Buổi tối đến, ăn cơm xong Đông ngồi bên ông Nội. Mấy ngày dang nắng trông ba người như đồng bào Thượng. Đặc biệt chiều nay chú Út xách thêm một xâu cá rô, con nào cũng to thù lù. Đông đưa mắt ra vẻ muốn hỏi chú Út, chú cười nhìn ông Nội, Đông hiểu ý.
Đợi ông dùng xong miếng đu
đủ, Đông rót nước cho ông và gợi chuyện:
- Nội ơi! Nội bắt đâu được
cá to thế hả Nội? Khó không hả nội?
Nội hớp một ngụm nước, đáp
với giọng hiền từ không kém phần bí mật:
- Có gì đâu con! Mưa xuống
cá lên bờ, Nội chỉ việc bắt bỏ vào giỏ là xong.
Đông tròn mắt, ngộ thật ta!
Chú Bỉnh giải nghĩa thêm:
- Con biết tính loại cá đồng
hay di cư sang chỗ khác (chú gọi Đông là con ngọt xớt, dù chỉ hơn Đông 7, 8
tuổi). Loài cá thường có thiên tính đặc biệt. Con có biết cá Linh không? Loại
cá nhỏ thường làm mắm đó. Ra đi lúc còn bé tí từ miền biển Hồ xa thẳm, sống lây
lất đến vùng sông Cửu Long, đến ngày tháng đúng kỳ, lũ cá này ngược giòng trở
về đất tổ như theo lời kêu gọi huyền bí nào đó. Loại cá rô cũng tương tự như
vậy, chúng hay di cư sang chỗ khác, dùng hai cái mang cứng chắc như ta dùng
tay. Chúng đi có khi vài ngày, đôi khi chú gặp một vài con trong đám cỏ rậm.
Chúng nấp ánh nắng gay gắt của mặt trời, chỉ di chuyển đêm tối có sương mù hỗ
trợ. Thấy lờ đờ vậy mà thả vào nước, lúc sau lội như tép.
Ông Nội tiếp lời:
- Đặc biệt là chúng có thể
sống dưới đáy đìa những tháng khô. Nội vét đìa thường gặp nhiều chú cá như ngủ
trong đám bùn đó. Hay chưa?
Đông nói với giọng khôi hài:
- Nhưng vẫn thua mình Nội
há? Bằng chứng là ngày mai mình có được bữa cá rô chiên dầm cà nè!
Cả nhà cười rộ, dưới ánh đèn
măng-sông, Đông thấy mặt mọi người thật rạng rỡ. Cái rạng rỡ chỉ thấy có ở
những con người được sung sướng trong khung cảnh êm ấm của gia đình.
PHẦN V
ĐOÀN NGƯỜI BẮT NGHÊU
Đông giựt mình tỉnh dậy,
trời sáng rõ, nó vừa trải qua một giấc mộng dài đầy thích thú. Trong cơn mơ,
Đông thấy mình được đi về hướng biển xa bắt từng con sò, nghêu trắng đục, đến
lúc bà Nội luộc một nồi nghêu thì nó tỉnh giấc, tiếc quá!
Kể từ hôm đi câu với các
chú, nó mãi ước ao đi về phía vùng biển xa, nơi có những hàng đáy cây trông chỉ
to bằng kim gút. Hổm rày từng đoàn người chất đầy trên những chiếc ghe to, họ
đi bắt nghêu ngoài biển. Đông muốn đi lắm, nhưng ông bà không cho. Ông bảo chờ
chú hai Châu buôn dừa về sẽ cùng đi với các cô chú. Đông chờ đợi, nỗi ao ước
quá đậm nên mới có giấc mộng vừa rồi.
Đông bước ra khỏi buồng, thì
lạ chưa! Chú hai đang ngồi nói chuyện với ông Nội bên ánh đèn bóng lù mù. Ý!
Không chừng…
Thằng bé nhảy cẫng lên, ngó
chừng ông Nội, hai người đang quay lưng vào trong. Hấp! Nháy mắt Đông đã xuống
nhà sau. Bà Nội đang nấu một nồi cơm to. Thôi đúng rồi! Mọi bữa chỉ nấu cháo,
hôm nay chắc phải đi xa đây. Đông rà lại gần cô Tám hỏi nhỏ:
- Cô Tám, cô Tám sao bữa nay
bà nấu cơm chi nhiều vậy?
