Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

CHƯƠNG 4_CHÚ THỎ ĐẾ

 4


Ngày giờ lặng lẽ trôi qua, thấm thoát đã gần cuối tháng chạp. Mặc dù được Tuyết mến thương săn sóc, ngày ngày Minh vẫn sốt ruột nhìn lên tờ lịch, lo lắng tự hỏi sao không thấy cha mẹ trở về. Mới đây Minh còn nhận được thư của ba má báo tin cho biết công việc đã xong xuôi, chỉ còn chờ thu xếp hành trang ra về, kịp ăn tết với Minh ở Sàigòn. Thế mà tờ lịch đã xé tới ngày 27 vẫn chưa thấy âm hao gì cả. Ba má của Minh xưa nay vẫn là người thận trọng chưa bao giờ để Minh phải lo lắng chờ đợi như thế. Chiều nay, 27 tháng chạp, Minh đã bắt đầu nghỉ Tết. Nhẽ ra ba má Minh phải có mặt ở Sàigòn rồi, để cùng Minh dự buổi phát thưởng tất niên có trình diễn văn nghệ của nhà trường tổ chức, và sửa soạn một cái tết vui vẻ sau bao ngày xa cách. Ý nghĩ một tai nạn có thể xảy đến cho cha mẹ làm Minh bồn chồn. Cậu nói ý nghĩ ấy ra với Tuyết:

- Không hiểu tại sao mãi tới bây giờ vẫn chưa có tin tức gì của ba má em cả. Em lo quá chị Tuyết ạ.

Tuyết nói cho Minh yên lòng:

- Việc gì mà lo. Chắc ba má em còn mắc bận gì nên chưa về được.

- Nếu thế thì ba má em đã có thư báo cho em biết. Em chỉ sợ ….

- Sợ cái gì ?

- Sợ ba má em bị đau, hay là gặp phải tai nạn dọc đường.

- Chỉ dại dột ! Em cứ hay lo sợ vẩn vơ. Chị chắc không sao cả đâu. Nếu hôm nay ba má em chưa về thì mai kia thế nào cũng về Minh ạ.

Minh tần ngần nói:

- Giá có ba má em ở đây hôm nay thì vui biết mấy !

- Sao vậy ?

- Vì chiều nay ở trường em có phát phần thưởng tất niên, lại có cả trình diễn văn nghệ do các học sinh giúp vui nữa. Em muốn ba má em cùng đi với em.

- Thế à ? Em cứ đi một mình cũng được chứ. Nếu có về muộn chị mở cổng cho.

Thấy nét mặt Minh vẫn chưa hết vẻ tần ngần, Tuyết muốn làm vui lòng Minh nên nói:

- Thôi, em cứ yên chí, chị sẽ đi cùng với em. Chiều nay chị có hẹn đi chơi với một chị bạn. Nhưng chị sẽ kiếu chị ấy để đưa em đi.

Lời đề nghị của Tuyết làm Minh vui vẻ quên hết mọi bồn chồn trong lòng. Buổi phát thưởng tất niên ở trường đối với Minh là một buổi lễ long trọng. Đây là giây phút hãnh diện đầy an ủi cho những học sinh chăm chỉ sau bao ngày cố gắng. Minh muốn giành sự hãnh diện đạt được ấy cho cha mẹ và hơi thất vọng vì ba má cậu không có mặt để hưởng nỗi vui thấy sự cố gắng của mình.

Chiều hôm ấy Minh phấn khởi đưa Tuyết đến trường. Thấy hãy còn sớm Tuyết bảo Minh:

- Em kiếm chỗ ngồi đi. Chị chạy ù lại đằng bạn chị để cáo lỗi với chị ấy kẻo chị ấy chờ. Rồi chị quay lại với em ngay.

Trở ra khỏi cổng, Tuyết chợt nghe tiếng Hoàng gọi. Hoàng có vẻ ngạc nhiên thấy Tuyết ở cổng trường học đi ra. Chàng rủ Tuyết cùng đi chơi, nhưng Tuyết lắc đầu từ chối, chỉ nhờ xe chàng đến nhà người bạn. Rồi một lát sau nàng trở về với Minh. Cuộc phát thưởng cho các học sinh xuất sắc của nhà trường đã bắt đầu. Khi ông Hiệu trưởng đọc đến lớp đệ thất, và tên Nguyễn Đức Minh được xướng lên một cách rành rẽ giữa tiếng vỗ tay, mặt Minh hơi tái lại. Cậu nắm chặt tay Tuyết, mỉm cười với nàng rồi lên lĩnh về một chồng sách lớn.

