Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

CHƯƠNG 2_CHÚ THỎ ĐẾ

2


Ngày lễ sinh nhật của Tuyết, trung thành với lời đã hứa, Minh lấy bộ quần áo bảnh nhất ra mặc, đầu chải gọn gàng, rồi ngồi đợi sẵn trong phòng, mở sách ra đọc. Xem được mấy trang Minh chợt nghe có tiếng chân nhịp nhàng bước tới, và Tuyết hiện ra lộng lẫy giữa khung cửa. Nàng mỉm cười hỏi:

- Minh ơi, em coi chị thế nào ? Chiếc áo nầy chị mới may đấy.

Minh nhìn Tuyết rồi bỗng đỏ mặt cúi xuống:

- Chị có chiếc áo đẹp lắm, nhưng …..

- Nhưng sao nói lẹ đi !

- Hình như chị quên chưa mặc áo lót trong.

Tuyết phá ra cười:

- Mốt mới bây giờ mặc thế đó.

- Em không thích mốt đó. Má em cũng không mặc thế bao giờ.

Tuyết dậm chân vui vẻ đáp:

- Thôi đi khỉ ơi ! Minh còn ngốc lắm chưa biết gì hết. Chị phải ra tiếp khách bây giờ đây. Ra cùng với chị đi.

Theo Tuyết ra phòng khách, Minh thấy khách khứa đã đông đủ, tốp ngồi, tốp đứng quanh gian phòng rộng. Quang cảnh lộng lẫy dưới ánh đèn điện diễm ảo, có những tà áo màu sặc sỡ, lượn đi lượn lại và tiếng cười nói huyên náo làm Minh bỡ ngỡ.

Minh liền chọn một chỗ khuất, đứng lẩn sau một chậu cảnh để quan sát, thì có tiếng hỏi phía sau làm cậu quay đầu lại:

- Đứng làm gì đây chú ?

Người hỏi câu ấy là một thanh niên cao lớn, có nét mặt thẳng thắn, cởi mở, đương mỉm cười nhìn Minh.

Minh lúng túng đáp:

- Thưa anh, em chờ …. dự tiệc.

Nụ cười trên môi thanh niên nở rộng hơn:

- Chắc còn lâu. Chú muốn chúng mình nói chuyện làm quen với nhau không?

- Dạ, muốn.

- Vậy anh tự giới thiệu: Anh tên Lộc. Bùi Hữu Lộc. Còn chú tên gì ?

- Thưa, em tên Nguyễn Đức Minh, em ở trọ nhà ông bà Toàn Thịnh chờ ba má em về.

Thanh niên gật gù:

- À, thế ra chú là chú bé mà Tuyết thường nói đến đây.

- Thưa, anh có quen chị Tuyết ?

Lộc vui vẻ gật đầu:

- Dĩ nhiên rồi và quen biết từ hồi còn nhỏ kia.

Và vỗ vai Minh, Lộc bảo:

- Chú kể chuyện của chú cho anh nghe đi.

Tự nhiên Minh thấy tin tưởng vào Lộc. Không đợi phải giục, Minh kể.

- Chuyện của em giản dị lắm: Gia đình em nghèo nên ba em lãnh với một công ty ra ngoài Phú Quốc lập một nhà máy. Má em cũng theo đi. Em vì còn phải đi học nên ba má cho em ở lại với ông bác là ông Nghị Lâm. Nhưng bác em chẳng may bị đau phải lên Đà Lạt dưỡng bệnh ít lâu nên lại gửi tạm em ở đây.

- Phải xa gia đình chú có buồn không ?

- Thưa anh buồn chứ ! Nhưng em phải cố gắng học cho xứng đáng với bao nỗi vất vả của ba má em. Em không muốn làm cho ba má em buồn thêm. 




Lộc gật đầu khen:

- Khá lắm ! Thế mới là con trai. Tôi đâm ra mến chú rồi đó.

- Cả anh nữa, em cũng thích anh lắm. Thế còn chuyện của anh, anh kể cho em nghe đi.

Lộc ngạc nhiên nhìn Minh rồi bỗng phá ra cười:

- Chú này láu thật ! Nhưng có đi có lại mới toại lòng nhau, phải không chú ? Mình là bạn thân với nhau rồi mà !

- Em mong được coi anh như anh của em.

