Lưu Bái (Louis Braille) lặng lẽ nằm trên giường trong căn phòng nhỏ bé và lạnh lẽo, cố nuốt những giòng nước mắt cô đơn đang chực trào ra khỏi đôi mắt mù lòa của nó. Nó cảm thấy cô độc, cô độc không thể tả được.
Sự thật là tất cả những đứa trẻ khác cùng đến trường này với nó đều là những đứa trẻ khiếm thị cả, Lưu Bái cũng biết thế, và lần đầu tiên trong đời mà nó có thể hy vọng có được tình bạn chân thành, một tình bạn mà không phải do lòng thương hại của kẻ khác.
Nhưng khi nó nhớ lại đôi bàn tay cứng cỏi của bố nó thì sự sợ hãi và cô đơn lại ào đến. Lúc này bố, mẹ nó đang ở cách xa nó trong ngôi làng bé nhỏ nước Pháp nơi Lưu Bái đã chào đời. Bây giờ nó sống lạc lõng và cô đơn trong kinh thành ánh sáng Ba Lê rộng mênh mông và ồn ào với các đường phố lúc nào cũng đặc kịt xe cộ và khách bộ hành. Nó sẽ phải tự tìm lấy lối đi trong một thế giới đầy bóng tối, một thế giới với những khung cảnh xa lạ mà nó sẽ chẳng bao giờ có thể nhìn thấy được.
Cộc, cộc, cộc... nghe thấy âm thanh quen thuộc này, Lưu Bái vội ngồi dậy, chắc lại một chàng mù nào đó đang mò mẫm hường về phía phòng nò.
Cộc, cộc, cộc... tiếng động ngưng trước cửa phòng nó, rồi có tiếng mở cửa và có tiếng một đứa con trai hỏi: "Lưu đâu?". Nó đáp: "Tớ đây".
- "Tớ là Chà Lý (Charlie), ở phòng bên cạnh, tớ qua đưa cậu xuống ăn sáng".
Lưu Bái vội vớ lấy cây gậy và khua lọc cọc hướng về giọng nói thân mật. Nó quờ quạng, bàn tay của hai đứa chạm nhau và Lưu bật cười nhỏ. Chà Lý nắm lấy bàn tay Lưu áp vào mặt mình mà nói:
- "Đây này, mặt tớ đây này. Mắt tớ tròn tròn, tóc quăn, có một cái nốt ruồi trên má... đó, đó... thấy không?"
- "Ồ... ồ... tớ thấy rồi, tớ chưa sờ thấy một cái nốt ruồi bao giờ".
Chà Lý điềm tĩnh nói:
- "Chắc nó trông buồn cười lắm nhỉ?"
- "Tớ cũng nghĩ vậy".
Cả hai cùng cười ngặt nghẽo, té ra Ba Lê cũng không đến nỗi tệ. Mới có buổi đầu tiên ở đây thế mà nó đã có bạn rồi. Chiều hôm ấy Chà Lý rủ Lưu Bái đi bách bộ ngoài phố. Nó nói:
- "Tớ hiểu rõ vùng này lắm. Tớ có thể tìm đường về dễ như con chim bồ câu tìm về chuồng cũ".
Chà Lý vừa dẫn Lưu đi vừa kể cho nó nghe về những chỗ hai đứa vừa đi qua:
- "Bây giờ tụi mình đang đứng trước một thánh đường. Mẹ tớ thường dẫn tớ đi lối này mỗi lần mẹ tớ đến thăm tớ".
Lưu Bái thấy sợ hãi và cô đơn hơn là lúc nó ở trong phòng. Nhớ tới những câu chuyện kinh khủng về những người mù trong thành phố lớn thỉnh thoảng bị bọn vô lại chọc phá, tự nhiên Lưu đi sát vào Chà Lý hơn trước. Chà Lý tiếp tục câu chuyện:
- "Này, đằng ấy có ngửi thấy mùi bánh nướng không? Chúng mình đang đi qua một tiệm bánh, họ bán những cái bánh nho nhỏ ngon tuyệt, lại có rắc đường ở trên cơ chứ! Chừng nào bố đằng ấy tới thăm, đằng ấy phải mời ông cụ mua ăn thử mà xem".
- "Tớ có một ít tiền trong túi đây này, bố tớ cho tớ để tớ muốn tiêu gì thì tiêu, mình mua vài cái ăn thử đi".
