Bước
xuống xích lô máy, trả tiền xe, ông Ba Cang xách giỏ, quảy dù, tiến lại
cửa cổng ngôi nhà trước mặt, nhận chuông. Một đứa bé từ trong chạy ra
mở cửa. Vừa nhận ra ông, nó vụt reo lên:
- Ủa, ông nội!
Và nó quay đầu gọi vọng vào nhà:
- Tụi bây ơi! Ông nội!
Lập tức, ba bốn đứa nữa, lớn có nhỏ có, túa ra reo tở mở:
- Ông nội!
- Ông nội mới lên a!
- Để con xách giỏ cho ông nội!
Tứ
quê lên tới đô thành, đường xa, bao nhiêu là mệt nhọc, nhưng giờ đây tự
nhiên như tan biến hết, ông Ba Cang cười vui trước sự đón mừng của đám
cháu. Ông vỗ đầu một đứa:
- Có ba má bây ở nhà không?
Bọn nhỏ tranh nhau trả lời:
- Dạ có!
- Ba má con ở đằng sau á!
- Ổng bả mới đi làm về, ông nội!
Ông Ba Cang theo các cháu vào đến phòng khách thì gặp vợ chồng thầy Hai Trường, con trai và con dâu của ông, bước ra mừng.
Thầy Hai Trường vui vẻ hỏi:
- Ba mới lên tới hả ba?
Ông Ba Cang gật đầu:
- Ừ. Lâu quá không được tin tức gì của hai con, ba lên thăm, xem thế nào.
Kéo ghế cho cha ngồi, thầy Hai Trường ngồi đối diện:
- Tụi con vẫn như thường ba à, bị công việc bề bộn quá nên không về thăm ba má được.
- Vậy sao hổng gởi thơ?
- Con sợ thất lạc.
-
Không đâu. Làng mình tuy xa xôi, nhưng thơ từ ở đâu gởi về cũng tới,
tuy có chậm đôi chút. Thỉnh thoảng hai con nên viết thơ gởi về cho ba má
biết tin đặng yên trí.
Cô Hai Trường đỡ lấy cây dù của ông Ba Cang đem mắc lên móc, đoạn đi làm nước giải khát mời cha chồng. Cô hỏi:
- Má con vẫn mạnh hả ba?
Ông Ba Cang đáp:
- Hôm trước bả bị cảm sơ sơ, nay thì khỏe rồi, chỉ còn rột rẹt sổ mũi.
- Để chừng ba về con gởi thuốc má uống nha ba!
Thầy Hai Trường:
- Sao má không cùng lên chơi ba?
-
Đi hết bỏ nhà cho con nhỏ ở cũng ngại. Vả lại tối ngày bả làm lặt vặt
hổng hở tay, đi đâu cho được? Chính ba đây cũng chẳng ở không, nhưng
phải tạm gác công việc ít hôm, lên thăm các con, các cháu.
Thầy Hai Trường lắc đầu:
-
Ba má sao mà cứ thích làm nầy làm kia quá! Nhứt là ba đó, không chịu bỏ
những công việc nặng nhọc! Lớn tuổi rồi, con mong ba má nghỉ ngơi tịnh
dưỡng cho khỏe.
-
Tánh ba với má con xưa nay như vậy, ở không chịu đâu được nà! Phải làm
việc mới thấy vui. Chính nhờ vậy mà từng nầy tuổi rồi, ba cũng như má
con chẳng thấy gì yếu đuối.
Thật
vậy, năm nay ông Ba Cang đã gần bảy mươi tuổi rồi, nhưng trông hãy còn
tráng kiện. Ở nhà, ông vẫn hay làm việc xốc vác: trồng trọt, đào xới đất
đai… Mặc dù nhà có ít vườn đất, có thể ở không sống dư dả được, nhưng
ông vẫn thích hoạt động, tự tay làm lấy những công việc có thể làm.
Sực nhớ tới cái giỏ mình mang lên, ông Ba Cang nói:
- À, má các con gởi cho một giỏ đồ đó: Đâu vài lít nếp, dăm ba thứ trái cây, một cặp gà…
Mấy đứa cháu nội nãy giờ vẫn đứng ngồi vây quanh ông, một đứa lên tiếng:
- Còn có một bọc kẹo chuối nữa ông nội!
Ông Ba Cang cười:
-
Vậy ra bây đã soạn coi kỹ rồi hả? Ừ, có một bọc kẹo chuối, phần đó của
ông nội. Qua ngang bến bắc Mỹ Tho, ông nội mua làm quà cho bây đó, chia
nhau đi!
Bọn trẻ reo cười:
- Hê hê! Khoái quá!
Ông Ba Cang hỏi con trai:
- Tụi nhỏ lóng rày học hành ra sao?
Thầy Hai Trường:
- Dạ, tụi nó học khá hết ba. Chỉ trừ một đứa.
- Đứa nào tệ vậy?
-
Thằng Hùng, cháu đích tôn của ba chứ ai! Nó thi vô đệ thất trường công
rớt lên rớt xuống, phải học trường tư, lại cứ làm biếng, học dở chẳng ai
bằng. Lớp năm mươi mấy học trò, ít khi nó vượt khỏi hạng năm mươi! Xem
ra nó tối dạ quá, lại thêm tật biếng nhác, rầy mắng thế nào cũng không
sửa!
Ông Ba Cang ha hả cười:
- Cái thằng thiệt!...
Vợ
chồng thầy Hai Trường có tới bảy đứa con. Hùng là đứa thứ ba, nhưng kể
về con trai thì cậu là con trưởng của hai ông bà. Năm nay cậu 14 tuổi,
học lớp đệ lục.
Thầy Hai Trường hỏi cha:
- Ba không bực về chuyện dở tệ của thằng Hùng?
- Bực gì mà bực? Nó đã vậy biết làm sao?
Thầy Hai Trường bảo vợ:
-
Ông già kỳ ghê, về vụ học hành, ổng khó với con lại dễ với cháu! Hồi
trước tui mà bỏ bê chuyện học thì phải biết, ổng cho ăn đòn nứt đít ra!
Ông Ba Cang cười:
-
Con là con của ba, ba phải lo. Còn thằng Hùng là con của con, do con
liệu lấy, nó tốt xấu thế nào thì con chịu, chứ ba lo nữa làm chi cho
mệt?
-
Ba nói phải! Con thiệt tệ quá, chẳng bằng ba chút nào! Ba đã uốn nắn
cho con nên người, còn con, với thằng Hùng, lại không sao làm được như
vậy!
-
Nói ngay, ba chỉ có một mình con nên lo cũng dễ. Còn bây giờ khác, con
cái đông, làm sao chăm sóc kỹ từng đứa được?... À, mà thằng Hùng biếng
học, nhưng có lêu lổng nhập bè nhập đảng với tụi du đãng cao bồi không?
Ba nghe nói con nít trên nầy hay có cái đó.
- Dạ, chuyện đó thì nó không dám.
