Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Nhìn Xuống


Bỗng dưng Bé tự nhủ phải rướn người lên, chạy thật mau... thật mau để trốn tránh tiếng còi xe inh ỏi phía sau. Tiếng còi của một chiếc xe Huê kỳ lộng lẫy trong những chiếc xe khác tấp nập trên đường phố, rước học sinh về chiều thứ bảy, chiếc xe có phủ rèm kín mít mà ban nãy đi ngang qua và bất chợt nhìn vào... không hiểu có một động lực nào thúc đẩy mà nước mắt Bé trào lên... bước đi vội vã như chạy trốn... Mà thật... Bé đang chạy trốn hình ảnh ấm cúng của một con chim sẻ nhỏ bé nép trong vòng tay âu yếm của Ba Me... con bé nhỏ bạn học cùng lớp Bé đó - ngồi lọt thỏm trong chiếc nệm dầy, đầu gối lên cánh tay Ba tựa trên thành ghế, nói chuyện huyên thuyên, tay bóc giấy cây kẹo Me ngồi bên trái đưa cho, trong lúc chú tài xế phía trước thò đầu ra ngoài quay xe lại, nhận kèn buốt óc, rồi thì chiếc xe to kềnh càng ấy vun vút lượt qua mặt Bé, bánh xe nghiến lên mặt đường qua những vũng sình làm nước bắn tung tóe lên... ơ hay! Sao Bé khóc được nhỉ?... Bé đang khổ sở đó, khổ sở vì hình ảnh ấy đã như một đống tro vừa dậy lửa lên trong lòng, và Bé đang chạy trốn kỷ niệm xưa gấm lụa của những buổi sáng Ba bế trèo qua cửa sổ, và chiếc vườn nhỏ đầy cỏ dại để hái nhưng hoa tím xinh xinh cho vào giỏ và những buổi chiều đi học Ba rước về muộn, đứng cạnh giáo đường, ngơ ngẩn lắng tai nghe một loài chim có tiếng hát véo von, đậu trên thành gỗ ngời bóng của chiếc ghế dài trong hàng hàng lớp lớp dãy ghế khác, nuối tiếc một ngày đẹp trời trôi qua...

Me ơi! Bé có sợ kỷ niệm đâu, vì kỷ niệm làm cho tình cảm tâm hồn thêm phong phú, nhưng mỗi lần nhớ tới nó, qua môi trường của một hình ảnh khác, Bé xót xa ghê lắm, nên muốn quên đi mãi mãi như đã quên rằng Ba nằm sâu trong lòng đất, để có những đêm Me lay dậy hỏi:

- Sao đêm nay Bé gọi Ba nhiều thế, làm Me sợ...

Bé cố nhoẻn nụ cười:

- Bé mơ thấy Ba... Ba dắt Bé đi chơi, Ba chở Bé trên xe êm thật êm... Me ạ!

Me ơi! Bé không dám nhìn Me lúc đó vì qua những tia sáng hắt vào từ khe cửa sổ, mắt Me loang loáng sầu...

Bé đứng trước sự lặng lẽ của căn nhà mái lá ọp ẹp giây lâu rồi bước thẳng vào trong, Bé định sẽ ngả vào lòng Me khóc và than thở với Me thật nhiều cho vơi bớt nỗi buồn đang ngun ngút dậy trong lòng Bé, cho Me biết Bé đang khổ sở trong vòng gươm giáo sáng ngời của những tên phiến loạn kỷ niệm hờm sẵn vây Bé vào giữa. Nhưng Bé dừng ngay ngạch cửa ra sau vì... Me Bé kia... Me đang đùa những ngón tay lên nền gạch Tầu ẩm mốc chắt chiu mớ củi dăm bỏ vào thùng, những ngón tay gầy guộc nứt nẻ làm Bé chợt liên tưởng đến những nhánh cây khẳng khiu vươn vươn chìa ra trong bầu trời xám ngắt lúc nãy Bé đi học về... Ý định tan tành trong hồn, Bé quay thật nhanh lên, mở toang tủ quần áo, vùi đầu khóc trong sự mát dịu lẫn nhung êm để mặc niệm chuỗi ngày nước mắt chưa hoen mi...

