Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Trên Quê Hương Ta Yêu Dấu

 

1
 
Tôi từ bỏ ruộng đồng đi lên mạn đê cao, đưa mắt nhìn sang bên kia sông. Nước thủy triều đang dâng lên theo con trăng mười bốn. Một vài chiếc thuyền tấp vào bờ. Bãi cói lấm láp bùn, đâm tua tủa lên không. Sóng gió dồn dập vỗ vào bậc đá bắc ra lòng sông. Tôi lang thang tìm vào một mái nhà cỏ làm quán nước ở bến đò. Mùi cám rang vàng ngậy và mùi lá gói bánh còn vương lại đâu đây. Con đường nhỏ về làng thưa thớt một vài người đi soi ếch nhái, ngâm lờ ban đêm. Cảm giác bâng khuâng và bình dị của người dân quê trong lũy tre xanh. Quê hương tổ quốc thân yêu nhất của tôi lúc này là đây. Suốt đời thơ ấu, tôi chưa bao giờ phải nghe tiếng súng. Tôi nhìn thấy cuộc đời thơ ngây và tuổi trẻ của đàn em lối xóm. Mẹ tôi may những chiếc áo chúc-bâu nhuộm nghệ vàng khè làm phần thưởng cho đứa con xưng tội lần đầu. Sân nhà tôi đêm trăng mười sáu có lũ con trai bẻ cành dâu chơi trò tìm dấu. Tôi chạy và ngã sưng môi, máu chảy loang ra vạt áo mới may. Và khuya lắm tôi mới dám  đi ngủ. Mẹ tôi soi đèn bắt muỗi cho tôi và tôi trộm nhìn thấy người nhíu mắt có vẻ không vui. Ai lớn lên cũng thấy đời mình có nhiều thay đổi mới. Tôi không mặc áo màu vàng nghệ nữa và trên đầu tôi không có hai trái đào lơ thơ nữa. Tôi nhìn thấy lũ con trai của bác Dương, người lính theo Tây từ Hải Phòng về. Chúng nó văn minh từ cái đầu, đôi dép cao su và bộ quần áo màu nhà binh. Tôi tự thấy mình không đáng đi chơi với chúng nó. Rồi khi dân vùng lân cận lánh nạn ở nhà tôi, tôi bắt đầu thấy cuộc đời mình nhuốm một chút không vui. Đêm tối, lũ trẻ hàng xóm đi ngủ sớm. Tôi men ra mấy đống rơm ở trước nhà ngồi hóng gió và nhìn đạn lửa bay xẹt trên trời cao. Tôi lo sợ cho anh Hưng phải đi vác súng đạn cho bọn lính Tây từ dưới bến đò lên đồn Kha Lý. Con chó mực sủa một hồi dài rồi trở vào thềm cao đi ngủ. Căn nhà năm gian im lìm tĩnh mịch. Mẹ tôi sửa soạn bữa cám heo sau hết. Tôi lại ngửi thấy mùi cám cháy, khê thơm phức pha lẫn với mùi lá bèo và những rêu rong chín ngút. Khi ấy thầy tôi từ xóm Đông về nhà. Cánh cổng bằng tre khép lại. Không khí ấm cúng ở bên trong. Chiếc đĩa dầu lạc đã cạn và ngọn lửa tàn dần. Chỉ còn một ngọn đèn chầu leo lét trên bàn thờ. Tôi ôm lấy hai ống chân thầy tôi để đánh đu và người bế tôi trên tay như đứa trẻ còn nhỏ lắm. Và ngay đêm ấy, không biết tôi có ngủ được hay không. Giấc mơ kinh hãi làm tôi bỏ nhà đi sang bên kia sông. Nơi đây là một đồng cỏ bao la bát ngát chạy dài tới chân trời xa tít. Đi hết cánh đồng lúa thơm hương là làng Cổ Am có nhiều nhà ngói cây mít. Những con đường cát mịn bò ngang dọc như một thành phố nhỏ. Mẹ và chị tôi thường đi đò sang cất hàng xén ở đây. Tôi biết những người dân Cổ Am phong lưu lắm. Họ ăn chơi như bậc vua quan vương giả. Về sau khi máy bay oanh tạc quê hương ấy, tôi mới biết nơi đây là lò lửa cách mạng. Cả làng ra tro và người ta đổ xô sang làng tôi. Ngày đêm  lửa đạn ngút trời. Người ta bồng bế nhau đi tìm nơi tạm trú. Bác Văn có người con gái tên là Nụ bị chết đuối trong khi chạy giặc. Sang đến nhà tôi, bác còn kêu gào như mụ điên. Bác chửi lũ Tây thực dân cướp con gái bác. Chồng bác mỗi khi được về thường đem theo hộp thịt bò và mấy ổ bánh mì. Bác mong chóng bình an, lũ Tây đi nơi khác để dân làng trở về lập nghiệp, khói lửa không còn nghi ngút nữa và ruộng cầy bắt đầu xanh um. Lũ trẻ con được ra đường hóng mát.

