Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Tiếng Sáo Diều


Nơi tôi sinh trưởng là một làng nhỏ ven miền châu thổ có những cánh đồng lúa bát ngát chạy thẳng tít đến tận chân trời và những mái tranh hiền san sát được bao bọc bởi những lũy tre xanh thơm ngát mùi hương dạ thảo. Quê tôi tuy nghèo nhưng lòng người dân hiền hòa, chất phác, quanh năm mưa nắng hai mùa vui sống bên những luống cày sâu cuốc bẫm. Cảnh vật thật là thơ mộng với hình ảnh những em bé mục đồng vắt vẻo trên mình trâu hát nghêu ngao, những điệu hò của các cô thôn nữ vang lên trong những ngày nắng hạ để đến lúc đêm về, người người cùng nhau quây quần giã gạo dưới ánh trăng thanh nơi thôn dã...

Năm ấy tôi được 12 tuổi ; cái tuổi thơ ngây vô tư lự nhất của một thời niên thiếu. Tôi ở với bà ngoại và thầy me tôi trong một mái nhà tranh vách đất có hàng giậu thưa bao bọc. Thày mở trường dạy học. Còn tôi, những giờ phút rảnh rỗi là chỉ có việc tung tăng chạy nhảy ngoài đồng nội với bọn trẻ hàng xóm. Trong những đứa đó, tôi chỉ thích chơi nhất là thằng Hùng. Hùng là con trai ông Hương cả giàu có nhất nhì trong làng. Nhà Hùng là một gian nhà gạch đồ sộ đối diện với căn nhà tranh xiêu vẹo của thày tôi, hai nhà chỉ cách nhau bằng một con đường làng nhỏ nhưng không vì thế mà Hùng giở thói kiêu kỳ phách lối lên mặt hiếp đáp những bọn trẻ con nhà nghèo. Tôi thích nó ở chỗ đó. Hùng nhỏ hơn tôi một tuổi nên kêu tôi là anh và tôi xem nó cũng như là em ruột không khác. Hai đứa chúng tôi thường rủ nhau thả diều ngoài đồng, bắt cá ngoài ruộng lúa, hay đi bắn chim, tìm tổ ong ruồi hoặc hiên ngang trên mình trâu hát những bài ca tình tứ nơi thôn dã. Thầy tôi và ông Hương cả cũng rất thân thiết nhau, những lúc nhàn rỗi là hai ông xách bàn cờ ra đấu trí hay ngồi rung đùi uống rượu ngâm thơ có vẻ đắc ý lắm. Thấy hai đứa chúng tôi quấn quít nhau như vậy, đã có lần ông Hương cả cười khà khà bảo thầy tôi:

- Giá mà thằng Hùng con tôi mà là con gái thì tôi đã kết sui gia với anh rồi.

Thầy tôi cười theo làm hai đứa tôi mắc cỡ nhìn nhau cười không nói.

Cuộc sống chúng tôi tưởng chừng êm đềm như mặt nước hồ thu như vậy, thế mà một hôm sóng gió bất ngờ xảy đến...

Tôi chợt bừng tỉnh mắt dậy vì nghe có tiếng huyên náo ngoài cửa ngõ. Tôi vội vàng chạy ra thì vụt đứng sựng lại. Trời, thầy tôi và ông Hương cả đang cãi nhau. Thằng Hùng đứng cạnh ba nó nhìn tôi mà nước mắt cứ chạy vòng quanh. Tôi sững sờ một lúc mới hiểu hết mọi chuyện: Thì ra con heo nhà tôi đêm qua không biết sinh chứng gì mà phá rào qua nhà ông Hương cả dẫm nát hết cả vườn hoa yêu quí của ông làm ông nổi cáu chạy qua chất vấn thầy tôi người cố sức phân trần nhưng ông Hương cả cau mặt lại, cất giọng hằn học lẫn mỉa mai:

- Phải, đúng mà, hôm qua tôi không cho anh mượn tiền nên anh để tâm thù oán, đang đêm cho heo sang phá nhà tôi. Đồ mạt rệp, đê hèn, bỉ ổi, tôi chán mặt anh lắm rồi anh Giáo!

Nói xong ông hầm hầm kéo thằng Hùng ra khỏi ngõ. Mặt thầy tôi chợt xám ngắt lại. Người lê từng bước nặng nhọc và thừ người bên án thư. Tôi sợ hãi lấm lét muốn nói một câu gì mà không sao ra lời. Một lúc lâu người cất tiếng:

- Dũng.

- Dạ.

- Họ giàu khinh mình nghèo như chó thì tao cấm mày từ giờ trở đi không được qua nhà ông Hương cả và nhất là không được chơi với thằng Hùng...

Tôi giật mình:

- Nhưng... thưa thầy...

- Không nhưng gì hết, mầy mà cãi lời tao thì... 100 roi.

Biết tính người vốn nghiêm khắc nên tôi sợ hãi bước ra ngoài sân. Buồn không thể tả được! Bên nhà ông Hương cả có bóng thằng Hùng đưa tay vẫy. Không đừng nổi sự mừng rỡ tôi đánh liều chạy bay ra khỏi cổng. Hai đứa tôi đứng bên hàng giậu thưa bên cây dâm bụt nhìn nhau muốn khóc. Thằng Hùng ấp úng:

- Ba Hùng cấm Hùng không được ra đồng chơi với anh nữa...

Tôi nghẹn ngào:

- Thầy anh cũng vậy, ổng mà bắt được thì 100 roi nát đít...

Có bóng ông Hương cả ló dạng qua song cửa, tôi vội vàng chạy về nhà Cả đêm hôm ấy tôi nằm trằn trọc không ngủ được. Phần thì nhớ thằng Hùng, phần buồn rầu chỉ vì một chuyện xích mích nhỏ nhen mà hai gia đình phải xa cách nhau...

