Vừa gặp Dung, Hân chưa kịp khoe thì bạn Lan, Huệ đã nhao nhao lên:
- Chị Dung ơi, chị Dung ơi!
- Hân sướng quá! Hân sướng quá!
Thấy Hân tay cầm ổ bánh, Dung như đoán ra chuyện, mỉm cười nói:
- Buổi sáng mà ăn bánh mì thịt thì sướng thật!
Thấy chị Dung nghĩ lầm, Hân vội cải chính:
- Không phải thế, không phải thế! Ăn bánh mì làm gì mà sướng chị?
Chị Dung ngạc nhiên:
- Ủa lạ chưa! Thế làm sao mà em sướng?
Bọn Lan, Huệ hốp tốp:
- Hân lời được tám đồng chị Dung ạ!
Dung càng ngạc nhiên dữ:
- Ủa! Sao mà kỳ quặc quá! Bộ các em điên rồi sao mà, làm gì mà Hân... a... Hân lời tám đồng?
Hân móc trong túi áo ra tám đồng "đô la" Việt Nam, cười đáp:
- Chị Dung ơi, em có năm đồng, em mua ổ bánh mì thịt hai đồng, nhưng vì bận rộn bà lão bánh mì ngỡ em đưa cho bà mười đồng nên bà đã thối lại cho em tám đồng bạc này, thế là em lời năm đồng hà!
Dung chợt hiểu, cau mày:
- Thế mà các em vui sao? Chị không ngờ các em của chị lại như vậy!
Bỗng dưng thấy chị mình sa sầm nét mặt, Hân, Lan, Huệ cùng hỏi:
- Sao chị không vui với chúng em mà lại buồn, lợi được năm đồng này chúng em càng mua được nhiều bánh ăn cơ mà...?
Thấy ba em không hiểu được ý mình, Dung bèn nói:
- Các em không hiểu: các em làm như vậy là các em không biết thương người. Các em mang tội tham lam rồi đó!
- Đâu có! - Hân ngắt lời - Tại bà ấy trả lộn thì em lấy chớ em đâu có ăn cắp của bà?
- Em không ăn cắp nhưng em lấy như vậy cũng là ăn cắp rồi!
Rồi Dung nói tiếp:
- Các em còn có cha mẹ, anh chị, các em dựa vào cha mẹ, để có cơm ăn áo ấm, còn như bà lão kia bà dựa vào ai? Bà chẳng dựa vào ai cả, bà phải làm lụng tần tảo để có cơm ăn áo mặc. Bà kiếm lời từng đồng từng cắc để nuôi đàn con cháu chắt, nhỏ dại... Bây giờ các em được năm đồng, các em mừng, nhưng các em có biết đâu bà lão kia sẽ phải khổ đau, các con bà phải bớt ăn vì... năm đồng kia, đối với chúng ta nó nhỏ bé thật, nhưng đối với kẻ nghèo như bà lão kia nó to lắm... Hằng ngày các em xúc gạo bố thí cho kẻ nghèo. Nhưng bây giờ các em làm như vậy hóa ra vô ích lắm. Nhưng chị biết các em thương người nghèo khó, biết trọng kẻ khốn cùng chị trách các em nhưng không giận các em đâu và hy vọng đó chỉ là vì các em ham muốn bánh kẹo, chớ không phải vì các em tham...!
Dung vừa dứt lời thì Hân, Lan, Huệ đã nhao nhao lên:
- Không! Không! Chúng em không tham chị ạ!
Dung mỉm cười nói:
- Vậy thì ngay bây giờ các em hãy đem trả năm đồng lại cho bà lão đi...
Dung vừa dứt lời thì Hân đã ra cửa:
- Phải! Phải! Chị nói phải, em chạy đi trả đây!
*
Dung hỏi:
- Thế nào em?
Hân thở dốc:
- Bà lão cám ơn em ghê lắm chị ạ!
Dung ngồi xuống chõng, cười vui vẻ:
- Chị biết mà, các em ngoan lắm... Lại đây!
Bọn Hân, Lan, Huệ chạy lại bao quanh Dung, tò mò:
- Gì thế? Gì thế chị Dung?
- Để thưởng các em chị sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện...!
Hân cướp lời:
- Chuyện gì? Chuyện gì chị?
Dung vuốt tóc Hân nói:
- Chị sẽ kể cho các em nghe câu chuyện... a... chuyện CÁI RÌU SẮT!
- A! Thích quá!
- Sướng quá! Hoan hô chị Dung!
- Kể mau đi chị! Thích quá! - Bọn Hân, Lan, Huệ vỗ tay hoan hô, tán thưởng ầm ĩ...
*
Dung bắt đầu kể:
"Ngày xưa ở một làng miền núi, có một tiều phu tên là Không Gian, hiền lành, chất phác, rất sùng bái và tôn kính Trời Phật, tháng ngày đốn củi đổi tiền để sanh sống qua ngày. Bạn của ông là rừng núi, chim chóc và ân nhân của ông là cái rìu. Cái rìu là ân nhân và cũng là người bạn chí thân của ông ta. Nó là vật mang lại nguồn sống cho ông, cho ông cơm ăn áo mặc. Nó là cả vận mệnh của ông. Biết thế nên ông ta yêu mến nó vô cùng. Đi đâu ông cũng mang nó theo chỉ trừ khi ngủ ông mới đem nó đặt vào góc nhà chung với cái nón lá của ông.
