Thứ Hai, 17 tháng 2, 2025

Làm Người... Ta Phải...


Bà tôi thường quan niệm rằng "Làm người ai cũng phải nên... lao động" Tôi rất ghét quan niệm đó. Tôi có địa vị, tiếng tăm... há không đủ rồi sao? Bất tất phải nghe lời một bà cụ già lẩm cẩm? Hôm vừa rồi, trong bữa ăn, bà tôi bảo tôi rằng:
 
- Cháu cần phải làm một việc gì, hay cố tập làm cho được một dụng cụ gì đó, chẳng hạn lấy đất sét nặn một cái dĩa, cưa ván gỗ đóng một cái bàn hay sơn cánh cửa... hoặc lấy vải kia cắt ra mà may một cái quần đùi, cùng lắm là chiếc khăn tay thử xem nào! Con trai con tráng mà lười biếng mỗi chút mỗi nhờ người khác chẳng đáng thẹn lắm ru?
 
Úi trời ơi! Tôi : một nhà văn, không những thế, tôi còn có bằng cấp đại học hẳn hoi mà lại đi hạ mình làm những công việc tay chân "hạ tiện" đó ư? Đâu có được! Nhưng tôi chưa kịp há miệng cãi một lời thì bà tôi đã nghiêm nghị tiếp:
 
- Bà thừa biết cháu nghĩ gì rồi, ai cũng nhận cháu là kẻ có tài, một nhà văn nổi tiếng... ngay bà, bà cũng công nhận điều đó nữa. Bà còn nhận rằng cái tài hút thuốc lá của cháu thì quả là ăn đứt mọi người, bằng cớ là tàn thuốc lá và khói thuốc lá của cháu ngập phòng. Nhưng theo ý bà thì cháu cần làm một việc gì, một vật gì cụ thể, một vật có thể sờ, nắm được, thấy được và là một vật thiết dụng kia. Cháu biết tại sao không" Đây, hãy nghe câu chuyện sau đây...
 
Chuyện gì? Chuyện gì mà bà tôi kể cho tôi nghe để cốt giải thích cho tôi về quan niệm "làm người phải nên... lao động" tôi nghĩ thầm trong bụng, lòng không vui nhưng kiên nhẫn lắng tai.
 
- Ngày xưa...
 
Mới nghe tới đó tôi nghĩ thầm thêm: "Trời ơi! Hết chuyện rồi bà đi kể chuyện cổ tích cho một nhà văn nổi tiếng" song vẫn không hề phản đối, để xem câu chuyện ra sao.
 
- Xưa lắm có một vị hoàng tử xứ Ba Tư cảm mến con gái bác chăn cừu. Chàng tâu với phụ vương rằng:
 
- Kính tâu phụ vương, con yêu cô gái chăn cừu và muốn được cùng nàng...
 
Chợt nghe qua, "mặt rồng" đổi sắc, ngài đập bàn quát lên:
 
- Ta đây là vua nước Ba Tư giàu có, con sẽ nối ngôi ta sau này. Hỡi vị hoàng tử ngu dại, si mê kia! Chớ yêu không phải chỗ! Dễ thường các đại thần, tể tướng hết nhẵn con gái rồi sao mà con lại...
 
- Kính tâu phụ vương! Con biết rằng việc này làm phật ý phụ vương, nhưng con nào muốn vậy. Khốn thay! Con rất mến nàng, kính xin phụ vương chấp thuận cho con cưới nàng làm vợ.
 
- Ta không cho! Ta không cho! Ta không muốn có con dâu hạ tiện, con kẻ chăn cừu!
 
- Như vậy thì con xin thề : con không lấy vợ từ giờ cho tới chết.
 
Nhà vua sửng sốt! Ôi chao! Nó là con mà nó không lấy vợ lấy ai nối ngôi ta về sau? Mà ta có một mình nó chứ phải nhiều nhõi gì cho cam! Ta cần có cháu bế mà! Ấy vậy là đức vua đành nhượng bộ. Ngài đấu dịu:
 
- Thôi! Cha cũng chiều con. Muốn lấy ai thì lấy. Duyên nợ với nhau, cha không cấm!
 
Nói đoạn, ngài cho gọi quân hầu đến truyền rằng:
 
- Ngươi kíp đến nhà gã chăn cừu, nói với hắn là Hoàng tử muốn cưới con gái hắn.
 
Quân hầu tuân lệnh đến nhà cô gái báo tin. Gã tưởng cô gái phải mừng rơn lên, ai ngờ cô điềm nhiên hỏi lại:
 
- Hoàng tử "nhà anh" có biết qua một nghề lao động nào không? 

- Hử? Cô hỏi cái gì?
 
Tên quân hầu tưởng mình nghe lầm, hỏi lại. Cô gái hỏi to:
 
- Hoàng tử "nhà anh" có biết qua một nghề lao động nào không? 

- Trời ơi! Cô rõ dở hơi! Cô há không biết rằng ngài sẽ thay vua cha trị vì vương quốc Ba Tư mênh mông, giàu có này ư? Ngài là vua, ngài cần gì phải...
 
