Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

Huấn Luyện Chó Khó Hay Dễ?


Tôi nuôi các con tôi như thế nào thì tôi cũng nuôi mấy chú khuyển của tôi như vậy: thân thiện, tán thưởng, vui đùa và tử tế là những điều tôi thường mang ra áp dụng với chúng.
 
Nhà bạn có nuôi chó không? Bạn đã có dịp tập cho chó của bạn làm một điều gì chưa? Tôi thiết tưởng bạn cần luyện cho chú biết vâng lời nếu bạn muốn chú luôn luôn làm vui lòng bạn và bạn có thể an tâm và hãnh diện "dung dăng dung dẻ" với chú nơi đây nơi đó.
 
Điều cốt yếu bạn phải làm, sau khi đã tập cho chú tuân theo lệnh bạn, là dạy cho chú biết phép lịch sự. Một con chó được huấn luyện tử tế sẽ không bao giờ dám sỗ sàng chồm lên ôm chầm lấy chủ, hoặc dùng những chân dơ bẩn in bừa bãi lên quần áo chủ. Nó cũng không bao giờ dám rít lên từng hồi, chạy qua chạy lại nhìn miệng chủ ăn. Một chú khuyển có giáo dục cũng biết tránh không dám ngồi chễm chệ trên những chiếc ghế quí, hoặc xục xạo làm huyên náo khi không có "lý do chính đáng".
 
Mỗi khi có người tới nhà, chú biết phân biệt kẻ quen người lạ mà có thái độ thích đáng. Đối với một người quen, chú sẽ niềm nở chạy ra đón tiếp và dẫn khách tới tận cửa. Nếu khách là một nhân vật lạ đáng kính, chú sẽ lặng lẽ để khách tiến vào nhà nhưng không quên "đề cao cảnh giác" giương to cặp mắt nhìn xoáy vào khách với thái độ "uết en si" (wait and see - chờ xem). Nếu có tính đa nghi, khuyển ta sẽ thủng thẳng lượn qua lượn lại ở phía xa, miệng "hô" lên vài tiếng nho nhỏ gọn gàng để báo cáo với chủ là có người lạ tới. Sau đó, chú sẽ tới đứng chẹn ngay trước cửa ra vào, miệng làu nhàu có vẻ khó chịu lắm nhưng vẫn để khách bước vào nhà.
 
Những chú chó "vô giáo dục" làm cho người ta khó chịu nhất là lúc nào ổng cũng sủa và vớ ai cũng rượt, gặp gì cũng săn. Loại chó này hiện thời có rất nhiều và đó cũng do sự sơ sót của ta không biết dạy chúng.
 
Một chú khuyển sau khi đã được huấn luyện về lễ phép và vâng lời rồi, sẽ được dạy làm ít trò vui. Điều này đối với giống chó rất tốt. Những trò này không có tính cách huyền bí hay ảo thuật gì, mà là những hành động vui vui ngộ nghĩnh ; chẳng hạn như mở cửa, đóng cửa hay mang những đồ vật lại cho bạn. Một chú khuyển khôn sẽ cảm thấy sung sướng khi thực hiện được một việc làm vui lòng chủ.
 
Trong giai đoạn tập cho nó biết làm trò, tôi thường khởi sự bằng những hành động được lập đi lập lại. Chẳng hạn như cách đây ít lâu, tôi có dẫn con Vện tôi ra sân - bấy giờ  nó vừa chẵn mười tháng - tôi ném một miếng cao su nhỏ vào một góc sân cho nó trông thấy (bạn có thể dùng một trái banh hay một cái que cũng được). Bạn thử đoán xem con Vện của tôi sẽ làm gì? À, cũng như hầu hết các chú khuyển khác, nó chạy theo vồ lấy miếng cao su, rồi lấy mõm day đi day lại.
 
Tôi bảo: "Mạng lại đây, Vện!" Nó nhìn lên giây lát rồi lại tỉnh bơ cúi xuống tiếp tục hành hạ miếng cao su.
 
Tôi lại nhắc: "Mang lại đây, Vện!" Nó dỏng tai lên, bỏ miếng cao su xuống rồi vội vã chạy về phía tôi. Tôi dẫn nó lại góc sân, làm cho nó ngoạm lấy miếng cao su đưa lên cho tôi. Sau đó tôi lại ném miếng cao su ra xa, con Vện lại vội đuổi theo, tôi tới giúp nó... Cứ thế tôi dợt với nó hàng chục lần, chủ đích làm cho nó hiểu rằng tôi muốn nó đem miếng cao su về cho tôi mỗi khi tôi ném ra. Sau cùng nó hiểu. Tôi vỗ nhẹ vào đầu nó, nói mấy lời khen ngợi và thưởng cho nó một miếng thịt.
 
Sau đó tôi tiếp tục dợt với nó nhiều lần nữa để cầm chắc nó đã nhớ kỹ công việc này và cũng từ ngày ấy, không bao giờ tôi ném một vật gì ra cho nó mà lại không bảo nó nhặt lại cho tôi.
 