- Vậy cũng tốt. Chuyện nó học dở, không hề gì đâu!
- Sao lại không hề gì ba?
- Để ba tính coi nà!...
Ngẫm nghĩ giây lát, ông Ba Cang quay hỏi Hùng, nãy giờ vẫn ngồi kế bên ông, cúi gầm đầu, mặt bí xị vì bị chê bai:
- Hùng à, con liệu học hành chữ nghĩa nuốt khó vô phải không?
Hùng làm thinh, cười gượng gạo. Ông Ba Cang lại hỏi:
- Con có muốn về quê ở với nội không? Ở với nội khỏi phải đi học.
Hùng sáng mắt:
- Dạ… sợ ba má con hổng cho!...
Hùng
vốn chuộng làng quê, thỉnh thoảng được về quê chơi, cậu đã thấy vui thú
lắm. Bây giờ nếu cậu được về ở luôn đấy, thật còn chi thích bằng? Ngoài
ra, sống gần ông nội bà nội, hẳn cậu sẽ được sung sướng. Cậu vẫn biết
hai ông bà rất thương cậu. Có thể nói là trong đám cháu nội, cậu được
hai ông bà cưng nhất. Cháu “đích tôn” mà! Ở nhà, cha mẹ câu cũng yêu
thương chăm sóc cậu nhiều đó, nhưng anh em đông, cậu có cảm tưởng như
mình bị tranh giành, chia sớt bớt, không được đầy đủ chút nào. Đã vậy,
cậu còn hay bị rầy mắng luôn về vụ học hành nữa. Chán ghê! Về ở với nội,
nội cái chuyện khỏi đi học, cậu đã thấy khoái. Tuy nhiên, như cậu nói,
biết cha mẹ cậu có chấp thuận điều ấy hay không?
Quả đúng như Hùng Lo, thầy Hai Trường nhăn mặt nói với cha:
- Không được đâu ba ơi! Ba cho nó về quê ở, bỏ học, rồi lớn lên nó làm cái nghề ngỗng gì?
Ông Ba Cang:
- Vậy chứ ở trên nầy nó không chịu học, rồi tự nhiên nữa lớn nó nên hả? Cứ giao nó cho ba, ba liệu sao được thôi.
Cô Hai Trường xen vào:
-
Thôi, chuyện đó để rồi tính lại. Bây giờ thưa ba đi thay đồ, tắm rửa,
nghỉ ngơi cho khỏe rồi dùng cơm. Bữa nay mời ba thử thưởng thức cơm do
con Hạnh, cháu nội lớn của ba nó nấu.
Ông Ba Cang vuốt râu cười to:
- Cha! Cô Hạnh nấu cơm thì khỏi chê rồi! Cơm nấu lớp trên sống, lớp giữa nhão, lớp dưới khê đó phải không Hạnh?
*
Quới Sơn, ngày 15 tháng 3 năm 1950
Kính thưa ba má,
Con
về quê ở với ông nội bà nội lụi hụi đã ngót tháng. Bữa nay con viết thơ
nầy gởi về thăm ba má và kể chuyện con ở dưới quê cho ba má nghe.
Thưa
ba má, lóng này chắc ba má vẫn mạnh? Chị Hạnh, chị Thảo với mấy em con
vẫn như thường? Từ lúc con đi rồi, nhà có chuyện chi lạ không ba má?
Hổng có con, trong nhà thấy có thiếu vắng chút chi chăng? Điều con biết
chắc là ba má khỏi còn mỏi miệng rầy la hoài hoài vì sự phá phách, lỗi
lầm của thằng con hư tệ nầy nữa. Nghĩ lại con thấy mình cũng kỳ ghê! Hồi
nào tới giờ con sống dưới sự nuôi nấng đùm bọc của ba má, vui vầy cùng
các chị các em, nay khi không ưng chịu về ở luôn với nội hà! Ba má, các
chị các em có cho con là hổng tốt không? Mọi người có phiền trách, giận
ghét con lắm không? Sự thiệt con vui vẻ theo ông nội không phải vì hổng
biết thương ba má, các chị
các em mình. Cũng không phải con muốn trốn tránh việc học tập đâu. Con
nhận thấy như vầy nè: Nếu mình đi khỏi thì ba má được rảnh trí phần nào,
các chị các em mình sẽ được nhường lại tất cả những gì mà ba má vẫn
dành cho mình thường khi. Bởi vậy, con không do dự nhận lời ông nội biểu
liền đó! Xin ba má hiểu cho con mà tha lỗi và đừng có hổng thương con
nữa tội nghiệp! Xin chị Hạnh, chị Thảo, mấy em thông cảm giùm Hùng!
Ba
má ơi, về đây con thấy khỏe lắm! Con không phải lo việc gì. Ông nội bà
nội không biểu con làm công chuyện chi hết, thỉnh thoảng chỉ sai vặt
chút đỉnh thôi. Con đi chơi thả cửa. Con làm quen được nhiều đứa bạn
mới. Tụi nó giúp con tìm được rất nhiều thú vui.
Ở
vườn thiệt mát mẻ vô cùng. Cây ở trên đầu, cây ở dưới chân, cây ở quanh
mình, xúm nhau che ánh nắng. Con nghĩ rằng, miệt nầy là giang sơn của
cây cỏ, con người ít xịt, chỉ ở đậu chúng thôi.
Cây
ăn trái ở đây không thiếu gì, vườn của ông nội thì ít, chỉ có dừa,
chuối, chứ vườn của tụi bạn con cả đống đi! Tụi nó rủ con lại nhà tụi nó
chơi, đãi trái cây cho ăn đã thèm.
Muốn
giải khát thì uống nước dừa xiêm. Tụi bạn con thằng nào leo dừa cũng
cừ. Muốn leo lên ngọn dừa bẻ trái, tụi nó thắt một cái vòng bằng dây
chuối, mắc vô hai bàn chân, bám vô thân dừa leo lên rất mau, rất dễ
dàng. Tụi nó bẻ ăn mỗi lần không chỉ một hai trái mà cả quài lận. Dừa
xiêm thiệt trái nhỏ, cơm mỏng, nhưng nước ngọt ghê. Dừa xiêm lai không
bằng được. Dừa ta thì trái bự cồ, cơm dầy , mà nước lạt, hơi the the,
kẹt lắm tụi con mới bẻ xực.
Muốn
ăn trái ngọt thì có mãng cầu ta, mít… Con khoái nhất là mít. Cây mít có
trái đeo từng chùm quanh thân, trông như mang bị. Lúc chín, trái mít
bay mùi thơm phức, đi xa đã ngửi thấy. Hái xuống xẻ ra, bên trong trái
mít múi chen với xơ, no mướt, vàng tươi, trông dễ thèm. Mít ngon ăn ngọt
lịm, xực hết múi, con còn chưa đã, lựa quất luôn mấy cái xơ cái. Mít
thường phải ăn với muối gừng mới đúng điệu. Mít ăn rồi còn hột, đem nấu
ăn bùi bùi, cũng không kém ngon.