- Biết vậy! Nhưng nếu hoàng tử "nhà anh" không biết một nghề lao động nào thì đừng hòng cưới được tôi. Tôi muốn thế. Hãy về báo tin đó cho ngài.
 
Tên quân hầu lủi thủi trở về, lòng đầy kinh ngạc. Nghe lời tuyên bố ngạo mạn của cô gái qua tên quân hầu kể lại - đức vua tưởng máu sô lên sùng sục trong huyết quản, quay lại con mỉa mai giọng, hỏi rằng:
 
- Thế nào? Hoàng tử duy nhất của ta! Con không hề biết một nghề lao động nào hết, con tính sao đây? Bỏ ý định ngông cuồng rồ dại kia chưa?
 
- Kính tâu phụ vương! Cũng chẳng khó khăn chi, con sẽ cố học lấy một nghề lao động vậy.
 
Hoàng tử nói bằng giọng rất tự nhiên, không phật ý chút nào. Thế rồi, chàng học nghề dệt thảm rơm, dệt rất nhiều loại, nhiều cỡ, nhiều mầu, nhiều kiểu. Chỉ trong ba ngày, chàng đã lành nghề, chàng dệt những tấm thảm tuyệt đẹp, cho tên quân hầu mang đến giao tận tay cô gái và nói rằng:
 
- Chính Hoàng tử đã thân hành dệt những tấm thảm rơm kia xin mang lại biếu cô, đó là bằng cớ về một nghề lao động vậy.
 
Cô gái lấy làm vừa ý.
 
Thế là hôn lễ tiến hành.
 
Họ rất hợp nhau.
 
*
 
Một hôm kia, Hoàng tử dạo chơi ở kinh thành Bagdad, vui chân dừng lại ở một hiệu ăn trông rất sạch sẽ, thanh lịch, và sau cùng hoàng tử bước vào trong, ngồi xuống một cái bàn, toan cất tiếng gọi thức ăn... Hoàng tử không ngờ rằng mình đã vô tình lọt vào sào huyệt của bọn bất lương, chuyên giết người, cướp của.
 
 Chúng bắt hoàng tử nhốt vào một ngục tối rất lớn cùng với nhiều người khác, cũng là nạn nhân của chúng và vốn là người có địa vị trong vùng.
 
Chúng đem những người béo mập ra giết đi, lấy thịt nuôi những kẻ gầy ốm nhất, coi đó như một trò tiêu khiển vậy. Hoàng tử là người gầy nhất trong số những người gầy lại không ai biết chàng là hoàng tử, nên chàng không bị chúng giết ngay. Hoàng tử lập mưu nói với bọn cướp:
 
- Tôi là thợ chuyên dệt thảm rơm, loại đắt tiền nhất, nhà vua vẫn mua thảm do tay tôi dệt. 

Bọn cướp liền mang rơm đến bảo chàng dệt thảm ngay. Trong ba hôm, hoàng tử dệt xong ba tấm thảm cực kỳ khéo đẹp. Hoàng tử bảo bọn chúng:
 
- Các ông mang những tấm thảm này đến dâng cho đức vua, thế nào ngài cũng trả cho các ông mỗi tấm một đồng vàng.
 
Thế là bọn cướp mắc mưu chàng. Thoạt trông thấy những thảm đó, nhà vua đoán ngay con trai chắc đang lâm nguy, ngài bèn gọi dâu đến phán rằng:
 
- Có người mang dâng ta mấy tấm thảm, ta đoán chắc do chồng con dệt, con có đồng ý với ta không?
 
Nàng cầm từng tấm lên xem rất kỹ và quả nhiên nhận thấy trong những đường dệt tinh vi đó có mật thư của chồng mình bằng chữ Ba Tư, lập tức nàng đọc cho vua cha nghe.
 
Đức vua liền phái rất nhiều quân lính đến ngay sào huyệt bọn cướp, vây bắt chúng không chừa sót một mạng nào và giải thoát hoàng tử cùng tất cả những nạn nhân của chúng, bị giam từ lâu. 

Hoàng tử trở về cung điện với cha và vợ.
 
Thoạt thấy nàng, hoàng tử làm một cử chỉ ưu ái và rất "hạ mình": Chàng quỳ xuống hôn chân vợ mà rằng:
 
- Anh rất cảm phục và biết ơn em, chính nhờ em mà anh sống đến ngày nay đó. Em đúng là vợ hiền của anh.
 
Riêng đức vua, ngài rất hài lòng về người con dâu khôn ngoan, vốn là con gái nhà chăn cừu nghèo khổ xưa kia.
 
*
 
- Đó, cháu thấy chưa? (bà tôi dịu dàng hỏi) Cháu đã biết cái lẽ tại sao bà vẫn cho rằng ai cũng phải biết một nghề lao động để phòng thân không?
 
- Cháu biết rõ lắm rồi - tôi vui vẻ nói - cháu sẽ để dành tiền, mua cưa, gỗ, ít tấm ván mỏng, trổ tài đóng vài chiếc ghế, song trước hết cháu đóng ngay cái giá đựng sách cho bà xem.
 
 
MINH QUÂN          
(phóng tác theo một truyện ngắn
 của William Sarnaoy) 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 38, ra ngày 1-3-1967)
 


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>