Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Đôi Ta


 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đôi ta mùa đông trước

Trong tiếng mưa rì rào

Vai kề vai chân bước

Trên vỉa hè lao xao


Phố vắng người quạnh quẽ

Mưa nặng hạt rơi nhanh

Thời gian đi lặng lẽ

Chẳng đợi em và anh


Rủ nhau vào quán nước

Một chút vui trong chiều

Chuyến xe  đời xuôi ngược

Dừng lại bến thương yêu


Rồi anh nghe em hát

Lời dịu ngọt dường nào

Anh khẽ nhắm đôi mắt

Thả hồn bay lên cao


Mùa đông chiều mau tối

Chia tay nhau bên lề

Ngày đông qua quá vội

Bóng đêm nay lại về


Những năm sau quay bước

Về  phố cũ đường xưa

Còn nhớ mùa đông trước

Một ngày trời đổ mưa ?

                           Nhã  Uyên


Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Trên Miền Đất Thánh

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trên bóng mát lũ chim rừng vỗ cánh
Trời chớm đông gọi dáng bước ai về
Vàng lá rụng sầu rơi từng tiếng lạnh
Chuông giáo đường đổ giấc báo canh khuya

Trên tiếng hát vút cao hồn mở rộng
Gọi thăng trầm hòa nhịp với thinh không
Nắng không vàng mà nắng trong như lọc
Chuông giáo đường lanh lảnh sớm mai hồng

Trên nỗi nhớ thắp nồng đôi nến trắng
Tiếng cầu kinh mỗi sáng vọng tư bề
Lời thánh thiện bủa giăng cùng nhân ái
Chuông giáo đường vang vọng xóa cơn mê

Trên bóng mát lũ chim rừng mỏi cánh
Dừng chân bay tìm lại chút sum vầy
Vàng đông lạnh nhỏ giọt buồn tê tái
Chuông giáo đường giục giã ở đâu đây...

                                                        VŨ KIỆT
                                                           (Đà Nẵng)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 82, ra ngày 1-12-1967)

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Lương Tâm

Hình ảnh cái chong chóng bay của thằng Tâm hàng xóm lúc nào cũng ám ảnh trong đầu óc Lương: "Nó xinh ghê! Nó đẹp ghê!" Lương thích nó lắm, nhưng đây không biết là lần thích thứ mấy của Lương rồi, và lần thích nào cũng như lần nào đều là mộng ảo cả. Đối với một đứa trẻ nhà nghèo cha mẹ làm lụng như Lương, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thì làm sao có tiền dư để mà mua đồ chơi như con người ta, và nhất là Tâm, con của một công chức nữa.

Thế mà nhiều lúc quá ham muốn, Lương cũng đánh bạo và xin tiền má mình để mua, nhưng mỗi khi trông thấy cái túi tiền lép xẹp của má nó thì lòng nó se lại, nó thấy mình không có đủ can đảm để làm, khi mà cha mẹ nó phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt để nuôi cho nó ăn học.

Có lẽ như biết trước hoàn cảnh và số phận hẩm hiu của mình nên Lương không bao giờ mở miệng xin tiền má. Nhưng thường trước một giấc ngủ nào Lương cũng đều mơ ước rằng: mình sẽ được nằm mộng và trong giấc mộng đó mình sẽ được làm chủ một chiếc chong chóng bay.

Thế rồi! Trời như thấu cảm được ước vọng của đứa trẻ nhà nghèo kia nên một hôm, Lương vừa nhắm mắt ngủ thì bỗng thấy mình đang chơi trước sân nhà, trên tay cầm một cái chong chóng bay xanh và chung quanh mấy đứa trẻ đang vây lấy mình la hét:

- Màu chong chóng của Lương tuyệt thật!

- Cho bay đi Lương!

- Giật dây đi Lương!

- Xem bay cao không Lương!

Lương mỉm cười sung sướng đưa cái chong chóng lên giật dây:

- Rồ... ồ... Vút... út...

Chiếc chong chóng bay bằng mủ tròn lập tức rời khỏi trục bay vút lên cao. Theo sau tiếng bọn trẻ hoan hô la hét ầm ỹ:

- Ố... ố... Thích quá!

- Ố... ố... Bay cao quá!

- Bay cao hơn cái chong chóng của thằng Tâm nữa!

- Thích quá!

- Khoái quá! Há há!

Những tiếng hoan hô, la hét ầm ỹ của bọn trẻ hàng xóm làm cho Lương run lên vì sung sướng, có lẽ đây là lần đầu tiên Lương nhận lấy cái diễm phúc ấy. Qua giây phút xoay tít trên không, chiếc chong chóng từ từ hạ thấp. Lương chạy tới định đón lấy, nhưng:

- Xui quá!

Lương buột miệng nói. Chiếc chong chóng bay không rơi ngay xuống đất mà rớt nhằm trên một nhánh cây trứng cá trước nhà.

Thế rồi, cố gắng lắm, Lương mới leo lên được nhánh cây có chiếc chong chóng. Nhưng xui làm sao! Chiếc chong chóng lại mắc nhằm vào một cành khô, nên mặc dầu Lương dùng chân dậm mạnh nhánh cây mà cái chong chóng bay vẫn không chịu rớt. Trong khi Lương ở trên cây không biết làm thế nào thì ở dưới đất, bọn trẻ hàng xóm đã nôn nao đốc thúc:

- Ra đi Lương!

- Đừng sợ!

- Không té đâu! Ra đi Lương!

Lương bặm môi, hai tay nắm chặt lấy nhánh cây trên, trong khi chân lần theo nhánh cây dưới, ra xa...

Bất thình lình:

- ... Rắc... Rắc!... Á... Á!...

