Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

CHƯƠNG 3_CHÚ THỎ ĐẾ

 3


Cảm tình của Tuyết đối với Minh mỗi ngày thêm bền chặt. Nàng không còn coi Minh như một đứa trẻ xa lạ tới phiền nhiễu gia đình nàng nữa. Trái lại, sự hiện diện của Minh làm cho nàng thấy vui. Tính nết ngoan ngoãn và thái độ dễ thương của Minh đã chinh phục được Tuyết, cũng như tư cách đứng đắn, ngay thẳng của Lộc, đã gây nhiều ảnh hưởng cho nàng. Cô con gái nhà giầu, hơm hĩnh và đỏng đảnh ấy bắt đầu coi Minh như một đứa em trai thân mến. Nàng thích gần Minh, trò chuyện như mọi người chị gái khác, thường ưa vui đùa tâm sự với em. Phúc chỉ làm nàng khó chịu, bởi hắn không có một đức tính nào có thể tin cậy được.

Những lúc rảnh rỗi không có bạn, và không có việc gì để làm, buồn buồn Tuyết lại sang phòng Minh ngồi chơi. Nàng thường thấy Minh cắm cúi học bài. Nghe tiếng cửa xịch mở Minh ngẩng đầu lên nét mặt đã lộ vẻ khó chịu, vì ngỡ là Phúc. Nhưng khi nghe Tuyết lên tiếng:

- Chị đây ! Em làm gì đấy ? Chị có làm phiền Minh không ?

Thì bao giờ Minh cũng hân hoan kéo ghế mời Tuyết:

- Thưa chị không, mời chị ngồi chơi

Gặp lúc đang làm dở bài, Minh nói:

- Chị cho phép em làm nốt bài này. Chỉ năm phút nữa là xong thôi.

Tuyết ngồi xuống ghế chờ Minh, đưa mắt nhìn quanh gian phòng được xếp đặt gọn ghẽ, không khỏi thốt lời khen ngợi:

- Em ngăn nắp, thứ tự quá !

Nhưng nàng vội bịt miệng, vì thấy Minh đang cặm cụi làm việc, nét mặt trầm ngâm và vừng trán nhăn lại vì cố gắng.

Ngồi ngắm Minh chăm chỉ làm bài, Tuyết không thấy sốt ruột. Nàng lặng lẽ đợi cho Minh đặt bút xuống, mới vui vẻ hỏi chuyện. Nàng tẩn mẩn xem những sách vở của Minh, hỏi han nhiều chuyện, và thường khám phá ra những điều ngộ nghĩnh khiến nàng vui thích.

Có lần nhìn thấy một hộp thuốc lá trên bàn học của Minh, Tuyết ngạc nhiên hỏi:

- Minh bây giờ cũng hút thuốc lá kia à ?

Minh cười đáp:

- Dạ không. Đây là két đựng tiền của em đấy chị ạ.

Tuyết đỡ lấy hộp thuốc lá, mở ra coi, thấy có đựng một số tiền nhỏ, liền hỏi:

- Tiền của em có bấy nhiêu thôi ư ? Ít quá tiêu gì được !

Minh cho nàng biết đó là tiền túi của cậu, và dè xẻn cũng đủ, vì cậu không tiêu gì nhiều. Tuyết thành thực bảo: 


- Khi nào cần tiền em cứ bảo chị.

Minh từ chối một cách khéo léo:

- Chị tốt với em quá. Em xin cám ơn chị. Nhưng chắc em không có gì cần phải tiêu.

Tuyết cũng vẫn thấy thương Minh, lòng nao nao khi nhìn vẻ cảm động của Minh hiện trên nét mặt và đôi mắt ngước nhìn mình đầy vẻ biết ơn.

Dần dần căn phòng dành cho Minh trọ học trở thành một nơi ấm cúng đối với Tuyết, và tình chị em giữa hai người cũng mỗi một ngày một thân. Nàng thích vào đấy ngồi chơi xem Minh làm bài hơn là đi chơi phiếm như trước. Bạn bè của Tuyết đã phải lấy làm lạ vì sự thay đổi của nàng. Họ thấy Tuyết phục sức kín đáo hơn trước, và từ ngôn ngữ đến cử chỉ đã bớt vẻ quá trớn của một cô gái “đợt sống mới”.

