Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

CHƯƠNG 1_CHÚ THỎ ĐẾ

 1


CHIỀU hôm ấy ông Toàn Thịnh trở về với nét mặt không được vui lắm. Ngồi vào bàn ăn, ông chậm rãi nói với vợ:

- Mình còn nhớ ông Nghị Lâm không ? Ông ta có một đứa cháu muốn gửi cho ở trọ nhà mình để đi học, trong khi ông ấy vắng nhà.

Bà Toàn Thịnh hỏi:

- Ông ta bận đi đâu thế mình ?

- Đi nghỉ dưỡng bệnh ở Đà Lạt.

- Lạ nhỉ ! Ông Nghị Lâm có đau ốm gì đâu ? Trông ông ta còn tráng kiện lắm mà !

- Phải, nhưng đó chỉ là sắc diện bề ngoài. Chắc phải có bệnh làm sao nên bác sĩ mới buộc phải dưỡng bệnh chứ.

- Thế bố mẹ đứa nhỏ đâu, mà nó ở với ông ta ?

- Bố mẹ nó đi làm ăn xa. Đâu như tận Phú Quốc, nên không thể đưa nó theo được. Vả đứa nhỏ còn phải ở lại để đi học. Nó ở với ông Nghị Lâm vì ông ta là bác của nó. Ngoài ông ta ra nó không còn ai ở đây cả. Ông Nghị Lâm cũng lại sống độc thân, nên ông ấy mới nhờ đến mình săn sóc hộ, cho đến khi ông ấy về.

Bà Toàn Thịnh nhăn mặt hỏi:

- Độ chừng bao lâu ?

- Có lẽ vài ba tháng.

- Phiền nhỉ !

Ông Toàn Thịnh gật đầu:

- Cũng làm cho mình bận tâm đôi chút, nhưng tôi đã nhận lời vì đối với ông Nghị Lâm là chỗ quen biết, lại là người có quyền thế, mình còn cần nhờ vả ông ta nhiều.

- Đứa nhỏ là trai hay gái ?

- Trai, tên nó là Minh.

Từ lúc nói về đứa cháu ông Nghị Lâm, ông Toàn Thịnh chỉ bàn với vợ. Ông là một thương gia tháo vát, biết lợi dụng mọi cơ hội để làm giàu. Việc nhận nuôi đứa cháu ông Nghị Lâm tuy là sự bất đắc dĩ, nhưng cũng không ngoài tính cách xã giao để lợi dụng sau này. Ông Nghị Lâm là người rất được vị nể trong giới quyền quý và thương mại.

Nhưng Tuyết, cô con gái đầu lòng của ông Toàn Thịnh
một thiếu nữ khoảng hai mươi tuổi – nghe nói đến một đứa trẻ liền tỏ ý bất mãn hỏi cha:

- Đứa nhỏ nămnay bao nhiêu tuổi, ba ?

Ông Toàn Thịnh nhìn con gái, nhún vai đáp:

- Ba không rõ lắm, chỉ biết nó là cháu ông Nghị Lâm thôi.

Tuyết hậm hực nói:

- Nhưng nếu nó còn nhỏ quá thì phiền lắm. Vì con không thích đóng vai chị cả để săn sóc một đứa trẻ quấy nghịch suốt ngày đâu !

Bà Toàn Thịnh gạt đi:

- Má chắc không đến nỗi thế, Tuyết ạ.

Tuyết phụng phịu:

- Vâng, đấy rồi má coi ! Con cứ tưởng tượng mình sẽ phải dắt nó theo từng bước, xi đái, thay quần áo suốt ngày … Má không thấy ngán sao ? Con thì không thể kham nổi.

Ông Toàn Thịnh nói:

- Thằng Minh không còn nhỏ. Nó đã học tới lớp đệ lục trung học, tất năm nay nó phải 13 hay 14 tuổi rồi.

- Như vậy lại càng khó chịu nữa. Con trai 13 tuổi, đương là cái tuổi phá phách, nghịch ngợm và bẩn thỉu ghê gớm. Ba má cứ xem thằng Phúc nhà mình đây thì biết ….

Phúc là em trai của Tuyết, một thiếu niên 17 tuổi, cao lồng ngồng với mái tóc kiểu nghệ sĩ, nghe chị nhắc đến mình vội đứng lên nheo mũi xì vào mặt Tuyết, tỏ vẻ chế nhạo, rồi quay đi. Hắn ra nằm dài trên đi-văng vừa xỉa răng vừa giở xem những hình ảnh trong tập báo chiếu bóng.

