Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Chị Hải

 

Ưu ái trao về chị Hải, ở tận phương trời Âu: Thụy Sĩ

Bài Chị Châu của Ka Bình Phương đăng trong Thiếu Nhi số 45 làm tôi thấy buồn và nhớ chị tôi hơn bao giờ hết. Chị Hải, một người chị mà lúc mười mấy năm trời tôi không biết thương yêu để rồi đây mỗi người một ngả tôi mới nuối tiếc.

Gần như tạo hóa không công bằng với chị. Một người con gái đẹp tuyệt, được nhiều anh xin làm quen với đôi mắt thật xinh, hàng mi cong vút. Mà phải bị tật nguyền từ thuở nhỏ (tật lớn tim). Với một số phận không may, nên đôi mắt chị lúc nào cũng buồn, thật buồn. Ấy thế, nên chị lúc nào cũng cố gượng vui để khỏi thấy đời mình héo hắt. Gần hai năm nay vì sức khỏe chị quá kém, nên ba má tôi không cho chị tiếp tục đến trường. Lúc đầu, tôi thấy vui vui vì được tự do đùa giỡn ở nhà trường mà không một ai kềm chế. Nhưng sau đó, tôi nghĩ lại: Vắng chị rồi ngôi trường "ĐOÀN" thân yêu nầy tôi sẽ cô đơn, không ai giúp tôi trong những bài toán khó, hoặc những đề luận nan giải (vì chị học cùng trường bằng lớp nhưng xuất sắc hơn tôi nhiều, nhất là về môn luận). Nhiều lúc tôi thấy chị buồn, có mặc cảm mình là tật nguyền nên hay trốn lên lầu ngồi than thở với hoa lá. Giọng nói chị đầy uất nghẹn và buồn tủi. Tôi thấy thương chị quá! Nhưng đôi khi chị chọc làm tôi bực mình không kém, như thấy tôi học thi vô Nông Lâm Súc chị bảo:

- Học chi nhiều mệt lắm, chị cho bửu bối đây. Nếu người ta hỏi về cách trồng cây thì em viết như vầy: Trước hết nhờ Trư Bát Giới làm cỏ vì ông có bàn cào. Kế đó mượn Tam Tạng sang Tây phương thỉnh hạt giống. Sau cùng là nhờ Tề Thiên Đại Thánh trông hộ... Vì chị chuyên môn coi truyện Tàu, nên trước những lời nói chơi ấy, tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên lắm! Tôi nhớ lại, có một lần chị bắt tôi đi đổi sách, vì đường xa và nắng nên tôi ngần ngại, nhứt là những ngày đầu tuần chị bắt tôi chạy đi mua Thiếu Nhi muốn hụt hơi. Nhưng nhớ lại, chỉ còn hơn tuần nữa đây, là chị em tôi thật sự xa nhau rồi, nên tôi ngoan ngoãn vâng lời. Tôi phục tài chịu đau của chị quá! Nóng gần bốn mươi độ mà chị vẫn tươi cười. Chị hay chảy máu cam lắm, có lần ướt cả gối và khăn tay. Vậy mà chị không gọi ai cả, má tôi nghe chị trở mình hoài nên qua xem, và la chị quá trời. Sáng đến chị bảo tôi:

- Chịu khó giặt hộ chị cái khăn Lương Sơn Bá.

Nói xong chị chìa cái khăn máu cho tôi. Tôi bảo:

- Em đâu phải là Chúc Anh Đài.

- Không phải em mới giặt, nếu phải em cất làm "kỹ nghệ" rồi.

Tôi càng viết về chị, là càng thấy thương chị nhiều hơn. Ở nhà, tuy chị được mệnh danh là "ăn ở không", nhưng khi chị đi rồi, thì ba chữ đó có tác dụng rất mạnh đối với tôi. Bao nhiêu việc nhà đều đổ dồn về tay tôi. Cách đây mấy tháng trong kỳ thi đệ nhứt, vì bài vở nhiều nên tôi chỉ lo học không. Công việc nhà được phó vào tay chị. Chị còn giúp ích vào việc học của tôi nữa, như: Viết công thức toán - phân đoạn từng phần trong môn sử địa - cắt từng miếng vải để tôi thêu trong kỳ thi nữ công.

Tuy tôi và chị không cùng chung ý tưởng, không thân thiết với nhau lắm. Nhưng kỷ niệm chị để lại cho tôi thì kể không bao giờ hết.

Tôi còn nhớ rõ một buổi chiều mà thư đến báo tin ngày xuất ngoại. Ba tôi chỉ nói một câu:

- Cuối tháng này con Hải đi rồi.

Tôi bỗng thấy mình yếu ớt lạ, không đủ can đảm đọc lá thư kia, và... hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Tôi khóc lần này không biết là lần thứ mấy cho cuộc chia ly của chị em tôi.

Ngày chị lên phi cơ để khởi hành cho một chuyến  đi - một chuyến đi không hẹn ngày về - Chị cố gượng cười không khóc, nhưng thấy tôi khóc quá chị cũng khóc theo. Tôi đưa cánh tay vẫy chào qua hai hàng nước mắt, mong ngày chị bình phục trở về. Tôi hứa là sẽ cố gắng học, để nơi phương trời Tây Âu đó chị được vui lòng, và con chim sắt từ từ chuyển động nó vô tình đưa người chị thân yêu tôi về phương trời xa lạ, mơ hồ tôi nghe bên tai những lời dặn dò khuyên bảo, niềm cô đơn thực sự trở về và chiếm cả hồn tôi...

Chị có tài viết văn dưới bút hiệu Hoàng Hôn - Nguyễn thị Hoàng Hôn, và chị cho rằng đời mình như một buổi chiều sắp tắt. Riêng tôi thì ngược lại, tuy cũng có khiếu về văn chương, nhưng chưa bao giờ tôi viết.

Hôm nay, tôi viết bài nầy gởi đến cho chị trong nước mắt. Với ước mong rằng nơi phương trời Tây Âu xa vời đó, chị hiểu dùm tôi, một người em hay bất hòa. Chị đi rồi tôi lãnh phần trách nhiệm quá nặng nề. Nhưng dù thế nào tôi cũng xin làm hết và chờ đón ngày về huy hoàng của chị.


Một người em ở lại      
NGUYỄN THỊ MINH  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 54, ra ngày 4-9-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>