Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Tắm Mưa

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tê ăm tăm sắc tắm...
Em mờ ư mư a mưa...
 
Nhớ sao thuở ấy còn thơ 
Hồn nhiên đùa giỡn dại khờ biết bao
 
Chiều quê đổ trận mưa rào 
Gọi nhau í ới mày tao tắm cùng 
 
Lung linh sóng biếc giòng sông 
Ễnh ương ồm ộp, lấy thùng hứng mưa 
 
Quê xưa nghèo xác nghèo xơ 
Cá tràn sân trước, ốc bò sân sau 
 
Bập bềnh rau muống ruộng sâu 
Vịt xiêm rỉa cánh, bên cầu chuồn bay
 
Hồn quê lưu luyến vơi đầy 
Thương về quê cũ chiều hay mưa dầm 
 
Ngoài trời mưa đổ lâm râm 
Nhớ bầy trẻ tắm mưa dầm ngày thơ...

                                                      THƠ THƠ 
                                           (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Đôi Bạn

 

Thanh là đứa bé mồ côi, được gia đình người chú đem về nuôi...
 
 Chú của Thanh là người hà tiện. Ý của ông là đem Thanh về để làm việc nhà chớ không thương yêu gì Thanh cả.

Mới mười hai tuổi đầu mà Thanh phải làm việc thật vất vả. Hết rửa chén đến giặt quần áo, từ sáng đến chiều, không lúc nào được nghỉ ngơi.

Một hôm có gánh xiệc "Năm Châu" tới tỉnh biểu diễn. Nghe tiếng kèn quảng cáo, Thanh lén đi coi. Không có tiền mua giấy vào cửa, Thanh đứng lảng vảng, đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn làn sóng người đang lũ lượt vào rạp. Nó mon men đến chỗ bán đậu phụng rang, thọc tay vào túi quần lấy ra một đồng bạc. Người bán đậu bốc mấy hột dúi vào tay nó. Sau vài câu chuyện, ông Tư - người bán đậu phụng - cho Thanh một cái vé vào cửa.

Mừng quá, Thanh chạy vội về nhà, định xin phép chú đi coi. Vừa bước tới ngưỡng cửa, thì một bàn tay to lớn đã túm lấy áo Thanh, nện lên lưng nó như trời giáng và quát:

- Thằng yêu kia, mầy đi đâu mà tới giờ mới về? Tao nuôi mầy để làm việc chớ có phải để cho mầy đi chơi đâu? Mầy phải biết rằng "chú cũng như cha". Nếu tao không thương thì tao đã cho mầy vào viện Dục anh rồi!...

Chợt chú trông thấy Thanh đang cầm tấm vé, liền giật lấy và xé ra từng mảnh:

- Hừ! Tiền đâu mầy mua được thế nầy? Đồ quân ăn cắp...

Thanh định cãi lại nhưng bị tiếng của chú lấn át mất:

- Tao sẽ phạt không cho mầy ăn cơm tối nay!

Nói xong, ông với tay lấy cái nón treo trên tường rồi đi thẳng.

Thanh lủi thủi lên gác, bây giờ Thanh mới biết mình không có chút tình thương nào cả... Quá tủi thân, Thanh òa lên khóc. Đêm đó, Thanh có ý định bỏ nhà chú đi kiếm việc nuôi thân.

Sáng hôm sau, Thanh dậy sớm, lấy bộ quần áo, gói vào tờ nhật trình rồi lén mở cửa ra đi...

Đến rạp xiếc, Thanh gặp ông Tư, và xin ông cho đi theo.

Ông Tư bằng lòng ngay, hứa sẽ trả công cho Thanh một trăm đồng mỗi tuần nếu Thanh bán đậu giúp ông... Thanh ưng thuận và nói:

- Đêm qua cháu phải nhịn ăn. Bây giờ cháu đói quá, bác có gì cho cháu ăn không?

- Mầy đợi tao ở đây, tao sẽ lấy thức ăn cho mấy...

Ông Tư chưa nói hết lời thì từ đâu phóng ra một chú khỉ. Ông Tư reo lên:

- A! Li li!...

Li li, con khỉ tiến đến gần Thanh tỏ dấu thân thiện và đưa cho Thanh một quả chuối. Ông Tư nói:

- Nó cho đấy! Lấy đi!

Thanh lấy quả chuối ăn ngon lành, trong khi Li li vui mừng vỗ tay nhảy múa...

Trưa hôm ấy đoàn xiệc chuyển đi nơi khác.

Thanh được ngồi chung với ông Quang trống chầu và ông Tư.

Quang cảnh hai bên đường cứ lui dần. Ngồi mãi buồn ngủ, Thanh gợi chuyện:

- Tại sao người ta gọi bác là ông "Quang trống chầu"?

- Tại vì bác to lớn và có bụng bự như trống chầu! Còn tên cháu là gì?

- Tên cháu là Thanh.

- Chà tên đẹp quá, nhưng sao cháu nhỏ thế? Thôi bây giờ ta đặt tên cháu là "Thanh tí hon" chịu hôn?

- Chịu liền!

Cả hai cùng cười...

Sau hai ngày đêm đi không nghỉ, đoàn xe của gánh xiệc "Năm Châu" đến vùng ngoại ô một tỉnh nọ. Tại đây Thanh bị ông Tư lộ mặt đánh đập tàn nhẫn. Nhưng hành động của ông không qua mắt được chú khỉ Li li. Chú liền đi báo tin cho ông Quang trống chầu. Ông này chạy đến nơi, thấy cảnh ấy, nổi nóng nhấc bổng ông Tư lên và liệng xuống hồ nước, cảnh cáo:

- Nếu lần sau tôi còn thấy ông đánh Thanh tí hon nữa, tôi sẽ đập nát đầu ông ra...

Trước thân hình to lớn và khỏe mạnh của ông Quang, ông Tư đành lóp ngóp đứng dậy và lủi thủi đi nơi khác.

Qua hai lần với sự giúp đỡ của Li li, Thanh thầm cám ơn chú khỉ khôn ngoan ấy và tìm cách làm bạn với nó.

Đến giờ ăn, Thanh cầm dĩa đến lãnh phần rồi tiến đến bàn ăn nhưng không còn ghế để ngồi. Thanh đành đứng để ăn. Giữa lúc ấy, cô Hoa, một nữ tài tử trong đoàn chạy đến.

- Bàn này có một ghế trống nè, anh lại ăn với chúng tôi cho vui.

Thanh lặng lẽ làm theo lời Hoa. Nhưng Phách, một nam tài tử trạc tuổi Thanh lại không cho, và đuổi đi nơi khác. Phách có tên như thế, mà hành động cũng chẳng khác gì. Anh ta tuy có tài nhưng hay phách lối coi người chẳng ra gì, vì nghĩ rằng chỉ có mình y là một cây!

Khi bị Phách đuổi, Thanh đành... đứng mà ăn. Thì đột nhiên Li li tiến đến, tay cầm cái ghế và kéo Thanh về phía bàn mình.

Bàn của Li li nhỏ, trên để những trái cây. Thanh ngồi vào bàn và bắt đầu ăn. Chú Li li bốc lấy quả chuối rồi phóng lên nhánh cây ngồi ăn vừa nhìn Thanh có vẻ thích thú.

Lần thứ nhất trong nghề, Thanh đã bán được gần hai trăm đồng tiền đậu phộng và mười hai đồng tiền khán giả cho vì mến Thanh. Thanh đưa cả hơn hai trăm đồng cho chủ. Ông Tư mừng rỡ cầm lấy xấp tiền. Ông ta đếm đi đếm lại mãi và ông hy vọng rằng Thanh sẽ là kho tàng để ông khai thác.

Sau khi trình diễn ở vùng ngoại ô độ một tuần, đoàn xiệc tiến vào thành phố, kèn trống khua vang. Bữa đó nhằm ngày ba mươi tết nên dân chúng từ các miền rủ nhau ra tỉnh xem rất đông.