Nhánh cây trứng cá nhỏ không chịu nổi sức nặng của thân hình Lương nên đã phát gãy... Lương kinh hãi hét lên một tiếng lớn và giật mình tỉnh dậy.

Mở mắt nhìn quanh: cái chong chóng bay đâu, bọn trẻ đâu chẳng thấy, mà Lương chỉ nghe trong lồng ngực mình: trái tim đang đánh ình ình, đầu óc choáng váng, Lương bất giác buột miệng:

- Chiêm bao. Hú hồn!

Rồi Lương lấy tay vỗ vào trán vài cái cho tỉnh táo, đoạn vươn vai ngồi dậy. Chợt nghe có tiếng mẹ mình kêu ở dưới bếp:

- Lương ơi! Lương!

Lượng "Dạ!" một tiếng thật lớn, rồi lật đật nhỏm dậy chạy xuống bếp:

- Gì thế má? - Lương hỏi.

Thấy mẹ tay cầm chai dầu không với năm đồng Lương chợt hiểu:

- Mua dầu hả má?

Mẹ Lương, tay vừa đưa chai dầu và năm đồng cho Lương miệng vừa nói:

- Ờ! Nhà mình hết trơn dầu thắp rồi. Con chạy qua nhà bác Tư mua cho má năm đồng bạc dầu đi! Mau nghe con!

Một lần nữa Lương "Dạ", rồi cầm chai dầu chạy vụt đi.

*

Ra khỏi nhà, Lương chạy một mạch về phía cái tiệm nhỏ nhất ở đầu đường. Nói là cái tiệm chớ thật ra đó chỉ là một cái quán cóc lụp xụp của bà Tư Hiền, quanh năm suốt tháng sống với nghề bán đồ lặt vặt để nuôi đàn con năm đứa.

Vừa trông thấy Lương trên tay xách chai dầu không chạy đến, bà Tư đã cười bảo:

- Cháu Lương mua dầu phải không?

- Dạ phải ạ! - Lương đáp - Bác bán cho cháu năm đồng dầu!

- Đưa chai dầu đây, bác đong cho! - Bà Tư bảo.

Lương trao tiền và chai dầu cho bà Tư đoạn ngồi xuống chiếc ghế đầu kê gần đó xem bà Tư đong dầu. Vui miệng Lương hỏi:

- Bác Tư ơi! Bác bán vầy có lời nhiều không hở bác?

Bà Tư đang đong dầu, nghe Lương hỏi, vội ngoái đầu lại nói:

- Ối! Lời ít lắm cháu ơi! Tại bác nghèo nên bán vầy chớ phải giàu, bác mở tiệm lớn lời biết mấy.

Một hồi sau, dầu đầy. Bà Tư tưởng lúc nãy Lương đưa cho mình mười đồng nên vội thối lui năm đồng lại cho Lương. Lương ban đầu không hiểu nhưng sau hiểu ra ngay, nhưng vì trong lúc "cần tiền" làm mờ ám lương tâm, nên Lương mừng rỡ nhận lấy tiền rồi lật đật xách chai dầu chạy về. Chân Lương bước đi mà lòng rộn lên vì sung sướng:

- "Trời ơi! Sướng quá. Thế này thì mình có tiền mua chong chóng bay rồi!" Lương thầm nhủ. Nhưng Lương vừa rời khỏi quán độ vài chục thước thì một cảnh trước mắt làm Lương phải dừng lại nhìn: Một đứa trẻ độ tám chín tuổi, mình mặc chiếc áo chỗ rách chỗ vá tay nắm gậy, dắt cha là một người mù lòa đi xin ăn...
 

Nhìn đứa trẻ, Lương chợt nhớ tới những đứa con của bà Tư. Rồi một sự hối hận bỗng dâng lên trong lòng: "Nhà bác Tư nghèo, bác làm ăn vất vả, kiếm lời từng đồng từng cắc để nuôi con, nay ta lại làm như vầy..." Nghĩ tới đó Lương thấy lòng mình se lại. Lương muốn quay lại trả năm đồng cho bà Tư nhưng hình ảnh cái chong chóng bay vẫn ám ảnh đầu óc Lương và làm cho Lương phân vân: một đàng thì lương tâm, một đàng thì thỏa ước vọng. Nhưng: "Làm sao được, mình làm thế này thì lương tâm sẽ cắn rứt. Trò chơi dầu có ham muốn tới đâu cũng có thể nhịn được chớ cái nầy thì..." Rồi như một chiếc máy, Lương tự động xách chai dầu chạy trở lại quán bà Tư.

*

Vừa đặt chân tới quán, Lương đã la lớn:

- Bác Tư! Bác Tư!

Bà Tư từ trong nhà chạy ra hỏi:

- Gì thế cháu Lương?

- Bác Tư ơi! Bác thối lầm cho cháu năm đồng rồi!

Bà Tư ngạc nhiên hỏi:

- Sao? Cháu nói sao?

Thấy bà Tư không hiểu gì, Lương vội giải thích:

- Khi nãy mua dầu, cháu chỉ đưa bác có năm đồng hà! Mà không biết sao bác lại thối lại cho cháu năm đồng nên bây giờ cháu đem trả lại bác.

Nghe Lương giải thích, bà Tư chợt hiểu ra chuyện, bà vui vẻ vuốt tóc Lương nói:

- Cháu tốt lắm! Ngoan lắm!

Rồi bà tiếp lấy tờ giấy bạc trên tay Lương và mở tủ hàng chọn một cái chong chóng dúi vào tay Lương, đoạn nói:

- Cháu ngay thẳng và ngoan lắm, bác thưởng cháu đấy!

