Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Đôi Bạn

 

Thanh là đứa bé mồ côi, được gia đình người chú đem về nuôi...
 
 Chú của Thanh là người hà tiện. Ý của ông là đem Thanh về để làm việc nhà chớ không thương yêu gì Thanh cả.

Mới mười hai tuổi đầu mà Thanh phải làm việc thật vất vả. Hết rửa chén đến giặt quần áo, từ sáng đến chiều, không lúc nào được nghỉ ngơi.

Một hôm có gánh xiệc "Năm Châu" tới tỉnh biểu diễn. Nghe tiếng kèn quảng cáo, Thanh lén đi coi. Không có tiền mua giấy vào cửa, Thanh đứng lảng vảng, đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn làn sóng người đang lũ lượt vào rạp. Nó mon men đến chỗ bán đậu phụng rang, thọc tay vào túi quần lấy ra một đồng bạc. Người bán đậu bốc mấy hột dúi vào tay nó. Sau vài câu chuyện, ông Tư - người bán đậu phụng - cho Thanh một cái vé vào cửa.

Mừng quá, Thanh chạy vội về nhà, định xin phép chú đi coi. Vừa bước tới ngưỡng cửa, thì một bàn tay to lớn đã túm lấy áo Thanh, nện lên lưng nó như trời giáng và quát:

- Thằng yêu kia, mầy đi đâu mà tới giờ mới về? Tao nuôi mầy để làm việc chớ có phải để cho mầy đi chơi đâu? Mầy phải biết rằng "chú cũng như cha". Nếu tao không thương thì tao đã cho mầy vào viện Dục anh rồi!...

Chợt chú trông thấy Thanh đang cầm tấm vé, liền giật lấy và xé ra từng mảnh:

- Hừ! Tiền đâu mầy mua được thế nầy? Đồ quân ăn cắp...

Thanh định cãi lại nhưng bị tiếng của chú lấn át mất:

- Tao sẽ phạt không cho mầy ăn cơm tối nay!

Nói xong, ông với tay lấy cái nón treo trên tường rồi đi thẳng.

Thanh lủi thủi lên gác, bây giờ Thanh mới biết mình không có chút tình thương nào cả... Quá tủi thân, Thanh òa lên khóc. Đêm đó, Thanh có ý định bỏ nhà chú đi kiếm việc nuôi thân.

Sáng hôm sau, Thanh dậy sớm, lấy bộ quần áo, gói vào tờ nhật trình rồi lén mở cửa ra đi...

Đến rạp xiếc, Thanh gặp ông Tư, và xin ông cho đi theo.

Ông Tư bằng lòng ngay, hứa sẽ trả công cho Thanh một trăm đồng mỗi tuần nếu Thanh bán đậu giúp ông... Thanh ưng thuận và nói:

- Đêm qua cháu phải nhịn ăn. Bây giờ cháu đói quá, bác có gì cho cháu ăn không?

- Mầy đợi tao ở đây, tao sẽ lấy thức ăn cho mấy...

Ông Tư chưa nói hết lời thì từ đâu phóng ra một chú khỉ. Ông Tư reo lên:

- A! Li li!...

Li li, con khỉ tiến đến gần Thanh tỏ dấu thân thiện và đưa cho Thanh một quả chuối. Ông Tư nói:

- Nó cho đấy! Lấy đi!

Thanh lấy quả chuối ăn ngon lành, trong khi Li li vui mừng vỗ tay nhảy múa...

Trưa hôm ấy đoàn xiệc chuyển đi nơi khác.

Thanh được ngồi chung với ông Quang trống chầu và ông Tư.

Quang cảnh hai bên đường cứ lui dần. Ngồi mãi buồn ngủ, Thanh gợi chuyện:

- Tại sao người ta gọi bác là ông "Quang trống chầu"?

- Tại vì bác to lớn và có bụng bự như trống chầu! Còn tên cháu là gì?

- Tên cháu là Thanh.

- Chà tên đẹp quá, nhưng sao cháu nhỏ thế? Thôi bây giờ ta đặt tên cháu là "Thanh tí hon" chịu hôn?

- Chịu liền!

Cả hai cùng cười...

Sau hai ngày đêm đi không nghỉ, đoàn xe của gánh xiệc "Năm Châu" đến vùng ngoại ô một tỉnh nọ. Tại đây Thanh bị ông Tư lộ mặt đánh đập tàn nhẫn. Nhưng hành động của ông không qua mắt được chú khỉ Li li. Chú liền đi báo tin cho ông Quang trống chầu. Ông này chạy đến nơi, thấy cảnh ấy, nổi nóng nhấc bổng ông Tư lên và liệng xuống hồ nước, cảnh cáo:

- Nếu lần sau tôi còn thấy ông đánh Thanh tí hon nữa, tôi sẽ đập nát đầu ông ra...

