Tác giả : BÙI QUANG TRIỀU
LÊNH ĐÊNH TRÊN SÔNG
Từ sớm đến giờ, cùng thả
diều với chú Út mà hồn thằng Đông để tận đâu. Nó mãi ngóng bé Trúc : cô em họ.
Bé Trúc của cô Ba, em kế ba Đông, bé nhắn với cô tám sẽ về ngày hôm nay. Nghĩ
đến bé Trúc, Đông mỉm cười sung sướng. Cô bé về Đông được lên chân, ở đây tuy
được mọi người chìu chuộng nhưng Đông không ham. Nó muốn làm oai cơ! Nó đã là
anh cả của bốn đứa em chứ đâu ít! Cô bé Trúc về Đông sẽ có người để săn sóc,
cũng là dịp để cu ta biểu lộ tính anh hùng.
Một chiếc xe hàng đổ ngay
đầu con đường làng, Đông nhìn kỹ, ồ bé Trúc kìa! Cô bé trông xinh tệ, chiếc áo
dài màu vàng cũn cỡn bao lấy thân hình thấp chủm trông đáng yêu ghê. Tay mang túi xách, mắt bé đảo quanh tìm người nhà. Không
kịp thâu diều, Đông hấp tấp chạy ra miệng la bài hãi:
- Bé Trúc! Chú Út ơi! Bé
Trúc về kìa!
Mới vắng có mấy tháng, Đông
thấy bé lạ đi. Nhà cô dượng Ba ở mãi vùng vườn miệt Kiến Hòa, anh em chỉ được
gặp nhau vào những ngày Giỗ, Tết. Đông ngạc nhiên:
- Ủa! Trúc về một mình được
sao?
Giọng cô bé tự phụ:
- Chớ sao, bé còn đi về nội
được nữa kìa!
Tuy nói vậy, cô bé vẫn kể
chuyện chuyến đi cho Đông nghe : nhân có người đi ngang qua đây, ba má gửi bé
theo. Đông giành lấy túi xách, hai anh em đi về phía cổng nhà, chú Út và cô Tám
đang đón sẵn. Mỗi người hỏi bé một câu khiến nó phát lo dùm:
- Thôi, Trúc mệt đó, cô Tám
đừng hỏi nữa để Trúc nghỉ mà.
Có tiếng bà nội rầy yêu:
- Thằng sao hôm nay cưng em
quá vậy! Mọi lần gặp nhau là cứ cãi lộn…
•
Vừa mở mắt ra Trúc đã đòi đi câu. May quá! Hôm nay chú Bỉnh rảnh, hôm qua chú ráng sức cày xong thửa ruộng nhà, về lúc đỏ đèn. Gặp Trúc chú mừng lắm, trông cô bé xinh xắn ai lại chẳng thương.
Chú sửa soạn lại chiếc xuồng
máy, châm xăng nhớt. Ra sông lớn phải cẩn thận như vậy, sóng to chẳng biết đến
lúc nào, vả lại bé Trúc không quen đi xuồng nhỏ, trông mặt nước lé đé be xuồng
bé đã chóng mặt.
Tiếng máy nổ nghe ròn rã,
chiếc xuồng chở đầy dụng cụ đi câu vọt nhanh tới trước, hướng về đầu Vàm. Chú Út trổ tài coi lái, chú giỏi ghê! Trạc tuổi Đông mà
chú hơn Đông về mọi phương diện trừ việc học, chẳng qua chú là học trò trường
quận. Chú Bỉnh căng lều, chiếc lều bằng vải ka ki xanh được trương lên bởi
những cong sắt dài phồng mình trước gió. Ngoài hướng sông cái, Đông thấy được
những cột buồm cao khỏi ngọn bần của mấy chiếc tàu buôn. Dần dần, những thân
tàu đồ sộ hiện ra trước mắt. Mấy chàng thủy thủ trông như những con kiến đang
dùng khăn vẫy lia lịa. Chú Bỉnh bớt ghe máy, xuồng từ từ tiến chậm ra khỏi Vàm,
trượt trên giòng nước ngầu đục của con sông. Chú sửa soạn thả câu, một cái phao
màu đỏ được liệng xuống, thả từ từ dây câu mang lưỡi móc mồi tôm xen lẫn với
phao và neo sắt. Phao để làm dấu đường câu, neo sắt để móc dây câu chìm lơ lửng
đáy sông. Đường câu được chấm dứt bằng một phao to trên có gắn lá cờ tam giác
đỏ dùng làm hiệu tàu bè qua lại.
