Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Chim Sâu

 

Nếu phải chọn một con vật tiêu biểu cho một đại lục, chúng ta sẽ không ngần ngại chọn mấy chú chim sâu làm đại diện cho miền đất dài nhất thế giới là Mỹ Châu. Sở dĩ chúng ta quyết định vậy là vì dòng họ của mấy chú loắt choắt này có mặt ở khắp nơi bên Mỹ Châu, từ vùng đất lửa ở cực nam cho đến bán đảo A-lát-ca ở cực bắc.

Thật ra trong số 450 giống chim sâu, đa số sống tại miền nhiệt đới. Nhưng cũng có hàng trăm giống chuyên kiếm ăn tại miền băng giá ở phía bắc, hoặc trên những vùng núi cao ngất thuộc rặng Ăng-đờ ở phía nam.

ĐẶC ĐIỂM

Đặc tính thứ nhất của giống chim này là thân hình chúng rất nhỏ. Vì vậy, người ta đã tặng cho chúng một biệt danh là "chim Ruồi". Một chị chim sâu được gọi với một cái tên rất mỹ lệ là "Công chúa Ê-len", có một thân hình lùn tịt và ngắn ngủn, chiều dài kể cả lông đuôi chỉ đo được khoảng 4cm. Riêng cái mỏ đã dài 1cm. Nàng Công Chúa lùn này cân nặng tới 2 gam lận! Tuy nhiên, tại núi Ăng-đờ có một loại lớn đặc biệt, chiều dài đo được hơn 20cm.

Chim sâu nhiều con có bộ lông rất hấp dẫn. Trước con mắt của nhà nghệ sĩ, mỗi bộ lông xinh xắn của loài chim này đều là một viên hoàng ngọc tỏa ra một màu sắc rất vui tươi và linh động.

CHIẾC TRỰC THĂNG TÍ HON

Một đặc tính khác nữa của giống chim Ruồi từng gây ngạc nhiên và ưa thích cho các nhà vạn vật học là cái tài bay tại chỗ của chúng. Một chị chim Ruồi có thể bay lơ lửng một lúc lâu trên một bông hoa y như một chiếc trực thăng. Chị tiến lên, lùi lại rồi đột nhiên bay vút đi như tên bắn. Bấy giờ người ta chẳng trông thấy cánh chị đâu, mà chỉ nghe thấy tiếng vù vù phát ra giữa không trung. Trong nháy mắt, chị đã biến đâu mất dạng.

Nhờ phim ảnh ghi nhận khi chị bay, người ta biết được đôi cánh của chị có thể cử động tới trên 50 lần một giây đồng hồ. Vượt một quãng đường dài 100 cây số đối với chị là một điều chẳng khó khăn gì.

Đối với tấm thân bé bỏng và nhiệt độ tương đối khá cao (28°6) của chị, thành tích trên đây sở dĩ đạt được cũng là nhờ sự biến hóa đặc biệt trong cơ thể chị. Để cho đôi cánh có thể hoạt động như một cái máy, chị phải cần tới một số lớn nhiệt lượng. Vì thế, chị phải ăn thật nhiều. Thực phẩm của chị gồm nhiều món khác nhau, kể cả thực vật lẫn động vật. Mật hoa và các giống côn trùng như sâu, bọ, nhện đều là những mục tiêu hấp dẫn đối với chị.

Trong giống chim sâu, có con có mỏ dài hơn cả thân mình! Bên trong cái mỏ này là một cái lưỡi hình ống cũng khá dài, cử động mềm mại như một con rắn. Với cái "cọng rơm" đặc biệt này, chim sâu có thể hút nước ngọt trong các bông hoa. Đối với loại côn trùng có cánh, chú cũng không tha. Một anh chuồn chuồn hay một chị bươm bướm đang lượn nhở nhơ trên không, vô phúc gặp một chú chim Ruồi, thì đời kể như không còn.

Cứ sự thường, những loài chim săn côn trùng như thế này, có một cái mỏ ngắn và rộng. Đằng này, mấy chú chim Ruồi lại có một cái mỏ rất dài và hẹp. Tuy nhiên, để bù vào khuyết điểm ấy, mấy chú lại được trời phú cho cái tài xoay sở nhanh nhẹn khó loài nào bì kịp.

