Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

CHƯƠNG V_XÓM NHỎ


CHƯƠNG V


- Mưa đêm đông lạnh lòng người cô lữ và buồn làm sao tâm sự kẻ không... ư... ừ... nhà...

Anh bán sách vừa xuống xong câu vọng cổ, tiếng vỗ tay rào rào của đám trẻ chúng tôi vây quanh vang lên.

Sáng chủ nhật, anh em tôi được đi chơi tự do. Xóm nhỏ chả có gì cả, quanh đi quẩn lại cũng từng ấy ngõ, từng ấy hẻm, từng ấy nhà, từng ấy bạn bè lũ trẻ lau nhau trạc anh em tôi Bày trò bắn nhau, chơi ú tim, chơi hình, chơi đáo... Chúng tôi chỉ còn biết nô đùa như thế. Sự xuất hiện của anh bán sách trong xóm tôi sáng chủ nhật này là một thình lình đầy thích thú.

Lúc tôi dẫn cái Trâm, cái Loan ra ngoài đường cái chơi với đám con của ông giáo sư Phủ, chúng tôi thấy một thanh niên lạ mặt đi xe mô-bi-lét chạy vào xóm. Phía sau chiếc xe gắn máy có đến ba cái thùng sữa (loại bằng giấy bồi như của mẹ tôi dùng để đựng báo). Cái Loan đoán:

- Ông ấy đi bán sữa thì phải? Ai mà mua sữa nhiều thế nhỉ?

Cái Trâm:

- Hộp nào cũng căng phồng thì không phải là sữa đâu. Không chừng ông ấy bán báo. Muốn tranh mối với mẹ mình chắc?

Tôi:

- Không đúng đâu, bán báo thì phải ở ngoài đường chứ vào trong xóm, ma nào mua cho.

- Nhỡ ông ấy tưởng trong xóm bán chạy hơn...

- Ừ nhỉ, biết đâu chừng... Vậy mình chạy theo coi... nhé!

Ba anh em tôi chạy theo hướng chiếc xe gắn máy, lúc đó đã khuất ở một con hẻm nhỏ. Chúng tôi đến đầu hẻm, thanh niên lạ lại rẽ một hẻm khác mất dạng. Chúng tôi phải mất một lúc, quanh đi quẩn lại mấy ngõ hẻm, mới tìm lại được.

Lúc này, người lạ đang đứng giữa một đám trẻ. Anh ta trải hai chiếc áo mưa nhà binh ra khoảng đất trống gần cái giếng chung của xóm, xong xuôi, mới lại xe gắn máy bê ba cái hộp sữa lại gỡ dây.

Nỗi thắc mắc của ba anh em tôi được trả lời: anh ta bán sách. Thôi thì “trăm hoa đua nở”, màu mè, đủ loại, đủ cỡ: sách học, sách truyện, bài ca, nhạc... được bày có hàng trên hai tấm áo mưa. Xong xuôi đâu đấy, anh còn đợi cho đám đông đông hơn, nghĩa là có mặt cả người lớn trong xóm nữa, anh mới lấy giọng, xoa hai tay vào nhau trịnh trọng thưa:

- Thưa quý bà con cô bác, cùng các em học "sanh", thật là vạn hạnh cho chúng tôi hôm nay được gặp bà con và các em ở đây. Trước hết, chúng tôi xin có lời chào tất cả...

Giọng nói của anh , tuy đã cố ra vẻ trang nghiêm, vẫn đầy tính chất diễu cợt sao đâu ấy, lũ trẻ chúng tôi tự nhiên có cảm tình, vỗ tay rào rào...

Anh bán sách mỉm cười, lại xoa tay nói tiếp:

- Hôm nay, chúng tôi về đây với mục đích giúp ích cho bà con và các em một món ăn tinh thần quý báu. Với bà con và các em dư dả, chúng tôi có sẵn những cuốn sách mới xuất bản, cam đoan đẹp và quý. Phần bà con và các em ít tiền bạc, chúng tôi có những cuốn sách loại bán ”son”, giá rất rẻ. Chúng tôi cũng không quên quý bà con ghiền vọng cổ ở xóm này, có đem một lô sách bài ca, các cô các cậu ưa tân nhạc thì có cả một rừng nhạc đây, tha hồ mà lựa. Về đây, chúng tôi tin tưởng sẽ được bà con và các em chiếu cố nồng hậu. Chúng tôi xin được cảm ơn trước về sự chiếu cố này... Và bây giờ, để làm quà cho buổi gặp gỡ này, chúng tôi xin được cống hiến quý bà con và các em một bài vọng cổ... Bà con và các em có chịu không?