Nhìn Minh bước lên lĩnh thưởng, Tuyết cũng thấy lòng nao nức, và khi Minh trở về chỗ ngồi nàng vui vẻ ghé tai bảo:

- Minh của chị giỏi quá !

Nàng sung sướng không kém gì Minh. Và hãnh diện cùng với Minh nữa.

Sau cuộc phát thưởng, tới trình diễn văn nghệ của học sinh. Trong khi chờ đợi mở màn sợ Tuyết sốt ruột, Minh chỉ cho nàng hay những nhân vật quen biết:

- Chị Tuyết ạ, người mang kính trắng kia là thầy Hiệu trưởng trường em đấy. Người cao dong dỏng đứng gần phía thầy Hiệu trưởng là anh đoàn trưởng Hướng đạo. Gần đấy, ngồi bên cạnh bà mẹ mặc áo màu xanh là thằng Dũng, một bạn Hướng đạo của em. Và kìa, thầy Phương, thầy giáo phụ trách lớp em. Để em giới thiệu thầy với chị.

Minh nhỏm người lên khẽ gọi:

- Thầy … thầy ….

Giáo sư Phương thấy Minh, mỉm cười tiến lại, cúi đầu chào Tuyết rồi nói tự nhiên:

- Thưa, chắc cô là cô Tuyết. Rất hân hạnh được biết cô. Trò Minh thường nhắc tới cô luôn.


Tuyết hớn hở đáp:

- Thế ạ ! Thưa thầy hẳn thầy cũng được hài lòng về em Minh trong nửa năm học vừa qua ?

- Rất bằng lòng cả về hạnh kiểm lẫn học lực. Minh là một trò khá nhất trong lớp tôi.

Tuyết lém lỉnh thêm:

- Thưa thầy, xin thưa rõ để thầy hay là chưa bao giờ tôi làm hộ Minh bài cả, nhất là về luận văn !

Lời nói bóng gió ấy làm giáo sư Phương cả cười:

- Tôi biết ạ, về môn này Minh tỏ ra khá xuất sắc, có triển vọng sau này trở thành văn sĩ được. Nếu không là văn sĩ thì ít nhất Minh cũng là người có cái nhìn sâu sắc và có một tâm hồn dễ truyền cảm.

Tuyết cũng vui vẻ cười theo:

- Vâng, đúng đấy ạ.

Minh đỏ mặt và sung sướng giữa những lời khen của thầy học và của Tuyết. Cậu thấy phấn khởi, tự nguyện sẽ luôn luôn cố gắng hơn nữa.

Xem xong mấy màn trình diễn văn nghệ, Minh cùng Tuyết ra về, dọc đường Minh vừa đi vừa nói liến láu với Tuyết như chưa bao giờ thấy vui sướng như vậy.

*

Nhưng nỗi vui chưa qua thì nỗi buồn đã tới.

Ngày hôm sau trở dậy, vừa định ngồi, lấy sách được thưởng ra coi thì Phúc xô cửa bước vào. Hắn ném vào lòng Minh tờ báo và cười gằn bảo:

- Này, đọc đi, có tin mày cần biết đó !

Nói xong Phúc lủi đi ngay. Minh không hiểu chuyện gì, nhặt tờ báo và mắt cậu bỗng mở to trước một giòng tít lớn: 

TAI NẠN NGOÀI KHƠI

Một chiếc tàu chở hành khách từ

Phú Quốc về Hà Tiên bị đắm …..


Mới nhìn qua hàng tít mắt Minh đã nhòa đi, tay run không cầm nổi tờ báo, phải ngồi lặng đi một lát, cố trấn tĩnh để xem tiếp.

Theo tin trong tờ nhật báo thì chuyến tàu thủy liên lạc giữa Phú Quốc và Hà Tiên khởi hành từ Phú Quốc sáng sớm hôm 27, chưa hiểu vì lý do gì đã bị đắm ở ngoài khơi cùng với hàng hóa và hành khách.