Trước thân hình to lớn và khỏe mạnh của ông Quang, ông Tư đành lóp ngóp đứng dậy và lủi thủi đi nơi khác.

Qua hai lần với sự giúp đỡ của Li li, Thanh thầm cám ơn chú khỉ khôn ngoan ấy và tìm cách làm bạn với nó.

Đến giờ ăn, Thanh cầm dĩa đến lãnh phần rồi tiến đến bàn ăn nhưng không còn ghế để ngồi. Thanh đành đứng để ăn. Giữa lúc ấy, cô Hoa, một nữ tài tử trong đoàn chạy đến.

- Bàn này có một ghế trống nè, anh lại ăn với chúng tôi cho vui.

Thanh lặng lẽ làm theo lời Hoa. Nhưng Phách, một nam tài tử trạc tuổi Thanh lại không cho, và đuổi đi nơi khác. Phách có tên như thế, mà hành động cũng chẳng khác gì. Anh ta tuy có tài nhưng hay phách lối coi người chẳng ra gì, vì nghĩ rằng chỉ có mình y là một cây!

Khi bị Phách đuổi, Thanh đành... đứng mà ăn. Thì đột nhiên Li li tiến đến, tay cầm cái ghế và kéo Thanh về phía bàn mình.

Bàn của Li li nhỏ, trên để những trái cây. Thanh ngồi vào bàn và bắt đầu ăn. Chú Li li bốc lấy quả chuối rồi phóng lên nhánh cây ngồi ăn vừa nhìn Thanh có vẻ thích thú.

Lần thứ nhất trong nghề, Thanh đã bán được gần hai trăm đồng tiền đậu phộng và mười hai đồng tiền khán giả cho vì mến Thanh. Thanh đưa cả hơn hai trăm đồng cho chủ. Ông Tư mừng rỡ cầm lấy xấp tiền. Ông ta đếm đi đếm lại mãi và ông hy vọng rằng Thanh sẽ là kho tàng để ông khai thác.

Sau khi trình diễn ở vùng ngoại ô độ một tuần, đoàn xiệc tiến vào thành phố, kèn trống khua vang. Bữa đó nhằm ngày ba mươi tết nên dân chúng từ các miền rủ nhau ra tỉnh xem rất đông.

Khi chiếc xe chở thú vật đến gần bót Cảnh sát bỗng có vài chú tinh nghịch đốt pháo ném vào lồng nhốt cọp. "Đùng!" Bốn con ngựa hoảng sợ nhảy chồm lên, chiếc xe bị lật. Li li đang ngồi cạnh Thanh, nghe tiếng nổ hết hồn, vội nhảy vụt ra khỏi xe, chạy vào văn phòng ông Cảnh sát Trưởng. Li li vớ được cây súng lục bắn lung tung, mọi người sợ trúng đạn nên chạy tứ tán tìm chỗ núp. Ông Cảnh sát trưởng định rút súng bắn nhưng Thanh cản lại và thản nhiên bước vào phòng. Mọi người ngó nhau run rẩy và lo sợ cho số phận của Thanh, ai nấy hồi hộp nhìn theo cử chỉ của cậu bé can đảm. Thanh tiến đến gần Li li gọi:

- Li li! Li li! Thanh đây nè!...

Li li mở to đôi mắt ngó Thanh rồi bỗng dưng nó quăng súng xuống đất và nhảy chồm đến ôm chầm lấy Thanh. Toàn thể mọi người và nhân viên trong đoàn hoan nghinh rầm rộ. Nhưng trong số đó chỉ có Phách là không hoan nghênh mà lại ghen tức quyết sẽ hơn Thanh.

Khi nghe tin này, phóng viên các báo đăng hình Thanh và Li li lên trang nhứt. Tối hôm trình diễn, khán giả đến coi rất đông. Ông Giám đốc rất hài lòng và cũng nhờ đó, ông Tư thu được khá tiền bán đậu phộng. Một buổi chiều nọ, Thanh được rỗi rảnh nên thơ thẩn đứng xem Hoa và Phách luyện tập. Hoa là nữ tài tử tí hon dịu hiền, nhã nhặn, lễ phép. Hoa thường được nhân viên trong gánh thương mến. Vừa thấy Thanh, Hoa liền hỏi:

- Thanh có biết cưỡi ngựa chưa?

Thanh ấp úng:

- À... chưa...

Giữa lúc đó Phách đang ngồi trên mình ngựa vừa đi tới, nghe Thanh nói thế liền chế nhạo và như để khoe tài nghệ của mình, Phách liền đứng lên mình ngựa và chạy như bay. Thấy vậy Hoa la to:

- Phách, coi chừng!