Cô nguýt Đông:
-Khéo hỏi, bộ chú không biết hôm nay đi bắt
nghêu sao?
Đông mừng rơn, dợm chạy kêu
chú Út, cô Tám dọa:
- Hổng chừng Đông bị bỏ lại
nhà đó, ra ngoài khét nắng về má chê à nghen!
Thằng bé hất mặt:
- Khỏi lo đi, Đông vào xin
bà.
Tiếng bà tằng hắng, Đông
nhìn lại, bà đã ra từ hồi nào, nghe lén cô cháu đấu khẩu, bà nhìn Đông cười:
- Thôi khỏi xin, mau vào kêu
chú Út dậy sửa soạn đi con.
Riêng bé Trúc biết xin cũng
chả được, bé cứ mãi chọc mấy chú gà, nhử những chú vịt tròn quay.
Đông vào buồng, nhào cái rầm
lên giường, chú Út bừng tỉnh ngơ ngác. Đông la:
- Hù! Chú
Út dậy mau, soạn đồ đi bắt nghêu.
Chú dụi mắt, coi bộ bắt
nghêu không hấp dẫn được chú, nên Đông lôi chú xềnh xệch ra sau hè, tát vào mặt
chú lon nước, chú la và tỉnh hẳn.
Chiếc ghe to đậu ngoài mé
rạch được chất đầy những dụng cụ lạ lùng : những bàn cào, liềm, dao phay, rổ,
cần xé… Chú Bỉnh căng thêm cái mui giả bằng đố, cô Tám, chú Út ngồi sẵn hai bên
mạn ghe cùng với thằng Ngọc, thằng Báu tụi con chú Hai. Vừa thấy Đông chúng làm
đủ mọi trò đứa méo miệng, đứa trợn mắt, bồ cũ nhau đó.
Sau cùng ông Nội cùng chú
Hai lững thững đi ra cùng vài người hàng xóm. Cuộc du hành bắt đầu, tiếng máy
nổ nghe thật êm. Ghe lớn, máy lớn chạy nhanh như gió. Chiếc ghe lần lượt bắt
kịp những chiếc đi trước, bọn Đông vung nón và khăn lên mỗi khi vượt qua mặt
thuyền nào, trông chúng tự phụ lắm.
Càng ra gần biển, quang cảnh
càng lạ đi. Bần, mắm đã được thay thế bằng những khu rừng chà là dày bịt đầy bí
mật. Những chú bìm bịp lông xám chuyền từ cành này sang cành khác, những chú
chim chài có bộ lông xanh – bộ lông màu ông Tú Tài ngày xưa – thỉnh thoảng
phóng mình xuống nước xoáy chạy dài ra đến giữa sông.
- Mày thấy gì không? Đá hàn
đó, ba tao nói ngày trước dân làng đổ đá xuống sông chận tàu Tây, kỳ công ghê
há?
Đông nhớ lại một đoạn sử hào
hùng của dân tộc : không đủ súng ống đối địch, mọi người cố ra công ngăn chặn
đường tiến quân của giặc. Công lao khó mà kể cho xiết, không chừng ở đâu đây
hãy còn phảng phất anh linh của những chiến sĩ vô danh lắm đó. Nghĩ đến đây
Đông rùng mình, ngó dáo dác, ông Nội vẫn còn đang nói chuyện hào hứng với chú
Hai, đưa tay chỉ về hướng rừng chà là, chú Bỉnh ngủ ngon lành trong mui ghe.
Không có gì lạ, thằng bé thở phào nhẹ nhõm.
Mõm cồn hiện rõ dần, sóng
nhấp nhô, từng đàn bồ nông thả trôi bềnh bồng cùng sóng nước. Gió thổi mạnh,
chiếc ghe rẽ sóng băng băng. Đôi khi một đợt sóng to, chồm lên mũi thuyền, muôn
ngàn hạt nước văng tung tóe. Chung quanh cồn
cát, hàng trăm chiếc thuyền đủ hạng trước sau cập bến. Từng nhóm người túa lên
bãi, tiếng gọi nhau ơi ới. Tụi trẻ nôn nao, chúng mong thuyền lướt nhanh tới,
kẻo bị chiếm hết chỗ.