Bà Toàn Thịnh cau mày bảo Tuyết:

- Thằng Phúc thì nó làm bận gì đến cô ?

Tuyết cãi:

- Má không biết chứ nó bẩn thỉu và lười như hủi, ít khi thấy nó rửa chân tay ! Và quấy phá không chịu được ! Nó cũng hay vào buồng con để lục lọi. Có bảo nó, nó lại gân cổ ra mà cãi, và ăn nói như côn đồ !

- Hừ, Tuyết ! Cô này hay nhỉ !

Thấy mẹ tỏ ý bênh em, Tuyết hằn học tiếp:

- Má cứ hay chiều nó, nên những tật xấu của nó má đâu có biết !

- Má không bao giờ ….

- Một thằng Phúc đủ làm con ngán rồi. Con không muốn có thêm đứa nào ở nhà này nữa cả ….

Ông Toàn Thịnh tỏ ý bực mình vì con gái xen vào câu chuyện mà ông đã tính toán và chấp thuận. Ông ngắt lời con gái:

- Ba không cần mày bằng lòng hay không. Việc cho thằng cháu ông Nghị Lâm tới ở tạm ít tháng tao đã suy nghĩ rồi. Tao cần chiều lòng ông Nghị Lâm, để còn hòng nhờ cậy ông ấy. Tao đã nhận rồi, mày không có quyền phản đối. Mày cũng chẳng ngoan ngoãn gì lắm đâu. Cứ những khoản mốt này mốt nọ, tiêu pha xa phí của mày, tao chưa buồn nói đến đó.

- Thưa ba, nhưng ….

- Không nói lôi thôi gì hết ! Má con mày liệu sửa soạn cho nó một chỗ ở. Mai tao đón nó về.

Tuyết bị cha mắng át, giận dỗi trở về phòng riêng. Bà Toàn Thịnh tuy không bằng lòng, nhưng cũng đứng lên sai bảo người nhà dọn sẵn một chỗ ở cho đứa cháu ông Nghị Lâm sắp đến.

*

Khi ông Toàn Thịnh đưa Minh về nhà thì Tuyết đi vắng. Nàng đến chơi và ở lại ăn cơm nhà bạn, rồi rủ nhau đi coi chiếu bóng. Mãi tới sáng hôm sau, khi Phúc nhảy vào phòng nàng gọi:

- Ê, chị Tuyết, giờ này mà còn ngủ hả ?

Tuyết mới ậm ừ đáp:

- Kệ tao ! Để cho người ta ngủ.

- Mười giờ hơn rồi, còn ngủ gì nữa ?

- Việc gì đến mày ! Ai khiến mày vào đây làm gì ?

- À, vào báo cho chị biết tin này : Thằng cháu ông Nghị Lâm đã đến rồi đấy !

- Mặc nó !

- Hì hì, chị cáu lắm phải không ? Má bảo thế mà !

- Cáu cái gì ?

- Về thằng nhãi ấy !

- Tao bất cần !

Tuyết không cần thật, việc đó không liên quan gì đến nàng. Tuyết chỉ khó chịu vì có thêm một đứa trẻ xa lạ trong gia đình mà chưa ai biết mặt mũi nó ra sao ?

Phúc nói để phân bua với chị:

- Chị nghĩ coi thế này có tức không : Bao nhiêu sách truyện giải trí của em, ba cho đem sang phòng nó cả.

- Đáng kiếp ! Có bao giờ mày đọc những sách ấy đâu. Mày toàn đọc những sách báo nhặt ở đâu về ….

- Mặc dầu, nhưng những sách ấy là của em chứ đâu phải của thằng ông con đó. Chị mà thấy nó chị cũng phải ghét.

Tuy đã định không quan tâm đến đứa nhỏ, nàng cũng tò mò hỏi:

- Nó đáng ghét thật à ?

- Nó không nói, không cười, chỉ biết nghe và dương mắt lên nhìn. Thằng lỏi đó lại có những điệu bộ coi người bằng nửa con mắt. Như thế mà chị bảo không ghét sao được. Chị có muốn biết nó thì để nó đi học về em dẫn nó tới.

Tuyết nhỏm dậy nói:

- Tao cần gì phải gặp nó. Với lại tao mới ngủ dậy đã trang điểm gì đâu. Để đến bữa cơm thế nào chẳng gặp.

