Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Thư Cho Con Yêu Dấu



(Mến tặng: Hồ văn Hảo, Cao Đình Phần
Ngô Vĩnh Chương và Trần Hữu Tuấn)
 
Buổi chiều xuống thật êm đềm. Những vệt nắng vàng mong manh chiếu xuống ngọn keo xa trước nhà lấp lánh. Chú bé ngồi trên chiếc ghế buổi chiều ồn ào nhộn nhịp. Con đường đủ các thứ âm thanh góp lại. Tiếng chuông xe xích lô, xe đạp và tiếng cười của bọn trẻ vang trong gió. Bọn trẻ đang chơi trò năm mười. Bọn trẻ đã rủ chú cùng chơi nhưng chú từ chối, viện cớ rằng trông nhà cho mẹ làm cơm. Trong nhà có tiếng giấy bị xé sột soạt. Cậu bé em chú đang xé vở cũ để gấp những chiếc máy bay giấy. Có mùi chiên xào phía sau bay lên thơm phưng phức.

Chỉ còn một tuần nữa thì nghỉ hè rồi. Năm nay chú bé học bết quá. Cuối năm có lẽ cậu xếp hạng ba mươi trở lên là ít. Thế nào bố về bố cũng phạt và không cho quà nữa chứ! Bố đi hành quân lâu quá rồi, bố bảo tháng này bố sẽ về. Nhưng chưa có tin tức gì cả. Chả biết bây giờ bố ra sao nhỉ?

Chú bé nghĩ miên man. Có tiếng gọi dưới bếp vọng lên cắt ý nghĩ của cậu bé.

- Vũ ơi, dọn cơm ăn con!

Cậu bé dạ vang và nhảy nhanh xuống ghế bố. Vào nhà chú bé bảo em nhặt vội giấy để dọn cơm. Bữa cơm được dọn ra trên bàn. Những hạt cơm trắng vun đầy chén nghi ngút khói và hơi từ các đĩa xào bay lên. Chú bé chun mũi hít lia lịa và nhìn những làn khói tan trong gió. Em chú bé ôm chiếc thau đỏ từ dưới chạy lên nói như hét:

- Đi mua đá!

Thằng bé vừa ra khỏi nhà bỗng hét lên sung sướng:

- A bố về!

Nghe tiếng hét chú giật mình, bỏ vội mâm cơm bốc khói chạy ra ngoài:

- Bố về, bố về mẹ ơi!

Bố chú trở về như một vị thiên thần. Chiếc mũ bê rê trên đầu. Gương mặt bố cháy nắng. Bố chú cười. Bộ áo quần sũng ướt toát ra mùi ngai ngái. Trên vai bố là vòng hoa trắng. Sau lưng là ba lô và có cả súng nữa chứ. Thế nào em chú cũng bảo bố bắn cho bọn trẻ phục bố chú chơi, nhưng chú không thích trò chơi đó, lỡ... Bố đang cười với mẹ. Chú rờ khẩu súng và không nghĩ tiếp nữa. Khẩu súng bằng nhựa đen nằng nặng. Bố chú đặt vội ba lô lên bàn cơm. Bố quay lại nhìn chú cười toe. Chú cười theo. Bố chú hỏi:

- Bắn súng không?

Chú cười. Em chú cũng vừa mua đá về tới. Thằng bé hấp tấp bỏ vội thau đá lên sàn nhà rồi vòi vĩnh:

- Bố bắn thử đi bố!

Bố chú trả lời:

- Để tí nữa đã!

*

Hai anh em chú bé hỏi bố đủ thứ chuyện, bố trả lời không ngớt. Bố cười. Cuối cùng thằng bé đòi quà. Bố bảo, bố không mua kịp, vì máy bay về gấp nên bố không định trước và quên rồi. Thằng bé ấm ức. Thằng bé đòi bố bế. Có tiếng mẹ hét, để bố thay quần áo đã chứ! Áo quần vậy mà đòi ẵm. Ê lớn rồi! Mắc cỡ chưa!

Thằng bé đỏ mặt cười toe và hét toáng lên. Chú bé cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời như những ánh nắng nhảy múa tưng bừng trong buổi mai. Ngoài đường bọn trẻ vẫn còn chơi năm mười và tiếng bọn trẻ la vang.