Nhưng không kịp nữa, tiếng Phách thất thanh la lên, thân hình Phách bị rơi xuống đất giữa đám bụi mịt mù...

Ông Quang cùng mấy nhân viên chạy ra chở Phách đi cứu cấp...

*

Khi Phách bị té ngựa, không thể diễn được nên các buổi hát đành phải tạm ngưng. Ông Giám đốc có ý định nhờ ông Quang trống chầu dạy cho Thanh làm "tài tử" thay thế Phách. Ông Quang nhận lời.

Nghe tin ấy, ông Tư như người say rượu. Ông thừ người ra nghĩ ngợi, vì nếu Thanh đi hát thì còn ai bán giúp ông ta nữa. Ông liền đến thẳng ông Giám đốc và tìm cách tống tiền chủ.

Nhưng ông Giám đốc nhất định:

- ... Thanh giúp việc cho ông được gần hai tháng rồi, mà ông chỉ trả cho nó một trăm đồng một tuần, còn những tiền của khán giả cho riêng nó ông đều lấy hết cả, ông còn nói gì? Sau tai nạn rủi ro xảy ra, tôi cần phải thay thế một em bé khác, và em bé đó là Thanh! Nhưng để tránh sự thiệt thòi cho ông, tôi sẽ trả lương ông mỗi tháng là một ngàn ba trăm đồng.

Một hôm, người phát thư đưa cho ông Tư lá thư của chú Thanh và nhờ ông Tư đưa lại cho Thanh. Sau khi xem trộm lá thư, ông ta liền giấu vào túi áo. Trong thư viết: hai vợ chồng người chú rất hối hận và nhắn Thanh về gấp.

Sở dĩ ông Tư giấu lá thư ấy là vì muốn để cho Thanh khỏi hay biết để theo gánh xiệc mãi, như thế ông mới khỏi mất mối lợi hàng tháng.

Chỉ vì tiền đã làm mờ lương tri ông.

Trong khi ấy Thanh không hay biết gì cả, vẫn tiếp tục luyện tập.

Đêm đầu tiên ra mắt khán giả, Thanh rất hồi hộp. Dưới muôn ngàn ánh đèn rực rỡ, hàng trăm ngàn con mắt đổ xô về phía Thanh. Ông Giám đốc không giấu được sự sung sướng. Ông tự đứng ra giới thiệu với khán giả: Hoa và Thanh biểu diễn...

Tiếng vỗ tay nổi lên ầm ầm... như muốn bay nóc lều.

Không ai có thể ngờ rằng Thanh, đứa bé bán đậu rang, đã trở thành một thần đồng trong gánh xiệc "Năm Châu".

Đêm đó, gánh xiệc thâu tiền vô số kể.

*

Nói về ông Tư, khi ông ta giấu lá thư trong túi áo, ai dè khi ông ngủ say, con Li li moi ra tất cả và đưa cho Thanh. Đọc xong, Thanh vừa vui, vừa buồn, buồn vì phải xa Li li, người bạn thân của Thanh, còn vui là được trở về với chú thím. Thanh thủ thỉ với Li li:

- Thanh phải xa Li li, Thanh buồn lắm. Li li ở đây phải ngoan ngoãn nhé! Lâu lâu, Thanh sẽ đến thăm Li li...

Nói xong, Thanh ôm gói đồ ra đi, không quên viết ít dòng chữ để trên bàn ông Quang trống chầu...

Nửa giờ sau, gánh xiệc hay tin và họ đi kiếm khắp nơi. Ông Quang vào phòng mình, chợt trông thấy miếng giấy.

Cháu có chuyện cần phải về vì chú thím cháu có nhắn.

Xin bác tha tội cho cháu.

Thanh

Đọc xong, ông đưa cho ông Tư xem. Ông này giận run lên, quyết tìm cho ra Thanh...

Sự thật thì ông không có chút tình thương nào đối với Thanh cả. Chỉ vì nếu Thanh đi ông sẽ mất nhiều mối lợi. Ông tức tốc lên ngựa phóng theo Thanh.

Qua đêm ngủ trong rừng, Thanh tiếp tục ra đi. Vì không biết đường nên Thanh đi rất chậm. Trưa hôm đó, Thanh đang nằm ngủ bỗng một quả dưa từ đâu rớt xuống cạnh Thanh. Thanh giật mình thức giấc, thấy Li li đang ngồi trên cây, chân đánh đu đưa vừa bứt mấy lá cây ném xuống. Thanh mở rộng cánh tay, con Li li nhảy xuống. Thanh cảm động quá:

- Li li theo Thanh làm gì? Nhỡ ông Giám đốc tưởng tôi bắt Li li, kêu lính bắt làm sao?...

Thanh không ngờ là Li li trung thành và quyến luyến mình quá.

Sau vài phút trò chuyện, Thanh lại dắt Li li lên đường...