Hai hôm sau tôi dạy Vện đóng một cái cửa ra vào đã hé mở. Tôi treo hờ miếng cao su vào cánh cửa rồi nói: "Đóng cửa lại, Vện!" Nó bèn chồm người lên đứng bằng hai chân sau, lấy hai chân trước vồ lấy miếng cao su. Lẽ dĩ nhiên sức mạnh đẩy tới của Vện đã làm cho cánh cửa khép kín lại.
 
Tôi tập đi tập lại nhiều lần "bài học" này với Vện và mỗi khi treo xong miếng cao su trên cánh cửa, tôi đều ra lệnh rõ ràng: "Đóng cửa lại, Vện!" Bạn cần nhớ một điều là lệnh mình đưa ra càng vắn tắt càng hay.
 
Về sau tôi không treo miếng cao su nữa nhưng vẫn nói: "Đóng cửa lại, Vện!" Đồng thời tôi cầm miếng  cao su ra hiệu. Lập tức Vện ta nhảy lên khép cửa vào. Trong các bữa ăn, mỗi khi tôi báo, Vện đều nhanh nhẹn ra khép chặt cửa lại.
 
Mấy ngày sau, tôi dạy nó lấy giầy lại cho tôi. Tôi khởi sự bằng cách ngồi xuống quăng chiếc giầy qua bên kia phòng. Con Vện chạy theo nhặt lại cho tôi (Đối với Vện, lượm lại một vật mà tôi quẳng ra bây giờ là một việc rất thường). Tuy nhiên, tôi vẫn lập lại công việc này nhiều lần, và mỗi lần, tôi đều nói rõ ràng: "Lấy giầy, Vện!".
 
Sau đó tôi tạm ngừng.
 
Tôi để giầy của tôi ở bên kia phòng rồi lấy báo ra coi. Vện đứng ngẩn ra và cho rằng trò chơi đã chấm dứt.
 
Chợt tôi nhìn vào nó, bảo: "Lấy giầy, Vện!" và chỉ về phía chiếc giầy. Hiểu ý, nó liền đi lấy giầy cho tôi. Tôi vỗ về Vện và cho biết rằng mình đã rất hài lòng về nó.
 
Khoảng 15 phút sau, Vện ta có dịp để thử lại trí nhớ của mình. Tôi lại để chiếc giầy của tôi ở bên kia phòng rồi nói: "Lấy giầy, Vện!" Chú ta đứng thộn mặt ra chẳng hiểu gì hết, ngay cả khi tôi lấy tay chỉ về phía chiếc giầy. Trong trường hợp này, tôi kiên nhẫn tập lại với chú từ đầu.
 
Thời gian cứ thế trôi qua, tôi đã huấn luyện cho Vện biết làm một số công việc dễ. Vện có thể lấy củi ở ngoài sân mang xếp gọn vào một chỗ ; hoặc chuyển từng đồ vật từ trong một phòng ra, mà mỗi lần chú đều không quên khép kín cửa lại. Chú còn có thể thi thố được một số trò vui khác nữa, đại khái cũng "sêm sêm" như mấy trò trên.
 
Tôi không hề đánh Vện một roi tuy mỗi khi mang Vện ra huấn luyện, tôi đều xách theo một cái hèo (một loại roi) để làm ra bộ ta đây hách... xì xằng. Chỉ khi một chú chó lạ tới phá đám hoặc một cuộc "cãi lộn" có thể diển ra giữa Vện và chú Vằn hàng xóm thì roi mới được mang ra dùng, nhưng không phải để quật thật sự mà chỉ cần ra oai cũng đủ dàn xếp câu chuyện. Càng ít dùng roi thì roi càng có hiệu lực với mấy chú khuyển.
 
Các cụ ta thường nói "dục tốc bất đạt", cái gì mà làm vội vàng thì khó thành công. Đối với giống chó cũng vậy, tôi không bao giờ hối hả bắt chúng làm điều này điều kia một cách hấp tấp, vì như vậy sẽ làm hư con chó đi. Tôi sẽ kiên nhẫn đứng chờ nếu chó ta còn muốn chơi thêm chút nữa. Tôi cũng thủng thẳng tập làm sao để bảo đảm rằng chú Vện của tôi đã hoàn toàn thuần thục trò chơi này ; sau đó tôi mới bắt đầu tập một trò chơi khác.
 
Điều quan trọng là bạn phải tỏ ra biết tán thưởng nhưng như thế cũng chưa đủ, Bạn còn phải tỏ ra say mê thích thú nữa mới được. Bạn cần làm sao để cho chú khuyển của bạn biết rằng bạn rất khoái những trò mà khuyển ta mang ra thi thố. Bạn chớ nên khinh thường giống chó. Chúng sẽ cảm thấy sung sướng gấp đôi khi biết bạn đang say mê theo dõi chúng.
 
Chó là một giống vật nhậy cảm vô cùng. Một khi bạn hết lòng tin tưởng và tỏ ra thân thiện với chúng, chúng sẽ luôn luôn muốn làm vui lòng bạn và tỏ ra có tinh thần tự giác biết sửa sai.
 
 
VĂN TRUNG         
 (Viết theo Scotly Allen)   
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 76, ra ngày 11-2-1973)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>