Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Viết Về Nó

 

Có ai biết rõ tâm trạng của thằng Vũ hiện giờ? Không, không một ai được biết cả. Với lại không ai tò mò để ý đến công việc, hành động của nó thì làm sao biết được. Vả lại nó cũng chẳng nói với ai bao giờ về ý muốn của mình. Thật ra, lòng nó rối như tơ vò, đôi khi hồi hộp, vui mừng, lo âu hoặc thất vọng. Đôi mắt nó luôn nhìn vơ vẩn, một đám mây trôi, một chiếc lá rụng, một buổi chiều buồn, một cánh đồng ruộng, tất cả đều được nó để ý nhìn bằng đôi mắt chứa đầy sự suy nghĩ mông lung. Nó luôn trầm lặng, buồn viển vông hoặc vui bất ngờ. Nó có vẻ bơ phờ như lãng trí, nó có vẻ yêu đời như thỏa mãn với lòng. Nó thật là phức tạp, nhiều khi quên cả ăn, bỏ cả ngủ để ngồi vào bàn học mà trầm tư mặc tưởng hay vơ vẩn nhìn tận đâu đâu. Nếu có ai biết được lòng nó, mới thấy thương hại cho nó, mới xem hành động của nó là phải thế. Nhưng, khổ một nỗi, nào có ai hiểu được nó đâu! Còn nếu để cho nó thố lộ thì nó không có can đảm và bản tính bỡ ngỡ thẹn thùa không cho phép. Nó mang trong lòng một hoài vọng, nuôi một giấc mộng vĩ đại, to tát (nó nghĩ thế). Ấy là giấc mộng "viết văn". Phải, từ khi bước vào ngưỡng cửa Trung Học, nó đã nghĩ ngay đến điều ấy. Nó không mong mình trở thành văn sĩ, thi sĩ nhưng nó lại khoái làm thơ, viết văn. Tội nghiệp cho nó, muốn vậy nhưng tạo hóa có chìu lòng nó đâu.

Từ lúc nó vừa ghé mắt vào tập "Tuổi Hoa" của bạn nó, nó như vừa bắt gặp một cái gì quý báu, có thể làm thỏa mãn được phần nào nguyện vọng chính. Nó say sưa đọc, hình như nó không muốn bỏ sót một chữ gì trong tập báo ấy. Ở tại một làng xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn nầy, được một tập báo của người ta mua về đã là quý lắm rồi. Huống hồ, lại là tập "Tuổi Hoa". Bao nhiêu mầm non văn sĩ trong ấy, cùng lứa tuổi với nó, cùng một tâm hồn như nó. Thì bảo sao nó lại không thích, không yêu. Nhưng, gia đình không được dư dả, nghèo như bao người nghèo trên mảnh đất này, nó không được hân hạnh mua báo, dù nó rất muốn mình trở thành độc giả của báo "Tuổi Hoa". Tuy nhiên, vẫn may mắn cho nó, là bên nhà có một thằng bạn cùng lớp, được hãnh diện mua báo đều đều. Vì thế, nó cũng được đọc truyện, xem tranh. Được hòa mình trong nhiều mẩu chuyện hay hay.

Nó tự nghĩ không hiểu sao các bạn trong gia đình "Tuổi Hoa" lại giỏi đến thế? Viết văn sao hấp dẫn thế? Làm thơ lại còn cừ hơn nữa. Chẳng lẽ Thượng đế lại thương mấy "người ấy" nhiều hơn, rồi ban cho cái trí phong phú, tế nhị để viết nhiều câu văn nhẹ nhàng, linh động. Còn nó, nó mong muốn, hy vọng chừng nào thì lại thấy khó khăn chừng ấy. Chao ôi! Viết sao cho hay đây? Cho người đọc vừa lòng, chứ nếu như xem đến rồi lắc đầu, le lưỡi buông một câu mà nó không bao giờ muốn: "văn như đất cục". Nếu thế thì giấu cái mặt nơi đâu cho khỏi mắc cỡ. Hẳn là lúc ấy cái mặt đỏ rực như ông say rượu thì chết. Thật khó thi hành ý định.

Nhưng không phải vì thế mà nó đầu hàng đâu, nó cố gắng lắm cơ mà. Nó kiên nhẫn đọc sách để mở mang trí tuệ và thâu nhập kiến thức. Thầy hắn bảo thế! Đôi lúc nó thầm nhủ: "Ừ, biết đâu mình lại không bằng ba nhà thơ con cóc". Không, nó không chịu thế! Nó phải tập viết văn, phải tập làm thơ như mấy "người ấy". Có lẽ trí óc nó chưa đến lúc phát khởi những ý tưởng cao siêu, những câu văn bóng bẩy, những mẩu đối thoại hữu duyên. Phải - phải như thế đấy. Nếu nó nuôi ảo vọng thì tại sao nó làm luận lại cừ, lần làm bài nào, nó vẫn đứng trên đầu học sinh lớp nó. Mỗi lần phát luận, tiếng thầy giáo vang lên sao êm ấm lạ, dịu hiền nghe khoái muốn chết: "Bài nhất là của trò Vũ". Sao lúc ấy nó oai dữ. Bao cặp mắt đổ dồn về nó. Mấy người con gái chép lưỡi thì thào: "Lại của thằng Vũ". Đáng lý nó phải nhìn tụi gái, hãnh diện bảo rằng: "Ai thắng nổi mà bảo lại với không lại". Nhưng không, nó không làm thế mà lại còn giả vờ khiên tốn nhìn xuống bàn hay ngóng mắt ra xa như thể là thứ ấy không có gì đáng nói. Thằng láo thật, mừng bắt run người mà còn làm ta đây.

