Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Biển Cả : Kho Tàng Vô Giá

 

 
 Nước là mạch sống.

Nước cũng tàn phá, hủy diệt sự sống của mọi loài trên địa cầu.

Nhưng thiếu nước chắc chắn con người không thể sinh tồn được. Năm 1930 tại miền Trung Hoa Kỳ, hàng vạn dân đã phải bỏ nhà cửa, đất đai ra đi vì trời làm hạn hán. Trong khi nhiều nơi khác tại Á Châu bão lụt và sóng thần tàn phá hàng triệu tấn mùa màng, giết hại cả vạn sinh mạng, đồng thời gây cho hàng vạn người bơ vơ không nơi trú ngụ...

Nước quý giá, và nước tai hại là thế.

Đến bao giờ nhân loại mới chế ngự và sử dụng được khối nước khổng lồ bao phủ ba phần tư địa cầu vào những công cuộc phụng sự cho hạnh phúc chung của mình?

Các nhà khoa học khắp thế giới đang tìm cách trả lời câu hỏi đó.

KHO TÀNG NÀO được xem quý giá hơn cả trong kho tàng biển cả vĩ đại? Dầu hỏa? Cá và rong? Hay lưu huỳnh?

Nếu bạn đem câu hỏi trên đặt với ông Athelstan Spilhaus một trong các nhà hải dương học nổi tiếng, chắc chắn ông sẽ trả lời bạn như sau: "Nguồn tài nguyên quan trọng và chính yếu nhất xuất phát từ biển cả, không phải là cá, chẳng phải muối, magnesium hay hàng bao nhiêu khoáng chất khác cũng không phải nốt. Nguồn tài nguyên bất tận ấy chính là nước.

Ơ... Các bạn có ngạc nhiên lắm không? Lạ nhỉ, tại sao lại là nước?

Bạn hãy xem. Trước tiên, chính nước tích chứa trong các đại dương, bốc hơi dưới sức nóng mặt trời, tạo nên mây và gió, tổng quát hơn là thời tiết. Gió và mưa ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta sẽ bàn đến trong dịp khác. Spilhaus tiên đoán rằng ngày mà chúng ta chế ngự được thời tiết phải là ngày chúng ta đã hiểu tường tận về đại dương.

Trong quá khứ, con người cũng đã thực hiện được những trận mưa nhân tạo, mưa ở bất cứ nơi nào họ muốn (nhưng cũng phải có mây mới tạo mưa nổi!). Đó là tiến bộ của kỹ nghệ khoa học.

Còn một lý do khác khiến chúng ta dám mạnh miệng bảo nước quan trọng hơn cả: nước trong ao, hồ, sông ngòi không đủ cung cấp cho nhu cầu nước quá lớn lao của chúng ta. Xưởng máy, kỹ nghệ, canh nông, hết thảy đều đòi hỏi một lượng nước khổng lồ. Mỗi ngày, dân Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 1 tỉ mét khối nước. Những kênh đào, những hệ thống dẫn nước được thiết lập hầu cung ứng nước cho các thành phố.

Sài gòn và vùng phụ cận, với dân số khoảng 3 triệu người bạn có thể tính được lượng nước đòi hỏi không? Nước uống, nước giặt, tắm táp, mỗi người trong chúng ta cần khoảng bao nhiêu nước mỗi tháng? Đấy là nhờ hệ thống bơm nước sông Đồng Nai.

Đại dương! Nước, nước nhiều quá, mênh mông bất tận. Hàng bao năm trước, vấn đề nước uống cho những thủy thủ trên các tàu vượt đại dương thật nan giải. Nước ngọt mang theo cạn sạch không còn lấy một giọt. Nhìn nước xanh ngắt bao quanh tứ phía, hẳn người thủy thủ phải ứa lệ xót xa vì đấy là nước mặn, không cách nào uống được.

Ngày nay, phần lớn các tàu xuyên đại dương đều được trang bi hệ thống chế biến nước biển mặn thành nước ngọt hầu thỏa mãn nhu cầu cần thiết. Nước trở nên dư dả, chỉ lo các du khách và thủy thủ đoàn không có sức mà nốc.

Có nhiều cách khác nhau để lấy nước ngọt từ nước mặn.

Đun sôi một ít nước muối. Hơi nước sôi bốc lên, ngưng đọng ở mặt dĩa, đặt xiên trên miệng ấm thành những giọt nước. Bạn nếm thử xem: nước không còn mặn nữa. Nước tinh chất bốc hơi, các hạt muối đọng lại ở đáy ấm. Với chiếc thùng hôm trước, đặt thêm một miếng gương chênh chếch trên miệng thùng. Phơi ra nắng, bạn sẽ hứng được nước ngọt. Chính vì thế, nước mưa là nước ngọt.

Một phương pháp khác là làm đông đặc nước muối. Nước tinh chất đông đặc thành nước đá, muối tách rời dưới dạng tinh thể. Vậy ta đi đến kết luận, các tảng băng ở địa cực là những tảng nước đá ngọt.

Một phương pháp khác nữa để tinh chế nước mặn thành nước ngọt uống được là điện giải. Nhưng đây là phương pháp không dễ gì thực hiện trong nhà bếp chúng ta.

Nhìn qua, ta thấy có nhiều phương pháp thật nhưng giá một lít nước ngọt kiểu này còn khi đắt.

Ngày nay, bên bờ Địa Trung Hải, giữa những vùng đất khô cằn xứ Libye, cũng như ven vịnh Mễ Tây Cơ giữa những cánh đồng thuộc tiểu bang Tezas, Hoa Kỳ, nạn hạn hán luôn luôn đe dọa nông dân. Ruộng đồng bỏ hoang, không thể canh tác vì thiếu nước. Như người thủy thủ năm xưa lênh đênh giữa biển khơi, các nông dân nhìn biển cả xanh bao la trước mặt một cách thèm thuồng. Hỡi ôi nước đại dương, tại sao mi mang vị mặn?

Nhiều quốc gia đang trong vòng nghiên cứu để hạ thấp giá nước ngọt tinh chế từ nước mặn.

Một ngày nào, trong tương lai, một người nào đó - có thể là bạn, độc giả Tuổi Hoa đấy, - sẽ giải quyết vấn đề nước ngọt một cách hiệu quả và hợp với túi tiền nông dân. Khắp nơi, ở cả những sa mạc nổi tiếng khô khan, hai tiếng "nạn khát" sẽ không còn được nghe thấy.

Đấy mới là lúc con người khai thác đến tận cùng xương tủy gốc rễ của kho tàng biển cả vô giá.


PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ        
(Theo Ocean Harvest : The Future of Oceannography 
của H.W. Vogel và M.L. Caruso 
và tài liệu của Ban Địa Chất, ĐHKH Sài gòn).

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 212, ra ngày 1-11-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>