- Không! Cháu không... - Lương ấp úng nói.

- Không! Bác thưởng cháu đấy mà! Cháu nhận đi!

Rồi như sợ Lương từ chối, bà Tư bèn đưa tay dìu Lương ra cửa, đoạn bảo:

- Bác thưởng lòng ngay thẳng của cháu đấy. Thôi cháu về đi kẻo má cháu trông!

Lương không biết làm gì hơn, vội cúi đầu chào bà Tư rồi vội vã xách chai dầu chạy về. Chân Lương bước đi mà lòng thì lâng lâng một niềm vui khó tả.


NGUYỄN TẤT THẮNG     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 25, ra ngày 25-1-1965)

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Nhìn Lại

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 Đã thấy mẹ cha trong nỗi nghẹn ngào
với nụ cười chợt hé giữa chiêm bao
những sáng những chiều một đời lam lũ
giọt mồ hôi theo tuổi đắng lăn mau

Đã thấy mẹ cha dài ngọn tảo tần
trông cơn mưa mùa nhỏ hạt phân vân
nuôi con thương từng ngày no bữa đói
tiếng thở dài len nhịp võng bâng khuâng

Đã thấy mẹ cha như thuở ngọc ngà
tóc trắng nhiều theo áo trắng đi qua
dõi thời gian trên ngón chờ thảng thốt
bóng chim nào thôi cánh vỗ bay xa

Đã thấy mẹ cha lớn mãi vô thường
niềm rộn ràng vang chân guốc bờ sương
câu thương yêu gò thật tròn nét chữ
lòng hồn nhiên nên giấy bỗng thơm hương

                                                      THỤC HẠNH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 142, ra ngày 1-12-1970)


Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Hãy Gieo Rắc Sự Vui Xung Quanh Các Em

Các em thân mến,

Một em thiếu nhi đã than thở với chúng tôi: Cháu chán nản quá! Cháu không có hạnh phúc. Cháu thấy hình như mọi việc cháu làm đều hỏng cả. Cháu có cảm tưởng mọi người đều không ưa cháu...
 
Trong quyển "Con Đường Hạnh Phúc", bác sĩ Victor Pauchet có nói: Muốn có hạnh phúc thật, các em phải bằng lòng mọi sự, đừng nên nói xấu ai, tỏ ta hào hiệp với mọi người, đừng chỉ trích, đừng ghen ghét, phải bình tĩnh trước nghịch cảnh, phải tươi cười và gieo rắc sự vui vẻ khắp xung quanh.

Bác sĩ cũng có kể chuyện anh chàng Don Quirido, một nhà quí phái ở thế lỷ XV bên Âu Châu.

Anh này yêu say mê một thiếu nữ và cũng được nàng yêu lại. Nhưng bỗng nhiên, nàng bỏ chàng để đi đến với người khác.

Chàng si tình Quirido chán nản, định tự tử, một người bạn đã ngăn kịp anh ta. Quirido liền đi tu. Lần lần, anh ta bớt đau khổ, nhưng anh ta lại cảm thấy buồn, rất buồn. Mọi vật đều đen tối, thê lương quanh anh ta. Nguyễn Du cũng đã từng than: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Trong lúc Quirido quá thất vọng, một thiên thần hiện ra khuyên bảo anh ta:

- Don Quirido! Đừng chán nản. Ta sẽ làm cho nhà ngươi tìm lại sự sống. Ngươi sẽ được vui sướng. Hãy nghe theo lời ta.

Anh ta vội đáp: Tôi xin vâng lời ngài. Tôi sẽ cố gắng. Vị thiên thần liền đưa cho anh ta một tấm gương và bảo rằng: Tấm gương này sẽ phản chiếu hình ảnh của ngươi. Ngươi hãy nhìn hình ảnh ngươi trong gương này: Ngươi nhăn nhó, thiên hạ sẽ tỏ vẻ mặt buồn rầu với ngươi. Ngươi mỉm cười, thiên hạ sẽ mỉm cười với ngươi.

Anh ta mỉm cười. Vị thiên thần bảo tiếp: Ngươi hãy hứa với ta mỗi khi thức dậy, ngươi sẽ mỉm cười trước tấm gương và ngươi sẽ giữ nụ cười ấy suốt ngày để gây cái cười xung quanh ngươi.

Don Quirido thề vâng lời. Đêm đó anh ta ngủ rất ngon lành. Sáng hôm sau, khi trời vừa bình minh, anh ta thức dậy. Anh ta làm y theo lời vị thiên thần dặn dò. Tâm hồn anh ta đầy phấn khởi, tràn ngập vui tươi. Anh ta ca hát luôn miệng.

Từ lúc đó trở đi, anh ta luôn vui cười và làm cho các tu sĩ sống gần anh ta cũng vui lây. Mọi người xung quanh anh ta đều tươi cười xung quanh anh ta. Anh ta thường hay kể lại những câu chuyện vui, những mẩu chuyện yêu đời, những cái hay, cái đẹp của mọi sự xung quanh. Anh ta thấy vui sống: đời anh ta trở nên êm đẹp.
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đến một tháng, tu viện này trước kia đầy không khí tù hãm, buồn tẻ, nay lại tràn ngập tiếng cười, tiếng hát, ai nấy đều vui tươi.
 
Các em thân mến,
 
Tương lai các em đều nằm trong tay các em. Hạnh phúc các em cũng nằm trong tay các em. Các em hãy tươi cười với những người xung quanh các em, những người này sẽ tươi cười với các em.
 
Các em hãy gieo rắc sự vui vẻ xung quanh các em.
 
Các em hãy gieo rắc tình thương xung quanh các em. Chắc chắn các em sẽ được mọi người yêu mến, các em sẽ được hạnh phúc.
 