Tiệm bánh thật là ấm áp và lừng mùi thơm của bánh nướng. Lưu Bái nói với người đàn bà bán hàng:
- "Bà bán cho tôi vài cái bánh nướng, thứ có rắc đường ở trên đó".
- "Bà bán cho tôi vài cái bánh nướng, thứ có rắc đường ở trên đó".
- "Màu hồng hay màu xanh?"
Lưu ngập ngừng mất một lát, sau cùng nó nói:
- "Mùi vị có khác nhau không?"
- "Không, chỉ có khác nhau về màu sắc thôi".
Lưu thở dài với vẻ bực bội:
- "Nếu thế thì bà cho chúng tôi thứ nào cũng được. Đối với chúng tôi thì màu nào chả giống màu nào"
Nó đưa một nắm đầy bạc cắc, bà bán hàng đưa cho nó gói bánh đồng thời thối tiền lại cho nó:
- "Tiền thối của em đây, qua không có ăn gian của người mù đâu!"
Lưu theo bạn ra khỏi tiệm với một vẻ thư thái hơn là khi nó bước vào tiệm. Đi dạo chơi trong kinh thành là cả một chuyện mạo hiểm chứ đâu phải chơi. Khi hai đứa bắt đầu đi ngược lại con đường đã đi để về trường, bỗng Lưu nghe có tiếng chân người rầm rập đuổi theo, rồi có tiếng trẻ con cười đùa léo nhéo:
- "Ê, ê... mấy thằng ăn mày! Bánh đó đâu phải của tụi bay. Tụi bay xin ở tiệm bánh mà, đưa đây cho tụi tao mau!"
Lưu cảm thấy có đưa đưa ngón tay trỏ dí vào đầu nó, thế là nó rú lên kêu cứu bằng một giọng vừa kinh hoàng vừa đau đớn. Một đứa trong bọn vô lại đã giật phắt mất gói bánh, Lưu chỉ biết kêu cứu, không biết đằng nào mà lần nữa. Chợt nó nghe một giọng rắn rỏi ra lệnh:
- Chúng mày có thôi ngay đi không nào!
Thế là tiếng léo nhéo và tiếng chân của bọn vô lại xa dần. Lưu run lẩy bẩy đến nỗi gần như đứng không vững nữa, nó cảm thấy dường như máu đang chảy đằng sau gáy. Người đàn ông vừa giải cứu hai đứa khỏi bọn du đãng không ngớt miệng xuýt xoa:
- "Trời ơi! Tội nghiệp không! Các con có làm sao không? Thật tội quá, tội quá! sao chúng nó lại có thể nhẫn tâm đến thế được nhỉ??
Lưu vẫn còn bàng hoàng và đứng khóc thút thít, nhưng Chà Lý thì không. Nó bình tĩnh hỏi:
- "Ông là ai?"
- "Ta là Cha Tô Ma (Thomas). Ở trong nhà thờ ta nghe tiếng các con kêu cứu ta chạy ra xem sao. Nào, giờ các con hãy vào đây với cha, ta không thể để các con về trường với hình dạng như thế này được, thật là tội cho các con quá!"
Lưu gần như lặng đi vì bất ngờ, để mặc cho vị linh mục kéo mình vào nhà thờ. Mãi đến năm 3 tuổi nó mới bị mù, nhưng chưa bao giờ nó thấy có sự lạ như thế xẩy ra ở trong làng.
Cha Tô Ma dịu dàng an ủi Lưu:
- "Đừng khóc con ạ, mấy đứa trẻ đó không hiểu việc chúng nó làm đâu. Thế giới này còn cần đến lòng tử tế nhiều lắm. Không phải chỉ riêng có những kẻ không nhìn thấy mới là người mù, những người nao không biết giúp đỡ và săn sóc lẫn nhau cũng đều là những người mù cả".
Lưu khóc:
- Thưa cha! Con mới đến trường thành ra con cô độc quá. Cô độc trong cảnh tối tăm thế này khổ lắm cha ơi!
Vị linh mục buồn rầu trả lời:
- Con ơi! Ngoài tình trạng tăm tối mà con phải gánh chịu, trên đời này còn nhiều loại tăm tối khác nhau nữa con ạ. Chẳng hạn như không có gì đen tối cho bằng những người không biết đến tình thương yêu đồng loại, như những đứa trẻ chọc phá các con ban nãy, chúng đang sống trong một tình trạng tối tăm và xấu xa hơn các con nữa.