*

Khi lớp Bé được Soeur Angelique hướng dẫn đến trại tạm cư L.S. thì trời cũng bắt đầu mưa. Cả bọn nhốn nháo hẳn lên và cố gắng lách vào các mái tôn chìa ra ngoài để núp mưa, tuy nhiên Bé vẫn không quên giỏ quần áo lẫn thực phẩm mà Soeur Angelique phân phát cho từng đoàn 2 đứa trước khi đi. Cá toán khác chia nhau đi tiếp tế cho trại tạm cư mà Bé vẫn còn đứng một chỗ vì Hảo. cô bạn cùng toán với Bé đâu mất tiêu hà... Kìa! Loáng thoáng sau màn mưa trắng đục rơi đều, nhẹ như những sợi tơ căng thẳng và chạy đều trên khung cửa bóng con bé ngơ ngác, hết xoay qua rồi xoay lại... chắc tìm Bé chứ gì? Mừng quá, Bé quên cả mưa, chạy ào qua bên kia, xoay lấy vai cô bạn mắng mỏ:

- Con khỉ nè! Người ta tìm muốn chết đây!

Con bé giật mình quay lại rồi cười khúc khích:

- Chứ bộ mình không kiếm Hà sao?...

Cả hai dứa cùng cười, chia nhau xách hai bên giỏ, bọn Bé tiến sâu vào các nhà cuối dãy, những nhà luôn luôn nhận sự tiếp tế muộn màng nhất. Con bé Hảo lách vào trong một căn nhà nhỏ, Bé theo sau. Thoạt đầu hai đứa định tìm chủ nhà để trình bày lý do cuộc thăm viếng, nhưng Bé lẫn Hảo đều ngơ ngác vì người lớn nhất trong nhà là cô bé trạc bằng tuổi Bé với 4, 5 đứa em lăn lóc dưới đất. Hảo hỏi nhỏ, giọng ngắt quãng:

- Tụi nầy là đoàn viên tiếp tế của trường... Không biết chủ nhà ở đây là ai ạ, chị có thể cho biết?

Cô bé có cặp mắt soi mói, nghi ngờ hết nhìn Bé, nhìn Hảo rồi mới trả lời:

- Má tui đi vắng rồi, Ba tui chết trong biến cố... chỉ còn tui với mấy đứa em lăn lóc dưới đất - tui là chị Hai...