Chú Út quay đầu xuồng vào miệng Vàm, nấp bóng dưới tàn
cây. Bữa ăn sáng được dọn ra, nồi cơm nếp với gói muối mè. Cả bốn thanh toán
mau chóng. Chú Bỉnh lấy ra 4 cần câu để dưới sạp xuồng, từng con tôm được móc
vào lưỡi câu để đổi lấy những chú cá chốt mập mạp, những con tôm càng đỏ những
gạch. Quái! Trong khi hai chú giựt lia lịa thì Đông và bé Trúc ngẩn ngơ. Chú Út chê nặng bóng vía, không câu được. Đông chịu, chẳng
biết có đúng không. Buồn tình, Đông nhìn qua bên kia sông, rừng chà là hiện ra
xanh mướt dưới ánh sáng buổi sớm. Ông Nội bảo hồi trước ông Cố ông Sơ đi khai
đất hoang ở đó. Những đám cốc kèn, bần con, chà là được bàn tay cứng chắc của
người nông dân tiền phong dọn sạch. Từ đám rừng ngập nước vô tích sự, chúng đã
trở thành những thửa ruộng phì nhiêu, những giồng khoai đầy củ. Họ nào có chống
chọi với thiên nhiên không đâu! Trên rừng cọp và beo rừng vẫn thường rình phá
hoại, dưới nước sấu chực sẵn chờ mồi. Những trận đánh nhau giữa cọp và người
được loan truyền từ đời này sang đời khác. Dần dần nhờ ý chí cương quyết, trí
óc khôn ngoan, họ đã đẩy dần thú dữ vào trong rừng sâu, ruộng rộng ra mãi, rộng
mãi… đến lúc thú dữ cảm thấy không còn chỗ dung thân phải tìm đường lánh nạn.
Lớp bị người đánh đuổi, lớp bị thiên nhiên bạc đãi, giờ đây những thú dữ ấy gần
như mất hẳn. Công việc khó khăn này trải từ đời này sang đời khác biết là bao
công lao, biết là bao xương máu.
Tiếng reo của bé Trúc làm
Đông bừng tỉnh, chú cá đối to đang dãy dụa dưới sạp xuồng đè lên mớ cá tôm câu
được. Khá ghê ta! Bao nhiêu đây về ăn hàng mấy ngày chớ ít gì. Mặt trời đã lên
cao, mọi người cảm thấy nóng. Chú Bỉnh xếp cần câu lại, mở máy tiến ra cái phao
đỏ ngoài sông. Chú phăng lần, phăng lần… có vật gì động đậy làm căng sợi dây
câu. Ô! Một chú cá ngác đen sì, lại thêm những con cá út miệng tác hoác. Đông
và bé Trúc vỗ tay reo ầm ĩ, dễ gì được thấy cảnh này. Riêng chú Út nheo mắt
nhìn Đông ra vẻ ta đây đã biết quá thừa. Mặc, Đông vẫn vui cười khi thấy chú cá
vẫy vùng đầu nhợ. Con cá ngác cuối cùng nhỏ tí, chú Bỉnh thả nó trở lại giòng
sông. Bàn tay chú đầy nhớt cá, Đông thấy phục chú ghê, về Saigon
phải khoe tụi thằng Tấn cho tụi nó nể chơi.
Chiếc xuồng được mở máy quay
mũi về hướng Vàm, để lại đàng sau làn nước trắng xóa. Đông ngó về phía biển,
hàng đáy san sát lẫn nhau mang những chiếc lều con bạn thân nhất của lũ chim bồ
nông, già đảy. Xa hơn nữa, núi Ô Cấp hiện ra mờ mờ, vài chiếc tàu đang tiến vào
sông nhả từng cuộn khói đen trên nền trời xanh ngát.
•
PHẦN IV
NHỮNG CHÚ CHUỘT ĐỒNG
Sau buổi đi câu đầy hứng
thú, Đông bị bó chân ở nhà. Những cơn mưa đầu mùa chợt đến không báo trước. Bé
Trúc mãi tíu tít với dì Tám nên không thấy sốt ruột. Riêng Đông chán lắm, nói
chuyện với các cô chẳng thích tí nào, ở nhà Nội Đông chỉ hợp với chú Út, chú
Bỉnh. Ba hôm nay ông Nội và hai chú đem chiếc máy cày xuống làm ở vịnh Xiêm
Ưng, bên bờ sông Cái. Sáng đi sớm, chiều tối mịt mới về. Đông nhiều lần xin
theo Bà không cho, hỏi chú Út có gì vui không, chú nhe hàm răng trắng ởn cười
cười. Chú nói nào muỗi, rắn và đỉa nữa (chú biết Đông vốn sợ đỉa). Mỗi lần về
chú mang trên vai những xâu nhái bầu kêu la ồm ộp. Nhái bầu nấu canh bù ngót
hay kho tiêu thì ăn bằng thích.
Mưa mãi rồi cũng có lúc
tạnh, nắng đến gắt như bù lại những lúc bị mây bao phủ.
Có vậy chứ, thằng Mễn hôm
nay rủ mình đi đào chuột đồng kia mà. Tiếng thằng Mễn réo:
- Đông ơi! Đông! Đi mày.
Mới nhắc thì nó đến, hay
ghê. Đông nhìn ra ngõ, thằng hôm nay ăn bận lạ : chiếc quần kaki cắt tới đầu
gối, chân mang giày lính cột dây chuối, tay cầm dao, vai mang giỏ tre. Đông với
vội cái cuốc bươn bả đi ra cổng, Bà nhắc Đông:
- Đội nón vô con.