Ghe rà theo mõm cồn, nước
chưa sát nhiều. Chú Hai đậu ghe gần bờ bên cạnh trụ hải đăng cũ. Lũ trẻ giành
xuống, thằng Ngọc phóng đầu tiên. Ùm! Mất hút… Vài giây sau nó nổi lên, ho sặc
sụa. Ông nội la:
- Coi chừng! Sâu lắm đó, từ
từ đã.
Chú Hai bắc một cây đòn dài,
mọi người lần lượt đi lên mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh.
Đông lên sau cùng với ông.
Mặt cát thật mịn, đen xỉn, những vỏ sò nghêu lóng lánh dưới mặt nước trong.
Những con nghêu xinh xắn thấy động chui mình sâu xuống cát. Đông hồi hộp, xề
ngay xuống nước móc từng con nghêu trắng nõn. Chú
Út cười bảo nó:
- Mày bắt làm quái gì thứ
này, lại đằng kia nhiều hơn, chỗ này người ta bắt rồi, ít lắm.
Chú nắm tay Đông, hai đứa
chạy trên bãi cát, nước xóa dần những bàn chân của chúng, không để lại dấu vết
gì. Tới một chỗ nước rút cạn, chú Út dùng bàn cào xới cát lên. Á ngộ! Từng con
nghêu hiện ra, Đông vồ ngay cho vào rổ, chẳng chừa con nào, chú Út khoát tay:
- Mầy bắt chi lũ bé tí teo
đó, vác nặng lại chẳng thịt thà gì, lựa thứ lớn lớn đó.
Đông cười chữa:
- Lớn thịt lớn, nhỏ thịt
nhỏ, bỏ uổng chú.
Chú Bỉnh giải thích:
- Chú Út bảo đúng đó, Đông
bỏ những con nhỏ đi, để vài tháng nữa nó lớn cái đã.
Đông nghệch mặt, ừ nhỉ! Hèn
gì người ta bắt hàng tháng vẫn chưa hết, đúng lắm.
Chú Bỉnh bắt với đường lối
khác. Trước tiên chú khoét một lỗ to, nước tràn vào đầy ắp, chú dùng thau tát
lên chung quanh, cát trôi đi, lộ những con nghêu to vàng nghính. Đông thích chí
ca hát vang khiến mọi người nhìn lại, họ mỉm cười khi thấy bộ dạng ngộ nghĩnh
của thằng bé.
Nước sát, cồn cát nổi rõ.
Từng nhóm người đào xới, những đứa nhỏ giữ nhiệm vụ khuân nghêu xuống xuồng.
Lúc rảnh chúng chia phe nhau đánh u mọi, đá banh. Lớp cát mịn thật êm không bãi
cỏ nào bằng. Dường như chúng đã chán cảnh tượng này, đi bắt nghêu đối với chúng
chắc là một sinh kế hơn là thú vui như Đông đã nghĩ. Cồn cát thật rộng, chạy
dài ngút ngàn, Đông nhìn ra xa những dãy núi xanh đậm như nổi trên mặt biển dợn
sóng.
Chẳng mấy chốc, thằng Ngọc
đã mang về ghe mấy thùng nghêu đầy, chú Út cũng vậy, Đông vác thử một bao. Nặng
ơi là nặng, muốn xệ cả vai, chú Út đưa tay lêu lêu, thằng bé mắc cỡ xông tới
trước, hai đứa đuổi nhau trên bãi cát. Bịch! Một đứa trượt chân, đứa còn lại lỡ
đà rơi nằm một đống. Cát phủ mắt, tóc tai, hai đứa cùng ngồi xuống mé nước rửa
mặt.
Từng đàn vịt nước từ trong
bờ bay ra, đáp xuống gần cồn, kêu oang oác. Những con vịt lông rằn nhỏ nhắn bao
quanh các ông bồ nông già chậm chạp nổi bật. Ở hàng đáy kề, người ta kéo lưới :
nước sắp lớn. Từng tiếng gọi nhau ơi ới, lẫn với tiếng huýt còi. Mấy chú nhỏ
được dịp hoạt động, hết chạy nơi này đến nơi khác, tìm những người đi chung
thuyền gọi về. Ông Nội phụ chú Bỉnh vác những giỏ nghêu xuống ghe. Phe chú Hai
đã xong, Ngọc rủ mấy đứa đi tắm.
