôi sẽ dùng tất cả mùa hè nầy để đi tìm.

Bà Thi chăm chú theo dõi chuyện người khách kể, nhưng Bích Chi không tỏ ra gì vẻ quan tâm đến câu chuyện của người khách. Tuy thế cô bé đã nghe không sót một lời nào của người khách nói và trong giấc ngủ đêm nay chắc cô bé sẽ nghĩ rất nhiều đến những thứ cô bé thích mà hai ngàn đồng có thể mua được.
 
Ngày hôm sau ông khách lạ trở lại cánh rừng và cô bé Bích Chi đi theo với ông. Bây giờ thì Bích Chi hoàn toàn hết sợ người khách lạ nầy, cô bé thấy ông ta rất tốt và dễ mến. Người khách nói cho biết rất nhiều về chim chóc: "mỗi loài chim thường có mỗi đặc tính khác nhau và sống những vùng khác nhau". Ông khách biếu cô bé một con dao nhỏ. Suốt cả ngày đi trong rừng người khách không có một thái độ nào làm cho cô bé phải ngại ngùng hay sợ sệt trừ những khi người khách bắn súng ; Bích Chi sẽ mến người khách nhiều hơn nếu ông ta đừng bắn súng. Một điều làm cô bé thắc mắc rất nhiều: Ông khách tỏ ra rất thích chim chóc, tại sao ông nỡ giết chúng? 

Ông khách và cô bé vẫn tiếp tục đi quanh quẩn trong rừng. Cô bé chưa lần nào thấy một người đàn ông tế nhị và dễ mến như vậy, thỉnh thoảng cả hai dừng lại để nghe chim hót, rồi họ tiếp tục đi. Người khách đi trước và Bích Chi theo sau. Cô bé hơi buồn vì tìm con cò trắng khó quá, nhưng cô ta vẫn không dẫn đường cho người khách, cô chỉ theo sau và không bao giờ mở lời nói trước. Trong rừng tịch mịch nầy tiếng nói độc xướng của cô bé có thể làm cho cô ta sợ và cô cảm thấy khó thể trả lời "có hay là không" khi người khách hỏi.

Chiều đến người khách và cô bé cùng nhau đi tìm con bò. Người khách có ý định nghỉ thêm một đêm nữa ở trang trại bà Thi. Bích Chi mỉm cười thích thú khi cùng người khách và con bò đi ngang chỗ mà cô bé đã nghe tiếng huýt sáo của người khách chiều hôm qua.

Còn vào khoảng nửa dặm đến trang trại, ở bìa rừng đây mặt đất cao lên, có một cây cổ thụ mọc trên khoảng đất cao đó. Không ai có thể biết là tại sao chỉ có một cây cổ thụ duy nhất mọc ở đây. Có thể rằng những người thợ rừng đã đốn hết những cây chung quanh. Ngọn cây cổ thụ cao ngất ngưởng và đứng thẳng. Đứng trên ngọn cây có thể nhìn thấy xa hàng dặm. Bích Chi biết rằng nếu trèo lên được ngọn cây nầy thì có thể nhìn thấy được biển, biển mà cô bé hằng mơ ước. Đã nhiều lần cô bé dang tay ra ôm thân cây và đưa mắt ngước nhìn lên ngọn cây và mơ nhìn thấy biển ; nhưng lần nầy nhìn ngọn cây cô bé nghĩ với tâm trạng khác.

Ngày mai vào lúc bình minh. Nếu cô bé trèo lên được ngọn cây cô ta sẽ nhìn thấy "thế giới" và khám phá dễ dàng con cò trắng và tổ của nó? Theo lời người khách thì con cò trắng sẽ rời tổ vào lúc những tia sáng đầu tiên của mặt trời chiếu xuống.

- Thật là mạo hiểm - thích thú quá khi ta khám phá được bí mật của con cò trắng.

Đêm đã khuya, bà ngoại và người khách đã ngủ ngon giấc, Bích Chi vẫn còn thức, tỉnh táo, cô bé quên không ngủ hay ngủ không được? Cô bé cảm thấy đêm hè sao mà dài quá, không kém những đêm âm u vào mùa đông.

