Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Như Nước Trong Nguồn

 

 
 LTS. - Kể từ số báo này, chúng tôi sẽ lần lượt đăng loạt bài "THƯ CHO CON" của nhà văn Nguyễn Khắc Thiệu. Đây là tiếng nói rất chơn thành của một người cha gia đình tâm sự với các con. Nội dung đề cao tình cảm gia đình Việt Nam. Chúng tôi chân thành cám ơn nhà văn Nguyễn Khắc Thiệu đã cộng tác với Tuổi Hoa.
 
TUỔI HOA     

PHƯƠNG NGA CON,

Bố muốn bắt đầu tập thư viết cho các con, bằng việc nhắc nhở đến một người đã khuất. Đó là ông nội của con, đấng sinh thành ra bố, các bác và các chú các cô...

Cho đến bây giờ, khi bố đã nuôi dạy con và các em con, bố mới hiểu nổi tình thương rộng lớn như biển cả của Ông Nội đối với Bố, tức là hiểu được thế nào là tình cha mẹ yêu thương con cái...

Con ơi. Ngày trước đã lâu lắm, bố không còn nhớ rõ năm tháng nào, nhưng lúc nào hồi tưởng lại, cũng tưởng như chuyện mới xảy ra hôm qua. Những buổi chiều thứ bảy được nghỉ học, bố có thói quen kéo dài giấc ngủ trưa cho đến 4, 5 giờ chiều mới dậy. Nhưng không có lúc nào được trọn vẹn. Cứ vào khoảng 3 giờ chiều, là Ông Nội đã thức bố dậy! Đến bây giờ, bố vẫn mường tượng nghe được giọng nói của Ông Nội: "Thiệu ơi, dậy đi con, dậy đi con..." Giọng của Nội dịu dàng, đầm ấm. Bố phải thức giấc, ngồi dậy, tựa cửa nhìn ra, tuy không nói nhưng trong bụng ấm ức vì giấc ngủ dở dang. Rồi khoảng nửa giờ sau đó, bố đã mặc áo quần đi dạo phố. Ông Nội thường im lặng nhìn bố soạn sửa ra khỏi nhà, và nhiều lúc gọi bố lại hỏi "Thiệu, con đi phố hả, cho con hai chục, và gởi con 10đ mua cho ba cái này... đừng quên nghe con".

Không những thế, rất nhiều buổi sáng tinh sương, trời lạnh cũng như trời ấm, Ông Nội dậy sớm uống nước trà và lúc nào cũng thức bố dậy để cùng uống nước. Chắc con cũng rõ rằng, đối với bố lúc còn trẻ dại, giấc ngủ lúc nào cũng được quí trọng hơn là một tách nước trà vào một sáng trời lạnh xứ Huế. Thế nhưng Ông Nội đã đánh thức thì buộc lòng bố phải bỏ ngủ, dậy cùng uống nước. Và câu chuyện Ông Nội thường nhắc nhở với bố lúc bấy giờ là... "Ngày trước khi Ông Nội (bố gọi là Ông Nội, các con gọi là Cố) vì nghèo khó, thường ao ước mỗi sáng có được bình trà ngon mà vẫn không toại nguyện. Bữa nay ba uống được bình trà, ba lấy làm buồn là Ông Nội không còn sống để ba được pha trà như thế này cho Ông Nội uống..."