*

Nhưng ngày vui êm đềm của Minh không được bao lâu, thì một hôm vào thượng tuần tháng chạp, cậu được tin ông bác là ông Nghị Lâm đột ngột qua đời trên Đà Lạt. Ông Toàn Thịnh đem tin ấy về nhà với nét mặt hậm hực. Ông ngồi thừ người bên bàn giấy rồi gọi vợ vào phàn nàn:

- Tôi vừa được tin lão Nghị Lâm chết vì bệnh đau tim ở Đà Lạt. Giữa lúc mình đương cần thế lực của lão để làm nhiều việc có lợi thì lão già lại lăn cổ ra chết!

Cái chết đột ngột của ông Nghị Lâm quả đã làm cho ông Toàn Thịnh bực mình vì ông đương muốn mưu tính nhận thầu một công việc to tát. Mất thế lực của ông Nghị Lâm, tức là công việc có lợi ấy cũng hỏng. Ông càu nhàu nói:

- Thực đen cho mình ! Gặp phải cái vận hãm tài nên lão Nghị Lâm mới chết chóng như vậy.

Bà Toàn Thịnh thì nghĩ đến thân nhân của người chết là Minh. Bà hỏi:

- Còn thằng cháu ông ta bây giờ làm thế nào ?

Đương bực tức vì mưu tính của mình không thành, ông Toàn Thịnh đổ hết cơn thịnh nộ vào đầu Minh. Ông quyết định:

- À, còn thằng nhỏ đó, chỉ cho nó ở đến cuối năm, chờ cha mẹ nó về. Nhưng từ nay nó là người ăn nhờ ở đậu nhà mình mà mình phải nuôi làm phúc. Vậy bà bảo nó xuống nhà dưới mà ở với bọn người nhà.

Bởi vậy, khi đi học về Minh được báo tin ông bác chết một cách sỗ sàng, và biết luôn cả thái độ của ông bà Toàn Thịnh đối với mình nữa.

Bà Toàn Thịnh lạnh nhạt bảo:

- Từ nay cậu dọn xuống dưới nhà mà ở. Tôi để cho cậu ở nhờ căn buồng trên nhà để xe. Phòng cậu ở bây giờ chúng tôi có việc dùng !

Minh nước mắt chạy quanh, phần bàng hoàng vì tin ông bác chết, mà cha mẹ ở xa chưa về, phần tủi cực vì cách đối xử của ông bà Toàn Thịnh. Cậu về phòng thu dọn đồ đạc và giữa lúc lỉnh kỉnh mang đi thì gặp Tuyết ở đâu về. Nàng ngạc nhiên hỏi Minh:

- Em mang sách vở quần áo đi đâu thế này ?

- Thưa chị em dọn xuống dưới nhà để xe

- Dưới garage ?

- Vâng.

- Sao vậy ?

Minh cắn chặt môi, cố ngăn nghẹn ngào:

- Dạ tại bác em chết rồi !

- Tội nghiệp ! Nhưng sao Minh lại dọn xuống ở dưới ấy ?

- Thưa hai bác bảo em dọn.

Tuyết đứng sững ra một lát, quày quả toan đi:

- Để chị gặp má chị xem sao ?

Minh níu vội lấy tay Tuyết:

- Thôi em van chị. Chị đừng hỏi nữa mà hai bác tưởng em than phiền lại giận thêm. Em ở chỗ nào cũng được. Với lại đã sang tháng chạp rồi, ba má em chắc cũng sắp về.

- Nhưng từ nay đến tết mà em ở đấy thì em ốm mất. Căn buồng dưới nhà xe tối tăm ẩm thấp, ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì lạnh, bọn đầy tớ nhà này có đứa nào muốn ở đâu ?

- Em sẽ quét dọn sạch sẽ và thu xếp dùng tạm làm chỗ ở được.

Tuyết đành ngậm ngùi và hậm hực để cho Minh dời xuống nhà dưới vì nàng biết dù có can thiệp với cha mẹ cũng không xong, mà chỉ làm cho tình trạng của Minh thêm tủi cực. Nàng ngấm ngầm thương Minh và nhận thấy sự sung sướng đầy đủ của mình chẳng nghĩa lý gì. Lần đầu tiên Tuyết biết thương xót đến hoàn cảnh không may của kẻ khác. Lòng thương ấy thúc đẩy nàng luôn luôn để ý săn sóc đến Minh. Buổi chiều Minh đi học về đương ngồi làm bài đã thấy Tuyết đẩy cửa bước vào. Minh đương ngồi xổm trên đất, dùng giường ngủ làm bàn học, quay lại đón nàng với nụ cười tươi tắn:

- Chị xem, em đã quen với chỗ ở mới này rồi !