Trời gần sáng, cô bé lặng lẽ ra khỏi nhà chạy nhanh về phía bờ rừng. Cô bé vẫn lo sợ là mặt trời sẽ mọc sớm và con cò trắng sẽ rời tổ mà cô bé không nhìn thấy được. Khi Bích Chi đến bìa rừng mặt trời vẫn chưa mọc. Trên bầu trời sáng đục trăng vẫn còn. Cô bé đến bên cây nhìn lên và nghĩ rằng mình phải trèo lên được ngọn cây. Hai bàn chân trần và những ngón dang ra như những móng vuốt của loài dạ điểu bấu lấy thân cây. Cô bé bắt đầu leo lên. Sau một lúc cô bé lên tới một nhánh ngang, áo quần bị rách một hai chỗ và tóc tai thì rối bung lên. Bên dưới những loài chim rừng bé nhỏ đã thức giấc và hót chiu chít, cô bé nhận thấy mình phải leo nhanh không thì trễ mất. Mắt Bích Chi giống như một ngôi sao mờ. Khi cô bé leo qua khỏi nhánh cuối cùng và đến ngọn cây, Bích Chi ôm lấy ngọn cây run và mệt.

Bích Chi đưa mắt nhìn chung quanh, ở xa tít biển nhấp nhô phản chiếu ánh sáng của mặt trời mới lên. Về phía đông cô bé nhìn thấy hai con diều hâu đang la đà trong bầu trời. Về phía tây những trang trại nằm cách nhau từng dặm. Đó đây cô bé nhìn thấy một thánh đường nhỏ và một cái làng. Chim chóc lúc nầy đã hót vang lên. Mặt trời lên chiếu những tia sáng chói chang màu vàng, xa xa những cánh buồm nhấp nhô trên sóng, trên trời những đám mây màu đỏ vàng bắt đầu tan. Bích Chi nghĩ rằng cái thế giới chung quanh nàng nhìn thấy lúc bình minh có phải là phần thưởng cho nàng đền bù lại cái công khó nhọc trèo lên ngọn cây nầy. Cô bé nhìn, một cái nhìn tìm kiếm, cô bé nhìn về phía chỗ mà trước kia đã một lần cô bé nhìn thấy con cò trắng. Bích Chi lặng người thích thú khi nhìn thấy một đốm trắng. Còn con cò trắng cất cánh bay lên và bay về phía cô bé, lúc bay ngang qua cây cổ thụ. Bích Chi nhìn lên, cánh và cổ con cò trắng dang thẳng ra, một lát sau con cò trắng bay trở lại và đậu trên cành cây phía dưới. Bích Chi giữ yên lặng không một cử động nhẹ. Rồi sau đó những con chim khác cũng bay đến đậu ở cành cây đó. Hình như con cò trắng không chịu đựng được tiếng chim hót ồn ào chung quanh, lại cất cánh bay lên. Bích Chi đưa mắt nhìn theo con cò trắng bay lại tổ bên cạnh con suối. Bây giờ thì cô bé đã biết bí mật của con cò trắng và cô bé rất hài lòng vì sự hiểu biết độc quyền này. Cô bé bắt đầu leo xuống.

Bích Chi tự hỏi không người khách lạ sẽ nghĩ gì và nói gì khi cô bé nói cho ông ta biết chỗ ở của con cò.

*

Bích Chi! Bích Chi! Bà ngoại lên tiếng gọi nhưng chẳng có ai trả lời. Cái giường nhỏ trống không và cô bé đã biến đâu mất.

Người khách lạ thức giấc, nghĩ rằng có những sự bất ngờ thích thú đang chờ đón, vội vã mặc quần áo.

- "Chắc cô bé nầy đã tìm ra chỗ ở của con cò trắng, cô biết, quen thuộc, những chỗ, những dấu vết trong rừng, như những dã thú, phải thuyết phục cô bé đề cô ta nói cho biết chỗ ở của con cò".

Bà Thi và người khách chờ Bích Chi ở cổng trại, cô bé vừa về đến, mặt tái mét vì mệt, áo quần rách một vài chỗ, tay chân bị trầy trụa, bà Thi và ông khách hỏi ; đây là lúc trả lời nhưng Bích Chi không nói gì hết dù bị bà ngoại la rầy và cặp mắt cầu khẩn của người khách nhìn thẳng vào mắt cô bé.

Người khách có thể làm cho cô bé giàu, cho tiền, ông ta đã hứa như vậy, câu chuyện cô bé sắp nói sẽ làm cho ông khách sung sướng. Không! Cô bé phải giữ im lặng không nói một lời. Tiếng kêu trong gió của nhánh cây cổ thụ vẫn còn đâu đây. Cô bé nhớ lại lúc nhìn con cò trắng bay trong bầu trời bình minh. Bích Chi và con cò trắng đã cùng nhau ngắm biền và ngắm mặt trời mọc, và Bích Chi không thể tiết lộ bí mật của con cò trắng được, nếu không con cò sẽ chết.