- Càng hay. Vậy thì chuyện của anh như thế này: Anh quen chị Tuyết từ mười năm nay. Hồi đó có lẽ anh cũng vào trạc tuổi chú. Nhà anh ở bên bờ sông Đồng Nai, thuộc thị xã Biên Hòa. Cách nhà anh không bao xa có một ngôi biệt thự bỏ hoang đã lâu ngày. Cổng ngôi biệt thự đó tuy khóa chặt song bức tường rào xung quanh có nhiều chỗ bị sụp đổ. Anh và các bạn cùng tuổi thường do những chỗ hở đó đột nhập vào khu vườn cỏ mọc um tùm của ngôi biệt thự vắng bóng người đó để đùa nghịch với nhau, công nhiên coi như đất riêng của tụi anh vậy.

Một hôm có tốp thợ đến mở cổng ngôi biệt thự ấy và đuổi bọn anh ra để sửa chữa, quét vôi, sơn cửa, dọn dẹp lại khu vườn thực đẹp đẽ. Rồi mùa hè năm ấy có một gia đình tới ở. Gia đình đó là chủ mới của ngôi biệt thự. Mới đầu người trong vùng không biết họ là ai, vì họ có vẻ cách biệt, hợm hĩnh. Mãi sau mới biết là gia đình ông bà Toàn Thịnh, một thương gia giàu có ở đô thành.

Năm anh học lớp đệ tứ trung học, về nghỉ hè, nhìn vào thửa vườn năm xưa cùng chúng bạn vui đùa, thấy đã khác trước nhiều. Bồn hoa, cây cảnh thắm tươi đầy màu sắc, khiến anh mải mê đứng lại. Vừa hay có một đứa trẻ gái trạc tám tuổi, xinh xắn, chạy tung tăng ở giữa vườn. Qua hàng rào sắt thấy anh đứng đó, nó cười, hái một đóa hồng đưa cho. Đứa trẻ gái ấy là Tuyết.

Cuối năm thi trung học về nghỉ hè anh thường cùng các bạn ra bơi lội ngoài sông. Chú phải biết là anh bơi giỏi lắm. Một hôm, bơi lội chán chê rồi, anh cùng các bạn ngồi nghỉ trên bờ, thì chợt thấy một chiếc xuồng con men theo mé sông. Tuyết ngồi trên đầu mũi xuồng, khoảng giữa có đứa em trai nhỏ, còn đàng lái là một chị xẩm, đương điều khiển mái chèo một cách vụng về. Giữa lúc ấy có chiếc ca-nô máy rẽ nước chạy qua, để lại phía sau một luồng sóng dài. Anh muốn kêu Tuyết bảo phải cẩn thận. Nhưng không kịp, đợt sóng táp vào bờ làm chòng chành chiếc xuồng. Tuyết mất thăng bằng ngã nhào xuống nước.

Anh nhảy vội xuống và may thay nắm được Tuyết. Nhưng nếu không có các bạn ùa tới, mình anh có lẽ không tài nào đem được Tuyết vào bờ.

Minh hỏi:

- Rồi chị ấy có sao không anh ?

Lộc cười:

- Ô chú này ngớ ngẩn tệ ! Nếu chị ấy có làm sao thì đã không còn đến bây giờ. Nhưng lúc ấy cũng uống no nước và bị một mẻ sợ đến phát ốm. 


Cứu được Tuyết lên bờ, anh cùng các bạn xúm lại đem nàng về nhà. Ba anh hồi ấy là vị bác sĩ độc nhất trong tỉnh, nên được mời khẩn cấp đến.

Tuyết ốm một trận kịch liệt. Ba anh phải khó khăn lắm mới chữa được cho nàng khỏi. Sau đấy là thời kỳ Tuyết dưỡng bệnh. Nàng nằng nặc đòi anh đến với nàng. Lúc đầu ba anh không thuận, sau vì nể lời khẩn khoản của ông bà Toàn Thịnh và để chiều ý bệnh nhân, nên ba anh buộc lòng phải dẫn anh tới. Tuyết coi anh như một thứ trò chơi mới, bắt anh phải chiều nàng đủ mọi thứ. Anh không chịu nổi tính nết đỏng đảnh, hời hợt hay thay đổi của nàng, nên phản kháng lại mặc cho nàng hờn dỗi hay khóc lóc. Dần dần Tuyết chịu ảnh hưởng của anh, và nghe theo lời anh như một cô em gái ngoan ngoãn vậy.

