Cao Thắng sanh năm 1864, người làng Lê Đông, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (thuộc Trung Phần). Thuở nhỏ ông rất thông minh, lại thông thạo cả về binh pháp, chiến lược. Vì thấy ông có tài nên Phan Đình Thuận là anh ruột của Phan Đình Phùng nhận làm con nuôi với ý hướng cao cả sau này.
Khi Phan Đình Phùng nổi lên khởi nghĩa để chống thực dân Pháp đang đô hộ nước ta, ông cùng với em là Cao Hữu và bạn là Nguyễn Kiều theo hợp tác. Ông được Phan Đình Phùng phong chức Quản Cơ (chức quan võ coi về quân cơ đồ trận) và là cánh tay đắc lực nhất của nhà lãnh tụ này.
Khi Phan Đình Phùng thất trận, phải tạm thời lánh ra Bắc, ông một mình cùng với Cao Hữu, Cao Đạt và Nguyễn Kiều lo chiêu mộ thêm binh sĩ, đồng thời ông nghiên cứu và mở ra xưởng đúc súng, phỏng theo kiểu của Tây Phương. Ông cũng là người đầu tiên biết chế tạo súng tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian hoạt động, ông đúc được đến 300 khẩu súng rất tinh xảo, không kém gì của địch.
Đến khi binh lực đã bắt đầu vững mạnh, Cao Thắng liền bí mật cho người đi mời ông Phan Đình Phùng về tiếp tục hoạt động. Với khối óc đầy đủ uy, cơ, mưu, thao lược, ông đứng ra điều khiển nghĩa quân, chiến thuật của ông lại thần tình khiến cho công cuộc thu đạt được nhiều chiến công rực rỡ.
Tuy nhiên, thanh thế của ông càng to lớn thì bọn thực dân lại càng ráo riết bắt cho được ông để trừ mầm mống nguy hiểm. Người hăng hái nhất trong việc chống lại cuộc khởi nghĩa này là viên Tuần Phủ Đinh Nho Quang. Vì vậy, vào năm 1892, Cao Thắng đã dùng mưu bắt được ông ta, khiến cho bọn quan lại và thực dân ở Nghệ An đều khiếp đảm.
Đến tháng 10 năm 1893, để gây thêm thanh thế cho nghĩa quân, Cao Thắng đem một đội cảm tử tấn công vùng Nghệ An để phá các căn cứ đóng quân và kho lương thực của địch. Quân của ông chiến đấu rất hăng, gây cho địch nhiều tổn thất và chiếm được một số tiền đồn ở vài nơi hiểm yếu. Nhưng đến đồn Nó, trong một cuộc tấn công, ông bị bắn và tử thương vào cuối năm 1893, lúc ấy ông mới được có 29 tuổi. Ông được an táng rất trọng thể tại núi Vu Quang, Ngàn Trươi.
Tin ông mất làm rúng động toàn thể nghĩa quân, ai nấy đều thương tiếc một vị anh hùng đã hết lòng vì quê hương, vì Tổ Quốc. Đền thờ của ông được dựng tại làng Khê Thượng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, và để tưởng niệm công đức của một bậc công thần vì nước quên mình, ông Phan Đình Phùng tự tay đề hai câu liễn để thờ tại đền này.
Ngày nay, trong châu thành Saigon có một trường trung học và một con đường mang tên CAO THẮNG.
VĂN KHOA
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 42, ra ngày 11-6-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.