Buổi tối, mọi nhà đã lên đèn. Mẹ chú bé đang rửa bát phía sau. Ba bố con chú bé ngồi trên phản. Chú bé ngồi nhìn ra bầu trời đêm. Bầu trời xanh thẫm lấp lánh các vì sao. Bố đang đùa với em chú. Thằng bé chỉ lên tay áo trận bố hỏi:

- Cái gì đây bố?

- Cánh gà.

- Cánh gà là gì hở bố?

- Là thượng sĩ.

Thằng bé la:

- A bố được lên thượng sĩ hở?

- Ừ.

Chú bé chê:

- Bố yếu xìu hà! Đi lính mấy chục năm mà có thượng sĩ.

Bố chú bé cười. Chú hỏi:

- Bây giờ, bố bắn súng không bố?

- Để mai đã!

Thằng bé:

- Bố xạo, bố bảo tối bắn bây giờ lại không bắn.

Bố chú bé:

- Bắn súng, cảnh sát bắt bố, bố sẽ chết!

Thằng bé nhìn bi61 ái ngại. Rồi thằng bé em chú hỏi lại:

- Ngày mai bắn hở bố?

- Ừ!

Thằng bé hỏi tiếp:

- Thế bây giờ làm gì bố?

- Đi phố!

- Rồi làm gì nữa?

- Xi nê và ăn kem. Chịu không?

Hai anh em chú nhảy cỡn lên, quên cả việc đang ở trên phản:

- A nhất quá rồi!

Bố đi hành quân lâu nay anh em chú ít được đi bát phố. Thỉnh thoảng hai anh em chú đòi mẹ dẫn đi, nhưng mẹ bảo không có bố buồn lắm. Vì thế anh em chú quên việc bát phố đã hai tháng rồi.

Bố chú bé nói như hét:

- Coi chừng gãy phản đó nghe!

Thằng em chú la:

- Sức mấy bố!

Bố cười rồi bước vào trong. Hai anh em chú nhảy xuống theo sau như hai chiến sĩ đang vào nơi tử địa.

Bố chú nói:

- Đi thay đồ đi chứ!

Em chú trả lời:

- Con mặc đồ này được rồi!

- Con cũng vậy, ban đêm ai nhìn đâu bố!

Bố chú cười trừ, rồi bế xốc em chú lên hôn lấy hôn để. Thằng bé nhột quá cười sặc sụa, đòi xuống. Bố chú đặt em chú xuống, bố nói với mẹ lúc ấy từ dưới đi lên. Chú bé nhìn mẹ và bố, tưởng tượng ra cuốn phim chiến tranh sắp xem. Chú nhìn ra con đường. Con đường dưới ánh đèn vàng nhạt, chú thấy từng khoảng tối đen và vàng lẫn lộn. Con đường lưa thưa vài người qua lại. Chú tự hỏi: "Sao con đường ban đêm vắng hơn ban ngày nhỉ?" Chú không bao giờ trả lời được cả, cũng như câu hỏi mỗi khi có người hỏi về bố: "Chừng nào bố cháu về?" Chú bé nghĩ vu vơ. Có tiếng khóa cửa và tiếng mẹ bảo đi. Chú bé choàng tỉnh. Trên con đường em của chú đang được bố dắt đi dưới ánh đèn vàng. Chú chạy vội đi. Bóng chú ngã dài.

*

Bố về được hai ngày, hai ngày ấy bố đem lại niềm vui cho gia đình chú. Tất cả như được bừng sống dậy sau giấc ngủ dài bây giờ nhận được ánh nắng. Mẹ vui và cười nói luôn miệng. Bố có lần giỡn đã bảo, mẹ làm nũng với bố, mẹ nguýt bố và đấm lưng bố thùm thụp. Trong lúc đó, thằng em chú thương bố mua cho bố chè để bố ăn cho bổ. Chú bé bất giác nghĩ tới cảnh ấy chú bé chỉ mỉm cười.

Thế rồi, bố chú nghỉ phép trọn vẹn được hai ngày rồi bố chú lại ra đi. Vẫn chiếc ba lô cũ kỹ, vẫn đôi giày, cái mũ, cây súng trên vai. Bố chú đi vào buổi sáng. Hôm đi bố chú đã hôn chú và em chú. Bố bảo, ráng học nghe con, sẽ có quà cho con và nhớ viết thư luôn cho bố nhé! Chú buồn bã ậm ừ. Ngày bố đi, mẹ chú nhìn theo bố, hình như mắt mẹ ngấn lệ. Mẹ chú chỉ nói với bố vài tiếng rời rạc đứt quãng. Anh đi bình an! Bố thì cười. Bố lúc nào cũng cười. Có lẽ cười là thiên phú của bố.