Từ đó tình bạn giữa anh và chị Tuyết mỗi ngày thêm bền chặt. Mỗi kỳ hè anh đều tới chơi nhà Tuyết, trò chuyện với nàng hàng giờ. Tới khi anh lên đại học, vào ban y khoa, gia đình Tuyết cũng dọn lên ở hẳn Sàigòn. Anh và Tuyết lại thường có dịp gặp gỡ nhau luôn.

Thế rồi ba anh qua đời. Người mất đi để lại cho anh một nếp nhà thanh bạch, với danh tiếng của một vị bác sĩ tận tâm, giàu lòng bác ái. Anh phải vừa đi dạy học kiếm tiền sinh sống, vừa tiếp tục học cho tới khi thành tài. Bây giờ, trở thành bác sĩ, anh về ở nếp nhà của ba anh xưa, và nối lại nghiệp cũ. Tình bạn giữa anh và Tuyết vẫn nguyên vẹn. Lâu lâu có dịp, lại gặp gỡ thăm hỏi nhau một lần. Đối với Tuyết có lẽ anh là người bạn được nàng tin cậy, và kính trọng hơn cả.

Lộc nói vừa hết câu chuyện thì Tuyết đến. Nàng giơ hai tay lên kêu:

- Trời đất ơi, anh ở đây mà làm Tuyết tìm hoài thôi !

Lộc đáp tự nhiên:

- Mình không ưa xã giao và quấy nhộn, nên định tìm một chỗ khuất nẻo để ngồi thì lại bắt gặp chú bạn nhỏ dễ thương này.

Tuyết làm bộ trách:

- Thế đấy ! Ra hai anh em ngồi tán mảnh với nhau. Có nói xấu gì chị không thế Minh ?

Và ấn ngón tay lên trán Minh nàng vui vẻ tiếp:

- Liệu đấy. Đừng có nói xấu gì chị với anh Lộc đấy nhé. Thôi đi ra ăn cơm, tới giờ rồi.

Quay lại Lộc nàng hỏi:

- Còn anh nữa, sao dạo này ít thấy anh tới chơi ?

- Bận quá Tuyết ạ. Những thân chủ của ba anh ngày xưa bây giờ lại trở về với anh.

Tuyết bĩu môi:

- Chắc không khá vì toàn là những bệnh nhân nghèo cả.

- Nghèo hay giầu, anh không hề phân biệt. Khi đã cần đến anh họ chỉ là những bệnh nhân.

- Hay có điều gì làm anh ngại không muốn xuống chơi với em ?

Lộc phác một cử chỉ:

- Không, nhưng vì lương tâm và chức nghiệp một bác sĩ ….

- Thôi đi, đừng có nói đến lương tâm với chức nghiệp. Tuyết biết anh là một bác sĩ có triển vọng nhiều về tương lai. Tại sao anh không hành nghề ở Sàigòn, lại cứ đóng đô ở một tỉnh nhỏ ? Về đây Tuyết sẽ quảng cáo cho anh.

- Tuyết nhầm rồi. Ở tỉnh nhỏ cũng có bệnh nhân chứ. Và bệnh nhân thì không phân biệt …

Tuyết cau mày gắt nhẹ:

- Anh cứ loanh quanh về vấn đề ấy. Tuyết chỉ cần hỏi anh: Tại sao anh không chịu về Sàigòn và không năng lại thăm Tuyết như cũ ?

- À, tại vì …

- Vì anh ghét Tuyết rồi phải không ? Anh không coi Tuyết là cô em gái ngày xưa nữa !

Lưỡng lự giây lát, Lộc chậm rãi nói:

- Tuyết ạ, chúng mình bây giờ không còn trẻ con như khi xưa nữa. Tình bạn từ hồi thơ ấu của chúng ta không hề phai, nhưng anh thấy cần phải giữ ý tứ, không muốn mang tiếng là chạy theo Tuyết để thiên hạ nghĩ nhầm về anh.

Tuyết cau nhẹ đôi lông mày:

- Anh sợ gì ?

- Chẳng hạn như họ có thể bảo anh là một tên đào mỏ.

Lời nói của Lộc làm Tuyết chưng hửng.

Nàng mát mẻ nói:

- À ra thế đấy ! Như vậy thì anh điên rồi anh Lộc ạ !