Khi chiếc xe chở thú vật đến gần bót Cảnh sát bỗng có vài chú tinh nghịch đốt pháo ném vào lồng nhốt cọp. "Đùng!" Bốn con ngựa hoảng sợ nhảy chồm lên, chiếc xe bị lật. Li li đang ngồi cạnh Thanh, nghe tiếng nổ hết hồn, vội nhảy vụt ra khỏi xe, chạy vào văn phòng ông Cảnh sát Trưởng. Li li vớ được cây súng lục bắn lung tung, mọi người sợ trúng đạn nên chạy tứ tán tìm chỗ núp. Ông Cảnh sát trưởng định rút súng bắn nhưng Thanh cản lại và thản nhiên bước vào phòng. Mọi người ngó nhau run rẩy và lo sợ cho số phận của Thanh, ai nấy hồi hộp nhìn theo cử chỉ của cậu bé can đảm. Thanh tiến đến gần Li li gọi:

- Li li! Li li! Thanh đây nè!...

Li li mở to đôi mắt ngó Thanh rồi bỗng dưng nó quăng súng xuống đất và nhảy chồm đến ôm chầm lấy Thanh. Toàn thể mọi người và nhân viên trong đoàn hoan nghinh rầm rộ. Nhưng trong số đó chỉ có Phách là không hoan nghênh mà lại ghen tức quyết sẽ hơn Thanh.

Khi nghe tin này, phóng viên các báo đăng hình Thanh và Li li lên trang nhứt. Tối hôm trình diễn, khán giả đến coi rất đông. Ông Giám đốc rất hài lòng và cũng nhờ đó, ông Tư thu được khá tiền bán đậu phộng. Một buổi chiều nọ, Thanh được rỗi rảnh nên thơ thẩn đứng xem Hoa và Phách luyện tập. Hoa là nữ tài tử tí hon dịu hiền, nhã nhặn, lễ phép. Hoa thường được nhân viên trong gánh thương mến. Vừa thấy Thanh, Hoa liền hỏi:

- Thanh có biết cưỡi ngựa chưa?

Thanh ấp úng:

- À... chưa...

Giữa lúc đó Phách đang ngồi trên mình ngựa vừa đi tới, nghe Thanh nói thế liền chế nhạo và như để khoe tài nghệ của mình, Phách liền đứng lên mình ngựa và chạy như bay. Thấy vậy Hoa la to:

- Phách, coi chừng!

Nhưng không kịp nữa, tiếng Phách thất thanh la lên, thân hình Phách bị rơi xuống đất giữa đám bụi mịt mù...

Ông Quang cùng mấy nhân viên chạy ra chở Phách đi cứu cấp...

*

Khi Phách bị té ngựa, không thể diễn được nên các buổi hát đành phải tạm ngưng. Ông Giám đốc có ý định nhờ ông Quang trống chầu dạy cho Thanh làm "tài tử" thay thế Phách. Ông Quang nhận lời.

Nghe tin ấy, ông Tư như người say rượu. Ông thừ người ra nghĩ ngợi, vì nếu Thanh đi hát thì còn ai bán giúp ông ta nữa. Ông liền đến thẳng ông Giám đốc và tìm cách tống tiền chủ.

Nhưng ông Giám đốc nhất định:

- ... Thanh giúp việc cho ông được gần hai tháng rồi, mà ông chỉ trả cho nó một trăm đồng một tuần, còn những tiền của khán giả cho riêng nó ông đều lấy hết cả, ông còn nói gì? Sau tai nạn rủi ro xảy ra, tôi cần phải thay thế một em bé khác, và em bé đó là Thanh! Nhưng để tránh sự thiệt thòi cho ông, tôi sẽ trả lương ông mỗi tháng là một ngàn ba trăm đồng.

Một hôm, người phát thư đưa cho ông Tư lá thư của chú Thanh và nhờ ông Tư đưa lại cho Thanh. Sau khi xem trộm lá thư, ông ta liền giấu vào túi áo. Trong thư viết: hai vợ chồng người chú rất hối hận và nhắn Thanh về gấp.

Sở dĩ ông Tư giấu lá thư ấy là vì muốn để cho Thanh khỏi hay biết để theo gánh xiệc mãi, như thế ông mới khỏi mất mối lợi hàng tháng.

Chỉ vì tiền đã làm mờ lương tri ông.

Trong khi ấy Thanh không hay biết gì cả, vẫn tiếp tục luyện tập.

Đêm đầu tiên ra mắt khán giả, Thanh rất hồi hộp. Dưới muôn ngàn ánh đèn rực rỡ, hàng trăm ngàn con mắt đổ xô về phía Thanh. Ông Giám đốc không giấu được sự sung sướng. Ông tự đứng ra giới thiệu với khán giả: Hoa và Thanh biểu diễn...

Tiếng vỗ tay nổi lên ầm ầm... như muốn bay nóc lều.

Không ai có thể ngờ rằng Thanh, đứa bé bán đậu rang, đã trở thành một thần đồng trong gánh xiệc "Năm Châu".

Đêm đó, gánh xiệc thâu tiền vô số kể.

*

Nói về ông Tư, khi ông ta giấu lá thư trong túi áo, ai dè khi ông ngủ say, con Li li moi ra tất cả và đưa cho Thanh. Đọc xong, Thanh vừa vui, vừa buồn, buồn vì phải xa Li li, người bạn thân của Thanh, còn vui là được trở về với chú thím. Thanh thủ thỉ với Li li:

- Thanh phải xa Li li, Thanh buồn lắm. Li li ở đây phải ngoan ngoãn nhé! Lâu lâu, Thanh sẽ đến thăm Li li...

Nói xong, Thanh ôm gói đồ ra đi, không quên viết ít dòng chữ để trên bàn ông Quang trống chầu...

Nửa giờ sau, gánh xiệc hay tin và họ đi kiếm khắp nơi. Ông Quang vào phòng mình, chợt trông thấy miếng giấy.

Cháu có chuyện cần phải về vì chú thím cháu có nhắn.

Xin bác tha tội cho cháu.

Thanh

Đọc xong, ông đưa cho ông Tư xem. Ông này giận run lên, quyết tìm cho ra Thanh...

Sự thật thì ông không có chút tình thương nào đối với Thanh cả. Chỉ vì nếu Thanh đi ông sẽ mất nhiều mối lợi. Ông tức tốc lên ngựa phóng theo Thanh.

Qua đêm ngủ trong rừng, Thanh tiếp tục ra đi. Vì không biết đường nên Thanh đi rất chậm. Trưa hôm đó, Thanh đang nằm ngủ bỗng một quả dưa từ đâu rớt xuống cạnh Thanh. Thanh giật mình thức giấc, thấy Li li đang ngồi trên cây, chân đánh đu đưa vừa bứt mấy lá cây ném xuống. Thanh mở rộng cánh tay, con Li li nhảy xuống. Thanh cảm động quá:

- Li li theo Thanh làm gì? Nhỡ ông Giám đốc tưởng tôi bắt Li li, kêu lính bắt làm sao?...

Thanh không ngờ là Li li trung thành và quyến luyến mình quá.

Sau vài phút trò chuyện, Thanh lại dắt Li li lên đường...

Đến khu rừng nọ, Li li bỗng nghe tiếng chó săn sủa, sợ quá, nó nhẩy lên ngọn cây, vừa lúc người thợ săn bóp cò. Viên đạn trúng ngay Li li. Con vật từ trên cây cao buông tay rơi xuống đất...

Khi chạy lại, ông thợ săn mới biết là con Li li đó cùng đi với Thanh nên hết lời xin lỗi và hứa sẽ chôn cất Li li.