Tới giờ cơm, Tuyết thủng thỉnh bước vào phòng ăn. Nàng lấy làm ngạc nhiên khi thấy một thiếu niên khác hẳn với bộ điệu em trai nàng tả. Hắn có vẻ chững chạc, nét mặt khôi ngô, tươi tắn và có đôi mắt to, đen láy, sáng ngời vẻ tinh anh. Thiếu niên thấy nàng liền cúi đầu chào với một dáng điệu khả ái và tiến lại lễ phép nói:

- Thưa chị, tối qua khi em tới đây thì chị đi chơi vắng nên em chưa có dịp chào chị. Xin chị thứ lỗi….

Tuyết hơi lúng túng trước phong thái dẽ dàng ấy. Nàng gật đầu chào lại và làm bộ thản nhiên ngồi vào bàn ăn, như không lưu ý tới sự có mặt của Minh. Tuy nhiên nàng không khỏi liếc trộm với ý định khám phá ra những khuyết điểm của Minh. Chào hỏi Tuyết xong, Minh trở lại dè dặt, chỉ trả lời khi ông bà Toàn Thịnh hỏi, dáng điệu từ tốn của cậu khắc hẳn với thái độ ngông nghênh của Phúc. Ngồi cạnh Minh, Phúc có vẻ thô lỗ, ăn uống nhồm nhàm, nói cười lớn tiếng, và chọn gắp thức ăn một cách tự do. Bà Toàn Thịnh thỉnh thoảng nhắc chừng Minh:

- Ăn đi cháu

- Dạ

- Lấy món thịt này ăn đi. Đưa bát đây bác gắp cho.

- Thưa, cháu xin cám ơn bác. Bác cho phép cháu tự nhiên như con cháu trong nhà.

Và mỉm cười Minh tiếp:

- Cháu không dám làm khách đâu ạ. Vì nếu làm khách thì cháu bị đói.

Tuyết vẫn liếc chừng để quan sát Minh, thấy quần áo Minh mặc tuy giản dị, nhưng chỉnh tề, và hai tay sạch trơn. Xong bữa cơm trưa, nàng lấy cớ bị nhức đầu trở về phòng nằm cho tới chiều. Hình ảnh của Minh cứ lởn vởn trong óc Tuyết, nhưng nàng cố xua đi, không muốn có cảm tình với đứa trẻ xa lạ mà cha nàng vì xã giao đã cho ở trong gia đình.

Buổi tối nàng thấy Minh bình thản, im lặng ngồi đọc sách trong khi Phúc nằm ở ghế dài uể oải giở xem những tranh ảnh sặc sỡ.

Đồng hồ điểm 9 giờ, Minh gấp sách lại, xin phép trở về phòng ngủ, cậu chào mọi người và nhẹ nhàng lui gót.

Minh vừa ra khỏi, Phúc vùng trở dậy, bảo chị:

- Thế nào, chị thấy thằng lỏi đó có lố bịch không ? Nó làm bộ như người lớn vậy.

Tuyết chỉ nhún vai không đáp.

*

Ngày chủ nhật, Tuyết gặp Minh trong bữa ăn điểm tâm, ông bà Toàn Thịnh và Phúc có thói quen ngủ trưa ngày chủ nhật, vì tối thứ bảy họ thường chơi khuya. Vả lại, dậy sớm cũng không làm gì, nên ai muốn ngủ giờ nào thì ngủ. Ngồi một mình với Minh, chẳng lẽ không nói gì, Tuyết buộc lòng phải hỏi vẩn vơ cho có chuyện:

- Cậu dậy sớm nhỉ ?

- Thưa chị, đó là thói quen của gia đình em.

- Buổi sáng cậu quen dậy mấy giờ ?

- Thưa chị lối 5 giờ rưỡi

- Dậy làm gì sớm thế ? Sao không ngủ thêm có được không ?

- Dạ em ôn lại bài để 7 giờ 15 tới trường học. Với lại ba má em cũng đã dậy rồi.

- Ba má cậu hiện giờ ở đâu ?

- Thưa, ở ngoài Phú Quốc.

- Xa nhỉ ! Ra làm gì ngoài ấy ?

- Thưa chị, ba em làm việc cho một công ty lớn và được đặc cử ra ngoài đó nghiên cứu lập một nhà máy. Nghe má em nói, nếu xong công việc ba em sẽ được một địa vị kha khá và sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Hiện giờ thì gia đình em nghèo lắm.

