Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Thụy Ngày Xưa


Không biết tôi có "duyên nợ" gì với cô bé í không mà ngay từ đầu niên học, chúng tôi đã đụng đầu nhau hoài hoài.

Bước vào lớp, tôi đã để ý tới một "tân binh" ngồi đầu bàn dãy A, cái mặt cứ ngơ ngơ ngác ngác trông hiền ghê, cô bé chả đẹp nhưng duyên, đôi mắt tròn, to đen, đôi môi hơi dày, tai tái, nước da ngăm đen nhưng nổi nhất là má lúm đồng tiền, chả là vì cô bé cười với nhỏ bạn bên cạnh, nụ cười hở mở mười cái răng, vô tư ghê.

Đi xuống dần cuối lớp, tôi thoáng nghe tiếng cô bé hỏi nhỏ bạn:

- "Ông" nào vừa đi qua í Phượng?

Tôi vui thầm vì chưa chi cô bé đã "đặc biệt" đến tôi rồi, tôi hồi hộp chờ đợi!

- À "ông" Thoại đấy, trưởng ban bích báo năm lớp 9 vừa qua.

- Oai thế cơ à! Cứ như cò í. Thoại cẳng cò, con nai già ngơ ngác.

Cái dễ thương, cái hiền nơi cô bé chợt mất khi nghe cô bé phê bình. Tôi ứa gan ghê, nói chi nặng rứa, ta có thù hằn gì đâu, cò, cẳng cò, bực mình ghê, tuy tôi cao thật, 1 thước 63 nhưng không thích ai nói mình cao cả ; "năm cà nhỏng" đã đủ làm cho tôi chán nản, giờ lại thêm "Thoại cẳng cò", chao ơi, sao "kê" đau thế, tôi "chặn tủ" lại cho mà xem.

Hả hê với ý định của mình, tôi nóng lòng chờ đợi giờ ra chơi. Tôi bàn với thằng Thuyên, vớ bở hắn chịu liền, vì khi nãy, hắn cũng bị "con bé vô duyên" chê một câu "Đầu tóc như ổ chuột chù, ổ chấy". Có đồng minh hỗ trợ, tôi yên lòng.

Giáo Sư bước ra khỏi lớp thì hồi chuông cũng vừa reo, tôi vội vã ra khỏi bàn lừ đừ tiến gần lên, khi ngang gần bàn cô bé, tôi đứng lại, vờ vĩnh hỏi thằng Minh:

- Chiều nay có phim Ấn Độ, mày bao tao nhé.

Minh gật đầu khoái tỉ:

- OK, mình lựa phim nào có con nhỏ P. D đóng, nó tẻm vai "xí xọn" hay nhất nước.

Tôi nhún vai:

- Tao chúa ghét con đó, nó cười có hai cái "tổ dế" to tổ bố trông vô duyên ghê mày ạ, vô duyên như con nhỏ gì mới vào í.

Tôi liếc thấy đôi mắt cô bé khẽ chớp chớp, nước mắt viền mi, cô bé kéo tay nhỏ bạn:

- Ra ngoài đi Phượng, qua lớp em Thụy, hôm nay cô Tiên kể chuyện "Tráng sĩ cò gãy giò vì ăn vụng" tếu lắm.

Tôi ngẩn người. Trời ơi! Chi mà mồm mép ghê đi. Úi chào, giật mình. Tưởng gì hơn, cô bé cũng cao gần bằng tôi chứ ít sao, khoảng 1 thước 60 hay 61, thế mà lại chê người ta, cùng là dân nhà họ "Cao" mà cứ kê tủ đứng nhau mãi, ức ghê.

Một cái khăn be bé tim tím của ai đánh rơi dưới đất, tôi nhặt lên. A! Chữ Nguyễn Đoan Hoàng Thụy thêu rõ nét quấn quýt lấy nhau, chắc hẳn Hoàng Thụy yêu màu tím. Thôi! Giữ hộ khi nào trả lại, đây cũng là một dịp để làm quen với Thụy.