Giữa lúc đó, ông Tư sau nửa ngày tìm kiếm, từ xa đã trông thấy Thanh và cho ngựa phóng đến.

Thấy Thanh đứng đó, ông ta dùng lời để khuyên Thanh về với gánh xiệc. Nhưng sau, thấy Thanh nhứt quyết đòi về, ông ta tức giận nói:

- Nếu mầy không nghe lời tao, tao sẽ nói là mầy đã giết Li li, và tự nhiên là mầy sẽ bị... ở tù.

Nghe nói đến "ở tù", Thanh run sợ vội lên ngựa cùng với ông Tư trở về gánh xiệc. Người thợ săn định can thiệp nhưng ông Tư ngó người ấy và nói:

- Đó là chuyện riêng của tôi, ông không có quyền xen vào!

Nói xong, ông ta "dông" thẳng!

Đến nơi, ông Tu dắt Thanh vào phòng Giám đốc. Thanh lễ phép thưa:

- Thưa ông Giám đốc! Vì chú thím con gọi về gấp nên con phải đi ngay. Cháu không giết Li li, xin ông đừng bỏ tù cháu...

Ông Giám đốc phì cười:

- Không ai bỏ tù cháu hết! Và... còn có hai người đã đợi cháu từ sáng tới giờ, họ đang ngồi kia kìa...

Thanh quay lại, trông thấy chú thím, vội chạy đến, mừng mừng, tủi tủi...

Về phần ông Tư, ông ta nhác trông thấy chú thím của Thanh, biết công việc bất thành vội vàng về phòng tìm mưu kế. Nhưng đến cửa thì gặp phải ông Quang trống chầu cản lại. Ông Tư giật mình, mặt tái xanh, định chạy nhưng đã bị ông Quang nhấc bổng lên, rồi sỉ vả vào mặt và cuối cùng liệng mạnh vào hồ nước lần thứ hai...

*

Trước mặt chú thím và một số khán giả kỷ lục, đêm đó Thanh cùng biểu diễn với Hoa. Thanh để hết tinh thần vào cuộc biểu diễn. Khán giả vỗ tay hoan nghênh gần sập rạp...

Trong lúc đang nhào lộn thì từ đâu, Li li phóng đến và cùng biểu diễn với Thanh.

Trước sự kiện bất ngờ nầy, ông Giám đốc lẫn nhân viên đều ngơ ngác vì Li li chưa lần nào biểu diễn mà sao hôm nay "nhào lộn" hay thế.

Một lần nữa, tiếng vỗ tay lại nổi lên.

Khi xong buổi trình diễn, Thanh đi vào, thì chú Thanh nói:

- Bây giờ cháu đã lớn rồi, cháu muốn tự quyền, ở với chú hay không cũng được, chú không có quyền ép cháu...

Thanh nói:

- Cháu phải ở lại để hát, và để không muốn bị tiếng là ăn bám chú thím, cháu phải đi làm. Tuy nhiên lâu lâu cháu sẽ ghé thăm chú thím...

Khi hai người thân của Thanh ra về rồi, ông Quang đề nghị với Giám đốc đuổi ông Tư đi. Ông Giám đốc dư biết: ngoài những tính xấu, ông Tư còn ác độc và tham, nên ông Giám đốc bằng lòng đuổi để làm gương cho kẻ khác... Nhưng Thanh năn nỉ mãi, ông Giám đốc vì nể lời Thanh nên mới tha cho...

Bỗng chú khỉ lấy tay giật giật Thanh, nhìn lại Thanh mới nhớ, và không hiểu vì sao Li li còn sống? Vừa lúc đó người thợ săn bước vào:

- Sau khi chiếc xe chở em đi rồi... tôi cúi xuống định chôn chú khỉ kia nhưng không ngờ chú ấy còn sống. Sau khi được tôi băng bó chú ấy vội phóng đi. Tôi lần theo mãi mới tới đây. Nhờ nó bị thương ở vai nếu không thì chắc tôi theo không kịp. Thôi, tôi xin chào em... và chào ông Giám đốc, tôi về...

Một niềm vui dạt dào tràn ngập tâm hồn Thanh. Em lấy khăn chùi nước mắt rồi vui vẻ dắt Li li đi dạo chơi...


LÊ XUÂN SANG    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 18, ra ngày 25-6-1964)
 

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Chim Sâu

 

Nếu phải chọn một con vật tiêu biểu cho một đại lục, chúng ta sẽ không ngần ngại chọn mấy chú chim sâu làm đại diện cho miền đất dài nhất thế giới là Mỹ Châu. Sở dĩ chúng ta quyết định vậy là vì dòng họ của mấy chú loắt choắt này có mặt ở khắp nơi bên Mỹ Châu, từ vùng đất lửa ở cực nam cho đến bán đảo A-lát-ca ở cực bắc.

Thật ra trong số 450 giống chim sâu, đa số sống tại miền nhiệt đới. Nhưng cũng có hàng trăm giống chuyên kiếm ăn tại miền băng giá ở phía bắc, hoặc trên những vùng núi cao ngất thuộc rặng Ăng-đờ ở phía nam.

ĐẶC ĐIỂM

Đặc tính thứ nhất của giống chim này là thân hình chúng rất nhỏ. Vì vậy, người ta đã tặng cho chúng một biệt danh là "chim Ruồi". Một chị chim sâu được gọi với một cái tên rất mỹ lệ là "Công chúa Ê-len", có một thân hình lùn tịt và ngắn ngủn, chiều dài kể cả lông đuôi chỉ đo được khoảng 4cm. Riêng cái mỏ đã dài 1cm. Nàng Công Chúa lùn này cân nặng tới 2 gam lận! Tuy nhiên, tại núi Ăng-đờ có một loại lớn đặc biệt, chiều dài đo được hơn 20cm.

Chim sâu nhiều con có bộ lông rất hấp dẫn. Trước con mắt của nhà nghệ sĩ, mỗi bộ lông xinh xắn của loài chim này đều là một viên hoàng ngọc tỏa ra một màu sắc rất vui tươi và linh động.

CHIẾC TRỰC THĂNG TÍ HON

Một đặc tính khác nữa của giống chim Ruồi từng gây ngạc nhiên và ưa thích cho các nhà vạn vật học là cái tài bay tại chỗ của chúng. Một chị chim Ruồi có thể bay lơ lửng một lúc lâu trên một bông hoa y như một chiếc trực thăng. Chị tiến lên, lùi lại rồi đột nhiên bay vút đi như tên bắn. Bấy giờ người ta chẳng trông thấy cánh chị đâu, mà chỉ nghe thấy tiếng vù vù phát ra giữa không trung. Trong nháy mắt, chị đã biến đâu mất dạng.

Nhờ phim ảnh ghi nhận khi chị bay, người ta biết được đôi cánh của chị có thể cử động tới trên 50 lần một giây đồng hồ. Vượt một quãng đường dài 100 cây số đối với chị là một điều chẳng khó khăn gì.

Đối với tấm thân bé bỏng và nhiệt độ tương đối khá cao (28°6) của chị, thành tích trên đây sở dĩ đạt được cũng là nhờ sự biến hóa đặc biệt trong cơ thể chị. Để cho đôi cánh có thể hoạt động như một cái máy, chị phải cần tới một số lớn nhiệt lượng. Vì thế, chị phải ăn thật nhiều. Thực phẩm của chị gồm nhiều món khác nhau, kể cả thực vật lẫn động vật. Mật hoa và các giống côn trùng như sâu, bọ, nhện đều là những mục tiêu hấp dẫn đối với chị.

Trong giống chim sâu, có con có mỏ dài hơn cả thân mình! Bên trong cái mỏ này là một cái lưỡi hình ống cũng khá dài, cử động mềm mại như một con rắn. Với cái "cọng rơm" đặc biệt này, chim sâu có thể hút nước ngọt trong các bông hoa. Đối với loại côn trùng có cánh, chú cũng không tha. Một anh chuồn chuồn hay một chị bươm bướm đang lượn nhở nhơ trên không, vô phúc gặp một chú chim Ruồi, thì đời kể như không còn.