Lũ trẻ chúng tôi vỗ tay đôm đốp, vừa reo:

- Chịu!

- Ca cho mùi nghe anh!

- Vọng cổ sáu câu hay xàng xê đó?

- Im lặng đi, để anh ấy ca cho nghe!

Anh bán sách lấy một cuốn bài ca, ự ự lấy giọng rồi bắt đầu hát. Và anh đã được tán thưởng khi vừa xuống xong câu vọng cổ. Dân trong xóm, có đến hơn nửa là người miền bắc, nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến cho bộ môn cải lương, vọng cổ kém phổ biến. Mà còn trái lại là khác. Dân di cư xem ra cũng thích cải lương lắm, cứ đến giờ đài phát thanh có chương trình cổ nhạc Nam phần y như rằng mấy nhà mở máy trước và mở to hơn cả là mấy nhà dân Bắc ! Có hơi khó hiểu thật đấy, nhưng đã ai giải thích được tại sao nhiều người di cư ăn phở bỏ giá, nhiều người  miền Nam khen"thịt cầy số dách" đâu nào. Và đã ai phân tích được tâm trạng “sợ phở” của mẹ con tôi, ngay cả bố tôi nữa!

Anh bán sách vẫn tiếp tục hát:

- ... năm tháng lang thang với manh áo bạc màu... thế nhân ôi cả đô thành rộn rịp có ai còn nhớ đến em đâu, đêm từng đêm thức trắng canh thâu, vai áo rách nước mưa thấm lạnh, đời của em là chuỗi ngày u ám cạn tâm tình sao chẳng cạn dòng châu... ơ... ơ...

Nghệ thuật câu khách của anh bán sách xem ra cũng khá. Sau bài vọng cổ làm quà, anh được chiếu cố tận tình. Người mở hàng là ông Bảy, một tay lục huyền cầm nổi danh trong xóm. Ông mua năm cuốn bài ca vọng cổ, nói để dạy con cháu hát chơi. Ông khen anh bán sách:

- Giọng của anh nghe cũng khá đó, sao không đi làm kép hát?

Anh bán sách cười:

- Làm kép hát rồi ai đi xuống đây ca cho bà con nghe?

Sau ông Bảy là ông Tâm, ông mua cho thằng Thiện cuốn tập đọc lớp năm, loại sách bán “son”, có hai chục. Bọn trẻ chúng tôi không tiền, vài đứa ưng ý cuốn sách, bản nhạc nào đó, chạy về nhà xin tiền ra mua. Những đứa không mua cũng được cho lật xem. Anh em tôi xúm lại bên chồng Thế giới tự do màu sắc thật hấp dẫn.

Bỗng nhiên, chúng tôi cùng giật nẩy mình vì tiếng quát:

- Này! Khôn hồn thì bỏ cuốn sách xuống!

Mọi người, kể cả anh bán sách cùng hướng về tiếng quát. Tôi thấy anh Ngọc với vẻ mặt hầm hầm đang chỉ tay vào một đứa trẻ lạ, có lẽ thằng bé ở ấp bên kia sang chơi.

- Thấy người ta bận bán hàng không để ý rồi định cuỗm không đấy hở? Trả lại cho người ta mau!

Thằng bé riu ríu nghe lời, trả cuốn sách về chỗ cũ, mắt lấm la lấm lét. Tôi lo thầm cho nó, chỉ sợ anh Ngọc nổi nóng tát cho một cái hoặc đạp cho một đạp thì khốn! Nhưng may cho nó, anh Ngọc hôm nay hiền. Anh nói:

- Từ giờ trở đi thì chừa cái thói ăn cắp ấy đi nghe! Tao mà bắt được lần nữa thì nhừ đòn...

Thằng bé được tha, liếc chừng anh Ngọc, anh bán sách và mọi người rồi lẩn mất. Bấy giờ anh bán sách mới đến bên anh Ngọc bắt tay cảm ơn:

- Cảm ơn anh nhiều lắm, không có anh tôi bị mất cuốn sách rồi. Thú thật là tôi không ngờ lại có đứa dám trộm sách...