Ngày tháng chầm chậm trôi qua, tôi và Hùng tuy không được gặp mặt nhau thường xuyên nhưng hai đứa vẫn lén lút chui rào ra tụ họp ngoài đồng nội chơi đùa thỏa thích cho bõ những ngày nhớ nhung ly cách...

Mùa thu đã về... Những xác phượng rơi thắm đỏ sân trường lẫn những tiếng ve sầu rên rỉ nỉ non như tiếc nhớ giờ không còn nữa, nhường lại cho những cơn gió heo may lành lạnh thổi cuốn theo từng chiếc lá vàng rơi lả tả trên nệm cỏ...

Kéo cao cổ áo cho bớt lạnh, tôi xách chiếc ghế ra ngồi bên song cửa đưa mắt ra ngoài trời bâng khuâng mơ màng nhìn cảnh vật. Bên kia bờ giậu, bóng thằng Hùng xuất hiện. Tôi mừng rỡ phóng ra sân nhưng chợt dừng lại thất vọng: Me tôi đang ngồi làm bếp gần đó... Thằng Hùng như hiểu ý, nó lấy một mảnh giấy hý hoáy viết nguệch ngoạc vội mấy dòng chữ rồi cuộn tròn vào một viên đá ném qua hàng giậu. Tôi mừng rỡ nhặt lấy và cắm cúi đọc:

"Chú Hùng vừa ở tỉnh về có mua cho Hùng một con diều giấy to và đẹp lắm cơ! Chiều nay chúng mình lẻn ra ngoài đồng thả diều nghe anh! Tụi thằng Tý, thằng Long thế nào cũng lé con mắt. Nhớ nghen!!..."

Bất giác tôi mỉm cười, lòng hân hoan vô tả...

Chiều hôm nay con diều của chúng tôi chiếm giải nhất, nó thật to lớn và lộng lẫy làm sao ; cánh diều bay phần phật trên trời tạo thành tiếng sáo reo vi vu trong gió lộng. Tôi và Hùng nhìn những con diều xấu xí vá víu bé nhỏ trông đến thảm hại của thằng Tý, thằng Long đến cánh diều đẹp đẽ hùng vĩ chan hòa màu sắc của chúng tôi với cõi lòng vô cùng hãnh diện... Bọn trẻ suýt soa khen ngợi không ngớt... Tôi đang ưỡn ngực hít bầu không khí trong lành của đồng nội thì tự nhiên giựt mình đánh thót... có một bóng dáng quen thuộc của ai thấp thoáng đàng xa... Trời ơi! Thầy tôi!... Tôi run rẩy nói, giọng đứt quãng:

- Chết rồi!... Hùng... ôi! Thầy anh... thấy rồi...! 100 roi nát đít...!

Mặt thằng Hùng cũng tái xanh không kém. Tôi vội bỏ nó chạy ù về nhà. Thầy đang ngồi trầm ngâm bên án thư như đang suy nghĩ một điều gì. Một phút im lặng một cách khó thở chầm chậm trôi qua.

- Dũng, con biết cái tội chơi với thằng Hùng ngoài đồng là bao nhiêu roi không?...

Tôi đáp không ra hơi:

- Dạ... thưa thầy... 100... roi... ạ...

Người ừ hử một cái rồi đưa tay với chiếc chổi lông gà. Tôi tái mặt. Thằng Hùng từ ngoài chạy ù vào, nó nói giọng như muốn khoác:

- Xin... bác tha cho anh... Dũng, đó là lỗi tại... cháu... rủ anh ấy đi...

Thầy tôi phì cười, gương mặt người hiền từ làm sao. Cửa bỗng bật mở, ông Hương cả bước vào, giọng ông vui vẻ:

- Ông Giáo định đánh con trai tôi đấy hả? 100 roi nát bấy đít nó chứ còn gì!!...

Thầy tôi vội đứng dậy mỉm cười bắt tay và kéo ghế mời ông ngồi. Giọng ông Hương cả trầm ấm:

- Hùng, con đến xin lỗi bác Giáo và anh con đi... Vì con mà anh ấy suýt chịu đòn oan...

Hùng đứng bên tôi, ấp úng:

- Xin... lỗi bác.. xin lỗi... anh... Dũng...

Mọi người cười ồ lên... ông Hương cả vỗ vai thầy tôi, giọng ông thật cảm động:

- Thôi bây giờ hai ta lấy bàn cờ tỉ thí chơi vài ván... lâu ngày không đánh bây giờ ngứa tay quá...

Tôi và Hùng sung sướng nhìn nhau cười, không hẹn, tính bạn khắng khít chân thành của chúng tôi đã xóa tan những hiềm khích và nối lại mối giao hảo giữa hai gia đình. 

Hai đứa xách con diều giấy chạy bay ra ngoài đồng.

Gió heo may lành lạnh thổi buốt da nhưng lòng chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn lúc nào hết...

...........

Những mùa thu qua đi và không trở lại nữa...

Bao thu qua bao nhiêu tang thương biến đổi nhưng tình bạn giữa tôi và Hùng vẫn không hề phai lạt. Con diều xanh năm xưa giờ đã phai màu theo năm tháng nhưng chúng tôi vẫn còn giữ nó làm kỷ niệm để mỗi độ thu về cùng nhau ôn lại hình ảnh buồn vui của những ngày thơ mộng cũ nơi mảnh đất quê nghèo...


LÊ DŨNG MỸ         
(Vùng tuổi ngọc)        
(Văn Nghệ Hoa Muôn Phương)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 55, ra ngày  15-10-1966)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>