- Này! Cô bé ơi, cho hỏi một tí.

Tôi ngập ngừng hỏi đến ba lần cô bé mới chịu trả lời.

- Kêu ai mà kêu hoài dị.

Tôi bối rối:

- Thì cô bé ấy mà.

Thụy nguýt tôi chới với:

- Ở đây người ta không có chơi Poupée, không có chơi chi chi chành chành, không có chơi lò cò, ô quan...

Tôi nghệt mặt, cứng lời, sao mà "xảnh xẹ lẹ miệng" ghê vậy đó.

- Thôi mà! Cô bé chanh chua hoài dị.

Hoàng Thụy trợn mắt:

- Bộ người ta nhỏ lắm hở, người ta không thèm ăn chanh của đằng ấy, người ta đâu có ưa, người ta vô duyên mờ.

Tôi thổi bong bóng:

- Ừ thôi, vậy thôi! Cho "tui" trả lại cái khăn hôm qua "ấy" đánh rơi.

Cô bé có vẻ "liên hiệp" khi nhận lại cái khăn:

- Cám ơn!

Tôi vớ va vớ vẩn:

- Ấy tên gì nhỉ, tui tên Thoại.

- Hay là Thoại cẳng cò cũng thế.

Cô bé cười khúc khích rồi bỏ đi nhanh ra ngoài sân, tôi ngẩn ngơ nhìn theo, người gì mà làm cao ghê, thấy ghét, "thấy ghét" vậy đó sao tôi vẫn cứ thích làm quen.

Cũng vì "cứ thích làm quen" nên dần dần, tụi bạn trong lớp "cặp đôi" tôi với Hoàng Thụy. Tôi không chống đối mà trái lại, còn âm thầm tán thưởng nữa là khác, còn Hoàng Thụy, cô bé phản đối kịch liệt, đính chánh om sòm, làm như thế tụi nó trêu già thêm, thét rồi cô bé cũng điềm nhiên. Tôi hoài thắc mắc không biết tình cảm Thụy ra sao, thường con gái kín đáo e dè lắm cơ, không "trắng trợn" như con trai. Nhưng tôi vẫn kiên nhẫn dò dẫm vì thú thực, tôi "chịu đèn" cô bé "thấy ghét" đó mất rồi.

Bài học tôi bắt đầu xao lãng, tên cứ bị ghi dài dài trong sổ kỷ luật, giáo sư khiển trách hoài vì cái "chứng loát thần" của tôi: "Sao trò Thoại năm nay kỳ thế, cứ dở dở ương ương không thể hiểu nổi" Tôi bất cần, thay đổi dở ương tôi không cần biết nhưng nếu mà "cần biết" thì tôi biết chắc là chính Hoàng Thụy đã làm thay đổi hoàn toàn nếp sống học sinh của tôi. Nhưng nếu mà xét lại lòng mình, tình cảm mình, tôi chưa dám đoan chắc là mình đã bị "trận gió tình yêu", tôi không dám nghĩ tới điều đó, đúng hơn, vì đối với tôi chữ "yêu" nó có vẻ ghê ghê, ngường ngượng, tôi cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng mình đã "yêu Hoàng Thụy" tôi nói chữ đó là cả một công trình, không dễ dàng như "yêu ba yêu má, yêu anh yêu chị" Sao rắc rối quá nhỉ, tình cảm của con người đôi khi phức tạp ghê, ơi! Hỡi tuổi 16 mi đã cho phép ta nghĩ tới cái chữ "yêu" trọng đại đó chưa?

Hôm nay giờ ông Minh, ông giáo sư khó tánh nhất, tôi bị chiếu cố nhiều nhất vào giờ này, ai mà nói chuyện hoặc đụng đậy chân tay là bị kêu lên bảng đứng, một lần cảnh cáo, hai lần ghi tên, ba lần ăn "xi rô", và dĩ nhiên hôm nay tôi lại bị kêu lên bảng.