 
Thân ái                      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 15, ra ngày 21-11-1971)  

 

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Đừng Nói Ngược Lại Những Gì Kẻ Khác Thích

 

 Các em thân mến,

Trong những số báo trước, chúng tôi có khuyên các em nên thận trọng trong lời nói của các em, đừng nói nhiều quá cũng đừng nói ít quá. Nhưng, các em nên nhớ, dầu sao nói ít còn hơn là nói nhiều.

Trong phạm vi nói chuyện, có một hạng người không ai ưa là người hay nói ngược lại những điều kẻ khác thích.

Thấy trời hôm nay quang đãng, các em khen: Trời hôm nay nắng đẹp quá! Họ nói nghịch ngay: Trời nắng, nóng nực thấy mồ, đẹp nỗi gì?

Nghe các em đề nghị chủ nhật này rảnh cùng nhau đi ra biển tắm và nghỉ mát, họ phản đối ngay: Ngày lễ, dại gì đi đâu cho mệt, ở nhà nằm nghỉ có khỏe hơn không?

Nhưng nếu các em đưa ra ý kiến chủ nhật này không đi chơi đâu như thường lệ, nằm ở nhà nghỉ và đọc sách, họ bảo ngày lễ sao lại cú rủ ở nhà, không đi ra ngoài khoảng khoát, chán chết!

Các em muốn lên Tây Ninh, viếng Tòa Thánh Cao Đài, họ bảo nên xuống Mỹ Tho, thăm giang sơn ông Đạo Dừa.

Chắc chắn là các em không thể nào ưa hạng người thất nhân tâm như thế: Hạng người hay nói ngược lại những điều kẻ khác thích.

Nhưng tại sao người ta lại thích nói nghịch như vậy?

Một số người lầm tưởng một khi nói ngược ý kiến của kẻ khác, sẽ được người xung quanh thán phục mình can đảm, anh hùng, biết rộng, dám phản đối ngay mặt kẻ khác.

Một số người khác vì quá tự ái, cho rằng tán đồng ý kiến người khác là hạ mình xuống. Nhiều khi họ biết chắc chắn các em nói đúng, họ vẫn tìm đủ lý do cho rằng các em nói sai để tỏ rằng họ không kém các em.

Cũng có người quá yếu đuối về tinh thần, không đủ can đảm nhìn nhận sự thật, nên thường hay cãi bướng.

Ông Franklin, một nhà khoa học danh tiếng Hoa Kỳ, ở thế kỷ 18 có kể chuyện hồi ông còn nhỏ, tánh ông cũng rất khó chịu. Ông hay cãi bậy, thích nói ngược, nên ít ai ưa. Nhưng sau đó, ông biết phục thiện, cố gắng sửa mình, trở nên con người khiêm tốn, được mọi người mến phục.

Các em nên ghi nhớ: mềm mỏng, dịu dàng, nhường nhịn, các em tránh được nhiều tai họa, lòng các em được yên vui. Nếu các em háo thắng, cứng cỏi, hay nói nghịch, các em thường bị người ganh ghét, tìm cách hại các em.

Trong Cổ học Tinh Hoa, có chuyện như sau: Ngày xưa, một hôm Lão Tử đến thăm Thường Tung bị bệnh nặng. Thường Tung há miệng hỏi Lão Tử: Ngài xem lưỡi ta còn không? Lão Tử đáp: Thưa còn. Thường Tung hỏi tiếp: Ngài xem luôn răng ta còn không? Lão Tử đáp: Thưa rụng cả rồi. Ông ta lại hỏi tiếp: Ngài có biết cái lẽ ấy chăng? Lão Tử đáp: Thưa, có phải lưỡi nhờ mềm nên còn, răng vì cứng phải rụng chăng? Thường Tung gật đầu: Đúng thế. Việc đời đại loại đều như vậy cả: Cứng rắn thì dễ gãy đổ, mềm dẻo thì chịu đựng được bền.

Các em thân mến,

Muốn được cảm tình của mọi người, các em nên tránh đừng bao giờ nói ngược lại những điều kẻ khác thích.

Nói nghịch tất nhiên làm tổn thương đến lòng tự ái của người đối thoại. Họ sẽ không tha thứ cho các em và oán ghét các em lâu dài.
 

Thân mến chào các em           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Bên Bờ Khói Sương


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Người đi xa cách nghìn trùng
Người về hát giữa mênh mông đất trời
 
Người đi muôn dặm nẻo khơi
Người về vẫn nhớ một người nơi xa
 
Người đi yêu sắc hoàng hoa
Người về gói mộng trong tà áo bay
 
Người đi dù chỉ một ngày
Người về nắn lại phím dây tơ chùng
 
Người đi vào cõi mịt mùng
Người về hái một nụ hồng cô liêu
 
Người đi mang cả niềm yêu
Người về chốn cũ bao chiều buồn mơ
 
Người đi chẳng hẹn đợi chờ
Người về đứng lại bên bờ khói sương
 
Người đi vạn thuở còn thương
Người về mơ một lối đường chung đôi...

                                     Trần Thị Phương Lan
                                       (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

3 Chàng Thám Tử (V)


 
 VII. - RÌNH RẬP

Trưa hôm ấy, lúc mọi người về tới nhà, chúng tôi còn chưa kịp thuật chuyện thì con Hoa đã kể:

- Em vừa gặp một con bạn đi bãi Dâu về, nó bảo anh nó leo núi với một người bạn và hai người nghe thấy có mùi hôi kỳ lạ lắm ở một nơi gần cái hang Địa Ngục mà anh kể đấy. Có điều họ không thấy gì cả...