Nhưng Tuyết thấy Minh mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả lưng áo, liền kêu:

- Trời ơi, nóng bức thế này, ngồi cách ấy thì học hành làm sao được ? Mồ hôi ra ướt hết người em rồi ! Thôi đi lên phòng khách mà ngồi.

- Em sợ hai bác không bằng lòng.

Tuyết gắt:

- Mang những sách cần của em rồi theo chị !

- Thôi chị ơi, em ngồi học ở đây được mà.

- Không lên phòng khách thì em lên phòng chị mà học. Không ai cấm em lên phòng chị cả. Em sợ cả chị sao ?

- Em biết chị thương em, nhưng ….

- Nhanh lên không có chị chết ngột ở đây mất !

Tuyết vơ lấy sách vở của Minh để trên giường rồi đẩy Minh đi trước. Về tới phòng, nàng ấn Minh ngồi xuống ghế, lấy khăn lau những giọt mồ hôi đượm trên trán Minh.

- Em đã thấy dễ chịu chưa ?

Minh lim dim đôi mắt. Bàn tay nhẹ nhàng của Tuyết và chiếc khăn thơm mát làm Minh thấy khoan khoái. Cậu nắm lấy tay Tuyết, tỏ ý biết ơn và cảm động nói:

- Thưa chị, dễ chịu lắm, xin cảm ơn chị.

Tuyết cất khăn, quay nút chiếc quạt trần bảo:

- Bây giờ Minh ra ngồi bàn chị mà học. Chị không làm rộn em đâu. Em đương làm bài gì ?

- Thưa chị, một bài luận Việt văn.

- Vậy em làm đi !

Nhưng thấy Minh ngồi cắn bút loay hoay mãi, Tuyết lại hỏi:

- Sao ? Bài luận khó lắm à ? Liệu em có làm được không ?

- Thưa chị không khó lắm. Mọi khi luận văn là môn sở trường của em ….

Minh thở dài tiếp:

- Nhưng hôm nay em rối trí quá làm không xuôi

- Tội nghiệp ! Hay để chị giúp cho. Ngày còn đi học, chị cũng khá về luận văn lắm.

- Thôi cám ơn chị, như thế mình không thẳng thắn. Thầy giáo em vẫn khuyên học trò phải tập làm bài lấy một mình, không nên nhờ ai làm hộ.

- Thầy giáo em làm sao mà biết ?

- Thầy không biết. Nhưng đến kỳ thi ai làm hộ mình đâu hở chị ?

- Thế còn tụi bạn em dễ thường chúng không nhờ vả ba má hay anh chị chúng làm hộ cho đấy ?

- Em không biết. Đó là việc riêng của chúng. Riêng phần em thì không, mà ba má em cũng không khi nào làm hộ bài cho em cả.

- Ừ thì thôi, chị để mặc em. Chị cũng theo gương ba má em vậy.

Sau bữa cơm chiều, Minh vừa đứng dậy cáo lui thì Tuyết cũng đứng lên theo. Nàng quàng tay lên vai Minh, thân mật kéo về phòng mình, ấn Minh ngồi xuống ghế và trịnh trọng nói:

- Em Minh, em phải nghe lời chị. Từ nay em hãy coi phòng của chị như phòng của em. Ngoài giờ đi học và giờ ăn cơm, em cứ vào đây mà lo bài vở.

- Thưa chị như thế không tiện, vì em sẽ làm phiền chị nhiều quá.

- Phiền gì đâu ! Phòng này không đủ rộng rãi cho cả hai chị em mình ư ?

- Dạ, không phải thế. Nhưng chị còn có bạn của chị tới chơi

- Ồ, kệ họ chứ. Với lại ít khi chị tiếp khách ở phòng riêng, trừ một vài người bạn rất thân của chị. Các chị ấy cũng sẽ đối với em như chị đối với em vậy. Tối nay em còn phải làm gì nữa không ?

- Em cần học ôn lại bài thi

- Vậy em cứ ngồi đây mà học.

Ngồi im lặng một lúc lâu, Minh ngước mắt lên nhìn Tuyết. Nàng hỏi:

- Em muốn gì cứ bảo chị

- Má em thường giúp em ôn lại bài. Chị có vui lòng thay má em không ?

- Chị rất vui lòng ! Nhưng chị phải giúp em bằng cách nào ? Thằng Phúc có bao giờ nó nhờ chị thế này đâu ! Hễ nó vào phòng chị là chị muốn đuổi nó ra rồi.

Minh đưa cuốn sách cho Tuyết, đến tựa bên lưng ghế Tuyết ngồi và với một dáng điệu tin cẩn, cậu nói:

- Thưa chị, đây là môn em phải thi. Chị làm ơn xem trong bài và hỏi em đi.