- Anh Vũ Ngọc Thoại, vào lớp mà đánh đàn, lên đây đứng đi.

Trời ơi! Thày khó tánh ghê, tôi tức bực đi lên, ngang chỗ Hoàng Thụy tôi nghe tiếng cô bé cười khúc khích.

- Ê Phượng! Hôm nay ông Thoại cò nhà ta tếu ghê, bồ có thấy tếu chỗ nào không?

Nhỏ Phượng nhìn tôi lom lom, tôi vừa xấu hổ vừa sùng.

- Ừ tếu quá, thân hình đã như cái xe điếu, còn mặc cái quần bó sát ngắn gần đầu gối, chắc "cầm nhầm" của em í Thụy.

Tôi nóng bừng cả mặt, bọn con gái sao nhiều chuyện quá đi, tò mò, phê bình, chỉ trích, mà con bé Phượng nói cũng đúng, tôi mặc quần của em tôi thật, vì sáng nay vội quá, quần cả chục cái tôi nhét xó nhét xỉnh, mẹ tôi hôm qua lôi ra giặt chưa khô, thế là tôi vớ cái quần của thằng em, mặc tưới hột sen, con trai mà cần gì. Con trai người ta khác, bình dân giản dị chứ chả như bọn con gái, điệu một cây.

- Tại Phượng không biết chứ lị, thời đại bây giờ ai mà quần chùng áo dài.

- Thụy nói chuyện hoài hắn kêu lên bảng bây giờ.

Nhỏ Thụy "vô duyên" cười muốn vỡ tung cái tổ dế.

- Còn lâu hắn mới kêu Thụy, nói thẳng đi chứ.

Tôi ứa gan, mặt nóng bừng, con nhỏ biết "tủ" của tôi rồi, thử kêu cho mà biết, tưởng ngán hở.

Nghĩ là thi hành liền, tôi hắng giọng kêu lớn:

- Dãy A bàn số 1.

Bên nam sinh vỗ tay nhao nhao:

- Nói tên đi mày, sợ gì, can đảm lên.

Tôi quên phắt nhỏ Thụy đang nhớn nhác, như được bơm hơi vào phổi, tôi nói to:

- Thưa thầy "chị" Hoàng Thụy ạ.

Tụi nó vỗ tay rào rào, hét tướng lên khoái chí, kêu được bọn con gái lên bảng là lập được một chiến công vẻ vang, con trai lên như cơm bữa, con gái lên mới vui, tụi con trai tha hồ chọc ghẹo ở dưới cho con nhỏ đứng trên bảng khóc mới thôi.

Nhỏ Thụy khóc thật sự, nó cúi mặt không nhìn ai cả, cũng không thèm kêu một đứa nào, lớp ồn ào như cái chợ, thầy Minh cứ la nhỏ hoài, dọa sẽ bắt Hoàng Thụy quì vì không chịu chỉ những kẻ nói chuyện. Chừ tôi mới cảm thấy mình "anh hùng rơm" quá, chắc nhỏ Thụy thù tôi lắm, con gái là chúa thù vặt tôi ngẩn ngơ như vừa làm mất một bảo vật, chắc chắn tôi chả dám gặp Hoàng Thụy nữa.

Quả chúng tôi có "duyên nợ" thật (tôi nghĩ thế, chứ Thụy không bao giờ đâu). Giờ ra chơi, lúc vào học Thụy ở ngoài vào, tôi ở trong lớp ra, vừa đi đến cửa, 2 đứa chạm mặt nhau đụng đầu cái "cốp", phản ứng tự nhiên, tôi dang tay vịn vào thành cửa lấy đà lại, cô bé Thụy chúi đầu vào ngực tôi, hoảng hốt xấu hổ, cả lớp cười rầm rầm, tôi ngượng chín người, Thụy cũng thế, hai đứa đưa tay rờ trán rồi lặng lẽ về chỗ ngồi, riêng tôi tuy xấu hổ thật đấy, nhưng sung sướng vô cùng.