Phương Nga con, tâm sự của Ông Nội ngày trước, chính là tâm sự của Bố bây giờ, và nỗi lòng của Ông Nội thuở đó cũng chính là nỗi lòng của bố hôm nay. Con có bao giờ biết rằng mỗi chiều thứ bảy bố được nghỉ ở nhà, con phải đi học, thì bố trông ngóng như thế nào không? Bố quanh quẩn trong nhà suốt buổi chiều mà không nghe được tiếng con nói, không nghe được tiếng cười của con, không thấy bóng dáng con quanh quẩn đâu đây ; bố thấy rõ cái quạnh vắng vô duyên của cả một buổi chiều nghỉ ngơi. Hình ảnh của con bên cạnh bố cũng chẳng khác nào một bộ phận trong cơ thể bố. Vắng thiếu đi một bộ phận, là cả cơ thể như mất thăng bằng, chơi vơi... cho nên ngày xưa chiều thứ bảy, Ông Nội con đã không cho bố kéo dài giấc ngủ trưa, đánh thức bố dậy để Ông Nội cảm thấy sự vững vàng ấm cúng xung quanh mình. Tình thương của cha mẹ đối với con cái, cũng như sức nặng cần phải có một chỗ tựa. Đêm đêm tỉnh giấc giữa khuya, nghe hơi thở của con bên giường, bố cảm thấy một sự yên lòng, vững chãi. Ngày chủ nhật bố làm việc ở nhà, nhưng hễ nghe vắng tiếng cười đùa của con với bạn bè ngoài sân, là bố thấy như mình đang thiếu hụt một cái gì đâu đây... Thuở bố nhỏ, đi coi ciné, thấy ai đem trẻ con theo để lúc phim chiếu, nghe trẻ khóc ré lên, là bố bực mình và thầm trách khán giả nào đó không ý tứ, làm phiền người khác. Nhưng bây giờ, bố đã làm cha mẹ, bố đã biết thế nào là tình cha mẹ yêu thương con cái, nên hễ dầu đang lúc coi đoạn phim thật căng thẳng, mà nghe trong bóng tối có tiếng trẻ con khóc ré lên, bố không còn cảm thấy khó chịu nữa, trái lại bố cảm thông sâu xa với bậc cha mẹ đã chịu khó đem con theo, bố đâm ra âu yếm tiếng trẻ con khóc lúc đó.

Buổi sáng chủ nhật bố có thói quen đi ăn sáng và uống café thật sớm, và lúc nào bố cũng chịu khó đợi con thức giấc để đem con theo. Me thì cứ dặn bố: "Để cho con ngủ đã, để con ăn sáng ở nhà cũng được". Nể lời me, bố đành ngồi ở nhà đợi con tỉnh giấc, và thế nào cũng phải đem con ra quán. Ngày trước Ông Nội uống trà mỗi buổi sáng đều đánh thức bố dậy, cũng chẳng khác nào ngày nay bố dẫn con đi uống café lúc đường phố còn vắng vẻ...

Có con bên cạnh, là có được một yên ổn, một thăng bằng cho tâm hồn bố mẹ. Tại sao ngày xưa, khi Ông Nội còn sống, mỗi trưa thứ bảy Ông Nội lặn lội đạp xe đạp một đoạn dường dài trên 24 cây số từ chỗ làm việc để về nhà cho kịp ăn cơm với gia đình ; để mỗi sáng thứ hai từ 5 giờ sáng đã phải còng lưng đạp xe đến sở làm việc... Con ơi, Ông Nội ngày xưa, bố mẹ ngày nay sở dĩ chịu đựng lam lũ nhọc nhằn trăm thứ mà lúc nào cũng vui vẻ dịu dàng với các con, cũng chỉ vì một lý do đơn giản vô cùng: Đó là tình yêu thương con cái. Bậc làm cha mẹ có lắm người làm những công việc không xứng đáng, cũng có người đủ can đảm, nhẫn nhục để ngậm tủi nuốt hờn ngày nọ qua ngày kia được, cũng vì yêu thương con. Con đã có lần hỏi bố: "Tại sao bố phải đổ dầu vào xe Honda". Bố trả lời vắn tắt: "Có dầu vào trong máy, máy mới lâu mòn". Bữa nay bố lại muốn so sánh thêm con rõ. Bố mẹ phải vất vả trăm chiều, mất ăn mất ngủ ngày này qua tháng nọ, mà lúc nào bố cũng vui vẻ, trìu mến các con ; không lúc nào than van tuyệt vọng, gắt gỏng với các con, chỉ vì bố mẹ yêu thương con, yêu thương con như nước từ nguồn chảy về sông về biển... Tình bố mẹ yêu thương con đúng như là một thứ dầu máy, giúp cho cuộc sống của bố mẹ lúc nào cũng thuận hòa vui vẻ... Bố muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng chắc con cũng biết rõ rằng bậc cha mẹ chẳng bao giờ muốn kể lể công ơn với con cái..., đến một tuổi nào đó, con mới thấm thía bài ca dao:

Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...
 
nhưng bài ca dao này lại muốn nhắc nhở con, con biết rõ công ơn cha mẹ, còn bố thì mong miễn sao các con có đó, còn đó, để bố mẹ thương yêu và săn sóc là quí rồi...


NGUYỄN KHẮC THIỆU     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 154, ra ngày 1-6-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>