Ngày đi, bố chú đi lầm lũi, đôi vai bố chú trũng xuống. Đầu tóc bố đã điểm màu bạc. Hôm đó chú nhìn theo bố cho đến khuất bóng bố bên góc đường.

Một tháng sau, chú bé viết thư cho bố.

Nha Trang, ngày... tháng... năm 1972

Bố kính mến!

Bố, lâu quá rồi con không viết thư cho bố. Hôm nay con mới viết cho bố ít dòng như lời bố dặn khi đi: "nhớ viết thư cho bố luôn con nhé!" Vâng, hôm nay con viết thư cho bố đây! Bố bây giờ vẫn khỏe chứ bố? Me vẫn thường bố ạ. Hồi sáng Liêm - tên em chú - không đi học được. Me bảo Liêm đau bụng lãi vì ăn nhiều cà rem. Mỗi ngày Liêm ăn cỡ mười cây đó bố. Con vẫn thường, trường con đã nghỉ hè rồi bố. Nhưng hằng ngày con vẫn cắp sách đến trường bố ạ. Me cho con học tư trường thầy Dự. Thầy Dự hiền lắm cơ! Thầy con có râu lún phún dưới cằm và có râu quặp trên mép trông ngộ lắm bố ạ. Liêm học trường ông Cụ. Ông Cụ già bắt quỳ sơ mít đó bố. Ghê lắm bố ơi! Bố, bây giờ ở trên đó mưa nhiều không bố? Chắc trời lạnh lắm bố nhỉ? Ở đây vẫn thường bố ạ! Thị trấn miền biển nắng cháy với từng cơn gió xôn xao. Buổi tối trời hơi nóng đó bố.

Bố ơi! Chiều chiều me thường khóc lắm bố ạ! Me bảo me nhớ bố. Bố! Cuối năm con xếp hạng 32. Me không khen con. Liêm xếp hạng 4. Liêm ỷ học giỏi về nhà nhõng nhẽo với me hoài bố ơi! Me chiều Liêm. Ghét ghê bố ơi! Me chẳng thương con bố ơi! Nhưng mặc, con chả cần phải không bố. Bố còn nhớ lời bố dặn con không? "Người con trai phải làm việc phi thường, phải lập kỳ công. Nhưng không cần nghe lời khen hay chê thiên hạ". Phải thế không bố? Con sẽ làm việc phi thường cho mẹ xem phải không bố nhỉ?

Bố, ngày xưa lúc đi bố hứa sẽ mua quà cho con bố nhớ mua và gửi về cho con bố nhá! À bố! Me mới mua một con chó bẹc-giê đẹp lắm. Con đặt tên nó là Bi-nô nghe bố.

Bố ơi! Bố cho con ngừng bút nghe bố. Con xin hẹn thư sau.

Cuối thư con kính chúc bố vui khỏe và gặp nhiều may mắn.

Con của bố.
Vũ (chữ ký của chú bé ngoằn ngoèo trên trang giấy trắng)

*

Nửa tháng sau. Một buổi tối. Dưới ánh đèn. Chú bé mở từng trang giấy xanh mực đen lấm tấm bụi. Bức thư của bố chú bé viết về cho chú bé.

Tây Nguyên, ngày... tháng... năm 1972

Vũ con!