Từ khi bờ sông bên kia trở lại nếp sống bình thường tấp nập, nhà tôi vắng vẻ hơn. Bác Văn thuê đò trở về làng. Năm sau chiến tranh tràn tới bên này sông, những vườn cây trơ trụi. Những con đường vỡ toang nứt rạn. Tôi cảm thấy quê hương tôi bắt đầu đau xót. Lúa thôi lên đòng đòng. Bầy trâu ngơ ngác bên bờ nước ao tù. Nắng gay gắt hơn. Hàng quán trên đê vắng người. Chỉ có những người mũi lõ, tóc quăn nói chuyện bô bô, cười giỡn trong đó. Chị tôi về nhà không dám bán hàng nữa. Đêm tối mới thực là buồn tẻ. Tiếng giầy xăng-đá nện cồm cộp trên đường. Chó thi nhau đổ xô ra sủa. Mùi rượu nồng nặc bay theo gió vào trong xóm. Tôi thường nằm trong xó nhà, trùm chăn lên tận mắt để khỏi nhìn thấy những lỗ thủng trên mái nhà. Có đêm nào đó, tiếng súng nổ ở xóm Đông và ngày mai người ta thấy đám ma anh Tạo. Anh sợ Tây quá nên nấp vào chuồng trâu và bị bắn vỡ sọ. Vợ anh không dám khóc thành tiếng. Chúng tôi cầm cờ tang cho anh và khi hạ huyệt tôi thấy chị Tạo ngất đi.


2

Tôi ước ao một đêm nào không xa lắm, được làm con đường làng cát mịn. Không có một tiếng giầy đinh vang rền. Không có lũ tù nhân oan uổng bị người ta bắt đi, bắn thả trôi sông. Nhưng là một con đường bé nhỏ, bình yên có nhiều bóng cây mát dịu chẳng hạn cũng như một vài cụm dứa dại, một hai cây soan hoa tím hay hai bên trồng nhãn lồng rất ngọt. Mùa thu vàng chín, có những con chim đến tìm ăn và làm tổ. Đứng trước sự bất lực của mình, tôi cảm thấy mình càng nhỏ bé vô tận. Làm sao được vùng lên một chút như con sông kia cau mặt hờn giận. Làm sao được như hàng cây thiếu nước mà chết rũ, cũng là thái độ hờn căm. Ít ra được như loài chim xứ lạnh bay đi tìm đất sống. Nhưng không may tôi vẫn chỉ là con đường, một con đường phải thấy, phải nhìn, phải cam chịu định mệnh đau thương. Tổ tiên tôi, dòng tộc tôi, quê hương, dân tộc da vàng Việt Nam của tôi bị thiệt thòi nhiều quá. Cho đến hôm nay, tôi vẫn làm thân phận một con đường, vô tri vô giác của sỏi đá. Tôi điếc và đui mù què quặt, không còn hơi thở, cảm thông và hành động để phản ứng nữa.

Buổi chiều trăng đã lên rồi. Tôi ra bến sông nhìn về bên kia có đồng cỏ xanh tươi. Lũ mục đồng thưa thớt về thôn. Gió chiều từ mặt sông đưa lên mát quá, tôi nghe tiếng rì rào ở bên tai và ngửi thấy mùi bùn đất phù sa nồng nặc. Rặng lúa nằm rạp như tín đồ sám hối trong gian nhà thờ ở quê tôi. Từ xa lắm có tiếng chuông đồng trầm trầm cung kính. Lời kinh vực sâu xót xa cho người ra đi yên nghỉ đời đời. Tôi nghĩ đến anh Tạo, cô Nụ và biết bao anh em đồng bào tôi nằm xuống. Lòng đất này còn chuyển động và mùa thu ngọn cờ mình nhuốm máu. Ngày đó cây sậy bên sông cũng âu sầu đau khổ và tổ tiên còn hiện về như bóng ma. Con đường này không có vết chân người đi và tất cả là rừng hoang rậm rạp. Tôi bỗng vùng chạy về nhà. Gió bay. Tóc bay. Lá bay đầy đường. Cánh cổng tre khép lại. Thầy mẹ tôi quây quần bên bếp lửa. Nồi cơm nếp vừa sôi. Tôi chờ trăng lên cao để ngủ qua đêm và ước ao không mơ thấy con đường mấp mô vết đạn.


THỤY ANH             
(Trích tuyển tập truyện ngắn 
 "Bè Lau Qua Sông", sắp xuất bản)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 2, ra ngày 20-5-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>