Cuộc cãi cọ chưa biết sẽ kết thúc ra sao nếu lúc ấy Phúc không chạy đến. Nhìn thấy Tuyết, hắn la ầm lên:

- Ê, chị Tuyết ! Định đứng “trồng cột đèn” ở đó hả. Ông bà “via” đang đợi bên phòng ăn kìa.

Tuyết chưa kịp nói gì, Phúc đã giục:

- Mau lên, anh Hoàng cũng đang chờ chị đấy !

Tuyết bỗng đỏ mặt, e thẹn không dám nhìn thẳng vào Lộc, nhưng Lộc gỡ sự bối rối cho nàng. Chàng nắm tay Tuyết kéo đi và thản nhiên nói:

- Thôi lẹ lên Tuyết ! Đừng để cho Hoàng phải chờ lâu !

*

Sáng hôm sau Tuyết dậy muộn. Bữa cơm trưa nàng cũng chỉ ăn uể oải. Có lẽ bữa tiệc quá thịnh soạn, quá vui tối hôm trước làm nàng mệt mỏi, tâm thần bải hoải không vui.

Tuyết trở nên cau có, và không hiểu nàng đã sai chị ở làm việc gì không vừa ý mà nàng giậm chân, đập tay buông lời trách móc chị ta tàn tệ. Minh cắp sách đi học, ra đến cửa, nghe thấy tiếng Tuyết mắng liền ngừng lại. Vừa hay Tuyết cũng chợt thấy Minh nhìn mình với đôi mắt buồn rầu đượm vẻ trách móc. Tự nhiên cơn giận của nàng nguôi đi. Nàng ngượng nghịu đuổi chị ở xuống dưới nhà, và lấy báo ra đọc.

Tan buổi học về, không thấy Tuyết ở phòng khách, Minh hỏi thăm chị ở mới biết nàng nhức đầu nằm trong phòng. Nghe nói, Minh cất vội sách vở rồi tới gõ nhẹ cửa phòng Tuyết.

Có tiếng Tuyết hỏi ra xem ai. Minh nhẹ nhàng đáp:

- Thưa chị, Minh đây ạ

Và Minh tiến lại gần:

- Em nghe nói chị mệt nên vào thăm. Chị có cần gì để em đi lấy.

Tuyết lắc đầu:

- Cám ơn em, chị không cần gì cả

- Vậy chị nằm nghỉ, em chúc chị chóng khỏi.

Thấy Minh toan trở ra, Tuyết bảo:

- Chị nhức đầu thôi. Minh ở lại đây với chị

Nàng chỉ chiếc ghế bên cạnh giường cho Minh ngồi:

- Ở đây nói chuyện cho chị nghe

Minh đem chuyện ở trường ra nói, kể những điều ngộ nghĩnh khiến Tuyết quên hẳn cơn nhức đầu.

Nàng ngồi dậy, đặt tay lên vai Minh, nhớ đến đôi mắt trách móc của Minh khi nàng mắng chị ở. Nàng nói:

- Hồi trưa chắc em thấy chị “xấu” lắm nhỉ. Con Sen nó làm chị bực mình.

- Có lẽ tại chị nhức đầu, nên chị dễ cáu giận.

- Em có phiền chị không ?

- Dạ không, nhưng em ái ngại cho chị ở.

- Chả sao đâu. Mình trả công họ mà !

- Vâng, mình trả công để họ giúp việc mình chứ đâu phải để nghe mình chửi mắng.

- Ăn thua gì, họ có động lòng đâu

- Có chứ, chị ấy tủi thân khóc đỏ cả mắt. Chị ấy cũng có lòng tự ái như mình….

- Như mình thế nào được ! Minh ăn nói hay quá.

Tuyết có vẻ không bằng lòng, càu nhàu tiếp:

- Minh cứ như là ông cụ non ấy.

Và làm mặt giận, Tuyết quay sang vặn nút chiếc máy phát thanh. Nhưng khi Minh toan đi ra thì Tuyết đã lại gắt:

- Ngồi lại đây với chị đã

Minh ngoan ngoãn ngồi xuống. Thấy nét mặt không vui của Tuyết, Minh tỏ vẻ băn khoăn:

- Chị giận em đấy à, chị Tuyết ?

- Em làm chị bực mình. Nhưng thôi chị xử hòa, chị không giận Minh đâu.

- Em cũng xin lỗi chị. Tại em thành thật nên nghĩ thế nào em nói thế. Ba má em vẫn khuyên nhủ em luôn luôn phải thành thật.