Chiều đến người khách thất vọng bỏ ra đi, sự trung thành của cô bé với những người "bạn rừng" của cô đã nặng hơn tình cảm mến của cô đối với người khách lạ.

Nhưng sự ra đi là một kỷ niệm đau buồn nhất của cái tuổi 13 trong đời của cô bé. Cô bé muốn theo và thương mến người khách lạ như một con chó yêu chủ mình. Nhiều đêm Bích Chi nhớ lại tiếng huýt sáo của người khách trên đường khi Bích Chi và con bò chậm chạp trở về nhà. Cô bé cũng đã quên  nỗi buồn cô cảm thấy khi tiếng súng của người khách nổ vang và những con chim bé bỏng rơi yên lặng xuống đất. Tiếng hót nghẹn nơi cổ và bộ lông trắng thấm máu.

- "Chim chóc và người khách lạ. Ai là người bạn quí hơn? Xin cho tôi biết! Hỡi chim rừng! Hãy nói cho tôi, một cô bé cô đơn biết những sự bí mật của của các bạn và sẽ không bao giờ tôi tiết lộ cho một người nào biết."
 

Nguyên tác của SERAH ORNE JEWETT  
HOÀI HƯƠNG phóng tác          

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 95, ra ngày 15-9-1968)

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Mơ Ước Mùa Trăng


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đêm nay chị nhìn trời cao vời vợi

Ánh trăng khuya soi tỏ bóng đơn côi

Biết Trung Thu đã về và bước tới

Chợt xót xa nghe mặn đắng bờ môi.


Chị nhẩm tính mùa trăng này là bốn

Chị mất ba, mất mẹ chỉ còn em

Em thơ ngây nghe thu về lòng rộn:

Đèn em đâu, sao chị chẳng cho xem


Chị cười se thắt, giấu đôi dòng lệ:

Ừ, ngày mai em sẽ có đèn sao

Nhưng em ơi! Ước mơ gì cao thế!

Mình đói no hai bữa đã nghẹn ngào


Mơ ước em, chị biết là thật bé

Với mọi người, với những kẻ giàu sang

Còn với chị, nhọc nhằn nhiều lắm nhé!

Đành ngậm sầu nhìn cuộc sống lầm than.


Thôi em hãy ngồi đây mà mơ ước

Đèn cá này, đèn củ ấu, ngôi sao

Chị sẽ bán đôi vòng xưa của mẹ

Cho đứa em được vui sướng phần nào.


Này bánh đây, đèn đây em vui nhỉ?

- Em dấu yêu - cho chị ấm cõi hồn

Ôm em vào lòng nghe em thủ thỉ:

- Chị ơi! Em thương chị lắm biết không?


                                      TÊ HÁT NGUYỆT THI


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 186, ra ngày 1-10-1972)


Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Mộng Đẹp Trung Thu

 


 
 

 

 

 
 
 
 
Dưới ánh trăng thu vàng dịu mát

Một đêm huyền thoại lúc thiếu thời

Rủ nhau dạo phố cùng ca hát

Lồng đèn muôn sắc xách đi chơi


Đêm rằm êm ái cùng vui hưởng 

Buổi tối yêu thương xích lại gần

Trà xanh bánh dẻo cùng bánh nướng 

Phút giây tuyệt diệu cạnh người thân


Vui Tết Trung Thu bà kể chuyện

Tích xưa Hậu Nghệ với  Hằng Nga

Vua Đường Minh Hoàng du nguyệt điện

 Chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa


Trung Thu trăng  đầy bao tưởng nhớ

 Gió thoảng mùi hoa dạ lý hương 

Tiếng đàn trổi lên khung cửa mở

Như ru giấc mộng đẹp đêm trường

                                             Nhã Uyên

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Đêm Huyền Diệu

 

 - Này chú Nai Tơ ơi, ra Đồng Cỏ Non chơi nhé!

- Chờ tớ đi với.

Em đáp lời Thỏ Ngọc rồi chạy ù vào xin phép mẹ. Mẹ bằng lòng ngay:

- Ờ! Đi một tí rồi về nha con.

Em sung sướng quá! Hôm nay là Tết của em mà lỵ. Trung Thu đấy. Tết của bọn trẻ con chứ chả phải của người lớn đâu. Chắc các bạn em đã có mặt ở Đồng Cỏ Non lâu rồi. Ờ! Em phải nhờ mẹ chải hộ mái tóc của em mới được. Mẹ chải, xinh ghê lắm cơ. Chả thế, mà khi mẹ chải xong, bác gió đã trầm trồ:

- Chao ôi, chú Nai Tơ hôm nay "điệu ác" chị nhỉ?