Tôi hỏi:

- Mầy có kẻ cho họ biết chuyện tụi tao phát giác ra những điều bí mật trên ấy không?

- Em đâu dám kể. Không khéo điều anh nghi hôm nọ là đúng thật rồi đấy, xác chết đã bắt đầu dậy mùi...

Con Hường thêm:

- Chị bạn chị Hoa còn bảo vừa có một vụ cướp trên đường đi bãi Dâu đấy.

Tôi nhìn thằng Hồng, thằng Dương. Những dữ kiện này càng khiến chúng tôi tin tưởng sự suy đoán của mình là đúng. Tên bất lương còn lại trong biệt thự Mẫu Đơn chẳng từng nói bạn mình bỏ đi "ăn hàng" một mình, thật trùng hợp vừa khéo với vụ cướp sáng nay.

Tôi lấy vẻ nghiêm trang nói với tất cả:

- Tụi này vừa khám phá được nhiều điều quan trọng. Theo tụi này lên phòng khách, tụi này kể cho nghe...

Chúng tôi ùn ùn kéo lên phòng khách thì nơi đây, sáu người lớn đã có mặt đông đủ, và bác Tám cũng vừa thuật lại mọi chuyện cho tất cả nghe xong. Thấy chúng tôi, mẹ tôi kéo giật cả ba đứa lại:

- Này, có đúng sáng nay chúng mày sang bên ấy không?

Chúng tôi xác nhận và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Mẹ tôi líu lưỡi lại:

- Sao... sao chúng mày dại thế? Nhỡ có gì thì sao?

Bác Duy trai bình tĩnh hơn:

- Chị cứ để cho các cháu nó trình bày, chuyện đâu còn có đó...

Tôi nói:

- Con tin là thế nào tối nay chúng cũng trở lại. Nếu bố mẹ và hai bác muốn chứng kiến tận mắt, con xin đề nghị chúng ta sẽ rình bọn chúng vào đêm nay...

Mẹ tôi lắc đầu:

- Không có rình với mò gì hết. Cứ đi ngủ như thường rồi sáng mai sửa soạn đồ đạc về Sài gòn cho sớm...

Nghe đến mấy chữ "về Sài Gòn". bọn trẻ chúng tôi xị hẳn mặt ra. Bác Duy gái đề nghị:

- Hay là mình đi báo cho nhà chức trách biết?

Bố tôi nhận xét:

- Không chắc điều chúng nó nghi đã đúng. Nếu bây giờ mình đi báo cho nhà chức trách biết mà không đúng như ý mình nghĩ thì có phải mình làm rộn họ không? Đấy là chưa kể đến việc mình còn ê mặt với họ nữa. Thằng Hoạt nói đúng, tối nay mình sẽ rình xem có ai vào biệt thự Mẫu Đơn không? Mình biết rõ bên ấy không có người ở, thế mà mỗi đêm lại có người lén đến, có trình nhà chức trách điều ấy, mình cũng không lo sơ hở gì...

Buổi chiều, chẳng ai muốn đi chơi đâu cả. Con Huyền, con Hằng, thằng Hồ đi ngủ để lấy sức tối thức. Bọn tôi, thằng Dương, thằng Hồng, Dung, con Hoa, con Hường thì xúm nhau lại bàn tán. Bốn người lớn cũng tính toán với nhau ở nhà trên.

Con Hường vẽ vời tưởng tượng:

- Chuyện này mà ra manh mối em sẽ viết một bài gởi đăng báo Tuổi Hoa...

Tôi bảo nó:

- Đừng tưởng đây là chuyện đùa! Rồi mày xem, báo chí sẽ đăng lên trang nhất chuyện này.

Dung mát mẻ chúng tôi:

- Hẳn phải có tên anh Hoạt, Hồng và thằng Dương.

Thằng Dương không hiểu ý chị nó, vênh mặt lên:

- Chứ sao! Ba thám tử đại tài chứ bộ!

Chị nó vẫn tiếp tục mát mẻ tôi;

- Thám tử! Ừ! Tám tử! Nhưng thám tử gì cái ngữ mày. Họa chăng có anh Hoạt mới xứng danh... nghề của chàng mà...

Tôi tức lắm. Được rồi, cứ nói cạnh nói khóe đi. Hôm nào người ta ghi tên học luật đã le lưỡi bảo: "Ý hẳn anh muốn làm luật sư để cãi chày cãi cối", hôm nay lại nói "nghề của chàng". Ta đây sẽ lấy kết quả của việc làm cho nhà ngươi sáng mắt. Phải biết ta là Hoạt, sinh viên luật, anh của thám tử Hồng!

Đêm xuống, mọi người hồi hộp chờ đợi. Người lớn thì rút vào phòng vợ chồng bác Tám hé cửa sổ nhìn sang biệt thự Mẫu Đơn. Trẻ con thì vào phòng ngủ, mở cửa kính theo dõi.

Nhìn đám trẻ chúng tôi, tự nhiên tôi nhớ đến đêm ba mươi tết, lúc cả nhà thức đợi giao thừa. Chỉ khác là đêm hôm ấy, mọi người cười nói huyên thuyên trong khi đêm rình rập này, ai nấy đều im lặng như tờ, bầu không khí càng trở nên ngột ngạt, khó thở vì đượm đầy vẻ bí mật.

Gần mười hai giờ đêm. Bóng tối trùm kín biệt thự Mẫu Đơn khiến bên ấy xem âm u khôn tả.

Chợt có tiếng cười nói rồi hai bóng đen hiện ra trên đường, tiến về phía cổng biệt thự Mẫu Đơn. Tôi nghĩ thầm:

- Sao bọn này gan thế, dám chuyện trò ngang nhiên, không sợ người khác biết sự có mặt của chúng sao?

