Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Con Vắt

 

Nếu ruộng nước, ao hồ, đầm lầy, sông lạch ở đồng bằng thích hợp với đỉa thế nào thì vùng cao nguyên, đồi núi, rừng sâu heo hút kia cũng thuận lợi với vắt như vậy. Quả thế, hễ cứ nhắc đến núi rừng là ngoại trừ thú dữ ra người ta lại liên tưởng ngay tới vắt, vì họ có thể gặp chúng bất cứ lúc nào, nơi nào trên lộ trình xuyên sơn mà không sợ nguy hiểm.

Dù có sự cách biệt rõ ràng về địa điểm sinh sống, vắt vẫn được xếp vào nhóm Hirudinea tức là thuộc loài đỉa, bởi lẽ cả hai đều mang bắp thịt vòng Annelidae và là ký sinh trùng chuyên bám vào động vật để hút máu nuôi thân, tuy nhiên hình dáng, màu sắc lại chả giống nhau chút nào. Thật vậy, thân vắt nhỏ nhắn tựa con giun - nhiều khi chỉ bằng que tăm - lại hơi dèn dẹt thon thon đầu to đầu nhỏ chứ không tròn hẳn hay phình lên cục mịch như đỉa. Dĩ nhiên vắt cũng có hai hấp khẩu - hấp khẩu nhỏ là mồm dùng để hút máu con mồi, hấp khẩu lớn là hậu môn - nhưng những hấp khẩu này còn là phương tiện để di chuyển đó đây. Vắt chỉ dài hai , ba phân - họa hoằn lắm mới thấy con lớn tới bốn, năm phân - với những lằn ngang do lớp da mỏng bao bọc các bắp thịt vòng bên trong. Lớp da này khá dai, nhẵn bóng mang màu nâu nhạt phía trên lưng và sậm hơn ở hai bên cạnh.

Khác hẳn với đỉa ưa sống dưới nước, vắt chỉ hoạt động trên cạn. Chúng chuyên chui rúc bên dưới bao lớp xác lá, cành cây, rác rưởi mục nát để săn bắt côn trùng nhỏ bé gồm giun, dế, ốc, sên v.v... là những món ăn chính yếu khi chưa bám được vào động vật khác. Vì thế, nếu không quan sát kỹ trên đường mòn nơi rừng sâu, chắc chắn chúng ta khó nhận ra vắt. Loài này chỉ xuất hiện nhan nhản (ít nhất cũng phải hàng trăm con) đó đây mỗi khi chúng nhận thấy mặt đất bị khuấy động tức là có dấu hiệu thú vật hoặc người qua lại gần kề để đổ xô tới kiếm ăn. Ngay cả khi có những hạt mưa rào đổ xuống là y như rằng vắt ta rủ nhau lóp ngóp từ các nơi trú ẩn chui lên, để rồi lổm ngổm tìm chỗ khô ráo mò tới như kiểu chúng ta chạy nạn lụt vậy. Vắt vốn "kỵ thủy" nên đang lúc dò dẫm loanh quanh mà gặp phải vũng nước tức thì vắt rụt lại đoạn ngoắt sang bên cạnh, và nếu chẳng may phía này cũng có trở ngại, chúng thụt lui bằng cách xoay cả thân mình sang hướng khác.

Theo dõi sự di chuyển khật khà thoạt tiên chúng ngóc đầu trên lên, đoạn nhờ các bắp thịt toàn thân giúp đỡ, vắt ngoe nguẩy đảo đi đảo lại sau đó vươn mình đặt đầu này xuống đất, trong lúc toàn thân uốn cao cong lên theo hình vòng cung rồi mới nhả đầu dưới ra để lấy đà thu về đằng trước gần sát với đầu kia. Cách thức tiến bước của vắt chỉ có vậy, nghĩa là dùng ngay hai hấp khẩu để xê dịch chứ không bò như giun. Người ta cũng bắt gặp chúng leo cả lên cành cây, bụi rậm kiếm ăn. Điểm cần biết thêm là vắt còn dùng giác quan để nhận ra con mồi từ xa này sửa soạn tấn công.

Y hệt loài đỉa, khi đã may mắn "chộp" được con mồi, vắt ta bám thật chặt rồi tiết ra một chất nhờn với mục đích giữ kín các mép hấp khẩu lại. Chúng chỉ chực buông nhả "nạn nhân của chúng" khi nào đã no nê căng bụng, do đó, bạn đừng có dại rút ra trong lúc vắt đang say sưa hút máu kẻo vết thương sẽ tiếp tục rỉ máu mãi. Ở trường hợp này, bạn lấy ngay miếng giấy quyến dán vào để cầm máu cho tới khi máu khô mới thấm ướt rổi hẵng bóc.

Thường thường dấu vết loài vắt để lại trên đường di chuyển hay nơi nó vừa hút máu là một lớp chất nhờn óng ánh. Chính chất nhờn đó sẽ gây cho bạn ngứa ngáy khó chịu, và nếu da thịt bạn thuộc loại "dữ", bạn sẽ bị ghẻ dù đã săn sóc cẩn thận.

Khi hút máu, vắt thường âm thầm "làm việc" thật nhẹ nhàng êm ái đến nỗi con mồi khó lòng biết được hiện mình đang là nạn nhân của chúng. Đã vậy, vắt lại khôn ngoan khéo léo vô cùng. Chúng cố len lỏi để bám cho bằng được vào da thịt, dù chúng ta đề phòng cẩn thận. Nhiều binh sĩ kể lại rằng họ đã nhét chặt hai ống quần vào giầy "bốt" và buộc dây cẩn thận tưởng như con kiến cũng không chui lọt, thế mà sau khi về tới đồn trại, lúc cởi giầy ra mới thấy một vài chú chàng rất mập ú lăn kềnh xuống đất "ăn vạ" vì no máu quá lết đi chẳng nổi. Họ thắc mắc không biết chúng lọt vào được bên trong giầy bằng cách nào và từ bao giờ nữa. Nguy hiểm nhất là có thể vắt chui tọt vào tai, mũi rồi vì cùng đường, chúng ở lì luôn trong đó làm tắc nghẽn khí quản hoặc gây nhiễm trùng khiến các cơ quan đó sưng tấy lên vì máu ứ đọng, ấy là chưa kể trường hợp vắt rúc mãi rồi tiện đường trườn luôn lên óc như thiên hạ vẫn đồn đại. Đã có lần những toán cấp cứu tìm thấy một người bị thương vì tai nạn nào đó nằm chết trong xó rừng. Chung quanh và trên cả xác nạn nhân, hàng vạn con vắt lúc nhúc bâu vào đen kịt. Chắc hẳn vì kiệt sức anh ta ngã gục xuống để rồi trở thành mồi ngon cho vắt. Trong trận thế chiến thứ nhì (1939-1945) nhiều binh sĩ đồng minh hoạt động giữa các cánh rừng già bên Diến Điện, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Mã Lai bị từng "sư đoàn" quân vắt tấn công gây trở ngại không ít.

Tóm lại, vắt là "sản phẩm" đặc biệt của núi rừng và ở khắp mọi nơi: Từ miền Nam Mỹ, Phi Châu tới Á Châu đều có chúng với hằng hà sa số con cháu sẵn sàng chờ đón con mồi.

Để diệt trừ vắt, người ta dùng loại thuốc dầu hóa học xoa lên chân, tay, mặt mũi và vẩy chung quanh lều (nếu ngủ lại trong rừng), vì gặp chất này, vắt vội vàng bỏ chạy cho nhanh kẻo chết.


ĐẶNG HOÀNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 123, ra ngày 1-4-1974)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>