Vừa nói, anh vừa liếc qua một lượt bọn trẻ chúng tôi. Anh Ngọc đã nhận ra anh em tôi, anh nói với anh bán sách:

- Thằng bé vừa rồi không phải ở xóm này đâu anh bạn à... Trẻ xóm này tôi bảo đảm, hiền lắm...

Anh bán sách:

- Không dám nào anh cho tôi cái hân hạnh được biết tên?

- Ngọc, tôi tên Ngọc, tùng sự ở Tiểu Khu...

- A... anh ở mãi dưới Tiểu Khu cơ à... anh xuống tận đây chắc để thăm bà con? Hay nhà anh trong xóm?

- À, tôi đến đây thăm một người quen...

Rồi anh vẫy anh em tôi:

- Tấn, Trâm, Loan à, theo anh về bố bảo...

Anh bán sách nhìn chúng tôi:

- Thì ra đây là các em của anh?

Anh Ngọc:

- Vâng, chúng nó là em tôi đấy...

Anh bán sách chạy ngay lại chỗ chúng tôi. Anh ngồi xuống hỏi cái Trâm:

- Anh thấy em thích mấy cuốn Thế giới tự do này lắm, phải không? Đây này... (Anh vừa nói vừa quơ tay chọn ba cuốn)... anh tặng ba anh em mỗi em một cuốn về coi chơi nhé... Coi chán thì lấy bao tập, hách lắm đó nghe...

Cái Trâm không dám nhận. Anh bán sách giơ trước mặt tôi, tôi cũng không dám nhận, đưa mắt dò ý anh Ngọc. Anh Ngọc nói:

- Anh ấy cho thì cầm lấy đi...

Bấy giờ cái Trâm mới dám đưa tay ra nhận, nó lí nhí:

- Cám ơn anh...

Tôi cũng nói:

- Cám ơn anh...

Anh Ngọc nói với anh bán sách:

- Thôi, xin kiếu anh nhé. Giúp anh được tí việc thì anh lại cho mấy đứa em tôi sách vở, phiền anh quá...

Anh bán sách vui vẻ:

- Có chi mà anh bận tâm... mấy cuốn Thế giới tự do có là bao...

- Anh còn ở đây lâu không?

- Cũng gần trưa rồi, có lẽ tôi cũng sắp sửa về...

- Thế chúc anh bán chạy nhé!

Anh Ngọc và anh bán sách bắt tay từ giã nhau. Chúng tôi đợi họ xã giao xong, theo anh Ngọc về nhà. Anh bán sách trở lại chỗ bán, giọng anh vang lên:

- Thưa quý bà con, bây giờ đã sắp đến lúc tôi xin phép từ giã bà con. Chúng tôi xin gởi lời thành thật biết ơn quý bà con đã mua giúp chúng tôi những cuốn sách, những tập bài ca, những bản nhạc. Trước khi chia tay, tôi xin được cống hiến bà con một bản tân nhạc: đó là bản “Những đồi hoa sim”...

Tiếng vỗ tay của mọi người vang dội.

Anh em tôi theo anh Ngọc đi về mà tiêng tiếc sao ấy. Cái Loan hỏi anh Ngọc:

- Anh Ngọc mới xuống phải không?

- Ừ, anh mới xuống. Anh đố các em biết tại sao anh lại xuống vào hôm nay và lại đi gọi các em về không?

- Anh xuống chơi chứ gì?

Anh Ngọc cười hì :

- Ai chả biết xuống chơi... nhưng xuống còn việc gì nữa cơ?

- ...

Anh Ngọc chợt dừng bước, chỉ tay lên cánh tay áo trái. Tôi kêu lên:

- Anh Ngọc lên Trung sĩ rồi à?

Cái Trâm:

- Cái lon mới quá!

Anh Ngọc:

- Anh xuống khao cả nhà em đấy... Anh mua hai con gà, tha hồ mà ăn nhé.

Tôi nuốt nước bọt đánh ực một cái. Chao ơi! Lâu lắm rồi đấy nhé, tôi mới được ăn thịt gà. Tôi lại nhớ đến ngày xưa, những ngày thức ăn ê hề, ăn đến chán ớn...