“ ….. Trong số hành khách đáp chuyến tàu ấy có vợ chồng ông kỹ sư Nguyễn Đức Vượng trở về Sàigòn sau một thời gian lưu trú ngoài Phú Quốc để nghiên cứu những tài nguyên phong phú có thể khai thác được ở vùng này ……”

Hèn chi Minh bẵng tin của cha mẹ ! Nếu không, tới Hà Tiên thế nào má của Minh cũng đánh điện về cho cậu mừng.

Minh điếng người nhìn bài báo, đau đớn đến nỗi không khóc được nữa. Giữa lúc ấy thì Tuyết vào. Thấy Minh cầm báo, nàng vui vẻ hỏi đùa:

- Ô này, Minh của chị hôm nay lại ngồi đọc báo kia à. Có gì hay không ?

Nhưng chợt nhận ra vẻ mặt đờ đẫn của Minh nàng vội hỏi:

- Kìa, Minh ! Em làm sao thế ? Có chuyện gì thế em ?

Minh gắng gượng đưa tờ báo cho Tuyết. Nàng thấy ngay hung tin và sau khi đọc hết bài báo nàng lặng lẽ ngồi xuống cạnh Minh không tìm ra được lời gì an ủi. Qua cơn bàng hoàng, Minh ôm mặt khóc nức nở. Tuyết vuốt ve dỗ dành Minh và chờ cho cơn xúc động của Minh dịu bớt mới nói:

- Em Minh ạ, báo mới đưa tin thế thôi, chưa chắc ba má em đã việc gì. Biết đâu ba má em không trôi dạt tới chỗ nào đó, và được người ta cứu thoát. Đừng thất vọng vội em ạ !

Minh mếu máo hỏi:

- Chị tin là ba má em không việc gì hả chị Tuyết ?

- Có thể lắm. Vì thiếu gì người đi tàu bị đắm mà may mắn được sống sót. Phải chờ vài hôm nữa mới biết tin đích xác được.

Tuyết cố đem lại cho Minh một tia hy vọng, tuy nàng cũng thấy hy vọng đó thật mong manh. Nàng ân hận không biết kiếm lời gì an ủi Minh cho được, chỉ biết nhìn Minh ngồi âu sầu một chỗ. Giờ phút trôi qua nặng nề buồn thảm.

Trước biến cố không may ấy xảy ra cho Minh, không kể Tuyết, những kẻ giúp việc trong gia đình Toàn Thịnh cũng đều xót thương. Bởi từ bác tài, anh bếp đến chị hai đều rất mến Minh. Riêng ông Toàn Thịnh sau khi hay tin đã thản nhiên đưa tờ báo cho vợ xem và khi bà Toàn Thịnh hỏi ý kiến ông nên đối xử với Minh cách nào thì ông quyết định:

- Chỉ có một cách giản dị nhất, khỏi phiền tới mình là từ nay đến Tết, nếu quả thật ba má thằng Minh mất tích, tôi sẽ giao nó cho trại mồ côi. Như vậy là tiện hơn cả.

Ý định của ông bà Toàn Thịnh đã được chị Hai nói hở cho Minh hay khiến Minh càng thêm bối rối hơn.

Hai ngày nữa đã qua, Minh vẫn không có tin tức của cha mẹ. Tuyết đã phải vất vả chạy đi các hãng tàu và gọi điện thoại cho các nhà báo hỏi thăm chi tiết nhưng đều được trả lời một cách mơ hồ. Sự tận tâm của Tuyết đã làm Minh cảm động. Cậu cố gắng thu hết nghị lực để đương đầu với hoàn cảnh như một người lớn. Tuy nhiên, nét mặt buồn thảm, và đôi mắt quầng thâm chứng tỏ nỗi lo âu phiền muộn của Minh. Gượng ngồi đọc sách, đôi mắt Minh nhìn vào quãng xa xăm như muốn tìm hai khuôn mặt thân yêu mà Minh e rằng sẽ không còn được gặp.

Luôn hai hôm nếu không chạy đi hỏi thăm tin tức, Tuyết lại ngồi bên cạnh Minh. Chiều ngày thứ hai, trước khi trở về phòng, Tuyết nắm tay Minh bảo:

- Chỉ tại việc không may này xảy ra nên chị chưa kịp thưởng em một món quà. Em có thích gì cứ nói, chị mua cho.

Minh lắc đầu:

- Em cám ơn chị rất nhiều. Em thực không muốn gì cả.