Muốn
ăn trái chua thì bưởi, ổi, cóc… không thiếu đó. Tụi con ưa làm muối ớt,
hay kiếm mắm ruốc, đem ra vườn, thót lên cây hái trái xuống, xúm ăn tại
gốc. Thích lắm, vui lắm, ba má ơi!
Nhiều
khi muốn đổi món lạ, tụi bạn kêu con ra bờ sông, hoặc đi dọc theo mé
rạch tìm bần, dừa nước. Bần chua lè, dừa nước lạt nhách, hai thứ nầy
hổng mấy ngon, nhưng nhờ vui, tụi con hổng từ, kiếm được bao nhiêu chia
nhau ăn sạch bách hết trọi!
À,
con còn quên một món ăn đặc biệt nữa, đó là tổ ong ruồi. Thường thường
ong đóng tổ ở trên tàu dừa cao. Nhưng có khi chúng cũng đóng ở trong bụi
rậm dưới thấp. Có lần con theo một thằng bạn lấy tổ ong trong một bụi
cây. Nó lượm vỏ dừa khô đốt lên, un khói mù mịt, kê ngay tổ ong. Ong say
khói rớt hết, nó dùng dao cắt lấy tổ một cách dễ dàng. Con đứng gần coi
nó làm, ai dè bị mấy con ong tỉnh khói bay “đánh”, chạy muốn chết luôn!
Còn
rất nhiều món quà quê ngon lành nữa, nhưng thôi, con không kể ra hết
làm chi, sợ chị Hạnh, chị Thảo, mấy em con đọc thấy, thèm le lưỡi tội
nghiệp!
Thơ
đã khá dài, tuy con còn muốn viết nữa, nhưng nắn nót nãy giờ đã mỏi tay
lắm. Vậy con xin dừng bút nơi đây và hẹn thơ sau kể tiếp.
Kính chúc ba má, các chị các em vui mạnh.
Kính thơ, HÙNG
T.B.
– Ba má đọc thơ con viết thấy thế nào? Khá khiển hôn? Con không ngờ
mình viết thơ được dài như vậy. Viết xong đọc lại, con thầm phục mình
lắm. Ba má hổng biết chứ con tuy học dở, nhưng riêng về môn luận cũng
thuộc vào hạng khá trong lớp. Luận của con thầy thường khen có nhiều ý,
tuy lời văn không được trau chuốt. Trong các môn học, con thích môn luận
nhất. Phải chi chương trình học chỉ có môn luận không thôi thì con
không ngán chút nào! Luận văn nghĩ sao cứ viết ra như vậy, có khó chi?
Mấy môn khác thì cần trí nhớ, trí suy nghĩ, rắc rối quá cỡ thợ mộc!
*
Quới Sơn, ngày 28 tháng 4 năm 1950
Ba má thương kính,
Hôm
trước con có gởi về nhà một lá thơ, hổng biết ba má có nhận được không
mà chẳng thấy trả lời? Hôm nay con viết thêm thơ nầy kể tiếp vài thú vui
ở nhà quê, về đây con được hưởng.
Trước
hết để con nói về chuyện chim chóc nha! Cây cối ở vườn qui tụ chim chóc
đủ các loại, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Từ sáng tới chiều, bất
cứ lúc nào cũng thấy chúng bay lượn, nhảy chuyền trên cành cây, đậu trên
nóc nhà, bay lên đáp xuống đất. Mỗi thứ chim một giọng, chúng kêu hót
vang rân. Tiếng hót của muôn chim, nếu để ý, nghe cũng ồn ào lắm. Nhưng
đó đều là những âm thanh êm tai, nên dễ làm người ta quên lửng, tưởng
như không có, và không khí thôn quê tựa hồ yên tĩnh hoàn toàn.
Có
mấy con cu đất gáy “cúc cu” suốt buổi. Con nầy ở đầu nầy gáy, con kia ở
đầu kia nghe tiếng tức khí cũng gáy vang lên. Không biết chúng thách
thức hay chửi mắng nhau cái quái gì, mà càng gáy chúng càng tức giận,
xáp lại gần, đá nhau phành phạch trong chòm lá.
Có mấy con trao trảo kêu dòn như tiếng cười vui. Trái cây chín ở đâu là có chúng ở đó hà!
Sáo,
cưỡng thường bay cả bầy, ca hót líu lo. Có một cặp sáo đóng tổ trên
ngọn dừa lão phía trước nhà nội. Con bắt gặp hằng ngày chúng tha rơm rác
về đấy. Con cho tụi bạn con biết. Tụi nó bảo cứ để yên, đợi có sáo con
trọng trọng rồi leo lên bắt nuôi, lột lưỡi, dạy biết nói. Chiều nào con
cũng ra rình xem cặp sáo làm việc. Con nghĩ đến mấy con sáo mai kia mốt
nọ con sẽ có để nuôi. Con sẽ dạy chúng kêu “ba ba, má má” như con nít
vậy. Con sẽ gởi tặng các em con một con, chắc tụi nó mừng hết lớn!
Kẻ
thù của gà vịt là diều, ó, quạ… Quạ nhiều nhất, con nào con nấy đen
thui, xấu xí như “ma lem”. Chúng cứ lượn quanh nhà, rình rập bắt gà con
vịt con. Lũ gà vịt cũng khôn ngoan lắm, nhất là gà. Có một lần con thấy
một con quạ sà xuống gần một bầy gà con. Con gà mẹ ré lên mấy tiếng báo
động. Lập tức lũ gà con phóng vô mấy đống rác nằm im thin thít. Nhưng
con quạ tinh mắt không tha, đâm bổ xuống xớt một chú gà con nằm ngay chỗ
trống. Con gà mẹ kinh hoảng quát lên, nhào lại đá “tên mọi chim” tưng
bừng. Bấy giờ, con cũng vội chạy ra tiếp cứu mẹ con nó.
Chim
chóc nhảy múa ca hót suốt ngày, xem ra rất vui vẻ vô tư. Nhưng sự thiệt
lúc nào chúng cũng nơm nớp lo sợ, bởi những tai họa bất tử do con người
gây cho chúng. Mối kinh mang lớn nhất cho chúng là bọn nhỏ tụi con nè.
Hết mang ná thung lùng bắn chim, tụi con lại rủ nhau “gác chim”, bắt
sống. Tụi con kiếm mủ mít, nấu lại thành một chất keo rất dính, thoa lên
đầu một nhánh cây, đem cắm ở chỗ có nhiều chim nhất. Chỗ đầu nhánh cây
có thoa keo, tụi con cột một con chim mồi. Con chim mồi “chít chét” kêu
cứu om sòm, chim ở xung quanh bu lại “hỏi han”, và bị dính chân vào mủ
mít, như ruồi mắc vào lưới nhện, vùng vẫy cách mấy cũng khó thoát. Tụi
con núp ở gần đó, liền chạy ra
bắt, khoái chí vô cùng!