Cứ sự thường, những loài chim săn côn trùng như thế này, có một cái mỏ ngắn và rộng. Đằng này, mấy chú chim Ruồi lại có một cái mỏ rất dài và hẹp. Tuy nhiên, để bù vào khuyết điểm ấy, mấy chú lại được trời phú cho cái tài xoay sở nhanh nhẹn khó loài nào bì kịp.

NHỮNG GIẤC NGỦ KỲ LẠ

Đôi khi vì lý do này hay lý do khác, một chú chim sâu không kiếm đủ thức ăn để cung cấp cho bộ máy làm việc quá mức của chú, thì một điều khá đặc biệt sẽ diễn ra ngay. Chú sẽ tìm cách trốn tránh cảnh đói khổ đang hành hạ chú. Chú quyết đắm mình vào một tình trạng mê man, bất tỉnh chẳng khác gì những giấc ngủ triền miên suốt mùa đông của mấy loài có vú. Có điều những giấc ngủ mùa đông của dòng họ chim sâu thường ngắn hơn. Trong khi mê man thế này, nhiệt độ trong người chú hạ dần cho đến lúc chỉ còn cao hơn sức nóng ở bên ngoài chừng một vài độ thì thôi. Bấy giờ chú sẽ nằm yên như chết, thân cứng đờ, mắt nhắm nghiền, đầu nghếch lên cao ; hơi thở và nhịp tim đập rất yếu. Để trở lại tình trạng bình thường, người ta nhận thấy chim cần một thời gian khoảng nửa giờ. Các nhà chuyên môn đã quan sát những giấc ngủ này, nhưng chưa hiểu đích xác công dụng của tình trạng hôn mê. Cũng theo các nhà chuyên môn trên thì giấc ngủ của loài chim én thường dài tới 21 ngày.

Nhiều giống chim rất tinh khôn. Chúng biết xoay sở để đối phó với hoàn cảnh bất lợi cho chúng, đặc biệt là nạn thiếu ăn. Thông thường "đói thì đầu gối phải bò". Nhưng mấy chú chim sâu nhà ta lại không thích bò. Mỗi khi gặp nạn đói kém mấy chú liền trèo tót lên ổ, nằm không nhúc nhích, mắt nhắm chặt, đầu nghếch cao, biểu diễn một màn y-ô-ga độc đáo, rồi khò lúc nào không biết...

Nhưng ta chẳng nên vì thế mà bảo mấy chú lười biếng. Dù thân hình bé tẻo bé teo, dòng họ nhà chim sâu cũng nổi tiếng là những nhà hàng không tí hon đáng nể. Các chú thường rủ nhau đua tài, bay từ miền cực bắc tới Trung Mỹ, hay xa hơn nữa về phía Nam để tránh thời tiết lạnh lẽo của mùa đông. Mấy chú tuy nhỏ con, nhưng bay rất chì và gan dạ.

SINH NỞ

Có lúc chim sâu rất ít đi đây, đi đó và chỉ loanh quanh ở nhà. Đó là thời gian mấy nàng chim mái lo dọn tổ để sanh đẻ. Tổ của chim sâu rất giản dị, đôi khi được cả chim trống lẫn chim mái xây cất bằng những cọng rác mảnh dẻ đan vào nhau. Thường thì chú trống mặc kệ chim mái tự do lo lấy ổ. Chú có thái độ dửng dưng, ích kỷ, chỉ bay nhảy suốt ngày. Đối với chú, con nào đẻ con ấy lo!

Chim hay chọn những chạc ba trên cành để xây tổ. Công việc này tuy đơn giản nhưng thật ra là cả một nghệ thuật. Chim mái kiếm những sợi dây dài, rồi dùng mỏ cuốn qua cuốn lại thật chắc vào cành cây, đoạn vấn dần thành một cái tổ trông mong manh nhưng rất chắc, nhiều khi chim phải đánh đu trong không trung để đan cho kín phần dưới tổ. Lúc đó mới thấy chim khôn ngoan và khéo léo, xứng đáng là một nhà kiến trúc tài ba. Để cho tổ bám chặt vào cành cây, chim còn dùng một chất nước dính dính để quệt vào các cọng rác.

Mỗi chim mái thường sinh được hai trứng khá lớn. Điều này không lấy gì làm lạ, vì ta nhận thấy giống chim nào càng to thì trứng lại càng nhỏ, nếu đem trứng mà so với thân hình của chim. Chẳng hạn trứng của một chị đại bàng chỉ nặng bằng 3% trọng lượng của chị. Trong khi trứng của một nàng chim sâu luôn luôn đạt được tỷ lệ trên 10%.

Sau thời gian được ấp 21 ngày, trứng sẽ nở thành chim con rất nhỏ và yếu ớt. Một lần nữa, chim trống lại tỏ ra đoảng vị và chẳng có tình phụ tử gì cả. Suốt ngày anh ta chỉ lo chơi bời lêu lổng, không đoái hoài gì tới con. Trái lại, mọi việc chim mẹ phải quán xuyến hết. Nàng phải đi kiếm từng chùm sâu về mớm cho con, hoặc hút từng ngụm nước mật mang về cho con uống. Nhiều lúc nắng quá, nàng phải hy sinh xòe rộng đôi cánh, che cho lũ con từ giờ nọ sang giờ kia để tránh cho chúng khỏi lả người đi.

Ai bảo chim không có tình mẫu tử!?


VĂN TRUNG         
(theo Jaques Marsault)   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 125, ra ngày 1-6-1974)

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Tiễn Biệt

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 Cho Ngân Hà, Mộng Thúy...

Động bước chân hờ lạc bến xuân
Tàn phai ta mấy got bâng khuâng
Đã biết nhưng còn như ngờ vực
Mùa xuân công chúa chết một lần

Em biết bây giờ tháng mấy không
Với chùm hoa đỏ mắt sầu hong
Anh ngây ngô vẽ cành ly biệt
Với lá và hoa nở bên lòng

Ta ngước trông nhau mắt ngỡ ngàng
Hững hờ đôi cánh phượng lang thang
Động khẽ trong ta buồn xao xác
Nghe nhòa bay nhỏ áo thời gian

Thánh thót không gian nửa khúc sầu
Vỗ mùa nắng hạ mắt thâm sâu
bầy ve vẫy cánh bay qua lớp
Để lớp chênh vênh bảng một mầu

Em nhé tháng ngày em bước qua
Có làm vỡ vụn cánh tim hoa
Lang thang hạ trắng buồn rưng mắt
Bên vườn kỷ niệm có xưa xa?

Ròng rã thời gian bước bồi hồi
Như khép quanh ta cánh cửa đời
Bên kia biển sâu và bão dữ
Bên này ta ngẫu ngọn buồn rơi

Lác đác rưng buồn gió và mưa
Bỗng òa lên vỡ nỗi bơ vơ
Lạnh lùng nỗi nhớ mềm qua phím
Tặng em cài vào áo hương xưa

Mây qua một bến gió ngọt ngào
Để mùa hạ mới vỡ trăng sao
Thôi mấy mùa đi cười qua mắt
Thôi để năm qua bạc tóc sầu

Anh đứng phân vân vẫy dấu chào
Gửi lời chúc nhỏ rất xôn xao
Chạnh nhớ đóa hoa buồn tiễn biệt
Buồn phai man mác bến phương nao?