Tôi liếc nhìn mọi người. Dung đưa tay lên ôm ngực. Con Hoa ôm lấy con Hằng. Con Huyền, con Hường thôi chia rẽ, tựa sát vào nhau. Thằng Dương, thằng Hồng, thằng Hồ nhìn ra ngoài cửa sổ không chớp mắt.

Hai bóng đen đã tiến đến cổng biệt thự. Chúng đang trò chuyện:

- Tối nay phải cố cho xong mới được, ngày mai họ tới rồi.

- Thế nào... hự hự... họ cũng phải một phen bở vía... hự hự... cứ tưởng nhà có ma... hự hự...

Tên thứ hai vừa nói vừa ho. Tên thứ nhất:

- Nhưng rồi sau đó, thấy dấu hiệu của bọn mình, họ sẽ hiểu ngay...

- Hai thằng mình mà... hự hự... nổi tiếng về những vụ này... hự hự... ai lại không biết... hự hự... Lâu lắm mới cho họ một vố... hự hự...

Cả hai cũng vừa khuất vào trong biệt thự. Một chút, đèn ở bên ấy sáng lên. Chúng tôi khép cửa sổ lại nhìn nhau:

- Khiếp quá.

Dung hỏi:

- Bọn anh Hoạt gặp tên nào trong hai tên?

- Tên không ho. Giọng nói của hắn đặc biệt lắm, dễ nhớ vô cùng, nghe quen quen...

Con Hường:

- Em cũng nghe cái giọng của thằng cha không ho quen quen sao đâu ấy...

Con Huyền, sau những phút kinh hoàng, giờ trở lại bình thường vớ ngay câu nói của em mà gây sự:

- Quen với thân! Bộ mày quen với bọn cướp ấy đấy hở?

- Ừ đấy! Có giỏi đi thưa lính đi.

Tôi phải can hai đứa. Cũng lúc ấy, mấy người lớn kéo lên. Mẹ tôi hỏi:

- Chúng mày thấy rõ không?

Con Hoa đáp:

- Tụi con thấy và nghe chúng nói chuyện rõ mồn một, ghê quá mẹ à.

Mẹ tôi:

- Thế này thì ngày mai nhất định phải đi báo cho nhà chức trách biết rồi.

Bác Duy:

- Nhưng trước tiên mình phải cho chủ nhà biết mới được. Cứ như trong câu chuyện của hai người kia thì ngày mai chủ nhà họ dọn tới...

Bố tôi:

- Và chừng như hai thằng bất lương định ăn hàng ngay chủ nhà thì phải. Một thằng có nói gì mà "lâu lâu mới cho họ một vố", rồi gì mà "tụi mình nổi tiếng về những vụ này, ai mà không biết"...

Mẹ tôi:

- Được rồi, tôi sẽ ở nhà đợi người chủ nếu họ đến muộn. Còn ông với bác đi báo cảnh sát. Nhớ đem bọn thằng Hoạt đi theo cho chúng nó khai với người ta...

Ba đứa chúng tôi cùng thấy hãnh diện với bọn con gái vô cùng. Chúng tôi sắp được đi gặp những người chức sắc. Chúng tôi đã thực sự là ba chàng thám tử!

Tối đi ngủ, tôi đã mơ sáng hôm sau mình được ngời khen nhiệt liệt về chí phiêu lưu, mạo hiểm và óc phán đoán, suy luận tuyệt vời.
 


VIII. - BẬT MÍ BÍ MẬT

Sáng sớm hôm sau, còn đang mơ màng, tôi nghe tiếng léo nhéo trước cổng biệt thự. Tung mình khỏi giường, chỉ kịp đi rửa mặt, đánh răng sơ sơ, tôi chạy vù ra phía trước. Mọi người đã có mặt đông đủ ở đó.

Mẹ tôi đang tiến đến phía bốn người lạ. Ba người đàn ông và một người đàn bà từ một chiếc xe du lịch vừa xuống. Họ đang sửa soạn đồ đạc để vào biệt thự Mẫu Đơn.

Mẹ tôi tiến tới chào hỏi một người trong bốn người này:

- Có phải các ông bà là chủ của căn biệt thự này không ạ?

Người đàn ông đáp:

- Vâng, chính thế, căn biệt thự này là của vợ chồng chúng tôi. Tôi xin giới thiệu với bà, đây là vợ tôi và kia là hai người bạn thân của vợ chồng tôi... Còn bà... Xin lỗi bà, bà là ai ạ?

Mẹ tôi tự giới thiệu:

- Tôi là người đến nghỉ hè tại biệt thự Phù Dung cạnh biệt thự Mẫu Đơn của ông bà. Đây là chồng tôi, đây là hai bác Duy, chủ nhân biệt thự Phù Dung và kia là các cháu của chúng tôi...

Bốn người lạ và những người trong gia đình chúng tôi chào hỏi nhau xong xuôi, mẹ tôi mới nói:

- Sở dĩ tôi đường đột đón gặp ông bà là vì chúng tôi vừa biết được một điều quan trọng có liên quan đến ông bà và căn biệt thự...

- Thưa bà, điều gì thế?

Mẹ tôi nhìn tôi:

- Đâu thằng Hoạt ra kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông bà đây nghe xem nào.

Tôi lần lượt kể sơ chững chuyện đã được chứng kiến và kết luận:

- Biệt thự của ông bà hiện là sào huyệt của một bọn cướp và chúng đang đợi ông bà ở trong ấy...