Bắt
chim chán, tụi con lại bày đặt đi đổ dế. Trong vườn có những con dế
giồng lớn bằng ngón tay cái, đào hang ở sâu dưới đất. Tụi bạn con la,
bắt chúng dồn đậu phọng vào bụng, chiên ăn rất ngon. Con chưa thưởng
thức qua món ấy, nhưng nghĩ ăn gì mà ớn quá vậy, con không dám rớ đâu!
Con theo tụi bạn bắt dế chỉ để đá lộn chơi thôi. Dế giồng bắt dễ ợt, cứ
tìm hang chúng, múc nước đổ xuống. Bị ngộp chúng chui lên, tụi con chộp
đầu liền. Có kỳ, tụi con gặp một hang dế to, đoán chắc con dế ở bên dưới
phải lớn lắm. Mừng rỡ, tụi con múc nước đổ, và bu quanh chờ. Chỉ một
lúc sau, từ dưới hang, một cái đầu ló lên “trình diện”. Thay vì chụp
bắt, mạnh
đứa nào đứa nấy co giò chạy, hết vía hết hồn: Không phải đầu dế mà đầu
con rắn!
À,
xa xa, phía sau vườn nội là con sông Tiền Giang. Sông lớn ghê hén ba
má! Nếu không có những cù lao nổi lên ở giữa sông, chắc sông trông rộng
lắm, bờ bên nầy nhìn bờ bên kia mút mắt chứ phải chơi sao!
Có
lúc sông như nổi giận, dậy sóng nhấp nhô. Sóng xô giữa dòng, sóng vỗ
vào bờ, rào rạt. Ghe xuồng xuôi ngược, chiếc nào trông cũng thiệt khẵm,
trồi lên hụp xuống theo từng đợt sóng, như cứ chực chìm, thấy sợ ghê! Có
lúc sông cũng trôi chảy hiền lành, sóng chỉ gợn nhẹ, đưa những dề lục
bình nở hoa tím, dật dờ trôi mãi về phương nào không biết. Nước sông khi
thì đục ngầu phù sa, khi cũng khá trong, buổi trưa lấp lánh dưới ánh
nắng chói lọi, buổi chiều nhuộm bóng hoàng hôn lạnh lẽo, u buồn. Gió
sông lộng thổi hoài hoài, xao xác lùa qua mấy rặng bần xanh, thiệt mát
mẻ.
Chiều
chiều tụi bạn con hay kéo nhau ra mé sông tắm, bơi lội, đùa giỡn với
sóng nước. Tụi nó đứa nào cũng lội giỏi như rái vậy. Con không biết lội
nên chỉ dám lặn hụp ở trong rạch nhỏ chạy ngang qua nhà thôi, và luôn
luôn phải có bẹ dừa nước kẹp bên mình. Sau, tụi bạn con dạy con lội. Con
tập hổng bao lâu cũng biết lội chập chũm, mừng hết sức! Ngoài ra, con
còn được tụi bạn chỉ cách bơi xuồng nữa. Hồi không biết bơi thì thấy
khó, loay hoay cứ làm mũi xuồng đâm bậy bạ, chừng biết rành rồi thì thấy
dễ còn hơn đi xe đạp nữa đa!
Dưới
sông rạch, ao đầm, tôm cá rất nhiều. Buồn buồn con hay xách cần câu ra
vườn câu cá bống dừa, với cục mồi to tướng bằng trùng luồn, không có
lưỡi câu. Nước lớn thì con ra bờ rạch câu cá lòng tong, với mồi bằng cơm
nguội trộn cám và lưỡi câu bằng cây kim gút uốn cong. Tụi bạn con lại
rủ con sắm cần câu cắm, tối đến bơi xuồng đi cắm dọc theo bờ sông rồi
còn làm “nò”, làm “đó” nhỏ bắt cá nữa. Tụi con chỉ làm với ý vui chơi,
nhưng lắm lúc cũng được nhiều tôm cá, có con rất bự. Mỗi lần như vậy,
tụi con reo hò, thích thú ghê nơi!
Vừa
viết đến đây tụi bạn con lại đến rủ đi chơi, con xin tạm chấm dứt. Con
không thể bỏ những dịp đi chơi cùng tụi bạn, vì thường thường tụi nó bận
luôn: Đứa giữ em, đứa phụ ba má làm lụng ngoài vườn… Những khi rỗi rảnh
cho tụi nó cùng con rong chơi như bây giờ không phải là lúc nào cũng
có, nên đã có dịp thì bỏ qua cũng uổng lắm.
Nhận được thơ con, xin ba má trả lời con mừng nghen ba má!
Kính thơ,
Hùng
*
Quới Sơn, ngày 25 tháng 5 năm 1950
Kính thưa má,
Con
vừa nhận được thơ của má. Trong thơ má rầy con sao cứ thấy kể chuyện ăn
chơi suốt ngày hà! Vậy chứ má biểu con làm gì khác hơn? Ông nội bà nội
hổng sai con giúp việc chi hết. Nếu tối ngày cứ bắt con ngồi ở không
trong nhà hoài, thiệt buồn chán thấy mồ đi! Bởi vậy con phải đi chơi,
theo tụi bạn tìm thú vui đó chứ! Má đừng lo, các trò chơi của bọn trẻ
dưới quê rất lành mạnh, không làm cho con lậm thói xấu, sinh hư đốn đâu.
Tụi bạn con đứa nào cũng ngay thật hiền lành, chơi với tụi nó có chi
tai hại?
Nhưng
thưa má, đó là nói chuyện lúc trước kìa, chứ bây giờ thì khác rồi má
ơi! Gần đây con đã có công việc làm, không phải “ăn không ngồi rồi”, vô
tích sự nữa. Má biết con làm những gì chăng?
Trước hết là việc con phụ giúp ông nội bà nội trong các kỳ vườn dừa tới lứa, có trái khô giựt xuống bán.
Giựt
dừa vui lắm má! Má không có ở vườn nên không biết, chứ ba thì chắc rất
rành. Người ta giựt trái dừa trên ngọn xuống bằng mấy cây sáo dài, đầu
có lưỡi câu liêm rất bén. Cây sào rất nặng, quặt quà quặt quại, dễ ngã,
phải “nghề” lắm mới sử dụng được. Nội cái làm thế nào đưa lưỡi sào vào
ngay buồng dừa nằm khuất trong các bẹ lá đã khó. Dừa giựt xuống văng tứ
tung, phải có người lượm gom lại từng đống nhỏ, dọc theo các bờ dừa. Một
hai người lãnh gánh dừa đó đem đổ dồn thành đống lớn, cho người lột dừa
lột vỏ. Người ta lột vỏ dừa bằng cây nầm to, một đầu cắm xuống đất, một
đầu có mũi nhọn bịt sắt sáng trưng, sắc bén, chĩa thẳng
lên trời. Dừa lột xong được đập bổ đôi, nước dừa có người xin đem về
nấu nước màu. Chủ lò dừa nhận mua dừa đếm dừa đã đập, cho người gánh về
lò ngay lúc đó. Dừa bán tính giá theo từng “trăm”, chủ vườn và chủ lò
dừa đã thương lượng trước. Mỗi “trăm” dừa có 120 trái.