Tuyết mở ví ra lấy tờ giấy 200đ dúi vào tay Minh:

- Em cầm lấy, để thích gì thì mua. Mai chị đi phố mua sắm em có muốn đi thì đi.

Minh đưa trả lại tờ giấy bạc:

- Chị chiều em nhiều quá. Em không lấy đâu.

Thấy Minh nhất định từ chối, Tuyết không chịu thua. Buổi tối hôm ấy thừa dịp Minh không để ý, nàng nhét tờ giấy bạc vào túi quần Minh vắt trên ghế. Tuyết có ngờ đâu hành động ưu ái ấy của nàng đã gây cho Minh một thảm kịch.

Sáng hôm sau vào khoảng 10 giờ, ông Toàn Thịnh mở ngăn kéo bàn giấy thấy mất một số tiền, ông tra hỏi mọi người trong nhà xem có ai vào buồng không ? Nhưng người nào cũng nại ra cớ chính đáng, vì anh bếp mắc đi chợ, bác tài lái xe cho Tuyết đi phố chưa về, chị Hai bận quét dọn và không hề đặt chân vào buồng giấy nếu ông không gọi. Hỏi đến Phúc hắn lạu bạu nói:

- Con vào buồng giấy của ba làm gì ?

Cho gọi Minh lên hỏi, cậu ngạc nhiên đáp:

- Thưa bác, bác mất gì ạ. Từ trước đến giờ, cháu chưa dám vào phòng giấy của bác lần nào.

Ông Toàn Thịnh tức giận gắt:

- Tao mất một xấp bạc 5000đ. Nếu không ai vào đây, thì sao số bạc đó lại mất được ?

Bà Toàn Thịnh hỏi chồng:

- Mình thử nhớ kỹ lại xem hay mình để quên chỗ nào ?

- Rõ ràng là tôi bỏ vào ngăn kéo và có khoá lại cẩn thận. Lạ thực, không lẽ nó có cánh bay đi đâu mất ! Để tôi phải báo cho sở công an tới điều tra mới được!

Nói rồi ông quay dây nói cho sở công an và ông kéo mọi người ra phòng khách ngồi chờ.

Phúc không giấu được vẻ bồn chồn khó chịu. Hắn rót nước uống và gạt đổ ly nước trên bàn. Minh ngồi cạnh đấy, bị nước bắn vào tay nên cậu móc túi rút khăn ra lau. Không ngờ tờ giấy bạc 200đ của Tuyết rớt ra theo. Ông Toàn Thịnh trông thấy vội vàng nhặt lên, trừng mắt hỏi:

- Minh, tờ giấy bạc này ở đâu ra ?

Minh ngạc nhiên đáp:

- Thưa bác cháu không biết !

- Hừ, mày không biết ? Sao nó lại ở trong túi của mày ? Mới chiều qua mày có bảo với thằng Phúc là mày không có tiền không ?

- Thưa bác, vâng.

- Thế sao mày có tờ giấy bạc 200đ này ? Mày lấy ở đâu ?

- Thưa bác thực cháu không biết gì cả.

- Mày không biết ! Mày không biết ! Thằng này to gan thiệt. Mày ăn cắp của tao.

- Cháu không ăn cắp.

- Mày còn giấu tiền ở đâu ? Phải bỏ nốt ra đây !

- Cháu đã thưa với bác là cháu không …

- Câm mồm ! Đứng lên tao khám !

Ông Toàn Thịnh lục hết túi áo quần của Minh, nhưng không thấy gì. Minh nghẹn ngào nói:

- Bác cho cháu là một đứa ăn cắp sao ? Cháu thề với bác là cháu không lấy tiền của bác.

- Tao đã có cách cho mày phải nhận ! Muốn yên lành thì đưa ngay số tiền đó trả tao, nếu không tao giao mày cho cảnh sát, rồi mày sẽ biết.

Có tiếng chuông reo ngoài cổng. Bà Toàn Thịnh trở ra và dẫn hai người vào. Người thứ nhất mặc sắc phục cảnh binh, còn người thứ hai mặc thường phục. Đó là viên công an điều tra.

Vừa thấy họ, ông Toàn Thịnh hằn học trỏ vào Minh:

- Các ông đến vừa kịp. Tôi đã tóm được thủ phạm đây rồi !

Người cảnh binh móc túi lấy chiếc còng sắt:

- Càng hay. Chúng tôi bắt thằng nhỏ này.