Vợ chồng người chủ nhà hỏi dồn tôi, giọng đầy ngạc nhiên:

- Cậu nói sao? Nhà chúng tôi là sào huyệt bọn cướp?

- Chúng đang đợi chúng tôi để cướp?

Một người bạn của vợ chồng nhà này bước ra hỏi tôi:

- Chính mắt cậu trông thấy bọn cướp à?

Tôi nhìn người này kinh ngạc. Ông ta có giọng nói giống hêt giọng nói của tên bất lương mà chúng tôi gặp ở biệt thự Mẫu Đơn, cũng là tên không ho của tối hôm qua. Người kia bảo:

- Đâu nào, cậu thử thuật lại cho rõ ràng hơn cho chúng tôi nghe thử xem nào...

Tôi thuật lại rõ ràng theo lời yêu cầu của người này. Nghe xong, người này nhìn người còn lại, rồi cả hai hội ý, cùng cười rũ ra. Người bạn thứ nhì của vợ chồng chủ nhân biệt thự Mẫu Đơn cố nín cười, nói với vợ chồng nhà này:

- Anh chị xem... hự hự... thì ra tối hôm qua... hự hự... chúng tôi bị rình mà... hự hự... chúng tôi chẳng hay biết gì cả...

Tôi trố mắt nhìn. Những người còn lại trong gia đình tôi và gia đình bác Duy cũng thế, cứ ngần người ra chẳng hiểu gì cả.

Người không ho hỏi tôi:

- Có phải các cậu thấy người ngủ quên trong biệt thự hôm trước mặc áo xanh da trời phải không? Chính tôi đấy.

Bố mẹ tôi và hai bác Duy:

- Chuyện gì đã xảy ra?

- Sao lạ vậy?

Đầu óc tôi lúc này rối bời lên, chẳng hiểu gì cả. Người bạn chủ nhân biệt thự nói với chúng tôi;

- Chuyện này có lẽ anh em chúng tôi là người hiểu hơn cả. Vậy bây giờ xin mời tất cả cùng vào trong biệt thự, chúng tôi xin kể rõ đầu đuôi, chứ nãy giờ, mình đứng ngoài này cũng đủ mỏi chân rồi...

Và khi mọi người đã ai ngồi chỗ nấy, câu chuyện dần dần được sáng tỏ. Thì ra hai người mà chúng tôi đã nghi là bọn cướp chính là hai người bạn thân của chủ nhân biệt thự Mẫu Đơn. Họ được tin bạn sắp dọn về nghỉ hè, nên lén đến mỗi đêm để quét dọn, lau chùi bàn ghế trước hầu dành cho vợ chồng bạn một sự ngạc nhiên. Họ đã thực hiện những tấm bảng kẻ chữ để sự ngạc nhiên đó thêm điều thích thú.

Tôi hỏi:

- Thế sao các ông không đến vào ban ngày mà lại đến vào ban đêm?

- Chúng tôi phải dến về ban đêm vì hai lẽ: thứ nhất là ban ngày chúng tôi thường ít thì giờ rảnh, thứ nhì là vì chúng tôi không muốn chung quanh biết, sợ hiểu lầm. Tôi nói thí dụ thế này nhé, như ở bên ấy biết chúng tôi đến rồi đi báo cảnh sát hay rằng có người lạ xâm nhập căn biệt thự này thì phiền cho chúng tôi lắm. Vì quả thật ngoài tư cách là bạn của chủ nhân biệt thự, chúng tôi chẳng có giấy tờ gì để chứng minh cho sự có mặt của mình trong căn nhà này là hợp pháp cả...

Thằng Hồng:

- Thế còn những hàng chữ trên núi Bãi Dâu ký tắt M.Đ.?

- M.Đ, là chữ tắt của hai chữ Mẫu Đơn, tên của biệt thự này...

- Hai ông đã giết và thủ tiêu cái gì mà "không để lại một vết máu" nào cả?
 
- Thì ra tụi tôi nói gì, các cậu đều nghe được hết! Sự thật là thế này, hôm ấy, anh em chúng tôi có đem con gà lên trên ấy làm thịt, nướng ăn với xôi vò...

- Một người lên đấy ngửi thấy mùi hôi...

- Có lẽ bộ lòng gà chúng tôi vất đi đã trở mùi...

Thằng Dương:

- Còn chuyện "ăn hàng"?

- Các cậu khéo tưởng tượng thì thôi, "ăn hàng" mà hôm ấy tôi nói có nghĩa là "đi ăn sáng" chứ có phải là "ăn cướp" gì đâu...

Đã hết thắc mắc, mọi người cùng cười vui vẻ. Mẹ tôi:

- Thế mà chúng nó làm người lớn chúng tôi tưởng có chuyện quan trọng lắm. Suýt chút nữa thì ông nhà tôi và bác Duy đây đã đi báo cảnh sát rồi đấy...

Chủ nhân ngôi biệt thự:

- Cũng may mà hai người bạn chúng tôi đến đây tối hôm qua để thu dọn đồ đạc lần cuối, sáng nay lại ra đi sớm để đón chúng tôi đến... Chứ không, chúng tôi thế nào cũng đến muộn...

Bố tôi nhìn ba đứa tôi - ba chàng thám tử - và bảo:

- Tao đến phục tài trinh thám của chúng mày.

Chúng tôi ngượng đến đỏ bừng mặt. May sao lúc ấy, bác Duy quay sang hỏi chuyện mấy người của biệt thự Mẫu Đơn:

- Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin mạn phép ông bà cho biết quý danh để xưng hô, dầu gì, mình cũng ở cạnh nhau, còn nhiều dịp gặp nhau nữa...