Làm luận thì thế, mà mỗi lần định viết một câu truyện ngắn thì lại cắn bút, đến nỗi cây viết "bic" muốn móp. Ngồi trước mảnh giấy thì thấy và biết đó là giấy chứ ngoài ra đầu óc trống rỗng như bánh xe no tròn chứa không khí. Buồn cười thật, lúc ngủ trưa, hay nằm yên suy nghĩ, trí óc chứa chấp không biết bao nhiêu ý tưởng, cốt truyện. Đến khi cầm cây viết thì chúng biến đâu mất cả. Không một đề tài nào loáng hiện qua màng óc. Không lẽ tả cảnh, mà cảnh có gì đẹp đâu. Thuật lại chuyện đập nhau với lũ trẻ, thì lại quên hết chi tiết. Có lúc, nhất định phải viết về đứa em gái ngoan nghịch trong nhà, kể hết những cái nết không tốt cho cô ta giận chơi. Thế rồi, cúi xuống tập giấy hí hoáy vài hàng, lại bắt gặp cái mặt tròn tròn, hàm răng sún nhăn ra cười khì. Nhất là cặp mắt, mỗi khi cô ta háy một cái, ước chừng tầm thấy của nhãn quan dài độ vài chục cây số ngàn. Mỗi lần như thế, trông cô ta nó chẳng ưa chút nào, tìm một câu tống khứ thì lại quên cả vấn đề đặt trước. Số phận hẩm hiu, chẳng có được bà chị, hay ông anh hầu mong quan sát hành động của mấy người ấy thì hay biết mấy.

Có hôm, nó tìm ra đâu được một mẩu chuyện mà nó cho là hay nhất. Nắn nót, sửa đổi, gạt bỏ, mất đến ba tiếng đồng hồ. Xong rồi đọc lại. Trời ơi, nó nhạt nhẽo làm sao, vô duyên hơn bà Tám trong làng. Nhưng rồi cũng tự bào chữa theo ý nghĩ riêng: "Mình viết mình đọc đâu có hay". Thế rồi, mang qua nhà thằng bạn, bảo nó xem rồi phê bình dùm. Cái thằng bắt ghét tệ chưa đọc đã hỉnh mũi bảo: "văn mầy dám thua mắm lắm đấy". Lật qua vài trang, hắn lắc đầu, than thở: "xem không vô chút nào cả". Chết được, thất vọng tràn trề, nghe lòng nó đau như ai cắt. Thật khổ cho nó. Thế nầy bao giờ mới viết nổi được một bài truyện ngắn hầu được đăng trên báo.

Tuy thế, nó vẫn không nản lòng, quyết phải làm cho kỳ được. Mỗi lần thất vọng hay gặp trở lực nó lại nhắc đến câu thần chú để an ủi lòng: "Biết đâu rồi sẽ có ngày viết hay" và nó vẫn tiếp tục viết, viết mãi. Nó không cần đầu, chẳng cần đuôi. Viết để mà viết. Viết không cần đọc lại. Có hôm nó tả một đêm trăng, rồi vất bừa vào ngăn kéo. Đến khi má nó tìm chiếc chìa khóa và bắt gặp. Má nó đọc và cười bắt đau bụng. Đoạn văn như sau:

"Hôm nay, một đêm trăng huyền dịu. Chị Hằng lơ lửng vẫy tay chào những đám mây trắng bạc bay qua. Giải Ngân Hà lan rộng và một triệu lẻ một ngôi sao nhấp nháy"...

- Chết thật, thằng nhỏ dám cả gan bảo trên trời có một triệu lẻ một ngôi sao. Gớm thật. Tài đến thế là cùng.

Đôi khi nó ngớ ngẩn đến bắt tợn. Tả một cơn mưa giông như thế nầy:

"Hôm nay trời bỗng dưng đổ mưa. Màu trắng xóa bao phủ cả một vòm trời. Những hạt mưa phải tội bị đày xuống địa ngục trần gian. Chúng sợ hãi nên bám vào tôi đến ba ngàn rưỡi hạt"...

Nhiều lúc, nó viết đến cả trang nầy qua trang nọ với những ý tưởng rất kỳ quặc, có thể tin rằng chưa một nhà văn nào trên thế giới dùng tới. Nếu là người đọc, sẽ ngơ mặt chửi thề bảo nó là một đứa ngốc nhất vũ trụ.

Nhưng, hôm nay nó bỗng nảy ra một ý tưởng mới lạ. Ý tưởng ấy đã từ lâu nó không bao giờ để ý tới. Và nó cũng không ngờ, đấy là một đề tài, để nó xổ cái bầu văn chương hiếm có nầy ra khỏi tâm phổi mà bấy lâu nó uất ức chịu đựng. Thật là một dịp ngàn năm một thuở, độc nhất vô nhị. Ấy là viết về nó. Ừ, sao từ lâu chẳng làm thế! Viết về nó hẳn là hay đấy. Hay với nó hoặc hay với những người từ xưa đến nay chưa bao giờ cầm viết. Nó tự tin: "Hay nhé - Hẳn là hay đấy nhé". Nó tự đắc, mỉm cười, nụ cười nầy chưa lần nào nở trên môi và nó không biết nụ cười ấy quen hay lạ. Nó lục vở tìm giấy, rút ngăn kéo tìm viết. Nó ngồi ngay ngắn trước cuốn vở, tiếc thay, không có một ly cà phê, một cái kính trắng và một điếu thuốc phì phà. Nếu có, thế nào chúng cũng hay gấp bội. Hay lũy thừa. Nó cúi xuống. Đấy, nó viết về nó đấy.


Hoài Dương Vũ       

(Tr1ch từ tạp chí Tuổi Hoa số 95, ra ngày 15-9-1968)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>