Hai con gà anh Ngọc đem xuống thật béo. Mẹ tôi với cái Trâm, cái Loan xúm lại làm. Cái Loan còn bé quá, chưa làm món được, chỉ đứng đợi sai vặt. Cái Trâm đã giúp mẹ tôi được khá nhiều việc.

Phần tôi, bố tôi sai tôi lau chùi lại bộ bàn ghế cho thật sạch. Sau đó, tôi còn nhiệm vụ đi ra đề-bô mua bia, nước cam, nước đá về nữa. Anh Ngọc ngồi nói chuyện với bố tôi thật vui vẻ.

Anh khoe chuyện giúp anh bán sách:

- ... không biết thằng bé con cái ai mà hư đốn thế... Rình rình người ta không để ý là cuỗm cuốn sách ngay...

- Người bán sách không biết à?

- Làm sao mà biết được, mải bán hàng... May mà tôi vừa đến và trông thấy... Anh chàng bán sách xem ra cũng biết điều, đã cám ơn rồi còn tặng ba đứa em nhà đây ba cuốn Thế giới tự do nữa...

- Chắc là dân trên tỉnh! Tôi thấy mấy người bán sách dạo vẫn hay bán ở chợ, phải vào trong xóm, chắc là bán cũng ế...

- Tôi thấy anh ta bán được lắm bác à...

- Lạ mà! Rồi cậu coi, xuống vài bận là chán ngay... Cái xóm này ấy mà, cứ xem gương xe phở của tôi thì biết, mấy hôm đầu bán chạy như tôm tươi, sau đó ế rạc ế dài, may mà dân ở bên ấp kia họ chưa chán đấy...

Có tiếng động cơ xe gắn máy chạy ngang của nhà tôi. Tự nhiên cả ba người bố tôi, anh Ngọc và tôi cùng nhìn ra ngoài ngõ. Tôi chỉ người chạy xe gắn máy nói với bố tôi:

- Anh bán sách đấy bố!

Anh bán sách có lẽ cũng nhận ra tôi và anh Ngọc, quay nhìn vào cười. Bỗng tôi thấy anh chạy xe chậm lại, nét mặt đầy ngạc nhiên. Và bố tôi chợt đứng bật dậy, chạy ra trước cửa:

- Ơ kìa! Thằng Phúc đấy phải không?

Anh bán sách đậu xe lại:

- Bác Khang, bác ở đây à?

Bố tôi:

- Tưởng ai đâu xa lạ, té ra mầy... Sao? Có gấp không? Vào nhà tao chơi nhé!

Anh bán sách tên Phúc đáp dạ rồi dắt xe vào nhà tôi. Bố tôi giới thiệu anh Phúc với anh Ngọc:

- Thằng Phúc, trước kia, dạo tôi còn đi thầu, nó vẫn xin làm nhân công cho tôi đấy...

Anh Phúc vào nhà, thấy mẹ tôi đang lúi húi làm gà, anh đưa mắt hỏi bố tôi. Hiểu ý, bố tôi gọi mẹ tôi:

- Mẹ nó này, có thằng Phúc đến chơi...

Với anh Phúc, dù anh đã từng làm việc dưới tay bố tôi, nhưng anh chưa đến nhà lần nào, mẹ con tôi hoàn toàn xa lạ. Anh lên tiếng chào, mẹ tôi chào đáp lại, rồi lại cắm cúi vào việc bếp nước. Bố tôi kéo ghế cho anh Phúc, vừa rót nước trà, vừa hỏi thăm:

- Sao? Mày bây giờ phải đi bán sách à? Sao không đi theo những chủ thầu khác? Vợ con thế nào? Làm ăn khá chứ?

- Cám ơn bác, gia đình cháu vẫn như thường. Chỉ phải cái từ khi bác thôi đi thầu, cháu xoay sang làm cho mấy chủ thầu khác, họ khó quá, bắt bẻ đủ điều chứ không như bác, bởi vậy cháu nghỉ, đổi nghề... Nhờ trời, hàng cháu bán chẳng đến nỗi gì... Còn bác? Bác về đây làm ăn được chứ?

Bố tôi lắc đầu:

- Tao cũng đổi nghề, nhưng nghề của tao cực hơn của mầy nhiều. Tao đi bán phở...

Anh Phúc tròn mắt:

- Bác đi bán phở?