                                                      DẠ VŨ

(Trích từ bán nguyện san Ngàn Thông số 27, ra ngày 5-6-1972)

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Trong Trái Tim Em

 

Em ngồi thu mình trên chiếc giường nhỏ ở góc phòng. Mái tóc dài rủ xuống che kín gần nửa khuôn mặt. Trong phòng chỉ còn mình em, tất cả đã ra sân từ sáng sớm. Nỗi ước mơ còn sót lại trong hồn em, bất giác em nhìn xuống đôi chân nhỏ bé tàn tật của mình, khẽ thở dài...

Trong căn phòng vắng lặng này trước đây ít phút thật nhộn nhịp, vui mắt. Sau một giấc ngủ ngon các em thức dậy tung tăng nhảy xuống giường, líu lo nói cười như chim non buổi sáng. Sau đó công việc dọn dẹp mùng, mền diễn ra thật linh hoạt: giường này em Hoa đang xếp mùng, giường kia em Tâm cuốn chiếu và cu Điệp bé nhất cũng khệ nệ mang từng cái gối chồng lên nhau thật gọn gàng. Xong đâu đấy các em kéo nhau ra khỏi phòng. Tất cả hầu như đã quá quen thuộc với em. Những bước chân nhịp nhàng, tung tăng nhảy múa trước mắt em xếp thành những vòng tròn bé dần và khi chỉ còn là một điểm chấm nhỏ là ước mơ của em...

Em ngồi yên lặng khá lâu tới khi nghe tiếng reo mừng của lũ trẻ, em biết các chị đã đến. Chủ nhật nào các chị ở T.V cũng đến chơi, sinh hoạt với các em. Em vào cô nhi viện này đã hơn hai tháng và đã bao lần ngồi trong căn phòng này nhìn qua khe cửa ra ngoài sân - những tà áo quấn quít bên các em để nghe một nỗi ước ao, thèm muốn trong lòng. Nhiều lúc em muốn mở tung cửa phòng chạy a vào lòng các chị để nhìn để nhận những cái vuốt ve trìu mến, những lời ngọt ngào. Ôi những lời nói yêu thương, âu yếm mà em khao khát từ tấm bé của ba, của me, của anh chị. Em chưa từng sung sướng được gọi hai tiếng "ba, má" yêu mến, chưa từng được gọi tên anh chị thân yêu. Bất hạnh này chồng chất lên những bất hạnh khác biến em thành một con người riêng biệt với nhiều mặc cảm. Tất cả đối với em đều cao khỏi tầm tay với. Em không muốn một ai thương hại em, em bằng lòng với số phận hèn kém của mình. Nhiều lúc em tự an ủi mình - đã lỡ bắt nhằm cái thăm xấu thì thôi... nên an phận, than thở cũng chẳng ích gì - nhưng cũng có lúc em oán trách trời xanh, đã sinh ra em, sao chẳng ban nốt cho em đôi chân lành lặn để chạy nhảy vui đùa như các em khác? Tại sao bao nhiêu bất hạnh cũng chỉ đổ lên đầu em? Một tuần lễ trôi qua, ngày chủ nhật là ngày em buồn khổ nhất. Nhiều lúc em mong các chị đừng đến. Em có ích kỷ lắm không? Các chị là nguồn vui của các em. Các chị đến chỉ mình em khổ, nhưng các chị không đến tất cả các em ở đây sẽ buồn. Em không thể ích kỷ như thế được. Nhưng em cũng không muốn ra khỏi phòng để rồi cúi mặt nghe nỗi đớn đau trong lòng trước những đôi mắt thương hại của các chị. Ngoài sân các chị đang bày trò chơi với các em: hôm nay "Tý choắt" được làm "mèo" để đuổi bắt con chuột "Tâm" dễ thương. Tiếng reo hò của các em, vang cả góc sân nhưng có át được tiếng thổn thức ở tim em trong căn phòng này không?

*

Nhân Ái ngồi xuống bên em ngập ngừng mãi. Em biết Nhân Ái muốn xin lỗi em nhưng em vẫn úp mặt vào lòng bàn tay khóc nức nở. Em tự hỏi sự tìm thấy em trong căn phòng này của Nhân Ái là vô tình hay cố ý? Và phải Nhân Ái đang nhìn em với đôi mắt thương hại không? Không! Em không muốn ai thương hại em cả dù rằng em rất đáng được thương hại. Em chỉ là một con bé tàn tật, mồ côi thiếu mọi tình thương. Nhân Ái trước mặt em là một người bạn hiền dễ mến. Em muốn xiết chặt tay Nhân Ái, muốn nói với Nhân Ái rằng: "Hãy thương em, hãy chơi với em Nhân Ái nhé! Em cô độc lắm". Nhưng lý trí không cho phép em làm theo ý muốn của tình cảm. Tại vì em chỉ là một kẻ hèn, vô dụng chăng? VÌ Nhân Ái là một người tốt biết đem tình thương của mình xoa dịu những đau khổ của người khác chăng? Ơi, mặc cảm - nó chỉ là một "cái gì" vô hình tiềm tàng trong em, bắt em trong giờ này khổ sở vô cùng và xa cách với tình thương mà đáng lẽ nó đang tới gần em nhất.

Giọng Nhân Ái vẫn dịu dàng:

- Kim đừng khóc nữa, Nhân Ái sẽ là bạn chân thành của Kim. Kim có nghe Ái nói không?

Em vẫn đưa tay bịt chặt tai để đừng nghe những lời Nhân Ái nói. Hãy nghe em - Nhân Ái đi ra đi, các em đang đợi Nhân Ái ngoài sân. Em chẳng xứng đáng là bạn của Nhân Ái đâu. Đừng chơi với em bởi lòng thương hại, đừng nói với em như những lời an ủi đối với một kẻ tật nguyền. Bạn em chỉ là bốn vách tường của căn phòng này đây. Vâng, em bằng lòng như thế, Nhân Ái đừng giận em nhé!

Một gói quà nhỏ của Nhân Ái nằm trên giường em tự bao giờ. Ôi món quà gói giấy hoa đỏ, em nâng niu, thương mến vô cùng.Nhân Ái đã nghe soeur Thérèse kể chuyện em - chuyện con bé nhiều mặc cảm, chỉ muốn giam mình trong bốn bức tường. Nhân Ái như một thiên thần với chiếc đũa nhiệm mầu biến con chim xanh tật nguyền đã chịu ra khỏi phòng nhưng vẫn còn ít nhiều mặc cảm. Em run tay mở gói quà: Ồ! Một quyển sách xinh xinh màu tím trước mắt em. Thật yêu thương em đọc ba chữ :Tuổi Trăng Tròn" trên bìa sách. Ơi Nhân Ái - người bạn đôi tám dễ thương của em. Bạn đã cho em món quá ý nghĩa nhất. Hai chữ MẶC CẢM đậm lớn đập vào mắt em và dòng chữ nghiêng nghiêng mềm mại của Nhân Ái: "Mong rằng Kim của Nhân Ái đọc những dòng này để chủ nhật sau Ái vào, Kim sẽ nói với Ái: Kim cảm thấy sung sướng vì không còn bị mặc cảm chi phối tâm hồn nữa".

Những giọt lệ long lanh chảy dài xuống bờ môi - em nghe mằn mặn. Nhưng Nhân Ái yêu ơi em đang cười đây - nụ cười sung sướng trọn vẹn và ở nơi đó nghĩ đến em Nhân Ái cũng hãy cười với em vì điều mong ước của Nhân Ái đã thành tựu.