- Nghèo lắm !

Tuyết lẩm bẩm nhìn Minh, ngạc nhiên vì lời tâm sự đơn sơ và thành thực ấy. Nàng hỏi tiếp:

- Ba má cậu đi chừng bao lâu ?



- Thưa độ sáu tháng. Ba má em có hẹn đến cuối năm thì về.

- Thế cậu có còn anh em nào nữa không ?

- Dạ có mình em. Đáng ra em còn một em gái nữa. Nhưng đã mất ngay sau khi má em sinh ra nó.

Im lặng một lát. Tuyết hỏi sang chuyện khác:

- Ngày nghỉ như hôm nay cậu định làm gì ?

- Thưa chị, sáng nay em có cuộc họp hướng đạo ở trường.

- Đi hướng đạo vui lắm nhỉ ?

- Thưa chị, vâng ! Em học hỏi được rất nhiều điều !

Tuyết muốn châm chọc nên cười nhạt nói:

- Chẳng hạn biết hú lên như dân mọi, và biết nhảy những vũ điệu của dân da đỏ!

Minh thản nhiên cất tiếng cười vui vẻ:

- Đấy chỉ là những trò chơi vui thôi ạ, em còn luyện tập được nhiều điều hữu ích khác để trở thành người tháo vát, biết thi hành những điều thiện …

Tuyết nhún vai chế nhạo:

- Và tập làm người lớn nữa !

Minh không khỏi ngạc nhiên nhìn Tuyết, nhưng cậu đứng lên nói:

- Thôi tới giờ rồi, xin phép chị em đi.

Còn lại một mình, Tuyết vừa uể oải nhấp từng hụm sữa, vừa nhớ lại mẩu chuyện giữa nàng và Minh. Nàng thấy Minh không đáng ghét chút nào và tự hỏi : Không biết mình có nên giữ mãi thái độ lãnh đạm với cậu bé có nhiều cử chỉ hồn nhiên ấy hay không ? Nàng nhớ đến đôi mắt của Minh, đôi mắt đã làm Tuyết bối rối. Đôi mắt to đen và trong sáng ấy khi nhìn ông bà Toàn Thịnh thì có vẻ e dè. Còn đối với Phúc thường lộ vẻ khó chịu. Nhưng riêng với nàng thì lại tỏ đầy cảm tình và quý mến. Tuy nhiên trong dịp tiếp xúc với Minh, gặp lúc nàng nói điều gì táo bạo, hoặc buông lời chế riễu, đôi mắt của Minh thường sầm tối lại, đượm vẻ buồn trách móc, khiến cho Tuyết thấy hối hận. Tuyết nghĩ mãi về đôi mắt ấy, và nàng thầm nhủ:

- Không biết thằng nhỏ nó nghĩ về mình ra sao ?

Nhưng rồi nàng cũng lại gạt sự thắc mắc ấy đi, cho rằng không cần phải bận tâm vì một đứa trẻ còn kém tuổi em nàng.

Khoảng 11 giờ rưỡi Tuyết nhìn qua cửa sổ thấy Minh đã trở về gọn gàng trong bộ đồng phục hướng đạo màu xanh. Minh còn đang bàn cãi với hai đứa bạn cùng tuổi, rồi mới thân mật chia tay nhau. Lúc trở xuống phòng khách nàng gặp Minh ở cầu thang. Tự nhiên nàng mỉm cười hỏi:

- Đi chơi vui không chú ?

- Cám ơn chị, vui lắm. Em về có trễ không thưa chị ?

- Ồ không, mọi người vẫn còn ở cả phòng khách.

- Vậy em xin phép đi tắm rửa và thay quần áo.

Thay rửa sạch sẽ rồi, Minh xuống phòng khách chờ giờ ăn. Thấy Minh, Phúc níu lại:

- Ê, trưa nay có đi xem đá bóng không ?

Minh vui vẻ đáp:

- Hay đấy ! Tôi thích coi đá bóng lắm anh ạ. Tôi vẫn đi với ba tôi luôn.

- Vậy nhậu xong mình chuồn ngay nhé !

Bà Toàn Thịnh nghe con nói, cau mày hỏi:

- Mày nói năng kiểu gì lạ thế Phúc ? Ăn nói cho tử tế chứ !

Phúc dẩu môi cười:

- Nó hiểu mà. Tiếng riêng của tụi con đấy !