Bản "Ngày Xưa Hoàng Thị" thế mà thật đúng với trường hợp tôi bây giờ, không biết tác giả bản này ngày xưa có theo cô nàng Ngọ ráo riết như tôi theo Thụy bây giờ không. Ngày nào như ngày nào, "em đi trước anh theo sau" Thụy không đi một mình, còn có nhỏ Phượng nữa, tôi đâm ra thù Phượng ghê gớm, con bé này "chặn đầu tôi bao nhiêu việc", cái lá thư viết lâu rồi, ngo ngoe nhưng chưa dám gửi. "Đúng điệu" em tan trường về, anh theo "Thụy" về, chân anh nặng nề, lòng anh nức nở, mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ", "anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở, ép vào cuối vở, muôn thuở còn thương". Nhưng tôi không đưa vội vàng chùm hoa, mà đưa lá thư, Thụy cũng không ép vào cuối vở như cô Ngọ dễ thương, mà đằng này Thụy cho nó làm chiếc lá rụng, nhỏ Phượng nhặt lên, nhớ tới giây phút ấy, lòng tôi chùng xuống, bao tin yêu nồng thơm một thoáng thành mây sương.

- Thụy! Cho gởi cái này.

Thụy dừng lại:

- Hỏi gì, "tui" đâu có gì để "đằng ấy" hỏi.

Nhỏ Phượng nhìn tôi lém lỉnh khiến tôi nóng mặt, con nhỏ nầy là chúa lắm mồm, mai đây thế nào cả lớp cũng cười tôi thối đầu, tôi rút nhanh là thư trong tập ra run run nhét vào tay Thụy, con nhỏ hững hờ để tờ giấy bay xuống đất, không buồn nhìn. Tôi xấu hổ quay đi "lòng nức nở", thoáng thấy Phượng cầm lên tôi thẫn thờ nhìn chung quanh, cây lá như héo hắt, bóng Thụy hút dần cuối đường, đắng cay, nghèn nghẹn, lần đầu tiên tôi biết thế nào là "đau khổ vì tình", ôi! Muôn vàn cơn sóng sánh.

Đúng như tôi nghĩ, sáng nay vừa vào lớp, bọn con gái nhìn tôi cười khúc khích, tôi chột dạ. Thôi chết rồi, chắc con Phượng đã bép xép cho tụi nó nghe hết, có nước độn thổ chứ học gì được, biết vậy, nghỉ học phứt đi cho xong. Đi lướt qua chỗ bọn nó, tôi nghe tiếng con Thoa ê a:

- ... Ánh mắt trong sầu thu nhốt cả hồn tôi rồi.
... Em dáng tiểu thư hát khúc tình ca.

Trời ơi! Khổ rồi, những câu thơ tôi thức mấy đêm liền để nghĩ ra viết tặng Thụy. Thụy ơi! Thụy ác quá.

Những tiếng chọc ghẹo của bọn con gái cứ vây bủa lấy tôi, tôi thấy như có muôn nghìn ngọn sóng lao đao trong hồn, tiếng cười của Thụy tựa như vạn mảnh thủy tinh đâm buốt tim tôi. Thụy ơi! Thụy ác quá. Thụy ác như mụ phù thủy ngày xưa cổ tích đó.

Tôi bỏ về nhà ngay hôm đó, và nghỉ liên tiếp mấy hôm liền, một tuần sau, tôi xin chuyển trường. Thụy bây giờ chỉ còn là ngày xưa thôi, ngày xưa với đôi mắt đã làm cho tôi rơi ngã, lao đao, mối tình học sinh là thế đó, đậm đà như màu cà phê đen và mong manh như nắng sớm. Thôi nhé. Thôi nhé. Thụy vẫn còn hồn nhiên ghế nhà trường, trong tôi chỉ còn hình bóng của Thụy ngày xưa thật gần, thật gần vậy đó.


THỦY H2O    

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 7-10-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>