- Nhưng nhờ các ông bắt nó chỉ chỗ giấu tiền ăn cắp của tôi đã.

Viên cảnh binh tiến lại gần Minh sẵng giọng:

- Đưa hai tay đây.

Khóa chiếc còng sắt vào tay Minh, người ấy nạt nộ:

- Này, ta bảo thật chú mày, có trót dại thì phải khai ngay ra, không có thì ăn đòn!

Minh uất ức cãi:

- Tôi không lấy gì của ai cả ! Tôi không phải là đứa ăn cắp.

- À được ! Nếu thế thì về quận, rồi sẽ hay.

Người mặc thường phục, viên công an điều tra, từ nãy vẫn yên lặng nhìn Minh với đôi mắt sắc lạnh, lúc ấy mới phác một cử chỉ ngăn bạn lại:

- Thong thả đã, chúng ta chưa nên hấp tấp vội. Tôi sợ mình bắt oan thằng nhỏ này, để tôi hỏi lại nó xem sao ?

Ông Toàn Thịnh nói:

- Khỏi cần hỏi nó làm gì nữa. Chứng cớ đã rõ ràng đây rồi. Tôi bắt được quả tang tờ giấy bạc 200đ trong túi quần nó rơi ra.

Minh đỏ mặt đáp:

- Thưa bác, cháu không lấy của bác !

Hướng về ông Toàn Thịnh, viên cảnh sát điều tra thong thả nói:

- Trước những lời chối cãi của cậu nhỏ này, tôi cần có những bằng chứng rõ ràng để quyết định. Ông cho phép tôi vào phòng giấy của ông được chứ, thưa ông ?

- Ồ, vâng …

Quay sang người cảnh binh, viên công an dặn nhỏ:

- Anh ở lại đây coi chừng mọi người. Không ai được ra khỏi phòng này nếu tôi chưa gọi.

Sau khi lần lượt mời ông bà Toàn Thịnh sang phòng giấy hỏi đủ chi tiết, viên công an mới gọi đến Minh:

- Cậu đứng lại đây nhìn thẳng vào mắt tôi và trả lời cho thành thật.

Minh nhìn thẳng vào mắt viên công an không chút bối rối.

- Cậu phải nói thật với tôi không được giấu diếm.

- Thưa ông, tôi không quen nói dối bao giờ

- Được, vậy cậu có lấy tiền của ông Toàn Thịnh không ?

- Thưa ông, không. Vả tôi cũng chưa hề vào buồng giấy của ông Toàn Thịnh lần nào.

- Cậu biết ông Toàn Thịnh có món tiền ấy chứ ?

- Thưa có biết, vì bữa qua ở phòng cơm, ông có khoe mới đòi được món tiền ấy với bà vợ.

- Cậu hết tiền tiêu rồi phải không ?

- Dạ phải

- Thế tấm giấy 200 đồng ở trong túi cậu đâu ra ?

- Thưa ông tôi không rõ. Có lẽ là ….

- Sao ?

- Thưa ông, chiều qua chị Tuyết là con gái ông bà Toàn Thịnh muốn cho tôi tấm giấy 200 đồng mà giấu ba má chị. Tôi không nhận, nên có lẽ chị đã nhét vào túi quần tôi mà tôi không biết.

- Vì cớ gì cô ấy lại cho cậu ?

- Thưa để thưởng tôi được phần thưởng cuối năm.

- Cô Tuyết đi đâu vắng ?

- Chị ấy đến nhà người bạn chơi từ sáng. Nhưng thưa ông, không lẽ ông nghi cho chị ấy ?

Viên công an mỉm cười:

- Tôi không nghi cho ai cả, nhưng tôi để ý hết mọi người. Thôi cậu ra ngoài phòng khách ngồi đợi, và nói với ông Toàn Thịnh cho người gọi cô Tuyết về

Minh vừa ra đến cửa bỗng bị gọi lại:

- Này !

Cậu quay lại, thấy viên công an vừa cúi nhặt một vật gì dưới chân bàn. Khi ngẩng lên, người ấy nhét vào túi và thản nhiên hỏi:

- Cậu có hút thuốc lá không ?

- Thưa tôi không biết hút.

- Cũng không hút chơi bao giờ ?

- Dạ không.