NHỮNG GIẤC NGỦ KỲ LẠ

Đôi khi vì lý do này hay lý do khác, một chú chim sâu không kiếm đủ thức ăn để cung cấp cho bộ máy làm việc quá mức của chú, thì một điều khá đặc biệt sẽ diễn ra ngay. Chú sẽ tìm cách trốn tránh cảnh đói khổ đang hành hạ chú. Chú quyết đắm mình vào một tình trạng mê man, bất tỉnh chẳng khác gì những giấc ngủ triền miên suốt mùa đông của mấy loài có vú. Có điều những giấc ngủ mùa đông của dòng họ chim sâu thường ngắn hơn. Trong khi mê man thế này, nhiệt độ trong người chú hạ dần cho đến lúc chỉ còn cao hơn sức nóng ở bên ngoài chừng một vài độ thì thôi. Bấy giờ chú sẽ nằm yên như chết, thân cứng đờ, mắt nhắm nghiền, đầu nghếch lên cao ; hơi thở và nhịp tim đập rất yếu. Để trở lại tình trạng bình thường, người ta nhận thấy chim cần một thời gian khoảng nửa giờ. Các nhà chuyên môn đã quan sát những giấc ngủ này, nhưng chưa hiểu đích xác công dụng của tình trạng hôn mê. Cũng theo các nhà chuyên môn trên thì giấc ngủ của loài chim én thường dài tới 21 ngày.

Nhiều giống chim rất tinh khôn. Chúng biết xoay sở để đối phó với hoàn cảnh bất lợi cho chúng, đặc biệt là nạn thiếu ăn. Thông thường "đói thì đầu gối phải bò". Nhưng mấy chú chim sâu nhà ta lại không thích bò. Mỗi khi gặp nạn đói kém mấy chú liền trèo tót lên ổ, nằm không nhúc nhích, mắt nhắm chặt, đầu nghếch cao, biểu diễn một màn y-ô-ga độc đáo, rồi khò lúc nào không biết...

Nhưng ta chẳng nên vì thế mà bảo mấy chú lười biếng. Dù thân hình bé tẻo bé teo, dòng họ nhà chim sâu cũng nổi tiếng là những nhà hàng không tí hon đáng nể. Các chú thường rủ nhau đua tài, bay từ miền cực bắc tới Trung Mỹ, hay xa hơn nữa về phía Nam để tránh thời tiết lạnh lẽo của mùa đông. Mấy chú tuy nhỏ con, nhưng bay rất chì và gan dạ.

SINH NỞ

Có lúc chim sâu rất ít đi đây, đi đó và chỉ loanh quanh ở nhà. Đó là thời gian mấy nàng chim mái lo dọn tổ để sanh đẻ. Tổ của chim sâu rất giản dị, đôi khi được cả chim trống lẫn chim mái xây cất bằng những cọng rác mảnh dẻ đan vào nhau. Thường thì chú trống mặc kệ chim mái tự do lo lấy ổ. Chú có thái độ dửng dưng, ích kỷ, chỉ bay nhảy suốt ngày. Đối với chú, con nào đẻ con ấy lo!

Chim hay chọn những chạc ba trên cành để xây tổ. Công việc này tuy đơn giản nhưng thật ra là cả một nghệ thuật. Chim mái kiếm những sợi dây dài, rồi dùng mỏ cuốn qua cuốn lại thật chắc vào cành cây, đoạn vấn dần thành một cái tổ trông mong manh nhưng rất chắc, nhiều khi chim phải đánh đu trong không trung để đan cho kín phần dưới tổ. Lúc đó mới thấy chim khôn ngoan và khéo léo, xứng đáng là một nhà kiến trúc tài ba. Để cho tổ bám chặt vào cành cây, chim còn dùng một chất nước dính dính để quệt vào các cọng rác.

Mỗi chim mái thường sinh được hai trứng khá lớn. Điều này không lấy gì làm lạ, vì ta nhận thấy giống chim nào càng to thì trứng lại càng nhỏ, nếu đem trứng mà so với thân hình của chim. Chẳng hạn trứng của một chị đại bàng chỉ nặng bằng 3% trọng lượng của chị. Trong khi trứng của một nàng chim sâu luôn luôn đạt được tỷ lệ trên 10%.

Sau thời gian được ấp 21 ngày, trứng sẽ nở thành chim con rất nhỏ và yếu ớt. Một lần nữa, chim trống lại tỏ ra đoảng vị và chẳng có tình phụ tử gì cả. Suốt ngày anh ta chỉ lo chơi bời lêu lổng, không đoái hoài gì tới con. Trái lại, mọi việc chim mẹ phải quán xuyến hết. Nàng phải đi kiếm từng chùm sâu về mớm cho con, hoặc hút từng ngụm nước mật mang về cho con uống. Nhiều lúc nắng quá, nàng phải hy sinh xòe rộng đôi cánh, che cho lũ con từ giờ nọ sang giờ kia để tránh cho chúng khỏi lả người đi.

Ai bảo chim không có tình mẫu tử!?


VĂN TRUNG         
(theo Jaques Marsault)   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 125, ra ngày 1-6-1974)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>