Cầm chiếc nón từ tay bà
trao, nó cười với bà, ngoắc bầy chó đi ra cổng. Đứng cạnh bên thằng Mễn có cả
cu Tèo, lại có thằng Ngọng ở cạnh nhà nữa. Bé Trúc ngó theo Đông lè lưỡi, con
vật bé sợ nhất là chuột, trông bộ lông đen xỉn cũng đủ ghét, lại còn tiếng kêu
nữa chứ, cái gì mà cứ: Chít! Chít! Chẳng ra gì cả.
Con đường làng đã ráo nước,
bên cạnh đường những ngôi nhà lá xinh xắn với hàng rào me keo tươi xanh sau
trận mưa. Vài thửa ruộng cao chưa cày xanh những cỏ. Một lũ trẻ trạc Đông lật
rơm tìm dế. Đông chẳng bao giờ chơi loại dế này, chúng nhát lắm, đá nhau vài
cái là chạy. Những chú dế ở đất nẻ mới hăng, anh hùng mới ở riêng một cõi chứ
lỵ!
Mễn ngoắc Đông:
- Xuống đây nè mày.
Nó rẽ xuống bờ ruộng, thằng
làm bộ đàn anh:
- Nếu mày sợ thì đứng đó
chơi nghe không. Đi bậy nó té một cái là rồi.
Thằng Ngọng không nói được
rõ ràng cũng quơ tay, miệng nói (thực sự là la) một tràng dài không có phụ âm
đầu, trông “đía” lắm.
Cáu tiết, đông vượt tới
trước. Đây rồi! Một hang chuột to, lũ chó tràn tới sủa “ẳng, ẳng”. Đông đưa
thằng Mễn cái cuốc. Mấy nhát cuốc đầu làm bật mạnh cái hang. Một ngách, hai
ngách… có tới 5 ngách, lũ chuột khôn thiệt, hèn gì… hang chuột ngắn dần lại,
Mễn la to:
- Tụi bây coi chừng!
Phập! Nhát cuốc cuối cùng
thật mạnh, lũ chuột phóng ra ngoài, nhanh như chớp đám chó săn phóng tới như
luồng gió, chúng cắn từng con chuột đem lại Đông, một vài con thoát chui vào hang
bên cạnh. Giọng thằng Mễn to nhất:
- Nhanh! Chận đầu kia, đập!
Thằng Ngọng chậm quá, phụ nó Tèo. Rồi, được rồi, chục trự là ít.
Thằng Ngọng tay đập miệng la
những tiếng ngắn đục, trông nó mà bắt cười. Tèo nhanh như sóc, đập con này hụt,
trở gậy con khác, lũ săn thật giỏi.
Chưa đầy hai tiếng đồng hồ, giỏ tre đầy những chuột. Thủ
lãnh Mễn ra lệnh lui quân. Mễn kéo cả bọn đến nhà ông già Bảy, ông ta thấy được
mớ chuột mắt sáng hẳn lên. Ông kéo rơm ra sau hè, để chuột trên những vỉ kẽm
gai, thui sống. Tiếng lửa nổ lép bép nghe thật vui tai, mùi lông chuột pha với
mùi rơm quyện lên từng vòng trong không khí. Lửa tàn, những chú chuột vàng bóng
hiện ra. Tiếng ông
Bảy tiếc rẻ:
- Cha! Lúc này nó chưa mập,
phải vài tháng nữa thì biết.
Tèo phản đối:
- Đâu được ông, phải bắt
trước để dọn đất gieo mạ chớ. Năm ngoái mạ nhà bị chúng cắn ráo nạo, giận ghê!
Quả thật, lũ này ác lắm, lại
không tổ. Mồi pha thuốc độc chẳng bao giờ ăn. Chúng chỉ thích thân mạ ngọt mềm.
Đám ruộng nào có chúng thì khổ, sáng ngày chẳng còn gì. Mà chúng ăn hết cho
cam, chỉ cắn ngang, lớp ăn lớp bỏ, thấy mà đứt ruột.
Ông già Bảy sắp
lũ chuột vào trong rổ, đem ra bờ ao. Loáng mắt, ông đem lên một rổ thịt trông
phát thèm, tối nay ông già nhậu cho đã, chuột này đem quay chảo thì phải biết…
Ông già bảo mỗi đứa lấy một mớ. Ba thằng lắc đầu, riêng thằng Ngọng thích lắm :
ba nó vốn là dân bợm nhậu.
Nói chuyện một lúc, mấy đứa
chia tay, Đông về nhà, ông Nội và hai chú vẫn chưa về. Mùi xào nấu từ nhà sau
xông lên ngào ngạt, có tiếng cười của bé Trúc, tiếng cười thật trong trẻo, thật
dễ thương.
___________________________________________________________________
Xem tiếp Phần III
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 126, ra ngày 1-7-1974)
Bìa của Vi Vi : Hương đồng nội |