*

- Ba mẹ chỉ có mình Ái, hồi bé Ái được sống sung sướng Ái có đủ cả ba lẫn mẹ. Năm Ái lên tám mẹ Ái mất, rồi ba Ái lấy người khác. Từ đấy cuộc đời Ái thật buồn tẻ. Ba không còn để ý, yêu thương, chăm sóc Ái, mẹ kế thì ghét Ái ra mặt dù Ái chẳng làm gì khiến người buồn lòng. Tuy nhiên Ái vẫn thương ba và nghĩ nhiều tới mẹ để thương mẹ nhiều nhất... Ngày ấy mẹ hay dẫn Ái tới Cô-nhi-viện - nơi mẹ nhận đỡ đầu cho nhiều em nhỏ. Chừ thì Ái theo các bạn. Mỗi người trong chúng mình đều có ít nhiều đau khổ. Thượng đế sắp đặt cho chúng mình gặp nhau để thương nhau, để chia xẻ nỗi vui, sự buồn Kim nhỉ. Giá mẹ Ái còn sống, Ái sẽ dắt mẹ tới đây, mẹ sẽ yêu Kim như yêu Ái... Nhiều lúc Ái nghĩ rằng mất mẹ là mất tất cả Kim nhỉ. Kim có nghĩ như Ái không?

Gương mặt Nhân Ái đã đầm đìa nước mắt. Em nghe thương Nhân Ái tệ. Hơn một tháng kết bạn với nhau hôm nay em mới được nghe chuyện của Ái. Thì ra trên đời này không ai được hoàn toàn sung sướng cả. Em buồn, em khổ thì cũng có Nhân Ái sầu khổ như em nhưng Nhân Ái với nhiều nghị lực, sống có lý tưởng và biết nghĩ đến người khác. Nhân Ái bảo chỉ khóc một lần này... rồi thôi. Hãy cười để thấy đời không đáng chán và sống có ý nghĩa. Nụ cười của Nhân Ái, cũng như nụ cười của em và của tất cả mọi người không thể bán được. Em muốn nói với Nhân Ái rằng - Nhân Ái là ngọn đuốc soi đường mà em là kẻ lạc lối trong đêm tối. Có gì là quá đáng không nhỉ?

*

Gần một tháng nay Nhân Ái không vào thăm em. Dám nghĩ Nhân Ái đã quên em chăng? Chủ nhật nào em cũng ngồi chờ Nhân Ái nơi ghế đá gần cổng. Sự vắng mặt của Nhân Ái khiến em nhận ra mối chân tình của em đối với Nhân Ái và của Nhân Ái đối với em không thể thiếu được. Trăm ngàn câu hỏi đặt ra trong đầu óc em - Nhân Ái bệnh? Nhân Ái bận học? Nhân Ái đi chơi xa? Không ai giải đáp giùm em nỗi thắc mắc ấy. Chợt thấy tà áo đen - Soeur Thérèse tiến lại gần em, em rưng rưng:

- Thưa Soeur...

Không để em nói hết câu, soeur đưa em bì thư trắng và bảo:

- Sáng nay có thư con mà soeur quên. Thư Nhân Ái đó. Có lẽ con mong lắm.

Em run run đỡ lá thư, ngỏ lời cám ơn soeur rồi bóc thư ra đọc:

Kim thương yêu,

Vì gia đình dọn đi bất ngờ, Ái bận quá không tới từ giã Kim được. Chừ gia đình Ái ở Đà-Nẵng. Dù biết rằng đường Saigon - Đà Nẵng đối với hai đứa mình nghìn trùng xa cách nhưng luôn luôn Ái vẫn ở bên Kim. Hãy tin tường như thế và đừng buồn Kim nhé!

Sẽ có thư dài kể nhiều chuyện.    

Nhớ mãi Kim          
Nhân Ái             

Em vẫn chưa hết bàng hoàng khi đọc xong thư của Nhân Ái. Dù em không muốn tin thế nhưng thật sự Ái đã xa em rồi. Mắt nào sẽ đong đầy lệ nhỏ? Em sẽ trở về giam mình giữa bốn bức tường trắng chăng? Muốn ví rằng Nhân Ái là dòng suối ngọt ngào, tươi mát mà nếu mất đi em sẽ ủ rũ, cằn cỗi. Không, trong trái tim em hình ảnh Nhân Ái rực rỡ hơn bao giờ hết. Gương mặt vui tươi, nụ cười xinh xắn với hai chiếc đồng tiền, tiếng hát ngọt ngào còn vang mãi trong tim. Vâng, em tin rằng Nhân Ái còn ở mãi bên em, vẫn rất gần em, Nhân Ái nhé!

TRẦN THỊ HẬU      
(Trưng-Vương)        
1-5-71              

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 3, ra ngày 5-6-1971)

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Một Lần Hội Ngộ

 

    
Anh vẫn mơ  về một lần hội ngộ

Em sẽ nói gì về chuyện đôi ta 

Vẫn ngỡ trong lòng thuyền chưa bến đỗ

Dù anh biết rằng chim đã bay xa


Nhừng chuỗi ngày dài vắng lời em nói

Vắng tiếng em cười vắng mái tóc mềm

Anh cứ mơ thầm có tiếng em gọi

Hạnh phúc ban đầu  những phút êm đềm


Anh vẫn thường mơ con đường nắng đỗ

Sánh bước bên em  lòng  anh nở hoa

Xin em đứng lại dừng chân một chỗ

Chớ vội đi về đôi mắt lệ nhoà...


Một lần tình cờ anh về thành phố

Đến đường Kỳ Đồng  bên ngôi giáo đường 

Như lời nguyện thề chưa lần thố lộ

Để rồi gặp em chốn cũ yêu thương


Một chút ngỡ ngàng khi mình hội ngộ

Trong gió ngàn bay đem mộng  lên cao

Kỷ niệm ngày xưa em còn có nhớ

Hay chỉ mỉm cười nói  lời xã giao ?


Hãy nói đi em xin đừng im lặng

Nói lên những gì  em nghĩ  về anh

Hãy cười đi em đời còn trống vắng

Tiếng cười lấp đầy khoảng trống trong anh


Mình đã thân quen còn ai xa lạ

Dù nửa đời người  sống ở miền xa

Mùa mưa mùa nắng mùa đông mùa hạ

Dù ở nơi nào ta vẫn là ta


Chọn lựa của em duyên trời xếp đặt

Sóng đánh bên thuyền, sét đánh bên tai

Cuộc đời đẩy đưa người Nam người Bắc

Cho nắng Sài Gòn chằng mát lòng ai


Hãy nói đi em những lời ngọt lịm

Cho anh ngỡ ngàng cứ tưởng trong mơ

Phượng đỏ ngày xưa đã là phượng tím

Để anh nâng niu viết  thành vần thơ


Vần thơ của anh trong đêm thanh vắng

Thoang thoảng hương hoa gió mát trăng thanh

Dưới một bầu trời đầy sao tĩnh lặng

Anh sẽ hỏi thầm em có nhớ anh ?


" Nhớ anh thì nhớ nào em dám nói

Hơn nửa đời người sống một đời riêng

Nhớ em thì nhớ xin anh chớ gọi

Hãy để con tim ngủ giấc bình yên."


                                                Nhã Uyên




Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Như Nước Trong Nguồn

 

 
 LTS. - Kể từ số báo này, chúng tôi sẽ lần lượt đăng loạt bài "THƯ CHO CON" của nhà văn Nguyễn Khắc Thiệu. Đây là tiếng nói rất chơn thành của một người cha gia đình tâm sự với các con. Nội dung đề cao tình cảm gia đình Việt Nam. Chúng tôi chân thành cám ơn nhà văn Nguyễn Khắc Thiệu đã cộng tác với Tuổi Hoa.
 
TUỔI HOA     

PHƯƠNG NGA CON,

Bố muốn bắt đầu tập thư viết cho các con, bằng việc nhắc nhở đến một người đã khuất. Đó là ông nội của con, đấng sinh thành ra bố, các bác và các chú các cô...

Cho đến bây giờ, khi bố đã nuôi dạy con và các em con, bố mới hiểu nổi tình thương rộng lớn như biển cả của Ông Nội đối với Bố, tức là hiểu được thế nào là tình cha mẹ yêu thương con cái...