- Chứ gì nữa! Mày ngạc nhiên lắm phải không? Ở đời mà, lên voi xuống chó là thường... Nhưng bán phở thì đã sao?

- Trời mưa thế này chắc hàng không khá?

- Khá thế nào được mà khá. May mà còn có sạp báo nữa đấy, không thì đến ngáp dài uống nước lã với nhau cả nhà...

- Bác nói thế chứ...

- Mầy tưởng tao nói đùa đấy ? Tao đang định xoay nghề nữa đấy... Mà lần này có lẽ tao lại lên tỉnh, lên trên ấy may ra mới khá được, phố xá, bán buôn chạy hơn đây nhiều... Mầy xem trên ấy có cái nhà nào vừa vừa một tí, giới thiệu với tao, tao mua đấy...

Cái Trâm chõ lên một câu:

- Bố chưa trúng số mà!

Bố tôi:

- Cha mầy chứ! Đợi đến lúc trúng số thì đói rã họng ra rồi...

Bố tôi đã đổi lập trường rõ rệt. Trước kia bố tôi cố vui vẻ để thích nghi với nếp sống mới nơi xóm nhỏ này bao nhiêu, bây giờ bố chê bai bấy nhiêu. Thật phúc đức cho gia đình tôi, thế là chúng tôi có nhiều hy vọng rời khỏi nơi đây rồi.

Anh Phúc:

- Bác xem căn nhà của cháu trên ấy thế nào hả bác?

- Thế nào là thế nào?

- Nghĩa là bác xem chừng... gia đình bác ở có vừa không ấy mà?

Bô tôi cười:

- Mày định bán cho tao đấy phải không?

Giọng anh Phúc trịnh trọng:

- Thú thật với bác, cháu lại thích ở vùng ngoại ô thế này hơn. Cháu định bán nhà từ ngày thôi việc cho mấy nhà thầu kia, nhưng chả ma nào mua cả... Phải chi bán được, cháu sẽ tìm mua căn nhà nào đó re rẻ một chút ở ngoại ô để lấy số tiền dư làm vốn buôn bán...

- Căn nhà của mày ở xóm 25 đấy phải không?

- Dạ...

- Căn nhà ấy thì ... (Bố tôi gật gù)... tao xem cũng được...

- Cháu mới xin công-tơ điện đó bác...

- Thế à?

- Có mấy lá tôn dột, cháu cũng vừa thay...

Bố tôi cười mỉm:

- Mầy quảng cáo với tao đấy phải không? Quen giọng lưỡi bán buôn rồi chứ gì... Được ... để tao nghĩ lại... À, mà mày đã định giá cả chưa? Cho tao biết để tao còn lo chạy tiền chứ...

- Người ta có trả cháu bốn trăm ngàn...

- Bốn trăm ngàn cơ à?

- Dạ...

- Như vậy thì có lẽ tao phải đi vay mất... Nhưng mà thôi, chuyện nhà cửa để đó rồi mình sẽ tính sau, mày còn về đây bán sách nhiều bận nữa mà, phải không? Ờ, rồi mình sẽ tính với nhau... Bây giờ, tao hỏi thật điều này nhé? Trưa nay ở lại đây ăn cơm được không?

Anh Phúc ngần ngừ, bố tôi chỉ anh Ngọc:

- Tao mời thay cậu Ngọc đấy. Cậu ấy ăn khao mới lên lon bằng hai con gà, béo lắm...

Anh Ngọc vồn vã:

- Mời anh ở lại dùng bữa với tôi và gia đình bác đây luôn thể cho vui. Vừa ăn khao tôi lên lon, vừa ăn mừng buổi gặp gỡ của chúng mình hôm nay, anh bằng lòng nhé?

Anh Phúc từ chối không được, đành nhận lời. Bố tôi lấy tiền ra, sai tôi:

- Thằng Tấn đi ra ngoài đề bô mua sau chai băm ba, mỗi người chúng tao hai chai, mẹ con mày thì mỗi người một chai nước cam, nhớ mua đá kha khá vào một tí nhé...

Tôi cầm tiền chạy đi mua bia cam ngay. Những bước chân sáo của tôi thật vui. Vui hẳn đi rồi, sắp được ăn thịt gà này, và nay mai, sắp được lên tỉnh ở nữa. Xóm nhỏ ơi, tao sắp từ giã mày rồi...

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>