Đến khu rừng nọ, Li li bỗng nghe tiếng chó săn sủa, sợ quá, nó nhẩy lên ngọn cây, vừa lúc người thợ săn bóp cò. Viên đạn trúng ngay Li li. Con vật từ trên cây cao buông tay rơi xuống đất...

Khi chạy lại, ông thợ săn mới biết là con Li li đó cùng đi với Thanh nên hết lời xin lỗi và hứa sẽ chôn cất Li li.

Giữa lúc đó, ông Tư sau nửa ngày tìm kiếm, từ xa đã trông thấy Thanh và cho ngựa phóng đến.

Thấy Thanh đứng đó, ông ta dùng lời để khuyên Thanh về với gánh xiệc. Nhưng sau, thấy Thanh nhứt quyết đòi về, ông ta tức giận nói:

- Nếu mầy không nghe lời tao, tao sẽ nói là mầy đã giết Li li, và tự nhiên là mầy sẽ bị... ở tù.

Nghe nói đến "ở tù", Thanh run sợ vội lên ngựa cùng với ông Tư trở về gánh xiệc. Người thợ săn định can thiệp nhưng ông Tư ngó người ấy và nói:

- Đó là chuyện riêng của tôi, ông không có quyền xen vào!

Nói xong, ông ta "dông" thẳng!

Đến nơi, ông Tu dắt Thanh vào phòng Giám đốc. Thanh lễ phép thưa:

- Thưa ông Giám đốc! Vì chú thím con gọi về gấp nên con phải đi ngay. Cháu không giết Li li, xin ông đừng bỏ tù cháu...

Ông Giám đốc phì cười:

- Không ai bỏ tù cháu hết! Và... còn có hai người đã đợi cháu từ sáng tới giờ, họ đang ngồi kia kìa...

Thanh quay lại, trông thấy chú thím, vội chạy đến, mừng mừng, tủi tủi...

Về phần ông Tư, ông ta nhác trông thấy chú thím của Thanh, biết công việc bất thành vội vàng về phòng tìm mưu kế. Nhưng đến cửa thì gặp phải ông Quang trống chầu cản lại. Ông Tư giật mình, mặt tái xanh, định chạy nhưng đã bị ông Quang nhấc bổng lên, rồi sỉ vả vào mặt và cuối cùng liệng mạnh vào hồ nước lần thứ hai...

*

Trước mặt chú thím và một số khán giả kỷ lục, đêm đó Thanh cùng biểu diễn với Hoa. Thanh để hết tinh thần vào cuộc biểu diễn. Khán giả vỗ tay hoan nghênh gần sập rạp...

Trong lúc đang nhào lộn thì từ đâu, Li li phóng đến và cùng biểu diễn với Thanh.

Trước sự kiện bất ngờ nầy, ông Giám đốc lẫn nhân viên đều ngơ ngác vì Li li chưa lần nào biểu diễn mà sao hôm nay "nhào lộn" hay thế.

Một lần nữa, tiếng vỗ tay lại nổi lên.

Khi xong buổi trình diễn, Thanh đi vào, thì chú Thanh nói:

- Bây giờ cháu đã lớn rồi, cháu muốn tự quyền, ở với chú hay không cũng được, chú không có quyền ép cháu...

Thanh nói:

- Cháu phải ở lại để hát, và để không muốn bị tiếng là ăn bám chú thím, cháu phải đi làm. Tuy nhiên lâu lâu cháu sẽ ghé thăm chú thím...

Khi hai người thân của Thanh ra về rồi, ông Quang đề nghị với Giám đốc đuổi ông Tư đi. Ông Giám đốc dư biết: ngoài những tính xấu, ông Tư còn ác độc và tham, nên ông Giám đốc bằng lòng đuổi để làm gương cho kẻ khác... Nhưng Thanh năn nỉ mãi, ông Giám đốc vì nể lời Thanh nên mới tha cho...

Bỗng chú khỉ lấy tay giật giật Thanh, nhìn lại Thanh mới nhớ, và không hiểu vì sao Li li còn sống? Vừa lúc đó người thợ săn bước vào:

- Sau khi chiếc xe chở em đi rồi... tôi cúi xuống định chôn chú khỉ kia nhưng không ngờ chú ấy còn sống. Sau khi được tôi băng bó chú ấy vội phóng đi. Tôi lần theo mãi mới tới đây. Nhờ nó bị thương ở vai nếu không thì chắc tôi theo không kịp. Thôi, tôi xin chào em... và chào ông Giám đốc, tôi về...

Một niềm vui dạt dào tràn ngập tâm hồn Thanh. Em lấy khăn chùi nước mắt rồi vui vẻ dắt Li li đi dạo chơi...


LÊ XUÂN SANG    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 18, ra ngày 25-6-1964)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>