Tuyết ngồi im suy nghĩ. Hồi lâu nàng nắm lấy tay Minh:

- Minh này, em có hứa là sẽ luôn luôn thành thật với chị không ?

- Em vẫn cố gắng hết sức thành thật với mọi người. Riêng với chị em coi chị như chị ruột của em, nên rất cởi mở. Nhưng chị cũng phải hứa với em là chị không được giận em kia.

- Ừ, chị hứa. Vậy chị hỏi thật em nhé. Hôm qua em có vui không ?

- Không vui lắm.

- Tại cỗ nấu không ngon ?

- Dạ ngon chứ. Nhưng phải ngồi lâu quá. Mà em không có ai nói chuyện cả.

- Ồ, lạ chưa. Chị đã xếp em ngồi cạnh con Hồng mà. Con bé buộc tóc đuôi ngựa ấy. Em không thích Hồng sao ?

- Hồng bảo em có đôi mắt to như mắt thỏ.

Tuyết cười rúc rich:

- Thế à, như vậy là Hồng nó khen Minh đấy.

- Rồi Hồng rủ em thứ năm đón Hồng ở cổng trường để đưa Hồng đi coi chiếu bóng.

- Mà em từ chối ?

- Vâng, em sợ má em biết má em buồn. Vì thế Hồng quay sang nói chuyện với Phúc suốt cả bữa cơm.

- Em có tức không ?

Minh lắc đầu:

- Không, em chẳng cần.

- Thế sau bữa cơm, em ở đâu ? Lúc mọi người khiêu vũ chị chẳng nom thấy em đâu cả.

- Em đi ngủ, sợ mai dậy muộn, trễ giờ đi học.

- Trễ thì nghỉ một buổi có làm sao. Em chăm học thế cơ à? Chả bù với thằng Phúc nhỉ. Nhưng thôi, chị hỏi Minh câu này nữa nhé. Minh thấy anh Hoàng thế nào ?

- Em chưa được biết anh Hoàng.

- Coi kìa, cái anh ngồi cạnh chị, và khiêu vũ với chị ấy mà.

- Thế thì em không thích anh ấy tý nào cả.

- Thực à ? Ba chị thì trái lại. Ông cụ đương tính gả chị cho anh ấy đấy.

Minh ngồi im, suy nghĩ, rồi hỏi:

- Chị có yêu anh Hoàng không ?

- Không, chị không yêu Hoàng, nhưng có hề gì. Anh ấy giầu lắm cơ Minh ạ.

- Nhưng chị không thể lấy một người chỉ vì người ấy có nhiều tiền !

- Lấy anh ta thì chị tha hồ tự do ăn chơi, tha hồ tiêu xài thỏa thích.

- Em không chắc như thế đã là sung sướng.

Tuyết ngẩn ngơ nhìn Minh. Nàng không thể ngờ một đứa trẻ như Minh lại có thể nói với nàng những lời như thế. Có lẽ sự chân thật của một tâm hồn ngay thẳng làm cho những lời nói của Minh trở nên khôn ngoan. Nhưng Tuyết lại cho những lời ấy, do một đứa trẻ nói ra, có vẻ ngộ nghĩnh. Nàng hỏi đùa:

- Nếu vậy thì trong đám bạn trai của chị, Minh thử xem ai là người xứng đáng đem lại hạnh phúc cho chị nào ?

- Em thấy có một người chị ạ ?

- Ai thế ?

- Thưa chị, anh Lộc !

Tuyết giật mình, mặt nàng hơi tái:

- Anh Lộc, anh ấy bảo với Minh như thế ?

- Không, nhưng em xem ý thì anh Lộc quý chị lắm. Anh ấy cũng là người tốt nữa.

Tuyết thở dài:

- Minh nói đúng đấy. Anh Lộc là người rất tốt, nhưng biết sao được ? Anh ấy thanh bạch quá và cứ hãnh diện về cái thanh bạch của mình. Lấy anh ấy chị sẽ phải suốt đời chui rúc ở tỉnh nhỏ, phải xa lánh mọi thú vui của chốn phồn hoa đô hội, chị chịu làm sao nổi ! Với lại anh Lộc có một nếp sống gương mẫu quá làm chị e ngại. Vả còn gia đình chị nữa chứ ! Chắc gì ba má chị đã bằng lòng ?

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>