Mẹ em chả đáp lời bác gió, nhìn em mỉm cười. Em thẹn quá chạy vù một hơi đi. Giá mà mọi hôm thì em đã làm nũng với mẹ rồi, nhưng hôm nay Tết, em đâu có dại gì mà "làm reo" cho mệt. Khi ra khỏi nhà, gặp chị Suối đang chải tóc, chị ấy bảo:

- Chú Nai đi dự tiệc Trung Thu đấy à? Chờ chị đi với.

- Chị đi sau với các chú lá vàng vậy. Em phải đi với Thỏ Ngọc ngay bây giờ. Nó đợi em ở ngoài kia kìa!

Em không chờ chị Suối đâu, giờ này mà còn chải tóc thì biết đến bao giờ mới xong (tóc chị ấy dài và nhiều lắm cơ). Thỏ Ngọc nắm tay em. Hai đứa vừa đi vừa huýt sáo. Bỗng gặp thím Rùa ở giữa đường, em hỏi:

- Chào thím Rùa, thím đi đâu về đấy?

- À! Thím đưa con nhỏ thím lại Đồng Cỏ Non từ hồi chiều cơ. Bây giờ thím về nhà cháu ạ. Có Thỏ Ngọc nữa à?

- Dạ.

- Thôi, chào các cháu nhé! Các cháu đi mau lên kẻo trễ. Chị Hằng đã đến rồi đấy.

Nghe thím Rùa nói thế, em bèn phóng thật nhanh. Thỏ Ngọc vẫn nhởn nhơ nhai cỏ bên đường, hình như hắn vừa đi vừa tìm nàng thơ đấy. Ấy thế mà hắn lại đến trước em cơ. Tài thật.

Khi em đến nơi thì tất cả đều đông đủ. Từ chú Sóc nhí nhảnh, cho đến cô Rùa thùy mị. Từ chú Chuột bé tí, cho đến anh chàng Voi "đồ sộ". Chú Sư Tử con và chú Hổ con cũng đến dự nữa. Nhưng chúng không dữ tợn như cha mẹ chúng. Gặp em là các chú chìa tay ra bắt liền. Chú Khỉ con liến thoắng nhất, chạy tới chạy lui hoài. Cô Mèo Rừng có vẻ điềm tĩnh ngồi giương đôi mắt trong xanh nhìn chầm chập vào chiếc áo lụa vàng mới may của chị Hằng. Các nàng chim, thì đậu trên những cành cây gần đấy. Có cô lại thích lân la làm bạn với lũ Chuột nhắt, đuổi bắt nhau, cười khúc khích.

Chị Hằng Nga ra lệnh cho tất cả ngồi xuống ĐỒNG CỎ NON. Rồi chị ngồi vào giữa một bầy em muông thú thật đông. Chị bắt đầu kể chuyện ngày xưa. Chuyện đời chị và chuyện chú Cuội. Xong chị lấy bánh Trung Thu ra phát cho các em. Ăn rồi chị tập cho các em ca. Giọng chị vang lên những âm điệu du dương, khi trầm khi bổng, khiến rừng đêm trở nên huyền diệu vô cùng.

Bị chìm vào trong những hương thơm ngào ngạt, trong những âm thanh thánh thoát, em ngủ lúc nào em chẳng hay. Đến khi bác mặt trời gọi dậy, em mới bàng hoàng sửng sốt:

- Hồi hôm mình ngủ ở đây à? Chắc mẹ đi tìm mình ghê lắm nhỉ?

Và em chạy vù về xin lỗi mẹ. Trong khi các bạn em vẫn còn say vùi trong giấc mộng huyền diệu của một đêm thu trăng sáng.


Anh Trinh       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 77, ra ngày 15-9-1967)

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Trung Thu

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mến tặng chị NHÂN ÁI

Mùa thu của trẻ con
Những em bé lon ton
Xách đèn đi chập chững
Miệng mỉm nụ cười son

Những chiếc đèn xinh xinh
Ánh nến vàng rung rinh
Đàn trẻ cùng rảo bước
Đón trăng vàng lung linh

Trung thu rằm tháng tám
Bầy trẻ con từng đám
Rước đèn đi loanh quanh
Ngắm trăng vàng, mây xám

Chung quanh mâm cỗ đầy
Quà bánh, kẹo sắp bầy
Bánh dẻo, tiến sĩ giấy
Đám trẻ con vui vầy.

                  NHẬT UYÊN THỤY
                   (những đàn thỏ bạch)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>