- Nghĩa là chị làm như giáo khảo hỏi thí sinh vậy ?

- Vâng. 


Chiều tối hôm ấy trôi qua êm đềm và nhanh chóng. Tuyết cảm thấy như mình sống một đời sống mới. Trí thông minh và hiểu biết của Minh làm nàng hoan hỉ. Hỏi hết các bài, nàng khen:

- Em khá lắm, Minh ạ. Em hiểu bài cặn kẽ và trả lời rất trôi chảy.

- Em muốn đứng cao trong kỳ thi tam cá nguyệt này, để ba má em biết em cũng cố gắng, bù lại những nỗi cực nhọc mà ba má em phải chịu.

- Thế từ trước đến giờ Minh đứng thứ mấy trong lớp ?

- Dạ thứ ba, thứ tư, mà kỳ này em muốn đứng đầu.

- Chắc là được ! Bây giờ em còn phải học bài gì nữa không ?

- Thưa chị, chiều nay thế là đủ.

- Nếu vậy chị pha nước uống, rồi chị em mình ngồi chơi nói chuyện một lúc. Em đã buồn ngủ chưa ?

- Thưa chị chưa ! Em ngủ lối 9 giờ. Chị có làm gì để em giúp ?

- Không, em cứ ngồi yên đây. Để chị làm cho.

Vừa pha nước, Tuyết vừa hỏi chuyện:

- Em có còn ai là bà con thân tín ở đây không ?

- Thưa chị không.

- Cũng không quen biết ai ư ?

- Em chỉ quen có các bạn học ở trường, và một ít bạn hướng đạo, với một người vú già. Vú ở với ngoại em, từ khi má em còn nhỏ. Đến khi má em xuất giá, vú lại đi theo. Bây giờ vú đã già lắm, về ở nhà quê. Vú vẫn muốn đón em về chơi mà em chưa có dịp nào về thăm vú được

- Sẽ có một ngày chị đưa em về. Em uống nước đi. Chị pha nước cam tươi đấy. Uống rồi đi ngủ cho khỏe.

Uống xong ly nước, Minh đứng lên xin kiếu về buồng. Tuyết âu yếm chúc Minh ngủ cho ngon giấc. Còn lại một mình, nàng đứng lặng ở giữa phòng, đưa mắt nhìn quanh nơi mình ở, và đột nhiên thấy nó trống trải lạ lùng.

Nàng thấy quyến luyến Minh hơn bao giờ, mà sự quyến luyến ấy lúc đầu nàng tưởng không thể có. Nàng thầm nhủ:

- Giá mình có được đứa em trai như Minh nhỉ.

Chợt nhớ tới Minh có thể lạnh về đêm, nếu trời đổ mưa, Tuyết mở tủ tìm chiếc chăn đơn mỏng đem xuống cho Minh. Qua khe cửa, nàng ngạc nhiên thấy Minh còn ngồi trên giường, đầu gục trên gối. Nàng nhẹ nhàng bước vào, vừa lúc Minh ngửng lên, đôi mắt còn rưng rưng ngấn lệ. Tuyết thấy lòng nao nao một nguồn thương cảm.

- Em làm sao thế ? Làm sao em khóc ?

Hỏi như thế nhưng Tuyết tự hiểu vì sao Minh khóc. Nàng tìm lời an ủi:

- Đừng khóc nữa Minh ạ. Chị hiểu hoàn cảnh của em rồi. Đừng nghĩ ngợi áy náy gì cả. Từ nay cho đến khi ba má em về đã có chị lo cho em, săn sóc cho em !

Nàng ngồi xuống bên giường, lau nước mắt cho Minh:

- Thôi nằm xuống ngủ đi. Chị đem xuống cho em cái chăn mỏng của chị. Đêm có lạnh em lấy mà đắp.

Minh cắn chặt môi chớp mắt nằm xuống, rồi cố gắng nở một nụ cười.

- Em cám ơn chị. Chị thương em quá, chẳng khác gì má em vậy !

Tuyết cúi xuống đặt một cái hôn trên vừng trán của Minh, rồi quay trở ra, lòng tràn ngập nỗi bồi hồi mà từ trước tới giờ nàng chưa hề cảm thấy.

Trở về phòng riêng, Tuyết ngồi vào bàn lấy bút ra viết thư cho Lộc:

“Anh Lộc !