Minh hướng về bà Toàn Thịnh thưa:

- Thưa bác, bác cho phép cháu chiều nay đi xem đá bóng với anh Phúc ?

Bà Toàn Thịnh gật đầu:

- Được, cháu muốn đi chơi đâu thì đi. Ở đây bác không cấm.

Đi xem đá bóng về, Minh có vẻ không vui, còn Phúc thì cau có ra mặt. Chờ cho Minh trở về phòng, Tuyết hỏi em:

- Hai đứa bay cãi nhau rồi phải không ?

Phúc vênh mặt đáp:

- Ai thèm cãi nhau với thằng ôn đó. Nhưng cái thằng khó chịu lạ !

- Sao vậy ?

- Em mời nó hút thuốc lá, nó không thèm hút. Nó bảo là sợ ba má nó không bằng lòng.

- Thế là phải chứ !

- Phải cái khỉ khô gì ? Lại được chị nữa. Sao dạo này chị đạo đức thế ! Tan cuộc đá bóng, em rủ nó đi xi-nê. Nó lại bảo: “Tôi không đi xem chiếu bóng một mình bao giờ”. Em bảo nó là đã có em đi với, nhưng nó nói: “Như vậy chưa đủ vì chúng ta chưa biết cuốn phim hay dở thế nào ?”. Chị tính phim có Lolo Brigida và Kirk Douglas đóng mà nó bảo là dở à. Gây cấn và mê ly đến rùng rợn ấy chớ lỵ ! Thế mà nó không chịu xem cứ nằng nặc đòi về !

Tuyết chợt nhớ đến lời tâm sự của Minh lúc sáng, cho nàng biết gia đình cậu rất nghèo, nên nàng bảo em:

- Có lẽ nó không muốn tốn tiền vô ích.

Phúc cười nhạt:

- Thế còn tiền nó phân phát cho bọn hành khất thì nó không sợ tốn hẳn.

- Nó có cho họ tiền à ?

- Ừ. Nó còn nắm tay dắt họ qua đường, và nói chuyện với họ nữa. Không khéo thằng nhãi đó đem chấy rận của bọn hành khất về nhà này cũng nên.

Tuyết trầm ngâm một lát, bảo:

- Thôi nó không muốn xem chiếu bóng thì kệ nó. Chắc nó không thích loại phim gây cấn như mày đâu

Phúc hậm hực:

- Cái thằng cứ như ông cụ non dễ ghét quá ! Lần sau đừng hòng em rủ nó đi đâu nữa. Thôi em đi xem một mình vậy

Nói rồi Phúc quay ra. Còn mình Tuyết, nàng ngồi chống tay suy nghĩ. Nàng không đồng ý với em về những điểm hắn đã chỉ trích thái độ của Minh. Trái lại nàng nhận thấy Minh là một thiếu niên ngay thẳng, có nhiều đức tính. Hình như Minh cũng có vẻ quý mến nàng hơn mọi người trong gia đình. Gần nàng, Minh cởi mở hơn, vui vẻ bộc lộ lời nói tiếng cười một cách thành thật. Minh lại có ý tứ, và không kém tế nhị khi trò chuyện, đôi khi còn tỏ ra khôn ngoan nữa.

Thực tình, Tuyết bắt đầu có cảm tình với Minh, nàng thấy cậu bé đó dễ thương hơn là đáng ghét. Hình ảnh của Minh lọt vào tâm hồn nàng như một ánh sáng. Chưa có thiếu niên nào từ trước đến giờ đã làm nàng động tâm đến như vậy.

Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, và Minh bước vào:

- Xin lỗi chị, hình như em có để quên cuốn tạp chí “Tuổi Hoa” ở đây ?

Tuyết gật đầu, nhẹ nhàng trả lời:

- Phúc nó cầm đi mất rồi. Trong khi chờ nó về, cậu hãy xem tạm những tạp chí này vậy.

Minh đỡ lấy mấy tờ báo Tuyết đưa cho, và dường như để khỏi làm phật ý nàng, cậu lật qua mấy trang rồi để lại trên bàn, mặt bừng đỏ. Tuyết nhìn thấy cử chỉ ấy, cười hỏi:

- Cậu không thích sao ?

- Thưa không ! Em không ưa xem những tranh ảnh như kiểu này.