Bố đã đọc hết thư con và bố buồn cười ghê con ạ! Con lớn rồi, tám tuổi rồi, tám năm dài trôi qua rồi đó con. Ngày xưa, bố lên tám tuổi của bố, bố còn ở trần đi chơi rong và đi chăn bò, chứ bố có được đến trường học như con bây giờ đâu con. Tuổi thơ của bố chứa đựng cả khung trời quê hương đồng nội. Bây giờ nói đến, bố nhớ tới xóm nghèo của bố, quê hương bố. Quê hương của bố gay gắt dưới cơn nắng hè và lạnh lẽo u buồn dưới bầu trời đông con ạ! Bố làm sao quên được quê hương bố con nhỉ? Bố sinh ra, bố lớn, bố trưởng thành nơi đó. Quê hương bố nghèo, bố phải đi chăn bò để đổi lấy miếng ăn, chứ đâu có thời giờ để học. Con bây giờ được sống trìu mến trong vòng tay mẹ và lòng thương yêu của bố bên cạnh em con. Có bao giờ mẹ lại không thương yêu con đâu con? Tình mẫu tử bao giờ cũng bất diệt đó con ạ! Nếu một ngày nào đó, con sẽ nhận thức được thì từ đó con sẽ thấy tội lỗi của con đối với mẹ con. Nhớ nghe con nhé! Lúc nào mẹ cũng yêu con. Chẳng phải mẹ ghét bỏ con đâu Vũ ạ! Hãy vâng lời mẹ và thương yêu Liêm. Liêm nhỏ hơn con, con phải nhường nhịn em con, bênh vực em con, con nhé! Ngày xưa bố có nhiều anh em lắm con ạ! Chú bác và bố luôn luôn nhường nhịn lẫn nhau, bênh vực nhau thế nào cho ông bà nội con vui, chú bác và bố mới yên lòng. Bây giờ con được sống trong tuổi thơ ngọt ngào sữa mẹ, tuổi thơ của con có thiên đường, có bà tiên nhân ái. Tuổi thơ của con như hương mật ngọt, như tiếng sáo diều đêm hạ. Còn tuổi thơ của bố buồn bã lắm con ạ, buồn bã như mưa đông rả rích. (Chả phải bố dùng sáo ngữ với con đâu). Tuổi thơ của bố không có dòng suối ngọt, không có cỏ xanh mượt như nhung. Tuổi thơ của bố âm thầm theo dấu chân của bác nông phu, của con bò vàng theo dấu cày sâu cuốc bẫm, theo mùa ngai ngái của đất ủ, bố chả biết chữ u, ư, hay i, t là gì cả con ạ! Tuổi thơ của bố xấu số! Bố lúc ấy như một người mù dù mắt bố trông rõ và sáng lắm. Tuổi thơ của bố không được may mắn, bố chỉ biết thụ hưởng tuổi thơ của bố thôi con ạ! Vũ ơi! Con hãy hưởng trọn tuổi thơ của con, con nhé! Hãy hưởng cho hết niềm vui bất tận đó. Hãy ráng học nghe con. Con hãy noi gương em con Vũ nhé! Sự học không phải là một canh bạc chỉ mong vào đỏ đen và may rủi. Không phải thế đâu con! Con đã hiểu chứ. Sự học không có tính nút như bài cào ba lá. Con đã thua Liêm rồi đó con. Con có biết: "Học thức là cái chìa khóa để mở được mọi cửa." Cố lên con.

"Cố lên, tên lính nhỏ trong đoàn quân lớn lao kia! Cố lên con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề là tên lính hèn nhát." (1)

Vũ ơi! Học vấn con cao, lớn lên có thể con là vị tổng thống nhân từ, sáng suốt, thương yêu quốc dân, hay một vị thủ tướng khả ái hiền hậu. Bằng ngược lại con sẽ nhận lấy hậu quả, con sẽ làm một tên lính tầm thường như bố: "Trong thời chiến một tên lính chỉ là con số không vô tận con ạ. Hay khác nữa con sẽ làm một người thợ tầm thường, một bác làm công cho chủ. Vinh hay nhục hở con?

Việc phi thường của con đâu hở Vũ? Kỳ công của con đâu hay chỉ là một con số không nằm trong óc con, trong vở con, hở con?

Cố lên nghe con, thất bại là mẹ thành công đấy con ạ! Thua keo này con sẽ bày keo khác. Nghị lực của con có thừa. Đường đời của con còn dài. Nhớ nghe con, hãy làm một vị tướng anh hùng chứ đừng làm tên lính hèn nhát. Đừng buồn con nhé!

Vinh hay nhục: hai con đường, con hãy chọn lấy.

Thư bố dài, bố ngừng bút nơi đây con nhé! Hẹn con thư sau. Bố đã mua quà cho con rồi, sẽ có. Cho bố gởi lời khen Liêm con nhé.

Cuối thư bố chúc con khỏe vui và học giỏi.

Hôn con ngàn lần.

Bố yêu quí của con.
Thượng sĩ: Ngô Đại Danh

*

Chú bé xếp bức thư của bố rồi ngẩng lên nhìn bức ảnh bán thân của bố treo trên tường. Bên ngoài bầu trời xanh thăm thẳm. Sông ngân hà lấp lánh. Gió vi vu thổi. Từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi má hồng của chú long lanh.
 
 
NGÔ NGỌC BÍCH      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 67, ra ngày 3-12-1972)

_______________ 
(1) Trích "Tâm hồn cao thượng"
Hà Mai Anh dịch.

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>