Mọi
người rộn ràng làm việc. Tiếng cười nói, tiếng dừa rụng lịch bịch,
tiếng đập lốp bốp… rộn rã vui tai. Chim chóc, sóc chuột phải một bữa
kinh hoàng!
Nãy
giờ con chưa nói tới công việc của con. Phần con lãnh lượm dừa sót.
Người ta gánh đám dừa gom trên các bờ đất xong hết, con phải đi qua sau
một lượt, lùng kiếm mấy trái do người lượm hay người gánh làm bỏ sót
lại. Dừa lượm bằng cây chĩa dài, cán tầm vông, mũi sắt. Cây chĩa còn
dùng để chống nhảy mương. Mấy người lượm dừa ở đây chống chĩa nhảy mương
rất tài. Con bắt chước, bị té lấm lem. Lúc rảnh việc, con lại chỗ người
ta đập dừa, xin dừa “trăn ăn”, hoặc mấy cái mộng to, ăn đã thèm. Trái
dừa “trăn ăn” là trái dừa gần như hư, nước ít, cơm lồi lõm không đều,
nhưng ăn rất ngọt, như có trộn đường vậy.
Đó
là công việc mỗi tháng chỉ có một lần thôi. Mấy bữa nay ông nội còn bắt
con phụ một công việc lâu dài khác, không biết chừng nào mới xong đó
má!
Số
là mé bãi phía sau nhà nội, sông bồi đất phù sa ra thêm được rất xa.
Phần đất ấy đến nay coi bộ đã cao và chắc. Ông nội mướn người xẻ mương,
đắp bờ, nhưng chưa trồng trọt chi hết, còn để cỏ mọc um tùm. Một chiều,
ông nội dẫn con ra đấy thăm. Ông nội nói:
- Mai mốt ông cháu mình sẽ dọn miếng đất nầy lập vườn. Công chuyện có thành hay không, cũng trông cậy vào con hết đó!
Con
cười, tưởng ông nội nói đùa. Ai dè mới đây, ông nội lại làm thiệt, mỗi
ngày bắt con phải theo ra đấy làm cỏ, dọn gai góc. Ông nội không biểu
con làm nhiều, mệt thì cứ ngồi nghỉ, nhưng không cho bỏ đi chơi đâu. Kỳ
thấy mồ!
Đó,
con đã làm việc như vậy đó, má bằng lòng hay chưa? Sau mấy bữa qua dang
nắng chặt cây nhổ cỏ, mình mẩy tay chân con rêm hết rồi nè! Bắt đền má
đó!
Con của má,
Hùng
*
Quới Sơn, ngày 20 tháng 7 năm 1950
Nhận
được thơ nầy, xin ba má xuống rước con về Sàigòn liền thôi! Con không
chịu được nữa. Ông nội hành hạ con quá xá rồi đó! Ở đây thêm vài tháng
nữa chắc con chết mất!
Trong
lá thơ con gởi cho má vào hai tháng trước, con có nói chuyện ông nội
bắt con sửa soạn miếng đất mới phía sau nhà. Đó rồi, mới làm đâu được
vài ngày, con ngã bệnh, phải nghỉ. Bà nội rước thầy coi mạch, hốt thuốc
Bắc cho con uống. Hồi nào tới giờ hễ bịnh, ba má cứ cho con uống thuốc
Tây, chứ đâu có dùng thuốc Bắc. Bây giờ nếm qua thuốc Bắc, con ngán
ngược. Thuốc đen quánh, vừa đắng vừa hôi, mỗi một lần con phải uống cả
chén đầy. Hớp vô một hớp thuốc con đã muốn phun ra, nhưng cũng rán uống.
Thuốc coi vậy mà hay, nó đẩy lui cơn bịnh của con một cách nhanh chóng.
Mạnh
trở lại, con tưởng ông nội không nỡ bắt con làm lụng nữa. Ai dè ổng chỉ
cho con nghỉ dưỡng sức vài bữa, rồi lại ra lệnh cho con tiếp tục công
việc đã giao. Con nói con còn yếu lắm, năn nỉ xin được nghỉ thêm ít lâu,
ông nội vẫn gạt ngang, không thương xót. Ba má nghĩ coi, cả một khu đất
rộng, cây hoang cỏ dại mọc trạc hà, ông nội chỉ mướn thêm một người
phát dọn phụ một ít, còn bao nhiêu thì con với ổng phải dọn cho sạch,
con liệu con làm sao cho nổi? Nhưng không nổi bắt buộc phải nổi, ông nội
biểu vậy! Càng lúc ổng càng gắt gao với con. Con phải làm việc ngày nầy
qua ngày khác. Khi nào làm, con phải làm miết, không được ngừng tay,
khi nào ổng cho nghỉ, mới
được nghỉ. Trái lời con bị ổng la ó rầy mắng chịu hổng nổi thôi!
Dọn
sạch miếng đất xong, ông nội lại bắt con bang sửa lại các bờ đất cho
bằng phẳng, rồi đem trồng các loại cây ăn trái lên. Nào mãng cầu, sầu
riêng, mít, xoài… đủ thứ hết. Loại nào cũng trồng bằng hột ươm lên cây,
chứ không trồng cây chiết hay tháp. Ông nội nói, trồng như vậy lâu có
ăn, nhưng cây lâu cỗi.
Xong
chuyện đó, đâu phải là hết việc, hằng ngày con còn phải chăm sóc, bón
phân, vun gốc, tưới nước hoài hoài. Cây nào yếu, chết, phải thay ngay.
Không
chỉ lo lập miếng vườn mới không thôi, ông nội còn ra lệnh cho con phải
bồi đắp lại khu vườn dừa đã có từ lâu nữa. Ổng sai con đem dừa con trồng
cạnh mấy gốc dừa lão. Ổng định đợi cho dừa con lớn mạnh, sẽ đốn dừa lão
đi. Làm như vậy cho khu vườn tránh được sự cằn cỗi.
Ngoài
chuyện làm vườn, ông nội còn bắt con đóng lại chuồng heo, cất thêm
chuồng gà, mua thêm heo gà vịt ngỗng cho con phụ nuôi với bà nội. Thiệt
là đủ công việc cho ông nội sai khiến con! Ông nội làm như con là nhân
công của ổng không bằng! Ba má coi có khổ cho con không?
Bà
nội thương con cực nhọc thường nói với ông nội nương tay giùm, nhưng
ổng đâu có đếm xỉa. Lắm lúc con muốn bỏ việc, cãi lại ổng. Nhưng phần nể
nang, phần trông tướng tá điệu bộ của ổng quá dữ dằn, con không dám hó
hé. Con không ngờ ông nội lại xử tệ với con đến như vậy!