Con ơi. Ngày trước đã lâu lắm, bố không còn nhớ rõ năm tháng nào, nhưng lúc nào hồi tưởng lại, cũng tưởng như chuyện mới xảy ra hôm qua. Những buổi chiều thứ bảy được nghỉ học, bố có thói quen kéo dài giấc ngủ trưa cho đến 4, 5 giờ chiều mới dậy. Nhưng không có lúc nào được trọn vẹn. Cứ vào khoảng 3 giờ chiều, là Ông Nội đã thức bố dậy! Đến bây giờ, bố vẫn mường tượng nghe được giọng nói của Ông Nội: "Thiệu ơi, dậy đi con, dậy đi con..." Giọng của Nội dịu dàng, đầm ấm. Bố phải thức giấc, ngồi dậy, tựa cửa nhìn ra, tuy không nói nhưng trong bụng ấm ức vì giấc ngủ dở dang. Rồi khoảng nửa giờ sau đó, bố đã mặc áo quần đi dạo phố. Ông Nội thường im lặng nhìn bố soạn sửa ra khỏi nhà, và nhiều lúc gọi bố lại hỏi "Thiệu, con đi phố hả, cho con hai chục, và gởi con 10đ mua cho ba cái này... đừng quên nghe con".

Không những thế, rất nhiều buổi sáng tinh sương, trời lạnh cũng như trời ấm, Ông Nội dậy sớm uống nước trà và lúc nào cũng thức bố dậy để cùng uống nước. Chắc con cũng rõ rằng, đối với bố lúc còn trẻ dại, giấc ngủ lúc nào cũng được quí trọng hơn là một tách nước trà vào một sáng trời lạnh xứ Huế. Thế nhưng Ông Nội đã đánh thức thì buộc lòng bố phải bỏ ngủ, dậy cùng uống nước. Và câu chuyện Ông Nội thường nhắc nhở với bố lúc bấy giờ là... "Ngày trước khi Ông Nội (bố gọi là Ông Nội, các con gọi là Cố) vì nghèo khó, thường ao ước mỗi sáng có được bình trà ngon mà vẫn không toại nguyện. Bữa nay ba uống được bình trà, ba lấy làm buồn là Ông Nội không còn sống để ba được pha trà như thế này cho Ông Nội uống..."

Phương Nga con, tâm sự của Ông Nội ngày trước, chính là tâm sự của Bố bây giờ, và nỗi lòng của Ông Nội thuở đó cũng chính là nỗi lòng của bố hôm nay. Con có bao giờ biết rằng mỗi chiều thứ bảy bố được nghỉ ở nhà, con phải đi học, thì bố trông ngóng như thế nào không? Bố quanh quẩn trong nhà suốt buổi chiều mà không nghe được tiếng con nói, không nghe được tiếng cười của con, không thấy bóng dáng con quanh quẩn đâu đây ; bố thấy rõ cái quạnh vắng vô duyên của cả một buổi chiều nghỉ ngơi. Hình ảnh của con bên cạnh bố cũng chẳng khác nào một bộ phận trong cơ thể bố. Vắng thiếu đi một bộ phận, là cả cơ thể như mất thăng bằng, chơi vơi... cho nên ngày xưa chiều thứ bảy, Ông Nội con đã không cho bố kéo dài giấc ngủ trưa, đánh thức bố dậy để Ông Nội cảm thấy sự vững vàng ấm cúng xung quanh mình. Tình thương của cha mẹ đối với con cái, cũng như sức nặng cần phải có một chỗ tựa. Đêm đêm tỉnh giấc giữa khuya, nghe hơi thở của con bên giường, bố cảm thấy một sự yên lòng, vững chãi. Ngày chủ nhật bố làm việc ở nhà, nhưng hễ nghe vắng tiếng cười đùa của con với bạn bè ngoài sân, là bố thấy như mình đang thiếu hụt một cái gì đâu đây... Thuở bố nhỏ, đi coi ciné, thấy ai đem trẻ con theo để lúc phim chiếu, nghe trẻ khóc ré lên, là bố bực mình và thầm trách khán giả nào đó không ý tứ, làm phiền người khác. Nhưng bây giờ, bố đã làm cha mẹ, bố đã biết thế nào là tình cha mẹ yêu thương con cái, nên hễ dầu đang lúc coi đoạn phim thật căng thẳng, mà nghe trong bóng tối có tiếng trẻ con khóc ré lên, bố không còn cảm thấy khó chịu nữa, trái lại bố cảm thông sâu xa với bậc cha mẹ đã chịu khó đem con theo, bố đâm ra âu yếm tiếng trẻ con khóc lúc đó.

Buổi sáng chủ nhật bố có thói quen đi ăn sáng và uống café thật sớm, và lúc nào bố cũng chịu khó đợi con thức giấc để đem con theo. Me thì cứ dặn bố: "Để cho con ngủ đã, để con ăn sáng ở nhà cũng được". Nể lời me, bố đành ngồi ở nhà đợi con tỉnh giấc, và thế nào cũng phải đem con ra quán. Ngày trước Ông Nội uống trà mỗi buổi sáng đều đánh thức bố dậy, cũng chẳng khác nào ngày nay bố dẫn con đi uống café lúc đường phố còn vắng vẻ...

Có con bên cạnh, là có được một yên ổn, một thăng bằng cho tâm hồn bố mẹ. Tại sao ngày xưa, khi Ông Nội còn sống, mỗi trưa thứ bảy Ông Nội lặn lội đạp xe đạp một đoạn dường dài trên 24 cây số từ chỗ làm việc để về nhà cho kịp ăn cơm với gia đình ; để mỗi sáng thứ hai từ 5 giờ sáng đã phải còng lưng đạp xe đến sở làm việc... Con ơi, Ông Nội ngày xưa, bố mẹ ngày nay sở dĩ chịu đựng lam lũ nhọc nhằn trăm thứ mà lúc nào cũng vui vẻ dịu dàng với các con, cũng chỉ vì một lý do đơn giản vô cùng: Đó là tình yêu thương con cái. Bậc làm cha mẹ có lắm người làm những công việc không xứng đáng, cũng có người đủ can đảm, nhẫn nhục để ngậm tủi nuốt hờn ngày nọ qua ngày kia được, cũng vì yêu thương con. Con đã có lần hỏi bố: "Tại sao bố phải đổ dầu vào xe Honda". Bố trả lời vắn tắt: "Có dầu vào trong máy, máy mới lâu mòn". Bữa nay bố lại muốn so sánh thêm con rõ. Bố mẹ phải vất vả trăm chiều, mất ăn mất ngủ ngày này qua tháng nọ, mà lúc nào bố cũng vui vẻ, trìu mến các con ; không lúc nào than van tuyệt vọng, gắt gỏng với các con, chỉ vì bố mẹ yêu thương con, yêu thương con như nước từ nguồn chảy về sông về biển... Tình bố mẹ yêu thương con đúng như là một thứ dầu máy, giúp cho cuộc sống của bố mẹ lúc nào cũng thuận hòa vui vẻ... Bố muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng chắc con cũng biết rõ rằng bậc cha mẹ chẳng bao giờ muốn kể lể công ơn với con cái..., đến một tuổi nào đó, con mới thấm thía bài ca dao:

Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...
 
nhưng bài ca dao này lại muốn nhắc nhở con, con biết rõ công ơn cha mẹ, còn bố thì mong miễn sao các con có đó, còn đó, để bố mẹ thương yêu và săn sóc là quí rồi...


NGUYỄN KHẮC THIỆU     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 154, ra ngày 1-6-1971)

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Tình Ba

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Vùng núi Thái cao xa vời vợi
Như tình Ba không thể đo lường
Màu núi Thái xa xăm vời vợi
Như dáng Ba dãi nắng dầm sương

Ôi! Yêu quá, em yêu màu mắt
Mắt Ba hiền nghĩ ngợi xa xăm
Ba nuôi con thuở còn chiu chắt
Nay ba gầy, còm cõi theo năm

Tình Ba đó cao như núi Thái
Núi Thái cao vời ngát xanh non
Con cầu xin ba còn tồn tại
Để gót con đỏ một màu son.