Nước biển mặn chát, đục
ngầu. Thây kệ! Tụi trẻ cứ lặn hụp khoe đủ các lối bơi, mãi đến khi có tiếng gọi
chúng mới chịu về xuồng. Những người hàng xóm về đến, người nào cũng vác một
bao nghêu to, họ lựa đấy! Nghêu to bán được giá hơn.
Từng chiếc ghe nối đuôi nhau
đổ vào sông cái, sau lưng bãi cồn chìm dần dưới làn nước lớn. Ông Nội ra trước
ghe hỏi Đông:
- Vui hôn con?
Đông nhìn Nội la to:
- Vui lắm Nội ơi! Nhưng hơi
mệt.
Ông cười:
- Chưa
có gì đâu con, mai mốt sẽ biết.
Đông nhớ lại những kỳ đi
biển trước. Ái chà! Rát kinh khủng, nằm thế nào cũng không êm, sau đó da bị lột
từng mảng. Nguy thiệt! Phải lúc nãy nghe lới chú Bỉnh đừng cởi áo.
Chú Út miệng nhai cơm, hỏi đố Đông:
- Đố mày mấy con nghêu này
biết lội không?
Đông lắc đầu, nặng thế này
làm gì lội cho được, chú Bỉnh cười phá lên:
- Đông lầm rồi, nghêu vẫn
lội được đó, nó le lưỡi ra như chiếc thuyền con, kéo theo cái vỏ nặng. Những
người đi lưới ngoài biển vẫn thường gặp hàng ngàn, hàng triệu con trôi theo
giòng nước. Vướng đáy, đáy lủng, vướng lưới, lưới rách không gì cản được. Bởi
vậy chúng đi từ cồn này đến cồn khác cách xa hàng mấy chục cây số, nếu không
chúng phải bỏ hàng năm.
Ông Nội vuốt râu tiếp
chuyện:
- Mọi người thường nói giống
nghêu đem lại điều xui. Nghêu ngao ấy mà, năm nào có nghêu thì đồng ruộng sẽ
hoang vì nắng. Xui đâu chẳng thấy, ông chỉ thấy có công ăn chuyện làm lại cho
mọi người.
Tất cả cười ồ. Ghe đi sâu
vào sông cái, gió bớt, sóng không còn to, mọi người thiu thiu ngủ, chú Bỉnh
thay chú Hai cầm lái ngoài sau. Đông ghếch đầu lên bắp vế ông thở đều trong bầu
không khí thoáng đãng thơm mùi muối biển.
•
Về đến nhà, mọi người chỉ
kịp khuân nghêu lên, ngủ một giấc đến khuya mới dậy được. Bà nấu nồi cháo nghêu
béo ngậy mùi dừa. Ăn xong bé Trúc khều Đông nói nhỏ:
- Nè! Anh Đông, Bà biểu anh
mai về.
Đông nhảy nhổm:
Hử! Mai?
Bé gật đầu ra vẻ buồn ngụ ý
chế giễu, Đông đưa mắt ra vẻ muốn hỏi, Bà bảo:
- Ờ! Con soạn đồ mai về sớm,
có người quen nhắn bảo con về, nghe đâu Ba con sắp đi Đà Lạt, tính dẫn con theo
đó.
Đông mừng quýnh. Ô! Đà Lạt!
Nơi Đông từng mơ ước đặt chân. Hồi Đông đậu vào lớp 6, Ba bận không dẫn Đông đi
được. Ba chỉ gởi Đông về quê. Nay thì… thú thật!
Đông thoáng nghe Bà bảo cô
tám xếp đồ cho nó, sáng chú Bỉnh đưa về. Nó tiếc trời tối không kịp giã từ tụi
thằng Mễn. Chẳng sao! Đi chơi xong lại xuống, hè còn dài, lo gì!
Sàigòn 4-74
BÙI QUANG TRIỀU