Con
hiểu rồi ba má ơi! Ông nội kêu con về quê ở chung, đâu phải vì thương
yêu, muốn có con gần gũi hủ hỉ. Ổng hà tiện, bắt con về làm lụng cho
ổng, đỡ mướn người giúp việc tốn tiền đó mà! Hồi trước con thương kính
ông nội bao nhiêu bây giờ con ghét ổng bấy nhiêu! Nói ra không khỏi bị
má rầy, nhưng thiệt tình lòng con thấy như vậy, con không giấu giếm.
Làm
lụng cực nhọc, tự nhiên con thấy con có lỗi nặng với ba má. Hồi ở nhà
ba má có sai con một việc nhỏ, con cũng vùng vằng không muốn làm, sanh
nạnh chị em. Bây giờ thì cho biết chừng!...
Con
cũng tiếc hồi đi học quá! Đi học sướng biết bao! Ngày lại ngày chỉ có
ăn rồi lo chuyện sách vở, không phải làm gì cực thân. Vậy mà con lại
không chịu học, mới điên chứ! Ba má cho con trở về Saigon , con sẽ đi
học lại, con hứa chăm chỉ cố gắng hết mình!
Ba
má xuống rước con về liền nghen ba má! Con có thể trốn đi được đó,
nhưng sợ ông nội nói với ba má từ con luôn thì chết. Con biết ba má vẫn
hay vâng lời ông nội mà!
Gởi thơ nầy đi, con trông ba má từng phút từng giờ. Ba má thương con xin xuống gấp!
Con dại,
HÙNG
*
Từ
Sàigòn đi xe lửa xuống Mỹ Tho, qua bến bắc Rạch Miễu, hai cha con thầy
Hai Trường bao xe lôi tới Quới Sơn. Thứ xe nầy gọi là xe lôi thật đúng.
Nó là chiếc xe gắn máy, lôi phía sau một cái thùng có hai bánh dùng làm
chỗ hành khách ngồi. Người ở đây còn gọi đùa là xe tàu mo, cũng chẳng
mấy sai. Nó tương tự như cái mo cau, con nít ở vườn hay lấy chơi trò xe
kéo. Một đứa lo ngồi lên tấm mo, một đứa nắm cuống mo kéo chạy.
Đường
về làng trải đá mấp mô, xe chạy dằn xóc dữ, như cứ chực tung hành khách
xuống. Tiếng máy nổ, tiếng thùng xe khua lèn xèn thật inh tai. Bụi lốc
phía sau mù mịt.
Xe
băng qua vùng đồng trống, trời nắng chang chang, gió thổi hiu hiu không
đủ xua nóng bức. Từ bác phu xe cho đến hành khách, mặt nhăn lại dưới
ánh nắng chói lọi, mồ hôi chảy dài.
Xe
rẽ vào vườn, mọi người mới thấy dễ chịu. Con đường được cây cối tranh
nhau gie tàng che bóng mát. Mặt trời khuất sau ngàn lá, ánh nắng như
được lọc bớt, dịu đi nhiều.
Dũng,
đứa con thứ tư của thầy Hai Trường, nãy giờ ngồi im, mày cau, mắt híp,
giờ mới thấy khoan khoái, chỉ trỏ hai bên đường không ngớt hỏi cha nầy
nọ. Đây không phải là lần đầu được về quê, nó không lạ gì cảnh trí đang
tuần tự diễn ra trước mắt. Nhưng tánh con nít nó hay thắc mắc hỏi han.
Phần
thầy Hai Trường lại càng quen quá với cảnh vật nơi nầy. Lúc nhỏ thầy
sống ở làng với cha mẹ. Sau thầy lên Sàigòn học, đi làm, rồi lập gia
đình ở luôn trên ấy. Thầy đã biến thành dân thành phố lâu rồi, nhưng có
bao giờ quên được làng quê? Cảnh trí ở đây, thầy xem có cái gì thân
thiết lắm, mỗi lần trở về gặp lại, thầy vui thích nhiều. Ngồi trên xe
ngắm nhà cửa vườn tược chạy dài hai bên, thầy nhớ chuyện hồi nhỏ, trong
lòng chợt nghe sống lại cái thuở còn là một chú bé quê, quanh quẩn trong
vùng vườn tược ruộng đồng vui tươi như con chim sáo. Thấm thoát mà thầy
đã trọng tuổi, thay đổi nhiều. Trong khi đó, cảnh quê vẫn vậy, tươi mát
nên thơ! Con người so
với thiên nhiên, thật không ra đám ôn gì! Ngẫm nghĩ, tự nhiên thầy cảm
thấy bâng khuâng, mừng mừng, tiếc tiếc thế nào ấy!
Về
thăm quê, thầy Hai Trường còn nghe lòng vui rộn, vì được gặp cha mẹ
thầy, cùng vui vầy sống lại vài ngày dưới mái nhà cũ kỹ thân yêu, đã
chứa chấp biết bao kỷ niệm. Từ khi khôn lớn, bận việc làm ăn, bận chuyện
gia đình, ít khi thầy được về thăm cha mẹ, lắm lúc nghĩ lại thầy không
khỏi buồn. Hồi còn trẻ, thầy vẫn toan tính rằng, nữa sau làm nên sẽ ra
công báo hiếu, đền đáp phần nào công lao dưỡng dục của cha mẹ mới nghe.
Nhưng lớn lên, lập gia đình thầy phải lo cho vợ cho con, có giúp đỡ được
hai ông bà chút chi nào? Tuy hai ông bà không cần sự giúp đỡ của thầy
cũng sống dư dả, nhưng thầy thấy mình chẳng tạo được chi cho cha mẹ thì
cũng khó vui. Nhưng biết
làm sao hơn bây giờ? Thôi thì ở Sàigòn lâu lâu có món ngon vật lạ nhớ
gởi xuống hai ông bà, lúc nào rỗi rảnh thầy rán về thăm nom vậy!
Nhưng
lần về quê hôm nay, thầy Hai Trường không phải đi với ý định thăm viếng
cha mẹ chi đâu. Được thơ của thằng Hùng gởi lên than van, nói bị ông
nội hành thân quá, thầy nóng ruột xuống xem sao, xin rước nó trở về
Sàigòn đấy. Thầy không biết thằng con của mình có nói thêm nói bớt chi
không. Lẽ nào ông già lại hành hạ đứa cháu đích tôn cho đành?
Xe
tới chợ Quới Sơn, ngừng lại bên nhà lồng chợ. Nhà lồng lợp lá, đổ nát
nhiều nơi, mặc tình cho ánh sáng xuyên qua, rơi rớt xuống nền. Mấy cây
cột chống làm bằng thân dừa, xiêu vẹo. Bấy giờ chưa mấy trưa, nhưng chợ
đã tan mất đất. Xung quanh, nhà cửa hàng quán lèo tèo. Cảnh nghèo nàn
buồn vắng làm sao! Tuy nhiên, trong vẻ nghèo, vẻ buồn đó, lại có nét
đẹp, nét nên thơ riêng của nó.