Trong thâm tâm, Tuyết cho như thế là phải. Minh rất có lý để từ chối không xem những loại tranh ảnh khêu gợi của các cô đào chiếu bóng. Nàng muốn đùa Minh nên cười bảo:

- Cấm dưới 16 tuổi phải không ! Cậu hãy còn “con nít” quá và nhát như “thỏ đế” ấy.

Nàng không thấy Minh nói gì, nàng hỏi:

- Cậu có bận gì không ?

Minh niềm nở đáp:

- Thưa chị không. Chị muốn em giúp chị việc gì ?

- À chẳng có việc gì cả. Nếu rảnh thì ngồi đây nói chuyện với tôi cho vui.

- Dạ, em rất vui lòng.

Tuyết chỉ chỗ cho Minh ngồi cạnh nàng. Suy nghĩ một lát nàng mỉm cười hỏi Minh:

- Tôi hỏi thật câu này nhé, cậu thấy tôi là người thế nào ?

Minh nghiêm trang nhìn Tuyết, rồi chậm rãi nói:

- Em thấy chị có thể là một thiếu nữ rất tốt.

- Thực à ?

Tuyết cất tiếng cười trong trẻo:

- Tôi chưa thấy ai nói với tôi như thế bao giờ. Ai cũng chê tôi cả. Tại sao cậu lại bảo như thế ?

Minh vẫn giữ nét mặt nghiêm trang đáp:

- Má em cũng đẹp như chị ….. và má em cũng rất tốt !

- Thế nghĩa là cậu cho rằng tôi đẹp !

- Thưa chị vâng !

Lời khen ngợi hồn nhiên ấy đã làm Tuyết xúc động hơn mọi lời phỉnh phờ khác.

- Nhưng chắc chắn là tôi không tốt như cậu nhầm tưởng đâu. Từ hôm cậu đến ở đây, tôi có tốt với cậu tí nào đâu ?

- Chị cứ nói thế !

- Tôi không vồn vã hỏi han cậu …

- Thưa chị đó là lẽ tự nhiên, vì em chỉ là một người xa lạ, một kẻ làm phiền cho gia đình chị.

- Lại thằng Phúc nó bảo cậu thế chứ gì ?

- Thưa chị không. Em tự xét cũng đủ hiểu.

Tuyết lắc đầu:

- Đừng nên nghĩ như thế. Cậu không làm phiền ai cả. Cậu có giận tôi không?

- Em đâu dám giận chị.

- Thế chúng ta trở thành chị em nhé, cậu bằng lòng không ?

Minh tươi hẳn nét mặt, vui vẻ nói:

- Em chỉ mong có thế. Được chị coi như em thì còn gì sung sướng bằng.

Tuyết gật đầu:

- Vậy từ nay tôi gọi cậu là “em Minh” và cậu gọi tôi là “chị Tuyết” không còn phải câu nệ lôi thôi gì nữa nghe không ?

- Vâng.

Nàng đưa mắt nhìn Minh, lòng hân hoan như vừa làm một điều thiện. Nàng không ngờ Minh chiếm được cảm tình của nàng mau lẹ như thế và đưa đến một kết cuộc tự nhiên thực bất ngờ. Tuyết vui thích với ý tưởng có một đứa em trai ngoan như Minh, một người em tuy không phải ruột thịt như Phúc, nhưng khác xa Phúc, có thể chia sẻ vui buồn, trông cậy lẫn nhau được.

Chợt Tuyết nhớ ra một điều. Nàng thân mật vỗ vai Minh:

- Minh này!

- Dạ.

- Em có thích dự một tiệc vui không ?

- Tiệc vui gì hả chị ?

- Chiều mai ba má chị có đặt tiệc mời khách vì là ngày sinh nhật của chị. Các bạn hữu của chị sẽ đến chơi đông đủ, ăn cơm tối rồi vui chơi tới khuya. Có thể có cả khiêu vũ nữa. Vui lắm Minh ạ. Rồi chị sẽ giới thiệu em với các bạn của chị.

Minh hơi lưỡng lự:

- Em chưa dự tiệc như thế bao giờ nên em hơi ngại. Còn khiêu vũ thì em không biết. Má em cũng vậy.

- Không bắt buộc em phải khiêu vũ. Nhưng em phải có mặt trong bữa tiệc. Chả lẽ ngày sinh nhật của chị mà em không ra dự.

- Em sẽ cố gắng làm vừa lòng chị.

- Ừ, có thế chị mới vui.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 2
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>