Sáng dậy, ông mang nó đi đốn củi, rồi tối lại ông mang nó về nhà. Cuộc sống cứ như vậy êm đềm trôi qua...
Nhưng một sáng kia, tỉnh dậy, ông Không Gian lại góc nhà tìm chiếc búa để đi đốn củi thì nó lại không cánh mà bay mất!
Nghe đến đây, Hân la hoảng:
- Ủa, sao thế chị, rồi làm sao ông đốn củi để đổi gạo mà ăn?
Lan, Huệ đang theo dõi cốt truyện đến hồi gay cấn lại bị Hân phá đám, tức quá nói:
- Ưa hỏi dữ! Để chị kể thì biết chớ gì mà hỏi!
Bị Lan, Huệ nặng lời, Hân dỗi:
- Em không nghe nữa đâu...
Dung biết ý kéo Hân vào lòng, nói với Lan Huệ:
- Tại em nó thấy vậy nó hỏi chớ sao.
Rồi Dung tiếp:
- Hỡi ơi! Vật duy nhất, vật mang lại nguồn sống bị trộm mất đi rồi thì hỏi ông tiều phu làm thế nào để kiếm tiền mà sanh nhai. Bởi thế, ông tiều mặt mày xanh lét hoảng chạy tìm khắp nơi, nhưng vẫn không thấy bóng chiếc rìu hộ mạng kia ở đâu. Lão Không Gian suy đi nghĩ lại xem mình có bỏ quên đâu không nhưng rốt cuộc ông chắc chắn là ông không hề bỏ quên chiếc rìu ở đâu vì ông nhớ rõ là sau khi đi đốn củi về ông bỏ nó vào góc nhà với cái nón - Công việc đó đối với ông đã thành thói quen rồi.
Hơn nữa cái nón vẫn còn kia còn cái rìu thì đã mất. Ông Không Gian không khóc nhưng nước mắt ông cứ chảy ra, ông thấy đời mình đến đây là hết không còn trông cậy vào đâu để kiếm gạo được nữa. Ông muốn chết, ông không thiết sống nữa... Trong lúc tuyệt vọng ấy, bỗng một ý nghĩ vụt lóe trong óc ông tiều, và làm cho ông tin tưởng, hy vọng. Đó là "Trời" phải rồi! Chính Trời mới có thể thấu rõ nỗi lòng của ông và mới có thể giúp ông được. Lập tức ông đi đốt hương và cầu khẩn Thượng đế ra tay tế độ. Mới cảm thấy, Trời không phụ kẻ có lòng, một nén hương với cả "biển lòng thành" của ông tiều đã động đến Thiên đình...!
Nghe tới đây, bọn Hân, Lan, Huệ đồng vỗ tay reo ầm:
- Hay quá! Hay quá!
Dung mỉm cười kể tiếp:
- Trời liền truyền cho Thiên Lôi, lập tức vào kho lấy ra ba cái rìu: một cái rìu bằng vàng, một cái rìu bằng bạc và một cái rìu sắt giống in như cái rìu sắt của ông tiều phu. Trước khi đi, Ngọc hoàng dặn Thiên lôi rằng: "Nếu nó lấy cái búa bằng sắt thì hãy cho nó luôn hai cái búa kia, còn như nó lấy một trong hai cái búa: vàng hay bạc thì ta cho ngươi đánh tan xác nó ra!" Thiên lôi phụng mạng, tay nắm ba cái rìu bay xuống trước lều của ông tiều, đứng trên mây thét như sấm rằng:
- Bớ lão tiều Không Gian, ta vâng lệnh Ngọc hoàng thượng đế xuống giúp ngươi đây, hãy ra mà nhận búa!
Ông lão tiều trông thấy hình vóc của Thiên lôi thì té ngửa ra vì khiếp. Sau thấy Thiên lôi không làm cử chỉ gì dữ thì mới hoàn hồn.
Thần Thiên lôi quăng chiếc rìu vàng xuống trước mặt ông tiều mà bảo:
- Đó có phải là cái rìu của ngươi không? Nếu phải thì ngươi hãy lấy!
Lão tiều phu vừa trông thấy rìu vàng đã la:
- Dạ không phải!
Đến chiếc rìu bạc, ông lão vẫn la "không phải".
Sau đến lượt thấy chiếc rìu sắt xuống thì ông lão tiều phu reo lên vì mừng:
- Đây rồi! Đây rồi!
Thấy thế thần Thiên lôi nhìn lão tiếu cười bảo:
- Khá lắm! Khá lắm! Đáng khen! Ta cho luôn hai chiếc búa vàng, bạc gọi là để thưởng lòng tốt không gian tham của nhà ngươi!
Rồi thần Thiên lôi biến mất!...
Dung kể vừa dứt thì bọn Hân, Lan, Huệ vỗ tay reo ầm ĩ. Dung mỉm cười bảo ba em:
- Nghe xong chuyện các em nghĩ thế nào về ông già kia?
Lan, Huệ hấp tấp:
- Ông không tham lam phải không chị?
Hân cướp lời:
- Ông có lòng thành!...
Dung cười vui vẻ:
- Các em thông minh và giỏi lắm! Vì nếu ông lão tiều ấy có tính tham, lấy cây búa vàng hay bạc khi Thiên lôi vừa quăng xuống thì ông đã bị đánh tan xác rồi phải không các em?
Bọn Hân, Lan, Huệ nhao nhao lên: "Phải! Phải! Chị Dung nói phải".
NGUYỄN TẤT THẮNG
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Cô Bé Can Đảm")
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.