Lưu vẫn ấm ức khóc:
- Làm sao có thể như thế được, chẳng có gì chán hơn là bị mù cha ơi!
- Con lầm rồi. Những người nào có mắt mà không chịu mở ra để thấy được những nhu cầu của đồng loại thì họ chẳng những mù mắt mà mù luôn cả tâm hồn nữa. Thiếu học hành cũng là một tình trạng tối tăm mù lòa khác nữa. Con được đi học thế là con còn may mắn lắm đó. Ta được biết là ở trong trường mù, các con sẽ được học đọc, học viết. Học được những thứ đó là một phần của sự tăm tối sẽ phải rời xa các con.
Tối hôm ấy, Lưu nằm một mình trên giường và nhớ lại những lời cha Tô Ma đã nói lúc ban sáng. Tuy nhiên sự cô độc mà nó đang chịu hiện giờ cùng với cảm giác hãi hùng lúc bị tấn công hồi sáng vẫn có tác dụng mạnh hơn là những lời khuyên nhủ của vị linh mục nhân từ. Sau cùng Lưu quyết định sẽ nói với bố nó để đón nó về nhà, nhưng biết làm cách nào để báo tin cho ông cụ đây? Nó không biết viết, và nếu nhờ một người nào đó trong trường viết hộ thì ông giám đốc sẽ biết ngay, biết đâu ông ấy chẳng nổi giận và có thể chặn bức thư ấy lại. Trước kia chưa bao giờ Lưu thấy việc tự tay viết một lá thư lại quan trọng đến thế. Trằn trọc suy nghĩ mãi, sau cùng Lưu dứt khoát:
- Nếu mình thật cố gắng, có lẽ mình sẽ đọc và viết được trong vòng 2 hay 3 tuần lễ, rồi mình sẽ viết thư cho bố và bảo bố đến đón mình về.
Vài tuần sau đó, Lưu cố gắng hết mình để tập đọc. Vốn là một đứa trẻ khá sáng dạ, Lưu học khá nhanh. Tuy nhiên phương pháp dạy học thời đó dành cho người mù là một phương pháp chậm chạp và cồng kềnh. Các chữ đều được in nổi và lớn để người mù dùng đầu ngón tay sờ và nhận mặt chữ, do đó mỗi quyển sách trở nên rất lớn và nặng nề, mà cách đọc vẫn chậm chạp. Càng ngày Lưu càng trở nên chán nản. Ngoài ra tuy Lưu học nhanh nhưng nhà trường lại thiếu sách vở. Chẳng những thế nó còn khám phá ra rằng nhà trường không có phương pháp nào để dạy cho người mù học viết. Điều đó có nghĩa là Lưu chẳng mong gì có dịp tự tay viết thư cho Bố nữa. Một hôm, nó thố lộ tâm can với Chà Lý. Nghe xong, Chà Lý thở dài:
- Tại sao đằng ý lại băn khoăn quá về việc học viết làm gì? Tớ mà biết đọc là cũng đủ khoái lắm rồi. Tớ ở đây lâu hơn cậu nhiều mà tớ cũng đã biết đọc đâu! Sách vở thì nặng nề kềnh càng quá, lật được trang sách cũng còn thấy khó khăn nữa. Và rồi lúc đọc, tớ sờ nhận được mặt chữ cuối thì quên khuấy mất chữ đầu. Tớ e rằng là chả bao giờ tớ học đọc được cả!
- Còn tớ thì e rằng chả bao giờ tớ học viết được cả!
Bữa cơm chiều hai đứa lại ngồi cạnh nhau ở bàn ăn như thường lệ. Đến món súp, Lưu nghe rõ tiếng thìa súp của người bồi bàn khua leng keng vào thành bát của nó, nhưng khi nó đưa thìa súp vào miệng thì mới biết là trong bát chẳng có tí súp nào, thìa của nó vẫn khô queo. Lưu lòng đầy cay đắng thì thào với Chà Lý:
- Nó không cho tớ súp!
- Ừ, bọn nó lại ăn gian tụi mình rồi. Mình phải khiếu nại lên ông giám đốc mới được.
Nhưng Lưu không làm như Chà Lý đề nghị. Lòng đầy buồn rầu, nó quyết định đến thăm cha Tô Ma để nhờ cha viết thư hộ. Lưu được cha đón tiếp nồng hậu:
- À con đấy hả? Thế nào, con ở trường ra sao?