Xuống
xe, hai cha con thầy Hai Trường phải đi sâu vô vườn một đỗi nữa mới tới
nhà. Qua mấy cây cầu dừa bắc ngang rạch, thầy phải cõng thằng Dũng, chứ
nó sợ cuống chân đi không được. Thằng thiệt tệ! Hồi nhỏ thầy có xem mấy
cây cầu nầy ra gì? Muốn qua cầu, thầy chạy te te chứ đừng nói thủng
thẳng bước. Nhưng nghĩ cho cùng, con thầy nó dở chuyện đó, thì bù lại,
nó biết rất nhiều chuyện khác ở châu thành, mà hồi nhỏ thầy dốt đặc.
Qua
ngang một khu vườn, thầy Hai Trường nghe có tiếng gọi. Thầy quay nhìn
vào: Chú Tư Men, bạn học của thầy hồi nhỏ, đang lom khom phát cỏ. Hai
người mừng rỡ chào hỏi lăng xăng. Chú Tư Men trỏ Dũng:
- Con của anh đây hả?
Thầy Hai Trường gật đầu:
- Đứa thứ tư của tui đó đa!
- Cha, coi bộ nó giống anh quá! Còn thằng gì ở với bác Ba đó?
- Thằng Hùng, con thứ ba của tui, anh có gặp nó hả?
-
Gặp hoài hà. Cái thằng y hệt anh hồi nhỏ, hiền hậu dễ thương lắm! À, mà
sao anh không để nó trên Sàigòn ăn học, lại đưa về quê làm chi cho ông
nội nó bắt làm khờ đầu vậy?
- Sao? Bộ ba tui bắt nó làm dữ lắm à?
- Vậy chứ gì? Ổng bắt nó trồng trọt nầy kia tối ngày đi! Nó là dân châu thành, bắt nó làm vậy thấy cũng tội nghiệp!
Kiếu
bạn, thầy Hai Trường dẫn con tiếp tục đi. Thầy nghĩ tới lời chú Tư Men.
Theo đó thì thằng Hùng nói không sai, ông nội nó bắt nó làm lụng nhiều
thật. Sao kỳ vậy cà? Vậy mà ổng nói là ổng cưng nó lắm. Tại “già sanh
tật, đất sanh cỏ”, ổng thay đổi tâm tánh đó chăng?
Cổng
vào nhà ông Ba Cang hiện ra sau một ngõ ngoặc, hai cha con thầy Hai
Trường rẽ vào. Theo lối đi quen thuộc, hai bên trồng lan đỏ, thầy Hai
Trường và cậu con tiến vào ngôi nhà ngói ba gian quen thuộc, nóc đã rêu
phong, vôi tường đã nhạt, cất đâu đã lâu lắm rồi. Một con chó mực xô ra
sủa. Bà Ba Cang trong nhà bước ra, reo lên:
- Ủa, Hai! Mới về hả con?
Thầy Hai Trường cười vui:
- Dạ, thì má cũng thấy đó, con mới vừa đặt chân lên thềm đây!
Dũng chạy lại ôm bà:
- Bà nội!...
Bà Ba Cang cúi hôn lên tóc cháu:
- Mẹt ơi! Hôi khét nắng quá! Tối ngày ở trển cứ chạy rong ngoài nắng chứ gì?
Thầy Hai Trường hỏi:
- Ba con đâu rồi má?
- Ổng với thằng Hùng cuốc xới gì ở sau vườn á, để má kêu.
Nói đoạn, bà Ba Cang bước ra sau hè, gọi lớn:
- Ông ơi, có thằng Hai nó về nè!
Đang
lui cui làm, ông Ba Cang ngưng tay. Phần Hùng, vừa nghe rõ, quẳng cuốc,
vụt chạy vào nhà. Cậu mừng vô kể. Cha cậu đã xuống tới, vậy là nay mai
cậu sẽ được trở về Sàigòn, rời bỏ những công việc nặng nhọc cậu bắt buộc
phải làm mấy tháng nay.
Nắm lấy tay cha, cặp cổ em, Hùng tức tưởi kêu:
- Ba!... Dũng!...
Nước
mắt cậu bỗng tràn ra ràn rụa. Làm lụng cực nhọc bấy lâu, buồn tức cậu
không biết than vãn với ai. Nay đã có người cho cậu làm nũng, tự nhiên
bao nhiêu buồn tủi dâng lên đầy nghẹn. Cậu không nói gì với cha, nhưng
những giọt nước mắt đã nói nhiều, bày tỏ tất cả nỗi lòng ấm ức của cậu.
Ông Ba Cang thủng thẳng vào sau. Ông cười tươi hỏi thầy Hai Trường;
- Về chơi hay có chuyện gì không con?
- Dạ… con…
Thầy
muốn ngỏ ý định rước Hùng về Sàigòn nhưng sao lại thấy ngượng ngập quá!
Thầy cho đó là một điều lỗi, như một sự gián tiếp chê trách cha không
nuôi con mình đàng hoàng. Thế nên, thầy không biết nói sao cho phải.
Ông Ba Cang như đoán biết ý thầy, ông nói:
- Có phải thằng Hùng nó viết thơ than với con, ở dưới nầy cực khổ, đòi con xuống rước nó trở về trển đây không?
Ông cau mày tiếp:
-
Con hơi đâu nghe lời nó. Con đã giao nó cho ba thì để mặc ba, đừng có
lo gì hết! Ba có làm hại nó bao giờ? Con coi kìa, có phải bây giờ trông
nó khác hồi còn ở Sàigòn không?
Thầy
Hai Trường quay nhìn con. Quả nhiên, thầy thấy nó đen đi nhiều, nhưng
có vẻ rắn rỏi mạnh khỏe lắm, không chê vào đâu được. Tuy nhiên, thầy
nói:
- Con định đưa nó trở về Sàigòn, vì nó muốn đi học lại đó ba!
Ông Ba Cang:
-
Học lại cái gì! Nó đã học dở tệ, mấy tháng nay không rớ tới một cuốn
sách, học lại, cố gắng cách mấy cũng trễ, cũng chẳng bằng ai. Thà để nó
nghỉ học luôn, phụ làm lụng với ba còn có ích.
Im lặng một lúc, ông hỏi tiếp:
- Hay là con muốn rước nó về vì cho ba má không biết nuôi dưỡng nó? Vậy chớ hồi trước chắc ba má cũng không biết nuôi con đó hả?
Thầy Hai Trường kêu:
- Ba! Con đâu dám nghĩ vậy! Thì thôi…
Hùng xen vào:
- Nhưng, ông nội ơi, con…
Ông Ba Cang gạt ngang:
- Không có nhưng nhị gì hết, tao nhứt định bắt mầy ở luôn dưới nầy, nghe chưa!