Tối nay Tuyết thức khuya để ngồi viết thư cho anh đây. Chắc anh đã ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì ? Thực ra thì chẳng có chuyện gì quan hệ lắm đâu. Nhưng Tuyết cần phải viết vì hiện giờ lòng Tuyết đương bồi hồi một cách lạ lùng. Tuyết muốn trút bớt nỗi bồi hồi khó tả ấy, muốn có người thân để tâm sự cho dịu vơi những cảm xúc dìu dặt trong lòng. Mà anh thì không có đây, và cũng chẳng biết khi nào gặp anh cả. Tuyết bực với anh ghê lắm ! Tuy hiểu rõ ý nghĩ và duyên cớ vì sao anh không năng lui tới nhà Tuyết như xưa – anh chỉ sợ mang tiếng và giữ ý với Hoàng, người mà ba Tuyết muốn kén làm chàng rể tương lai, nhưng không thể vì thế mà biền biệt bỏ lơ cô bạn gái bé bỏng quen biết từ hồi thơ ấu !

Nhưng thôi, Tuyết chỉ trách anh sơ sơ có thế, để còn kể anh nghe chuyện này:

Anh Lộc ạ, anh có thể ngờ được rằng dạo này Tuyết đã thay đổi nhiều về tâm tính không ? Và thay đổi chỉ vì một đứa bé !

Hẳn anh còn nhớ Minh chứ nhỉ
chú bé mà anh gặp hôm ăn mừng sinh nhật của Tuyết ấy ? Hồi Minh mới tới, Tuyết đã lấy làm khó chịu, tự bảo sẽ không thèm để ý tới nó làm gì. Tuyết nhất định thờ ơ lạnh nhạt với chú bé mà chỉ vì nể nang, tính toán, nên ba Tuyết đã cho về ở trọ trong nhà. Bởi Tuyết không thích đóng vai chị cả, không ưa bận tâm vì người khác nên Tuyết đã ghét Minh ngay tự buổi đầu.

Ấy thế mà trái lại, bây giờ Tuyết đâm ra quyến luyến nó, thích săn sóc nó như một người chị vậy. Đến nỗi Tuyết không nề hà ngồi giúp nó ôn lại bài thi, áy náy sợ nó bị lạnh trong giấc ngủ, và dỗ dành an ủi khi nó có chuyện buồn.

Vừa rồi, Tuyết còn ngồi nhìn Minh chăm chú học bài. Khi nó ngước đầu lên, Tuyết mỉm cười yên lặng nhìn nó… Đến khi nó học xong thì Tuyết pha nước cho nó uống và trò chuyện với nó, mà lòng thấy hân hoan êm dịu, cảm xúc y như một người mẹ, người chị ngồi trước mặt con em thân quý.

Tuyết vẫn cho mình là người dạn dĩ, thế mà Tuyết lại đâm ra nể nang dè dặt trước mặt một đứa trẻ, cứ e ngại làm nó phật lòng vì những cử chỉ của mình.

Vào buồng Minh, Tuyết không dám phục sức diêm dúa, sợ nó nhìn mình bằng đôi mắt chê trách.

Thực lạ, anh Lộc nhỉ ? Còn nhớ hồi nào bàn về quan niệm hôn nhân, anh tỏ ý muốn có một lũ trẻ con nhảy múa quanh mình, Tuyết đã chế riễu anh mà bảo: “Nếu lập gia đình không khi nào Tuyết muốn có con. Vì Tuyết ngán con lắm!”

Bây giờ trái lại, Tuyết tưởng nếu có được những đứa con ngoan ngoãn, dễ thương, những thằng Minh kháu khỉnh ở quanh mình thì cuộc đời chắc sẽ tươi đẹp nhiều lắm. Có lẽ còn tươi đẹp và ý nghĩa hơn đời sống xa hoa vị kỷ mà Hoàng hứa hẹn mang lại cho Tuyết nữa !

Tuyết bắt đầu phân vân về quan niệm đời sống của mình. Thế mới lạ chứ ! Hay là Tuyết điên rồi hả anh ?

À, nhưng anh không được cười Tuyết đâu đấy nhé ! Tuyết chắc anh hiểu sự thay đổi của Tuyết mà không chế riễu Tuyết như các bạn khác, phải không anh ?

Thôi Tuyết tạm ngưng để dành đến khi gặp anh sẽ nói chuyện nhiều. Anh vẫn nhất định sống chết với các bệnh nhân của anh ở cái xó tỉnh lỵ ấy chứ ? Có gì lạ bên bờ Đồng Nai không hở “thầy lang” ?
TUYẾT"    

________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 4


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>