                                   RONG LÁ MƠ
                                        (bn. Hoa Tiên)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 96, ra ngày 1-7-1973)

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

Chuyện Của Thùy

 
Người trong xóm không ai biết cô bé đó tên gì, từ đâu đến. Chỉ thấy ở trọ học nhà bà cụ Tuyết từ đầu niên khóa năm ngoái đến giờ.

Cô bé có hai cái bím dài buông thõng ngang lưng, đôi mắt bồ câu đen, sóng mũi thanh thanh nằm đóng khung trên khuôn mặt bầu bĩnh với làn da trắng mịn. Vào mỗi buổi chiều lộng gió trẻ con trong xóm mang diều ra thả. Khu xóm vang dội tiếng cười đùa chạy giỡn của lũ nhỏ, đó là giờ cô bé ấy tan học về. Tà áo trắng phất phơ theo gió, đôi chân nhỏ thoăn thoắt trên con đường dẫn vào xóm. Cô không hề quen biết với ai, ngoài giờ đi học chỉ thấy dạng thấp thoáng trên sân gác nhà cụ Tuyết. Bằng gương mặt đáng yêu và nụ cười có hai lúm đồng tiền duyên dáng bên mà, cô đã gây được cảm tình với lũ trẻ con cùng xóm.
 

Một buổi chiều lập đông, bầu trời ảm đạm, những cụm mây trắng đem hơi lạnh về bao trùm phố thị. Người phu trạm quen thuộc dừng xe trước cổng, tiếng chuông "bính bon... bính bon..." thúc giục cô từ trong nhà chạy nhanh ra và sự vui mừng hiện rõ trên gương mặt khi cô nhận được thơ của ba gởi vào từ tay người phu trạm. Trên sân gác nhà cụ Tuyết, cô bé ngồi tựa cửa bồi hồi bóc thơ ra đọc.

Cao nguyên ngày... năm 66

Thùy con,

Cao nguyên trời trở lạnh. Vào buổi chiều, sương mù ở miền rừng núi đã kéo về giăng kín bầu trời thị xã. Mỗi khi nhìn hoàng hôn mù mù u ám ba nhớ đến con, Thùy yêu của ba vẫn mạnh khỏe và chăm học hở con? Ở đây lạnh lắm, đêm về khí núi bao trùm vạn vật, rét cắt da nhưng sáng sớm ba vẫn cố gắng ra thăm đồn điền. Khi vạn vật bừng sáng, lòng thị xã vang tiếng hoạt động trong một ngày mới. Nhìn những cô bé học trò trạc tuổi con dắt nhau đi học, gương mặt hân hoan, mái tóc dài lưng lửng với chiếc áo ấm màu sặc sỡ, làm nên dáng dấp ngây thơ giữa lòng thị xã, ba nhớ đến con nhiều lắm. Thùy của ba, ở phương trời đó giờ cũng đang trở lạnh hở con, nhưng chắc chắn Thùy không còn được mặc những chiếc áo ấm do chính tay mẹ hiền đan ; không còn được nép vào lòng mẹ mỗi khi một cơn gió về mang giá rét. Bất hạnh cho con tôi quá, mất mẹ từ thuở bé, giờ đây cánh chim non lại xa ba để ở nơi phương trời đô hội đó. Thôi thì cố học nghe con, đừng bạn bè nhiều mà sao lãng việc học ba buồn.

Theo thơ, ba không có gì làm qua cho con cưng của ba cả, thôi thì ba gởi theo cho Thùy bé bỏng cái lạnh của gió núi đang cắt thịt ba đây. Cuối thơ ba mong Thùy của ba tìm vui trong sách vở để quên đi nỗi buồn xa nhà và sự trống vắng tình mẹ.

Thương con nhiều.      
Ba                

Cô bé đó đã khóc tự bao giờ : dòng lệ hoen nhòe trên đôi má bầu bĩnh từ lúc cô đọc những dòng chữ thương yêu của ba. Tối hôm đó, sau khi học bài xong như thường lệ thì mười giờ cô bé đã đi ngủ nhưng còn thức bên đèn để viết thơ cho ba. Ngoài trời mưa dầm lả tả, gió thổi xào xạc trên cành cây ngọn cỏ, nhà nhà đóng cửa im lìm, xóm nhỏ đang ngả mình yên giấc.

Saigon...... 66

Kính ba!

Ngoài trời mưa dầm lả tả, gió đông về ngự trị cả không gian, vạn vật. Ngồi trong gian phòng ấm áp này con viết thơ cho ba. Thưa ba, con đã nhận được thơ ba vào chiều này, ở khung trời cao nguyên đó lạnh lắm hả ba. Đã nhận được cái lạnh rừng núi mà ba đã làm quà cho con rồi. À ba ơi, tuần trước bà hiệu trưởng trường con có vào lớp ngỏ lời khen con học giỏi, niên khóa sau hy vọng sẽ được học bổng. Đó ba coi con ba giỏi ghê hôn.

Ba ơi ở đây con không bạn bè với ai cả, có nhiều cô cùng lứa tuổi với con cũng dễ thương ghê, nhưng theo lời ba dặn con sẽ không thân với ai hết, bạn bè nhiều sẽ xao lãng việc học hả ba. Tuần trước con đã nhờ cụ Tuyết dẫn đi phố mua áo lạnh, con mua cái áo màu xám tro giống như áo ngày xưa lúc còn nhỏ má đan cho con đó ba. Con nói thiệt, ba đừng bảo con: "Lại vớ vẩn nhớ xa xôi rồi" nghe ba. Con mua chiếc áo màu đó để nhớ từng đường đan của má, tưởng như chiếc áo má đan ngày xưa cũng lớn theo con, để ôm ấp đỡ rét cho con vào những chiều trở gió.

Muốn viết nhiều cho ba, nhưng đã khuya quá rồi nhớ lời ba dặn đừng thức khuya mà có hại phổi. Con xin phép dừng bút nơi đây và nguyện cầu ơn trên ban phúc lành cho ba.

Kính thư       
Thùy của ba.   

*

Tâm sự của cô bé nho nhỏ đó đáng thương quá, bé nhỏ thế kia mà phải sống cô đơn giữa vòm trời đô hội này. Xa cha và mất hẳn tình thương cùng sự nuông chiều âu yếm của mẹ. Cô bé đã nghe lời ba dặn, ngày ngày ngoài giờ đi học chỉ ru rú ở trong nhà trọ. Vào những buổi chiều chúa nhựt nhàn rỗi, cô bé đã đứng hàng giờ trên sân gác để nhìn theo những cánh diều giấy lảo đảo bay về phía cuối vòm trời. Diều ơi sao không bay ra tận miền cao nguyên để cô ấy nhắn nhủ vài lời thăm ba. Diều cố lên diều nhé, cố lên để bay tới miền cao nguyên mang theo lời nhắn nhủ. Cô bé sẽ nhắn gởi rằng:

- "Ba ơi, Thùy của ba đang bơ vơ giữa vòm trời này, bơ vơ như con chim nhỏ vừa xoải cánh bay ngang, lạc lõng như cánh diều nhỏ lảo đảo trên vòm trời lộng gió. Ba thương Thùy nhiều không ba? Ở cao nguyên ba có nhớ Thùy không? Thùy đang nhớ thương ba và nuối tiếc sự mất mát của mẹ đây. Nếu mẹ còn sống thì Thùy đâu ở xa ba và chiều nay nơi vòm trời này đâu có hình dáng bé bỏng của cô gái nhỏ đang khóc thương ba, nhớ mẹ".


THẢO LANG     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 52, ra ngày 1-9-1966)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>