Thì ra thế. Hảo nhìn Bé rồi bằng giọng hoạt bát con bé cho cô bé đối diện biết nguyên nhân sự có mặt của hai đứa rồi ngỏ ý để cô nhận sự giúp đỡ trong lúc Bé im lặng chờ đến mình... Đây gọi là một căn nhà cũng không đúng vì nếu mới nhìn và nếu không có người ở, người ta sẽ ngỡ đó là một chỗ để xe với chiều ngang khoảng bốn thước chiều dài được ngăn ra bằng những miếng vải bố vá chằng chịt, dành chỗ cho mỗi gia đình tạm trú, có những gia đình không có mảnh vải nào để ngăn thì đành vậy, từ trước ra sau nhìn trót lọt. Rồi trời mưa, những giọt nước cứ theo những lỗ trống bất đắc dĩ rào rào chảy xuống, cả gia đình chìm vào cảnh ngập lụt. Trời ơi! Sao họ khổ thế nhỉ? Còn cái rãnh cống đen xì nước băng trôi qua trước "nhà" nữa, làm mùi gì hăng hắc xông lên đến ngộp thở vậy chỉ đứng chút xíu mà Bé nghe choáng váng cả người. Nhà Bé đâu mà đến nỗi thế, sáng sủa chứ đâu ánh nến chập chờn thế kia, mà trời mưa chả phải lo lắng như vậy nữa, cứ thu mình trong chăn ngủ tót tới sáng... Nếu trời bắt Bé chỉ ở một ngày - một ngày thôi - trong căn nhà lụp xụp nầy, Bé sẽ ra sao nhỉ?... Chao ơi! Bé chả dám nghĩ tới nữa... Hảo nói xong rồi kia, giờ đến phiên Bé... Ơ kìa! Ánh mắt mặc cảm của cô bé và đôi đôi mắt to tròn thao láo pha lẫn vẻ vồ vập của mấy đứa trẻ sao làm tay Bé bối rối thế này nhỉ? Hơn cả lúc ánh mắt của dì giám thị chiếu tọa độ vào Bé nữa cơ! Bé chả cần phải loay hoay lâu để sắp đặt cách biếu vì khi miệng giỏ mở tung ra, là lũ trẻ ùa tới, xòe bàn tay chen nhau trước mặt Bé van xin. Tự dưng Bé muốn rơi nước mắt ghê đi ấy, xã hội Việt Nam nầy còn có những bàn tay - xòe ra với người đồng chủng hay sao?!? Nhưng Bé cố gượng (Hảo thấy về trêu Bé chết!) tay trao số thực phẩm lẫn quần áo định sẵn. Nét mặt cô bé "chủ nhà" rạng rỡ hơn bao giờ hết khi nhìn mấy đứa em đưa tay lật đật rồi ướm thử vào người từng chiếc áo cũ kỹ, chiếc váy đầm phai mầu. Một cậu bé, chắc hẳn đang tắm ngoài mưa mình mẩy ướt đẫm, chạy ùa vào, xục xạo bao đồ hồi lâu rồi lôi ra chiếc áo sơ mi ngắn tay mặc vào người còn loang loáng nước, chiếc áo thật vừa vặn, cậu nhỏ vừa cài cúc, vừa nhìn áo rồi nhìn Bé cười ngây ngô, thân mật như đã quen nhau tự bao giờ:

- Vừa ghê hén chị?

Bé nhè nhẹ gật đầu, lòng mềm hẳn lại, quên cả chiếc áo ướt nước mưa vì che cho giỏ đồ ban nãy, quên cả cơn rét xoáy vào thịt qua từng cơn gió, tất cả chỉ còn lại trong mắt Bé ánh nến vàng lung linh soi rõ những khuôn mặt ngây thơ, chất phác trong gian nhà tối tăm chỉ muốn bay lên mỗi lúc gió to, một điển hình làm cho Bé băn khoăn cảm xúc khi so sánh hình ảnh nầy với hình ảnh cô bạn nhà giàu chiều thứ bảy nào.

Ba ơi! Bé nhìn xuống đây, và càng nhìn xuống, Bé càng biết mình chưa làm được gì hết, cả với công việc cỏn con nầy... Mùi cống vẫn tiếp tục hắt vào mũi làm Bé lợm giọng trở lại, đầu Bé nhức như búa bổ, trời đất xoay vòng trước mặt rồi tất cả rơi vào khoảng đen ngòm, tiếng Hảo cuống quýt:

- Kìa Hà! Làm sao thế?

Và tiếng kinh ngạc náo loạn xung quanh:

- Chị ấy xỉu rồi kìa chị Hai...

Bé tỉnh dậy trong cảm giác nóng ấm trên lưng và sự uể oải gợn lên trong từng mạch máu mỗi khi Bé cử động, toàn thân Bé hâm hấp sốt. Vừa nhận ra khung cảnh quen thuộc của căn nhà thì gương mặt Me cũng cúi sát Bé:

- Bé nầy, có nghe Me nói gì không?

Bé nuốt nước miếng đáp một cách khó khăn:

- Bé thức rồi đây Me! Phải Hảo đưa Bé về không hở Me?

Giọng Me se sẽ:

- Đúng đấy! Bé làm Me lo quá!... Bé uống thuốc nhé ; Bé bị cảm rồi đó! 

Bé nhẹ gật đầu, hình ảnh cuộc cứu trợ ban chiều ùa đến trong hồn Bé với tất cả góc cạnh đen tối và chua xót của nó nhất. Bất giác Bé nắm lấy bàn tay mát lạnh của Me, nói như trong cơn mê:

- Gia đình mình có phúc quá Me ơi!...


LINH HƯƠNG        

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 116, ra ngày 15-10-1969)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>