- Chắc con trai ông Toàn Thịnh biết hút thuốc lá chứ nhỉ ?

- Vâng, anh ấy nghiện.

- Thế à ? Thôi được rồi, cậu ra đi

Mười lăm phút sau Tuyết hốt hoảng trở về. Nàng hỏi cha:

- Có chuyện gì thế ba ? Ba bị mất cắp à ?

Ông Toàn Thịnh hất hàm về phía Minh:

- Ừ. Mà kẻ cắp đứng kia !

- Trời ! Minh là kẻ cắp ư ! Ba nói gì lạ vậy ba ?

Vừa lúc ấy viên công an ở buồng giấy bước ra trả lời Tuyết:

- Vì ông thân của cô đã tìm thấy tấm giấy bạc 200 đồng trong túi quần của hắn.

Ông Toàn Thịnh gật đầu:

- Phải, và đó là bằng chứng rõ ràng hắn đã lấy cắp tiền của tôi

Nhưng Tuyết cãi:

- Không ! Không phải ! Tấm giấy ấy là của tôi nhét vào túi hắn chiều qua. Tội nghiệp quá, sao lại nghi cho hắn ?

Viên công an hỏi:

- Tại sao cô lại nhét tiền vào túi hắn ?

- À, tại tôi muốn thưởng cho hắn.

Ông Toàn Thịnh khó chịu nhìn con gái, rồi quay sang viên công an:

- Thế nào ông đã quyết định chưa ?

Viên công an bình tĩnh trả lời:

- Tôi quyết định rồi vì đã biết ai là thủ phạm. Và cũng xin thưa với ông rằng: cậu bé mà ông tố cáo là ăn cắp, vô can trong vụ này !

- Ồ, nếu không phải nó lấy cắp của tôi thì còn ai vào đây nữa ?

Nhưng không để ý đến lời nói của ông Toàn Thịnh, viên công an đưa tay hỏi:

- Ông có thuốc lá xin ông một điếu ?

Rút điếu thuốc trong bao ông Toàn Thịnh đưa ra, viên cảnh sát làm bộ đặt lên môi, nhưng lại hạ xuống:

- Ông không hút thuốc lá thơm ?

- Không, tôi quen hút thứ này !

Viên cảnh sát liền quay sang Phúc:

- Cậu cho tôi điếu thuốc của cậu vậy. À phải, đúng thứ thuốc này đây - thứ thuốc thơm có đầu lọc ! Cậu biết xài quá nhỉ !

Phúc tưởng đó là một lời khen nên hãnh diện hỏi lại:

- Ông cũng thích hút thứ thuốc lá này ?

Nhưng viên cảnh sát thản nhiên lắc đầu:

- Tôi không hút. Tôi chỉ cần chứng minh lại lời quyết đoán của tôi: Sáng nay mọi người đi vắng cậu đã vào buồng giấy của ba cậu.

Tia mắt sắc lạnh và lời nói chắc nịch của viên công an làm Phúc tái mặt. Hắn vẫn nói cứng:

- Ai bảo ông thế ? Ông lấy bằng chứng ở đâu …..

Không đợi Phúc nói hết câu, viên công an lạnh lùng móc túi, lấy ra một mẩu thuốc lá hút dở:

- Mẩu thuốc hút dở của cậu sáng nay đây. Tôi đã nhặt được ở cạnh chân bàn giấy của ba cậu. Hơn nữa, tôi còn lấy được dấu tay chỗ ngăn kéo của ba cậu để tiền. Lát nữa tôi sẽ đưa về phòng giảo nhiệm, và những vết tay không bao giờ tố cáo sai.

Ông Toàn Thịnh còn ngơ ngác chưa hiểu ra sao, mở to mắt nhìn viên công an thì ông này đã ghé vào tai ông, nói đủ để một mình ông nghe:

- Tôi thiết tưởng ông không nên làm to chuyện việc này, chỉ có hại cho danh giá ông, vì thủ phạm đánh cắp tiền chính là cậu con trai của ông đấy. Mà đây không phải là lần đầu ! Hạnh kiểm của con trai ông, chúng tôi đã được biết gần đây trong các phòng trà !

Ông Toàn Thịnh tím mặt đứng yên, và rồi ông lẩm bẩm nói:

- Thôi được. Tôi xin cám ơn các ông và xin lỗi đã làm phiền các ông rất nhiều.
*

Khi hai nhà chức trách vừa ra khỏi, Tuyết kéo vội Minh về phòng:

- Chị chắc em chưa ăn uống gì cả vì câu chuyện rắc rối này. Em có đói không Minh ?