- Thưa cha con không được sung sướng. Người ta dạy dỗ không được khá. Họ chả có phương pháp nào để dạy chúng con viết và nhiều anh em gặp khó khăn trong việc tập đọc, như anh Chà Lý, bạn con. Anh ấy đã ở đấy còn trước con nhiều thế mà vẫn chẳng học được gì cả. Con e rằng cha nghĩ sai về trường con rồi, thưa cha. Cái gánh nặng tối tăm đó vẫn còn nặng chĩu trên vai con.
Cha Tô Ma buồn rầu hỏi Lưu:
- Thế là con không đạt được tiến bộ nào trong việc tập đọc phải không con?
- Thưa cha có chứ! Con tiến được nhiều lắm, con may mắn hơn nhiều anh em khác vì con học rất nhanh. Nhưng mà ở đây, trong cái thành phố Ba Lê này, con không thấy vui sướng chút nào. Con không dám ra đường, còn ở trong trường thì bọn bồi bếp ăn cắp. Con muốn về nhà. Con muốn nhờ cha viết hộ con một lá thư cho bố con đến đón con về, thưa cha, cha giúp con một chút được không?
Vị linh mục ngập ngừng giây lát, rồi đột ngột hỏi:
- Con có giúp bạn con không? Con có giúp Chà Lý tập đọc không? Trong lúc con hiểu mà Chà Lý thì không, con có giúp Chà Lý không?
- Xin cha đừng hỏi con như thế. Con chỉ muốn biết lả cha có sẵn lòng viết thư hộ con không?
Một lần nữa Tô Ma lại trầm ngâm, im lặng. Một lát sau, ông hỏi:
- Con cho ta biết con đã có lần nào cố tập viết chưa? Con biết đọc tức là con đã biết hết các mặt chữ rồi, con có thể nhớ và hình dung được các mặt chữ ấy trong trí con không?
Lần này đến lượt Lưu im lặng. Nó tư lự một lúc lâu đến nỗi cha Tô Ma tin chắc là ông đã làm cho thằng bé hiểu rõ ý ông muốn nói. Ông hỏi tiếp:
- Con ạ, về trường con cố nghĩ kỹ lại những điều ta vừa nói. Nếu đến sáng mai mà con vẫn giữ ý định cũ thì hãy trở lại đây, ta hứa sẽ viết hộ con lá thư như ý con muốn.
Tuy nhiên hôm sau Lưu không trở lại. Mãi đến gần hai tuần sau nó mới trở lại thăm cha Tô Ma, toàn thân như muốn run lên vì xúc động, mặt rạng rỡ với niềm vui chiến thắng. Gặp cha Tô Ma nó đưa ngay một tờ giấy gấp làm tư, trên mặt giấy là những hàng chữ như sau:
"Thưa cha Tô Ma,
Con đã giúp cho Chà Lý biết đọc, Chà Lý sướng lắm nhưng con còn sướng hơn anh ấy nữa. Con tập viết, rất khó, nhưng con đã viết được, con sẽ ở lại trường. Con không thấy tối tăm như trước nữa, con đã hiểu ý cha. Nếu những người mù không giúp đỡ lẫn nhau thì còn mong ai giúp họ nữa? Con sẽ cố tìm một phương pháp nào khác hay hơn để tập đọc và viết.
Con,
Lưu Bái"
Từ đó Lưu Bái đặc biệt quan tâm đến việc tìm tòi một phương pháp hữu hiệu để giúp cho người mù học đọc và viết. trong suốt 30 năm trường, Lưu Bái nghĩ ra được nhiều phương pháp. Phương pháp sau cùng mà ông khám phá ra và hoàn tất vào những năm ông gần qua đời (ông chết năm 1852) đến ngày nay vẫn còn được dùng trên khắp thế giới đó là phương pháp Braille. Nhờ phương pháp này, ngày nay những người khiếm thị đọc được cả nhạc nữa và học đọc cũng như viết chữ nhanh không kém bất cứ một người nào khác. (Bảng mẫu tự, số và dấu của phương pháp Braille xin xem lại Thiếu Nhi số 32, bài Helen Keller của Đặng Hoàng, trang 5).
VĂN VIỆT
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 61, ra ngày 22-10-1972)