Hừng đứng chết đơ, sững sờ. Qua phút đó cậu vụt chạy ra sau hè, khóc to lên.
*
Chiều
xế nắng, rảnh rang, ông Ba Cang và Hùng ra thăm khu vườn mới lập. Ngắm
nhìn bao nhiêu cây trồng đều lớn mạnh, tốt tươi, hai ông cháu thấy vui
sướng lắm. Mặc dầu còn rất lâu chúng mới đâm bông kết trái được, nhưng
sự tươi tốt hôm nay, chúng cho thấy chắc chắn một kết quả tốt đẹp ở ngày
mai. Như vậy, công lao vun trồng của hai ông cháu bấy lâu thật không
uổng phí chút nào!
Ngắm nghía một gốc xoài tơ, Hùng nói với ông Ba Cang:
- Ông nội coi cây xoài nầy sao nó lên nghiêng triền vầy nè? Để mai con bứng trồng lại mới được.
Ông Ba Cang nói:
- Thây kệ nó con, hơi đâu mà sửa cho mệt! Miễn nó lớn mạnh là tốt lắm rồi! Mai mình còn lo công việc khác.
- Công việc chi ông nội?
- Mướn người đốn mấy cây dừa lão. Dừa tơ mình trồng thay thế chúng đã lớn hết rồi, con thấy không?
- Cần gì phải mướn người khác đốn, con với ông nội đốn không được sao?
- Thôi đi, làm quá sức có hại con à!
- Ông nội lóng rày kỳ quá, cứ tránh việc cho con, không như hồi trước!
- Thì chính con cũng kỳ vậy chứ, mấy lúc gần đây ông nội có sai đâu, mà cũng cứ kiếm chuyện làm hoài!
Một
năm qua, quả nhiên có nhiều thay đổi. Từ sau ngày xin trở về Sàigòn
không được ông Ba Cang thuận, Hùng thay đổi thái độ, chịu khó làm lụng,
không thèm phàn nàn chi nữa. Cậu nghĩ, cha cậu đã không chịu rước cậu về
Sàigòn, ông nội cậu đã quyết bắt cậu ở luôn dưới quê để giúp việc cho
ông, cậu có không muốn, cũng không biết làm sao hơn, thôi thì đành chịu
vậy! Nhưng nếu cậu nhận chịu cảnh sống nầy với sự buồn chán mãi thì chỉ
khổ mình chứ chẳng ích chi. Phiền não là điều cậu không bao giờ thích.
Vậy đâu cậu thử vui sống lên coi, thử nhận chịu làm việc theo sự sai bảo
của ông nội cậu coi!
Thế
rồi, Hùng đã cố gắng thực hành điều mình toan tính. Bản tính cậu vốn
ham thích hoạt động nên khi đã sẵn sàng làm việc thì chẳng thấy gì khó
khăn mệt nhọc quá như lúc trước. Vả lại, cậu nhủ thầm: tại sao bao nhiêu
đứa bạn quê của mình cũng thường làm những công việc xốc vác như mình
vẫn nổi, mình lại cho rằng không? Mình yếu kém hơn tụi nó lắm sao?
Không, mình nhứt quyết không thua thằng nào!
Lạ
thay! Càng chú tâm làm việc, Hùng càng tìm thấy trong công việc lắm
điều vui thú, nỗi vui thú tỏ ra mình hữu dụng, nỗi vui thú hoàn thành
công việc… Và cậu đã được vui thật tình. Cũng ngộ! Kể từ đó, ông nội cậu
cũng dễ dãi dần với cậu đi. Ông không gắt gỏng rầy rà cậu như lúc đầu
nữa. Trái lại, ông còn tỏ ra bao dung với cậu nhiều. Thật ra, ông bảo gì
cậu nghe nấy, và lắm lúc còn làm hơn điều ông muốn nữa, thì ông lấy gì
để rầy mắng cho được?
Kéo cháu lại ngồi trên cái băng gỗ ngó ra sông, ông Ba Cang nói:
-
Lâu quá rồi con không được về Sài gòn phải không? Được rồi, để mai mốt
ông nội cho con về chơi với ba má, các em. Con ở chơi trển luôn đôi ba
tháng cũng được.
Hùng mừng rỡ reo:
- Vậy hả ông nội?
Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ, cậu lại nói:
-
Con về trển năm mười bữa thôi ông nội à. Con đi vắng lâu, rồi lấy ai
phụ với ông nội chăm sóc vườn tược, phụ với bà nội trông coi heo gà?
Ông Ba Cang cười ha hả, một tay vuốt râu, một tay choàng qua vai Hùng, vỗ vỗ. Cậu trai ngạc nhiên:
- Sao ông nội cười?
Ông già đáp:
- Ông nội quá vui vì đã thành công!...
- Thành công chuyện chi ông nội?
- Thành công trong chuyện lo cho thằng chó Hùng chứ chuyện gì!
Dõi mắt nhìn theo một cánh buồm ở xa xa, ông Ba Cang tiếp bảo cháu bằng giọng nói khàn khàn, nhưng ấm áp lạ:
- Ông nội thương con lắm! Thấy con dở học, khó làm nên trong ngành chữ nghĩa ông nội lại muốn xây dựng cho con chuyện khác.
Ông
nội tu chỉnh vườn cũ, lập vườn mới. Tất cả cây cối mà ông nội cho
trồng, bao giờ mới có thể dùng được? Cầu cả mười năm nữa. Tới chừng đó
thì ông nội đã già cúp bình thiếc, gần đất xa trời, có hưởng được là
bao? Vậy thì ông nội trồng chúng để làm chi? Tất cả cũng chỉ để lại cho
con sau nầy đó! Ông nội lập vườn cho con, nhưng nếu không bắt con phụ
vào một tay, thì chẳng ích gì. Khi ông nội “trăm tuổi”, con có thể bán
nó mất mà bỏ ra châu thành ở.
Rồi
dần dà, quen tánh ở không ăn xài, con sẽ chết đói. Ông nội buộc con
phải đổ mồ hôi vào mảnh đất quê, chịu khó nhọc với những công việc nhà
quê, để con biết yêu quê, không có ý định xa quê nữa. Người ta thường
yêu mến, không muốn xa rời những gì mà người ta đã đổ vào đó bao nhiêu
công khó, phải không con? Đó, bây giờ thì con thấy thế nào? Con có muốn
bán bỏ, rời xa mấy gốc dừa, mấy gốc sầu riêng, măng cụt… do chính tay
con vun trồng bấy lâu không? Lũ gà vịt mà con đã từng cho ăn hằng bữa,
chăm sóc từng li từng tí khi mới nở, có ràng buộc con lắm không? Ông nội
chắc chắn là có!... Ông nội vui! Ha ha!...
Hùng chăm chú nghe lời ông Ba Cang. Ông nói dứt, cậu ôm siết lấy tay ông, cảm động:
- Ông nội!...
THUẦN GIANG
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 101, ra ngày 1-3-1969)