Chủ nhà giới thiệu:

- Vâng, chúng tôi rất hân hạnh được làm quen với các ông bà ở bên ấy. Tôi xin tự giới thiệu vợ chồng tôi là Cửu Long và Hương Giang. Hai người bạn của chúng tôi là hai anh Ba Vì và Thất Sơn...

Mẹ tôi a lên một tiếng:

- Thì ra ông bà là cặp nghệ sĩ Cửu Long và Hương Giang vừa đi trình diễn bên Pháp về?

Con Hoa thì nhìn ông Ba Vì:

- Ông... ông Ba Vì, cây hề nổi tiếng của Non Nước Việt đây mà, hèn chi nghe giọng nói của ông, chúng cháu thấy quen quá chừng đi... Ông biết không, ngày nào tụi cháu cũng nghe đĩa hát của ông hết đó...

Gớm! Con bé nịnh kỹ thế!

Nhưng kìa, tay hề Ba Vì đang cười khúc khích rồi sau đó, nghiêm nét mặt, hỏi chúng tôi một câu:

- Tôi có câu này hơi tò mò một chút, xin mọi người thứ lỗi cho. Tôi có một thắc mắc: là không biết các ông bà, các em ở bên ấy đến đây nghỉ hè đã lâu chưa?

Mẹ tôi:

- Chúng tôi đến được một tuần rồi, và sáng nay, chúng tôi định xong vụ này, sẽ về Sài Gòn...

- Thế thì thật uổng... Tôi đang có ý định này mà bên ấy lại về thì hỏng cả...

- Ông có ý định gì cơ ạ?

- Tôi đang định đề nghị với anh chị Cửu Long Hương Giang là hôm nay là ngày anh chị đến đây nghỉ mát, lại tình cờ được quen biết mọi người nơi đây, nếu có một bữa cơm thân mật thì thật là vui vẻ...

Bọn trẻ chúng tôi thấy nhân cơ hội này có thể ở lại được, nhao nhao lên làm áp lực:

- Ông Ba Vì nói phải đó bố mẹ...

- Bữa cơm thân mật quả là cần thiết...

- Ở lại nghe bố mẹ... Con sẽ đề nghị ông Ba Vì giúp vui một bài ca hài hước...

- Con sẽ kể lại thành tích "bắt thủ phạm ăn tép" của con...

- Con sẽ kể thành tích "tìm tờ giấy trăm đỏ"...

Bố mẹ tôi hội ý với hai bác Duy. Sau đó, thêm vợ chồng chủ nhân lên tiếng mời ở lại nữa, chúng tôi đón nhận được bốn cái gật đầu. Mẹ tôi nói:

- Chúng tôi xin bằng lòng...

Bọn trẻ chúng tôi chỉ chờ có bấy nhiêu, reo hò ầm lên. Ba chàng thám tử quên hẳn nỗi ngượng ngùng khi nãy.


ĐOẠN KẾT

Chuyện đến đây kể như đã hết. Nhưng tôi nghĩ thế nào cũng có bạn muốn biết sau đó thì sao?

Sau đó thì... ôi, kể ra càng thêm xấu hổ cho chúng tôi ba đứa. Ba chàng thám tử bị mọi người đua nhau chế là... trinh thám giỏi... suy luận hay... gan dạ phi thường... sinh viên luật có khác...

Chúng tôi biết thân biết phận, chỉ còn lấy nụ cười để trả lời.

Có một điều khiến chúng tôi sung sướng. Là sau những đau khổ (!) dồn dập, chúng tôi đã có cơ hội để tranh đấu và chúng tôi đã thắng: chúng tôi được ở lại thêm ba ngày để đi xem hát đoàn Non Nước Việt do lời mời của cây hề Ba Vì và người bạn: kép Thất Sơn!

Khi về Sài Gòn, nhân một hôm có mặt đông đủ, Dung đã nhắc lại chuyện cũ và chế tôi:

- Chắc thế nào "ông luật sư" cũng viết một bài tường thuật chuyện này để đăng báo.

Chừng như coi thường tài viết lách của tôi lắm! Lũ em tôi vào hùa với Dung mát mẻ tôi;

- Chắc anh Hoạt sẽ lấy tựa truyện là "Một chuyến mạo hiểm" hay là "Một vụ điều tra"... Nghe hấp dẫn đấy chứ!

- Và nhất định thế nào tòa báo cũng sẽ cho bài của anh phiêu lưu vào sọt rác vì chuyện phiêu lưu mạo hiểm quá ư rùng rợn đến nỗi chả làm một ai hồi hộp lấy một tí nào cả...

Tôi im lặng. Nhường nhịn tất cả. Một câu nhịn chín câu lành mà. Thật sự thì tôi không có ý định viết lại chuyện này, nhưng đã thế, cho tất cả biết tay tôi. Tôi sẽ viết cho thật hay để gởi đăng báo. và tôi hy vọng bài của tôi sẽ được đăng sớm. Có một điều mà tôi còn thắc mắc mãi, là không biết tôi phải gọi truyện này là loại truyện gì? Truyện phiêu lưu mạo hiểm hay truyện vui cười hoạt kê?

Nữ thi sĩ Hường Hường, em gái tôi, có làm một bài thơ. Nó bảo nó sẽ gởi đăng báo Tuổi Hoa. Tôi lén cóp pi và chép vào đây luôn thể. Bài thơ như thế này:

Anh tôi làm thám tử
Suy đoán thật là cừ
Nào lục soát biệt thự
Nào rình rập quân thù
Kết quả thật là thú
Buồn cười như bị... cù (lét).
                          Hường Hường.

xong ngày 19-9-1971     
Biên Hòa             
NGUYỄN THÁI HẢI    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 169, ra ngày 15-1-1972)
 


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>