- Em không đói !

- Lỗi tại chị ! Chỉ tại tờ giấy bạc chị muốn cho em làm em vạ lây !

- Em chắc không phải thế đâu chị Tuyết ạ. Tại ba chị ghét em nên mới buộc tội cho em.

- Có chị đây, em đừng sợ. Bây giờ em để chị đi kiếm thức gì cho mà ăn.

- Thôi cám ơn chị ! Em không tài nào ăn nổi đâu. Em hơi choáng váng nhức đầu.

- Tội nghiệp, chị hiểu rồi ! Em bị xúc động mạnh qua đấy. Ai lại buộc cho em là ăn cắp và gọi cảnh binh đến còng tay em lại thế bao giờ ! Thực ba chị nhẫn tâm quá.

Nghe Tuyết nói, Minh bỗng thấy cực lòng. Bị luôn hai việc không may xảy đến, Minh không còn giữ vững được tinh thần nữa. Cậu gục đầu vào vai Tuyết khóc nức nở như một kẻ thất vọng. Hồi lâu Minh mới ngửng đầu lên gắng gượng nói:

- Em thực trẻ con chị nhỉ !

Tuyết thương hại lắc đầu:

- Khóc được như thế càng tốt em ạ ! Em đã thấy dễ chịu chưa ?

- Cám ơn chị em thấy dễ chịu rồi !

- Còn nhức đầu nữa không ?

Minh cố phác một nụ cười:

- Dạ hết, em muốn nằm nghỉ một chút thôi.

- Nằm xuống đây mà nghỉ. Chừng nào thấy đói bụng cứ cho chị hay.

Minh ở lại với Tuyết cho tới chiều tối. Bữa cơm chiều hai chị em ăn riêng với nhau vì Minh không muốn giáp mặt ông Toàn Thịnh và Phúc.

Buổi tối trước khi đi ngủ Tuyết xuống buồng Minh lần nữa. Nàng có cảm tưởng như có điều gì khác lạ và khi nàng ngồi xuống cạnh Minh chân nàng chạm phải vật gì dưới gầm giường. Nàng hỏi thì Minh trả lời:

- À, chắc cái va ly của em đó.

Rồi chợt nắm lấy tay Tuyết, Minh khẽ bảo:

- Chị Tuyết … Em xin cám ơn tấm lòng tốt của chị đối với em từ trước đến giờ. Em chẳng biết lấy gì đền đáp ơn chị được. Chỉ xin ghi lòng tạc dạ và mong chị tha lỗi cho nếu em có làm điều gì khiến chị buồn lòng.

- Em nói lạ chưa, em có làm điều gì khiến chị phải buồn đâu ?

- Một lần nữa em cám ơn chị và cầu Trời phù hộ cho chị !

Trở về phòng, Tuyết lấy làm lạ về thái độ của Minh. Nàng bỗng nghĩ đến cái va ly dưới gầm giường …. đến lời nói thiết tha của Minh và chợt hiểu. Minh không thể nào sống trong gia đình nàng, và sửa soạn bỏ đi. Nàng thầm nhủ:

- Ồ, nếu có phải thực như thế, mình sẽ cản nó lại. Mình sẽ thức đêm nay để canh chừng không cho nó đi.

Định tâm như thế, Tuyết lấy sách ra ngồi đọc và mở hé cửa có ý nhìn ra cổng. Cho mãi tới khuya không thấy gì, nàng mỏi mệt chợp ngủ đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh giấc, vì nghe tiếng con Xám rít ngoài vườn nàng vội vùng dậy, nhìn xem đồng hồ thì đã 5 giờ sáng.

Tuyết khoác vội chiếc khăn quàng lên vai, chạy xuống buồng Minh, thấy giường Minh trống không. Nàng chạy ra vườn, gặp con Xám. Nàng vuốt ve con vật:

- Xám, Minh đâu rồi ?

Con chó rít nhè nhẹ, dẫn nàng ra cổng và ngồi xuống vẫy đuôi nhìn ra đường. Tuyết lay cổng định mở, không để ý đến tiếng vang động có thể làm thức giấc mọi người trong nhà. Nàng bỗng bị ông Toàn Thịnh kéo lại:

- Mày làm gì thế Tuyết ? Định mở cổng đi đâu giờ này ?

Tuyết vừa thở vừa nói:

- Thằng Minh nó đi mất rồi !

Và nàng trách móc:

- Chỉ tại ba đó thôi. Ba dồn nó vào bước đường cùng, khiến nó không thể ở đây được.

Ông Toàn Thịnh quắc mắt:

- Đừng có nói nhảm. Mày dung dưỡng nó nhiều rồi. Nó bỏ đi càng hay, nếu không hôm nay tao cũng tống cổ nó ra khỏi nhà này ! Thôi đi vào ! Đừng có làm ầm lên mà chết với tao bây giờ !

- Con muốn đi tìm nó về, tội nghiệp nó mà ba !

Ông Toàn Thịnh đánh Tuyết một cái bạt tai và giận dữ đẩy nàng vào nhà. Tuyết đành hậm hực trở về phòng riêng. Nàng chợt thấy một phong thư bỏ trên ghế, và vội vã bóc ra đọc. Thư viết:

“Chị Tuyết thân mến,

Em xin chị tha thứ đã làm chị phiền lòng. Nhưng chị hiểu cho là em không thể nào nán lại đây được nữa, khi em đã mang tiếng là một tên ăn cắp. Hơn nữa, em được biết ba má chị định đuổi em đi, gửi em vào trại mồ côi. Em thực không muốn vào đấy chút nào. Em ra đi, chị đừng lo cho em, vì em sẽ có chỗ trú ngụ tạm thời. Rồi em sẽ tin cho chị hay. Em chỉ buồn có một điều là phải xa chị, người chị mà em quý mến hết lòng.
                

Em của chị,   
MINH"        

Cầm lá thư, Tuyết hồi tưởng lại những lúc Minh ngồi chăm chú đọc sách bên nàng, thỉnh thoảng ngừng đọc lại ngước lên mỉm cười với mình. Bất giác nàng đưa mắt nhìn sang chỗ bàn Minh thường ngồi, thấy có chiếc khăn tay trắng muốt đặt cẩn thận trên một cuốn sách mới. Hai vật đó đều của Minh để lại. Chiếc khăn tay do má Minh thêu và Minh rất quý; còn cuốn sách Minh mới được thưởng hôm nào. Tuyết cầm cuốn sách bên trong có kẹp tấm hình của Minh phía sau đề dòng chữ:

   “Mến tặng chị Tuyết, người chị không bao giờ em quên”.

Tuyết thấy lòng nao nao một niềm thương cảm, và quên cả mệt nhọc, nàng ngồi vào bàn lấy giấy bút ra viết thư cho Lộc, đem tâm sự của nàng kể cho Lộc hay:

“Anh Lộc,

Buồn quá anh Lộc ạ ! Từ bao lâu nay, Tuyết chưa từng thấy cô đơn buồn tẻ như bây giờ. Chỉ vì Minh đã bỏ ra đi mất rồi ! Thằng nhỏ ấy lúc còn ở trong nhà không làm bận ai, nhưng khi ra đi thiếu nó Tuyết cũng thấy quạnh nhà. Minh đã đem lại cho Tuyết nỗi vui êm dịu, thứ êm dịu không vương một chút băn khoăn, hối tiếc. Ở Minh có một vẻ thanh khiết đơn sơ, khiến Tuyết thấy đời sống trưởng giả của mình nặng nề phiền toái. Gần nó Tuyết mới hiểu thế nào là một tâm hồn trong trắng ngay thật.

Minh đã chịu đựng hoàn cảnh sống chung trong gia đình Tuyết một cách êm thấm. Nhưng bỗng nhiên có một chuyện đáng tiếc xảy ra khiến nó liều lĩnh bỏ ra đi. Tuyết lo ngại cho nó còn non người trẻ dạ. Tuy nó có để lại cho Tuyết mấy lời bảo sẽ tìm được nơi tạm trú yên ổn, nhưng Tuyết vẫn chẳng an tâm. Tuyết chỉ lo ba Tuyết làm rầy rà thêm cho nó, và báo cho nhà chức trách đi tìm!

Tuyết bối rối quá. Anh có cách nào giúp đỡ hoặc chỉ vẽ giúp Tuyết không ?
 TUYẾT"   
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 5


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>